Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (18 – Hết)

02 Tháng Sáu, 2009 | Mỹ châu

 

 

“Nhãn hiệu cầu chứng”: Mặt tiền New York Stock Exchange trên đường Broad Street 

 

Đêm áp chót ở New York, như mọi hôm khác, con chúng tôi lại hỏi ngày mai sẽ làm gì, đi đâu. Tôi trả lời sẽ đi mua sắm lần chót và đi tham quan. Nghe mua sắm thì các con luôn thích nhưng nghe đi tham quan thì phải còn tùy.

 

Tôi nói tôi muốn đi qua Thành phố New Jersey ở bên kia sông Hudson để xem cho biết, nhưng tin rằng không thể nào hấp dẫn bằng Thành phố New York mà riêng Quận Manhattan thì cũng đã đi chưa hết. Lại còn một chỗ tôi muốn đi và phải đi cho biết là Thị trường Chứng khoán New York  và con đường Wall Street.

 

Con chúng tôi lên internet và cho biết New York Stock Exchange (NYSE) không mở cửa cho công chúng vào xem thì làm sao. Tôi trả lời cứ đứng bên ngoài xem cũng được và nhất là phải đi cho hết con đường Wall Street để xem trên đường này có những gì khác và vì sao khi nói tới thị trường chứng khoán New York người ta chỉ cần nói hai chữ Wall Street là đủ hiểu.

 

Tôi cũng nói với con cái là ngoài Wall Street, tôi sẽ còn đi vài con đường, đại lộ khác trong khu vực, từ Wall Street trở về đường 43rd Street của khách sạn Carter để ngắm các tòa nhà, phố xá hầu thu thập tài liệu cho việc viết bút ký của chuyến du lịch lần này.

 

Con lại hỏi đi bằng gì thì tôi cho biết đi bằng metro tới Wall Street và sau đó đi bộ, và trở về nhà cũng sẽ đi bộ bởi vậy ngày mai cả nhà sẽ ngủ dậy trễ và sẽ chỉ ra khỏi nhà khoảng giữa trưa, bởi đi bộ chừng nửa ngày cũng châm lắm.

 

12 giờ rưỡi trưa, chúng tôi rời khách sạn và đón subway đi tới đường Wall Street. Đã 20 ngày sống ở Bắc Mỹ nên đi lại bằng phương tiện xe điện ngầm đã trở thành quá quen thuộc với chúng tôi.

 

Ferry Teminal cuối đường Wall Street: các cao ốc bên kia sông thuộc quận Brooklyn

 

Lịch sử

 

Ngày hôm trước trong chuyến đi tham quan vòng quay đảo Manhattan bằng tàu của công ty Circle Line tôi đã được nghe tour guide nói sơ về lịch sử của Wall Street khi tàu chạy tới gần đường Wall Street.

 

Tôi cũng đã nghe một số người giải thích về sự tích của con đường nổi tiếng này. Sau khi đi bộ hết con đường Wall Street, tôi đọc thêm một số tài liệu khác và được biết lịch sử của con đường tài chánh này như sau.

 

Wall Street bắt đầu từ ngã ba đường Broadway chạy sang hướng đông và chấm dứt ở đường South Street trên sông East River. Wall Street trở thành nơi Thị trường Chứng khoán Nữu Ước (NYSE) đặt trụ sở lần đầu tiên vào kéo dài cho đến ngày nay.

 

Với thời gian, Wall Street trở thành tên chung dành cho cả khu vực Financial District  lịch sử của Manhattan và là biểu tượng cho các định chế tài chánh đầy quyền lực của nền tài chánh Hoa Kỳ tập trung ở Thành phố New York. Nhiều chứng khoán khác đặt đại bản doanh ở trên đường Wall Street và khu Financial District như  NASDAQ, AMEX, NYMEX và NYBOT.

 

Lịch sử Wall Street bắt đầu từ thế kỷ thứ 17. Wall có nghĩa là tường, một bức tường bằng cọc và ván tấm được dựng lên vào khoảng thập niên 1640 để phân chia biên giới với khu định cư New Amsterdam ở phía bắc.

 

Năm 1653, ông Peter Stuyvesant của Công ty Đông Ấn Hòa Lan dùng người nô lệ da đen cùng với người Hòa Lan xây bức tường kiên cố hơn bằng gỗ và đất cao 4 mét có cắm cọc nhọn trên tường. Sau đó bức tường này được tu bổ và làm cho vững chắc hơn để chống lại các cuộc tấn công của các bộ lạc người bản xứ (như người da đỏ) và sau đó là quân đội Anh.

 

Năm 1685 nhân viên vẽ địa đồ đặt tên Wall Street cho con đường nằm dọc bức tường có cọc nhọn này, nhưng đến năn 1699 người Anh phá hủy bức tường. Ngày nay, chẳng còn dấu vết gì của bức tường gỗ cắm cọc nhọn đó nhưng tên Wall Street vẫn còn.

 

Nhưng Wall Street sau này không còn nghĩa là bức tường mà là trung tâm tài chánh của nước Mỹ bởi sự kiện Thị trường Chứng khoán Nữu Ước thành hình trên con đường này và tồn tại đến ngày nay.

 

Wall Street một chiều hơi hẹp: vợ con tôi tại số 44 của con đường tài chánh nổi tiếng thế giới

 

Chuyện kể rằng vào năm 1792, có 24 thương nhân hàng đầu ở New York bí mật họp dưới một gốc cây ngô đồng (buttonwood) trên đường Wall Street để bàn việc thành lập các chứng khoán (securities) và chống lại những nhà bán đấu giá chứng khoán khác.

 

Vài tháng sau, họ ký một hiệp ước gọi là Buttonwood Agreement bởi vì họ hay gặp nhau dưới cây buttonwood này. Hiệp ước kêu gọi những người ký kết chỉ buôn bán chứng khoán với nhau mà thôi, đặt ra giá cả trao đổi chứng khoán và không tham gia vào các cuộc đấu giá chứng khoán khác.

 

Nhóm 24 người thành đã thành lập cái mà ngày nay người ta gọi là Thị trường Chứng khoán Nữu Ước và trụ sở ngày nay nằm trên góc đường Wall Street và Broad Street.

 

Wall Street còn là nơi phát sinh tên của một tờ báo nổi tiếng—The Wall Street Journal, tờ báo phát hành trên 2 triệu ấn bản mỗi ngày và từng là tờ báo có số phát hành cao nhất ở Mỹ nhưng nay đã thua tờ USA Today.

 

Phát hành năm 1889, tờ báo chỉ là bản tin về chứng khoán có tên Customers’ Afternoon Letter nhưng về sau trở đổi tên và trở thành tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ. Tờ The Wall Street Journal đã được tỉ phú gốc Úc Rupert Murdoch mua lại năm 2007.

 

Thăm thánh địa tài chánh của Mỹ

 

Rời trạm subway với bảng chỉ dẫn Exit: Wall St & William St, chúng tôi tìm đến đường Wall Street, nhưng chưa biết Thị trường Chứng khoán Nữu Ước nằm ở nơi mô.  Chúng tôi chọn ra hướng sông để bắt đầu từ  Ferry Terminal làm một cuộc đi bộ quan sát các trụ sở nằm trên con đường nổi tiếng thế giới.

 

The Trump Building: mua $1 triệu Mỹ kim đòi bán $600 triệu

 

Đường thì hẹp mà các tòa nhà hai bên cao, tôi chỉ thấy toàn tên những định chế tài chánh với những kiểu tân thời có, cổ điển có. Nhưng chỉ có vài tên mà tôi biết.

 

Trước hết là The Trump Company Building nằm ở số 40, hiện đang được ngăn lại và trùng tu. Cứ  nghe những gì liên quan đến ông tỉ phú địa ốc và truyền hình kiêm chủ nhân chương trình thi sắc đẹp Miss Universe  thì tôi thích tìm hiểu.

 

Tòa nhà 70 tầng cao 282.5 mét xây xong năm 1930 và được xem là cao nhất thế giới nhưng chỉ giữ danh hiệu này vài tháng bởi sau đó tòa nhà Chrysler Building qua mặt. Tòa nhà ban đầu có tên Bank of Manhattan nhưng sau đó do sát nhập với ngân hàng khác nên có tên Chase Manhattan Bank.

 

Sau một thời gian không được sử dụng đúng mức, năm 1995 tỉ phú Donald Trump mua lại và đặt tên là The Trump Building. Ông vua địa ốc dự tính biến nửa trên thành nhà ở nửa dưới là khu thương mại, nhưng rồi sợ tốn kém nên vẫn duy trì cao ốc làm tòa nhà thương mại.

 

Năm 2003, Trump dự tính bán cao ốc này với giá trên $300  triệu nhưng không thành công. Trong một show truyền hình năm 2005, Trump nói  ông mua chỉ $1 triệu nhưng muốn bán $400 triệu. Trong một show khác năm 2007 Trump vẫn cho rằng trước đây ông mua $1 triệu nhưng nay muốn bán $600 triệu.

 

Nhưng trong tháng 9 vừa rồi, tôi đi ngang qua tòa nhà này thấy vẫn còn đề tên The Trump Building và vẫn đang còn được vây kín để sửa sang. Trump làm chủ  rất nhiều cao ốc trong Thành phố Nữu Ước.

 

Tác giả trước tượng George Washington tại Federation Hall

 

Đi thêm vài chục căn nữa, cũng bên phía tay phải đường Wall Street, tôi gặp một tòa nhà trông như một pháp đình và có bức tượng của một người trông quen quen: George Washington. Tòa nhà này nằm ở số 26, có tên gọi là Federation Hall National Memorial hay gọi vắn tắt: Federation Hall.

 

Đây là nơi Quốc hội Mỹ đặt trụ sở lần đầu tiên, dưới bệ bức tượng trước tòa nhà, có ghi giòng chữ:  “Tại chỗ này ở Federation Hall vào ngày 30.4.1789, George Washington tuyên thệ làm tổng thống đầu tiên của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ”.

 

Tòa nhà nguyên thủy nơi quốc hội họp và là nơi ông Washington tuyên thệ đã bị phá vào thế kỷ 19 và được xây lại bằng kiến trúc đang có hiện nay, được dùng làm trụ sở quan thuế Hoa Kỳ và bây giờ trở thành một đài tưởng niệm.

 

Dòm trụ sở Thị trường Chứng khoán Nữu Ước

 

Federal Hall nằm ở ngã ba Wall Street và Broad Street, đứng từ tượng Washington nhìn sang bên kia đường tôi thấy người đi lại dày đặc trước mặt một tòa nhà lớn có lá cờ Mỹ cực kỳ lớn, trông rất quen thuộc thường thấy ở báo chí và truyền hình. Tôi nói với vợ con: đấy, Thị trường Chứng khoán Nữu Ước, New York Stock Exchange!

 

Làm như mình vừa phát hiện ra cái gì, bởi tôi cứ tưởng NYSE phải nằm trên đường Wall Street nhưng không ngờ mặt tiền,  phần nổi bật nhất lại nằm trên con đường khác: Broad Street.

 

Đi vòng một đoạn chung quanh, tôi mới biết NYSE chiếm gần một khu phố với ba mặt đường trong đó có thêm đường New Street song song với Broad Street.

 

Cửa vào NYSE ở Wall St cạnh góc đường New St. Công chúng đứng một bên lề đường Wall St để nhìn trụ sở  NYSE

 

Trước mặt NYSE người ta làm hàng rào cản để du khách chỉ có thể đứng từ xa nhìn vào. Nhưng cũng chẳng thấy gì ngoài mặt tiền trông ra vẻ là kiến trúc của 3 tòa nhà mà tòa nhà ở giữa bằng đá cẩm thạch từ lầu hai trở đi là một tòa nhà xây dôi ra bên ngoài với ban công và mái hình tam giác như ở các tòa án hay quốc hội được chống đỡ bởi 6 cột trụ đá hình tròn.

Lá cờ Mỹ to che nguyên cả khu vực hình chữ nhật mà chiều cao bằng 4 tầng nhà bên cạnh.

 

Tôi chỉ thấy người lô nhô trên ban công tầng hai này nhưng không thể thấy rõ mặt. Có 3 cột cờ nhỏ được cắm doi ra đường trên tầng hai này trong đó hai lá cờ Mỹ và một lá nằm bên tay trái là cờ Hòa Lan. Tôi nghĩ hôm nay có khách của nước Hòa Lan đến thăm Thị trường Chứng khoán Nữu Ước nên mới có việc treo cờ như thế. Tôi cũng nghĩ rằng đây là ban công mà những khách quý (kể cả các nguyên thủ quốc gia) thường được mời đến rung chuông khai mạc cho hoạt động một ngày mới của sàn chứng khoán nằm phía bên trong. Ngoài tòa nhà nằm trên đường Broad với lá cờ Mỹ vĩ đại đầy ấn tượng, tòa nhà nằm trên đường Wall Street được coi là trụ sở của NYSE.

 

Tôi thấy trong các tài liệu người ta ghi “main building” của NYSE nằm ở số 18 Broad Street và “trading floor” nằm ở số 11 Wall Street. Cả hai nơi đều có đề 4 chữ New York Stock Exchange. Tôi không có cơ hội vào trong xem nên chẳng biết gì hơn để kể hầu bạn đọc ngoài chụp hình để kỷ niệm và nói lăng nhăng chuyện bên ngoài.

 

Tôi cũng thấy có những thanh niên tới đứng trước mặt tiền phía đường Broad Street tay cầm tờ báo làm như đang đọc trong khi bạn bè chụp hình cho anh ta. Thật là đúng điệu bởi tới Thị trường Chứng khoán Nữu Ước mà không được cái vinh dự rung chuông khai mạc mở sàn chứng khoán, không được nhìn cảnh các nhà buôn chứng khoán (traders) mua bán với vẻ mặt nhiều khi căng thẳng, thì cũng nên cầm tờ báo đứng bên ngoài làm bộ xem giá cả các cổ phiếu. Thế là đã tới Wall Street và biết Wall Street là cái chi chi.

 

Đi cuối đường Wall Street, sẽ gặp Trinity Church and Graveyard nằm trên đường Broadway ở ngã ba. Nhà thờ và khu nghĩa trang chôn cất những nhân vật nổi tiếng trong làng chứng khoán từng hoạt động trong khu vực Wall Street nay đã được liệt vào hàng di sản quốc gia.

 

Đoạn đường từ NYSE đến Trinity Church & Graveyard, nằm ở đầu đường Wall Street…

 

Khi vào trong ngôi thánh đường có từ năm 1697 và được xây lại vào năm 1846, một trong những thánh đường xưa nhất ở Mỹ,  bạn sẽ chiêm nghiệm được đôi điều.

 

Đường tới nghĩa địa rất gần. Từ góc đường Wall Street và Broad Street tới nghĩa trang của nhà thờ chỉ dài khoảng 50 mét. Một đời người hoạt động vùng vẫy cũng chỉ khoảng 50 năm là tối đa.

 

Nay có mai không. NYSE là thị trường chứng khoán lâu đời và có số vốn luân chuyển lớn nhất thế giới. Trên đường Wall Street  vào năm 1929 đã có những người nhảy từ trên lầu cao xuống đường sau khi thị trường chứng khoán bị sụp.  “Black Monday” của năm 1987 cũng đã làm cho nhiều người sạt nghiệp. Và sự suy sụp của Wall Street và tháng 9 và tháng 10 năm 2008 cũng đã một phần nào giúp cho ứng viên Dân chủ Barack Obama thắng cử. Bạn và tôi thấy các cổ phiếu hay quỹ hưu trí của mình chỉ còn một nửa trị giá hay thấp hơn nữa so với một năm trước!

 

Tốt nghiệp đại học và từng làm việc hơn một năm trong một công ty kiểm toán (audit) quốc tế ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng tôi vẫn chưa biết mua bán cổ phiếu ra làm sao. Cho đến khi qua Úc và khi chính phủ bắt đầu giải tư Ngân hàng Commonwealth và bán cổ phiếu cho dân, tôi mới có dịp “thực tập” và chỉ trong thời gian ngắn là thích.

 

Trong hơn chục năm qua, tôi đã biết “chơi” cổ phiếu với tính cách đầu tư (invest) chứ không mua bán, đầu cơ (trade/ speculate). Cũng nhờ tự học nên biết lõm bõm đôi điều và rút được ít kinh nghiệm khi thị trường lên xuống hay có lúc một cổ phiếu trở thành tờ giấy lộn như  thời cổ phiếu high-tech tan vỡ như bong bóng vào đầu thập niên 2000.

 

Đã uống rượu và thích cất trữ rượu, bạn nên tìm tới thăm những nơi làm rượu. Vì vậy đã có mua/chơi cố phiếu trực tiếp hay gián tiếp (như đóng quỹ hưu trí) bạn cũng nên biết thị trường chứng khoán là cái chi chi để cùng phấn khởi, hồi hộp và lo lắng khi thị trường lên xuống.

 

Nghe nói về Wall Street mà đã tới tận Wall Street để đi trên con đường lịch sử và thời thượng này, tôi đã hài lòng, nhất là có tài liệu sống để cống hiến bạn đọc. Bây giờ chúng tôi đưa cả gia đình đi vòng quanh phố xá Manhattan để ngắm và mua sắm chuyến chót của một buổi chiều và tối còn lại trên Bắc Mỹ. Ngày thứ 21 sắp qua.

 

“Một cõi đi về”: những người từ NYSE cũng về nằm tại đây với chỉ một nấm mồ

 

Mỹ: vào khó ra dễ

 

Bạn cứ nghe tôi nói chuyện mua sắm, nhưng có biết chúng tôi mua sắm thứ gì nhiều nhất không? Xà bông tắm đấy!

 

Ủa! ở Úc không có xà bông sao? Đủ thứ, nhưng có một thứ ra vẻ không có và được người Việt ở đây thích nhất: xà bông hiệu Coast.

 

Lâu lắm rồi khi nhà tôi được bà con đi Mỹ về tặng cho mấy cục xà phòng hiệu Coast, cứ tấm tắt khen hoài, cho rằng xà phòng này thơm và rất thích. Lại còn nhận xét xà bông gì ở Mỹ (như Dove) cũng thơm hơn làm ở Úc. Tôi nghĩ vì chỉ có vài cục xài nên một khi hiếm thì trở thành quý chăng?

 

Năm 1998 khi chúng tôi du lịch ở California, nhà tôi có nhờ mấy người em ở bên đó tìm mua xà bông hiệu Coast nhưng không tìm thấy. Cách đây một năm, con cháu du lịch Nữu Ước và các vùng Bắc Mỹ trở về đã tặng cho chúng tôi ít cục xà bông Coast vì vậy lần  này đi New York, nhà tôi quyết phải mua cho bằng được.

 

Ngay từ ngày đầu, nhà tôi mỗi lần ra siêu thị là khênh về từ 6 cục đến 12 cục, nghĩa là có bao nhiêu trong siêu thị đều “thu mua” hết. Ngặt một nỗi là ở các siêu thị mỗi hiệu xà bông họ chỉ có bày bán vài package mà thôi và hình như chỉ có một hai loại tiệm có bán xà bông Coast, nên nhà tôi theo kế hoạch kiến tha lâu đầy tổ, cứ mỗi ngày đi đâu gặp là mua hết.

 

Để làm gì? Vì anh em và con cháu chỉ xin một điều là nhớ mua cho xà bông Coast. Mỗi package ba cục giá khoảng $3.30 Mỹ kim. Tôi nghĩ nhà tôi mang về cả hơn một vali xà-bông. Mặc sức mà cho và xài. Bây giờ thì tôi thấy nhà tôi có lý, Coast dù có mùi hơi mạnh nhưng thơm và dễ chịu.

 

Còn rượu thì sao? Thế nào tôi cũng phải mua ít chai cognac để dùng và tặng. Tại tiệm rượu ở phi trường New York, tôi thấy có trưng bày giữa tiệm một chai rượu Hennessy trông thật đẹp mắt, có nhiều người tới xem và ai cũng trầm trồ khen ngợi. Bà nhân viên bán hàng thấy tôi là người Á Châu mà lại quá chăm chú xem nên có thể tưởng là xì thẩu bèn hỏi tôi có mua không. Tôi lắc đầu vì thấy hình dáng như vậy chắc phải đắt hơn chai Louis XIII nhiều, nhưng cũng hỏi giá cho biết. Bạn thử đoán xem?  $27,000 Mỹ kim (hai mươi bảy ngàn). Tôi xin chụp hình chai rượu này nhưng bà ta bảo không được.

 

Tại đây tôi dự tính mua vài chai cognac và whisky loại khá bởi vì tính ra cũng rẻ hơn mua ngoài phố Melbourne vì là đồ duty free. Nhưng khi nhân viên bán hàng hỏi đi đâu, tôi là trả lời sẽ ghé Los Angeles trước khi đổi máy bay trở về Melbourne, ông bán hàng nói xin lỗi không thể bán cho người dừng lại ở Los Angeles và khuyên tôi khi tới đó hẳn mua hàng duty free.

 

Tôi giải thích với nhà tôi rằng tại một số phi trường khi đi quá cảnh (transit) người ta không cho mình cầm tay những đồ có chất lỏng như nước hoa bởi vì phải qua một khâu kiểm soát an ninh khi đáp máy bay transit.

 

Tôi yên chí đợi máy bay đến Los Angeles và khi chuyển máy bay sẽ mua sau. Nhưng tới phi trường Los Angeles, chúng tôi được chở thẳng tới phòng đợi máy bay và cửa (gate) đi Melbourne chứ không qua khâu di trú nào cả. Tôi thắc mắc bởi vì ở New York, chúng tôi chỉ check-in, trình passport, gởi vali và nhận thẻ lên máy bay chứ chưa qua thủ tục di trú thì làm sao ra khỏi Mỹ được? Thế mà cứ “vô tư”  lên máy bay về Melbourne tuốt.

 

Gia đình chúng tôi tại phòng đợi của khách sạn Carter chờ xe ra phi trường New York: chấm dứt 21 ngày du lịch Bắc Mỹ

 

Lúc vào Mỹ ở phi trường Los Angeles phải khai đủ thứ, còn bị chụp hình, lăn tay. Nhưng khi ra khỏi Mỹ chỉ cần đưa tờ giấy xác nhận in từ máy computer cá nhân cho nhân viên bán vé, trình passport, lấy vé và qua cửa an ninh ở trạm đầu tiên, thế thôi. Chẳng còn khai báo gì cả.

 

Tôi cứ tưởng là phải điền đơn, khai ở trạm đi quốc tế Los Angeles, như bạn đi ngoại quốc mà ghé Sydney trước thì phải qua cửa di trú ở Sydney chứ ở Melbourne lên Sydney không cần phải khai báo gì cả vì đi nội địa.

 

Tôi thấy hơi mù mờ khó hiểu trong chuyến đi từ New York  nhưng nhờ vậy, trở về Úc chúng tôi được dịp mua duty free nước hoa, rượu congac và whisky tại Melbourne, ra vẻ còn rẻ hơn cả ở Mỹ nữa. Hôm đó hàng hóa đã có đề giá SALE, nhưng chúng tôi mặc cả, hỏi mua nhiều có bớt không, nên họ lại bớt thêm cho 10% đối với mọi thứ. Trở về mà còn gặp hên.

 

Đi nhiều nơi, xem nhiều thắng cảnh, mua sắm nhiều, hưởng thụ nhiều và trở về bình yên. Tôi thấy là quá may mắn và thú vị nên phải dài dòng đến 18 tuần lễ hầu chuyện bạn đọc. Hẹn sẽ trở lại mục “kể chuyện đường xa” trong một chuyến du lịch ngoại quốc khác.

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne, 23.1.09

– Hết –

 

TB: Mời bạn đọc theo dõi bút ký “Từ Đài Loan tới  Nam Hàn” sẽ đăng trong nay mai sau chuyến du lịch 10 ngày của tác giả vào cuối tháng 4 năm 2009.