Kỳ 11

22 Tháng Bảy, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Cổng Gwanghwamun (phải) đang được trùng tu và phía sau là Cung Cảnh Phúc (Gyeongbokgung) tựa lưng vào núi Bắc Hán

Nguyễn Hồng-Anh

***

Trong các nước ở đông bắc và đông nam Á Châu, có lẽ ngoài hai nước như Trung Hoa và Nhật Bản đáng tự hào về việc bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử của họ, theo thiển ý người viết, Đại Hàn là nước thứ ba. Nhưng đấy là  Đại Hàn Dân Quốc chứ không phải Đại Hàn của cha con Kim Nhật Thành, Kim Chung Nhất vì hai cha con này chỉ muốn bảo vệ cái ngai vàng cộng sản độc tài cổ lỗ sĩ của họ mà thôi hoặc phát triển bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa để hù Hoa Kỳ hay phá hủy di sản văn hóa của nhân loại, trong đó có di sản văn hóa của triều đại Chosun—tức Triều Tiên.

“Tâm phục khẩu phục”

Ngày trước khi còn ở Việt Nam, người viết chỉ biết đến một Đại Hàn với những chàng lính thuộc sư đoàn Bạch Mã trông dữ dằn đến phát sợ, phục những ngọn cước của môn võ Thái Cực Đạo, thích cải kim chi chua cay và nồng mùi tỏi, trân quý những củ sâm Cao Ly nhập cảng từ Nam Hàn khi được bà mẹ cắt cho vài lát mang theo phòng đói trong những chuyến vượt biên hụt.

Đến lúc tị nạn ở Úc vào thập niên 1980 lại được nghe Nam Hàn là một con rồng Á Châu, một nước phát triển bậc nhất Á Châu (sau Nhật Bản) về mọi mặt: kỹ nghệ đóng tàu hàng, chiến xa; kỹ nghệ chế tạo xe hơi, đồ gia dụng như truyền hình, tủ lạnh. Và cuối cùng là kỹ nghệ điện toán và điện thoại di động.

Đại lộ trước cung Gyeongbok, hậu cảnh là cổng phía nam Gwanghwamun và núi Bukhan, các tòa đại sứ Mỹ và Nhật nằm bên phải

Một ấn tượng về phẩm chất của kỹ nghệ chế tạo của Đại Hàn là việc người viết mua một cái máy truyền hình màu màn ảnh mười mấy inches làm tại Đại Hàn từ năm 1983 đến nay vẫn còn xài được.

Song song với việc phát triển về mặt giáo dục, Đại Hàn đã được gia nhập tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế viết tắt là OECD, gồm 30 nước có lợi tức đầu người cao nhất thế giới.

Cũng cần nói thêm, sau phim Tàu của Hồng Kông, Đại Hàn đã làm mưa làm gió trên thị trường Châu Á với những bộ “phim tập Hàn Quốc” mà một người không mê và không có nhiều thì giờ rảnh rỗi như người viết cũng đã “phấn đấu” xem vài bộ “phim tập Hàn Quốc” mà bộ phim coi đầu tiên và thích nhất là bộ “Nước Mắt Đại Trường Kim” còn được gọi là “Báu Vật Hoàng Cung”.

Phim kể cuộc đời của cung nữ  có tên Từ Trường Kim có tài nấu ăn và sau trở thành y sư của nhà vua, được phong tước là Dae Jang Geum—Đại Trường Kim. Tài tử  Lee Young Ae đẹp, câu chuyện có hậu và nhất là cảnh vật của triều đình Triều Tiên.

Hơn 40 năm về trước, Miền Nam của Việt Nam có lẽ chẳng thua kém Nam Hàn bao xa. Nhưng nhờ Bác và đảng với 20 năm gây chiến và 30 năm cai trị đất nước, đất nước tự hào có hơn bốn ngàn năm văn hiến đã bị xứ Cao Ly bỏ xa. Xa lắm lắm…

Với từng đó hiểu biết về Đại Hàn hay Triều Tiên, người viết tới Seoul với một thứ tâm tình của một du khách muốn chiêm ngưỡng những di sản văn hóa lâu đời gần gũi với văn hóa của đất nước mình như tại Bắc Kinh hay Đông Kinh (Tokyo).

Trong bút ký Hàn-du này, chúng tôi ghi địa danh theo lối Pinyin, nghĩa là chữ  Đại Hàn đã được ký âm bằng mẫu tự La Tinh và thỉnh thoảng chú thích một hai lần tên địa danh đó bằng tiếng Hán Việt, nếu chúng tôi biết.

Thí dụ, chúng tôi viết đi xem cung điện Gyeongbokgung và mở ngoặc Cung Cảnh Phúc. Sau đó vẫn tiếp tục dùng từ Gyeongbokgung, mặc dầu rất khó khăn cho chúng tôi khi viết và độc giả khi đọc. Lý do: khi đọc xong bài này và qua thành phố Seoul mà hỏi đường tới… Cung Cảnh Phúc thì người địa phương… sẽ mù tịt.

Hỏi Gyeongbokgung? Nô-prò-lem! Sẽ được chỉ ngay.

Vậy mời bạn cùng chúng tôi đi xem một cung điện tiêu biểu của một triều đại được xem tồn tại lâu nhất ở Á Châu.

Tham quan cung điện Gyeongbokgung

Thành phố Seoul (có nghĩa Thủ Đô) của ngày nay chính là Hangyang (Hán Thành) ngày xưa, là kinh đô của triều đại Chosun (Triều Tiên) bao gồm một diện tích khoảng 600 cây số vuông, được cắt ngang bởi sông Hangang (Hán Giang).

Phía bắc sông Hán là trung tâm thủ đô với phố xá và các di tích lâu đài của triều đại Triều Tiên.

Phía nam sông Hán là khu hành chánh và thương mại, thể thao như  khu Yeouido, Gangnam với quốc hội, thị trường chứng khoán, sân vận động Olympic v.v…

Khu phố xá và lâu đài trong thành phố Seoul được bọc bởi ngọn núi phía bắc gọi là Bukhan (Bắc Hán) và ngọn núi nhỏ hơn ở phía nam gọi là Namsan (Nam Sơn).

Cảnh biểu diễn của lính thời xưa trước cổng Heungryemun

Ngoài những vùng xanh trên bản đồ là hai dãy núi vừa nói, tôi thấy có những vùng xanh nho nhỏ ở phía bắc là những cung điện như Gyeongbokgung, Changdeokgung và Changgyeonggung. Ở phía tây có cung điện Gyeonghuigung và sát Tòa Thị Sảnh có cung điện Deoksugung. Như vậy, ngay trong thành phố có 5 cung điện lớn nhỏ.

Tôi được nghe rằng khi qua Seoul nên thăm hai cung điện Gyeongbokgung và Changdeokgung. Cung điện Changdeokgung không lớn, xây năm 1405. Khi cung điện Gyeongbokgung bị cháy do Nhật xâm chiếm Triều Tiên, nhà vua cho xây cung điện Changdeokgung ở phía đông và các vị vua kế tiếp làm việc sống tại đó trong 273 năm, là nơi mà trong thực tế các đời vua Chosun trị vì ở đó lâu nhất cho đến khi chấm dứt.

Vào năm 1997, UNESCO  thừa nhận cung Changdeokgung là di sản văn hóa thế giới bởi hai lý do: cung điện bảo tồn được vẻ đẹp của kiến trúc Đông Á và hòa hợp với thiên nhiên một cách tuyệt vời.

Nhưng tôi nhìn trong bản đồ thì thấy cung điện Gyeongbokgung lớn nhất, nằm cách City Hall chừng hai cây số hướng bắc, lại dễ đi vì chỉ dùng tuyến xe điện ngầm đường số 5  đi một mạch là tới gần đó.

Từ khách sạn The Lexington (trạm Yeouinaru tức trạm số 527), bỏ 5 trạm, tới trạm Gwanghwamun (trạm 533) chúng tôi nhảy xuống. Đoạn đường từ đây tới cổng đầu tiên của cung điện Gyeogbokgung dài gần một cây số, mất khoảng 20 phút đi bộ. Với chúng tôi, chẳng xa bao nhiêu, chỉ ngại trời nắng.

Hỏi người qua đường cung điện nằm ở đâu, họ chỉ trước mặt. Từ xa, tôi thấy có một kiến trúc hình khối vuông màu vàng mà sau đó biết là cổng Gwanghwamun (Quang Hóa Môn) đang được phục chế lại. Sau cổng là những mái nhà ngói mà tôi nghĩ là cung điện dựa lưng vào ngọn núi Bắc Hán.

Trên con đường lớn thẳng tới cổng nam của cung điện, tôi thấy có rất nhiều cơ sở lớn như các bộ sở của chính phủ. Phía bên phải, chúng tôi thấy có tòa đại sứ Nhật và tòa đại sứ Mỹ được canh gác rất chặt chẽ.

Vì cổng nam của cung điện đang được trùng tu, chúng tôi đi dọc cổng thành nằm sát con đường lớn để xem công tác đang tiến hành như thế nào. Đi về hướng tây đến cuối thành quẹo phải vòng lên hướng bắc kiếm một cổng để vào trong thành và bắt gặp ngay Bảo tàng viện National Palace Museum.

Chúng tôi vào xem nhưng không phải trả tiền vì bảo tàng viện mở cửa miễn phí trong một năm từ 1.1.2009 đến 31.12.2009 để mừng kỷ niệm 100 năm việc khai trương bảo tàng viện đầu tiên ở Đại Hàn.

Tại đây bạn có thể tìm hiểu lịch sử của nước Cao Ly và các vương triều trước đó, đặc biệt là triều đại Triều Tiên (Joseon – Chosun) kể từ khi Lý Thành Quế (Lee Seonggye) lên ngôi năm 1392 và lấy niên hiệu là Thái Tổ.

Ngoài sách vở, y phục, gươm giáo của vua, nữ trang của các hoàng hậu bạn còn được ngắm chiếc xe limousine của hãng Daimler chế tạo năm 1914  dành cho Hoàng hậu Sunjeong.

Đối diện với mặt tiền của bảo tàng viện là sân vào  cung điện Gyeongbokgung, tiếng Anh gọi là Palace Greatly Blessed by Heaven và tiếng Hán Việt gọi là Cung Cảnh Phúc. Vé vào cửa là 3,000 won (hơn 3 Úc kim).

Nhờ có cuốn sách chỉ dẫn người ta phát cho, bây giờ tôi mới có được ý niệm về vị trí cung điện Gyeongbokgung, gọi ngắn hơn là Gyeongbok vì hình như chữ gung  đằng sau  có nghĩa là cung, tức Cảnh Phúc Cung. Cung này được vua Thái Tổ xây vào năm 1395 khi ông lên ngôi, mở đầu triều đại Triều Tiên.

“Ngai đỏ” của các vua Triều Tiên trong Điện Cần Chánh

Cung Gyeongbok tượng trưng cho văn hóa và lịch sử Đại Hàn, bởi vậy khi cựu Tổng thống Roh Moo-hyun tự tử chết vào cuối tháng 5 vừa rồi, lễ quốc táng ông đã được tổ chức trọng thể trong cung Gyeongbok. Xem truyền hình tang lễ, tôi nhớ vài hình ảnh của cung điện này mà tôi đã được dịp quan sát trong vòng 4 tiếng đồng hồ cách đó gần một tháng.

Gwanghwamun: sự tích cái cổng phía nam

Cung Gyeongbok được bao quanh bởi bức tường thành hình chữ nhật cao 5 mét và dài khoảng 2,000 mét. Có 4 cổng ra vào ở 4 hướng: Geonchunmun ở phía đông, Gwanghwamun ở phía nam, Yeongchumun ở phía tây và Sinmumun ở phía bắc.

Cổng phía nam với tên gọi Gwanghwamun (Quang Hóa Môn) là cổng lớn nhất có hình dáng giống các cổng Namdaemun và Dongdaemun ở ngoài chợ mà tôi đã có dịp trình bày trong bài trước. Nghĩa là cổng xây bằng đá có 3 cửa để ra vào (một loại cổng tam quan), bên trên là tòa nhà vọng lâu bằng gỗ hai tầng mái cong như mái chùa.

Cổng này bị người Nhật phá khi họ xâm chiếm Triều Tiên lần đầu vào năm 1592. Cái tháp canh ở phía tây nam cũng bị phá sập, chỉ còn lại cái tháp canh Dong-sipjagak ở phía đông. Di tích còn lại này của bức thành nằm trơ trọi ở ngã tư con đường bận rộn của thành phố.

Cổng Gwanghwamun được xây lại dưới thời vua Cao Tông và khi Nhật xâm chiếm Triều Tiên lần thứ hai vào cuối thế kỷ 19, cổng này bị dời lên phía bắc của cổng Geonchumun ở phía đông.Trong chiến tranh nam bắc Triều Tiên, cổng này lại bị phá hủy, chỉ còn lại phần gạch vụn.

Đến năm 1968 dưới thời Tổng thống Phác Chính Hy cổng này được xây lại ở một vị trí khác nhưng kiến trúc không giống nguyên thủy. Đến năm 2006, Gwanghwamun lại được di dời và việc phục chế lại hình dáng nguyên thủy tại nơi vua Thái Tổ đã xây ở hướng nam cách đây 600 năm đang được tiến hành.

Khi chúng tôi đang ở Seoul, cổng Gwanghwamun  mới hoàn thành được cái khung, nhưng công tác xây cất ra vẻ bận rộn lắm. Trong tập chỉ dẫn dành cho du khách, người ta nói dự trù Quang Hóa Môn sẽ được khánh thành vào năm 2010.

Không biết sau khi tái tạo cổng Gwanghwamun để trở lại thời đại huy hoàng của triều đại Chosun, liệu cổng này còn bị phá hủy nữa không, nhất là bởi người anh em ở phía bắc háo chiến như Kim Chung Nhất. Khu phi quân sự  DMZ (DeMilitarized Zone) cách Seoul không bao xa, chẳng cần hỏa tiễn tầm xa tầm trung chi ráo trọi, chỉ một trái hỏa tiễn hay đại bác bắn từ biên giới thì Quang Hóa Môn cũng hóa ra bình địa, nếu “lãnh tụ kính yêu” họ Kim nổi khùng.

Tường thành mà tôi vừa kể với bạn đọc là thành bên ngoài.  Bảo tàng viện nằm trong thành ở góc tây nam thành. Khu vực này ra vào tự do.

Muốn vào nội thành phải mua vé và đi vào cổng chính có tên Heungryemun (Hưng Lễ Môn). Sân trước cổng Heungryeumun rộng như một quảng trường với cảnh du khách đi lại tấp nập.

Tác giả trước Heungryemun (Hưng Lễ Môn), cổng vào tử cấm thành

Đứng từ bậc cấp bảo tàng viện, tôi tưởng người ta rước kiệu bởi những toán người y phục sặc sỡ di chuyển với cờ xí như rắn bò. Tới gần mới biết đấy là những màn biểu diễn của lính tráng ăn vận kiểu thời vua chúa đứng canh gác và đổi ca.

Những người lính mặc áo thụng đội nón chóp rộng vành để râu ria như  bạn thấy trong các “phim tập Hàn Quốc” và biết đâu một số những ngoại cảnh nói về các vương triều nhà Chosun (Triều Tiên) lại được quay ở trong cung Gyeongbok này?

Cảnh biểu diễn ở đây cũng từa tựa như cảnh đổi ca của những đội ngự lâm của Hoàng gia Anh ở Luân Đôn.

Bạn cùng tôi hãy bỏ chừng mười phút đứng trước cổng Hưng Lễ này để xem người ta trình diễn các nghi thức, lễ lạc theo phong cách Triều Tiên cổ truyền, ngắm thành phố đối diện với cung điện và sau đó hãy cùng bước vào cổng có mái đôi này. Nhưng cũng đừng quên chụp vài bức hình đứng cạnh mấy ông lính thời Chosun mang cung kiếm, giáo mác để làm kỷ niệm nhé.

Bước lên bậc cấp vào cổng là bạn đã thấy được những mái nhà hay mái cổng ở bên trong cung điện, cũng là những cổng mái đôi nằm kề nhau theo hàng dọc chứng tỏ cung điện rất rộng và trải dài.

Và kìa, bạn thấy cả cái núi ở hậu cảnh, rất rõ ràng, làm như chỉ chừng vài chục bước là tới chân núi. Đó là núi Bắc Hán, là cái lưng tựa mà Lý Thành Quế đã chọn để xây dựng lên cung điện đầu tiên của nhà Triều Tiên sau khi lật đổ nhà Cao Ly.

Đẹp quá. Hùng vĩ quá. Rời Huế đã lâu và hơn 40 năm chưa có dịp thấy lại Đại Nội, tôi không thể làm sự so sánh giữa các cung điện triều Nguyễn và triều Chosun. Tôi chỉ biết cung Gyeongbok rất đẹp. Mà lạ rứa tê, đã hơn 600 năm rồi mà sao vẫn còn như mới? Té ra cung này đã từng bị đốt cháy và được xây lại nhiều lần.

Từ Geunjeongjeon đến Hyangwonjeong

Qua cổng Heungryemun (Hưng Lễ Môn), là một cái sân rộng hình như lát gạch đá nếu tôi nhớ không lầm. Ở đây có cây cầu đá  Yeongjegyo (chẳng thấy có nước ở dưới, chỉ làm cảnh cho đẹp và uy nghi) dẫn bạn tới cổng Geunjeongmun (Cần Chánh Môn) là cổng đi vào Tử Cấm Thành rồi đấy, với không biết bao nhiêu lớp tường (tường thành cũng là một loại nhà, loại kho có mái ngói đấy) để bảo vệ sự kín đáo và an ninh cho nhà vua và hoàng gia.

Mời bạn cứ đi thẳng trên con đường có những cột đá dựng hai bên và bước lên tầng cấp để lên tòa nhà đầu tiên và lớn nhất có tên Geunjeongjeon (Điện Cần Chánh – Throne Hall) là nơi vua ngự để bàn chính sự, cai trị nước, tiếp khách ngoại quốc và là nơi làm lễ đăng quang cho các vị vua khi lên ngôi.

Du khách bước vào Cổng Cần Chánh của Điện Cần Chánh (Geunjeongjeon). Bên hông là thành quách lợp mái ngói

Nơi đây có cái ghế màu đỏ nằm trên bục cao như khán đài mà ta gọi là ngai vàng. Tất cả là màu đỏ trừ tấm phông vẽ cảnh núi non nằm phía sau cái ghế của nhà vua.

Nhìn ở ngoài, chúng ta cứ tưởng đó là tòa nhà hai tầng vì có hai mái ngói cong chồng lên nhau, nhưng vào bên trong mới biết đây là tòa nhà trệt với trần rất cao nên trông vô cùng uy nghi.

Chúng ta tiếp tục đi thẳng, vẫn là hướng bắc. Qua mỗi tòa nhà là phải qua một cái cổng khác, vẫn được ngăn bởi thành quách là những nhà kho. Tòa nhà trước mặt là Sajeongjeon (Điện Tư Chánh) là nơi vua làm việc, hội họp với các triều thần.

Mỗi cung chính như vậy thường có các điện phụ như ở phía tây có Cheonchujeon (Đền Thiên Thu)  và phía đông có Manchujoen (Đền Vạn Xuân).

Càng đi thẳng, càng gặp nhiều cung, dễ là trên mười cung với thành quách bao bọc, đúng là tử cấm thành, cung cấm của vua chúa.

Xem nhiều quá, không nhớ hết và có cảm tưởng cung nào, đền nào cũng giống nhau, tôi mời bạn cùng chúng tôi quẹo trái ra thăm Gyeonghoeru (Lầu Khánh Hội), tiếng Anh gọi là Royal Banquet Hall, là nơi vua tổ chức tiệc tùng, tiếp đãi quan khách ngoại quốc.

Vợ chồng tác giả trước hồ nhân tạo có Lầu Khánh Hội (Gyeonghoeru)

Lầu hai tầng khá lớn này xây trên một cái hồ nhân tạo hình chữ nhật dài 128 mét rộng 113 mét.  Lầu Khánh Hội được vua Thái Tổ xây từ năm 1412, nhưng đã bị cháy hai lần trong chiến tranh khi Nhật xâm chiếm vào năm 1592 và được phục chế vào năm 1867.  Lầu được đỡ bởi 48 cột trụ đá lớn. Mái nhà tầng trên được đỡ bằng các cột gỗ.

Tòa nhà này đã được Đại Hàn chọn làm di sản văn hóa quốc gia vào năm 1985.

Tôi thấy  cạnh lầu Gyeonghoeru có chiếc thuyền rồng, nghe nói đấy là thuyền nhà vua cùng quan khách sau khi đi một vòng trên hồ, sẽ lên trên tầng hai Lầu Khánh Hội này để dự tiệc, chiêm ngắm cảnh đẹp tuyệt vời của thành phố và núi non hùng vĩ chung quanh.

Du khách không được phép vào xem lầu này, nhưng đứng quanh hồ này mà chụp hình, thì ôi thôi tuyệt đẹp. Tôi thấy có những bác phó nhòm ra vẻ chuyên nghiệp người Đại Hàn mang máy ảnh có chân đứng để chụp cảnh lầu này. Chúng tôi cũng đã chụp được những bức bình đứng trước hồ và Lầu Khánh Hội với phông là núi Bắc Hán. Cảnh rất hữu tình, tôi nghĩ đấy là những bức hình phong cảnh đẹp bậc nhất mà chúng tôi chụp được trong những chuyến du lịch.

Các cung của Thái tử, Hoàng hậu nằm bên phải, chúng tôi không ghé xem mà cứ đi dọc đường thẳng vì sợ không đủ thì giờ đi hết cả cung điện này. Tiếp đến bạn sẽ gặp các cung như Hamhwadang và Jipgyoengdang

Tiếp tục đi nữa nhé, bạn sẽ gặp Gangnyeongjeon là nơi dành cho các quý phi và cung nữ,  Điện Khang Ninh nơi dành cho vua đọc sách và ngủ. Bạn có thể ngồi gần xem nơi ngủ của vua, một cái giường gỗ trải chiếc chiếu đẹp nhưng chắc chắn không êm lưng. Bàn ghế thấp, giường thấp, tôi nghĩ làm vua kiểu này phải khom hơi nhiều thì cũng mỏi lưng lắm. Vào xem chỗ ngủ của vua, bạn phải để dép lại ngoài bậc thềm đấy.

Bây giờ bạn đã đến một cái hồ nhỏ khác có tên là Hwangwonjeong.  Trong hồ có cái nhà thủy tạ hai tầng hình bát giác được xây vào năm 1873.

Hồ Hwangwonjeong với nhà thủy tạ hình bát giác

Cuối cùng chúng tôi cũng đã đến sát tường của Cung Cảnh Phúc, được xem thêm một số cung điện mà tôi không thể kể ra hết. Tại đây có cổng ra vào của hướng bắc có tên Sinmumun.

Sau đó đi ngược lại để tham quan “đợt hai” hay “xem vớt vát” những nơi nào mình bỏ sót hay không thấy trên đường đi.

Nằm bên góc phải (hướng đông bắc) chúng tôi thấy một tòa nhà có nhiều tháp như tháp chùa, ghé qua xem và biết đó là một bảo tàng viện có tên National Folk Museum, khác với National Palace Museum nằm ở góc trước cổng chính Quang Hóa Môn.

Bảo tàng viện National Folk Museum

Trở ra mặt tiền, chúng tôi lại đi ra cổng bên hông bảo tàng viện, vì cổng Quang Hóa Môn (Gwangwamun) đang được trùng tu. Bạn đọc nào du lịch trong hai, ba năm sau chắc chắn có hy vọng ra vào ngay cổng chính này, để có thể ngắm thành phố Seoul rực rỡ, hoành tráng dọc trên một đại lộ tượng trưng cho uy quyền và lịch sử của Đại Hàn Dân Quốc. (Còn tiếp)