Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (12)

24 Tháng Ba, 2009 | Mỹ châu

 

Tác giả trước bờ sông cổng trường MIT với hậu cảnh là đường chân trời của thành phố Boston 

 

Từ New York lên Boston, chúng tôi đi bằng xe bus của hãng Fung Wah Bus Transportation. Đây là một hãng xe đò của người Hoa, có một số tuyến đường đi trong vùng Bắc Mỹ.  Địa chỉ: 139 Canal Street, New York. ĐT: 212 925 8889. Website: www.fungwahbus.com

Mỗi ngày có 20 chuyến chạy đi Boston và 20 chuyến chạy ngược lại, từ 6.30am đến 11pm, giá $15 Mỹ kim mỗi người. Chỉ có chuyến Boston trở về New York lúc 2 giờ sáng giá $25.

 

Đi taxi từ khách sạn Carter ra bến xe bus cũng đã mất $20 vì đường sá New York rất kẹt, mất tới 45 phút. Anh Nguyễn Trọng Khôi cũng như tài xế xe taxi cho hay trước đây hãng Fungwah còn bán vé đi Boston chỉ $10 mà thôi, nay họ tăng vì xăng dầu lên giá. Ông taxi đồng ý với tôi rằng không biết họ bán giá vé như thế thì làm sao lời được. Đối thủ của Fungwah là đại công ty quốc tế Greyhound.

 

Từ New York lên Boston, xe chạy mất đúng 4 tiếng đồng hồ, kể cả 10 phút xe dừng giữa đường cho khách mua thức ăn, giải khát và làm vệ sinh.

 

Tại Boston chúng tôi không còn lo chỗ trọ, ăn uống hay phải mò mẫm đường sá, bởi anh chị Khôi đã lo mọi chuyện kể cả thuê một chiếc xe van để đưa gia đình chúng tôi ngoạn cảnh cho thoải mái.

 

Gặp lại nhau sau 33 năm: tác giả và bà chị con bạn dì (thứ hai từ trái) cùng các con và anh Nguyễn Trọng khôi chuẩn bị rời nhà di tham quan thành phố Boston

 

Ngày thứ hai ở Boston nhằm ngày Chủ Nhật, chúng tôi đi cùng đi lễ sáng trước khi tham quan hai đại học Harvard và MIT, nằm  cách nhau 2 trạm xe điện cạnh con sông nổi tiếng nhất của Boston là Charles River.

 

Những đại học hàng đầu của Mỹ và thế giới

 

Harvard là trường đại học lâu đời và nổi tiếng nhất Bắc Mỹ nằm ở khu Cambridge. Được thành lập vào năm 1636 với tên New College nhưng đến năm 1639 đổi tên thành Havard College bởi Giáo sĩ Thanh giáo John Harvard –một di dân từ Anh– khi chết đã tặng toàn bộ thư viện có 400 bộ sách của ông cho New College.

 

Đến năm 1780 Harvard College mới chính thức được gọi là Harvard University bởi hiến pháp của Tiểu bang Massachusetts.

 

Bước vào trong sân trường, du khách sẽ bắt gặp bức tượng của một người đàn ông mặc phẩm phục giáo sĩ ngồi trên ghế. Bức tượng được đặt trên bệ cao khắc giòng chữ  John Harvard – Founder.

 

Sờ chân bức tượng của John Harvard để lấy hên
 

Bức tượng này do điêu khắc gia Daniel Chester French tạc, là nơi để sinh viên đùa giỡn, phá hoại và thậm chí tiểu tiện vào. Bức tượng này bị họ gọi là bức tượng của ba điều dối trá– “The statue of three lies”, bởi vì ông John Harvard không phải là người sáng lập mà chỉ là một mạnh thường quân; trường được thành lập vào năm 1636 chứ không phải năm 1639; và người ta chẳng biết mặt mày của ông John Harvard ra sao bởi người làm mẫu cho điêu khắc gia Daniel Chester French là một sinh viên người Pháp.

 

Dù thiên hạ có nói gì đi nữa thì hai đầu đôi giày của bức tượng cũng đã được du khách sờ nhiều đến độ bay đi màu đồng và lòi màu vàng. Anh Nguyễn Trọng Khôi nói người ta thường sờ vào tượng để lấy hên nên chúng tôi cũng bắt chước làm.

 

Khuôn viên đại học Harvard rất rộng (380 mẫu Anh) với nhiều kiến trúc cổ kính hơn Đại học Melbourne ở Úc. Những tòa nhà kiểu Gothic màu đỏ sậm (crimson là màu tượng trưng cho Harvard) làm cho chúng tôi tưởng đấy là những ngôi thánh đường. Mà quả thật có những tòa nhà dùng làm nơi thờ phượng, cử hành nghi thức tôn giáo.

 

Trong sân trường Đại học Harvard 

 

Thật vậy, châm ngôn (motto) ngày xưa của Harvard là  “Veritas Christo et Ecclesiae” có nghĩa là Chân lý vì Đức Ki-tô và Giáo hội. Trong kim chỉ nam dành cho sinh viên có ghi mục đích của giáo dục là hướng dẫn sinh viên để họ biết rằng mục đích của đời sống và học tập là để biết Thiên Chúa và Đức Ki-tô là sự sống đời đời.

 

Đến năm 1708 khi một người đầu tiên không phải là giáo sĩ là ông John Leverett được bầu làm chủ tịch của Harvard thì nhà trường mới tách rời khỏi ảnh hưởng của Thanh giáo. Ngày nay, châm ngôn của Harvard chỉ còn một chữ  “Veritas”—Chân lý hay Sự thật.

 

Chúng tôi chỉ đi tham quan một số khu vực như  Memorial Hall, Memorial Church, Thư viện,  và lang thang trong khuôn viên Harvard Yard nơi có khu cư xá dành cho sinh viên ở trọ cạnh các kiến trúc khác; xem Harvard Square trước cổng trường, nơi có sạp bán báo được xem là lâu đời nhất ở Boston.

 

Memorial Hall được xây năm 1870 để vinh danh và tưởng nhớ những cựu sinh viên đã chiến đấu trong Union (Liên bang Miền Bắc) trong cuộc Nội Chiến, nay được liệt vào di sản quốc gia (national historic landmark).

 

Thư viện của đại học Harvard, có nhiều sách hàng thứ tư trên thế giới

 

Chúng tôi đi xem bên ngoài thư viện Harry Elkins Widener Memorial Library, một tòa nhà trông như trụ sở Quốc hội Tiểu bang Victoria ở Úc được xây vào năm 1915, là thư viện tư nhân có nhiều sách nhất thế giới và là thư viện đứng hàng thứ tư sau các thư viện quốc gia như  Library of Congress (Mỹ), British Library (Anh) và Bibliotheque Nationale (Pháp).

 

Chúng tôi đi tham quan Harvard vào sáng Chủ Nhật nên trường tương đối vắng  người. Tôi nhớ hình như khuôn viên của Harvard Yard với thư viện, vườn cỏ cây xanh là những cảnh mà tôi đã xem trong phim Love Story kể cuộc tình của đôi sinh viên Oliver Barrett IV (Ryan O’Neal đóng) và Jennifer Cavalleri (Ali McGraw) với những buổi hẹn hò trong khuôn viên trường, tán tỉnh nhau trong thư viện này.

 

Mối tình không môn đăng hộ đối đó đã để lại câu nói  “yêu là không bao giờ nói hối tiếc” (love means never having to say you’re sorry)  mà lứa tuổi chúng tôi thời đó coi là châm ngôn của tình yêu.

 

Đại học Havard có 9 phân khoa mà những phân khoa nổi tiếng nhất là Y khoa, Luật khoa và sau  này là Kinh doanh (Harvard Business School).

 

Tác phẩm điêu khắc của Henry Moore tại Harvard Yard

 

Bên cạnh trường Harvard danh tiếng đó còn có trường danh tiếng không kém là MIT (Massachusetts Institute of Technology) được thành lập từ năm 1861 bởi ông William Barton Rogers nhằm đáp ứng nền kỹ nghệ hóa của nước Mỹ vào thời đó. Trường dạy theo mô hình của các đại học Đức là đặt trọng tâm vào sự nghiên cứu và thí nghiệm.

 

Với diện tích khởi đầu từ đầu thế kỷ 20 là 168 mẫu Anh, trường MIT ngày nay mở rộng ra bằng diện tích của trường Harvard nằm ở phía đông dọc theo bờ sông Charles River.

 

Sau Đệ II Thế chiến, trường nới rộng ngành giảng dạy từ các khoa học vật lý và kỹ sư  tới các ngành kinh tế, chính trị và quản trị. Nhiều cựu sinh viên của trường là những khôi nguyên giải Nobel.

 

Đi một đoạn trong sân trường, tôi thấy phần lớn các cơ sở của trường này xây theo kiểu tân thời. Ở MIT, chúng tôi thích đứng trước mặt tiền của trường với kiến trúc cổ kính để ngắm khúc sông rộng và lộng gió với những cánh buồm trắng của hàng chục chiếc thuyền con dật dờ giữa sông, bởi đoạn sông này gần cửa biển.

 

Một kiến trúc hiện đại trong khuôn viên trường MIT

 

Bên kia bờ là đường chân trời của thành phố Boston với những cao ốc ẩn hiện dưới đám mây mù của một ngày bầu trời luôn âm u.

 

Sau đó chúng tôi đi một vòng tham quan khu phố Cambridge để tìm hiểu về văn hóa ẩm thực, vào xem một quán rượu sinh viên thường lai vãng có tên là John Harvard’s Brew House, nơi người ta làm một loại bia mang nhãn hiệu của người được coi là sáng lập trường đại học Harvard.

 

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đưa chúng tôi đến ăn trưa ở một tiệm của người Việt có tên là Le’s Restaurant.  Chủ nhân nhà hàng này có mua một bức tranh lớn của anh Khôi treo trịnh trọng giữa tiệm.

 

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi lại đưa chúng tôi tới một công viên gần đó trong khu vực Cambridge nơi có tấm bia ghi rằng “Chính dưới cây này, vào ngày 3.7.1775  lần đầu tiên Tướng George Washington nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy các đạo quân của liên thuộc địa và quyết định tiến công quân đội Anh”. Cây đa này ngày nay vẫn còn tồn tại như một chứng tích lịch sử sống động.

 

Tấm bia ghi: “Under this tree Washington first took command of the American Army. July 3rd 1775”

 

Đi tham quan khu văn hóa Cambridge như vậy cũng tạm đủ, anh Khôi lái xe đưa chúng tôi qua Boston, trung tâm thương mại nằm ở phía nam sông Charles với dải đất chồi ra biển như một bán đảo nhỏ.

 

Thành phố Boston có khung cảnh hơi giống Melbourne nhưng người đi lại ít hơn bởi dân số hình như chỉ khoảng nửa triệu người.

 

Chúng tôi đi tìm trạm mua vé xe chuẩn bị cho chuyến đi Montreal, và mua sẵn vé đi xe lội nước (duckboat) cho ngày mai để tham quan thành phố, vừa đi trên đất vừa dưới sông kéo dài 80 phút với giá vé $29 một người.

 

Sau đó, chúng tôi đi lang thang ở Copley Square, khu phố lấy tên của họa sĩ người Mỹ John Singleton Copley và có bức tượng bằng đồng của ông dựng giữa quảng trường, nơi có nhà thờ Trinity cổ kính cạnh cao ốc màu xanh cao nhất của thành phố Boston là Hancock Place thường được người địa phương quen gọi là John Hancock Tower.

 

Copley Square

 

Hancock Place có 60 tầng, cao 241 mét là tòa nhà cao thứ 46 ở Hoa Kỳ.  Tòa nhà cao thứ nhì ở Boston là Prudential Tower, cao 228 mét.

 

Đường chân trời của thành phố Boston được xem là cao thứ nhì ở Bắc Mỹ (sau New York) và thứ mười ở  Hoa Kỳ.

 

Lần đi Boston này, chúng tôi khỏi phải đi kiếm tài liệu thông tin về du lịch, đường sá. Đã có anh chị Nguyễn Trọng Khôi lo. Họ đưa đi đâu, chúng tôi đi theo đấy, khỏe ru như đi tour mà không phải trả tiền.

 

Hôm nay, ngày cuối cùng ở thành phố văn hóa Boston chúng tôi đi lên trung tâm thương mại bằng phương tiện công cộng. Đi xe bus và sau đó xe điện ngầm. Vì nhà anh chị Khôi ở  “tỉnh lẻ” nên đợi xe bus hơi lâu, đến 20 phút khiến đến nơi mất một tiếng đồng hồ, nhưng cũng đủ kịp giờ cho chuyến Duck Tour vào lúc 12 giờ trưa.

 

Xe lội nước Duckboat ở Boston ở dưới sông Charles River… 

 

Duck Tour là những chiếc xe đổ bộ (amphibious vehicle) còn lại của thời Đệ II Thế chiến được tân trang, chạy trên cạn mà cũng có thể chạy dưới nước. Đấy là những chiếc xe của đồng minh dùng đổ bộ ở đảo Sicily bên Ý, ở Thái Bình Dương và nổi tiếng trong “Ngày Dài Nhất”  D-Day ở Normandy của nước Pháp.

 

Ngồi trên xe này, du khách có thể nhớ lại lịch sử của Đệ II Thế chiến. Hồi nhỏ ở Việt Nam tôi cũng đã có lần thấy xe nhà binh loại này, nhưng nhỏ hơn, bởi xe lội nước của Duck Tour ở Boston là những chiếc xe lớn, chở vài chục người.

 

Từ tháng 3 đến tháng 11, dịch vụ Duck Tour thực hiện 7 ngày trong tuần, từ 9 giờ sáng đến chiều, mỗi nửa tiếng có một chuyến, bất kể mưa nắng.

 

Điểm hẹn để đi ở nằm trên đường Boyston Street gần trung tâm Prudential Center (là nơi bán vé). Đây là một lối ngoạn cảnh nổi tiếng nhất ở Boston bởi vừa được xem quang cảnh và nhìn danh thắng của thành phố khi xe chạy qua, lại còn được ngắm thành phố từ sông.

 

Tài xế Duckboat (được gọi là conDUCKtor) sẽ kiêm luôn tour guide để giới thiệu cho du khách những danh thắng khi xe chạy ngang qua, của thành phố được xem nơi khai sinh ra tự do, một thành phố thuộc hàng xưa nhất, đầu tiên của Hoa Kỳ.

 

… và khi Duckboat chạy trên đường phố

 

Những danh thắng mà bạn “cưỡi ngựa xem hoa” trên Duckboat gồm State House (nơi ở của thống đốc ở được xây năm 1795 bằng gạch đỏ, cột trụ màu trắng và mái vòm (dome) bằng đồng mạ vàng nên trông rất nổi bật); tháp Bunker Hill Momument cao 221 feet với 294 bậc làm bằng đá hoa cương được hoàn tất năm 1843); trung tâm thể thao Fleet Center; công viên Boston Common, quảng trường Copley Square, quảng trường Government Center;  con đường thời trang Newbury Street, chợ Quincy Market, trung tâm thương mại Prudential Tower… kể cả những khu nhà được xem là sang và đắt tiền của giới giàu có và thượng lưu của  Boston.

 

Và sau đó, xe sẽ từ từ tới một bờ sông có con đường nhỏ thoai thoải chạy xuống và… ầm… chiếc xe sắt cồng kềnh trông như chiếc tàu với hình thù thô kệch nổi trên mặt nước khi bánh đã được rút vào bên trong để chiếc xe chạy như chiếc tàu, vẫn với tay lái dùng khi lái trên đường phố.

 

Tài xế lúc này sẽ lái tà tà hay cho du khách cầm tay lái để giới thiệu cảnh quang dọc hai bên bờ sông Charles, của thành phố Cambrige ở phía bắc và thành phố Boston ở phía nam.

 

Ở mép phía nam, tòa nhà đầu tiên mà tôi thấy là viện bảo tàng Meseum of Science, một nơi du khách được đề nghị vào xem nhưng chúng tôi đã không có cơ hội.

 

Duckboat sẽ  chạy trong khoảng nửa tiếng để du khách ngắm chân trời của Cambridge và nhất là của Boston, một cảnh rất đẹp trong mùa thu trời nắng vào buổi trưa như ngày chúng tôi đi du ngoạn.

 

Ở trên đất hay dưới nước, mỗi lần hai chiếc duckboat gặp nhau, du khách ở hai bên đều chào nhau bằng những tiếng “quack, quack” của con vịt, tạo một không khí vui tươi của một chuyến tham quan đặc biệt, chỉ có ở một vài thành phố như Boston hay Montreal mà tôi gặp sau này.

 

Một chuyến đi tour như vậy bằng xe lội nước duckboat là đủ để bạn biết sơ qua về thành phố Boston.

 

Bên trong Prudential Center

 

Trở về chỗ cũ, chúng tôi tới trung tâm Prudential Center ăn trưa nhẹ với món cháo mà anh Nguyễn Trọng Khôi cho là đặc biệt của Boston: Chowda hay Chowder soup, một thứ cháo bằng loại sò đặc sản của vùng Bắc Mỹ (chữ Anh gọi là clam).

 

Anh Khôi nói cháo Chowda ở những tiệm chuyên môn và nổi tiếng sẽ rất ngon, chỉ có ở Boston mà thôi nhưng tôi thấy cháo sò ở trung tâm thương mại này cũng được, mùi vị hay hay và lạ.

 

Và chúng tôi đi ngắm các tiệm buôn trong khu thương mại hàng đầu này của thành phố Boston và các khu bên cạnh.

 

Gần chiều, chúng tôi qua khu chợ Quincy Market, đã được tài xế xe Duackboat giới thiệu khi đi ngang qua vào buổi trưa.  Quincy Market cũng từa tựa như Queen Victoria Market ở thành phố Melbourne nơi có nhiều shop, sạp bán đủ thứ và rẻ—một loại Chợ Bến Thành của  Sài Gòn.

 

Quincy Market

 

Chợ được đặt tên để ghi nhớ ông thị trưởng Josiah Quincy, người đã xây nên cái chợ này vào năm 1824 mà không phải thu thuế hay bị nợ nần.

 

Bên cạnh dãy nhà hai tầng  Quincy Market còn có hai dãy nhà trệt có tên North Market và South Market. Ngoài các mặt hàng từ áo quần, đồ gia dụng, kỷ niệm, trái cây, thịt thà còn có những quán ăn fast food và vài nhà hàng có bán rượu với đồ biển hay thịt bí-tét.

 

Hôm nay, chúng tôi không ăn cơm nhà như các đêm trước mà ăn trong nhà hàng nửa trong nửa ngoài trời tại Quincy Market để ngắm người qua lại. Quincy Market là một khu buôn bán quen thuộc của thành phố Boston. Phải tới đây mới thấy được đời sống tiêu biểu của người Boston—the Bostonians.

 

Boston là quê quán của những anh em nhà Kennedy, những người có ảnh hưởng trên sân khấu chính trị Mỹ trong nửa thế kỷ qua.

 

Doanh hiệu có khắp mọi nơi: tác giả trước tiệm bánh mì Ba Lẹ tại Boston

 

Xe chúng tôi có chạy qua khu Chinatown và khu của người Việt ở Boston nhưng đã không có dịp tới ăn uống hay quan sát như ở các nơi khác trong chuyến du lịch Bắc Mỹ.

 

Nhìn chung, tôi thấy đời sống và sinh hoạt của Boston khác Washington DC và Virginia, và khác xa New York (còn tiếp).

 

(TVTS – 1186)