Vòng quanh thế giới (12): Một vòng sinh hoạt người Việt ở Oslo

06 Tháng Mười Hai, 2017 | Na Uy
Tiệm Little Saigon 1 được cho là một trong những tiệm thành công của người Việt ở thành phố Oslo. (Hình: TVTS)

Đến Na Uy, sự kiện đáng ghi nhớ nhất cho tôi là buổi trình diễn văn nghệ tại Nhà Việt Nam do Hội Người Việt Tị Nạn tại Na Uy tổ chức. Đã có một bài viết rất dài bởi tác giả Phạm Sỹ Việt nói về buổi văn nghệ và nói chuyện kéo dài trong hai tiếng và tôi cũng đã viết sơ về lý do có buổi trình diễn bất ngờ để lại trong tôi nhiều kỷ niệm.

Trong bài bút ký du lịch Vòng Quanh Thế Giới thứ 12 tuần này, tôi kể về cuộc sống của người Việt như tôi thấy.

Oslo, thủ đô sushi của người Việt

Tôi chưa nghe nói hay chưa biết có những người gốc Việt tham gia chính trường tại Na Uy, giữ những chức vụ cao trong các cơ quan chính quyền hay lập pháp như ở Hoa Kỳ, Gia Mã Đại, Úc, Pháp  nhưng tôi nghe có những người trẻ Na Uy thành công trong lãnh vực chuyên môn như ở các nước vừa nói.

Nhưng điều ngạc nhiên của tôi là khi đi dạo trong thành phố (vì khách sạn tôi cư ngụ chỉ cách ga xe lửa trung ương chừng 10 phút đi bộ) tôi thấy có nhiều cửa tiệm suhi, và có những tiệm cạnh chữ sushi có ghi thêm chữ pho, tức phở.

Như vậy phải có sự gì đó liên quan trong thương vụ sushi với phở. Hỏi ra mới biết những tiệm sushi dù không có kèm thương hiệu phở, cũng do người  Việt làm chủ.

Mà người Việt không chỉ làm chủ dăm ba cửa tiệm sushi. 80% tiệm sushi ở thành phố Oslo do người Việt làm chủ. Hỏi nhiều người Việt ở trong các hội đoàn, những người tôi gặp trên đường phố và cả người chủ của một cửa tiệm sushi cũng nói với tôi như vậy.

Ông Bớt, một người có nhiều tiệm tạp hóa và trái cây ở thành phố Oslo. (Hình: TVTS)

Là một nhà báo lại thích kinh doanh (xin “thành thật” khai với độc giả TVTS tử vi của tôi có sao Vũ Khúc cư Mệnh), tôi phải hỏi cho được chuyện làm ăn buôn bán của bà con mình ở xứ này.

Gặp một người đi ngoài đường, tôi hỏi người ta mở quán sushi có khá không, câu trả lời là có tiệm thành công, có tiệm cũng tàm tạm, vì có quá nhiều tiệm nên có cạnh tranh.

Thôi, chi bằng vào một tiệm sushi ăn và hỏi chuyện chủ tiệm xem sao. Gần ga xe lửa trung ương, có cửa tiệm với bảng hiệu Sushi & Asiatisk Mat, bên trong trông khang trang, bên ngoài đặt một dãy bàn ăn tràn ra lề đường. Tiệm này nằm trên con đường rộng không có xe hơi chạy, cắt ngang con đường chính (có xe tram và xe bus) từ khách sạn Anker của chúng tôi chạy lên phố.

Hỏi một người Việt Nam có tiệm bán trái cây bên cạnh và được giới thiệu đây là tiệm sushi ngon, chúng tôi vào ăn khi tiệm vừa mở cửa, lúc 11 giờ sáng. Chúng tôi là người duy nhất trong tiệm lúc đó nên thấy quán rảnh rang, bắt chuyện với một người đàn ông trung niên tên H, người gốc Hải Phòng cởi mở. Ông cho biết làm chủ tiệm được vài  năm và công việc làm ăn  cũng được. Nhìn cách nói và cung cách làm việc, tôi nghĩ thương nghiệp của ông phải từ trung bình trở lên.

Hai vợ chồng chúng tôi không quen ăn sáng và thường ăn bữa trưa trễ nên vào quán này chỉ gọi nước để uống và kêu một đĩa medium sushi (16 miếng), giá 139 krone Na Uy, tức khoảng 23 Úc kim. Tôi nghĩ đĩa trung bình này chỉ cho một người ăn. Tiệm này bán nhiều món ăn Thái và một vài món Việt. Thấy món sushi ngon, nhưng không giống Nhật hoàn toàn, hỏi chủ nhân thì được ông cho biết có biến đổi theo kiểu Việt Nam hay chế biến cho khác lạ hơn. Đúng thôi, bởi phở từ Bắc di cư vào Nam cũng đã khác rồi, và có thể ngon hơn.

Cũng sáng hôm đó, tôi đi vòng vòng trong khu vực Nhà Việt Nam của Hội Người Việt Tị Nạn tại Na Uy, gặp một người phụ nữ Việt Nam, tôi nhờ chỉ cho tôi một quán phở để ăn cho biết phở ở đây như thế nào. Phụ nữ này nhanh miệng giới thiệu tên H, hướng dẫn đến tiệm phở “Li-Le” gần đó, nơi chị đang làm việc. Chị cho biết từ Việt Nam mới sang. Cửa tiệm nằm trong con đường nhỏ  có bảng hiệu “Little Saigon 1”. Bây giờ tôi mới hiểu tên tiệm “Li-Le” lạ tai mà chị H nói. Nhìn chúng tôi, tưởng chúng tôi từ Việt Nam sang, chị nói “chắc cô chú phải giàu lắm mới đi du lịch ở Na Uy, vì ở đây rất đắt đỏ”. Chị cho biết bà chủ tên Th. là một người làm ăn thành công, giàu có ở đây (sau này tôi được người khác nói bà Th không những giàu mà đẹp nữa). Hình như giới làm ăn buôn bán có cửa tiệm phần lớn là người từ Miền Bắc sang. Nghe nói một khi vào được một nước Âu Châu nào đó, thì đến các nước trong khối Schengen rất dễ vì đi lại trong 26 nước hội viên Âu Châu này không cần giấy tờ. Người từ Miền Bắc có vốn, tháo vát, chịu khó, dám làm nên thích hợp với loại nghề  như  làm và mở nhà hàng.  Nhưng chúng tôi không có dịp thử phở ở đây và gặp bà chủ quán vì đến 11 giờ tiệm mới mở cửa.

Tiệm Sushi & Asiatisk Mat do người Việt làm chủ. (Hình: TVTS)

Tôi cũng gặp một người đàn ông bán trái cây ngoài lề đường. Sạp trái cây nằm dài sát một cửa tiệm tạp hóa. Ông tên là Bớt, chủ của một công ty cung cấp trái cây ở thành phố Oslo. Cửa tiệm tạp hóa bên trong ông dành cho con trông nom. Còn ông thì ngoài sạp trái cây bán lẻ, còn làm chủ vài chiếc xe truck đi giao hàng. Ông Bớt, quê ở Tháp Bà, Nha Trang. Con ông vượt biên và bảo lãnh ông sang Na Uy, nay được 26 năm. Làm nghề buôn bán được 20 năm và đã mở được 3 cửa tiệm tại thành phố Oslo.

Tôi nói ông tên Bớt hay quá, vậy thì tôi sắp mua ít trái cây ông có bớt cho tôi không, người đàn ông chỉ cười, nói ông bớt cho các cửa tiệm 10% và ở đây ông bán lẻ cho bà con và khách hàng dùng. Nhưng khi hỏi vợ ông đâu rồi, có làm chung với ông không, thì ông Bớt cũng biết đùa. nói vợ ông làm ở một cửa tiệm cách đây vài cây số, vì  “làm chung gây lộn”.

Thấy ông chủ sạp trái cây vui tính, tôi nói ông làm ăn có nhiều cơ sở và nề nếp như thế này thì nhàn quá, ngồi không đếm tiền, ông Bớt vừa cười vừa than: “Khổ lắm anh ơi”, nghề này mệt lắm, làm từ sáng sớm, chỉ mới được ngồi nghỉ một chút đây thôi”.

Ông Bớt cho biết khoảng 80% người Việt làm hãng, 20% buôn bán làm tiệm nho nhỏ hay nhà hàng sushi. Hỏi nghe nói nhiều người Việt làm sushi và thành công lắm, ông Bớt nói: “Thành công cái gì. Làm 10 tiệm thì 5 tiệm dẹp hết!”.

Na Uy: nơi có giá sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới

Đến các xứ Bắc Âu, tôi được biết vật giá ở đây rất cao qua việc đặt khách sạn, đắt hơn các nước Tây Âu và gấp đôi các nước Đông Âu. Đi nhiều nơi, tôi thấy không đâu giá cả đắt đỏ như ở Na Uy. Những đồng hương tôi mới quen tại Oslo cũng nói như vậy.

Một quán ăn Việt Nam gần khách sạn chúng tôi ngụ, tô bún bò Huế giá 169 krone Na Uy, tức khoảng  $28 Úc kim. Tại  phi trường, một đĩa fish & chips 169 krome và chai coca cola 25 krone (hơn $4 Úc kim). Một chai nước lạnh mua ở quán milk bar 27 krone tức $4.5 Úc kim.  Tại Na Uy tôi không mua bia nên không biết giá, chỉ nghe nói rằng có những người Việt đi tàu biển qua Đức mua bia về Na Uy bán kiếm lời, vì bia ở Na Uy rất đắt. Nếu lên mạng xem, thì sẽ thấy rằng một chai bia mua ở tiệm tạp hóa (tùy loại) khoảng 30 krone ($6 Úc kim) và ở quán rượu khoảng 80 krone ($13 Úc kim).

Vợ chồng tác giả với đĩa sushi trung bình và hai chai coca, giá 240 krone. (Hình: TVTS)

Tôi muốn làm một so sánh giá cả đi loại xe sightseeing ngắm cảnh hop on hop off có giá trị trong 2 ngày giữa hai nước Đan Mạch và Na Uy để bạn đọc dễ thấy.

Đan Mạch: 175 krone ($38 Úc kim).

Na Uy: 600 krome ($100 Úc kim).

Nếu giá cả đắt đỏ  như vậy thì làm sao xứ Na Uy được bình chọn là nơi người dân hạnh phúc nhất thế giới trong năm nay, năm 2017?

Thưa, nhưng đã nói trong một bài trước, Na Uy là một nước giàu có, ngân sách thặng dư, ngân khố quốc gia thừa tiền bạc chứ không nợ như chúa chổm như nước Úc chúng ta. Theo một vài tài liệu, thu  nhập trung bình của người dân Na Uy khoảng $50,000 Mỹ kim một năm, hơn các nước Đan Mạch, Thụy Sĩ, Mỹ và Úc. Người Na Uy với lợi tức hay lương của họ hiện nay, đi du lịch các nước như Úc, sẽ tiêu thoải mái.

Ngược với lợi tức cao, phần lớn người Na Uy sống trong các chung cư (apartment). Tại thành phố Oslo, một người bình thường sẽ không thể nào có căn nhà biệt lập (đứng một mình hay dính một vách) có vườn tược như Úc. Họ sống trong những chung cư tư nhân bốn năm tầng đến sáu bảy tầng, nằm san sát nhau (trừ những apartment hơi xa trung tâm phố). Và theo như  tôi được biết, nếu apartnent hai phòng ngủ nằm trong vòng bán kính một hai cây số, giá gần một triệu Úc kim. Vậy giá nhà (apartment/ flat) cũng đắt khoảng gấp đôi nhà ở Melbourne.

Bạn đọc TiVi Tuần-san nếu đã tiếp bạn bè từ Âu Châu sang Úc, chắc thế nào cũng đã được nghe rằng chúng ta may mắn sống trong những căn nhà rộng rãi, có vườn tược với giá rẻ.

Úc vẫn còn là một lucky country, niềm mơ ước của nhiều người.

 

Nguyễn Hồng-Anh

18.11.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1652 phát hành ngày 22.11.2017)