Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (7)

26 Tháng Một, 2009 | Mỹ châu

 

Mặt sau và cửa hậu luôn đóng của Tòa Bạch Ốc trên đại lộ Pennsylvania: tác giả với du khách và người biểu tình

 

Chúng tôi ở trọ tại khách sạn Marriott Courtyard là khu vực thuộc thành phố Pentagon South, quận Alexandria của tiểu bang Virginia. Đến nơi và ở lại trong 4 ngày, dùng bản đồ để đi lại, tôi mới biết rằng chúng tôi đang cư ngụ kế cận Ngũ Giác Đài, về phía nam. Tôi nghĩ những ai từng trọ trong khách sạn này trong ngày 11.9.2001 có thể cũng phải hú vía vì vụ khủng bố tấn công vào tòa nhà của Bộ Quốc Phòng Mỹ.

 

Tiểu bang Virginia mênh mông, nhưng nơi ở trọ của chúng tôi chỉ cách Washington D.C. bởi con sông Potomac nên đi lại rất dễ dàng. Hàng ngày, muốn đi đâu chúng tôi đón xe đưa rước (shuttle van) của khách sạn ra phi trường Ronald Reagan và từ đó đón xe điện metro đi các nơi mình muốn. Cứ 30 phút có một chuyến hoặc bất cứ lúc nào thấy có sẵn xe van đậu trước cửa khách sạn là cứ việc leo lên đi. Trở về, gọi điện thoại cho xe van của khách sạn ra đón.

 

Cạnh khách sạn có trạm xe bus, nhưng chúng tôi cảm thấy dùng xe điện (metro/subway) thoải mái hơn, nên chỉ trừ vài lần bạn bè chở và đi bằng taxi, phương tiện di chuyển của chúng tôi vẫn là xe metro. Theo nhận xét của chúng tôi, metro ở Washington DC không tốt bằng subway ở New York.

 

Dù chỉ lập quốc hơn hai thế kỷ, nhưng thủ đô của cường quốc số 1 thế giới có lắm di tích thắng cảnh để xem. Chắc bạn đã đoán chúng tôi sẽ đi xem nơi nào trước rồi? Đến ngắm dinh thự ông George W Bush đang ở, nơi mà vào tháng Giêng năm tới một trong hai ông Barack Obama hay John McCain sẽ vào sống ít nhất trong 4 năm.

 

Từ Bạch Ốc đến Quốc Hội

 

Đón xe van ra trạm phi trường Ronald Reagan. Mua cái vé chừng $2 lên Washington D.C.  Địa chỉ số 1600 Pennsylvania. 

 

Đây mới là mặt tiền (facade): Tòa Bạch Ốc ở South Lawn

 

Ngôi nhà này được xây vào năm 1792 và vị tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, ông John Adams, là người đầu tiên vào sống trong căn nhà màu trắng sau này được gọi là White House.

 

Năm 1814, tòa nhà bị quân đội Anh đốt cháy và đã được xây lại ngay và Tổng thống James Moore đã dọn vào năm 1817 dù mới xây được một phần.  Việc xây cất, nới rộng được tiếp tục qua nhiều đời tổng thống do nhu cầu cần nhiều phòng ốc, như nới rộng Cánh Tây (West Wing), Phòng Bầu Dục (Oval Offive, dưới thời Tổng thống William Howard Taft) để tổng thống làm việc. Năm 1927 tân trang lầu 3 để gia đình tổng thống ở, sau đó xây thêm Cánh Đông (East Wing) để làm khu tiếp tân.

 

Nghe nói, sau khi dọn vào Tòa Bạch Ốc, tân Thống thống Barack Obama sẽ xây một sân chơi bóng rổ ở bên trong phức hợp này, vì đó là môn thể thao mà vị tổng thống tân cử da đen thích. Trong ngày bầu cử 4.11.08, sau khi bỏ phiếu, ông Obama trở về nhà chơi bóng rổ một lúc trước khi chuẩn bị theo dõi kết quả kiểm phiếu.

 

White House là một phức hợp (complex) 6 tầng (level) trong đó có hai tầng hầm,  với trên 100 căn phòng là nơi gia đình tổng thống Hoa Kỳ cư ngụ và làm việc. Cánh Tây là nơi tổng thống làm việc (Phòng Bầu Dục) và nội các họp. Cánh Đông là nơi Đệ nhất Phu nhân làm việc. Văn phòng của Phó Tổng thống cũng nằm trong khu phức hợp này, nhưng ở tòa nhà màu xám sát cạnh có tên Old Executive Office Building.

 

Trong số 150 kiến trúc đẹp và được ưa chuộng nhất Hoa Kỳ do Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ chọn ra trong năm 2007, Tòa Bạch Ốc được xếp hạng thứ nhì chỉ sau cao ốc Empire State Building ở New York, tòa nhà cao nhất ở New York hiện nay sau khi World Trade Centre bị khủng bố đánh sập.

 

Những tòa nhà cao nhất ở giữa thủ đô Hoa Kỳ

 

Đối với một số người Việt ở Mỹ, nhất là ở Washington D.C. và Virginia, Tòa Bạch Ốc không lạ gì với họ vì đây là nơi mà người Việt tị nạn thường đến biểu tình khi có chuyện liên quan đến chế độ cộng sản Việt Nam.

 

Từ đường Pennsylvania nhìn vào Tòa Bạch ốc, bạn chỉ thấy một phần của tòa nhà trắng nhô ra trên sân cỏ phía bắc (North Lawn) và vườn hoa hồng trước mặt cùng vòi nước phun.

 

Mặt phía sau của Tòa Bạch Ốc mới là nơi có bộ mặt đẹp với vườn cỏ rộng lớn có tên South Lawn. Khu vực này nằm cách biệt với công chúng.

 

Nơi đây, tiền đình tòa nhà trắng xây theo kiểu Pháp với hai ban công hình bán nguyệt được đỡ bởi những cột trụ lớn trông rất uy nghi. Tổng thống Mỹ thường xuất hiện để tiếp quan khách trên sân cỏ, dự lễ duyệt binh v.v…

 

Bởi vậy, nếu những người biểu tình đứng trước mặt tòa nhà hướng ra Đại lộ Pennsylvania (địa chỉ chính thức của White House) mà không thấy nhân vật mà những người biểu tình chống đối “hiên ngang” đi vào lối này mà cho rằng họ đi cửa hậu, thì có thể đã nói sai, vì chính nơi người biểu tình và du khách đến xem là… cửa hậu.

 

Tòa nhà trắng nằm ngang, chiếm luôn cả một khu phố. Nếu tính luôn cả Bộ Ngân Khố bên trái và  Old Executive Office Building bên phải, khu phức hợp này trải dài từ đường 15th Street đến 17th Street.

 

Tính theo chiều dọc, trước mặt Tòa Bạch Ốc là công viên Lafayette Park, phía sau là South Lawn, công viên hình trái xoan Ellipse và xa xa là tháp Washington Momument. Đất dành cho khu phức hợp nơi tổng thống Mỹ sống và làm việc quả rộng lớn, xứng đáng với địa vị của nhà lãnh đạo cường quốc giàu mạnh nhất hành tinh.

 

Tòa Bạch Ốc với mặt tiền trước sân cỏ phía nam và thành phố chung quanh. Tác giả chụp từ tháp bút chì Washington Monument

 

Chúng tôi đi bộ hai lần trước khu phức hợp của Tòa Bạch Ốc trên đại lộ Pennsylvania giữa trời nắng mà cảm thấy khá mỏi chân. Lề đường trước mặt Tòa Bạch Ốc là nơi để du khách đứng chụp hình, ngắm ngôi nhà trắng nằm sâu sau hàng rào sắt cao, nhưng cũng là chỗ để người ta biểu tình. Trong ngày hôm đó, chúng tôi thấy có vài người biểu tình mang biểu ngữ chống chiến tranh Iraq và chống ứng viên Barack Obama.

 

Chúng tôi cũng thấy có một vài người đi trong sân của Tòa Bạch Ốc, ra vẻ là các du khách. Và sau này chúng tôi biết Tòa Bạch Ốc có cho phép các du khách được đi tham quan một phần của tòa nhà vĩ đại này, nhưng phải đi theo nhóm và có ghi danh trước. Chứ như chúng tôi tiện đâu ghé đó thì cũng chỉ đứng ngoài đường nhìn qua hàng rào như những người biểu tình.

 

Chụp vài bức hình trước Tòa Bạch Ốc, chúng tôi đi bộ qua Quốc Hội, cũng nằm trên đường Pennsylvania, cách hai ba khu phố. Nhìn bản đồ thì thấy gần (khoảng hơn 1.5 cây số đường chim bay), nhưng phải đi loanh quanh các đường khác bởi bị một số công sở cản đường, nên chúng tôi đón xe metro cho đỡ mệt và đỡ tốn thì giờ.

 

Cũng như tòa nhà dành cho cơ quan hành pháp, trụ sở dành cho cơ quan lập  pháp nằm trong một khu đất rộng lớn giữa đại lộ Constitution Avenue và Independence Avenue. Tòa nhà có tên chính thức là US Capitol nằm trên đồi, có tên là Capitol Hill.

 

Trong khi White House tượng trưng cho quyền lực của nhà lãnh đạo quốc gia, Capitol tượng trưng cho sự tự do và tư tưởng của cả nước.

 

Tòa nhà Quốc Hội mở cửa cho công chúng vào xem theo lối đi từng nhóm có hướng dẫn (tour guide) tối đa 40 người; người nào tới sắp hàng chờ trước được xem trước, từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, ngoại trừ ngày Chủ Nhật. Đến Washington vào chiều Thứ Bảy, ngày Chủ Nhật đi xem Tòa Bạch Ốc luôn tiện ghé tham quan Quốc Hội, nên chúng tôi chỉ còn đứng bên ngoài ngắm và chụp hình.

 

Trụ sở Quốc Hội nằm ở phía đông nam của Tòa Bạch Ốc, trên đường thẳng với những công trình nổi tiếng về hướng tây như hồ nước Reflecting Pool, cách Wahington Momument 1.4 dặm  và Lincoln Memorial 2.2 dặm. Bức tường tưởng niệm chiến sĩ trận vong Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) nằm giữa Wahington Momument và Lincoln Memorial về hướng bắc.

 

Quốc Hội liên bang chụp từ đài tưởng niệm Washington Monument. Khu vực và con đường nằm ở giữa gọi là National Mall hay The Mall

 

Trước năm 1791, quốc hội liên bang Mỹ họp ở 8 thành phố khác nhau nhưng sau đó một đạo luật được ban hành cho phần đất trong quận Colombia District do tiểu bang Virginia nhượng lại được phép xây căn nhà vĩnh viễn của các nhà lập pháp liên bang. Người phụ trách đầu tiên là kiến trúc sư người Mỹ gốc Pháp Charles L’Enfant, là người có công xây dựng thủ đô Washington theo mô hình của Pháp với đường xá kiến thiết giống Pháp, ảnh hưởng bởi cung điện Versailles. Bởi vậy gần Quốc hội, trạm xe metro có tên L’Enfant Plaza.

 

Tòa nhà Quốc hội là nơi làm việc của các dân biểu và nghị sĩ trên 2 thế kỷ vừa qua. Được xây từ năm 1793, tòa nhà từng bị cháy, được xây lại, nới rộng và ngày nay US Capitol được xếp hạng thứ 6 trong số 150 kiến trúc đẹp nhất của nước Mỹ.

 

Đã thấy được mặt tiền của hai tòa nhà tượng trưng cho uy quyền của Hiệp chúng quốc, chúng tôi lấy metro tới khu Fashions Centre để cho con cái mua sắm. Khu thương mại này mới, rộng lớn và đẹp, nhưng hôm nay thấy không có nhiều khách dù là ngày Chủ Nhật.

 

Chúng tôi trở về khách sạn vì có hẹn với Nguyễn Đức Nam, người bạn mới quen sẽ đến đón gia đình chúng tôi đi dự tiệc Đêm Hội Ngộ của Gia Đình Thủ Đức vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.

 

Tưởng niệm: Washington và Bức tường Việt Nam

 

Trong chương trình thăm viếng thủ đô của Hoa Kỳ,  bức tường tưởng niệm ghi tên khoảng 58,000 binh sĩ Mỹ tử trận tại Việt Nam là một trong những nơi chúng tôi muốn đến thăm và muốn con cái biết về lịch sử của một cuộc chiến khiến các con được sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, được sống trong một đất nước dân chủ như Úc.

 

Đồi cỏ và quốc kỳ Mỹ quanh tháp bút chì Washington Monument

 

Ngày thứ hai tại thủ đô, chúng tôi dự trù chỉ cần đi tham quan thêm một hai nơi nữa và sau đó có thể dành thì giờ còn lại gặp bạn bè, ăn uống vui chơi và mua sắm hay tìm hiểu đời sống của người Việt tại đấy, bởi làm sao đi xem hết các danh thắng của Washington D.C. và Virginia chỉ trong bốn ngày? Vả lại, chúng tôi cũng không muốn bắt các con “làm việc” quá nhiều trong chuyến đi chơi chung với chúng tôi.

 

Trước hết, chúng tôi lấy xe metro từ phi trường Ronald Reagan lên trạm L’Enfant Plaza để tham quan viện bảo tàng không gian Space Museum, được bạn bè đề nghị là nên đưa cả gia đình đi xem.

 

Cũng nên biết, thiết kế đô thị của Washington D.C. khác với New York. Như đã nói qua, việc xây dựng thủ đô của Hoa Kỳ đã được giao cho kiến trúc sư gốc Pháp Charles L’Enfant chủ trì nên đi giữa thủ đô Hoa Kỳ bạn sẽ có cảm tưởng như đi giữa thành phố Paris. Đường xá rộng rãi, thoáng, ngăn nắp. Phố xá và các binh đinh vuông vức, cổ kính, không cao, bằng bằng nhau. Kiến trúc cao nhất có lẽ là đài tưởng niệm ông George Washington nằm ở một khu vực riêng rẽ, xa các binh đinh khác.

 

Lấy thí dụ, những kiến trúc nằm giữa hai đại lộ Constitution Avenue và Independence Avenue, tính từ Quốc hội ở phía đông ra bờ sông Potoma ở phía tây.

 

Trước hết bạn sẽ gặp một khu phố (block) gồm Mational Air & Space Museum và National Gallery of Art; rồi khu phố của nghệ thuật gồm Art & Industries Building,  National Museum of Natural History, American History Museum và đặc biệt khu phức hợp nghệ thuật của Viện Smithsonian.

 

Đi một khu phố nữa, bạn sẽ gặp đài tưởng niệm vị cha già dân tộc của Hiệp chúng quốc, người khai sinh ra nước Mỹ là đại tướng kiêm tổng thống George Washington, một vĩ nhân của thế giới.

 

Washington Monument là một cái tháp trông như cây bút chì nằm trên đồi cỏ xanh, là cái trục của những kiến trúc quan trọng của thủ đô, bởi nhìn về hướng bắc sẽ thấy Tòa Bạch Ốc, hướng đông là Quốc Hội, hướng tây là đài tưởng niệm Lincoln Memorial, hướng nam là đài tưởng niệm Jefferson Memorial.

 

Washington Monument trông hùng vĩ chẳng khác nào Khải Hoàn Môn ở Paris do đại đế Napoléon xây. Văn hóa Pháp bàng bạc ở Mỹ qua các kiến trúc mà thủ đô Washington D.C. là một thí dụ.

 

Qua khỏi khu đất này, bạn sẽ gặp khu khác với những công trình tưởng niệm đặc biệt dành cho các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ nước Mỹ và tự do trên thế giới.

 

Trước hết là World War II Memorial tưởng niệm các tử sĩ của Đệ II Thế Chiến. Dọc theo hồ nước xây hình chữ nhật có tên Reflecting Pool (dài 618 mét rộng 51 mét) về phía tay trái có District War Memorial, Korean Veterans Memorial.

 

Nằm thẳng và cuối hồ nước đẹp phản chiếu bầu trời tịch mịch của thủ đô là đài tưởng niệm một vĩ nhân khác của Mỹ và thế giới, Lincoln Memorial. Ông Abraham Lincoln là vị tổng thống thứ 6 của Hoa Kỳ, người đã đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc nội chiến.

 

Tác giả Nguyễn Hồng Anh trên lối vào Bức Tường Tưởng Niệm 58,000 chiến sĩ Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam

 

Cuối hồ nước và nằm lệch về phía tay phải, có bức tường Vietnam Veterans Memorial, một kiến trúc độc đáo chỉ với bức tường bằng đá hoa cương đen ghi tên các binh sĩ chết trong cuộc chiến Việt Nam và được xem là kiến trúc đứng hàng thứ 10 trong số 150 kiến trúc được ưa chuộng nhất tại nước Mỹ.

 

Nhưng tôi tới đây không phải chỉ để thưởng thức như bao nhiêu kiến trúc khác trên thế giới, mà để nhớ lại một thời và nhớ ơn những người khác chủng tộc đã chết cho một đất nước xa xôi vạn dặm. (Còn nữa)

 

(TVTS – 1181)