Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (17)

16 Tháng Năm, 2009 | Mỹ châu

 

 

 

 

Tác giả trên tàu giữa giòng sông Hudson chia đôi Thành phố Jersey (các cao ốc bên trái) và Quận Manhattan với các cao ốc bên phải

 

Manhattan là một trong 5 quận (borough) của Thành phố  New York (New York City, viết tắt NYC), có diện tích nhỏ nhất nhưng lại là quận quan trọng nhất vì hầu như mọi cơ sở kinh tế tài chánh, nghệ thuật và truyền thông hàng đầu của nước Mỹ đều nằm trong quận này.

 

Mahanttan là một hòn đảo dài khoảng 21.5 cây số  và (nơi) rộng (nhất) chừng 3.7 cây số, có hình dáng như viên đạn đầu hướng ra Vịnh New York ở phía nam, được bao bọc bởi quận Queens ở phía đông, quận Bronx ở phía bắc và Jersey City ở phía tây. Phía nam hai quận Brooklyn ở bên trái và quận Staten Island ở bên phải tạo thành cửa biển để đón tàu vào Vịnh New York trước khi đến đảo Manhattan.

 

Đó là đại khái bản đồ và hình thể của Thành phố New York. Tuy vậy, phần lớn người ta vẫn có sự lẫn lộn giữa New York City và Manhattan, nhưng không sao. Đến Manhattan là đến New York City và đã đi New York City thì không thể nào không đặt chân tới Manhattan.

 

Đôi giòng về Manhattan

 

Từ ngữ Manhattan được giải thích là bắt nguồn từ chữ Manna-hata như đã được ghi trong nhật ký hải hành năm 1609 của viên sĩ quan Robert Juet đi trên chiếc tàu của nhà hàng hải người Anh tên Henry Hudson.

 

Cũng có người cho rằng Manhattan xuất phát từ thổ ngữ của dân cư tại đấy thời đó, có nghĩa là hòn đảo có nhiều đồi.

 

Đảo được bọc ở hai phía bởi con sông thời đó được thổ dân gọi là Muhheakantuck, nhưng sau đó nhà thám hiểm Henry Hudson đặt tên là Mauritus River để tưởng nhớ Hoàng tử Maurice of Nassau của Hòa Lan.

 

Sau này để vinh danh nhà thám hiểm người Anh, nhánh sông phía tây được đặt tên là Hudson River và nhánh phía đông là East River. Sông Hudson dài khoảng 500 cây số chạy từ bắc xuống nam, chia cắt thành phố New York và thành phố Jersey trước khi đổ ra biển.

 

Từ đảo Manhattan sang các vùng đất liền chung quanh và các đảo khác có cầu, đường hầm dưới sông hay đi bằng tàu bè. Thủ phủ (capital city) của tiểu bang New York là Albany nơi Thống đốc bang New York và cơ quan chính quyền tiểu bang đặt trụ sở, nhưng New York City nói chung và quận Manhattan nói riêng mới là trái tim của New York State và của cả nước Mỹ.

 

Vì thế nếu đã du lịch New York (thành phố Nữu Ước) hầu như bạn sẽ tới Manhattan và nếu kiếm được chỗ trọ trong đảo Manhattan thì không có gì tiện lợi và hay hơn.

 

Khi chưa qua New York, cứ nghe chuyện ông tỉ phú gốc Úc Rupert Murdoch mua apartment mấy chục triệu ở Manhatttan; cựu Tổng thống Bill Clinton thuê văn phòng ở Manhattan; Caroline con gái cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy dọn về sống ở Manhattan; tài năng dương cầm Phạm Minh Hoàng qua học nhạc ở Manhattan, tôi vẫn không biết Manhattan nó ra làm sao, có giống Sydney rất quen thuộc và Melbourne thành phố quê nhà của tôi không.

 

Bây giờ, sau 10 ngày sống ở New York và có nhiều chuyến tham quan các danh thắng trong hòn đảo này, tôi cảm thấy Manhattan thật gần gũi đến độ hôm nay (16.1.09) khi đọc tin và xem truyền hình câu chuyện chiếc máy bay Airbus 320 của hãng US Airways hỏng cả hai động cơ do chim chui vào trong máy nên không thể bay trở lại phi trường và phải đáp khẩn cấp trên sông Hudson River ở New York, tôi cảm thấy như nó đang xảy ra ở một nơi mình quen thuộc.

 

Như  hình ảnh bằng computer cho thấy chiếc phi cơ bay từ phi trường LaGuardia thuộc quận Queens lên quận Bronx ở phía bắc rồi quẹo trái hình chữ U bay dọc theo sông Hudson, tránh chiếc cầu George Washington Brigde rồi mới đáp khẩn bằng bụng trên sông cách chiếc cầu này chừng 300 mét. Người ta gọi đây là phép lạ vì 155  hành khách và phi hành đoàn đều thoát hiểm, bình an vô sự.

 

Nhìn chiếc máy bay chìm một nửa trên sông Hudson với hậu cảnh của Manhattan, tôi nhớ lại những lần đi trên sông Hudson, đặc biệt qua chuyến đi du ngoạn bằng tàu vòng quanh đảo này cách đây vài tháng.

 

Những chiếc tàu chở khách tham quan Manhattan trên sông Hudson của Circle Line

 

Nếu bạn đi du lịch New York, tôi có lời khuyên nên đi ngoạn cảnh một chuyến Sightseeing Cruise của công ty Circle Line.

 

Circle Line là công ty du ngoạn bằng tàu nằm ở cầu tàu  Pier 83 West 42nd Street, tức cuối đường này; thật ra là ở ngã ba dọc đại lộ 12th Avenue.

 

Từ khách sạn Carter đi bộ ra bến tàu Circle Line mất khoảng 15 phút. Có nhiều loại vé khác nhau như vé đi xem đảo Nữ Thần Tự Do, vé đi nửa vòng đảo Manhattan. Chúng tôi chọn chuyến đi vòng quanh đảo kéo dài đúng 3 tiếng đồng hồ, giá vé $33 Mỹ kim một người.

 

Ở trong đảo, nếu đi nhiều, bạn đã có thể quen với những địa danh từ  Downtown lên Midtown  như  Financial District, Chinatown, Little Italy, Soho, Greenwich Village, Flower District, Garment District, Theatre District,  Diamond District, Times Square nơi chúng tôi ở trọ hay Rockefeller Center.  Hoặc Uppertown có khu công viên Central Park hay đại học Columbia University ở trong khu Harlem; đó là vài địa danh nghe quen tai.

 

Nhưng nếu bạn đi tàu vòng quanh đảo trên đoạn đường dài 56 cây số, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp và những kiến trúc độc đáo của thành phố có nhiều cao ốc bậc nhất thế giới. Và cảnh thấy từ sông biển khác trên đất liền.

 

Circle Line: 3 giờ quanh trái tim New York bằng tàu

 

Chiếc tàu hai tầng có khả năng chở trên một trăm người sẽ rời cầu tàu  Pier 83 trên sông Hudson River  chạy xuống hướng nam, qua Battery Park nơi chúng tôi đã từng mua vé đi qua đảo Liberty trước đó và cũng là nơi mà hôm nay, chiếc máy bay Airbus 320 lâm nạn được kéo về cầu tàu này.

 

Từ đây, bạn đã bắt đầu thấy được các cao ốc ở phía nam Manhattan nơi tạo đường chân trời của thành phố New York thường được đăng trên báo chí, bích chương quảng cáo. Bạn sẽ được người thuyết minh của chuyến du ngoạn cho biết ở đâu nơi đường  chân trời có nhiều cao ốc đó trước kia có tháp đôi World Trade Center.

 

Đường chân trời Manhattan hụt hẫng vì tháp đôi World Trade Center (vốn nằm ngay chính giữa hình này) đã không còn nữa

 

Dù tòa nhà không còn nữa và người ta chỉ còn tưởng tượng khoảng trống ở đường chân trời Manhattan nhưng chính lúc này, du khách sẽ đua nhau chụp hình để ghi lại kỷ niệm của chuyến du lịch New York. Nghe nói về đêm sẽ thấy hai ngọn đèn pha sẽ được chiếu từ dưới đất lên bầu trời để tưởng nhớ tòa tháp đôi WTC. Hai ngọn đèn pha này chiếu xa và cao hơn hai tháp đã bị đánh sập.

 

Đến cuối mũi hòn đảo Manhattan,  tàu sẽ chạy ngang qua đảo Ellis Island (nơi ngày xưa dùng làm trung tâm di trú đã từng đón 16 triệu di dân từ năm 1892 đến 1954), rồi hướng tới Liberty Island để bạn được dịp thấy Tượng Nữ Thần Tự Do. Nếu bạn không muốn lên đảo Liberty hay lên bệ của tượng mà chỉ muốn ngắm tượng từ khoảng cách 300 đến 1000 mét, tôi nghĩ đi chuyến tàu quanh đảo là đủ rồi.

 

Xem cảnh thành phố New York  City (đúng ra phải gọi Manhattan Borough) đẹp nhất là đoạn tàu chạy từ Battery Park tới Liberty Island. Hãy chuẩn bị máy hình mà chụp. Hành khách đứng trên boong tàu sẽ được tour guide nói qua máy phóng thanh là chớ đứng kẻo chận tầm nhìn của kẻ khác, nhưng nếu bạn chỉ đứng dậy chụp hình trong mấy giây rồi ngồi xuống ngay thì chẳng ai than phiền.

 

Cũng ở nơi này, bạn sẽ nhìn được chân trời cao ốc của hai thành phố New York City và Jersey City (của tiểu bang New Jersey) nhờ bạn đứng giữa lòng sông Hudson. Bây giờ tàu quẹo trái chạy bọc mỏm đảo Manhattan, khu vực có tên Ferry Terminal nằm trong Financial District hay còn gọi là Lower Manhattan. Chính ở phần mỏm này mà các định chế tài chánh lớn của Mỹ đặt trụ sở như Thị trường Chứng khoán New York, các đại ngân hàng.

 

Khi tàu chạy tới đầu sông East River, bạn có thể ú tim vì thấy một chiếc máy bay trực thăng như đang muốn đâm đầu vào các cao ốc của thành phố.  Lại khủng bố chăng?  Hay máy bay này tính chuyện biểu diễn bay giữa lòng đường phố? Thưa không, đó là một chiếc máy bay của Helicopter Tours đang chở khách trở về bãi đáp ở bến tàu Pier 6. Cảnh ngộp thở và đẹp mắt đó như cảnh trong xi-nê màn ảnh rộng và nổi của IMAX.

 

Vé một chuyến bay xem cảnh New York bằng trực thăng là $149 Mỹ kim một người cho chuyến đi dài 15 phút;  $199 đi 20 phút và $299 đi lâu 30 phút, chưa kể $12 phụ phí xăng dầu và an ninh. Quá đắt và không cần thiết. Tôi hơi sợ cao, ngồi máy bay hành khách mà còn toát mồ hôi tay huống gì đi trực thăng bay liệng lung tung. Nhờ vậy đỡ tốn tiền?

 

Bạn đã tới một bến tàu khác cuối đường Wall Street rồi đó. Tour guide sẽ kể cho bạn nghe sự tích con đường nổi tiếng thế giới, được thiên hạ nhắc nhở hàng ngày vì đấy là nơi có trụ sở của New York Stock Exchange.

 

Two Bridges: hai cầu Manhattan và Brooklyn (phía sau) và các cao ốc của khu Lower Manhattan 

 

Lại chuẩn bị máy ảnh nhé. Bạn sắp tới gần cầu Brooklyn Bridge, chiếc cầu nổi tiếng nhất của New York nối quận Manhattan và quận Brooklyn. Bạn đã đi bộ trên cầu vào một buổi hoàng hôn như gia đình chúng tôi khi mới tới New York lần đầu, nhưng nay bạn sẽ được dịp chiêm ngưỡng chiếc cầu treo dây cáp này từ dưới sông East River.  Chưa hết, tàu của bạn sắp lòn qua chiếc cầu Manhattan Bridge cách đấy chừng bốn năm trăm mét, vì vậy vùng này còn có tên gọi là khu Two Bridges, một khu cạnh Chinatown.

 

Chừng một cây số nữa, tàu lại chui qua cầu Williamsburg Bridge, chiếc cầu dẫn tới khu Little Italy.  Tàu sẽ chạy qua nhiều cầu khác, to có nhỏ có, tùy đấy là sông hay là kênh vì Manhattan là một hòn đảo.

 

Lúc này, bạn đã bắt đầu thấy Empire State Building, tòa nhà cao nhất hiện nay của New York, khi thì chỉ phần đầu, khi thấy gần hai phần ba tòa nhà tùy vị trí tàu chạy. Đi xem cảnh từ trên sông có cái thú như vậy, rất bất ngờ.

 

Và kìa, bạn đã tới đoạn cuối đường 42nd Street rồi đấy bởi tòa nhà giống hộp diêm màu xanh lá cây, dẹp và cao đã hiện ra: trụ sở Liên Hiệp Quốc. Cách đây 10 ngày tôi đã có dịp vào tham quan trụ sở Liên Hiệp Quốc, nhưng chỉ thấy bề mặt. Hôm nay thấy được cái lưng nhìn ra sông và tôi nghĩ đây là tư thế để chụp ảnh trụ sở Liên Hiệp Quốc đẹp nhất, có lúc hậu cảnh gồm luôn cả tháp Empire State Building nữa. Tôi nghĩ đây là đoạn đường ngắm và chụp cảnh đẹp thứ hai trong chuyến đi vòng quanh đảo. 

 

 

Tòa nhà Liên Hiệp Quốc (trái) và Empire State Building, tháp nhọn màu trắng gần bên cạnh,  hiện là tòa nhà cao nhất ở New York

 

Từ đây giòng sông bắt đầu hẹp vì có hòn đảo Roosevelt Island dài chừng 3 cây số nằm giữa. Bạn sẽ thấy đại học Rockefeller University, rồi University Hospital of Columbia.

 

Qua khỏi hòn đảo Ward Island, nhiều cao ốc là chung cư  nên không còn đẹp mắt nữa bởi kiến trúc cũng như màu sắc của chúng, chứng tỏ đã được xây từ lâu trong tiến trình hình thành của quận này.

 

Lòng sông hẹp dần, khoảng dưới một trăm mét khi tàu tiến vào khu Harlem nằm bên tay trái. Nhiều bến tàu, cầu tàu, cầu sắt trông rất bề bộn. Cảnh ở đây không còn đáng chiêm ngưỡng ngoài dùng để so sánh.

 

Bạn đã đến gần quận Bronx ở phía đông bắc Manhattan rồi đấy. Tôi có cảm tưởng đoạn sông ở đây có tên Harlem River phần lớn hình thành từ kênh đào. Nhà cửa hai bên Harlem và Bronx chẳng khác nhau bao nhiêu. Tôi thấy ở bên quận Bronx có một vận động trường thật lớn, đề Yankee Stadium. Vận động trường này chính là nơi Đức Giáo hoàng Benedict XVI tới làm lễ ngoài trời khi ngài công du Mỹ vào năm ngoái.

 

Vận động trường Yankee Stadium bên kia sông

 

Đảo Manhattan chấm dứt với con đường 220th Street. Tàu quẹo trái để trở ra sông Hudson trở về bến nằm trên đường 42nd Street. Chắc bạn đã làm quen với tên gọi những con đường  (Street) và đại lộ (Avenue) mang số  qua loạt bài về Nữu Ước của người viết rồi? Tìm đường và định vị rất dễ.

 

Sông Hudson ở đoạn này  rộng chừng một cây số rưỡi. Tàu chạy chừng 3 cây số sẽ gặp cầu George Washington Bridge, chiếc cầu mà hôm nay phi công Chesley Sullenberger với 40 năm kinh nghiệm đã tài tình tránh khi lái chiếc phi cơ bay như diều vì đã hỏng cả hai động cơ để đáp xuống nhẹ nhàng bằng bụng trên sông, khiến không một ai bị thương tích, làm cả thế giới ngưỡng mộ.

 

Cầu George Washington chụp từ hướng Bronx, phía sau cầu là Midtown và Downtown của Manhattan. Trên sông này phi công lái chiếc Airbus 320 chở 155 người đáp xuống bình an

 

Mấy tháng trước tôi đi tàu dưới cầu này, chụp cảnh từ xa, đến gần, dưới chân cầu và khi rời cầu. Tôi không ngờ hôm nay lại được xem cảnh cây cầu này trên truyền hình với đoạn phim bằng computer chiếu cảnh phi công Sullenberger điều khiển chiếc phi cơ bay dọc Manhattan, trên sông Hudson, trên cầu George Washington và đáp xuống mặt sông an toàn, một chuyện hi hữu trong ngành hàng không của thế giới (còn 1 kỳ nữa).

 

(TVTS – 1191)