Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (9)

11 Tháng Hai, 2009 | Mỹ châu

 

Một bảng tên đường tại Eden Center, Falls Church, Virginia

 

Sau 4 ngày ở Washington tôi đã biết thủ đô Hoa Thịnh Đốn là cái chi chi. Và bây giờ mỗi khi đọc tin, xem truyền hình thấy “cửa hậu” của Tòa Bạch Ốc, mặt tiền Quốc hội, đài tưởng niệm Tổng thống George Washington, Bức tường Khắc tên các Chiến sĩ Tử trận tại Việt Nam v.v… là tôi cảm thấy không còn xa lạ.

 

Rồi còn khu vực rộng lớn từ bờ sông Potomac, từ đài tưởng niệm Lincoln lên tận Quốc hội dài trên 3 cây số nữa chứ, một nơi được gọi là The Mall (tức National Mall), nơi mà hàng trăm ngàn hay cả một triệu người đã từng tụ họp để nghe Mục sư  Martin Luther King đọc bài diễn văn “I have a Dream” hay dự lễ nhậm chức của Tổng thống Lyndon Johnson vào đầu thập niên 1960.

 

Và The Mall là nơi người ta dự trù sẽ có con số du khách kỷ lục lên đến 4 triệu đổ xô về dự lễ nhậm chức của vị tổng thống da đen đầu tiên vào ngày 20.1.2009.

 

Với chúng tôi, tham quan các danh thắng của thủ đô như vậy cũng tạm đủ. Nay chúng tôi muốn nói đến sinh hoạt của người Việt tại đây. 

 

Cộng đồng người Việt ở đấy được gọi là Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C., Maryland và Virginia hay còn gọi là Cộng đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận.

 

Phía tây nước Mỹ, cộng đồng Việt Nam ở California được xem là mạnh nhất về nhân lực cũng như tài lực, là thành trì chống cộng với các cơ sở truyền thông, văn hóa, các hội đoàn và các dân cử gốc Việt và cũng là nơi người Việt thành công nhất về mặt kinh doanh.

 

Ở miền đông, sinh hoạt của người Việt tập trung vào lãnh vực chính trị và văn hóa, nhưng ra vẻ chính trị là sở trường của cộng đồng người Việt tại đây vì họ ở gần mặt trời, cạnh trung tâm quyền lực của cả nước– Tòa Bạch Ốc và Quốc hội Liên bang. Chính nơi đây người Việt từ thời di tản và tị nạn đã tận dụng lối vận động hành lang để giúp người vượt biên, tù nhân lương tâm, tù cải tạo HO, vận động thiết lập đài phát thanh Á châu Tự do, các dự luật về nhân quyền v.v…

 

Đây là nơi mà người Việt thành công về mặt văn hóa (như Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh) sinh sống và cũng là nơi mà nhiều chính trị gia, cựu tướng lãnh VNCH định cư sau năm 1975.

Tôi nghĩ không có nhiều người Việt sống ở ngay thủ đô mà đa số ở hai tiểu bang Virginia và Maryland kế cận, nhưng danh xưng và hoạt động thì bao gồm cả 3 vùng mà ra vẻ vùng Virginia là nơi có nhiều hoạt động nhất, cụ thể là ở thành phố Falls Church.

 

Sân đậu xe của trung tâm thương mại Eden, nơi thường tổ chức các lễ hội

 

Trái tim của người Việt ở thủ đô và vùng phụ cận

 

Nếu tôi nhớ không lầm Falls Church là nơi đầu tiên tại Hoa Kỳ mà hội đồng thành phố công nhận và vinh danh cờ vàng ba sọc đỏ, sau đó chiến dịch vận động vinh danh cờ vàng lan rộng khắp cả nước Mỹ.

 

Và trái tim của Falls Chuch là Trung tâm Thương mại Eden, nơi có bãi đậu xe rộng được bọc ba mặt bởi các cơ sở thương mại với đoạn giữa có mái nhô và đồng hồ giống như  Chợ Bến Thành. Ngay ở giữa sân bãi đậu xe là kỳ đài với hai cột cờ và hai quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ bay ngạo nghễ đập vào mắt du khách khi họ tới khu vực mua sắm và ăn uống này.

 

Khu thương mại Eden và sân đậu xe này vào Ngày Quân Lực năm ngoái đã là “hiện trường” của một vụ bịp gây sự chú ý của người Việt khắp thế giới: một thanh niên Việt Nam mặc quân phục hải quân Hoa Kỳ xưng là Phó Đề đốc Nguyễn Võ Trung Quân xin lên phát biểu làm cho mọi người có mặt lấy làm hãnh diện bởi có thêm một thành viên của cộng đồng làm “vẻ vang dân Việt”.

 

Nhưng sau đó người ta phát giác đấy là ông tướng bịp và tháng vừa qua tướng quân dổm này đã bị truy tố ra tòa.

 

Gia đình tác giả và vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam trước một cửa tiệm ở khu Eden Center

 

Chúng tôi tới thăm trung tâm thương mại Eden này vào buổi xế chiều. Trong khi tôi bận chiêm ngắm kỳ đài và đang liên tưởng những cuộc mít tinh của người Việt thường tổ chức giữa sân này, nhà tôi lại chú ý những bảng ghi tên đường trong khu vực này với tên những tướng lãnh Việt Nam hay các nhà tranh đấu nổi tiếng như Nguyễn Khoa Nam Ave, Trần Văn Hai Ave, Lê Văn Hưng Ave, Nguyễn Văn Long Ave, Trần Văn Bá Ave…

 

Tôi thật không ngờ ngay trên đất Mỹ lại có một khu vực có những con đường nhỏ trong khu phố của người Việt Nam với những cái tên gây ấn tượng như  “Đại lộ Nguyễn Khoa Nam”… Đúng là cộng đồng người Việt ở thủ đô có khác.

 

Bây giờ tôi mới nhớ lại đã từng đọc những bản tin có những cuộc diễn hành của Cộng đồng Việt Nam Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Vùng Phụ cận trong những ngày lễ lớn như ngày quốc khánh Independence Day  4 tháng 7 hàng năm với những cựu chiến binh Việt Nam mặc quân phục và những thiếu nữ Việt Nam trong tà áo dài với dải cờ VNCH choàng lên người diễn hành trên đại lộ Constitution Avenue ở thủ đô.

 

Sinh hoạt hội đoàn

 

4 đêm ở Virginia, chúng tôi đến ăn tối trong khu vực của người Việt tại thành phố Falls Church 3 lần trong đó một lần do anh bạn vừa quen Nguyễn Đức Nam mời. Đó là đêm Hội ngộ của Gia đình Thủ Đức vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.

 

Tướng Nguyễn Duy Hinh (mang kiếng, giữa) trong Đêm Hội Ngộ

 

Nơi tổ chức là nhà hàng Fortune ở khu Seven Corners cạnh khu thương mại Eden. Nhà hàng này cũng là nơi mà các hội cựu quân nhân thường tổ chức lễ lạc tiệc tùng nhờ có sức chứa trên dưới 600 người.

 

Chúng tôi ngạc nhiên thấy có nhiều cựu quân nhân mặc quân phục của nhiều binh chủng như  Thủy quân Lục chiến, Nhảy dù, Biệt động, Hải quân, Không quân v.v… trong đó có cả nữ quân nhân nữa.  Cho đến khi quan khách được nghe giới thiệu phần trình diễn thời trang “Fashion” của đêm đó thì tôi mới biết đây là một tiết mục công phu của Hội Thủ Đức.

 

Các con chúng tôi thắc mắc tại sao Fashion Night mà chỉ toàn những người lớn tuổi mặc quân phục đủ loại, nên tôi phải giải thích cho con  hiểu ý nghĩa của cái đêm này bởi vì các con chưa bao giờ đi dự một đêm như thế của các hội cựu quân nhân VNCH.

 

Trình diễn “thời trang”

 

Ngoài các cựu quân nhân của Hoa Thịnh Đốn và vùng Phụ cận, còn có sự tham dự của các cựu sĩ quan Thủ Đức từ Gia Nã Đại. Tôi thấy có sự hiện diện của cựu tướng Nguyễn Duy Hinh. Tướng Hinh được mời đọc diễn văn nhưng vì âm thanh không rõ và ngồi xa nên tôi chẳng nghe ông nói gì. Ngoài ra còn nghe giới thiệu có một vị tướng nữa hiện diện trong đêm hình như là tướng Tất?

 

Buổi hội ngộ được giúp vui bởi ban nhạc và các ca sĩ địa phương.

 

Làm báo, làm khách sạn

 

Trong đêm hội ngộ của gia đình Thủ Đức, người ta đem tặng cho quan khách báo chí trong vùng vừa được phát hành, như tờ Sóng Thần. Đây là tờ báo phát hành mỗi tháng hai lần (bán nguyệt san), khổ magazine (A4), bìa láng và in màu offset, là loại báo biếu.

 

Anh Nguyễn Đức Nam cho biết tờ Sóng Thần lúc này làm ăn phát đạt lắm, nhưng khi cầm tờ báo lên, tôi thấy với chừng đó quảng cáo, và dù quảng cáo chiếm gần trọn trang bìa tôi vẫn không nghĩ rằng những người làm báo kể cả chủ nhiệm và chủ bút có thể sống nhờ nghề làm báo với tờ bán nguyệt san như vậy, đừng nói chi sống hoàn toàn vào nghề này như một số tờ báo ở California.  Có thể họ làm báo vì ham vui, vì đam mê và lợi tức nếu có chút đỉnh chỉ để cà phê thuốc lá?

 

Vợ chồng anh Nguyễn Đức Nam (giữa) và vợ chồng tác giả tại nhà hàng Hương Quê

 

Chính anh Nguyễn Đức Nam cũng là chủ nhiệm một tờ báo,  tờ nguyệt san Kỷ Nguyên Mới. Đây là tờ báo cũng khổ magazine, bìa màu offset và ruột in giấy trắng dày như các tạp chí của các hội đoàn. Trong vấn đề in ấn, giấy má rất đắc đỏ và in ấn là chuyện rất tốn kém nên nếu không bán và không lấy được giá quảng cáo cao, thì làm báo cũng chỉ là làm văn nghệ thôi. Anh Nguyễn Đức Nam cũng nhìn nhận như vậy.

 

Báo Thế Kỷ Mới của anh phát hành đã được 9 năm nhưng ra vẻ nghề làm báo không nuôi sống anh như các nghề tay trái tổ chức văn nghệ, nghề dạy chơi golf, đàn ca.

 

Anh Nguyễn Đức Nam nhờ quen biết rộng, làm lâu năm trong ngành khách sạn nên có phương tiện để tổ chức các đại nhạc hội, các buổi trình diễn văn nghệ với các nghệ sĩ được anh mời thường ở những khách sạn tốt với giá rẻ. Nhà báo Trường Kỳ ở tận bên Montreal cũng được anh mời sang tham dự văn nghệ vào cuối tuần rồi.

 

Tháng 10 vừa qua anh tổ chức chương trình nhạc thính phòng “Tình Khúc Mùa Thu” với các ca khúc của Ngô Thụy Miên và Thanh Trang do những ca sĩ nổi tiếng như Thiên Kim và Diễm Liên trình bày. Ngoài hai nhạc sĩ hiện diện trong đêm văn nghệ, anh còn mời Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh làm MC.

 

Qua tháng 11 này, anh lại tổ chức một chương trình văn nghệ kết hợp với du ngoạn gọi là “Đại hội Đà Lạt Hội Ngộ” trong ba ngày 21, 22 và 23 tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn  “để những người Đà Lạt tha hương có dịp gặp lại nhau, nghe lại những ca khúc về Đà Lạt yêu dấu được trình diễn bởi những người sinh sống hay có liên hệ với Đà Lạt”  như  Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Anh Dũng, Diễm Liên, Nhật Hạ, Kevin Khoa…

 

Khách ở phương xa được anh anh book ở khách sạn sang trọng Hyatt Regency Washington on Capitol Hill với giá chỉ $85 Mỹ kim một đêm.

 

Hai ngày đầu khách phương xa được đưa đi xem thắng cảnh của thủ đô, ngày cuối dạ tiệc, văn nghệ thính phòng và dạ vũ. Anh Nam nói với tôi lúc này anh chỉ còn làm việc bán thời trong ngành khách sạn, nhưng thấy lúc nào anh cũng bận rộn.

 

Anh cho tôi biết trước kia anh dạy ở trường Võ bị Đà Lạt và cũng từng là sinh viên trường Chính trị Kinh doanh khóa 4, tức trên tôi hai lớp.

 

Trong đại hội Thụ Nhân Thế Giới 2008 của Viện đại học Đà Lạt vào tháng 7 vừa qua tại Washington DC, ban tổ chức cho biết những cựu Thụ Nhân ghi danh tham dự sẽ được tính giá đặc biệt khi ở khách sạn. Bây giờ tôi mới biết vì sao tôi ở khách sạn Courtyard by Marriott – số 4641 Kenmore Evenue, Alexandria Pentagon South ở Virginia chỉ với giá khoảng một phần ba giá chính thức.

 

Nếu bạn quen anh Nguyễn Đức Nam thì khi qua ở trọ khách sạn tại Hoa Thịnh Đốn hay Virginia chẳng còn gì tốt hơn. Mà nếu bạn quen anh An Võ, xếp lớn của một khách sạn thì sao?

 

Tác giả Nguyễn Hồng Anh và An Võ (phải), general manager của khách sạn

 

Chức vụ chính thức của anh An Võ là general manager của khách sạn Courtyard by Marriott. Năm nay anh An Võ 46 tuổi, đã lập gia đình và có hai con nhỏ 5 và 7 tuổi.

 

Sang Mỹ lúc năm 13 tuổi, An Võ học engineering tại Houston University. Tốt nghiệp kỹ sư, anh làm việc cho tập đoàn khách sạn Marriott trong lãnh vực architectural engineering.

 

Nhưng sau đó, anh chuyển sang làm trong lãnh vực business và làm general manager của Courtyard by Marriott được hai năm. Anh cho biết đã làm cho Marriott được 21 năm.

 

Tôi không biết khách sạn này mấy sao, chỉ biết có trên 200 phòng, có nhà hàng, những phòng họp và phòng hội nghị lớn, bãi đậu xe và hồ bơi, xài internet tốc độ nhanh miễn phí.

 

Từ đây lên trung tâm Washington DC chừng 10 cây số và tới khu Falls Church của người Việt chừng 8 cây số.

 

“Đi ba về bảy”

 

Eden là trung tâm thương mại lớn của người Việt ở Virginia với những cửa tiệm được xây cất một cách có quy hoạch, nhờ vậy những con đường nhỏ chung quanh khu này mới được đặt những cái tên của các nhân vật trong lịch sử cận đại Việt Nam như các vị tướng tuẫn tiết của Việt Nam Cộng Hòa.

 

Đi một vòng xem các tiệm buôn bán trong khu vực này, tôi được cho biết một cái shop ở đó phải trả tiền thuê tới $10,000 Mỹ kim một tháng.

 

Chúng tôi tới ăn tối hai lần tại trung tâm này và cả hai lần đều ăn ở nhà hàng Hương Quê.  Lý do duy nhất là nhà hàng này tương đối rộng và khang trang để có thể ngồi thoải mái. Trong nhà hàng này có một thanh niên người Việt từ Sydney sang làm tiếp viên, nay đã lập gia đình với một phụ nữ ở đấy nên định cư luôn.

 

Bốn chị em nhà hàng The Four Sisters Restaurant

 

Anh này nói với những người bạn của chúng tôi rằng Úc là thiên đường, vì đời sống bên Úc rất thoải mái, thất nghiệp cũng mua được nhà cửa chứ không như bên Mỹ phải làm nhiều job, không đi làm là không có tiền. Hỏi thế tại sao không sống ở Úc, anh nói bởi phải ăn theo vợ.

 

Anh tiếp viên này rất mau miệng, cho khách biết trước “kẻo mất lòng” rằng thông thường ngoài thức ăn và thuế má, tiền tip là 10% nhưng vì bàn chúng tôi có trên 5 người nên tiền tip phải tính là 15%. Nhập gia tùy tục, chúng tôi chẳng có gì phải thắc mắc và thấy một bữa ăn cho 7 người mà tính tổng cộng $152 Mỹ kim thì cũng dễ chịu (nhờ lúc chúng tôi ở Mỹ tiền Úc còn cao).

 

Tôi được anh Nguyễn Đức Nam cho biết tiệm ăn này ngoài tên tiếng Việt là Hương Quê, còn có tên bằng tiếng Anh mà đa số người Mỹ đến ăn đều biết là The Four Sisters Restaurant, khởi đầu do bốn cô con gái của người chủ gầy dựng. Trên tường có bức hình lớn chụp bốn cô gái trẻ và những bài báo bằng tiếng Anh về sự tích và thành tích của nhà hàng này. Nhưng lúc này các cô đã lớn và đi lấy chồng nên tôi nghĩ phải sửa lại tên là… Nhà hàng Hai Ông Bà Già mới đúng.

 

Nghe anh Nguyễn Đức Nam nói gia đình chúng tôi đang ở Virginia, bạn bè cùng khóa 6  CTKD mặc dầu bận rộn nhưng cũng đã hẹn và mời chúng tôi đi ăn tối, và lại cũng ở Nhà hàng Bốn Chị Em cho tiện.

 

Gặp lại bạn đồng khóa: Từ trái, Hồng Khắc Lợi, Nguyễn Hồng Anh, Lê Thu Hiền và Trịnh Xuân Thọ

 

Tôi gặp lại ba bạn học cũ là Lê Thu Hiền, Trịnh Xuân Thọ và Hồng Phước Lợi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau kể từ khi tốt nghiệp vào năm 1973. Thu Hiền là giọng ca nữ số một của viện đại học Đà Lạt, một giọng ca mà tôi cho là còn hay hơn Thanh Lan khi trình diễn trên sân khấu của viện. Và hình như Thu Hiền vẫn còn ca hát với bạn bè vào những dịp cuối tuần hay lễ lạc. Các bạn tôi nói rất tiếc bởi nếu biết sớm thì đêm trước đã mời chúng tôi đi dự một đêm ca hát tổ chức trong nhóm bạn bè, dĩ nhiên là chơi nhạc sống.

 

Những lúc lái xe trên đường Leesburg Pike, xe chạy qua nhà hàng Peking Gourmet Inn (ĐT 703 671 8088), anh Nguyễn Đức Nam thường nói về cái nhà hàng nổi tiếng với món thịt vịt Bắc Kinh quay mà hai tổng thống Hoa Kỳ Bush-cha và Bush-con thường tới ăn.

 

Bởi vậy, có những người hiếu kỳ đã vào ăn ở trong cái phòng có kiếng chắn đạn để xem cảm giác như thế nào. Tôi cũng nghe  nhiều người Việt khác nói về cái nhà hàng thịt vịt quay mà ông Bush-con thỉnh thoảng từ Tòa Bạch Ốc ghé ra ăn để nơi đây đầy mật vụ canh gác.

 

Nhưng sau ba đêm ăn với bạn bè ở quán người Việt, chỉ còn lại đêm cuối nên chúng tôi đã không có dịp tới ngồi ở ghế của ông Bush để xem có ấn tượng gì không vì tôi không hảo thịt vịt cho lắm. Cuối cùng chúng tôi đã tới ăn ở nhà hàng Bamboo Buffet gần khách sạn do anh kỹ sư người Việt của khách sạn giới thiệu, ăn mệt nghỉ chỉ với giá $15 một người.

 

Sau bữa ăn, chúng tôi ghé qua tiệm bán áo quần gần đó để mua sắm. Bình thường tôi chẳng hứng thú mua sắm quần áo, nhưng hôm đó cũng đã mua cho mình ít đồ. Còn con cái thì khỏi nói, gom thu đầy cả va ly, tràn khỏi xách tay khi trở lại New York. Bởi áo quần, nhất là đồ jean và giày runners ở Mỹ rất rẻ, hình như chỉ bằng một nửa giá ở Úc.

 

Những người bạn Úc của tôi dặn dò rằng khi qua New York, nhớ mang vali nhẹ đồ để mặc sức mà sắm sửa. Tôi thấy hình như họ nói đúng, bởi khi đi, chúng tôi chỉ mang theo 3 vali mà lúc trở về có tới 7 cái.

 

Đây là lần đầu tiên đi du lịch ngoại quốc mà chúng tôi mua sắm nhiều như vậy. Cũng thấy thích. Đó là một trong những cái thú của du lịch. (Còn tiếp)

 

(TVTS – 1183)