Vòng quanh thế giới (8): Copenhagen như tôi thấy

01 Tháng Mười Một, 2017 | Đan mạch
Tác giả với hậu cảnh là ga xe lửa trung ương: người Đan Mạch chỉ băng qua đường khi hình người màu xanh hiện lên ở cột đèn. (Hình: TVTS)

Tôi chọn đến Copenhagen trước tiên và ở đây lâu nhất, đúng năm ngày năm đêm là có lý do. Trước hết tôi biết một ít về nước Đan Mạch nhờ nghe danh của một kiến trúc sư  (Jorn Utzon), người đã vẽ kiểu cho Sydney Opera House mà ngày nay có thể xem như một kỳ quan hiện đại của thế giới, là niềm hãnh diện cho nước Úc; người phụ nữ Úc có tên Mary Donalson nay đã trở thành Công chúa Mary và sẽ trở thành Hoàng  hậu Đan Mạch trong nay mai; Copenhagen là thành phố xanh kiểu mẫu của thế giới nổi tiếng có nhiều xe đạp để Melbourne bắt chước về một vài khía cạnh nào đó.

Thứ đến, đường bay gần nhất trong bốn nước Bắc Âu để có thể đi từ dưới lên trên (Oslo) và sau đó quẹo phải (Stockholm) đi thẳng (Helsinki) và xuống phía dưới (Warsaw) ở Đông Âu, là thành phố cuối cùng trước khi trở về Melbourne. Đó là tuyến đường tôi chọn để mua vé máy bay khi nhìn vị trí các thành phố trên bản đồ, dù biết rằng trên thực tế khi ngồi máy bay hay đã xuống đất, chẳng thấy hướng đông tây hay trái phải gì cả.

Không có người hướng dẫn,  biết chỗ nào mà đi, có ai để hỏi? Đơn giản thôi vì ngày nay đã có bác Google tinh thông mọi chuyện giúp cho. Rồi những tờ quảng cáo và hướng dẫn ở khách sạn, và quan trọng nhất, cứ đi ra đường nhìn và hỏi. Nhờ vậy tôi có thể lên đường đi lúc nào thấy thích và thuận tiện. Và đi cũng đã được trên 40 nước, để có kinh nghiệm kể chuyện đường xa mua vui bạn đọc.

Bạn biết gì về tính cách người Đan Mạch?

Khi mới đến Copenhagen, tôi được nghe từ giới du lịch của nước sở tại nói người Đan Mạch kín đáo dè dặt (reserved) và tôi cũng đồng ý như vậy. Nhờ ở trong năm ngày và một ngày tiếp xúc với người hướng dẫn viên bản xứ trí thức hiểu rộng, chẳng hạn khi ông bình luận về dân tộc khác (như Thụy Điển (hai nước đánh nhau 38 trận trong lịch sử), sự nói đùa chừng mực và không biểu lộ nhiều qua giọng nói hay tiếng cười.

Nhưng nếu bạn lên  mạng, bạn sẽ nghe vô số nhận xét về người Đan Mạch và tính cách của họ, đúng sai còn tùy!

Chẳng hạn, người Đan Mạch không nói cám ơn hay hỏi han chào nhau như ta thường thấy ở Mỹ và nhất là ở Úc, dù là những người chưa từng quen biết, ta cũng chào hỏi nói “how are you, thanhk you”. Bạn có thể gọi đấy là sự dè dặt kín đáo hay tôn trọng sự riêng tư của người khác, chứ không phải là bất lịch sự.

Người Đan Mạch thẳng thắn, tôn trọng sự bình đẳng, không có đối xử đặc biệt và tôn trọng luật pháp. Tôi để ý họ rất tôn trọng luật lệ, đặc biệt là khi băng qua đường. Bóng người màu xanh trên cột đèn là người cảnh sát chỉ đường cho họ. Họ chỉ băng qua đường khi có đèn xanh, dù ỡ ngã tư đang còn đèn đỏ và không có xe chạy, họ cũng không băng qua đường. Về chuyện này, tôi nghe nói và tôi đã thấy. (Mở ngoặc: đèn xanh chỉ bật lên cho người đi bộ đến nửa đường trong khi đèn đỏ bên kia vẫn mở, có nghĩa một nửa đường bên kia xe hơi vẫn chạy khi có đèn xanh cho người đi bộ, và ra tới gần giữa đường, thì đèn xanh đối diện mới bật tiếp cho người đi bộ. Tôi nghĩ đây là một lối  dùng đèn xanh đỏ thông minh).

Xe đạp là phương tiện di chuyển hàng ngày trong thành phố Copenhagen, mỗi người Đan Mạch sở hữu 2 chiế xe Đạp. (Hình: TVTS)

Người Đan Mạch thích đi xe đạp. Đa số dân chúng coi xe đạp là phương tiện di chuyển chính trong thành phố. Một phần là sở thích, là tính cách Đan Mạch và một phần cũng là biện pháp giới hạn xe hơi của chính phủ bởi thuế xe hơi bị đánh đến 180% khiến chiếc xe giá rẻ nhất cũng phải tới bốn chục ngàn Mỹ kim như người ta nói với tôi. Người đi xe đạp có rất nhiều nơi gởi xe và được mang xe đạp lên toa xe lửa trong một số trường hợp, bởi vậy mỗi người dân Đan Mạch có tới hai chiếc xe đạp.

Có lẽ  vì  nhờ đi xe đạp nhiều nên người Đan Mạch phần lớn thon, không mập như ở Úc hay Mỹ chăng. (Lại mở ngoặc: Một nhận xét khác, đàn bà con gái Đan Mạch rất nhiều người tóc vàng, vậy mà Đan Mạch vẫn là một nước văn minh và thông minh trong khi nhiều người cho rằng đàn bà tóc vàng thì đẹp nhưng không thông minh).

Người đi xe đạp ở Copenhagen không đội nón an toàn nhưng họ chạy xe đạp nhanh và lượn như điên, làm tôi có lúc cũng hoảng hồn bởi quên rằng mình đang đi trên đường dành cho người đi xe đạp, vì thấy ở đâu cũng là đường dành cho họ, khiến tôi phải nói với nhà tôi không sợ xe hơi mà sợ xe đạp cán. Nhưng người ta lại nói rằng, đạp xe vù vù như vậy nhưng lại không gây tai nạn.

Đi xe nhiều và đi nhanh đã là tính cách của người Đan Mạch nhưng tôi còn nghe nói rằng ở Đan Mạch để con trẻ nằm trong chiếc xe đẩy ngoài trời một mình là chuyện bình thường,  dù mưa hay tuyết rơi, miễn trẻ có chăn ấm.

Người Đan Mạch mê quốc kỳ của họ, lá cờ mà họ có cả tám trăm năm, xưa nhất thế giới, truyền thuyết là từ trời rơi xuống. Lá cờ nền đỏ hình chữ thập đi đâu cũng thấy, thậm chí người ta nói họ trang trí trong cả bánh sinh nhật. Họ hãnh diện với lá cờ, biểu dương lòng yêu nước khi treo hay trang trí nó bất cứ nơi đâu và trong ngày sinh nhật của Nữ hoàng  Margrethe II, người dân mặc y phục màu đỏ để tỏ lòng yêu hoàng gia tồn tại  lâu nhất Âu Châu, nhất thế giới chỉ sau Nhật.

Người Đan Mạch uống bia như hũ chìm. Bia được bán và phục vụ khắp mọi nơi và nghe nói từ 16 tuổi là có thể mua bia uống được rồi. Sự thoải mái này tôi đã được chứng kiến khi xem chương trình nhạc rock ở công viên Tivoli nơi hàng ngàn người chen chúc nhau nghe nhạc và rất nhiều thanh niên nam nữ tay cầm ly bia uống thoải mái mà không có chuyện gì xảy ra. Đan Mạch là nước sản xuất bia cũng nổi tiếng thế giới với hãng Carlsberg. Nhìn cung cách uống bia của người Đan Mạch ở nơi công cộng, chốn đông người mới thấy phong cách của người Đan Mạch đáng cho các nơi khác noi theo.

Người Đan Mạch đóng thuế rất cao nhưng an sinh xã hội rất tốt bởi vậy đất nước có khoảng 5 triệu rưỡi dân đã ba năm liền được coi là nước hạnh phúc nhất thế giới do tổ chức World Happiness Report của Liên hiệp quốc thực hiện từ năm 2012. Năm nay, Đan Mạch đứng thứ nhì sau Na Uy (Úc đứng hàng thứ 9; Việt Nam thứ 94).

Tác giả tại một nhà hàng sát cổng Tivoli Gardens: Người Đan Mạch thích uống bia và bia được bán thoải mái ở mọi nơi. (Hình: TVTS)

Người ta định nghĩa hạnh phúc  dựa trên các yếu tố như dịch vụ y tế, việc làm vững chắc, an sinh phúc lợi, an toàn xã hội, tự do dân chủ, nhà nước không tham nhũng, quan hệ gia đình tốt. Để con nhỏ ngoài đường mà không sợ bị bắt cóc và không bị cảnh sát hỏi thăm thì quả là xã hội này quá an toàn. Người dân sống thoải mái không cần ganh đua, có nhiều tham vọng (để rất nhiều khi phải thất vọng) thì quả sẽ được hạnh phúc.

Quan sát thành phố Copenhagen (sạch và trong lành), cuộc sống của những người Đan Mạch từ cách đi đứng, y phục và nhất là ăn uống, tôi thấy quả thật họ hạnh phúc. Tôi hỏi người hướng dẫn du lịch cũng là một nhà văn bán thời ông nghĩ sao khi người ta cho rằng đất nước của ông luôn hạnh phúc nhất nhì thế giới, ông cười nhẹ nhàng và nói cái  đó cũng tùy nhưng cũng có những người Đan Mạch than phiền về cuộc sống của họ.

Một đất nước ít dân với khí hậu rất khắc nghiệt (lạnh quanh năm) và xa cách với phần thế giới còn lại mà người dân có đời sống cao, lợi tức đầu người hàng đầu thế giới thì quả thật đất nước này đáng nể.

Phần lớn người dân xài điện thoại cầm tay không phải chỉ để nói chuyện, xem phim mà dùng vào công việc hàng ngày, như  trả tiền một bữa ăn tại tiệm bằng điện thoại, khỏi cần đến thẻ tín dụng.

Tôi đã phải chới với vì kỹ thuật cao của họ khi check-in vé máy bay đi từ Copenhagen sang thành phố Oslo (Na Uy). Bởi vì tôi chỉ quen xếp hàng check-in nhưng  ở Copenhagen, họ bảo tôi cứ tới máy mà làm. Và dứt khoát các nhân viên phi trường không giúp dù tôi năn nỉ, dù tôi nói rằng không biết cách scan vé. May nhờ những hành khách khác đứng đợi giúp. Tôi thán phục trình độ kỹ thuật của Đan Mạch trong đời sống nhưng cảm thấy họ quá máy móc và không hiếu khách. Không biết có nhiều du khách bị nhân viên phi trường/ hay hãng máy bay  từ chối giúp đỡ như vậy không?

Một nhận xét khác về Đan Mạch là đất nước này có những kiến trúc sư nổi tiếng nhưng kiến trúc của họ dù rất đẹp, cũng lập dị. Bên cạnh những  tòa nhà mới, kiểu cách, họ xây những tòa nhà (phần lớn là chung cư hay công sở) trông lập dị, tạo  cảm giác rất cũ kỹ. Tôi nghĩ đó là tính cách Đan Mạch. Mà cũng có thể tôi sai.

Đời sống ở Copenhagen

Nếu bạn đi du lịch Đan Mạch, bạn phải chấp nhận chi phí khá đắt đỏ của xứ này bởi người dân ở đây có lợi tức cao nên giá cả sinh hoạt cũng cao.

Khách sạn 4 sao như Imperial chúng tôi cư ngụ giá $335 Úc kim một đêm (không có tủ lạnh, ăn sáng và dĩ nhiên là không có hồ bơi).

Đan Mạch có hãng bia nổi tiếng Carlsberg và Turborg là một nhãn hiệu bia Đan Mạch rất ngon của công ty này. Hình chụp tại một nhà hàng Việt Nam ở Copenhagen. (Hình: TVTS)

Đi taxi từ phi trường về khách sạn chừng  8 cây số,  tốn đến 350 krone, và nếu đổi tiền ở thị trường được giá cao đến 4.6 krone 1 Úc kim thì cũng lên tới 77 đô.

Một cái  Big Mc meal 70 krone (15 đô); bánh mì thịt 45 krone (10 đô), đĩa beefsteak 200gr tốn 189 krone (41 đô), chai bia 300ml mua ở ngoài chợ 15 krone (3.30 đô) nhưng trong nhà hàng  ly bia 500ml đến 65 krone (14 đô). Tuy nhiên,  giá cả ở Copenhagen không đắt đỏ bằng Oslo (Na Uy) đâu, như tôi sẽ kể  chuyện về nước này bắt đầu từ số báo tới.

Tại thành phố Copenhagen, nơi đâu cũng có chỗ ăn uống  nhưng Nyhavn là khu có thể coi là vui nhộn nhất với cuộc sống ven con kênh Nyhavn, có nghĩa là hải cảng mới nhưng thật ra đây là hải cảng cũ nơi ngày xưa thủy thủ trở về ăn nhậu, chơi bời cho bõ những ngày tháng đi xa, vắng đàn bà. Đây cũng là nơi sinh sống những năm cuối đời của nhà văn nổi tiếng Hans Christian Andersen, tác giả tiểu thuyết The Little Mermaid, từ đó có bức tượng đồng được điêu  khắc gia Edvard Eriksen làm với sự tài trợ của chủ nhân công ty bia Carlsberg là ông Carl Jacobsen.

* * *

Tôi nghe nói trong bốn nước ở Bắc Âu, dân số  người Việt ở Đan Mạch chỉ thua Na Uy mà thôi.

Theo một vài số liệu trên mạng thì người Việt đến định cư ở Đan Mạch vào cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1990 đa số là do tàu Đan Mạch vớt ngoài biển hay được nhận từ các trại tị nạn, tổng cộng khoảng 5,000 người tính đến năm 1991. Những người Việt đến Đan Mạch lớp sau là những người lao động hay du học sinh, nâng tổng số người Việt lên đến khoảng 15,000 tính đến năm 2011.

Thời gian đầu, như tất cả các nơi khác trên thế giới, người Việt ở Đan Mạch tuy sống rải rác xa thủ đô nhưng cũng tập họp với nhau để hỗ trợ các phong trào  kháng chiến (Mặt Trận Hoàng Cơ Minh) nhưng về sau, không còn mạnh mẽ như xưa. Bởi vậy, vài năm gần đây tòa đại sứ của Cộng hòa XHCN Việt Nam lập ra một nhóm lấy tên “Hội người Việt định cư tại Đan Mạch” để hỗ trợ cho công tác tuyên vận của nhà nước cộng sản nhưng bị tẩy chay và chẳng có hoạt động đáng kể. Cộng đồng Việt Nam gốc tị nạn tập trung ở những nơi có chùa hay nhà thờ, vẫn sinh hoạt độc lập với lập trường chống nhà nước Việt Nam hiện nay. Thỉnh thoảng họ cũng tổ chức những cuộc biểu tình chống chế độ Hà Nội nhưng không mạnh bằng cộng đồng người Việt ở Na Uy mà tôi sẽ có dịp nói sau này.

Vì vậy, tôi đã không có dịp gặp người Việt ở đây, ngoại trừ hai ba lần đi ăn trưa hay ăn tối tại quán Phở Hà Nội, cách khách sạn tôi ở chừng một trăm mét.

Khu vực ăn uống, giữa trụ sở quốc hội và khu Nyhawn, được cho là nơi có nhiều bar… nhất thế giới. (Hình: TVTS)

Kiếm được cái quán để bán ở trên con đường chính gần tòa thị chính và ga xe lửa trung ương chắc cũng không dễ. Là khách hàng, tôi chỉ hỏi sơ sài những câu xã giao vì tôi biết những nhân viên và chủ ở đây là những người từ Việt Nam sang làm ăn hay du học. Tuy nhiên, cũng có những người chạy bàn sinh ra ở đây, nói tiếng Việt rất sõi.

Quán phở này, cũng như một số nhà hàng gần đó, mở cửa từ khoảng 12 giờ trưa đến 10 giờ tối; những ngày cuối tuần, đến 3 giờ chiều mới mở cửa. Làm nhà hàng như vậy quả là nhàn, không như làm nhà hàng ở Úc quá vất vả.

Các em làm việc ở đây cho biết quán mở được hai năm và làm ăn “cũng được”. Ăn ba lần, chiều hay tối, tôi đều thấy đông khách, buổi tối trời không lạnh lắm, thấy khách ngồi tràn ra ngoài lề đường.

Một tô phở lớn (nhưng nhỏ hơn bên Úc nhiều)  hoặc một đĩa bún thịt nướng giá 109 krone (24 đô), chai bia chừng 300ml hiệu Tuborg của Đan Mạch ở đây 29 krone (6.3 đô). Điều này có nghĩa bia ở xứ nổi tiếng làm bia này tương đối rẻ, nhưng đồ ăn như thịt thà thì đắt. Mà chắc chắn thịt bò, dù là từ tô phở hay đĩa beefsteak không thể nào ngon bằng thịt bò của Úc được.

* * *

Và một món ăn đặc thù của người Đan Mạch mà tôi thích và nhớ là hot dog.

Tôi được nghe quảng cáo trên xe buýt hop on hop off rằng tới Copenhagen phải ăn để biết hot dog của Đan Mạch ngon như thế nào và quả thật nhà tôi và tôi đều hài lòng. Vỏ của hot dog dòn và thơm, cái xúc xích được nhét vào trong ổ mì hình ống đã khoét lỗ sẵn, trông xinh xắn và gọn: ngon và thú vị khi nhìn.

Mời bạn đọc theo dõi mục kể  chuyện đường xa tuần tới với chuyến du lịch Oslo, thủ đô của Na Uy.

 

Nguyễn Hồng-Anh

14.10.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1647 phát hành ngày 18.10.2017)