Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (16)

14 Tháng Tư, 2009 | Mỹ châu

 

 

Khách sạn Hotel Louisbourg ở Montreal, Gia Nã Đại

 

Khách sạn Hotel Louisbourg chúng tôi ở chỉ cách bến xe bus của hãng Greyhound chừng ba bốn chục mét. Mua vé sớm trước 3 ngày được giảm giá nên vé Montreal đi New York giá còn $73 Gia kim. Thời gian dự trù 9 tiếng đồng hồ. Nghe đi lâu cũng hơi ngán nhưng biết làm sao hơn, vì muốn đỡ tốn tiền và không bị lệ thuộc thời gian.

 

Sống ở Úc đã hơn 27 năm nhưng tôi chỉ có ba lần đi xe xuyên bang. Một lần từ Adelaide qua Melbourne bằng xe lửa khi rời hostel dành cho di dân tạm trú để qua tiểu bang khác kiếm việc làm.

 

Lần khác đi bằng xe hơi từ Melbourne lên Sydney để thăm dò thị trường ra một ấn bản TiVi Tuần-san riêng dành cho độc giả ở tiểu bang New South Wales (kéo dài khoảng một năm để sau đó chỉ còn một ấn bản duy nhất phát hành toàn quốc).

 

Và lần cuối, cùng mấy người bạn đi xe hơi lên Canberra để tường thuật cuộc biểu tình chống chuyến công du của một nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam cách đây mười mấy năm.

 

Đi Bắc Mỹ lần này, tôi di chuyển bằng đường bộ giữa các thành phố đến năm lần, mỗi chuyến kéo dài từ khoảng 4 tiếng đến 10 tiếng nhưng rồi cũng quen, một cách không ngờ.

Khởi hành từ 9 giờ 15 sáng nhưng đến New York gần 7 giờ chiều, trễ hơn nửa tiếng trong đó có một tiếng ngừng giữa đường ăn trưa.

 

Qua biên giới Gia-Mỹ làm thủ tục di trú đơn giản, chỉ trình thông hành, trả lời sẽ ở Mỹ bao lâu, ngoài ra không phải khai gì khác. Nếu bạn không buồn ngủ, có thể ngắm cảnh hai bên đường, những rừng cây bạt ngàn, một màu xanh đậm và thỉnh thoảng mới có vài cây ngả sang màu đỏ, báo hiệu trời đã vào thu gần một tháng.

 

Xe đò tới trạm cuối nằm trên 8th Avenue và 43rd Street. Từ đây chúng tôi đi bộ kéo vali tới khách sạn Carter mất chừng 10 phút. Đi đứng giữa rừng người trên đường phố New York, chúng tôi có cảm tưởng như đi xa nay trở lại thành phố quê nhà của mình, bởi quá quen thuộc với  những con đường, khu phố này trong hơn hai tuần lễ vừa qua.

 

Đi Washington rồi trở về; đi Boston và qua Montreal, nay lại trở về, chúng tôi ước gì được ở lại New York lâu hơn, nhưng thực tế chỉ còn lại bốn ngày phù du… Chúng tôi phải tận hưởng. Con cái chúng tôi thích đi mua sắm. Tôi muốn tìm còn cái gì ưu tiên nhất để xem trong những ngày còn lại ở thành phố không bao giờ ngủ này.

 

Ngày xem lễ hội của đường phố, tối đi coi Broadway

 

Trở về New York, ngày hôm sau trong khi vợ con đi vòng vòng ngắm và sắm sửa tôi  ở nhà viết bài đưa lên website của TVTS để độc giả bốn phương biết những sinh hoạt vui chơi  cũng như không khí vận động tranh cử tổng thống ở thành phố New York.

 

Hôm nay Chủ Nhật 21.9.08, tôi thức dậy trễ, đợi gần trưa ra phố để tiện thể ăn trưa. Thay vì vẫn đi trên đại lộ 7th Ave hay đường Broadway quen thuộc trong khu Times Square, tôi chọn đại lộ 8th Ave nơi có khu/bến xe đò xuyên bang.

 

Sạp xem bói toán trong ngày hội của  8th Avenue ở thành phố New York

 

Từ khách sạn Carter trên đường 43rd  Street  đi ra 8th Ave, tôi gặp ngay khung cảnh náo nhiệt, đông đúc như cảnh Hội chợ Tết hàng năm trên đường Victoria Street ở Richmond  thuộc thành phố Melbourne.  8th Ave đã được đóng lại để khách vui chơi.

 

Tôi đi bộ xuống ngã tư 40th  Street nơi đại lộ 8th Avenue bắt đầu được đóng để may ra gặp ai đó có thể hỏi hôm nay là lễ hội gì để lát nữa trở về khách sạn biết chuyện gì mà viết. Gặp mấy ông cảnh sát bận đồ đen thuộc cơ quan thường được gọi là NYPD, tôi hỏi thăm và được họ cho biết đây là ngày hội được tổ chức hàng năm của con đường này, có tên là The 8th Avenue Fair & Trading Festival.

 

Người qua lại, đi tới đi lui đông nghẹt, không kể xiết. Hai bên phố là những cao ốc cao ngất nên tầm nhìn rất ngắn, làm tôi có cảm tưởng đoạn đường dành cho ngày hội dài chừng trăm mét. Tôi thử đi bộ để xem đoạn đường vui chơi này có dài hơn ngày Hội chợ Tết Việt Nam ở Victoria Street của thành phố Richmond không, nhưng đi đến đường 50th  Street, tức đã đi đường 10 block phố, thì tôi ngừng lại vì không muốn đi xa nữa, bởi đoạn nào cũng giống nhau.

 

Nào là trưng bày hàng hóa, đồ lưu niệm, áo quần với giá xem ra khá rẻ, nhưng thức ăn ở các sạp dọc hai lề đường khá đắt. Một cái hot dog loại nhỏ $4 Mỹ kim; ổ mì Hi Lạp $8 và lon nước ngọt $4. Chỉ có món Satay của Thái Lan là tương đối rẻ, mỗi xâu $1. Vậy mà muốn mua thức ăn, phải xếp hàng chờ năm mười người mới tới lượt mình.

 

Vì vợ con đi mua sắm suốt cả ngày, buổi chiều tôi trở lại Đại Lộ Thứ Tám để xem không khí ra sao thì vẫn thấy đầy nghẹt người. Bạn cứ thử tượng tượng một thành phố có nhiều cao ốc và đông người hàng đầu thế giới thì con đường này lúc nào cũng đầy người; bản xứ có, du khách có; đủ mọi màu da.

 

Broadway: đi xem vở kịch The Lion King ở New York

 

Trước khi qua Mỹ, tôi thường nghe nói tới Broadway, nhưng tôi không hiễu rõ Broadway là cái chi chi. Đại khái nghe nói vở kịch này được nghệ sĩ nào đó trình diễn ở Broadway hay tên sân khấu Broadway ở New York. Nhưng thú thật tôi không mường tượng được Broadway nó ra sao, bởi tôi không phải là người mê nhạc kịch nên không mất công tìm hiểu.

 

Thậm chí xem cải lương tôi cũng không thích lắm vì diễn tiến câu chuyện đã chậm chạp lại còn xuống câu vọng cổ nên đợi rất lâu, dễ nản.

 

Tôi chưa bao giờ đi xem những vở nhạc kịch, thậm chí cả chưa đi xem Miss Saigon, một vở kịch nổi tiếng thỉnh thoảng được trình diễn ở Úc bởi đã không thể hiểu hết những câu đối thoại, lại còn sợ phải nghe hát như vọng cổ của ta.

 

Nhưng khi qua New York, bạn bè Úc nói nên đi Broadway và con gái út của tôi xin đưa cả nhà cùng đi thì tôi đã chìu con nhưng cảnh cáo là rất có thể tôi sẽ ngủ gục khi xem, nhất là nếu đã ăn cơm tối và có uống rượu bia.

 

Chúng tôi chỉ có thể sắp xếp một buổi đi xem nhạc kịch vào chuyến trở lại New York cuối cùng như tối Chủ Nhật hôm nay. Con gái tôi cho biết giá vé đi xem ca nhạc kịch rất đắt và đi cả gia đình thì tốn khá bộn. Muốn bảo đảm có chỗ ngồi, phải mua vé trước.

 

Tùy ngày và tùy chỗ ngồi, giá vé có thể khác nhau. Chúng tôi đi xem kịch The Lion King mà con gái tôi thích, ngồi ở ghế hạng trung bình trên ban-công  loại gác lửng (mezzanine) mà giá cũng tới $111.25 Mỹ kim một người. Rạp hát là Minskoff Theatre ở số 200  West 45th Street, cách khách sạn Carter hai khu phố. Con tôi mua vé xem lúc 6 giờ rưỡi chiều là lúc chưa ăn uống nên tôi còn tỉnh táo để xem kịch mà không sợ ngủ.

 

Rạp Minskoff Theatre: khách xem vở kịch The Lion King ra về

 

Rạp hát đầy người, hầu như chẳng còn ghế nào trống. Tôi thấy cạnh tôi có những gia đình mang theo vali khi đi coi hát, chứng tỏ họ từ xa vừa đến hay chuẩn bị lên đường sau khi xem hát. Thấy thiên hạ mê xem kịch như vậy thì phải hấp dẫn lắm. Và quả thật khi chương trình ca kịch bắt đầu, tôi đã mê ngay với lối trình diễn sống động của vở kịch the Lion King.

 

Các nghệ sĩ đứng hai bên hông sân khấu với những y phục mà họ sẽ đóng sắp hàng tiến từ cuối rạp lên sân khấu theo tiếng nhạc, trống và lời ca làm cho cả rạp như hòa vào câu chuyện sắp xảy ra trên sân khấu. Dàn nhạc sống nằm dưới hầm sân khấu được điều khiển bởi một nhạc trưởng đứng dưới bục sân khấu trong khi đó hai bên cánh gà có những nhạc công chơi trống và phèn nên khán thính giả có thể thưởng thức âm thanh sống động như trong một rạp xi-nê.

 

Lần đầu tiên tôi được xem một vở nhạc kịch tây phương và cảm thấy rất thích với âm thanh ánh sáng, kỹ thuật và sự dàn dựng công phu trên sân khấu. Vé hát $111.25  Mỹ kim, có đắt không? Đáng đồng tiền, tôi rất hài lòng.

 

Sau khi đi xem vở kịch đầu tiên này tại New York, tôi đã hiểu Broadway là cái chi chi.

 

Broadway theatre hay gọi ngắn gọn hơn  Broadway là những sân khấu trình diễn kịch ở khu phố kịch nghệ (Theatre District) ở New York. Khu này nằm trên con đường Broadway, một con đường dài nhất trong hòn đảo Manhattan, chạy từ bắc (khu Harlem) xuống nam (Financial district),  và giữa Times Square và khu phía tây của Midtown, tức khu vực khách sạn chúng tôi đang trọ.

 

Cùng với West End theatre ở London, Broadway thường được coi là nơi trình diễn kịch nghệ mang tính cách thương mại với trình độ cao nhất trong thế giới nói tiếng Anh.

 

Vậy nói đến Broadway là nói đến kịch nghệ, ca nhạc kịch tại một khu phố chuyên về ca nhạc kịch với khoảng 40 hí viện mà mỗi hí viện có từ  500 ghế ngồi trở lên. Kỹ nghệ ca kịch trong khu Broadway này ở New York hàng năm mang lại một doanh thu rất lớn, như trong tài khóa 2007-2008 Broadway đã bán ra số vé trị giá $937 triệu Mỹ kim.

 

New York về đêm:  xem opera chùa ở Times Square

 

Ngoài đi xem nhạc kịch trên một sâu khấu của Broadway, tôi còn được xem opera chùa trên màn ảnh lớn ở Times Square vào dịp khai mạc mùa ca nhạc kịch The Metropolitan Opera, còn được gọi là Met Opera hay The Met.

 

Đoạn đường giữa 7th Avenue và đường Broadway được đóng lại. Người ta trải thảm đỏ và dựng hàng trăm chiếc ghế để mời người đi đường vào ngồi xem chương trình khai mạc mùa opera được trực tiếp truyền hình trên các màn ảnh lớn ở Times Square, có các phóng viên truyền hình và dàn camera với cần quay lớn theo dõi phản ứng của khán giả xem opera chùa giữa phố. Times Square về đêm là thế đấy.

 

Đêm hôm đó chúng tôi được ngồi xem khai mạc mùa opera với vở ca kịch do ca sĩ Renée Fleming trình diễn.

 

New York có sau Paris, nhưng về mặt văn hóa thủ đô tài chánh của Mỹ chẳng thua gì kinh đô ánh sáng của Pháp. Sinh hoạt văn nghệ còn tràn lan ra ngoài đường phố với những nhóm hay cá nhân, mỗi người một vẻ, một phong cách riêng với đủ hình nghệ thuật, nhất là về đêm. Bước đi mỗi đoạn đường, mỗi khu phố, du khách có thể chiêm ngưỡng những màn trình diễn khác nhau, khi thì ồn ào với những ban nhạc, nhóm hề; khi thì lặng yên với những diễn viên kịch câm hay những người đóng vai tượng như tượng thật. Chẳng hạn một anh chàng da đen giả làm bức tượng trong tư thế nào đó thì dù bị các cô gái qua đường chọc ghẹo cũng chẳng làm cho anh ta chớp mắt hay phản ứng.

 

Bạn cũng nên biết New York còn nổi tiếng với những sinh hoạt nghệ thuật khác mà một vài người Việt ở Melbourne muốn tiến thân đã phải sang bên đấy để học tập và làm việc như trường hợp “thần đồng” dương cầm Phạm Minh Hoàng hay nhà văn đoạt giải văn chương quốc tế Nam Lê.

 

Tác giả trước một cửa tiệm áo quần ở khu Harlem của người da đen trong thành phố New York

 

Mua sắm ở Harlem

 

Bạn có thể tưởng tôi viết lộn? Phải nói đi xem văn nghệ ở Harlem mới đúng vì đây là thánh đô nhạc jazz, thủ đô của người da đen ở Mỹ. Tôi không chọn những chuyến đi tour trong các tờ quảng cáo bươm bướm với giá từ $55 Mỹ kim trở lên mà quyết định tự mò đường đến để đến xem, chỉ mất $2 Mỹ kim cho một chuyến xe bus.

 

Từ khách sạn Carter ở đường 43rd Street, chúng tôi ra đại lộ 8th Avenue đón xe tuyến M10 để lên Harlem nằm ở phía bắc đảo Manhattan. Người qua lại trên phố chỉ có thể nói cho bạn biết đón xe bus M10 để đi tới khu Harlem, còn nhảy xuống ở đâu, đi xem cái gì thì bạn phải tự liệu.

 

Trên xe bus có nhiều người da đen.  Xe tới công viên Park Central ở khoảng đường 60th Street là bắt đầu thấy nhiều người da đen. Gặp một ông da đen ngồi trên xe to con dáng nghệ sĩ, tóc quăn nhưng lại búi củ tó, mặc áo quần kỳ dị, mang túi da thật lớn, làm cho chúng tôi hơi ngại, vì đêm hôm trước các con đọc tin trên internet nói một người đàn ông ở trong khu Bronx đã vô cớ bị đánh bất tỉnh và còn hôn mê. Người đàn ông trông dáng nghệ sĩ nhưng mặt lầm lì, ngồi dạng chân choáng đến hai chỗ dù xe đông và có người đứng, lại cứ nhìm chúng tôi.

 

Vào khu người da đen xa lạ thật ra cũng làm chúng tôi hơi chột dạ bởi các tin tức và thành kiến. Gần đây còn bị ám ảnh bởi chuyện khủng bố  nên ngồi trên xe bus mà chỉ thấy người da đen thì  ngại thật.  

 

Khi qua khỏi khu vực công viên Central Park, tức đường 110th Street,  thì hầu như chỉ còn hành khách da đen vì từ đây đúng là vùng của người da đen, bởi cứ nhìn người đi lại trên đường thì rõ.

 

Đường W 125 St còn có tên Dr Martin Luhther King Jr Boulevard, tên vị mục sư da đen nổi tiếng với câu “I have a dream”

 

Tôi chỉ mong sớm rời chiếc xe này, nhưng chẳng biết nhảy xuống chỗ nào. Đợi ngã tư nào phố xá đông người sẽ xuống. Tới đường 125th Street, chúng tôi xuống xe vì thấy có nhiều tiệm buôn, nhất là thấy có một hí viện, mà sau này tôi biết đó Apollo Theatre, một hí viện nổi tiếng của người da đen ở khu Harlem.

 

Nhìn bảng chỉ đường, tôi thấy đường 125th Street còn có tên khác nữa là Dr Martin Luther King Jr Boulevard, tên của một mục sư tranh đấu da đen nổi tiếng với bài diễn văn có câu “I have a dream”. Thế thì bảo đảm đây là trung tâm của khu Harlem rồi.

 

Thật vậy, chính trên con  đường Martin Luther King này mà vợ con chúng tôi đã dùng nguyên một buổi để mặc sức mua sắm, từ áo quần đến dày dép và cả máy móc điện tử nữa. Đây là lần mua sắm nhiều nhất của chúng tôi ở New York.

 

Ngã tư khu trung tâm của Harlem: trở về khách sạn sau khi mua sắm trên đường Luther King

 

Bạn sẽ hỏi tôi tại sao không mua sắm ở khu Midtown hay Downtown, ở các khu cao cấp hay tại những con đường mang tên Fashion Avenue hay Garment District cạnh khách sạn Carter chúng tôi trọ?

 

Xin thưa, mua ở khu bình dân giá rẻ hơn khu sang trọng, như ta mua áo quần ở Myer, David Jones chắc chắn sẽ đắt hơn ở khu mall tại vùng Footscray dù áo quần đó giống nhau bởi cùng nhập cảng ở Trung Cộng.

 

Đường thứ 125 hay đường mang tên mục sư  King là con đường sầm uất nhất ở khu Harlem của người Mỹ da đen. Giày runners giá từ $30 đến $80 Mỹ kim là cao nhất. Tôi thấy có rất nhiều giày đề made in Vietnam. Tôi mua một đôi giày làm từ Trung Cộng giá $60 Mỹ kim mà xài đến 4 tháng vừa qua vẫn thấy còn tốt, hơn cả đôi giày runners mua $160 Úc kim ở Melbourne.

 

Con trai tôi đã chuẩn bị tìm mua cái máy chơi game từ khi qua Mỹ, nhưng khi đến khu Harlem, đi xem một cái máy cùng loại, cùng hiệu với giá $400 Mỹ kim như ở dưới Times Square thì ở đây cho nhiều memory hơn, có nghĩa là vẫn rẻ hơn.

 

Đến thủ đô của nhạc soul, nhạc jazz chúng tôi đã không đi nghe nhạc, cũng không vào quán của cộng đồng người da đen ăn uống xem có gì lạ mà chỉ xem sinh hoạt mua bán trên đường phố. Cũng lấn chiếm ra lề đường như các phố xá của cộng đồng người Việt.

 

Chung cư trên đường phố Harlem

 

Đến lúc này, tôi không còn lo ngại khi vào một vùng của người da đen như trí óc vẫn tưởng tượng do ảnh hưởng của truyền thông. Nhưng tôi nghĩ an ninh ở đây có lẽ không tốt bằng khu vực của người da trắng dưới phố. Họ sống trong các chung cư san sát nhau mà tôi thấy khi xe chạy ngang qua. Người Mỹ da đen đã có một lịch sử gắn liền với thành phố New York, nhưng cũng do lịch sử hình thành mà họ đã bị đẩy lùi hay sống tập trung ở một khu vực.

 

Nằm trên cùng hòn đảo Manhattan, nhưng có hai thế giới: thế giới người da trắng giàu có ở vùng Midtown và Downtown; thế giới người da đen nghèo ở phía bắc. Tôi chỉ biết sơ sơ về Harlem qua một chuyến mua sắm. Tuy từ đường 125th Street về 43rd Street nơi cư ngụ của chúng tôi chỉ cách mấy chục khu phố, nhưng xe bus chạy mất một tiếng vì nạn kẹt xe nổi tiếng của thành phố New York.

 

Tôi suýt bị đập đầu vào xe vì ông tài xế người da đen thắng quá gấp. Trên xe chỉ có chúng tôi không phải là người da đen. Chuyện lái xe qua mặt và thắng gấp vẫn tiếp diễn nhưng chẳng có ai phản đối bác tài. Chúng tôi chỉ còn dặn nhau ngồi cẩn thận. (còn tiếp).