Kỳ 13

05 Tháng Tám, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Con cháu Vua Hùng bất đồng ngôn ngữ: Tác giả đang đặt câu hỏi với ông Lý Hi Uyên (giữa) qua trung gian cô Bùi Khánh Đoan

Nguyễn Hồng-Anh

***

Câu chuyện Hoàng tử Lý Long Tường vượt biển đến Cao Ly có nhiều bản văn ghi chép khác nhau. Những người có đóng góp vào việc truy tìm tài liệu và sự ra đi của vị hoàng tử vào thời Lý mạt gồm các nhà nghiên cứu Việt Nam như  sử gia Phan Huy Lê, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, nhà văn Trần Đại Sỹ và một số nhà nghiên cứu người Đại Hàn như Jeon Hye Kyung, Giáo sư Yu In Sun…

Mỗi tác giả nói chuyến đi của Hoàng tử Lý Long Tường tuy có khác nhau về lý do, tình tiết, hành trình, nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm là vị hoàng tử của nước Đại Việt đã tới nước Cao Ly vào năm 1226 và nơi định cư đầu tiên của ông là Khang Linh, tỉnh Hoàng Hải ở Bắc Hàn ngày nay.

Hoàng tử ra đi… theo gia phả họ Lý Hoa Sơn

Con cháu Hoàng tử Lý Long Tường tuy có lưu giữ gia phả, nhưng tài liệu trong sử sách Đại Hàn về thân phận và công trạng của ông hoàng và con cháu đời sau có nhiều chi tiết hơn, kể cả về mặt truyện tích, truyền thuyết, dã sử.

Và cũng nhờ đó, dần dần lý lịch dòng họ của một hoàng tử Đại Việt tồn tại gần 800 năm trên bán đảo Triều Tiên hé lộ ra với nhiều thú vị và đáng hãnh diện như ông Lý Hi Uyên đã kể cho chúng tôi vào đêm 6.5.2009 tại thành phố Seoul.

Theo lời hậu duệ đời thứ 31 thì…

Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009, lấy hiệu là Lý Thái Tổ, mở đầu triều đại nhà Lý. Năm 1010, vua Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư  về thành Đại La, đổi Đại La thành Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay mà năm tới Việt Nam sẽ tổ chức mừng Thăng Long  1000 tuổi và các dòng họ Lý tha hương trên dưới 800 năm ở Đại Hàn sẽ về dự.

Lý Long Tường là thứ nam của vua Lý Anh Tông (con của bà phi Lê Mỹ Nga), em của vua Lý Cao Tông (Lý Long Trát).

Lý Cao Tông lên ngôi lúc mới 26 tháng tuổi, sau truyền ngôi cho con là Lý Huệ Tông (Lý Long Sảm). Như vậy Lý Long Tường là chú của vua Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông là đời vua thứ tám (bởi vậy mới có Đền Lý Bát Đế) bị Thái sư Trần Thủ Độ khuynh đảo nên sau đó đi tu, nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng (Lý Phật Kim) lúc đó mới 7 tuổi. Trần Thủ Độ đã gả cháu là Trần Cảnh, 8 tuổi cho Lý Chiêu Hoàng.

Một hôm đang nhổ cỏ trong chùa, Trần Thủ Độ đi ngang qua bảo “nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc”.  Lý Huệ Tông hiểu ý, sau đó đã tự tử.

Đầu năm 1226, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh lên ngôi, lấy hiệu là Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần.

Trong dịp giỗ Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ âm mưu giết 300 người trong họ Lý khiến Kiến Bình Vương Lý Long Tường là vị thân vương duy nhất còn giữ chức vụ quan trọng trong quân đội, vì sợ liên lụy sau này, đã đem gia nhân, tùy tùng chạy trốn bằng đường biển. Đoàn thuyền của ông sau thời gian lênh đênh sóng gió, đã tấp vào vùng biển Khang Linh (Ongjin-gun), tỉnh Hoàng Hải (Hwanghae) của nước Cao Ly (Goryeo) tức Đại Hàn ngày nay.

Tích xưa kể rằng, vua Cao Tông (Kojong) một hôm nằm mộng thấy một con chim rất lớn bay từ phương nam lên đậu ở bờ Tây Hải như điềm báo trước nhà vua sẽ gặp được một vị tướng từ phương xa.

Vua Cao Tông đã long trọng tiếp đón vị hoàng tử của nước Đại Việt và đoàn tùy tùng, cấp cho vùng đất ở  Ung Tân  để làm ăn sinh sống. Họ nói chuyện bằng bút đàm qua trung gian chữ Hán.

Lúc này Hoàng tử Lý Long Tường đã 52 tuổi. Ông cùng gia nhân và binh sĩ bắt đầu cuộc sống mới trên xứ người bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và cả đánh cá, nói chung là bất cứ nghề gì để sinh sống.

Vị hoàng tử còn mở trường học, dạy thi phú lễ nhạc và cả võ thuật nữa, bởi trong lòng còn mang nặng niềm thương nhớ cố quốc và ngày khôi phục lại giang sơn nhà Lý đã tồn tại được 227 năm.

Thời gian này, quân Mông Cổ bành trướng sang các nước láng giềng, chinh phục những nước xa xôi tận phía nam như Việt Nam và phía đông bắc như Cao Ly. Đó là vào năm 1253, năm thứ 40 đời vua Cao Tông của triều đình Cao Ly.

Lúc này Hoàng tử Lý Long Tường đã 69 tuổi. Ông đã dùng binh pháp của Đại Việt huấn luyện cho dân làng và binh sĩ người Cao Ly để chống lại quân Mông Cổ. Trận chiến kéo dài trong 5 tháng. Hoàng tử Lý Long Tường khi ra tận cỡi ngựa trắng đôn đốc binh sĩ chống trả quân xâm lăng. Bởi vậy sau này người dân trong vùng gọi ông là Bạch Mã Tướng Quân, có nghĩa dũng tướng cỡi ngựa trắng. Cũng vì vậy mà một sư đoàn quân đội Nam Hàn khi sang giúp Việt Nam Cộng Hòa chống lại cộng sản Bắc Việt vào thập niên 1960 đã mang tên Sư đoàn Bạch Mã.

Một chi tiết mà người viết chưa nghe các tài liệu khác nói, nhưng đây là do ông Lý Hi Uyên kể: Đánh nhau một thời gian không phân thắng bại, quân Mông Cổ trá hàng. Họ bày mưu cống hiến lễ vật đựng trong những cái lu cho hoàng tử nhưng bên trong những cái lu đó giấu binh sĩ Mông Cổ (giống câu chuyện Con Ngựa Thành Troy).

Biết việc này, hoàng tử sai người đục lu và đổ nước sôi vào, sau đó sai người trả lu lại cho người Mông Cổ. Phục trí thông minh của Bạch Mã Tướng Quân, quân Mông Cổ chấp nhận thua và rút lui.

Với chiến công này, vua Cao Tông phong tướng cho Lý Long Tường, dựng bia ghi công trạng của ông tại nơi quân Mông Nguyên đầu hàng gọi là Thụ Hàng Môn, đổi tên vùng ông ở thành Hoa Sơn  (Hwasan), nên người dân còn gọi ông là Hoa Sơn Tướng Quân. Từ đây, phát sinh dòng họ Lý Hoa Sơn, một dòng họ Lý của người gốc Đại Việt.

Theo các tài liệu trong sử sách, truyện dã sử của Triều Tiên, dù lập được chiến công và được vua Cao Ly trọng dụng, Hoa Sơn Tướng Quân vẫn không nguôi nỗi nhớ nhà, vọng cố hương.

Để con cháu và các đời sau còn nhớ đến quê cha đất tổ, ông đã xây một ngôi đình kiến trúc kiểu Đại Việt để thờ các vị vua nhà Lý, làm nơi con cháu tụ họp. Cuối đời, ông thường lên đỉnh núi  Quảng Đại, nhìn về phương nam mà lệ rơi vì nỗi nhớ quê hương (giống thuyền nhân Việt Nam tị nạn cộng sản trong thời gian mới qua định cư ở quốc gia đệ tam), cho nên nơi đó được gọi là Vọng Quốc Đàn.

Dấu tích của vị hoàng tử nước Đại Việt ở phương nam xa xôi vẫn còn lưu lại đâu đó trong sử sách của Đại Hàn.

Con cháu của Hoa Sơn Tướng Quân sau này có người làm quan lớn trong triều Cao Ly. Hậu duệ đời thứ 6 của hoàng tử Đại Việt là danh sĩ Lee Maeng Woo đã thể hiện lòng trung thành “tôi trung không thờ hai vua” nên khi Lý Thành Quế (Lee Seonggye) lật đổ triều đại Cao Ly (1392) để lập nên triều đại Triều Tiên (Chosun) ông Lee Maeng Woo đã xin từ quan.  Các hậu duệ của Lý Long Tường nói họ rất tự hào về truyền thống trung thành và sự chính trực của dòng họ Lý gốc Đại Việt trên đất khách.

Các dị bản về vị tướng quân tha phương

Những sách viết về Hoàng tử Lý Long Tường của Việt Nam gồm: Họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc của Phan Huy Lê; Cháu 22 đời vua Lý Anh Tông hiện ở Cao Ly của Sở Cuồng; Sự tích về một người Việt Nam có công lớn đánh quân Mông Cổ của Nguyễn Quang Ân  hoặc những bản dịch của Trần Văn Giáp như  Bài văn bia ghi sự tích Thụ Hàng Môn; bản dịch  Hoa Sơn Quân bản truyện của Nguyễn Tá Nhí.

Ở hải ngoại, nhà văn Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ hiện định cư ở Pháp trong năm 1980 nhân dịp lấy  cớ qua Bắc  Hàn để nghiên cứu nhân sâm, đã tới thăm các chi họ Lý ở tỉnh Hoàng Hải. Ông  kể chuyện cho họ nghe về thời đại Tiêu Sơn của nhà Lý, được dân làng đưa gia phả cho  xem và nhờ giải thích vì họ không nắm rõ lịch sử thời nhà Lý và nhà Trần sau đó.

Ông Trần Đại Sỹ còn được đi xem Ung Tân, nơi Hoàng tử Lý Long Tường khi mới đến lập nghiệp, lên ngọn đồi  Julhang nơi có lăng của Kiến Bình Vương Lý Long Tường; Vọng Quốc Đài ở Quảng Đại Sơn nơi hoàng tử đứng nhìn về quê hương.

Về lý do ra đi và hành trình của Hoàng tử Lý Long Tường, có sự khác nhau ở một số bản văn, câu chuyện.

Nhà viết truyện dã sử Trần Đại Sỹ nói rằng Lý Long Tường là hoàng tử thứ bảy của vua Lý Anh Tông.

Kiến Bình Vương Lý Long Tường lúc đó giữ chức Thái sư, lĩnh đại đô đốc, là thân vương duy nhất nắm quyền hành. Năm 1226, lo sợ Thái sư Trần Thủ Độ hãm hại, Kiến Bình Vương âm thầm cùng Bình Hải Công Lý Quang Bật từ căn cứ Đồn Sơn về Kinh Bắc, lạy ở lăng miếu Đình Bảng, rồi đến Thái Miếu mang bài vị, các tế khí ra trấn Đồn Sơn, rồi đem hết tông tộc hơn 6,000 người xuống hạm đội ra đi.

Sau hơn 6 tháng lênh đênh trên biển, thì gặp bão. Hạm đội phải ngừng lại ở một đảo giữa đường (Đài Loan?) rồi tiếp tục hải trình. Một trong các con của Kiến Bình Vương là hoàng tử Lý Long Hiền cùng vợ con và 200 gia nhân ở lại đảo (vì thế có giả thuyết cựu Tổng thống Lý Đăng Huy là hậu duệ của hoàng tử Lý Long Hiền). Hạm đội lênh đênh trên biển một thời gian thì tấp vào cửa Phú Lương Giang, quận Khánh Linh, tỉnh Hoàng Hải.

Nhà văn Trần Đại Sỹ nói rằng, theo tấm bia mang tên Thụ Hàng Môn Bi Ký, thì Kiến Bình Vương Long Tường có nhiều con trai và tất cả đều hiển đạt như Lý Cán, Đại lĩnh Đề học nghệ văn quán, Kim tử quang lộc đại phu; Lý Huyền Lương, Tham nghị lễ tào, Chính nghị đại phu; Lý Long Tiền Giám tu quốc sử (theo Trần Đại Sỹ, không biết chức Giám tu quốc sử ở Cao Ly có giống đời nhà Tống bên Tàu không, vì nếu giống thì Lý Long Tiền đã làm tới chức tể tướng). Nhưng bia không thấy nói tới Lý Long Hiền cùng tông tộc ở Đài Loan.

Theo nhà báo Trung Nghĩa chi tiết Lý Long Hiền (hay Lý Đăng Hiền) ở lại Đài Loan cũng được nhà văn Vũ Ngọc Tiến ở Hà Nội đề cập tới.

Bách khoa tự điển mở Wikipedia viết: “Lý Long Tường đã mang đồ thờ cúng, vương miện, long bào và thanh thượng phương bảo kiếm truyền từ đời vua Lý Thái Tổ cùng 6,000 thuộc gia qua cửa Thần Phú, Thanh Hóa chạy ra Biển Đông trên ba hạm đội. Đoàn  thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, bờ biển phía tây Cao Ly”.

Lịch sử Việt Nam chép về đời nhà Lý khá rõ ràng nhưng không có chi tiết nào nói về vị hoàng tử vượt biên,  ngoài một đoạn ngắn trong cuốn Đại Cương Lịch Sử Việt Nam (tập 1, NXB Giáo Dục 1997) mới xuất bản hồi gần đây: “Mùa xuân năm Bính Tuất (1226), Trần Thủ Độ giữ chức thái sư thống quốc, truất bỏ ngôi hoàng thượng của Lý Huệ Tông. Trần Thủ Độ thực hiện nhiều biện  pháp kiên quyết, diệt trừ thế lực còn lại của nhà Lý. Một số hoàng thân tìm cách di cư ra nước ngoài như Lý Long Tường chạy sang Cao Ly”.

Và cuối cùng, nhưng chưa phải là hết, nhà viết tiểu thuyết dã sử và cũng là nhà nghiên cứu sử Kang Moo Hak  của Đại Hàn cho rằng Lý Long Tường có ghé Nam Kinh bên Trung Hoa, nhưng khi ấy nhà Tống đã chấp nhận sứ thần của  nhà Trần tức là đã công nhận vương triều mới của nước Đại Việt, nên hoàng tử lại tiếp tục đi để tìm nơi nương tựa khác, và đó là xứ Cao Ly.

Dòng họ Lý Tinh Thiện của Hoàng tử Lý Dương Côn

Nhà văn Trần Đại Sỹ trong bài viết “Đi tìm con cháu thuyền nhân 849 năm trước: Nguyên tổ hai dòng họ lý tại Đại Hàn” có viết rằng sau khi qua Bắc Hàn và nghe câu chuyện dòng họ Lý ở đó, ông đã qua Nam Hàn để tìm hiểu thêm.

Họ Lý Hoa Sơn phần lớn ở Bắc Hàn. Tại Nam Hàn, không quá 1,000 hộ nhưng rất thành công trên nhiều lãnh vực. Ông Trần Đại Sỹ khẳng định Tổng thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 28 của Hoàng tử Lý Long Tường. Nhưng ông nói khi qua Nam Hàn, ông đã hết sức kinh ngạc khi gặp ông Lý Gia Trung và ông này cho biết tổ tiên là người Việt, nhưng thuộc dòng Kiến Hải Vương Lý Dương Côn, đến lập nghiệp ở Cao Ly từ thế kỷ 12, trước Hoàng tử Lý Long Tường 76 năm.

Lý do sự ra đi của Hoàng tử Lý Dương Côn cũng có những sự khác biệt.  Nhân dịp Lễ Hội Đền Đô vào Rằm tháng Ba vừa rồi, ông Lý Hi Uyên  của dòng họ Lý Hoa Sơn đã dẫn ba anh em  dòng họ Lý Tinh Thiện –Lý Châng Kil, Lý Man Su và Lý Chuk Silk– lần đầu tiên về thăm quê tổ.

Theo ký giả Huyền  Chi của báo CAND, các ông cho biết ghi chép trong gia phả của giòng họ Lý Tinh Thiện có lúc  bị gián đoạn nhưng con cháu luôn nhắc nhở nhau rằng họ là gốc nhà Lý từ Việt Nam và duy trì từ đời này sang đời khác để có dịp tìm về đất tổ.

Theo lời kể của hậu duệ dòng họ Lý Tinh Thiện thì Hoàng tử Lý Dương Hoán (thật ra là Lý Dương Côn) con vua Lý Nhân Tông (Lý Càn Đức) sau một chuyến công cán ở Trung Hoa và sau đó tham quan nước Cao Ly, đã quyết định ở lại đó, tức miền bắc Đại Hàn ngày nay.

Cái tên Lý Tinh Thiện là ghép họ Lý với địa danh Tinh Thiện nơi hoàng tử sống.

Nhưng theo bản văn của các nhà nghiên cứu Hàn-Việt thì tổ tiên của dòng họ Lý Tinh Thiện là Hoàng tử Lý Dương Côn, con nuôi vua Lý Nhân Tông, em vua Lý Thần Tông (tức Lý Dương Hoán).

Vua Lý Nhân Tông không có hoàng nam nên đã nhận con của các thân vương trong hoàng tộc làm con nuôi. Khi vua Lý Thần Tông băng hà, Thái tử Thiên Tộ còn ẵm ngửa, triều thần muốn tôn con của Thành Quảng Hầu là Lý Dương Côn lên nối ngôi.

Nhưng vợ của Lý Thần Tông là Cảm Thánh Thái Hậu nhờ có tình nhân Đỗ Anh Vũ giúp đỡ, đã loại hết các địch thủ, âm mưu giết hết các tông tộc của các thân vương.

Kiến Hải Vương Lý Dương Côn lúc này đang làm đô đốc thủy quân, bèn đem gia tộc xuống thuyền chạy qua Cao Ly, định cư ở vùng Tinh Thiện.

Các tài liệu nói nhiều hậu duệ của Lý Dương Côn làm quan lớn trong triều đình. Đài truyền hình KBS của Nam Hàn có thực hiện cuốn phim dã sử trong đó có nói rõ Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn là dòng dõi hoàng tộc nhà Lý ở An Nam (tức Việt Nam).

Hậu duệ đời thứ 2 là Lý Lan làm đến chức Kim Tử Quan Lộc đại phu Lễ Nhi phán thư; đời thứ 3 là Lý Mậu Trinh làm chức Khuông Tĩnh đại phu Chính đường văn học. Đặc biệt hậu duệ đời thứ  6 Lý Nghĩa Mẫn được phong Đại Tướng quân, Tây Bắc bộ binh mã sử.

Theo nhà văn Trần Đại Sỹ, cuối năm 1996 một nhà nghiên cứu tộc phả nổi tiếng của Nam Hàn là giáo sư Phiến Hoằng Cơ (Pyon Hong Ke) đã cho công bố kết quả cuộc nghiên cứu của ông, căn cứ vào gia phả của giòng họ mang tên Tinh Thiện thị tộc phả, được lưu trữ tại thư viện Quốc Gia Hán Thành. Theo đó, tổ của giòng họ Lý Tinh Thiện là Lý Dương Côn (Lee Yang Kon) tới  Cao Ly vào đầu thế kỷ thứ 12.

Và hậu đuệ đời thứ 6 của Lý Dương Côn là Lý Nghĩa Mẫn (Lee Unimin) trở thành nhân vật kiệt hiệt trong lịch sử.

Bấy giờ Cao Ly đang ở dưới triều đại vua Nghị Tông (Ui-jiong 1146-1170). Nhà vua rất sủng ái Lý Nghĩa Mẫn, phong cho chức Biệt trưởng. Nước Cao Ly trong thời gian này, phải chống trả với cuộc xâm lăng của Khiết Đan tức Đại Liêu, nên các võ tướng nắm hầu hết quyền hành.

Năm 1170 tướng Trịnh Trọng Phu (Jeong Jung-bu) chưởng môn một võ phái, đảo chính vua Nghị Tông lập vua Minh Tông (Mycong 1170-1179). Trọng Phu bị các võ phái, võ tướng nổi lên chống đối. Lý Nghĩa Mẫn là người phụ tá đắc lực cho Trịnh Trọng Phu, đem quân dẹp các cuộc nổi dậy. Ông được thăng chức Trung-lang tướng, rồi dần dần thăng Tướng quân, Đại tướng quân (1173), Thượng tướng quân (1174), cuối cùng là Tây Bắc bộ binh mã sứ (1178), tức Tư lệnh quân lực miền Bắc Cao Ly.

Năm 1179, một võ quan khác là Khánh Đại Thăng  (Kyung Dae-Seung) làm cuộc chính biến, giết chết Trịnh Trọng Phu, lên nắm quyền. Bấy giờ Lý Nghĩa Mẫn giữ chức Hình bộ thượng thư (1181) (Bộ trưởng Tư pháp). Vì ông thuộc phe Trịnh Trọng Phu, nên bị nghi ngờ, chèn ép. Ông cáo quan về hưu.

Sau khi Khánh Đại Thăng chết, vua Minh Tông  mời Lý Nghĩa Mẫn vào bệ kiến, được trao chức Tư không, Tả bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự tức Tể-tướng trong 14 năm (1183-1196).

Năm 1196, một phe võ tướng do Thôi Chung Hiếu (Cho Chung Heon) cầm đầu làm cuộc đảo chính, giết Lý Nghĩa Mẫn. Ba con ông là Lý Chính Thuần, Lý Chí Vinh, Lý Chí Quang đều là tướng cầm quân, cũng bị giết chết. Quân phiến loạn chỉ tha cho người con gái ông là Lý Hiền Bật.

Giòng họ Lý Tinh-thiện tưởng đâu tuyệt tự nhưng may mắn vẫn còn kế tục là nhờ người anh Lý Nghĩa Mẫn và các con không bị giết. Giòng họ Lý Tinh Thiện với Lý Nghĩa Mẫn làm tể tướng là tổ tiên của ông Lý Gia Trung mà nhà văn Trần Đại Sỹ gặp ở Nam Hàn.

Nhưng theo ông Trần Đại Sỹ, đối chiếu lịch sử Việt Nam và gia phả gòng họ Lý Tinh Thiện thì  Tể tướng Lý Nghĩa Mẫn là hậu duệ đời thứ  6 của vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) chứ không phải của Hoàng tử Lý Dương Côn.

Lý do: Hoàng tử Lý Dương Côn ra đi năm 1150 và gia phả của dòng họ Lý Tinh Thiện ghi Lý Nghĩa Mẫn được vua Nghị Tông phong chức Biệt trưởng năm 1170 thì Lý Nghĩa Mẫn không thể là cháu 6 đời của Hoàng tử Lý Dương Côn mà là con của ông, bởi hoàng tử nếu còn sống thì lúc đó cũng chỉ mới 52 tuổi mà thôi.

Câu chuyện của hai dòng họ Lý gốc Việt ở Đại Hàn dù có nhiều dị bản, tình tiết khác nhau, nhưng tựu trung vẫn được xác nhận là thực, bởi những hậu duệ đã liên tục kéo nhau về thăm quê cha đất tổ hay làm ăn sinh sống trong hơn một thập niên qua.

Tôi không cần truy cứu gia phả, đọc tài liệu ở văn khố, truyện tích ở thư viện Đại Hàn –mà tôi cũng chẳng có đủ sức để làm việc đó– nhưng tôi cảm nhận được Việt tộc tính trong con người đối diện với tôi, đang kể cho chúng tôi nghe về tổ tiên của ông, một thuyền nhân tới định cư ở xứ Cao Ly vào năm 1226.

Không biết có phải vì tổ tiên của hai dòng họ này là vua chúa hay bởi vì sống tha phương nên bản năng lưu truyền bảo tồn cội nguồn mạnh đến nỗi trên dưới 800 năm mà không thất lạc?

Thú thật,  tôi không biết trong giòng họ tôi có ai ghi chép gia phả không nhưng bản thân tôi chỉ biết đến ông bà nội, ông bà ngoại mà thôi. Ai là cha mẹ của các ông bà nội ngoại, tôi hoàn toàn không biết. Mà hồi còn nhỏ, cũng không dám “hỗn láo” để hỏi ông nội bố của ông tên gì, bà ngoại con của ai.

Bây giờ sống tha hương lại càng mù tịt. Biết được mình là con cháu… Hùng Vương thì cũng đủ rồi, phải không bạn?

Tôi –và rất nhiều bạn đọc– là những thuyền nhân sau năm 1975. Liệu 800 năm sau, con cháu chúng ta còn biết đến tên tuổi mình trừ phi mình làm đến thủ hiến, thủ tướng? Và những cuộc vượt biên của các thập niên 1970, 1980 và 1990? (còn tiếp)

————————

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

– Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ: Đi tìm con cháu thuyền nhân 849 năm trước: Nguyên tổ hai giòng họ Lý tại Đại Hàn.

– Trung Nghĩa: Đi tìm giòng họ Lý ở Hàn Quốc, Việt Báo

– Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á: Quá trình hoàng tử Lý Long Tường đến Hàn Quốc.

– Dòng họ Lý Tinh Thiện ở Hàn Quốc trở về cố quốc, CAND

– Silk Road Foundation.