Kỳ 14

12 Tháng Tám, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Nắng nhưng bầu trời thường mờ đục: Tháp 63 Building màu vàng ở khu Yeouido thuộc phía nam Hán Giang

Nguyễn Hồng-Anh

***

Bạn đã nghe qua lịch sử của triều đại Cao Ly (Goryeo),  đã cùng chúng tôi xem cung điện của triều đại Triều Tiên (Chosun), và đã chứng kiến cuộc gặp gỡ của chúng tôi với hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, vị tướng quân tha hương trên xứ Cao Ly. Nay mời bạn cùng bát phố với chúng tôi nhé.

Trước hết hãy cùng chúng tôi đi một vòng trên Hangang River, phiên âm Hán Việt là Hán Giang hay Sông Hán.

Hán Giang chảy qua thành phố Seoul và bán đảo  Triều Tiên dài 514 cây số. Nhưng nhìn bản đồ của thủ đô Nam Hàn, tôi thấy con sông chảy qua thành phố có hình giống chữ  W mà có người mô tả như một giải lụa xanh vắt ngang thành phố trong khi tôi cứ nghĩ và tưởng tượng đó là biểu hiệu của đồng won.

Cũng giống hai miền Việt Nam thời kỳ còn chia đôi đều gọi đồng tiền của mình là Đồng, Bắc Hàn và Nam Hàn đều đặt cho đơn vị tiền tệ của họ là Won.

Như đã trình bày với bạn đọc trước đây, khách sạn The Lexington mà chúng tội trọ nằm trên hòn đảo nhỏ Yeouido, một Manhatan của Seoul. Hòn đảo này nằm sát bờ phía nam của con sông có bề rộng khoảng một cây số rưỡi.

Từ khách sạn ra bờ sông Hán xa chừng một trăm mét. Nhìn qua bên kia sông bạn chỉ thấy toàn là cao ốc mọc chi chít dọc bờ sông. Bạn cũng có thể thấy tháp Seoul Tower xa xa chừng 7, 8 cây số đường chim bay nằm trên đỉnh núi Namsan của thành phố, cũng là một địa điểm thăm viếng nổi tiếng của thủ đô.

 

Trên Sông Hán

Đang ở gần sông, bạn hãy cùng tôi ra bờ tìm lối để xuống bất cứ một bến nào đó kiếm tàu đò qua bên kia sông hay tàu chở du khách du ngoạn. Đi lên hướng xe điện Subway gần trạm Yeouinaru mà hàng ngày chúng tôi vẫn thường đi, bạn sẽ gặp bến tàu Yeouido Ferry. Nhìn trên bản đồ thấy gần, nhưng lội bộ từ  khách sạn cũng mất khoảng 25 phút mới tới tàu.

Hàng ngày, đi bộ dọc đường tới ga xe điện, tôi có cảm tưởng từ đường cái xuống bờ sông không bao xa, nhưng hôm nay gặp trời nắng, từ đường cái đi bộ xuống bờ sông thấy sao quá xa, nhất là khi nhà tôi không chịu nắng nổi như tôi.

Con sông nằm rất thấp so với mặt đường của thành phố, phải kiếm đường làm hẳn hoi mới có thể xuống bờ sông được. Từ đường cái xuống bờ sông khoảng cách dễ chừng dài cả trăm mét, lại đang được ủi để lập công viên, rào cản thi công nên đi dọc bờ sông lúc này vừa bị bụi bặm, vừa không thẩm mỹ.

Phần lớn khu này vẫn còn cỏ dại, nhiều đoạn là đất mới cày xới, chỉ một ít vừa mới đổ nền xi măng. Mai rày bờ đất này sẽ trở thành một loại công viên xanh như trên phố thì con sông sẽ trở nên rộng hơn nữa với một không gian thoáng mát và xanh để làm dịu bầu trời lúc nào chúng tôi cũng thấy mù mờ và đục mà tôi nghĩ do hậu quả của không khí ô nhiễm do kỹ nghệ gây nên.

Vì chúng tôi tự mò đường và đã lỡ đi dọc khu vực đang xây cất công trường, thì cứ vậy mà đi cho đến những nơi có những chiếc tàu lớn đang đậu mà chúng tôi nghĩ là tàu khách.

Cùng lúc, chúng tôi thấy nhóm vài người hay đoàn du lịch có cờ xí từ trên đường cái gần trạm Subway đi xuống, thì mới biết rằng họ đi đúng đường. Đi vậy, sạch sẽ và đỡ mệt hơn chúng tôi, và mất khoảng 5 phút. Đi tour có khác đấy bạn ạ!

Bây giờ tôi xin làm người chỉ đường: bạn nào ở vùng khác muốn đến đây, hãy đón xe điện tuyến đường số  5 và nhảy xuống trạm Youinaru, ra cổng (exit) số 3.

Những chiếc tàu đậu trên sông không phải tàu đò như chúng tôi thấy ở cảng Sydney. Bởi dọc con sông Hán này, có không biết bao nhiêu là những cây cầu lớn bắc ngang sông nên chẳng cần tàu đò làm gì.

Công ty kinh doanh dịch vụ du ngoạn trên sông Hán tại đây có tên là C & Hangangland. Có những loại vé đi một tiếng, hoặc một tiếng rưỡi chạy qua những địa  điểm khác nhau mà nhìn qua, tôi thấy tên nào cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Tiếng Đại Hàn phiên âm ra chữ La Tinh coi bộ cũng không dễ đọc và dễ nhớ chút nào. Chúng tôi chọn chuyến đi xa nhất, 1 tiếng rưỡi với giá vé 14,000 won một người, tức trên dưới 16 Úc kim tính theo thời giá.

Những chiếc tàu  du ngoạn trên sông Hán là những chiếc hai tầng, khá lớn, có đầy đủ tiện nghi kể cả một sân khấu nhỏ để trình diễn âm nhạc (vào chuyến buổi tối) hay ảo thuật như chuyến đi vào buổi trưa của chúng tôi.

Tàu rời bến chạy về hướng đông, bạn sẽ thấy ngay cao ốc màu vàng có tên 63 Building, tòa nhà cao nhất ở thành phố Seoul. Nhìn hai bên bờ sông, nhất là bờ phía bắc  bạn chỉ thấy những cao ốc, chung cư chồng chất sát nhau tạo thành một bức tường dài màu vôi làm nền cho đường chân trời của thủ đô. Nơi đó là trung tâm phố với nhà chọc trời, cũng là nơi triều đại Chosun xây dựng các cung điện.

Ngoài bức tường vôi bằng cao ốc, ấn tượng trên sông là những cây cầu lớn hiện đại và kiên cố với nhiều lane cho xe hơi hay xe điện. Có lẽ vì giòng sông quá lớn, bờ sông rộng, nhà cửa và cao ốc nằm xa bờ nên khung cảnh ở đây khác với những con sông hẹp mà chúng tôi đã có dịp ngắm như  sông Yarra ở Melbourne, Seine ở Pháp hay khá rộng như sông Charles ở Boston hay Saint Laurent ở Montreal.

Tôi không biết chiếc tàu đã chạy qua bao nhiêu cây cầu, chỉ biết rằng mỗi cây cầu cách nhau từ một đến hai cây số là tối đa. Tàu chạy hơn nửa tiếng quay trở lại. Tôi vẫn thích ngắm cảnh phía bắc hơn, nhưng khi tàu trở lại bến Yeouido, tôi mới nhận ra cảnh bờ nam của khu phố này rất đẹp, hùng tráng nhờ cái tháp màu vàng sừng sững trên bầu trời nắng hanh của thành phố Seoul.

 

Lang thang giữa phố về đêm

Sau khi xem cung điện Gyeongbok, trên đường trở về trung tâm phố, trước khi tới Seoul City Hall, chúng tôi thấy bên góc trái của một con đường có nhiều người tụ tập. Chúng tôi biết hôm nay là ngày nghỉ lễ Children’s Day của Đại Hàn.

Lúc này trời đã chạng vạng tối. Đường phố với những tòa nhà cao đã che chắn ánh sáng còn lại của mặt trời đã lặn nên thành phố cũng không sáng mà chẳng tối. Hoàng hôn trong phố không thể nào đẹp nếu đèn điện chưa lên.

Chúng tôi thấy có nhiều trẻ con  bu quanh một khán đài được trang trí bởi những đồng tiền kẽm thật lớn màu vàng và bạc bao quanh một cái tháp hình xoắn màu mè. Người ta quăng  vô số đồng tiền kẽm vào đài, cạnh đó có bảng viết bằng tiếng Hàn và tiếng Anh “Small Coin Big Love”. Tôi hiểu ngay đấy là hình thức gây quỹ của một tổ chức từ thiện nào đó.  Quan sát thêm mới biết đấy là của tổ chức cứu trợ World Vision. Trẻ con đã bỏ đồng tiền kẽm cùng với những hình con chim bằng giấy đủ màu do chúng xếp nên trông vui mắt.

Tôi không biết chiến dịch quyên tiền bắt đầu từ lúc nào nhưng thấy “núi” tiền kẽm đã khá cao. Thấy cái tháp vòng xoắn nằm giữa “núi” tiền này, tôi nghĩ đến cái cột đồng Mã Viện ngày xưa với câu đe dọa của ông tướng Tàu  “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, khiến người Giao Chỉ (người Việt ngày ngay) đi ngang qua sợ mà lấy đất đá lấp vào đến độ cột đồng không đổ mà bị lấp mất luôn.

Hôm nay trẻ con và có cả người lớn đã tham gia chiến dịch “của ít lòng nhiều” của cơ quan World Vision lấp kín đài này mặc dầu chưa lấp được cột vòng xoắn.

Rời khu vực dành cho trẻ em, tôi tiếp tục đi trên con đường ra vẻ được ngăn lại để tổ chức hội hè trong ngày lễ. Tôi bắt gặp một khán đài giữa đường với những thanh niên nam nữ ngồi chờ nghệ sĩ đến trình diễn. Tôi thấy một bảng quảng cáo trên sân khấu với giòng chữ  HI SEOUL FESTIVAL 2009.

Thế là chiều hôm nay, ở trong cung điện Gyeongbok tôi vừa được xem văn nghệ chủ đề  Multicutural Festival  với những cô dâu Việt Nam lên trình diễn, bây giờ Festival này chắc hẳn phải là do người xứ Kim Chi thứ thiệt trình diễn?

(Mở ngoặc: ba ngày sau, đi lang thang ở bùng binh Seoul Plaza, tôi lại tình cờ xem buổi tổng dợt của phái đoàn văn nghệ từ Việt Nam qua trình diễn trong lễ hội HI SEOUL – Soul of Asia (Xin chào Seoul, Linh hồn của Á Châu) trong chương trình hữu nghị với thành phố Seoul có 15 quốc gia tham dự. Phái đoàn Việt Nam có khoảng 20 người trình diễn dân ca với các nhạc cụ đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu và đàn trưng Tây Nguyên).

Tiếp tục đi theo con đường này về hướng đông, gặp một vài sân khấu nhỏ với những nghệ sĩ trình diễn kèn đồng hay đơn ca. Và cuối cùng bất chợt nghe tiếng nước chảy mạnh như thác đổ, tôi tò mò đi thêm vài chục bước nữa thì bắt gặp một bức tường ngăn và các bậc cấp đi xuống một con sông hay suối gì đó.

Quan sát thật kỹ, tôi nhận ra đây là một con suối và chỗ chúng tôi đứng là đầu suối, nước chảy từ trên cao, như thác đổ. Ủa, thế này nghĩa là làm sao?

Hoàng hôn trên ngọn con suối dài 5.8 km giữa lòng thành phố Seoul: công trình tái tạo do đương kim Tổng thống Nam Hàn Lee Myung-bak hoàn tất vào năm 2005

Thật là bất ngờ, chúng tôi chưa hề nghe giữa thành phố Seoul có con suối lớn như vậy, bề rộng khoảng 7, 8 thước. Đứng trên đường cạnh mép suối đổ nhìn xuống thấy suối chảy dài thoai thoải đến khi tầm nhìn không còn cho phép. Hai bên suối là những dãy phố với cao ốc hiện đại. Thành phố đã lên đèn, màu vàng tía của hoàng hôn được thay bằng ánh đèn điện sáng. Âm thanh nước chảy hòa quyện với tiếng người ngoạn cảnh nô đùa, lội ra giữa suối đùa với nước. Thành phố Seoul (trước đây tôi đọc là xê-un, nhưng qua đấy nghe người bản xứ phát âm là xâu, âm từa tựa chữ  Anh soul, linh hồn, tâm hồn.

Mà quả thật người Đại Hàn tự hào thành phố Seoul của họ có hồn, hồn của văn hóa, hồn nghệ thuật với lịch sử trên 600 năm đúc kết tinh hoa từ triều đại Chosun cho đến ngày nay.

Để bạn biết suối Cheong Gye Cheon nó ra làm sao, hãy tưởng tượng đấy là con sông Yarra ở đoạn Southbank thuộc thành phố Melbourne, nhưng suối dĩ nhiên nhỏ hơn. Thác nước là cầu Princes ở gần ga xe lửa. Sự khác biệt là sát mặt nước suối có đường lát xi măng để bạn tiếp cận với nước, vọc nước vui đùa với giòng nước trong, sạch.

Trời đã tối hẳn, chúng tôi chỉ đi vài trăm thước thì băng một cây cầu để qua phía bên kia suối tiếp tục chuyến đi lang thang trong thành phố xa lạ. Tôi không biết cảnh vật hạ lưu trên con suối này ra sao, nhưng sau đó lên internet xem thì thấy người ta trồng nhiều cây dọc hai bên suối, làm cho thành phố trông mát dịu.

Tôi xem một tấm bảng đá cẩm thạch đen cạnh con suối ghi lịch sử việc xây dựng suối với tựa “The Cheong Gye Cheon Restoration” và sau đó lên mạng, tìm hiểu thêm về công  trình phục hưng lại con suối lịch sử này.

Viết đến đây, tôi nhớ lại bài thơ  “Sông Lấp Nam Định” của Trần tế Xương:

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Thật vậy, bạn không thể ngờ cuộc bể dâu của 6 thế kỷ từ khi vua Lý Thái Tổ (Lý Thành Quế  – Lee Seonggye) lên ngôi năm 1392 và quyết định dời đô về Hanyang tức Seoul ngày nay.

Ở phía nam cung điện Gyeongbok có con suối Cheong Gye Cheon (cũng được viết sát nhau là Cheonggyecheon) mà tự điển mở Wikipedia dịch ra tiếng Hán Việt là Thanh Khê Xuyên, nhưng tôi sẽ gọi là Suối Cheong Gye hay Cheong Gye Cheon để nhỡ bạn qua Seoul, sẽ dễ tìm hơn.

Suối Cheong Gye dài 5.8 cây số, chảy từ đông sang tây, rồi nhập vào sông Jungnangcheon, cuối cùng hợp lưu với sông Hán và sau cùng đổ ra Hoàng Hải (Yellow Sea) mà người Đại Hàn gọi là Biển Tây (West Sea).

Ngày xưa, con suối này là nơi các bà nội trợ ra giặt áo quần trong khi đám trẻ con nô đùa chung quanh. Nhưng từ đầu thập niên 1900 đến Chiến Tranh Triều Tiên (1950-53) người dân quê hay dân các vùng lân cận kéo tới sống dọc con suối. Họ xây những căn nhà tạm thời để ở và kiếm việc làm nên khu này trở thành xóm nhà lá, khu ổ chuột.

Năm  1958, dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee), nhận thấy không thể để con suối chạy ngang giữa thành phố tiếp tục là khu ổ chuột làm mất mặt bầu cua đất nước, chính phủ cho đổ bê tông lấp con suối, làm thành con đường.

Đến năm 1968 thời Tổng thống Phác Chính Hy (Park Chung-hee), người ta xây thêm một xa lộ nổi chạy dọc trên con suối đã bị lấp này.  Thế là Suối kia rày đã nên đường”.

Vài thập niên sau, khi Nam Hàn đã trở thành cong rồng Á Châu với những bước nhảy vọt chóng mặt về kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường và biến Seoul thành một đô thị xanh trở thành vấn đề cần thiết,  cấp bách của các nhà lãnh đạo thành phố.

Năm 2003, thị trưởng thành phố thời bấy giờ là ông Lee Myung-bak đưa ra dự án tái tạo Suối Cheong Gye với một kinh phí lên tới $900 triệu Mỹ kim (trên $1 tỉ Úc kim).

Đây là một dự án táo bạo và đầy tham vọng gây nhiều tranh luận và gặp quá nhiều chống đối, vì ngay cả những nhà bảo vệ môi trường cũng tỏ ra bi quan, cho rằng tái tạo lại con suối đã bị chôn vùi dưới đường xi măng chỉ mang tính cách biểu tượng mà thôi.

Thế nhưng sau hai năm thực hiện, một đoạn đường xi măng dài hàng cây số  đã được khoan đào, xa lộ trên cao cũng bị dẹp đi để mở lại thủy lộ đã bị lấp nhiều thập niên và nước gần như khô cạn, nay phải bơm 120,000 tấn nước mỗi ngày.

Cuối cùng, vào  tháng 9 năm 2005,  Suối Cheong Gye được khánh thành và tên tuổi của Thị trưởng Lee Myung-bak được cả nước biết tới. Người ta cho rằng chính công trình tái tạo con suối này đã góp phần giúp ông thị trưởng thực hiện giấc mơ  làm tổng thống vào năm 2008.

Chúng tôi đã có dịp đứng ngắm khu vực Cheong Gye Plaza và con suối gần một tiếng đồng hồ vào buổi tối và thấy rằng đấy là nơi lý tưởng để vui chơi và hẹn hò. Nghe nói vào mùa hè Suối Cheong Gye giúp thành phố giảm nhiệt độ đến 2 độ C.  Bạn có thể nghe chuyện xây một trung tâm thương mại tốn tỉ bạc nhưng có lẽ chưa nghe ai tái tạo một con suối trong thành phố tốn kém đến chừng đó tiền. Ông Lee Myung-bak đã có cái nhìn xa khi biến một con đường và một xa lộ trở thành một con suối.

Chúng tôi tiếp tục đi bộ ngắm thành phố về đêm và tới khu Seoul Plaza, đối diện với City Hall và cung điện Deoksugung (một trong 5 cung điện nằm trong thành phố). Seoul Plaza là một bãi cỏ rộng và cũng là bùng binh (round-about), được coi như trái tim của thành phố. Ở nơi đây có nhiều khách sạn và tiệm bách hóa sang trọng. Bãi cỏ của bùng binh là nơi người ta tổ chức văn nghệ trong đêm nay với ba sân khấu lớn  nằm 3 góc và những màn ảnh lớn.

Bùng binh Seoul Plaza với thảm cỏ xanh, nơi tổ chức những lễ hội lớn của thủ đô Nam Hàn

Hàng ngàn người ngồi đầy bãi cỏ và những góc đường lớn quanh bùng binh. Đêm nay là của trẻ con. Những nghệ sĩ hàng đầu của Đại Hàn xuất hiện trên các sân khấu để giúp vui cho các phụ huynh và trẻ con.

Các ban nhạc hay ca sĩ luân phiên trình diễn từ sân khấu này qua sân khấu khác, do đó không có sự đứt đoạn. Khán giả chỉ việc quay hướng nhìn khi một sân khấu đang tối được bật đèn với sự xuất hiện của các nghệ sĩ.

Không khí vui nhộn bởi khán thính giả vỗ tay, lắc lư  theo tiếng hát của ca sĩ. Chúng tôi không hiểu nhưng nghe và nhìn  thì cũng cảm thấy hay hay. Cũng thắc mắc tại sao người Đại Hàn (Nam Hàn) lại dành một ngày cho trẻ con để nghỉ làm việc. Buổi sáng, tại nhà thờ Tin  Lành Full Gospel Central Church rất lớn đối diện khách sạng The Lexington, chúng tôi thấy hàng ngàn người dự lễ, tổ chức tiệc tùng và dựng nhiều gian hàng trò chơi cho trẻ con. (còn tiếp)