Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (10)

03 Tháng Ba, 2009 | Mỹ châu

 

 

Tác giả trước Madison Square Garden, cạnh trạm xe lửa trung ương Penn Station

 

Ngày thứ tám ở Hoa Kỳ. Xe lửa chạy từ Alexandria, Virginia lên Washington D.C. chừng mười phút. Đợi một tiếng mới khởi hành và mất 3 tiếng rưỡi thì tới ga xe lửa trung ương Penn Station.

 

Trở về New York tôi có cảm tưởng như trở về nhà. Những con đường luôn luôn đầy người, đi như muốn dụng nhau; những phố xá với đèn đóm muôn màu; những sinh hoạt vui nhộn trên đường phố; những du khách thích thú chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố lớn nhất nước Mỹ; những đại lộ (Avenue), những con đường (Street) phân chia khu phố thành từng lô (block) rất dễ tìm; những hoạt động văn nghệ.

 

Đi ở New York tôi có cảm giác như đi trong thành phố Melbourne nơi tôi đã sống được 27 năm hay như một Sydney khá quen thuộc qua những chuyến đi nghỉ mát hay do công việc. Nhất là bây giờ chúng tôi được bà chủ khách sạn Carter thân mật chào đón, không cần phải đặt cọc tiền, trình giấy tờ hay thẻ thông hành như khi mới đến. Lối cư xử của Chị Sang –cách gọi của tôi với bà Trần Đình Trường—làm cho chúng tôi cảm thấy như ở trong nhà của mình, dù căn nhà này không được ngon lành như nhà hàng xóm, như các khách sạn nhiều sao kế cận Carter hay như khách sạn Marriott ở Virginia.

 

Mặt tiền khách sạn Carter Hotel chụp về đêm

 

Lúc này trời đã xế chiều. Bà Trường giao chìa khóa để chúng tôi trở lại cái phòng cũ ở lầu 22 (lầu cao nhất của Carter Hotel). Trong lúc để cho con cái nghỉ ngơi và chờ đi ăn tối, tôi và nhà tôi xuống khu tiếp tân lấy ít tập chỉ dẫn du ngoạn để chuẩn bị cho những chuyến đi thăm thú trong mấy ngày tới.

 

Thấy bà chủ khách sạn ngồi ở một quày thu ngân và đang có vẻ rảnh rỗi, chúng tôi lại gần trò chuyện mong có thêm ít thông tin về cuộc đời và công việc làm ăn của vợ chồng ông bà chủ khách sạn Carter hầu viết báo, như tôi đã từng làm với đại triệu phú Đinh Văn Thân, người Việt có quyền thế và giàu có bậc nhất ở Cộng hòa Vanuatu trong chuyến du lịch đảo quốc này vào đầu năm nay.

 

Chủ khách sạn Carter: người Việt giàu bậc nhất ở hải ngoại

 

  Mỹ có hai người tên Trường và cùng có họ Trần nổi tiếng, chỉ khác nhau chữ lót và khác ở nhân cách, cuộc đời. Một Trần Trường ở California và một Trần Đình Trường ở New York.

Trần Trường sống ở Quận Cam  có cửa tiệm video nhưng thay vì làm ăn bình thường lại chơi ngông treo cờ đỏ và hình “bác Hồ” nên bị cộng đồng tẩy chay, biểu tình khiến cuối cùng bán nhà, cuốn gói về Việt Nam làm ăn.

 

Được trung ương khen ngợi trong thời gian đầu vì công trạng quậy ở Quận Cam nhưng sau đó Trần Trường bị địa phương đánh tơi tả khi mở trại nuôi tôm làm anh ta cuối cùng trắng tay khiến một thời gian nghe nói Trần Trường như người bị tâm thần. Lúc này Việt kiều yêu nướcTrần Trường đã phải trở lại Hoa Kỳ để kiếm sống.

 

Nhưng Trần Đình Trường ở New York là một nhân vật nổi tiếng giàu có và là một mạnh thường quân của người Việt Nam, từng cho những người Việt ở các tiểu bang khác về Nữu Ước dự các cuộc biểu tình, đấu tranh, diễn hành ở trọ trong khách sạn Carter của ông miễn phí; từng tặng hàng trăm ngàn đô la cho các cuộc lạc quyên, sinh hoạt trong cộng đồng; và là người qua biến cố khủng bố 11.9.2001 đã tặng $2 triệu Mỹ kim cứu trợ các nạn nhân.

 

Tôi đã nghe người ta nói nhiều về ông Trần Đình Trường, chủ chiếc tàu Trường Xuân từng đưa mấy ngàn người di tản khỏi Sài Gòn sau ngày 30.4.1975 và hiện là chủ nhân của một khách sạn lớn ở New York, do đó tôi lên mạng để tìm hiểu.

 

Theo “tin đồn” bằng tiếng Anh trên mạng thì ở ngoại quốc có một người Việt đã lên tới bậc tỉ phú với tài sản $1 tỉ Mỹ kim, đó là ông Trần Đình Trường chủ nhân khách sạn Carter Hotel ở khu Manhattan tại New York, một khách sạn được trị giá $700 triệu đô la. Cũng theo loại tin đồn trên internet, ông Trần Đình Trường hiện là người Việt Nam giàu nhất ở nước ngoài.

 

Cũng có bài viết bằng tiếng Anh kể rằng ông Trần Đình Trường, chủ chiếc tàu Trường Xuân,  khi rời Việt Nam đã mang nhiều vali vàng và nhờ vậy đến New York đã đầu tư vào địa ốc bằng cách mua lại khách sạn thời đó giá còn rẻ. Một số bài viết tỏ ra không có thiện cảm với người Việt Nam được coi là triệu phú hay tỉ phú này, kể rằng ông Trần Đình Trường khi kinh doanh khách sạn, đã gặp rắc rối với chính quyền địa phương về luật lệ liên quan đến an ninh và an toàn trong khách sạn.

 

Theo tự điển bách khoa Wikipedia thì ông Trần Đình Trường khi vừa tới Mỹ đã mua khách sạn đầu tiên là Hotel Opera tại Upper West Side ở Manhattan, sau đó Hotel Carter hiện nay và Hotel Lafayette ở Buffalo,  cùng lúc ông còn là chủ và điều hành các khách sạn khác ở New York như Hotel Kenmore Hall ở đường 23rd Street.

 

Nói chuyện với bà Trần Đình Trường tôi được bà cho biết ông bà cũng bị một số người kỳ thị vì thấy họ là những người tị nạn mà qua Mỹ lại xây dựng nên những cơ ngơi như vậy. Bà Trường nói hai ông bà phải cứng rắn, cương quyết lắm mới có thể đứng vững như hiện nay.

 

Khi tôi nhắc đến việc hai ông bà đã nhanh chóng tặng $2 triệu cho quỹ cứu trợ của Hồng Thập Tự sau vụ khủng bố, bà Trường nói rằng quan niệm của bà là trả ơn nước Mỹ, rằng người Việt tị nạn cần trả ơn bằng làm ăn, học hành để đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của đất nước đã mở rộng vòng tay và cưu mang biết bao người Việt Nam sau biến cố 1975.

 

Nói chuyện với tôi, bà Trường luôn nhắc tới hai chữ đền ơn đối với nước Mỹ. Bà không kể với tôi việc hai ông bà thường dành các phòng trọ của khách sạn cho các phái đoàn người Việt tới New York ở lại trong thời gian tranh đấu.

 

Bà Trần Đình Trường tại quầy tiếp tân của khách sạn Carter

 

Thời gian này ông Trần Đình Trường đi nghỉ mát nên tôi đã không có dịp tiếp xúc với ông cũng như do bà Trường bận bịu với công việc và chúng tôi cũng “bận” ngao du nên chúng tôi đã không có dịp chụp hình với bà hay lên chỗ ở của hai ông bà tại khách sạn để có một buổi nói chuyện chính thức như một hình thức phỏng vấn.

 

Tuy nhiên, những cuộc nói chuyên tại quầy thu ngân cũng đã cho chúng tôi một số thông tin về cuộc đời của hai ông bà.

 

Ông Trần Đình Trường năm nay 78 tuổi, sinh đẻ ở Hà Tĩnh, tay trắng làm nên sau khi vào nam lập nghiệp. Ông làm chủ một công ty vận chuyển đường biển với một đội tàu thuyền lớn do đó khi xảy ra biến cố 1975, chiếc tàu Trường Xuân của ông đã giúp hàng ngàn người di tản khỏi Việt Nam.

 

Bà Trường kể rằng trước đấy công ty của chồng bà làm ăn với các công ty Mỹ và tưởng rằng  sau năm 1975 là trắng tay, nhưng không ngờ qua Mỹ họ trả lại những số tiền đó nhờ vậy ông bà mới có vốn làm ăn, mua khách sạn và từ đó phát triển ra như ngày nay.

 

Bà nói hai ông bà làm chủ khách sạn Carter được 32 năm và đây là khách sạn chính. Hiện họ có 4 khách sạn với 3,000 phòng kể cả một apartment nghỉ mát ở thác Nigaria bên Canada.

Bà Trường gốc Bình Dương, năm nay 69 tuổi. Thuở nhỏ học trường dòng chương trình Pháp, lấy chồng bà ngưng học đại học. Hai vợ chồng ông bà Trần Đình Trường có bốn con, 1 trai và 3 gái.

 

Mặc dầu làm chủ nhiều khách sạn, được xem là người Việt giàu có bậc nhất Mỹ, bà Trường hiện vẫn làm việc. Vợ chồng bà ở ngay trong khách sạn Carter. Trong thời gian chúng tôi ngụ tại khách sạn Carter, ngày nào tôi cũng thấy bà Trường ngồi ở quầy tiếp viên, như các nhân viên khác. Quầy tiếp viên làm việc 24 giờ/ngày và bà Trường thường làm việc từ chiều đến gần khuya.

 

Nhà tôi đôi lúc cũng thắc mắc nói với tôi tại sao bà Trường giàu có đến như vậy và đến tuổi này bà vẫn còn làm việc nhiều và mệt nhọc như thế, tôi trả lời có thể làm việc là một thói quen, làm giàu là một đam mê như trường hợp tỷ phú Úc Rupert Murdoch nay đã 77 tuổi mà vẫn còn làm việc không ngơi như thời ông còn trai trẻ.

 

Trong những lúc chuyện trò, bà Trường cho rằng phải có sự hiện diện của bà tại phòng tiếp tân thì mới chắc ăn về quản lý nhân sự cũng như tài chánh. Tôi hỏi con bà có phụ giúp gì không thì được bà cho biết con cái có công ăn việc làm riêng của họ. Khi tôi nói tại sao bà không giảm bớt công việc để hưởng thụ, bà Trường cho biết cũng giống  như  tôi đâu có giao tờ báo cho người khác để hưởng nhàn. Thì ra đó là triết lý sống của nhiều người đam mê kinh doanh.

 

Khách sạn Carter cao 22 tầng với trên 700 phòng nằm sát Times Square là một trong những khách sạn có vị trí tốt nhất ở khu Manhattan, trái tim của New York. Thông tin trên giấy tờ nói đây là khách sạn 2 sao nhưng có lẽ tiêu chuẩn phục vụ và tiện nghi bên trong chưa đạt tới mức 2 sao thông thường, nhưng so sánh về mặt giá cả, có lẽ đây là khách sạn rẻ nhất Manhattan, đáng đồng tiền bát gạo, value for money.

 

Trong thời gian tôi ở đấy, du khách lui tới tập nập, phòng đợi hầu như lúc nào cũng có người vô ra bởi giá cả chỉ từ $100 một đêm (chưa tính thuế). Bà Trường giải thích thà để (tình trạng phòng ốc) như vậy mà có nhiều khách hơn. Đó cũng là một cách kinh doanh của một người đã có trên 30 năm kinh  nghiệm làm chủ khách sạn ở New York.

 

Bà Trường nói xây khách sạn mới và cao cấp như khách sạn bên cạnh đôi khi lại thêm mệt đầu óc. Bà muốn nói khách sạn Westin cùng nằm trên đường 43rd Street và cách Carter vài căn. Khách sạn Westin cao 45 tầng, có trên 800 phòng và hình như là loại khách sạn 4 sao trở lên, giá trung bình một phòng khoảng $418/đêm (ở Mỹ giá cả như vậy là chưa tính các loại thuế).

 

Những ngày Liên Hiệp Quốc khai mạc đại hội thường niên trong đó phái đoàn các lãnh tụ các quốc gia hội viên về New York họp, tôi thấy khách sạn Westin lúc nào cũng có an ninh mặc áo đen trang bị súng tự động đứng gác.

 

Ông bà Trần Đình Trường dĩ nhiên đã là đại triệu phú (multi-millionaire) nếu chỉ căn cứ vào việc làm chủ một khách sạn ngay giữa trung tâm thành phố New York như Carter, nơi nhà đất đắt đỏ nhất thế giới. Nhưng ông bà Trường đã là tỉ phú chưa thì chỉ có hai ông bà biết với nhau, bởi người Việt ít khi công bố tài sản cho người khác biết.

 

Tôi có nghe ở Mỹ còn có một hai người Việt đã tới ngưỡng cửa tỉ phú nhờ sáng chế và kinh doanh các software, nhưng cũng chỉ là tin đồn hay đồ đoán mà thôi. Tuy nhiên, việc ông Trần Đình Trường ký cái chi phiếu $2 triệu để cứu trợ nạn nhân 11 tháng 9 quả là một hành động đẹp, nở mày nở mặt cho người Việt ở Hoa Kỳ.

 

 

Từ World Trade Center đến đài truyền hình NBC

 

Từ Washington D.C. về New York để ở lại đây 3 ngày trước khi lên Boston, gia đình chúng tôi đã tới World Trade Center để dự buổi lễ kỷ niệm năm thứ 7 của biến cố 11 tháng 9.

 

Đến chiều, chúng tôi đi bộ tới Empire State Building để chiêm ngắm tòa kiến trúc được xem là số 1 trong số 150 kiến trúc đẹp nhất, được ưa thích nhất tại Hoa Kỳ.

 

Tác giả với hậu cảnh cao ốc Empire State Building

 

Địa chỉ: 350 Fifth Avenue góc đường 34th Street. Tên Empire State Building của tòa nhà này là một trong các nickname của tiểu bang New York.

 

Người chủ xướng xây cất tòa nhà đầu tiên cao nhất thế giới là cựu Thống đốc New York, ông Alfred E. Smith. Họa đồ do kiến trúc sư William Lamb vẽ, chỉ mất hơn một năm và một tháng, tòa nhà 102 tầng cao 448.7 mét kể cả ngọn tháp và ăng-ten được hoàn tất. Mái cao 381  mét và tầng lầu cao nhất 373.2  mét.

 

Lầu vọng cảnh Observatory nằm ở tầng 86 với độ cao 320 mét có thể cho du khách thấy toàn cảnh 360 độ của thành phố, một thành phố có nhiều cao ốc nhất thế giới. Sau khi đã tới xem Ground Zero vào buổi sáng, lên tháp Empire State Building nhìn về hướng nam tức là đáy của đảo Manhattan, tôi cố định vị trí trước đây của cựu tháp đôi World Trade Center trên đường chân trời New York. Tôi không thể tưởng tượng ra một tòa nhà cao gần gấp đôi các tòa nhà bên cạnh nay đã không còn nữa.

 

Empire State Building giữ ngôi vị tòa nhà cao nhất thế giới cho đến khi cao ốc World Trade Centre được hoàn tất vào năm 1972.

 

Vé lên lầu 86 là $19 đô la. Cũng giống bên Tokyo, từ đây bạn muốn đi lên cao hơn nữa, tới Observation Deck ở lầu 102, bạn phải mua một vé khác nhưng tôi thấy không cần thiết phải lên cao thêm nữa như tôi đã từng lên các lầu vọng cảnh cao nhất của Tokyo Tower và Eiffel Tower.

 

Lúc này mới khoảng 5 giờ chiều. Những người bán hàng lưu niệm nói nên ở lại đến tối xem cảnh đèn phố lên mới đẹp, nhưng chúng tôi đã đi từ sáng nên thấy cần phải về nhà tắm rửa để tối còn đi kiếm chỗ ăn uống, hưởng cái đệ nhất khoái mà tôi rất trân trọng. Một ngày đi tham quan được hai nơi là cũng là đủ.

 

Trụ sở Liên Hiệp Quốc

 

Hôm sau, chương trình của chúng tôi là đi thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) và đài truyền hình NBC.

 

Trụ sở LHQ nằm ở góc đường 1st Avenue và 46th Street. Từ khách sạn Carter đi bộ ngắm phố tới nơi mất khoảng 20 phút.

 

LHQ (United Nations) được thành lập vào năm 1945 sau Đệ nhị Thế chiến để thay thế Hội Quốc Liên (League of Nations) với mục đích ngăn chặn chiến tranh giữa các quốc gia và là nơi để các nước có tiếng nói, thảo luận những vấn đề chung.  Tôi còn nhớ thời kỳ Liên Hiệp Quốc tranh luận về việc có nên tiến công Iraq để hạ bệ Tổng thống Saddam Hussein không, báo TVTS đã có bài xã luận cho rằng nếu LHQ cứ dùng dằng, không cương quyết và không thể có một quyết định tối hậu để Saddam Hussein cứ  nhởn nhơ coi thường thì nên dẹp cái cơ quan này đi.

 

May mà phe chống tấn công như  Nga, Pháp, Đức cuối cùng “có chính nghĩa” chứ nếu LHQ lại bị dẹp như Hội Quốc Liên thì chúng tôi đã không có dịp đi xem trụ sở quốc tế này!

 

Hình các tổng thư ký LHQ được treo trên tường trụ sở. Hình bên phải tác giả là của ông U Thant, người Miến Điện, làm tổng thư ký từ 1961-71

 

LHQ hiện có 192 thành viên chính thức. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trở thành hội viên của LHQ vào năm 1977. Trụ sở LHQ ngoài là nơi hội họp hàng năm của 192 thành viên gọi là Đại hội đồng, còn là nơi làm việc thường trực của một nhóm 15 quốc gia gọi là Hội đồng Bảo an trong đó 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ hai năm và 5 thành viên thường trực với quyền phủ quyết là Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Cộng.

 

Ngoài ra, trụ sở LHQ còn là nơi để mọi người trên thế giới, đặc biệt là những người cư ngụ tại Mỹ tới biểu tình để phản đối một vấn đề gì đó, như trường hợp các vụ biểu tình nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm nay.

 

Tin từ New York cho hay “Ủy ban Phối hợp Đấu tranh Vận động Quốc tế Cứu nguy Tổng Giáo phận Hà Nội và Các nhà Tranh đấu Dân chủ Quốc nội” đã tổ chức những cuộc biểu tình vào hai ngày đầu tuần này trước trụ sở LHQ và đưa thỉnh nguyện thư cho Phủ Cao ủy Nhân quyền LHQ, các phái bộ Anh, Pháp và Đức. Nghe nói ông bà chủ khách sạn Carter một lần nữa bao ở miễn phí cho các đồng hương từ xa về New York trong ba ngày vừa qua tính đến ngày 2.12.08.

 

Vợ chồng tác giả tại phòng họp của Đại hội đồng LHQ

 

Vào trụ sở LHQ miễn phí, nhưng phải qua trạm kiểm soát an ninh. Muốn đi xem những phòng ốc của trụ sở LHQ như phòng họp của Đại hội đồng (General Assembly) với hàng trăm ghế dành cho đại diện 192 quốc gia, phải sắp hàng mua vé để có người hướng dẫn đi từng nhóm gọi là “UN Tour”. Những người nói tiếng Tây Ban Nha, Tàu, Ý v.v… sẽ được kêu để sắp xếp đi chung với nhau. Chúng tôi nói tiếng Việt và “tiếng Úc” nên được sắp xếp đi chung với những người nghe được tiếng Anh.

 

Chuyến đi tour quanh trụ sở LHQ kéo dài khoảng 45 phút. Vé ngưới lớn $12.50; học sinh $8.

 

Từ trụ sở LHQ, chúng tôi đi taxi qua Đài Truyền hình NBC dù khoảng cách cũng bằng đoạn đường từ đây trở về khách sạn. Đài này nằm trong khu Rockeffeller Plaza, một trung tâm thương mại lớn và nổi tiếng của New York chiếm trọn khu phố giữa đại lộ 5th & 6th Avenues và đường 48th & 51st Streets.

 

NBC Studios Tour kéo dài 70 phút với giá vé $18.50/người sẽ cho du khách được dịp tìm hiểu lịch sử một đài truyền hình  nổi tiếng của Mỹ, với những chương trình nổi tiếng như Today Show đã có từ năm 1952 hay Tonight Show đã bắt đầu từ năm 1954.

 

Bạn sẽ được đưa đi xem những phòng thu hình đọc tin như Nightly News hay Saturday Night Live, được hướng dẫn viên chỉ cho xem phòng đọc tin trang bị kính chắn đạn, có máy cung cấp điện riêng để làm tin khi thành phố bị mất điện cả 14 ngày vì bất cứ lý do nào.

 

Bạn cũng được đưa đi xem studio trong đó những người sẽ xuất hiện trong chương trình thu trực tiếp đang tập dợt với người điều khiển chương trình và các cameramen. Chiều hôm đó, chúng tôi xem vua bơi lội của thế giới và là người chiếm nhiều huy chương vàng Olympic  là Michael Phelps đang tập trong phòng. Lực sĩ này mặc đồ thường, quần jean, áo bỏ bên ngoài, đi lui tới ngồi đứng theo sự hướng dẫn của các đạo diễn. Những người đang ở bên trong phòng như Michael Phelps không biết sự diện diện của các du khách đang đứng bên ngoài tường kính nhìn họ.

 

Tác giả trước cửa vào phòng thu hình của đài NBC

 

Và cuối cùng bạn sẽ được đưa vào một studio để xem kỹ thuật quay cảnh một buổi đọc tin thời tiết như thế nào. Và sau đó sẽ có hai du khách trong nhóm được mời lên, một người đóng vai ngồi đọc tin và một người khác đóng vai chỉ chỏ vào bản đồ. Và dĩ nhiên sau đó bạn sẽ được mời ngồi ở bàn đọc tin để nhân viên của  NBC Studios Tour chụp cái hình làm kỷ niệm, mua hay không tùy ý.

 

Vào cửa tham quan đài truyền hình NBC bạn phải qua những cửa kiểm tra an ninh ra vẻ còn nghiêm ngặt hơn cả khi lên phi cơ. Bạn phải cất mobile phone, máy chụp hình vào một bao bì riêng và cả không được đi… tiểu tiện hay… đại tiện trong thời gian đi tham quan, dài hơn một tiếng đồng hồ đó.

 

Nhưng bạn đã được báo trước về cái chuyện… bất tiện này (còn tiếp).