Tại sao du lịch đảo quốc Cyprus? (Turkey-Cyprus kỳ 9)

21 Tháng Mười Hai, 2019 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Tác giả bút ký trên balcony của khách sạn trước bãi biển Larnaca. Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Kỳ 9

Tôi đặt câu hỏi cho tựa đề này để tôi tự trả lời. Bởi vì vào cuối thập niên 1960 hay đầu thập niên 1970 tôi đọc cuốn tiểu thuyết Zorba The Greek (1946) của nhà văn lớn nhất của văn học Hy Lạp hiện đại Nikos Kazantzakis (sinh năm 1883 tại Crete, hòn đảo lớn nhất của Hy Lạp và lớn thứ năm trong Địa Trung Hải) qua bản dịch  của dịch giả tài hoa Nguyễn Hữu Hiệu  với tựa “Alexis Zorba con người chịu chơi” (1969), một con người song hạnh phúc theo bản năng, là một triết lý sống.  Sau đó được xem cuốn phim Zorba The Greek do Anthony Quinn đóng (1964) với bản nhạc nền qua tiếng đàn bouzouki truyền thống Hy Lạp (nghe hơi giống đàn mandolin) càng làm tôi thích tìm hiểu văn hóa của Hy Lạp vốn đã được học sơ sơ thời trung học hay đại học sau này.

Bởi vậy vào năm 2010, vợ chồng chúng tôi đã du lịch tự túc 7 ngày ở Athens, thủ đô của Hy Lạp, đi vài  chuyến trong vài ngày ra những hòn đảo xa của Hy Lạp, và nhất là hòn đảo Hydra thật xa nơi đó chỉ có người đi bộ (không có cả xe đạp) và phương tiện di chuyển duy nhất là lừa và ngựa dành cho du khách muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp trên lưng lừa và ngựa.

Lúc đó, tôi cũng muốn  luôn tiện bay sang đảo Cyprus (tiếng Hy Lạp Kypros, Pháp Chypre và tiếng Việt ngày nay là Síp). Lý do, từ thập niên 1960, tôi được biết trên thế giới lần đầu tiên có một vị tổng giám mục làm tổng thống, là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Cyrpus, đó là Tổng Giám mục Chính Thống giáo Makarios, làm tổng thống từ năm 1960 đến khi bị đảo chánh vào năm 1974.

Chừng đó sự hiểu biết về Hy Lạp và Cyprus đã khiến tôi quyết định sau khi thăm viếng Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ đi Cyprus. Chỉ có điều, từ Thổ bay sang  Cyprus hay từ Cyprus bay qua Thổ, phải qua một nước đệ tam hoặc là Romania hay Hy Lạp, vì Cộng hòa Cyprus và Cộng hòa Thổ Nhĩ kỳ là hai nước thù địch sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang chiếm một phần lãnh thổ ở phía bắc của Cyprus sau khi Tổng giám mục  Makarios bị bật đổ. Thổ lập nên nước Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ, một nước không được Liên Hiệp quốc hay các quốc gia khác thừa nhận, ngoại trừ nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Những chiếc dù màu trắng trên bãi biển trông như những trái nấm khi nhìn từ trên phi cơ. Hình: TVTS

Đảo Cyprus có người định cư rất lâu căn cứ vào những giếng nước cổ hàng đầu thế giới với số tuổi cả chục ngàn năm. Người Hy Lạp đến định cư ở đảo này khoảng hai thế kỷ trước Công nguyên.

Sau một thời gian dài dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman, Cyprus nằm dưới sự bảo hộ của Anh Quốc và đến năm 1960 được độc lập hoàn toàn với sự thỏa thuận của Anh, Hy Lạp và Thổ nhưng Anh duy trì chủ quyền ở hai khu căn cứ quân sự Akrotiri và Dhekelia. Dân số Cyprus lúc đó khoảng 573,000 người trong đó người gốc Hy Lạp 442,000 người chiếm 77%, người gốc Thổ khoảng 104,000 chiếm 18%  và 5% còn lại là các sắc tộc khác.

Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Republic of North Cyprus) có diện tích 3,344 cây số vuông, dân số khoảng 326,000 người, thủ đô Bắc Nicosia, lợi tức đầu người khoảng  $12,000, ngôn ngữ chính là Thổ Nhĩ Kỳ.

Cộng hòa Cyprus (Republic of Cyprus), diện tích 9.251 cây số vuông, dân số khoảng 1.2 triệu người, thủ đô Nicosia, lợi tức đầu người $28,000, ngôn ngữ gồm Hy Lạp và Thổ.

Istanbul – Cyprus: gần mà xa

Cyprus là hòn đảo lớn thứ ba trong Địa Trung Hải sau Sicily và Sardinia xét về diện tích cũng như dân số, bao quanh  bởi những nước gồm Thổ ở phía bắc; Syria, Lebanon ở phía đông; Do Thái và Ai Cập ở phía nam.

Vũ Hà trên sân thượng lâu đài Larnaca Castle cách khách sạn Sun Hall Hotel khoảng 700 mét. Hình: TVTS

Cyprus nằm rất xa đất liền Hy Lạp nhưng chỉ cách đất liền Thổ khoảng 100 cây số, do đó khi chế độ quân nhân Cyprus lật đổ Tổng giám mục Tổng thống Makarios với ý định sát nhập với Hy Lạp, chỉ nội trong năm ngày sau Thổ đưa quân sang chiếm phía bắc của hòn đảo này một cách dễ dàng.

Do đó, dù ngày nay không còn chiến tranh và tình hình không còn căng thẳng, sự đi lại giữa nam và bắc vẫn bị ngăn cấm hay giới hạn (du khách đến Cộng hòa Cyprus tuyệt đối không được qua Bắc Cyprus hay đi tàu từ Bắc Cyprus sang Cộng hòa Cyprus.

Nếu bay thẳng từ Istanbul đến Cyprus (Larnaca) chỉ mất khoảng 1 tiếng 40 phút, nhưng do bay đường cong, nên đến Hy Lạp (Athens) mất 1 tiếng 20 phút, đổi máy bay mất 1 tiếng 10 phút, rồi bay đến Cyprus mất 1 tiếng 40 phút, làm chuyến bay mất hơn 4 tiếng đồng hồ, gần gấp ba thời gian bay thẳng. Đó là một trở ngại nhỏ cho du khách nào muốn đi thăm hai nước này trong thời gian sát nhau.

Thông thường, khi đến thăm một nước nào lần đầu tiên, tôi thường đến thủ đô, trừ trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ. Vì biết rằng Thủ đô Nicosia nằm sâu trong nội địa, gần biên giới Bắc Cyprus, từ phi trường quốc tế lớn nhất về thủ đô khá xa (mất hơn chừng 40 phút do đó tôi đã chọn ngụ tại Larnaca, một thành phố du lịch nổi tiếng sát bờ biển và chỉ cách phi trường quốc tế Larnaca khoảng 4 cây số.

Tại cộng hòa Cyprus, chỉ có hai phi trường thương mại quốc tế là Paphos ở bờ biển tây nam của đảo và phi trường Larnaca, còn có tên Glafcos Clerides, là tên được đặt năm 2015 để vinh danh vị cựu tổng thống của Cyrpus cầm quyền từ 1993-2003.

Một đoạn khác của bãi biển Larnaca chụp từ Larnaca Castle, nơi này không có người tắm. Hình: TVTS

Trước khi đến Larnaca, tôi lên mạng tìm hiểu. Đây là thành phố cảng nằm ở bờ biển phía nam của đảo Cyprus, nổi tiếng với bờ biển Finikoudes Beach, mot dải cát  nằm sát trung tâm thành phố có một con đường đi dạo trồng những cây dừa chạy dọc bờ biển, và những quán ăn nhộn nhịp nằm san sát ở bãi biển Mackenzie Beach.

Ngay ở ngoài khơi có chiếc tàu hàng  MS  Zenobia dài 172 mét của Thụy Điển bị chìm vào năm 1980 trong chuyến đi đầu tiên, và bây giờ trở thành nơi để du khách đến vui chơi lặn khám phá dưới lòng nước biển xanh của Địa Trung Hải.

Ngoài ra, còn có nhà thờ Thánh Lazarus xây vao thế kỷ thứ 9 được cho là có mộ của ông thánh đã được Chúa Giê-su làm cho sống lại sau khi đã chết vài ngày.

Tôi cũng lên mạng tìm khách sạn với tiêu chuẩn: ở trung tâm phố, gần bờ biển, khách sạn loại 4 sao và gia cả phải chăng. Cuối cùng tôi chọn được khách sạn Sun Hall Hotel, có view nhìn ra biển hướng nước Lebanon, cách bờ biển một con đường, nằm ở số 6 Athens Avenue, Larnaca 6023, điện thoại +357 24 653341. Giá 154 Euro/ đêm (khoảng 251 Úc kim bao gồm thuế VAT trị giá gia tăng).

Bãi biển lúc mặt trời lặn. Hình: TVTS

Khác với Thổ Nhĩ Kỳ, công dân Úc du lịch Cyprus không cần xin visa.

Trên đây là những gì tôi biết về Cyprus do tìm hiểu trước khi mua vé máy bay và đặt khách sạn.

Ngày đầu ơ Larnaka

Khoảng hai giờ chiều, chuyến bay từ Athens qua Địa Trung Hải báo cho hành khách biết máy bay hạ cao độ vì sắp tới phi trường Larnaca. Hành khách có thể thấy nước biển xanh và đất liền của đảo quốc Cyprus. Ngoài những tòa nhà cao tầng, tôi thấy dọc bờ biển cát vàng những hình thù màu trắng tròn xếp thành nhiều hàng và kéo dài  hàng vài trăm mét trên bãi cát trông như những trái nấm.  Nhà tôi hỏi đấy là gì nhưng tôi chẳng biet vì còn đang ở trên cao, hơn nữa mắt cũng không tốt lắm nên không đoán ra.

Đón taxi về khách sạn đường dài khoảng 8 cây số, mất 13 Euro. Nhân viên Sun Hall Hotel tiếp khách tử tế, thân thiện. Chúng tôi đặt phòng giường king size, có tầm nhìn ra biển với balcony. Với cái view đẹp như vậy nhà tôi lại khen tôi chọn được khách sạn vừa ý, rất thuận tiện (bù lại cho hai lần đi du lịch ở Đài Bắc hay  Seoul, ở khách sạn quá xa trung tâm thành phố dù cạnh tòa nhà quốc hội Nam Hàn).

Việc đầu tiên khi cất xếp vali là chúng tôi xuống phòng lobby xin nhân viên khách sạn cái bản đồ, hỏi vị trí của vài di tích lịch sử hay thắng cảnh nằm trong bản đồ rồi bước ra đường, để có thể ngắm thành phố xem vài phong cảnh vì chúng tôi chỉ  ở đảo quốc Cyprus có ba ngày mà thôi.

Quán Ocean Basket Larnaca gần khách sạn Sun Hall Hotel chuyên về đồ biển, nơi chúng tôi ăn tối trong hai đêm. Hình: TVTS

Chúng tôi ra biển xem nước có sạch và ấm không. Thấy hàng trăm chiếc dù trắng và ghế dành cho du khách tắm và nằm ngắm biển,  bây giờ tôi mới nhận ra những hình tròn màu trắng như trái nấm thấy từ  trên máy bay là những chiếc dù! Quả đây là bãi biển lý tưởng để tắm, chỉ cách khách sạn vài chục mét. Nước biển ấm và sạch. Chúng tôi nghĩ rằng, dù chỉ ở Larnaca ba đêm, chúng tôi sẽ dành một buổi để tắm biển Địa Trung Hải.

Chúng tôi đi bộ dọc con đường nổi tiếng (như quảng cáo trên mạng) Finikoudes Promenade của Finikoudes Beach để nhìn các quán ăn, các nhà hàng dọc bờ biển. Các khách sạn dọc khu vực này đều có nhà hàng. Một số khách sạn có nhà hàng tràn ra ngoài đường cái (bên kia đường là bãi cát biển). Một vài  quán ăn độc lập.

Chúng tôi muốn ăn tối ở ben ngoài trời cho thoáng và khi thấy một quán ăn có đông khách chuyên về đồ biển có tên Ocean Basket Larnaca có một đĩa dành cho hai người ăn (platter for 2) với giá 29.50 Euro (khoảng 48 Úc kim), chúng tôi liền văn ăn thử. Bia địa phương KEO 630ml 3.9 Euro (khoảng 6.3 Úc kim), cộng thêm thuế VAT 9%.

Đĩa đồ biển nướng thập cẩm gồm tôm, sò, cá, mực thật ngon miệng sau hành trình dài khoảng nửa ngày. Một buổi ăn tối muốn ngồi bao lâu tùy ý quả la lý thú khi đi du lịch tự túc như  chúng tôi.

Thưa bạn đọc, đây là Cyprus, đây là Larnaca. Mời bạn đọc theo dõi bút ký về Cyprus kỳ tới.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 16.12.2019

 

(Trích từ báo giấy TVTS số 1760 phát hành ngày 18.12.2019)