Kể chuyện đường xa: Cali có gì lạ? (4)

06 Tháng Mười, 2008 | Mỹ châu

 

Mặt tiền Phước Lộc Thọ và con trường Bolsa Avenue. Người ở Quận Cam đi chợ không nói ra Little Saigon mà ra Bôn-xa

 

Đi Mỹ về, bạn bè chưa từng đi Mỹ hỏi tôi phố xá người Việt bên đó có lớn không, chợ búa có sầm uất không, đời sống người Việt ở Mỹ ra sao, làm ăn như thế nào, nhà cửa ra sao v.v… và v.v…

 

Những câu hỏi đó có thể đã được trả lời lai rai trong 20 năm báo chí Việt ngữ hải ngoại, và đặc biệt qua báo chí tại Úc. Viết về đời sống ở Mỹ đã có không biết bao nhiêu bài – bút ký có, trích đăng có. Lại có những người đi Mỹ như đi chợ, nên có thể nói “Cali… chẳng có gì lạ!”.

 

Nhưng Cali của tôi trong ký sự 10 ngày đường xa là một Cali dành cho trẻ con, mà người lớn như tôi đi ké với đám con, bằng cái vé máy bay giá tiền như trẻ con. Bởi vậy, Cali của tôi đã nói khá nhiều đến những khu giải trí dành cho trẻ con. Cho con cái đi chơi một chuyến nhớ đời với giá $1,199 đô một vé cho người lớn lẫn trẻ con quả là đáng đồng tiền bát gạo.

 

Trước ngày lên đường, trong khi giao tiếp làm ăn với người Úc, tôi đã có nói rằng ngày mai tôi phải lên đường, vắng mặt một thời gian ngắn, vì phải đem con cái đi Disneyland, thì người bạn Úc này la lên  “Ồ, có gì tuyệt bằng. Các con ông sẽ thích thú lắm. Ngày trước tôi còn nhỏ, ba tôi cũng đã đem tôi qua Disneyland”.

 

Đi Disneyland, đối với trẻ thơ nào khác  gì tín đồ Thiên Chúa giáo đi hành hương Thánh địa Giê-ru-sa-lem. Đó là ước mơ của trẻ con, không ngoài tầm tay, vì có thể thực hiện được. Nhưng còn ăn uống thì sao, có tốn kém không? Đó là một số câu hỏi mà người chưa từng đi xa, không ở nhờ nhà bà con, bạn bè, có thể muốn biết thêm.

 

Ký sự này có mục đích giải thích những chuyện cỏn con, lẩm cẩm như thế cho bạn đọc. Mà được vậy là tôi bằng lòng rồi.

 

Nhưng vì tôi là một người làm báo, nên chắc chắn không thể không quan sát, ghi nhận những chuyện khác ngoài những trò chơi dành cho trẻ con. Và đây là một khía cạnh khác trong chuyến đi chơi Disneyland của tôi.

 

Cali: ba miền Việt tộc

 

Tuy không có thì giờ đi tham quan và hỏi han nhiều, tôi cũng được biết rằng California (gọi Cali theo kiểu người Việt cho gọn dù người Mỹ không hiểu. Người Mỹ gọi tắt là CA) là tiểu bang có đông người Việt sinh sống nhất ở Mỹ, nghe nói đâu chừng 600,000 người. Nhưng hơn nửa triệu người, dù sống trong một tiểu bang, cũng không phải sống tập trung như chúng ta sống ở Melbourne hay Sydney, mà chia làm ba khu riêng biệt. Ở Cali có ba thành phố lớn là San Francisco, Los Angeles và San Diego.

 

Trên báo chí Việt ngữ người ta thường nói đến cộng đồng người Việt ở Nam Cali và Bắc Cali. Nam Cali là nơi có đông người Việt định cư nhất, nhưng họ không sống nhiều ở thành phố  Los Angeles mà tập trung ở khu Quận Cam (Orange County) với dân số khoảng 300,000 người.

 

Đi về cực nam, gần biên giới nước Mễ Tây Cơ, cộng đồng Việt Nam sống tập trung trong thành phố biển thơ mộng San Diego. Cộng đồng Việt Nam ở San Diego có khoảng 45,000 người, cũng gần bằng cộng đồng Việt Nam ở Melbourne hay Sydney. Tuần trước, báo Tivi Tuần San có loan tin Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận đến làm lễ cho cộng đồng Công giáo Việt Nam tại San Diego trước khi qua Mễ Tây Cơ công tác cho Tòa thánh Vatican.

 

Và ở mạn bắc – mà người ta quen gọi là Bắc Cali – cộng đồng Việt Nam cũng không sống trong thành phố  biển San Francisco (nơi có cây cầu nổi tiếng Golden Gate Bridge) mà lại tập trung ở một thành phố gần đó, nhưng hơi sâu vào nội địa, có tên là San Jose, còn được mệnh danh là Thung Lũng Điện Tử (Silicon Valley).

 

Dân số Việt Nam ở San Jose gần 200,000 (có người nói chỉ trên 100,000). Khác với người Việt ở Quận Cam hoạt động trong lãnh vực kinh doanh, người Việt ở San Jose đa số sống về nghề điện tử, làm việc trong các nhà máy chế biến đồ điện tử, điện toán.

 

Người ta nói giới chuyên gia Việt Nam sống tập trung ở Bắc Cali và giới làm ăn buôn bán sống ở Nam Cali. Vì là nơi làm ăn, nên đa số giới nghệ sĩ, truyền thông Việt Nam cũng quy tụ ở Nam Cali.

 

Từ Los Angeles đi San Diego dài 200 cây số đường chim bay. Tôi chưa vào thành phố biển (nghe nói) thơ mộng này, mà chỉ có dịp đi ngang, nhìn từ xa trên đường đi qua Mễ Tây Cơ. Khi về, vào buổi tối, đã được ngắm cây cầu dài khoảng 3km lấp lánh đèn như những vì sao vắt qua vịnh San Diego nối đất liền với hòn đảo Coronado, nơi hải quân Mỹ đặt bản doanh. Cây cầu này có tên San Diego Coronado Bay Bridge, là một kiến trúc biểu tượng của San Diego.

 

Và từ Los Angeles (từ Hollywood về Little Saigon dài khoảng 35 km đường chim bay) đi San Francisco dài 625 km đường chim bay. Tôi đã không lên tham quan đời sống người Việt ở Thung Lũng Điện Tử, chỉ gọi điện thoại nói chuyện với vài người quen và được cho biết, nếu đi xe cũng phải mất cả 6 tiếng đồng hồ.

 

Quận Cam hay Orange County là nơi ngày xưa người ta trồng cam, nhưng ngày nay chẳng còn thấy bóng dáng cây cam nào, họa hoằn lắm mới có cây cam chủ nhà trồng sau vườn làm cảnh.

 

Quận Cam bao gồm những vùng (tôi không biết gọi là vùng, phố hay gọi cách nào khác), kể thứ tự từ bắc xuống nam như: Fullerton, Buena Park, Anahein, Los Amitos, Garden Grove, Seal Beach, Westminster, Santa Ana, Costa Mesa, Newport Beach, Irvine…

 

Chắc chắn trong những địa danh đó, có rất nhiều địa danh mà nhiều độc giả nghe quen tai vì có bà con sống ở những vùng đó.

 

Ngoài Quận Cam, đi lên phía bắc có những khu phố như Beverly Hills, Hollywood, Glendale. Hoặc đi ra phía tây hướng bờ biển thì có Long Beach (nơi từng tổ chức Hoa Hậu Áo Dài Long Beach, cách Little Saigon chừng 20km, nhưng tôi đã không có dịp đến thăm), và đi vào phía đông ở miền núi sâu trong lục địa thì có những vùng như San Bernardino cũng là nơi có đông người Việt sinh sống, cách Little Saigon hơn 100 cây số.

 

Nhưng không nơi nào đông cho bằng Quận Cam, tập trung những khu phố có người Việt như Fullerton, Anahein, Garden Grove, Westminster, Santa Anna là nơi tôi có dịp đi qua. Những khu phố đó nằm san sát nhau như  South Yarra, Richmond, Fitzroy, Collingwood, Northcote… ở Melbourne vậy.

 

Và dĩ nhiên thành phố trung tâm Westminster đã trở thành thủ phủ của người Việt vì nơi đây có Little Saigon (tên Little Saigon có trong bản đồ Mỹ đây) với con đường Bolsa Avenue nổi tiếng.

 

Con đường Bolsa Ave dài khoảng 20 cây số chạy dài từ vùng Santa Ana, xuyên qua hết vùng Westminster và chấm dứt ở vùng Seal Beach, sát nách Long Beach. Song song với Bolsa Ave, còn có con đường cũng khá nổi tiếng (trong Việt tộc Nam Cali) là Westminster Ave,  là con đường ranh giới chia đôi hai thành phố Westminster và Garden Grove, như con đường Victoria Street ở Melbourne chia đôi Richmond và Abbotsford.

 

Dĩ nhiên phố nào mà chẳng có nhiều đường, nhưng sẽ chỉ có vài con đường lớn nổi bật, phố xa tấp nập. Vậy sau Bolsa Ave là con đường Brookhurst St, chạy cắt ngang đường Bolsa Ave.

 

Đường Brookhurst dài khoảng 25km, chạy từ Anaheim, đâm qua Garden Grove, Westminster và chấm dứt ở Costa Mesa, là những nơi tập trung đông đảo người Việt sinh sống. Chính trên đường Brookhurst Street này mà tôi được thưởng thức phở của hai quán Phở 54 và phở 86.

 

Tác giả trong khu  “Cultural Court”

 

Little Saigon, hay thương xá Phướng Lộc Thọ, Siêu thị 99, công viên thờ Khổng Tử (Cultural Court) và những binh đinh, khu phố buôn bán tấp nập nhất của người Việt nằm trong khu đất vuông bao bọc bởi các con đường Bolsa, Westminster và Brookhurst, Beach Boulevard.

 

Xa khu phố chính đó vẫn còn phố xá người Việt, nhưng mức độ tấp nập giảm dần. Tôi nghĩ khu phố (block) đó một bề dài chừng 3 cây số và bề kia 2 cây số.

 

Mở một tờ báo Việt ngữ ở Nam Cali có các quảng cáo các cửa tiệm tạp hóa, quán ăn, các dịch vụ mua bán địa ốc, văn phòng luật sư, bác sĩ, các quán bán băng nhạc, hầu như bạn đọc sẽ thấy đa số nằm trên đường Bolsa Ave.

 

Ngoài số đường, đi sâu vô trong là số quán, tiệm, văn phòng với số như # … hoặc suite #… không như ở Úc, hầu hết cửa tiệm có một số riêng. Điều này có nghĩa các khu phố người Việt ở Cali to ghê gớm lắm.

 

Thật vậy, phố xá của người Việt ở Quận Cam nói chung và ở Little Saigon to ghê gớm lắm, không thể tưởng tượng được đối với người Việt ở Melbourne, thậm chí cả người Việt ở Sydney.

 

Little Saigon: “thủ đô” người Việt ở Mỹ

 

Đường Victoria ở Richmond thỉnh thoảng được báo chí Úc đặt cho cái tên Little Saigon (nhưng không có tên trên bản đồ đâu nhé), nhưng cũng chỉ là một dãy phố nằm trên một khoảng đường dài chừng cây số.

 

Sở dĩ khu Richmond nỗi tiếng vì nó nằm giữa các trung tâm của người Việt, lại nữa Victoria Street là con đường huyết mạch từ miền đông trù phú dẫn đến trung tâm thành phồ mà lại cách “xi-tì” chỉ hơn một cây số (do vậy, Richmond tuy xưa kia là khu phố lao động nhưng nay là vùng nội ô nhà cửa đắt bậc nhất ở Melbourne).

 

Footscray là khu phố đông người Việt nhất Melbourne, nhưng tôi thấy “đi dăm ba phút, đã về chốn cũ”, như cái “khu phố hộp quẹt” của thành phố Đà Lạt ở Việt Nam.

 

Còn Cabramatta? Tôi có dịp lên đó hai lần. Lần đầu cách đây 12 năm và lần sau khoảng 6 năm. Tôi không còn nhớ rõ, bởi vì chỉ đi thoáng qua trong chừng một tiếng đồng hồ, nhưng nghĩ rằng, Cabramatta hầu như là một khu biệt lập của người Việt. Và dĩ nhiên khu Footscray ở Melbourne chẳng thấm vào đâu so với Cabramatta ở Sydney.

 

Còn khu Little Saigon ở Nam Cali lại khác. Trong cả mươi thành phố nằm san sát nhau ở Quận Cam, Little Saigon nằm ở thành phố Westminster, nên trở thành trung tâm điểm của mọi thành phố kề cận, rất tiện lợi trong việc đi lại, giao dịch.

 

Người Việt di tản và người Việt tị nạn đã khéo chọn khu đất ở Westminster ngày xưa là “hoang địa” để thành lập trung tâm buôn bán phồn thịnh, giống như người Việt ở Richmond, nhưng được cái may mắn hơn là có thiên thời, địa lợi và nhân hòa nên đã phát triển mạnh.

 

Bạn đọc cứ tưởng tượng dùm cho tôi là thành phố Richmond và các thành phố kế cận trong đường bán kính 15 cây số mà có đến khoảng 300,000 người Việt sinh sống!

 

Tuy vậy, có người cho rằng người Việt ở Quận Cam đông thế, nhưng phố xa không tấp nập, “ấm cúng và gần gũi” như ở Footscray. Nhận xét đó có phần đúng vì nhà cửa ở Footscray sát nhau, đường đi lại nhỏ, đường phố lại ngắn, nên “ấm cúng” là chuyện đương nhiên.

 

Ở Mỹ đường xá rộng thênh thang, đất ở Quận Cam ra vẻ rộng nên người ta khó có cảm tưởng gần nhau như ở khu Richmond, Footscray hay Springvale.

 

Thương xá Phước Lộc Thọ cũng chỉ là một khu buôn bán trong rất, rất nhiều khu buôn bán của người Việt ở Quận Cam. Và tôi thấy hiện còn vài buliding kế cận (nghe nói của người Việt-Hoa) đang xây cất dở dang.

 

Nhưng tôi cứ lấy Phước Lộc Thọ làm trung điểm cho dễ nhớ. Vả lại thương xá Phước Lộc Thọ là một binh đinh hai tầng, khá lớn, khá rộng trong đó có đủ mọi cửa hàng dịch vụ.

 

Tôi nghĩ thương xá Phước Lộc Thọ lớn gấp 10 lần Thương xá Saigòn Mới ở Richmond, nhưng còn có ưu điểm là có bãi đậu xe ở mặt tiền và nếu tôi nhớ không lầm, còn đất trống hai bên hông. Chỉ nội có nhân viên phụ dịch quét chùi cầu tiêu công cộng trong thương xá này đủ nói lên tầm vóc của Phước Lộc Thọ.

 

Nếu bạn xem hình Phước Lộc Thọ ở trong bài, bạn sẽ thấy trước mặt có mấy dãy xe đậu. Đó là đậu bãi trong khuôn viên thương xá. Trước mặt là đường Bolsa Ave, mỗi bên có ba “lane”, nhưng xe không được phép đậu dọc đường, càng làm cho đường phố rộng thênh thang, vắng bóng người.

 

Đối diện với Phước Lộc Thọ bên kia đường Bolsa là ba khu binh đinh. Bên phải là một dãy binh đinh 2 tầng gồm nhà hàng (như Long Phụ Lầu Seafood), quán Phở Hòa, rồi các tiệm áo quần, uốn tóc, băng nhạc, và cái Siêu thị 99 khá lớn.

 

Bên trái là mấy cái binh đinh hai tầng khác, vuông vức, mà mỗi mặt tiền của mỗi tầng cũng phải có trên 5 cửa hàng. Ở đây tôi thấy vô số cửa tiệm bán vàng, sách báo, quán ăn, bảo hiểm và có cả một văn phòng của một tuần báo nằm trên lầu mà tôi chưa bao giờ được nghe tới (ở Mỹ, nghe nói có trên trăm tờ báo Việt ngữ). Ở khu này có nhà sách và băng nhạc Quê Mẹ, không biết có bà con gì với Quê Mẹ của ông Võ Văn Ái bên Pháp không?

 

Trong khu buôn bán này, có nhiều bãi đậu xe nhưng vẫn khó khăn khi kiếm được chỗ đậu. Nếu tôi nhớ không lầm thì thành phố chỉ treo bảng đậu chừng nửa giờ, hay một giờ ở trong khuôn viên các bãi đậu xe này.

 

Và đi sâu vào bên trong nữa là khu thờ Đức Khổng Tử với đình miếu và rất nhiều tượng đá khác mà tôi chẳng biết là tượng của bậc thánh hiền nào. Chỉ thấy cái tượng lớn nhất nằm ở phía trước ghi tên Khổng Tử và treo bảng “Cultural Court”. Trong Cultural Court này cũng có một dãy Ki-ốt, có ghi số, nhưng hình như chưa có người thuê nên khu vực Cultural Court này còn vắng vẻ lắm.

 

Một mái tóc vàng trong khu Phước Lộc Thọ

 

Không kể các dãy phố nằm trên con đường Bolsa Ave rất dài, chỉ nội từ thương xá Phước Lộc Thọ bước ngang qua đường Bolsa Ave mà đi bộ đến Cultural Court thờ Khổng Tử, tôi nghĩ cũng dài cả hai cây số. Bề sâu của một khu buôn bán mà rộng như thế thì có phải là quá lớn không? Cho nên, trên bản đồ của Quận Cam, cái khu phố này có tên là Little Saigon.

 

Nếu bạn đọc lần đầu qua Mỹ, muốn kêu taxi ra khu phố Bolsa, hãy yêu cầu tài xế đến đường Bolsa Ave và dừng ở giữa đoạn đường Brookhurst Street và Beach Boulevard là tôi bảo đảo bạn đã dừng chân ở trung tâm phố xá của người Việt ở Nam Cali rồi đấy.

 

Ở Richmond, ở Footscray, tuy là khu phố của người Việt, nhưng vẫn thấy “tây” đi qua lại hay vào quán Việt Nam ăn uống, mua sắm.

 

Ở Little Saigon tôi chẳng thấy có người da trắng, da đen hay da màu nào. Chỉ thấy toàn là con cháu vua Hùng và Khổng Phu Tử.  Thỉnh thoảng cũng thấy vài thanh niên tóc vàng, nhưng vàng này là do.. nhuộm.

 

Cho nên, Little Saigon ở Nam Cali có mang biệt hiệu thủ đô người Việt ở hải ngoại là cũng không ngoa.

 

(TVTS  657 – 28.10.1998)