Kỳ 8 Tại sao tôi đi du lịch Nam Hàn?

01 Tháng Bảy, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Vợ chồng tác giả trước cổng vào Gyeongbok Palace, nơi tổ chức lễ quốc táng cựu Tổng thống Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyễn) tự tử cuối tháng 5 vừa qua

Nguyễn Hồng-Anh

***

Chúng tôi du lịch vào thời gian có căng thẳng và nguy cơ xung đột ở bán đảo Triều Tiên khi Bắc Hàn tuyên bố sẽ thử hỏa tiễn mặc dù Mỹ và Nam Hàn phản đối mạnh mẽ. Bắc Hàn cho biết sẽ tấn công các máy bay nào tới gần khu vực thử nghiệm hỏa tiễn khiến nhà tôi hơi lo.

Nhưng tôi bảo hãy yên chí lớn, vì dù phi trường quốc tế Incheon nằm gần khu phi quân sự, nhưng máy bay từ dưới Úc bay lên sẽ không qua không phận bị ông Kim Chính Nhật hù dọa. Hơn nữa chúng tôi đi vào cuối tháng 4 thì cũng đã khá xa cái ngày thử nghiệm đó khoảng hai ba tuần lễ.

Nhà tôi cũng như nhiều bà (và có cả các ông nữa) hiện đang say mê xem “phim tập Hàn Quốc”, khen phim hay mà cũng khen các tài tử đẹp nữa. Bởi vậy đi du lịch để thấy thủ đô, đền đài và con người xứ kim chi, xứ củ sâm thì còn gì thú vị bằng.

Ngày trước, khoảng năm 1967 gì đó,  tôi đã bắt đầu biết về người Đại Hàn qua những lớp học Taekwondo (Thái Cực Đạo) ở khách sạn Hương Giang tại  Đập Đá ở xứ Huế với những huấn luyện viên là những ông lính mắt một mí, mặt vuông, tóc húi cua dáng người chắc nịch, nhưng nhanh nhẹn.

Tôi không có duyên với môn võ xứ củ sâm như môn võ của xứ phù tang, nhưng nhờ mấy tháng theo học những khóa Taekwondo đầu tiên đó mà khi muốn tìm hiểu về Đại Hàn, dễ thấy lôi cuốn hơn.

Chuyến du lịch Nam Hàn vào đầu tháng 5 vừa qua có vài điều làm cho tôi nhớ nhiều nhất: con người và thành phố Seoul (còn được gọi là Hán Thành).

Tôi có độc đọc đâu đó nhận xét rằng người dân thành phố Seoul thân thiện và hiếu khách. Quả không sai vì tôi đã có dịp chứng nghiệm trong ngày đầu tiên tới thành phố.

Vợ chồng chúng tôi từ khách sạn tìm đường tới trạm xe điện Subway gần nhất. Giữa đường, tôi hỏi vài người, họ chỉ tôi đi về hướng mà chúng tôi nghĩ là sẽ đi đúng. Đi một đoạn, thấy một người đàn ông mang kính cận, tay cầm cuốn sách, tôi nghĩ người này có thể nói tiếng Anh được bèn hỏi và được ông ta bảo hãy đi theo ông bởi vì ông cũng tới trạm xe điện.

Ông hỏi tại sao không kêu taxi cho dễ và nhanh chóng, tôi bảo là muốn đi phương tiện công cộng cho rẻ tiền và cũng là cách để biết thành phố nhiều hơn. Nghe nói tôi từ Úc đến, ông ta bảo ông chỉ biết nước Úc qua phim Australia do Nicole Kidman đóng và rất thích.

Tuy nói tiếng Anh không được bao nhiêu, nhưng ông cũng đã giúp chúng tôi tìm được trạm xe metro, giúp chúng tôi mua vé, và đưa chúng tôi tới tận cầu tàu của chuyến xe đưa chúng tôi tới nơi chúng tôi muốn, vì cầu tàu nằm tận tầng hầm thứ 6 dưới đất. Lần đầu tiên nhìn bản đồ hệ thống Subway của thành phố Seoul, chúng tôi muốn hoa cả mắt và không biết sau này làm thế nào để đón xe đi lại trong thành phố.

Người đàn ông này đã mất khá nhiều thì giờ và khá mệt khi giải thích và chỉ dẫn cho chúng tôi bằng tiếng Anh. Sau này chúng tôi cũng gặp ông ta một lần nữa trên đường đi tới trạm xe điện. Lần này chúng tôi nói chuyện nhiều hơn và trao đổi danh thiếp, chừng đó tôi mới biết ông làm cho một nhật báo có trụ sở nằm trong khu phố này.

Sau đó, trong những lần tìm cách mua vé và đi lại ở những trạm metro, chúng tôi đã được những thiếu nữ, những bà xồn xồn chỉ đường, phần lớn họ chỉ nói bằng tiếng Hàn và vì thế chẳng giúp gì được cho chúng tôi.

Lại có những ông mặt mày đỏ gay có lẽ do say rượu, thấy tôi đứng trên xe điện cầm bản đồ nói chuyện với vợ tôi  về đường sá, cũng lại gần giúp chúng tôi bằng tiếng Hàn khi thấy các bà khác nói mà tôi không hiểu.

Lại có một cặp trai gái trẻ đi trên đường thấy chúng tôi nhờ chỉ đường tới một trạm metro gần nhất, thắc mắc tại sao chúng tôi không đi taxi và khi nghe chúng tôi nói muốn đi bộ trong thành phố để ngắm cảnh, đã vui vẻ bảo chúng tôi đi theo họ. Họ mất khoảng 15 đến 20 phút đi bộ với chúng tôi, đưa chúng tôi tới tận nơi.

Chúng tôi nghĩ những người Hàn này không phải giúp du khách bởi vì sự quảng cáo hay sự nhồi sọ của Bộ Du lịch mà vì bản tính tự nhiên của họ. Điều này gây một ấn tượng rất đẹp đối với chúng tôi.

Ấn tượng thứ hai làm chúng tôi vẫn còn nhớ là cái đẹp của thành phố Seoul do thiên nhiên ưu đãi và kỳ công của con người tạo nên. Chúng tôi không thể tưởng tượng thành phố này rộng lớn, đông người,  phố xá sầm uất, hiện đại và sạch sẽ đến như thế.

Đã đi tới nhiều thành phố trên thế giới, có thể nói chúng tôi chưa thấy nơi nào mà phố xá có nhiều phòng vệ sinh công cộng và sạch đến như thế. Lại mới nữa chứ, nhất là các cầu tiêu công cộng ở các trạm xe điện ngầm. Mới và sạch đến độ tôi luôn luôn chọn sử dụng nhà vệ sinh ở các trạm xe điện.

Trạm metro ở Paris? Ôi thôi là bẩn và hôi hám.

New York? Quá cũ.

Washington? Montreal? Chẳng có gì đáng nói.

Còn Tokyo và Singapore thì sao? Tôi nghĩ Subway của thành phố Seoul qua mặt tất cả về sự mới mẻ, tân kỳ và sạch, với mùi thơm dễ chịu trước khi bước vào các khu vệ sinh.

Từ Cao Ly, Triều Tiên… đến Đại Hàn

Trước khi đi tham quan thành phố Seoul, mời bạn đọc cùng tôi lần giở vài trang lịch sử của đất nước này.

Người Đại Hàn hay còn gọi là người Triều Tiên là một dân tộc tương đối thuần chủng, có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng rất lâu đời. Theo tự điển mở wikipedia và các tài liệu về du lịch mà chúng tôi có dịp đọc thì  con người đã xuất hiện hàng vạn năm tại bán đảo Triều Tiên, nhưng những triều đại đầu tiên chỉ mới xuất hiện chừng hơn hai ngàn năm trước Công Nguyên, có nghĩa cùng khoảng thời gian với các Vua Hùng của Việt Nam.

Nhưng lịch sử của Triều Tiên thật sự bắt đầu vào thời đại Tam Quốc (còn gọi là Tam Hàn) từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên kéo dài đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên.

Núi bọc phía bắc cung điện Gyeongbok

Tam quốc là 3 nước,  gồm Cao Câu Ly  hay Cao Cú Ly (Goguryeo), Bách Tế (Baekje) và Tân La (Silla) cùng tồn tại cho đến khi nước Tân La thống nhất ba nước vào năm 668 (Xin xem phim tập Truyền Thuyết Jumong để biết về vương triều Cao Cú Ly, một triều đại khác với vương triều Cao Ly sau này).

Thời đại Tân La thống nhất là thời hoàng kim của Phật giáo. Cho đến khi Tân La thống nhất bị lật đổ năm 935, có ít nhất một tá cuộc chiến giữa các nước nhỏ trong vùng cộng thêm sự vùng dậy của các nước được gọi là hậu Tam Quốc.

Vương quốc mới có tên là Cao Ly (Goryeo) sau này được người tây phương gọi là Korea cho đến ngày nay.

Triều đại Cao Ly bắt đầu từ năm 918 và kéo dài đến năm 1392. Chính trong thời gian này, vào thời vua Cao Tông (Kojong), hạm đội của Hoàng tử Lý Long Tường trên đường đi tị nạn đã tấp vào bờ biển Khang Linh (Ongjin-gun) ở tỉnh Hoàng Hải (Hwanghae) vào năm 1226, như  hậu huệ của Bạch Mã Tướng Công đã kể cho chúng tôi và nguồn gốc của tên nước Cao Ly.

Đến năm 1392, đại thần Lý Thành Quế (Lee Seonggye hay Yi Seon-gye) khi được lịnh vua đưa quân sang Trung Quốc chống nhà Minh, lại quay ngược lật đổ nhà vua Cao Ly và lập nên triều đại mới lấy tên là Triều Tiên (Joseon).

* * *

Xin mở ngoặc: Giống trường hợp  nước Cao Ly thống nhất vào thế kỷ thứ 10,  tại Việt Nam, Lý Nam Đế (Lý Bí 503-548) thời đó đặt tên nước ta là Vạn Xuân; Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh 924-979) lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt; Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tôn 1023-1072) đặt tên nước là Đại Việt từ năm 1054 kéo dài đến năm 1804 (trừ một thời gian vài năm có tên là Đại Ngu do Hồ Quý Ly đặt khi lên ngôi vào năm 1400).

Quốc hiệu Việt Nam được vua Gia Long đặt từ năm 1804. Ban đầu vua Gia Long xin nhà Thanh công nhận cái tên mới là Nam Việt, có nghĩa người Việt Thường ở phía nam. Nhưng nhà Thanh cho rằng Nam Việt trùng với quốc hiệu của lãnh thổ nhà Triệu xưa kia, gồm Quảng Đông và Quảng Tây (mà vua Quang Trung tính đòi lại) nên đổi ngược thành Việt Nam.

Vua Minh Mạng khi lên ngôi xin nhà Thanh cho đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam, ngụ ý một nước Nam to lớn nhưng nhà Thanh không chịu. Đến khi nhà Thanh suy yếu và không còn ảnh hưởng nữa, Minh Mạng chính thức đổi tên Việt Nam thành Đại Nam vào năm 1839 và tên này kéo dài tới năm 1945.

Khi Nhật đảo chánh Pháp, Bảo Đại thành lập chính phủ Trần Trọng Kim và gọi nước ta là Đế Quốc Việt Nam. Từ khi chia đôi đất nước vào năm 1954, nước ta có nhiều quốc hiệu khác nhau (ở miền nam gọi là Việt Nam Cộng Hòa) và hiện tại tên chính thức là Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

* * *

Triều Tiên có nghĩa là Buổi Sáng Tươi Đẹp. Từ đây, những người sống trên bán đảo Triều Tiên được gọi là Choson hay Chosun, tức Triều Tiên.

Lý Thành Quế trở thành Lý Thái Tổ (Taejo), vị vua đầu tiên của triều đại Joseon, có nghĩa là Triều Tiên.  Lý Thành Quế dời đô về Hán Thành (Hanseong hay Hanyang) tức là Seoul bây giờ. Seoul có nghĩa là thủ đô, gọi Hán Thành là gọi tên cũ của thủ đô nước này như  ngày nay ta gọi thủ đô Thăng Long thay vì Hà Nội.

Ba năm sau khi lên ngôi, vào năm 1395 Lý Thành Quế cho xây cung điện Gyeongbokgung (hay Gyeongbok Palace), có nghĩa là Cung Điện Được Trời Chúc Phúc. Đây là cung điện xưa nhất còn tồn tại ở Seoul, một biểu tượng của Đại Hàn mà chúng tôi đã có dịp tham quan và sẽ kể chuyện trong một dịp khác.

Văn hóa Triều Tiên rực rỡ và đạt tột đỉnh vào thể kỷ thứ 15.  Đến năm 1897, triều đại nhà Joseon đổi tên Triều Tiên thành Đại Hàn Đế Quốc (Daehan Juguk). Vì thế sau, Cao Ly và Triều Tiên nước này còn có tên khác là Đại Hàn.

Namdaemun (Nam Đại Môn) bị đốt cháy đang được xây lại

Kéo dài hơn 600 năm, Joseon  một triều đại tồn tại lâu dài nhất ở Đông Nam Á cho đến năm 1905 khi Nhật chiếm đóng và đất nước này trở thành một nước bảo hộ của Nhật Bản, được cai trị bởi một Tướng Toàn Quyền.

Năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng, Liên Bang Xô Viết chiếm đóng miền bắc và Hoa Kỳ chiếm đóng miền nam từ vĩ tuyến 38 trở xuống.

Bắc Triều Tiên được gọi là Choson Minjujuui Inmin Konghwaguk (Triều Tiên Dân Chủ Chủ Nghĩa Cộng Hòa Quốc hay Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên). Nam Triều Tiên tự xưng là Daehan Minguk (Đại Hàn Dân Quốc)

Năm 1950, với sự hỗ trợ của Trung Cộng, miền bắc vượt vĩ tuyến tấn công miền nam. Hoa Kỳ với sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc, mở cuộc phản công. Chiến tranh kéo dài đến năm 1953 khi quân đội miền bắc bị đẩy lui khỏi vĩ tuyến 38 và hai bên chấp nhận đình chiến.

Vì không ký hiệp ước hòa bình, nên trên nguyên tắc hai bên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

Triều Tiên và Hàn Quốc: Ấm ức về một cách gọi của Bắc Kinh

Kể từ khi đất nước bị chia đôi, người miền bắc tự gọi họ là nước Triều Tiên (Choson) hay là Bắc Triều Tiên (Bukchoson). Họ gọi người anh em phía nam là Nam Triều Tiên  (Namjoson). Người miền bắc vẫn còn nhớ tới thời vàng son của triều đại Triều Tiên, tức Joseon.

Trong khi đó, người miền nam gọi nước là Hàn Quốc (Hanguk), tên được rút gọn từ quốc hiệu chính thức là Đại Hàn Dân Quốc.  Để phân biệt bắc nam, họ gọi chính thể ở phía bắc là Bắc Hàn (Bukhan) và chính thể của họ là Nam Hàn (Namhan).

Đó là cách gọi của chính người Triều Tiên hay người Đại Hàn.

Còn các nước trong vùng gọi họ như thế nào?

Người Đài Loan gọi hai nước là Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên. Người Hồng Kông và Ma Cao gọi là Bắc Hàn và Nam Hàn.

Trung Cộng, một đàn anh của miền bắc,  trước đây vẫn theo cách gọi của chính thể Kim Nhật Thành, nhưng sau này đổi cách gọi–  gọi miền bắc là Triều Tiên (Chaoxian) và miền nam là Hàn Quốc (Hanguo), đúng cách tự xưng của hai chính thể cộng sản và quốc gia.

Trước năm 1975,  Hà Nội gọi miền bắc là Bắc Triều  Tiên (hay một cách chính thức là Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên) và gọi miền nam là Nam Triều Tiên (hay Cộng Hòa Triều Tiên).

Sài Gòn gọi miền bắc là Bắc Hàn (hay tên chính thức của miền bắc là Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) và miền nam là Nam Hàn (hay Đại Hàn). Bởi vậy mới có xa lộ do binh sĩ Đại Hàn xây ở Thủ Đức vào khoảng năm 1970 được gọi là Xa Lộ Đại Hàn (Không biết lúc này có được gọi là Xa Lộ Hàn Quốc không?).

Sau năm 1975, khi đã thống nhất Việt Nam, Hà Nội vẫn dùng cách gọi của Bắc Triều Tiên, nhưng nghe nói đến năm 1993 khi Nam Hàn thiết lập bang  giao với Việt Nam, nước này yêu cầu dùng tên chính thức của họ là Đại Hàn Dân Quốc (hay gọi tắt là Hàn Quốc),  và từ đây từ Hàn Quốc trở thành phổ biến.

Nhưng thật tình mà nói, chính quyền và bộ máy truyền thông của Hà Nội đã rập theo lối gọi của đàn anh phương Bắc. Bắc Kinh làm gì thì Hà Nội răm ráp làm theo.

Trung Cộng không muốn một nước Triều Tiên hay Đại Hàn thống nhất theo chủ nghĩa tư bản. Thâm ý của bá quyền Bắc Kinh là muốn duy trì một Triều Tiên cộng sản lệ thuộc Trung Cộng. Bởi vậy một dân tộc thuần chủng có một nền văn hóa và chính trị thống nhất hơn một ngàn năm (từ thời Cao Ly) nhưng lại bị coi như hai dân tộc riêng biệt—người Triều Tiên và người Hàn Quốc.

Chúng ta nghĩ sao nếu Việt Nam vẫn còn chia đôi và miền bắc bị Trung Cộng gọi là nước An Nam hay Việt Nam và miền nam được gọi là Nam Việt? Cứ theo đà này, có thể ngày nào đó Hà Nội sẽ gọi Hoàng Sa của chúng ta là Tây Sa, Trường Sa là Nam Sa; Biển Đông là Biển Trung Hoa. Biết đâu?

Nhưng trước mắt, bây giờ Nam Hàn hay Nam Triều Tiên đã trở thành Hàn Quốc: phim Hàn Quốc, tài tử Hàn Quốc, người Hàn Quốc v.v… Nghe chướng tai nhưng với thói quen riết cũng trở thành quen tai. Nói sai, nhưng nói hoài cũng thành đúng.

Điều trớ trêu là một số nhà báo ở hải ngoại cũng bắt chước báo chí trong nước gọi hai chính thể, hai nước trên bán đảo này Triều Tiên và Hàn Quốc.

Ông đại Hán bá quyền muốn duy trì một Bắc Triều Tiên trong quỹ đạo của ông ta, tại sao người mình bắt chước Bắc Kinh để gọi Triều Tiên và Hàn Quốc?

Nhiều người Đại Hàn (hay Triều Tiên) ở  ngoại quốc gọi họ là người Cao Ly (Goryeo), cái tên có hơn một ngàn năm trước để tránh sự xung đột giữa bắc và nam hay bởi chủ nghĩa bá quyền của Trung Cộng khi gọi Triều Tiên và Hàn Quốc.

Riêng tôi, tôi vẫn duy trì thói quen xưa nay gọi những người sống trên bán đảo Triều Tiên là người Đại Hàn, và hai nước là Bắc Hàn và Nam Hàn giống như người Tây phương vẫn gọi Korea hay rõ ràng hơn là North KoreaSouth Korea.

Bởi vậy, đề tài bút ký du lịch lần này vẫn là du lịch Nam Hàn. Tôi nhất quyết đi Nam Hàn, miền nam của xứ Đại Hàn chứ không đi Hàn Quốc. (còn tiếp)