Hòa Lan: Chuyện kể từ chiếc cối xay gió (kỳ 6)

21 Tháng Tám, 2015 | Hòa Lan
Tác giả bên tượng một nữ ngư phủ tiêu biểu của làng chài thời xa xưa tại cảng Volendam. Hình NHA

Ngày thứ ba ở Hòa Lan, tôi được anh bạn Nguyễn Quyết Thắng đưa đi chơi hai nơi ở phía bắc Amsterdam, đó là làng cá Volendam và làng cối xay gió Zaanse Schans. Nếu tôi mua vé đi tour hai nơi này của công ty Tours & Tickets (trên đường Damrak cạnh khách sạn Park Victoria Plaza) như tôi đã mua vé đi Delft và The Hague ngày hôm trước, chuyến đi kéo dài 5 tiếng rưỡi hay 6 tiếng rưỡi sẽ là 45 Euros hay 52 Euros cho một người.

Trong tập hướng dẫn, tôi thấy công ty này quảng cáo rằng nếu bạn đã tới thăm Amsterdam và Hòa Lan mà chưa đi thăm vùng đồng quê thơ mộng của người Hòa Lan thì coi như chuyến du lịch chưa được trọn vẹn, vì với chuyến đi tour này, bạn sẽ được thấy làng Zaanse Schans với những cối xay gió tuyệt đẹp cạnh những căn nhà gỗ màu xanh lục xinh  xắn; bạn sẽ thấy sinh hoạt sống động của một làng đánh cá tiêu biểu có tên Volendam.

Trước đó, anh bạn Thắng cho biết với thời gian hai ngày còn lại, anh sẽ đưa tôi đi những nơi và xem những gì tiêu biểu nhất của xứ Hoa Lan, ngoại trừ  hoa tulip, vì mùa xuân đã qua rồi.  Mà tôi chỉ yêu cầu dẫn chúng tôi đi xem cối xay gió và đập ngăn nước biển,  là quá đủ!

Hồ Markermeer rộng như biển. Hình NHA

Biển kia nay đã thành hồ…

Thắng đến khách sạn dẫn chúng tôi băng qua ga xe lửa trung ương Amsterdam Centraal, đợi phà công cộng miễn phí qua bên kia bờ Noordzeekanaal (Kênh Biển Bắc) nơi anh đậu xe. Đợi phà 10 phút và phà chạy mất 10 phút. Thắng nói anh không lái xe vào trung tâm  thủ đô vì nạn kẹt xe và đậu khó khăn.

Ngày hôm qua, tôi đã đi thăm hai thành phố ở phía nam. Hôm nay hai làng quê ở phía bắc. Địa điểm đầu tiên là  Volendam (lưu ý, chữ dam trong tiếng Hòa Lan cũng giống như tiếng Anh, có nghĩa là đập, đê. Vì nước này có nhiều đê, nên địa danh thường có chữ dam đằng sau. Amsterdam có nghĩa là đập  ở sông Amstel; Rotterdam có nghĩa đập ở sông Rotter, nhưng không chắc Volen là một con sông).

Đường từ Amsterdam đi Volendam dài  khoảng 22 km. Đến nơi, Thắng kiếm chỗ đậu xe và dẫn vợ chồng chúng tôi đi trong các ngõ hẽm của một ngôi làng chài mà anh cho là tiêu biểu của Hòa Lan.

Này là khu chợ trời. Chúng tôi gặp chiếc xe thùng bán thức ăn của một người Việt gốc Hoa. Thắng quen ông này và nói ông ta làm ăn khá lắm. Chào người đồng hương, chúng tôi đi tiếp.

Tôi dã chụp nhiều bức hình nhà cửa của Hòa Lan trong hai ngày qua, nhưng đấy chỉ là những dãy phố lớn, những đền đài, hoàng cung. Nay tôi được tiếp cận, đặt tay lên vách những ngôi nhà Hòa Lan nho nhỏ sặc sỡ, mái ngói thật dốc màu đỏ luôn có viền màu trắng, các cánh cửa phần lớn cũng viền cùng màu. Lần theo những con đường nhỏ trong làng mà xe hơi có thể chạy được, chúng tôi gặp một cặp cô dâu chú rể đang chụp hình và trên đường tới giáo đường, họ ăn mặc theo lối tân thời của thanh niên ngày nay.

Đi một vòng, lướt xem vài căn nhà đề Te Koop (For Sale), méo mó nghề nghiệp, tôi hỏi “tour guide” giá một căn như vậy khoảng bao nhiêu tiền nhưng nhạc sĩ nhà ta nói về mục này anh chịu thua (mà du ca không biết cũng phải, vì nhà cửa khác nhau tùy vùng, tùy địa điểm, chuyên gia địa ốc cũng có lúc bù trớt).

Cũng như ở thành phố Amsterdam, The Hague, Delft, làng Volendam cũng có những con kênh, nhưng nhỏ và hẹp hơn. Thấy nước con kênh lên sát sàn nhà tôi liên tưởng tới  thành phố Venice bên Ý nơi nước biển tràn vào một số nhà, đền thờ khi thủy triều lên.  Tôi hỏi Thắng vậy ở đây có bị lụt không, anh  nói không,  nhờ hệ thống đê đập, nếu mưa nhiều thì hệ thống bơm nước tự động sẽ đưa nước ra hồ đầu tiên, và nếu  cần bơm nước hồ này qua hồ kế, và cứ thế mà bơm ra biển.

Một đất nước nằm thấp dưới mực nước biển mà không bị  lụt, là một chuyện lạ.

Làng chài Volendam nhỏ nhắn xinh xăn: con đường nhỏ, con kênh nhỏ, chiếc cầu nhỏ, những căn nhà nhỏ… Hình NHA

Ăn cá sống ở làng chài Volendam

“Chúng ta đã tới biển?”, tôi hỏi Thắng khi thấy vùng nước bao la trước mặt, nhưng anh bạn nói không phải biển mà là hồ. Hồ gì mà lớn thế, có sóng, có bến cảng, có tàu, tôi  nghĩ thầm trong đầu và chợt nhớ ngay, đây là Hòa Lan, là đất nước hồi nhỏ tôi học địa lý có tên là Le Pays-Bas,  là xứ thấp, nằm dưới mặt nước biển.

Tôi  hỏi anh bạn vậy thì bên kia đập hồ mênh mông cuối chân trời mà tôi không thể thấy là biển? Anh Thắng nói còn thêm một cái hồ rất lớn trước khi ra tới biển.

Sau này khi  nhờ bác google tìm tên tuổi của hai cái hồ này thì được biết làng chài Volendam nằm trong cái hồ đầu tiên có tên Markermeer, hồ kế tiếp gần biển có tên IJsselmeer là nơi có con đê lớn nhất, dài nhất của Hòa Lan mà tôi sẽ kể sau. Hai hồ này bây giờ bị cạn đi bởi cối xay gió, nước không còn là nước mặn nữa. Hiện vẫn còn một số ít đánh bắt lươn và điệp, có đánh cá trong hồ chỉ là giải trí.

Khu vực hai hồ nước này có tên gọi là “Zuiderzee”, có nghĩa là “Biển Nam” là cái vịnh  phía bắc Hòa Lan, gần North Sea, biển nằm  giữa Anh, Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy.

Đây là làng cối xay gió ở Hòa Lan mà du khách thường đến xem: Những chiếc cối xay gió còn lại trên trên cánh đồng ven sông Zaan. Hình nhỏ: Tác giả (phải) và “tour guide” du ca Nguyễn Quyết Thắng. Hình NHA

Bạn hãy tưởng tượng “Biển Nam” và làng Volendam giống như vịnh Port Phillip ở tiểu bang Victoria và thành phố Melbourne. Nếu người ta làm cái đập bắc từ Portsea qua tận Queenscliff  thì  ta sẽ có cái hồ lớn  y chang hai cái hồ ở Hòa Lan mà tôi vừa nói.

Nghe nói nhà nước dự tính bơm nước hồ để lấy đất làm nhà nhưng bị chống đối bởi người ta muốn duy trì cái hồ này để chơi thuyền. (Hôm Thứ Năm vừa qua, trên kênh Noordzeekanaal cạnh ga xe lửa trung ương khai diễn Hội Thuyền  Buồm, tổ chức 5 năm một lần, nghe có tới 2 triệu lượt người tới xem. Đủ loại thuyền cho du khách tới xem từ thuyền cũ thế kỷ 17 đến thuyền hiện đại).

Ở xứ này có lưu truyền câu nói: “Chúa dựng nên con người, nhưng người Hòa Lan dựng nên đất đai”.  Thật vậy, nước Hòa Lan đất đai hẹp nên người Hòa Lan đã lấn biển, dùng đất bồi, đun đất  để làm cho diện tích của họ rộng ra vì vậy mà có đến một phần tư đất nước Nederland (chữ Hòa Lan) nằm dưới mặt nước, có nơi thấp dưới 5 mét.

Nhìn hồ nước  Markermeer, tôi nghĩ nếu Hòa Lan gây chiến với nước khác mà kẻ thù sử dụng không quân thả bom phá các đê đập thì  họ sẽ chìm trong biển nước. Đó chỉ là chuyện giả dụ không thể xảy ra. Cũng như  có lần ông thầy giáo của tôi nói đùa rằng may mà vua Quang Trung chết non, chứ không vua sẽ đánh Tàu để lấy lại Lưỡng Quảng của Việt Nam. Mà Tàu không cần đưa quân sang đánh (như tương truyền lính Mã Viện cởi truồng đánh với nữ binh của hai bà Trưng), chỉ cần ra lệnh cho tất cả các bà xẩm “tè” một loạt thì dân Việt sẽ trôi ra Biển Đông!

Làng Voledam hiện có khoảng 22,000 cư dân, phần lớn theo đạo Công giáo và nhiều  giám mục, nhà truyền giáo Hòa Lan xuất thân ở đây. Nhiều họa sĩ danh tiếng tới đây sống trong một thời gian dài để vẽ tranh như Renoir, Picasso.  Một số dân làng còn vận y phục cổ truyền của Hòa Lan với váy dài lê thê, mang tạp dề, đội mũ bonet, đi guốc gỗ tạo cho thành phố vẻ đẹp cổ truyền. Và những đội tàu đánh cá kiểu xưa đậu ở bến cảng  là những nét đẹp thu hút du khách của một nơi được UNESCO liệt vào hàng di sản văn hóa thế giới.

Nếu bạn có thì giờ, có thể xem xưởng làm  phô mát như Cheese Factory Volendam với những bánh tròn màu vàng thật to đường kính gần nửa mét. Tuy đất không rộng nhưng Hòa Lan nuôi nhiều bò và xuất cảng phô mát, được cho là ngon bậc nhất Âu châu (không thua gì Pháp). Hay đi dạo bằng một chuyến tàu trong cảng.

Cuối cùng không thể không nói đến món đặc sản ở Volendam và của cả Hòa Lan, đó là cá haring (herring) là một loại cá trích ở Bắc Đại tây dương.  Người Việt chúng ta ăn mì ổ thường đi với thịt và pa-tê, nếu cá thì phải là cá chín (cá hộp), ở đây người  ta bán mì ổ với cá haring sống 2.5 Euros. Anh Nguyễn Quyết Thắng nói tôi hãy thử ăn cá haring, rất ngon. Hoàng gia khi đến mùa cá cũng cầm con cá sống ăn để mở đầu lễ hội. Tôi không quen ăn cá sống nên chỉ mua một con giá 2 Euros, ăn thử, không bia rượu kèm,  nhưng  cảm thấy ít khi ăn cá sống ngon đến như vậy. Và sau khi ăn trưa trong một quán  được cho là nơi danh họa Picaso từng ngồi ăn, chúng tôi tiếp tục chuyến du ngoạn.

 

Toa rờ-mọc bán thức ăn tại chợ Volendam của một người Việt gốc Hoa được cho là thành công. Hình NHA

Đến cối xay gió  mua guốc gỗ

Rời Volendam, anh bạn chở chúng tôi qua làng Zaanse Schans ở phía tây cách Volendam chừng 25 km. Nói đến Hòa Lan là người ta nghĩ  ngay đến cối gió xay, nhưng trước khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế Schiphol ở Amsterdam,  từ trên cao tôi chẳng thấy  cối gió xay (windmill) với chong chóng 4 lá mà chỉ thấy toàn là máy phát điện chạy bằng gió (wind turbine) chong chóng ba lá mà Thủ tướng Úc Tony Abbott thường cho là xấu xí, chướng mắt, nhưng đây là cái mốt  thời  thượng của những quốc gia thích xài năng lượng sạch.

Và khi anh bạn Thắng  chở tôi đi coi windmill,  trên những cánh  đồng hai bên đường cũng chỉ thấy những cánh quạt ba lá quay một cách uể oải. Cối xay gió là chuyệân của ngày xưa, nếu ở nơi đâu còn duy trì là để làm cảnh thu hút du khách mà thôi, như làng Zaanse Schans  mỗi năm có khoảng một triệu người đến thăm viếng.

Cối xay ở đoạn lầu một: vận hành của những bánh xe răng cưa. Hình: NHA

Cối xay gió tiếng Hòa Lan viết molen (giống moulin của tiếng Pháp). Hồi còn ngồi ghế trung học, mỗi sáng đến giờ học môn Pháp văn, tôi sợ nhất vào đầu giờ ông thầy kêu đọc bài thuộc lòng từ cuốn Lettres de mon moulin  (Thư viết từ chiếc cối xay gió) của nhà văn Alphonse Daudet dù tập sách này có những câu chuyện rất dễ thương và thơ mộng như Les Étoiles  (Những vì sao), về chuyện chàng chăn dê “dê” cô con gái của ông chủ một cách rất văn chương uyên bác.

Hình ảnh những chiếc cối xay gió đẹp một cách dễ thương trong tập truyện tiếng Pháp khiến tôi cũng có lúc nghĩ đến việc phải tới tận nơi, xứ Pháp hay Hòa Lan để xem cái cối xay gió như thế nào.

Nay trước mắt chúng tôi, trên cánh đồng cỏ xanh, những chiếc cối xay gió nằm xếp hàng ven sông Zaan trong chiều nắng hè phô màu rực rỡ dưới bầu trời xanh.  Khu này là một trong những khu kỹ nghệ xưa nhất thế giới còn tồn tại và được bảo trì. Trong số 1,000 cái cối xay, đến năm 1920 còn lại khoảng 50 cái và nay chỉ còn lại hơn 10 cái và cái xưa nhất làm từ năm 1782. Đây là nơi mà hầu hết du khách đến Amsterdam muốn xem cối xay hầu như được dẫn tới xem, bởi chỉ cách thủ đô khoảng  20 km. Ngày xưa máy cối xay gió dùng để xay lúa gạo, nông phẩm, sau đó dùng bơm nước và nay dùng sản xuất điện (giống như wind turbine hiện đại).

Mặt tiền cửa hàng bán guốc gỗ. Hình: NHA

Chúng tôi đến gần chiếc cối xay  đang mở cửa cho khách, vé vào xem 4 Euros. Bên cạnh cối xay thường có căn nhà gỗ/gạch lợp ngói dùng làm nơi ở cho nông gia hay để cất trữ lúa mì. Cối xay là một hệ thống vận hành bằng những bánh xe bằng gỗ rất lớn chạy quanh trục quay nhờ sức đẩy của cánh quạt chạy bằng gió. Cối xay có hai tầng. Lên tầng trên du khách có thể ra bao lơn đi vòng quanh xem cảnh đồng quê dọc sông Zaan. Cũng có thể bò lên những bậc thang sát mái để xem những trục quay chi chít những bánh xe vận chuyển như trong đồng hồ.  Xem cối xay gió không những thấy vẻ đẹp dân dã của thôn quê Hòa Lan mà còn làm cho chúng ta thán phục đầu óc của những người chế  ra chiếc cối xay gió đầu tiên để dùng trong kỹ nghệ mà ngày nay người ta bắt chước để làm những động cơ tạo năng lượng như wind turbine.

Chúng tôi cũng ghé xem một xưởng làm phô mát, được cho thưởng thức miễn phí trên cả chục loại phô mát khác nhau. Tôi đã ăn phô mát mua, phô mát chùa (khi thử rượu), đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ được ăn những lát phô mát ngon như  ở làng  Zaanse Schans. Muốn mua về khách sạn ăn, nhưng ở đây người ta bán những miếng bự, những bánh lớn như bánh xe vespa nên đành thử cho biết mà thôi. Tôi phải thừa nhận phô mát Hòa Lan rất ngon.

Cảnh biểu diễn làm một chiếc guốc trong 5 phút. Hình: NHA

Rồi Chúng tôi được anh Thắng dẫn đi xem xưởng làm guốc. Nói đến guốc làm  tôi nhớ đến bài ca “Về đây nghe em”  của nhạc sĩ  gốc Quảng Trị Trần Quang Lộc với ca từ  rất dễ thương “Về đây nghe em, về đây mặc áo the đi guốc mộc”. Tôi tưởng chỉ có người Việt Nam (nhà quê) mới đi guốc nhưng không ngờ người Hòa Lan nổi tiếng thế giới với guốc gỗ. Trong xưởng này, người ta trình bày có hệ thống lịch sử đi guốc và làm guốc của Hòa Lan, từ xưa đến nay, từ guốc dành cho vua chúa quý tộc đến guốc của các nông phu, như một bảo tàng viện nho nhỏ. Nhưng nơi đây cũng có những màn biểu diễn làm guốc, cách nhau chừng mươi phút. Mục đích? Để bán guốc. Khách đứng xem người thợ lấy một khúc gỗ ngắn, và chỉ trong 5 phút, dùng máy gọt bên ngoài, đục bên trong, thành một chiếc guốc, dĩ nhiên chưa sơn vẽ. Và dĩ nhiên là khách thán phục, và sau đó đi mua guốc làm kỷ niệm. Chúng tôi mua một đôi guốc lớn nhất mà tiệm này có, dài khoảng 300mm! Du khách dùng guốc Hòa Lan để trưng bày, treo trước cửa nhà để ghi số nhà hay để cất chìa khóa, thậm chí muỗng nĩa như là một hình thức trang trí.

Du khách dạo bộ xem phong cảnh trong làng. Hình: NHA

Nghe nói rằng bởi người Hòa Lan sống dưới mực nước biển, nhiều đầm lầy nên không đi giày da như các nước lân bang mà đi guốc gỗ. Và cũng vì ngoài nghề nông họ còn đi biển nên guốc Hòa Lan có cái mũi giống như mũi thuyền, trông xinh xinh.

Ngày nay vẫn còn nhiều người Hòa Lan ở nông thôn dùng guốc gỗ và guốc gỗ (clog) mà người Hòa Lan gọi  klompen, là một biểu tượng quốc gia, có thể tương đương với hoa tulip.

Ở đây tôi thấy có bảng quảng cáo “Walking Tour Zaanse Schans: Only 4.95 Euros”, nhưng chúng tôi đã có anh bạn hướng dẫn nên  tà tà đi bách bộ trong làng này, ngắm những ngôi nhà nho nhỏ xinh xắn màu xanh của người địa phương, nhìn một chủ nhà nhàn hạ nướng thịt trong vườn, đi trên những cầu gỗ, con đường có những hàng cây đẹp, ngồi dưới gốc cây ăn kem trong nắng hanh… Ôi chao thơ mộng quá!

Một đôi guốc được treo trước cửa nhà. Hình: NHA

Tôi và Thắng ngồi kể chuyện cho nhau nghe;  chuyện xưa, chuyện nay, chuyện làm văn nghệ của chúng tôi. Nhìn đồng hồ thấy đã hơn 5 giờ chiều, tôi hỏi Thắng nên về chưa, anh bạn du ca của tôi nói ngồi thêm chút nữa, mấy khi được gặp nhau tâm sự như thế này.

Và bắt chước nhà văn Pháp Alphonse Daudet, câu chuyện đường xa của tôi được hình thành cũng từ một chiếc cối xay gió – De Zaansche molen–  Chiếc cối xay gió làng Zaanse Schans ở xứ Hòa Lan.

(Còn một kỳ về xứ Hòa Lan).

21.8.2015

Nguyễn Hồng Anh

Trích TVTS số 1535 – 26.8.2015