Thổ Nhĩ Kỳ: chuẩn bị cho một chuyến đi (kỳ 3)

11 Tháng Mười Một, 2019 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Eo biển Bosphorus chụp từ Galata Tower, bên trái là hướng tàu chạy ra Biển Đen (Black Sea) tới Nga, bên kia eo biển là phần Á Châu của Thổ nơi có có thủ đô Ankara. Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Kỳ 3

Tôi đã suy nghĩ kỹ trước khi quyết định du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là đi tự túc, sẽ đến đó lần đầu tiên.

Thổ Nhĩ Kỳ tuy là một nước dân chủ, nhưng mức độ dân chủ không giống như những nước Tây Âu, Hoa Ky hay Úc. Dù Thổ không khắt khe như một số nước Hồi giáo khác, nhưng thận trọng cũng tốt hơn. Đó là nói về mặt chính trị và tôn giáo.

Nhưng khi lên mạng nghe một vài người gốc Thổ quảng cáo  du lịch đất nước họ bằng tieng Anh, tôi thấy rằng cũng có thể do đồn đãi, thành kiến mà ngại ngùng chăng, bởi nước Thổ sống nhờ vào kỹ nghệ du lịch rất nhiều.

Về mặt an ninh, người ta cũng có lý do để lo ngại, bởi vài vụ khủng bố nổi tiếng đã xảy ra ở đất nước này, như vụ đặt bom ở phi trường Ataturk vào năm 2016 của nhóm khủng bố ISIS làm 45 người chết trong đó có 13 người Trung Quốc và  công dân của 5 nước khác.

Rồi vụ một tay súng đã xông vào hộp đêm Reina nightclub ở eo biển Bosphorus đêm giao thừa năm 2017 bắn chết 39 người trong đó có ít nhất 25 người ngoại quốc.

Tàu bè gồm tàu chở du khách xem thắng cảnh chạy trên vịnh Golden Horn (Sừng Vàng), xa xa bên trái là bảo tàng viện Hagia Sophia (nguyên là Nhà thờ Chính tòa Chính Thống giáo thời Byzantine) và bên cạnh là Đền thờ Hồi giáo nổi tiếng Blue Mosque (Sultan Ahmed Mosque) nằm ở khu phố cổ thuộc phần đất Âu Châu của Thổ. Hình: TVTS

Tháng Giêng năm 2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặt mức cảnh báo cấp 3 (Level 3 travel advisory for Turkey) yêu cầu công dân Mỹ hãy suy tính lại việc đi du lịch vì “khủng bố và bắt giữ tùy tiện” (arbitrary detentions). Họ cũng cảnh báo đừng đi đến những tỉnh đông nam dọc biên giới Thổ và Syria và phải thận trọng ở những chỗ đông người như phi trường, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, hộp đêm.

Bộ Ngoại giao Úc cũng có lúc đưa ra cảnh báo về du lịch Thổ tương tự, đặc biệt do tình hình sau vụ đảo chánh hụt ngày 15.7.2016 khiến Tổng thống Erdogan rất bực mình Úc, vì Thổ cần du khách.

Nhưng những sự kiện vừa nói cũng không hoàn toàn làm du khách ngừng đến Thổ, dù có giảm.  Năm nay kỹ nghệ du lịch bắt đầu hồi phục, dù chưa bằng trước đây. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định đi, với sự thận trọng.

Khi đến phi trường, chúng tôi thấy việc kiểm soát ở cổng di trú rất thoải mái (dễ dàng hơn Úc nhiều), chỉ đưa cho họ xem passport và visa (nếu cần phải có, trong trường hợp công dân Úc).

Không khí ấm cúng, giá phải chăng cho một đĩa beefsteak và salmon trong bữa ăn tối đầu tiên ở tiệm Esmer Chef trên đường Istiklal. Hình: TVTS

Tôi thấy mọi người, kể cả những người có dáng vẻ người Tàu đi qua khâu di trú nhanh chóng. Nhưng đến phiên nhà tôi, ông di trú Thổ xem passport, nhìn mặt nhà tôi rồi cầm điện thoại lên. Tôi  không hiểu có chuyện gì, vì trong hàng cả trăm người xếp hàng, chỉ đến nhà tôi ông cầm passport lên gọi điện thoại. Ông ta nói gì đó, một lát sau, bỏ điện thoại xuống, đưa passport cho nhà tôi rồi khoát tay bảo đi.

Đến phiên tôi, tôi nghĩ sẽ không bị như nhà tôi. Và quả đúng vậy. Và thế là những cảnh báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Úc đã không xảy ra với chúng tôi trong thời gian 5 ngày ở Istanbul.  Tôi đã hưởng trọn 5 ngày vui ở đây, quên đi những chuyện lo xa trước đây.

Đổi tiền ở đâu có lợi

Nếu bạn đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ tự túc như chúng tôi, dứt khoát phải có ít tiền mặt của địa phương để trả tiền taxi. Bạn cũng có thể dùng để trả tiền xe bus, xe lửa nếu bạn có khả năng dùng phương tiện công cộng từ phi trường về đến tận khách sạn, một điều mà tôi nghĩ là khó và không đáng làm, bởi tôi từng có kinh nghiệm về việc này.

Tại sao cần một ít tiền mặt? Rất nhiều tài xế taxi địa phương không chấp nhận trả thẻ credit card. Đừng nói đâu xa xôi, ngay tại phi trường San Francisco ở Bắc California, khi tôi hỏi tài xế có nhận quẹt thẻ không, ông ta yêu cầu trả tiền mặt. May mắn chúng tôi đã có sẵn ít Mỹ kim còn thừa trong những chuyến đi Mỹ trước đây.

“Du khách ba-lô”: Ăn bánh mì cuốn thịt kiểu Thổ cầm tay trên đường Istiklal. Hình: TVTS

Về vấn đề đổi tiền, tại những phi trường của Úc, bạn nên đổi chừng 100 hay tối đa 150 Úc kim ra tiền nước mình đến, bởi chừng đó cũng tạm đủ cho một chuyến taxi ở những nơi mà tài xế không lương thiện, chạy quanh co hay chặt đẹp du khách. Bạn cũng nên hỏi bác google xem khoảng cách từ phi trường đến trung tâm thành phố xa bao nhiêu cây số và tiền taxi  khoảng bao nhiêu để không bị tài xế gạt. Hoặc cẩn thận hơn, hỏi bác tài một chuyến đi bao nhiêu, nếu taxi không có hay không dùng máy tính tiền cây số.

Lý do không đổi nhiều hơn vì hối xuất ở các phi trường (dù nơi mình đến) thường rất thấp. Chẳng hạn ở phi trường Melbourne, mot quầy Money Exchange cho giá 1 Úc kim chỉ ăn 3 lira (tiền Thổ Nhĩ Kỳ- Turkish lira) và còn tính thêm 10% huê hồng cho mỗi lần đổi. Như vậy đưa 100 Úc kim, bạn chỉ lấy được 270 lira.

Trong thời gian ở Istanbul, đi trên đường Istiklal tôi thấy có gần 10 tiệm đổi tiền không tính huê hồng, thấp nhất từ 3.58 và cao nhất đến 3.87 lira. Vậy đổi 100 Úc kim ở đường phố Istanbul bạn có thể tiết kiệm được gần 100 lira, tức gần 26 Úc kim.

Ngoài credit card, bạn cũng nên mang theo chừng năm trăm hay một ngàn Úc kim để đổi vì thông thường được lợi hơn ở ngân hàng. Dĩ nhiên mang nhiều ít tùy bạn! Tại Úc, ra vào mang dưới 10 ngàn Úc kim không phải khai báo, ở nhiều nước khác họ cũng tính chừng đó bằng Mỹ kim. Riêng ở Turkey và Cyprus, chỉ phải khai báo khi mang ra vào hơn 10 ngàn Euro. Tuy nhiên, bạn nên hỏi giới thẩm quyền về chuyện này hay tìm hiểu trên mang bởi vi phạm, sẽ bị phạt.

Tiệm bán kem với những người bán đưa kem cho khách kem bằng cây gậy như làm xiếc (hài), thu hút khách xem và mua  trên đường Istiklal. Kem này dai, và nghe nói đây là kem đặc biệt của Thổ. Hình: TVTS

Tại hai nước tôi vừa đi du lịch, có một số tiệm và dịch vụ không chịu sử dụng credit card nên đôi khi cũng bất tiện. Chẳng hạn, đêm cuối cùng ở Larnaca (Cyprus), sau một ngày đi thăm thú mệt mỏi, tắm biển vẫn chưa thấy đã, chúng tôi hoi dịch vụ massage trong khách sạn, nhưng cơ sở này làm ăn riêng và khách phải trả riêng cho chủ dịch vụ này. Tôi hỏi có nhận credit card không vì chúng tôi chỉ còn ít tiền mặt Euro để trả taxi ra phi trường, họ bảo tôi cứ ra ngoài đường rút tiền từ máy tự động mà trả,  làm chúng tôi mất hứng nên không cần massage nữa.

Tài xế không nói tiếng Anh

Istanbul có vài  phi trường quốc tế. Chúng tôi đến ở phi trường cũ SAW Istanbul S Gokcen (nằm trên phần đất Á Châu) và rời bằng phi trường mới IST Istanbul Airport (nằm bên phần đất Âu Châu), mất khoảng một giờ lái xe.

Tôi đã lên mạng xem và được biết tiền taxi khoảng 60 đến 70 Úc kim. Ra khỏi phi trường, xep hàng đón xe, thấy toàn xe có bảng hiệu taxi là đã yên trí. Ngồi vào xe, tôi đưa hóa đơn đặt khách sạn có ghi tên và địa chỉ: Richmond Hotel, No: 227 Istiklal Street, Taksim, Beyoglu, Istanbul, 34430, Turkey.

Anh tài xế gật đầu, rồi lái. Chạy một đoạn, tôi bảo anh ta ngừng, đánh địa chỉ tên khách sạn và con đường chúng tôi sẽ tới vào máy. Nhưng tôi thấy bản đồ trên điện thoại của anh gắn trên xe không có cái tên quen thuộc là quảng trường Taksim Square gần khách sạn, nên tôi bắt anh ta phải cho tôi thấy chữ Taksim Square. Cuối cùng thì tôi thấy được khu vực mà chúng tôi sẽ tới.

Người đi bộ và xe hơi chen chúc trên con đường nhỏ hẹp cuối đường Istikal. Hình: TVTS

Anh này chỉ biết được một hai chữ tiếng Anh nên chúng tôi chỉ còn tin vào sự lương thiện của anh ta. Tôi nói với nhà tôi nếu bị tính tiền quá cao cũng không sao vì nhờ mình đi ban ngày, chứ như đi taxi vào ban đêm ở Ai Cập (Cairo) mà tài xế không nói được chữ tiếng Anh nào thì rất đáng lo ngại.

Tôi bảo anh tài xế tôi biết xe hơi không thể chạy vào đường Astiklal ban ngày nhưng phải cố gắng làm sao đậu xe chỗ nào gần khách sạn nhất, nhưng ra vẻ anh ta chẳng hiểu tôi nói gì. Anh nói anh chỉ biết chút đỉnh tiếng Anh (ở Istanbul hau hết tài xế, như tôi biết, dù là xe tư nhân, đều không nói tiếng Anh).

Khi xe vào thành phố rồi bắt đầu chạy vào các ngõ hẻm nhỏ chỉ lọt cho một chiếc xe, tôi mới cảm thấy anh tài xế hiểu tôi muốn nói cái gì. Mặc dau chưa bao giờ đặt chân tới Istanbul nhưng nhờ xem hình ảnh và bản đồ trên mạng và với kinh nghiệm du lịch tự túc, tôi mới biết anh này chạy đúng đường, nhưng do kẹt xe nên chạy lâu hơn cả tiếng.

Cũng gần đến nơi tôi mới thấy taxi này tính tiền cây số trên máy điện thoại, gần 200 lira là giá phải chăng so với thông tin trên mạng. Anh đậu xe ở ngã ba con đường đầy người qua lại, làm dấu hiệu xe không thể vào bên trong vào bảo tôi hãy đi hướng trái, khách sạn gần mấy ông cảnh sát đang đứng. Tôi nói nhà tôi cứ xuống xe, vì con đường Astiklal không dài (chỉ khoảng 1.5 km).

Một lối tập thể dục khi du lịch: Đoạn đường này chỉ dành cho người đi bộ bởi toàn là những bậc cấp. Hình: TVTS

Hỏi bao nhiêu, anh ra dấu và nói gì tôi không hiểu, nhưng tôi thấy trên mobile phone con số 200 mà không rõ có phải đó là máy tính tiền cây số hay không, nên cứ đưa anh 250 lira. Anh ta trả lại tôi 10 lira, tôi bảo anh ta đưa thêm cho tôi 10 lira anh đang cầm trong tay. Anh đưa và cười vui vẻ. Chúng tôi cũng cười và cảm thấy chuyến đi 230 lira (khoảng 60 đến 76.6 Úc kim, tùy hối xuất khi đổi) là phải chăng.

Kéo vali chừng hai chục mét lách giữa rừng người trên con đường nổi tiếng nhất Istanbul, chúng tôi đến trước mặt khách sạn Richmond Hotel, biết có cầu thang máy (do hỏi trước vì đây là khu phố cũ chật hẹp) nhưng khi thấy phải bước lên tầng cấp để vào phòng lobby, chúng tôi cũng hơi ớn sau chuyến bay dài 24 tiếng, nhưng nhân viên khách sạn đã đến cửa và khuân vali  lên lobby.

Lấy phòng xong, nghỉ một lát,  tiện đi ngang phòng ăn sáng, chúng tôi nhìn ra eo biển Bosphorus, được nhân viên cho biết bên kia eo biển là Thổ Á Châu, bên tay phải là bán đảo có khu phố cổ nhiều đền đài, tôi nắm rõ thêm vị trí thành phố. Và chúng tôi ra Istiklal Street ngay để xem con đường có đông người đi bộ nhất thành phố Istanbul như thế nào.

Lúc này cũng đã hơn 4 giờ chiều. Chúng tôi không đi bộ lên hướng Taksin Square mà đi bộ về hướng tháp Galata Tower, nơi đường trở nên hẹp hơn, những con hẻm người đi bộ chen nhau với những xe hơi nhỏ hay taxi. Đoạn dốc này không còn tên Istiklal nữa và tôi không thể nhớ tên những hẻm mà chúng tôi vẫn thường đi lại hàng ngày để xuống cầu Galata Bridge nằm giữa eo biển Bosphorus và vịnh Golden Horn.

Đây là Istanbul: Cảnh nhà cửa và đường sá nhỏ hẹp của một thành phố nằm giữa đồi cao và biển. Hình: TVTS

Galata Tower cách khách sạn chúng tôi chừng 300 mét, nơi đây người ta đang sắp hàng dài chờ vào cửa. Biết mình ở gần di tích này, chúng tôi nghĩ lúc nào đi xem cũng được. Trước hết dạo phố, xem có nơi nào đổi tiền giá cao để đổi thêm ít tiền mua lặt vặt hay ăn uống ở vỉa hè. Trên con đường Istiklal có nhiều cửa hàng lớn, từ y phục đến ăn uống. Những đường hẻm bán áo quần bình dân và cổ truyền, những quán cà phê vỉa hè nhưng đặc biệt có  rất nhiều tiệm bán dụng cụ âm nhạc, từ cổ truyền đến hiện đại. Chính những con đường dốc và có nhiều bậc cấp để bước làm cho Istanbul có một nét riêng mà tôi chưa từng thấy ở những nơi nào khác. Tôi cũng không thể tưởng tượng làm sao người ta lái xe, và đậu xe ở những con hẻm dốc có thể đến 25 độ và rộng đủ cho một chiếc xe nhỏ đi qua.

Đi một vòng cho biết khung cảnh, vị trí, chúng tôi trở về khu vực khách sạn nơi đầy rẫy nhà hàng đủ loại để ăn tối,  tránh đi lộn đường sau khi đã có chút men rượu.

Chúng tôi đứng trước cửa tiệm Esmer Chef xem menu treo trên tường, được ông waiter hí hửng chào bằng tiếng Tàu nhưng tôi lắc đầu. Trong thời gian ở đây, chúng tôi cứ bị người ta chào hàng bằng tiếng Tàu. Thấy beefsteak và salmon giá khoảng 50 lira (khoảng 14 Úc kim), chúng tôi vào và chọn ngồi sâu bên trong để tránh mùi khói thuốc lá do khách ngồi ăn bên ngoài hút.

Thấy tôi trả lời không phải người Tàu, ông hỏi có phải người Nhật, người Đại Hàn không khiến tôi phải trả lơi người Việt Nam nhưng sống ở Úc. Ông ta không hỏi thêm nữa.

Buổi sáng đầu tiên ở Istanbul trên đường Istiklal nổi tiếng nhộn nhịp  khi thành phố còn chìm trong giấc ngủ. Hình: TVTS

Hơn một ngày chưa có bữa ăn chính thức, chúng tôi đã ăn hết đĩa thức ăn bởi khá ngon, hài lòng. Cái bill ghi: hai đĩa thịt và cá 109, bia Thổ 30, coca cola 12, chai nước (mình không gọi họ để trên bàn nên cứ uống) 10, garsoniye (tiền phục vụ) 20. Tổng cộng 181 lira (khoảng 50 Úc kim) cho một buổi ăn tối hai người là giá dễ chịu.

Hôm nay là Thứ Năm, ngày đầu tiên chúng tôi có mặt ở Istanbul, nơi xưa là Constantinople, kinh đô của Đế quốc Byzantine.

Sáng đầu tiên tại thành phố 15 triệu dân

Không hiểu tại sao đi du lịch chúng tôi thức dậy sớm hơn bình thường ở Úc. Tôi ra đường đi một vòng ở con đường được cho là có vài triệu người đi qua vào một ngày đông nhất cuối tuần. Lúc này là 6.30am. Chỉ có vài người đi bộ trên đường. Thỉnh thoảng một chiếc xe taxi hay xe nhà chạy ngang qua. Những phu quét đường đang kéo những bao rác gom lại một chỗ chờ xe rác đến nhặt. Con đường dài hơn cây số trông sạch sẽ, tươm tất đến độ khó tưởng tượng là đã có vô số người đi qua lại ngắm cảnh, mua sắm ăn uống trong suốt ngày qua cho đến khuya, bởi đến khoảng 10 giờ rưỡi tối hôm qua, từ trên phòng ngủ nhìn xuống đường Istiklal trước mặt khách sạn, tôi vẫn còn thấy người đi qua lại dù không còn đông.

Trời vẫn còn mờ, khu phố rất yên tĩnh, chỉ có một hai tiệm bán bánh mì mở cửa. Ở một đoạn đường, tôi thấy xe cảnh sát đậu và chớp đèn. Đi ngang qua, tôi thấy một người đàn ông nằm trước một cửa tiệm. Một người đàn ông khác có vẻ làm việc ở tiệm này đang nói chuyện với cảnh sát. Toi nghĩ đấy có thể là một người bị xỉu vì xài thuốc quá liều, bởi ông ta tuy co rúm nhưng vẫn còn nhúc nhích.  Cảnh tượng này tôi đã thấy quá nhiều, không đâu xa mà ngay chính trên con đường Victoria Street ở Richmond (Melbourne) nơi một thời là khu vực buôn bán làm ăn phát đạt của người Việt từ đầu thập niên 1980 nhưng nay bắt đầu thưa thớt, nhiều cửa tiệm đóng, để trống trông rất buồn thảm.

Ngày thứ hai ở Istanbul, tôi dành nguyên ngày để đi thăm những di tích mà tôi đã đọc sơ trên mạng. Vấn đề làm sao đến những nơi đó. Đi bộ, đi taxi hay dùng phương tiện công cộng như người dân Istanbul?

Mời bạn đọc theo dõi trong những số báo tới.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 4.11.2019

 

(Trích từ báo in TVTS số 1754 phát hành ngày 6.11.2019)