Bút ký Trường Kỳ: Từ Los Angeles tới Bangkok (2)

23 Tháng Bảy, 2008 | Mỹ châu

 

Từ trái: Trường Kỳ, Thanh Hà, Ngọc Huyền và Diễm Liên tại hậu trường rạp Thai Royal Navy, tháng 8 năm 2006 

 

Cuộc du ký kéo dài một tuần tại Bangkok của tôi khởi sự từ khi tôi được Jo Marcel đưa trở lại phi trường Los Angeles, sau một chầu ăn nhậu trong thành phố với anh em.  Tuy có mặt tại đây trước giờ bay hơn 3 tiếng, nhưng mãi đến  gần 30 phút  trước khi chiếc 747 của hãng Cathay Pacific cất cánh đi Hồng Kông mới bước được vào “gate” do thủ tục “check-in” rườm rà.

 

Trước khi đến quầy “check-in” của Cathay, mọi hành khách phải đẩy hành lý của mình qua máy “X-Ray”.  Để phó mặc hành lý cho nhân viên phi trường.  Sau đó vòng trở lại sắp hàng.  Chờ khi đến quầy “check-in”, hành lý mới được nhân viên an ninh phi trường đẩy tới sau khi đã được niêm phong bằng một “sticker” xác nhận đã qua thủ tục an ninh, được dán bắt ngang qua “zipper” của mỗi hành lý. Do đó không có thể bỏ một thứ gì vào thêm được trước những cái nhìn chằm chằm của nhân viên an ninh.

 

Bạn cứ tưởng tượng hàng trăm hành khách, mỗi người 2 hành lý cồng kềnh như vậy sẽ thấy quang cảnh chờ đợi lâu như thế nào. Trước khi qua “gate”, tất cả mọi hành lý xách tay lên phi cơ lại cũng bị nhân viên an ninh rà xét, lục lọi kỹ lưỡng. Chưa bao giờ tôi thấy đông đảo nhân viên an ninh như trong chuyến đi này.

 

Cũng may, gặp vợ chồng cô ca sĩ Thanh Mai đi cùng chuyến, nên  khi chờ đợi ở ngoài và ở trong cổng có người nói chuyện cũng đỡ sốt ruột.  Thanh Mai và chồng được hai cô con gái cưng ra tiễn, trong số có cô lớn là Fatima có một giọng ca rất tốt và nhất là lại có năng khiếu về âm nhạc nên đã từng tự soạn một số nhạc phẩm để trình bầy.

 

Trong vài lần gặp gỡ tôi trước đây, Fatima luôn tỏ ra muốn đi theo con đường ca hát của mẹ. Ngoài ra Fatima cùng với cô em vẫn thường ra tiệm ăn Thanh Mai của bố mẹ trên đường Moran (góc Bolsa) ở Little Saigon phụ giúp trong việc dọn dẹp và lấy “order”, thường là những món được chiếu cố nhiều nhất ở đây như cà-ri và bún mắm.

 

Mới đây lại có thêm món phở mà chỉ nghe Thanh Mai và ông chồng tên Sing của cô tả cũng đã thấy phát thèm.  Chuyến này “con búp bê của nhạc trẻ Việt Nam” đưa ông xã về dự tiệc cưới của cô em gái ở Sài Gòn. Do đó hai vợ chồng cô khi tới Hồng Kông sẽ đổi chuyến bay về Sài Gòn, trong khi tôi chuyển qua một chuyến khác của Cathay bay đi Bangkok.

 

Đây là lần thứ  3 tôi đến thăm thủ đô Thái Lan, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm trị vì của quốc vương Bhumibol Adulyadej, tức vua Rama IX. Trong năm kỷ niệm này, vào ngày thứ hai hàng tuần rất đông dân chúng mặc áo mầu vàng để biểu lộ lòng tôn kính đức vua, được coi là biểu tượng tinh thần cao nhất của Thái Lan.

 

Và đặc biệt chuyến đi này tôi lại có dịp gặp gỡ một số anh chị em nghệ sĩ.  Ngoài vài nghệ sĩ từ Việt Nam sang, số còn lại toàn là những nghệ sĩ  hải ngoại đối với tôi đều là chỗ quen biết từ lâu.  Vui là ở chỗ đó. Vừa được khám phá thêm về Bangkok, vừa có dịp chuyện trò với anh chị em nghệ sĩ  đúng với cái nghề của mình.  Còn gì thú vị bằng.

 

Lần này tổng cộng có đến trên 20 nghệ sĩ từ hải ngoại cũng như trong nước đến thủ đô của Thái Lan.  Nào là ca sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa, vv… Đó là chưa kể tới một ban vũ gồm 13 nam nữ vũ công đến từ miền bắc Việt Nam cùng với một nhóm quay phim cũng từ trong nước bay sang thu hình cho một chương trình đại nhạc hội có tầm vóc qui mô.  Đó là chương trình Đại Hội Thiền Ca Vô Vi do Hội Vô Vi Quốc tế tổ chức, tiếp nối cho 11 chương trình trước đó từng được tổ chức tại một số quốc gia ở Âu  Châu, Bắc Mỹ và Úc Châu.

 

Đại Hội Thiền Ca Vô Vi lần thứ 12 này lấy chủ đề là “Hội Tụ Vinh Quang”, được tổ chức tại phòng nghị hội lớn và sang trọng của Hải Quân Hoàng Gia Thái trên đường Arun Amarin.  Đây cũng là nơi quốc vương Thái Lan đã đến tham dự buổi lễ trọng thể mừng 60 năm đăng quang của mình trước đó hơn 2 tháng. Đây là lần thứ hai, đại hội Thiền Ca Vô Vi được tổ chức tại một quốc gia gần Việt Nam. Năm 2005, đại hội Thiền Ca Vô Vi thứ 11 đã được diễn ra tại Singapore. 

 

Từ khi Hội Vô Vi Quốc Tế quyết định chọn những quốc gia gần Việt Nam để tổ chức đại hội Thiền Ca, số bạn đạo – tức những người tu theo pháp thiền Vô Vi –  từ trong nước đã có dịp tham dự rất đông đảo.  Cùng một lúc còn  dự Đại Hội Vô Vi Quốc Tế, lần này là lần thứ 25, kéo dài 6 ngày, kể từ trung tuần tháng 8 năm 2006. Năm ngoái cũng như năm nay, số người từ nhiều thành phố ở khắp 3 miền Việt Nam bay sang Bangkok góp mặt tại đại hội đều vượt quá con số 400, chiếm gần một nửa khán giã từ nhiều quốc gia trên khắp thế  giới kéo về Bangkok như Hoa Kỳ, Úc Đức, Canada, Pháp, vv…

 

Thành phần nghệ sĩ hải ngoại gồm có: Diễm Liên, Thanh Hà, Sơn Ca, Ngọc Huyền, Anh Dũng, Tú Lan, Lê Thành và hai nhạc sĩ Phạm Vinh và Châu Phố.  Đó là những nghệ sĩ tôi từng nhiều lần gặp gỡ trong những sinh hoạt ca nhạc mà đa số là những người  quen biết từ nhiều năm qua.  Chúng tôi ở cùng khách sạn Imperial Queen’s Park nên có nhiều dịp gặp nhau dưới “lobby” để tán dóc đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Nhất là Thanh Hà là người thường kể cho anh chị em nghe những chuyện xẩy ra sau hậu trường sân khấu với nhiều giai thoại lẫn lộn buồn vui cùng với những khám phá thật không ngờ về giới nghệ sĩ mà Thanh Hà đã lăn lộn mười mấy năm trong cái thế giới đầy âm thanh và mầu sắc đó. 

 

Chuyến này Thanh Hà xui xẻo vì hành lý bị thất lạc, để đề phòng trường hợp hãng máy bay không giao kịp nên đã tức tốc đi mua ngay một bộ trang phục trình diễn với giá cả sơ sơ có… 3000 US. Vì vậy Thanh Hà cho là trong cái xui lạc hành lý lại có cái hên là sắm được một bộ trình diễn trên sân khấu quá sức ưng ý! Nhiều người than là những ca sĩ  nổi tiếng đòi hỏi “cát- sê” quá cao. Nếu biết được giá tiền của mỗi bộ mặc trên người họ khi trình diễn trên video hay trên sân khấu họ đều phải trả tiền ngàn như vậy, chắc sẽ  thông cảm cho cái kiếp cầm ca, tức là cái kiếp cầm… tiền xong mới ca!

 

Dĩ nhiên shopping đối với phái nữ là một việc tối quan trọng.  Đến một nơi xa xôi mà nơi đó được mệnh danh là “Thiên Đàng Của Shopping” mà không đi sắm sửa quần áo, bóp ví thì phải tội chết! Không thể nào tha thứ được! Thế là Diễm Liên, Thanh Hà, Sơn Ca, Ngọc Huyền, vv… như cá gặp nước tha hồ vùng vẫy trong thiên đàng. Chỉ có Tú Lan sang tới Bangkok sát với giờ trình diễn nên không có dịp tung hoành.

 

Mà đúng vậy, tới Bangkok mà không đi “shop” thì quá uổng. Nào là Emporium ngay ở trong Soi 24 trên đường Sukhumvit cách khách sạn chỉ vài phút đi bộ. “Soi” theo tiếng Thái có nghĩa là một con hẻm, một con đường nhỏ cắt ngang những con đường chính.  Như những “soi” 22, 24, vv… cắt ngang một trong những con đường nổi tiếng ăn chơi của Bangkok là Sukhumvit mà hầu như ai đến Bangkok cũng phải biết.

 

Lại còn có nhiều trung tâm mua sắm khác như  Siam Center, Silom Center, Central Department Store, Amarin Plaza Shopping Center, Robinson hoặc Galleries Lafayette, Charn Issara Shopping Center, vv… Tôi đã rảo qua một số trung tâm này và thấy cũng chẳng khác gì những “shopping centers” khác tại những quốc gia Âu Mỹ ngoài một số món hàng đặc biệt của Thái Lan như đồ gốm, hàng mỹ nghệ, thủ công, sản phẩm bằng bạc và những món trang sức bằng nhiều loại đá quý, vv…

 

Về quần áo thuộc loại “hàng hiệu” cũng đầy rẫy với những giá cả cao vời vợi mà đối với một anh ký giả quèn, viết lách lăng nhăng không bao giờ có thể với tới. Chỉ cỡi ngựa xem hoa cho đỡ thèm hoặc tháp tùng mấy vị nữ lưu đi sắm sửa cho vui.  Tuyệt nhiên không dám sờ vào hàng hiệu, chăc chắn sẽ bị phỏng tay. Biết thân biết  phận nên cùng lắm cũng chỉ rớ tới những mặt hàng hiệu đã giảm 50% hoặc thuộc loại “liquidation”!

 

Vậy thì với một khả năng trung bình, muốn mua quần áo với một giá vừa phải,  thí dụ vào khỏang bốn, năm trăm Baht (tức khoảng hơn 10 đến 13, 14 “đô” một áo “sơ-mi” hay áo thun, theo hối suất trong thời gian này là trung bình 1 “đô” đổi được khoảng trên dưới 37 Baht), bạn  có thể ghé vào những khu chợ quần áo nổi tiếng như  Pratunam, Pahura Cloth Market, vv…

 

Muốn mua quần áo rẻ hơn nữa với những hàng hiệu… dởm, không đâu bằng khu Shopping rất nổi tiếng là BMK, tức Bu Man Krong. Đây là một khu shopping lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt với 5, 6 tầng lầu luôn luôn đông đảo người chen chúc. Mua hàng tại đây bạn có quyền vô tư trả giá, đừng ngại ngùng chi. 

 

Vì gần như những mặt hàng quần áo, túi xách, giầy dép, vv… đều bị nói thách, ít ra cũng gấp đôi!  Nhưng không đâu nói thách bằng chợ trời đêm Pat Pong. Những quần áo thuộc loại hàng nhái mang nhãn hiệu Tommy Hilfiger, Nautica, Polo, Nike, vv… hay những loại ví bóp nhái những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Gucci, Louis Vutton, Versace, vv… đều được nâng giá lên gấp 3, gấp 4 lần!

 

Đại khái như một áo thun nhái Versace hay Polo được ra giá là 7, 8 trăm baht.  Nhưng cuối cùng sau khi kỳ kèo trả giá bạn sẽ phải  chi vào  khoảng 300! Chắc chắn bạn sẽ hí hửng, khoái chí vì mua được giá hời. Nhưng bạn sẽ cụt hứng ngay khi bước qua một quầy hàng khác cách đó vài thước. 

 

Người bạn đi cùng với mình chịu khó trả giá hơn sẽ mua được cũng cái áo thun Versace đó với giá rất bèo là 200 baht!  Tính ra chỉ chừng 5 “đô”. Với 5 “đô”, ta có quyền  tha hồ diện những hàng hiệu… nhái. Mập mờ khó ai biết được đâu là hàng nhái hay thiệt, phải không bạn?  Cũng do vậy mà Thái Lan (và Bangkok nói riêng) , cũng như Hồng Kông cùng với Trung Quốc đều được coi là thiên đàng của hàng nhái! 

 

Và cũng bởi vậy, người viết cũng rinh về đầy một “va-li” hàng hiệu… nhái, đủ mầu đủ sắc và đủ nhãn hiệu thời trang. Do đó có dịp nào gặp người viết đi phất phơ ngoài đường với những chiếc áo thun hay “sơ-mi” mang nhãn Nautica, Polo, Lacoste, Boss hay Versace, vv… bạn nên biết đó chỉ là hàng dởm!

 

Một điều cần biết là những bạn hàng ở chợ đêm Pat Pong phần lớn không nói được tiếng Anh. Họa chăng là vài câu chào hỏi thông thường. Nhưng làm sao có thể hiểu được khi bạn trả giá? Dễ ợt! Bất cứ người bán hàng nào cũng cầm trên tay một cái máy tính! Khi bạn hỏi “how much?”, cô bán hàng sẽ bấm giá vào cái máy tính và chìa ra trước mặt bạn.

 

Bạn muốn trả giá?  Cứ bấm số tiền vào máy cho cô ấy coi. Nếu cô ấy lắc đầu quầy quậy và bạn muốn trả thêm, cứ việc bấm vào máy tính một con số nào đó!  Cuộc đối thoại không có âm thanh đó rất ly kỳ và chỉ chấm dứt khi cô bán hàng gật đầu và phát ngôn “Ok! Ok!” lia lại. Đó là việc mua bán đã được thỏa thuận, chả phái tốn tí nước miếng nào!

 

Nhưng cuối cùng nếu bạn vẫn chưa chịu cái giá của cô bán hàng đưa ra trên máy tính mà dứt khoát bước đi thì cô nào biết chút ít tiếng Anh sẽ xổ ra ngay một điệp khúc bạn có thể thường xuyên nghe thấy tại các nơi buôn bán bình dân với nét mặt đau khổ mang tính cách năn nỉ , ỉ ôi  “Mister (hay Madame), I want to sell! I want to sell, please!”.

 

Bạn có động lòng trước những câu năn nỉ đó hoặc nhất định ngoe nguẩy bước đi thì tùy… Nếu bạn đồng ý mua, bạn sẽ được cám ơn rối rít với vẻ mặt tươi như hoa và được cô bán hàng chào kính cẩn với  cái cúi đầu cùng với bàn tay phải để thẳng trên ngực…

 

Ít ra sau 2 lần vòng vòng nơi khu chợ đêm Pat Pong,  vài người bạn đi cùng cũng đã bị mua hớ khá nhiều. Từ đó có được một kinh nghiệm là tại đây, ta chỉ nên trả 1/ 4 giá do người bán đưa ra. Nếu không được, ta cứ  từ từ mà nhích lên. Nếu e ngại, lấy can đảm để chỉ trả giá phân nửa cái giá đưa ra, bảo đảm bạn sẽ là nạn nhân của một cái máy chém!

 

Về chợ trời Bangkok, nổi tiếng nhất chắc chắn phải là chợ trời tại công viên Chatuchak chỉ hoạt động vào Thứ Bẩy và Chúa Nhật là Chatuchak Weekend Market, không xa khách sạn Central Plaza Hotel là mấy.  Đây là một nơi bán đủ mọi thứ, thượng vàng hạ cám. Từ cây kim đến những thứ cồng kềnh. Đặc biệt là những sản phẩm của Thái Lan như đồ gốm, lụa, các loại hoa lan, vv…

 

Muốn mua một món quà thuộc loại “đặc sản” của Thái Lan  tặng người thân, không có đâu bằng trọ trời cuối tuần Chatuchak.  Dù không mua gì bạn cũng nên đến đây một lần để biết được cái không khí sinh hoạt của người Thái… (còn tiếp 1 kỳ)