Kể chuyện đường xa: Cali có gì lạ? (5)

13 Tháng Mười, 2008 | Mỹ châu

 

Một nhà hàng trong khu Phúc Lộc Thọ

 

Ở Mỹ có hơn một tuần và hầu như mọi ngày đều dắt con cái đi chơi ở các trung tâm giải trí của Mỹ thì khó mà nói rằng tôi am tường đời sống của người Việt ở Mỹ. Tuy nhiên, không lẽ mình chẳng thấy được chút gì về cuộc sống của người Việt bên nớ? Tôi phải để ý xem người Việt mình có chạy xuôi ngược, đi đứng vất vả, vội vàng hấp tấp như người Úc ở phố Melbourne hay Sydney không? Nhà cửa phố xá ra sao? v.v… và v.v…

 

Điểm qua vài ngành nghề quen thuộc

 

Đồng bào mình bên đó cũng có đời sống tương tự như đồng bào mình ở Úc. Cũng sống tụ tập, làm ăn với nhau, giúp nhau và nhờ nhau trong cuộc sống tha phương. Quán ăn tùy nơi. Có nơi đông khách, có nơi vừa phải và cũng có quán thấy ít người đến.

 

Còn các tiệm buôn thì không kể xiết. Và cũng có những tiệm thấy các ông bà chủ ngồi tán gẫu với nhau một các rất nhàn hạ, làm tôi nghĩ bụng, không biết với khách khứa vắng vẻ như thế thì lấy tiền đâu mà trả tiền “sốp”, chứ đừng nói gì đến tiền lương, tiền lời. Nhưng đó là chuyện của người, mình không nên thắc mắc làm gì.

 

Tiền thuê cửa tiệm nghe nói cũng đắt. Ở Richmond nghe nói những tiệm trên khu vực Chợ bến Thành tiền thuê trên $1,000 một tuần. Còn ở Little Saigon, tôi nghe nói gần $2,000 đô Mỹ (mà tiền Mỹ cao gần gấp đôi tiền Úc). Thế có khiếp không? Làm sao mại lực thu vào đủ để trả tiền thuê “sốp”? Tôi cũng không biết nữa, vì mình đâu có ở trong cuộc mà biết được chuyện lời lỗ. Và đó cũng là chuyện của người, thắc mắc làm gì.

 

Trong mấy năm qua, nhiều người ở Úc này thường nói với tôi rằng cái nghề làm “neo” của người Việt mình ở Mỹ rất phát đạt, nên nhiều người đi làm nghề móng tay đã mua không biết bao nhiêu căn nhà. Tôi nghe thì nghe vậy, chứ không tin, không cãi lại.

 

Cái sự đời là đồng tiền chẳng phải dễ kiếm. May mắn lắm là tiền tích tụ từ từ, ngày qua tháng lại, tăng dần dần, và cứ dần dần mà tăng. Còn tiền kiếm nhanh thì chỉ có nước thắng bạc hay trúng số mà thôi. Nhưng cái sự đời, thua bạc trật số là chuyện thường.

 

Đời sống của người Việt ở Mỹ, nhìn bên ngoài – đi xế xịn như Lexus, BMW, Mercedes dù các loại xe này khá rẻ so với giá tại Úc – nhưng coi vậy mà không phải vậy. Và không hẳn hoàng cảnh của người này giống người kia.

 

Một bà quản lý nhà hàng than với tôi buôn bán ở Mỹ lúc này khó khăn lắm, cạnh tranh ghê gớm. Một người khác nói với tôi cái nghề làm “neo” của người Việt mình ngày xưa có khấm khá nhưng bây giờ đã trở nên khó khăn hơn vì người mình đua nhau làm và hạ giá, phá giá kinh khủng.

 

Muốn làm “neo” chỉ cần học một thời gian ngắn là có thể kiếm cái “bằng neo”. Tôi nghe nói thậm chí cũng có thể tốn chút tiền mà có bằng sớm hơn để chóng hành nghề.

 

Đã kinh doanh thì phải có vốn, có địa điểm tốt, có nhân viên giỏi tay nghề và gặp thời (đông khách). Mà kinh doanh thì chẳng có gì bảo đảm là chỉ có lời. Nhưng nếu đi làm công nhân trong cái tiệm làm móng tay thì chỉ lãnh lương, từ $300 đến $400 mỹ kim là tối đa, là đã mệt lắm rồi, chứ không hái tiền dễ dàng như người ở ngoài nhìn vào và tưởng tượng.

 

Một cái nghề thứ hai mà người Việt mình nhảy vào làm khá nhiều là nghề địa ốc. Tôi thấy trên báo và trên đài không biết cơ man nào là quảng cáo. Có những công ty địa ốc đăng hình vài chục mại viên là người Việt. Tôi nghĩ như ở Úc, ai cũng muốn an cư lạc nghiệp và sau đó, đã có chút tiền thì đầu tư ngay vào nhà đất. Người ta nói với tôi nghề địa ốc ở Cali kiếm nhiều tiền lắm, nhưng tôi lại nghĩ thầm, coi dzậy mà không phải dzậy đâu.

 

Ngoài cái nghề tiểu thương như mở quán tiệm, một cái nghề khác mà người mình cũng thích làm là nghề truyền thông  như báo chí, truyền thanh và truyền hình. Bạn đọc cứ tưởng tượng có hàng trăm tờ báo và hai cái đài phát thanh ở Quận Cam phát thanh suốt ngày bằng tiếng Việt.

 

Và cuối cùng, cũng như ở Úc, người mình cũng đua nhau nhảy vào ngành may mặc.

 

Dĩ nhiên, trong số một triệu người Việt ở Mỹ, có không biết bao nhiêu người làm nghề chuyên môn như bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư, giáo viên v.v… Lương bổng của họ ra sao thì tôi không biết, bởi vì theo quan niệm của người Úc ngày nay, ngoài hai điều không nên hỏi hay nên bàn tới khi gặp một người mới quen (hay cả quen rồi) là tôn giáo, chính trị,  còn điều thứ ba cần tránh hỏi là tiền lương của kẻ khác.

 

Chỉ được biết rằng, người có tay nghề, có bằng cấp ở Mỹ đi làm được lãnh lương cao, người đi làm nghề tay chân có lúc chỉ được trả vài đô la một giờ mà nghiệp đoàn chẳng làm gì được. Hay nói cách khác, ở Mỹ người có chuyên môn lãnh lương cao, còn ở Úc người không chuyên môn lãnh lương cao hơn ở Mỹ.

 

Ở Mỹ, hệ thống an sinh xã hội không như ở Úc, chỉ cấp cho người thất nghiệp một thời gian, sau đó cúp, bắt người dân tự lo. Hơi khổ cho một số người, nhưng ra vẻ ai cũng có thể sống được. Chịu khó kiếm việc thì thường sẽ có việc, chỉ hiềm là việc nhẹ hay nặng, dễ hay khó.

 

Tôi nghe nói ở các hãng may, các tiệm ăn, chủ nhân thường mướn nhân công người Mễ Tây Cơ, kể cả những người Mễ di dân lậu. Chính phủ Mỹ biết, nhưng cứ làm lơ, miễn là chủ nhân chịu trừ tiền thuế của nhân công lậu đó nộp cho chính phủ.

 

Ấy cũng làm cách giúp người nghèo mà lợi cho quốc gia, vì người Mễ và di dân lậu chịu làm những nghề mà công dân Mỹ không muốn hay không thèm làm. Một người nói với tôi “anh cứ ra sau bếp mà xem thì sẽ thấy những người rửa chén bát là người Mễ, người Việt bây giờ chỉ còn làm việc đứng bàn, đặt món ăn”.

 

Nói về hệ thống an sinh xã hội ở Úc, người ở Mỹ phải phát thèm. Ở Mỹ không có cả những chuyện như chính phủ lập các cơ quan thông dịch, phiên dịch giúp người dân. Ai cũng phải học và nói tiếng Anh, không biết thì ráng mà chịu. Không kêu ca được với ai.

 

Đói, túng thiếu, không nhà cửa? Thì ráng mà xoay xở. Không có những vụ giáo hội, các tổ chức từ thiện kêu la, phê bình chính phủ như ở xứ Úc này. Đã đành nhiều người Úc bản xứ phải bỏ nước qua sống ở Mỹ vì ở đấy có nhiều cơ hội hơn, nhưng nếu chấp nhận cuộc sống bình bình, tôi nghĩ Úc có thể gọi là “thiên đàng hạ giới”, một mẫu mực công bằng xã hội mà chủ nghĩa cộng sản đã mất gần một thế kỷ mà chẳng bao giờ có thể tìm ra được.

 

Có một lần ghé vào một tiệm áo quần ở phố Little Saigon, bà chủ thấy chúng tôi trả tiền bằng traveller cheque thì biết ngay là du khách từ xa. Khi biết chúng tôi ở Úc thì bà ta hỏi: “Nghe nói ở Úc sướng lắm, chính phủ cho mượn tiền mua nhà, phải không?”.

 

Nếu bà chủ tiệm này mà nghe và nghĩ như thế thì quả sống ở Úc là nhất rồi?

 

Cái nhà là nhà của ta, công khó của ta làm ra

 

Tôi nghe những người đi Mỹ về nói đa số người Việt ở Mỹ đều làm hơn một “dóp”. Một “dóp” rưỡi là sự thường. Những người tôi quen biết, thường là trên 40, 50 tuổi, đã qua định cư ở Mỹ khi trên nửa đời người, dù có bằng đại học ở Việt Nam, hoặc giả có đi học lại thì cái “dóp” làm cũng chẳng ngon lành và đầy tương lai như những thanh niên tốt nghiệp đại học Mỹ khi vừa mới 20 ngoài.

 

Tôi hỏi tại sao phải làm thêm một “dóp” khác thì họ nói phải làm như vập mới đủ sống, đủ lo cho gia đình, con cái. Và cũng gần như ở Úc, cả hai vợ chồng thường cùng đi làm.

 

Khi mới qua Mỹ, trên đường từ Los Angeles đến Disneyland thuộc vùng Anaheim, anh tài xế người Hoa chỉ cho tôi một số căn nhà và nói rằng vùng này là vùng nhà cửa tốt, giá khoảng $500,000 (dĩ nhiên là tính tiền Mỹ). Vì mới qua Mỹ, chưa định hướng được, nhưng sau này tôi đoán đó có thể là vùng Buena Park hoặc Fullerton, tức là vùng còn xa Little Saigon. Từ Anaheim (Disneyland) đi về phía nam, sẽ gặp các thành phố như Garden Grove, Westminster, Santa Ana v.v…

 

Nhà của các tài tử trên đồi Beverly Hills

 

Người ta nói với tôi, càng đi về phía nam, thì giá nhà càng rẻ và nhà ở khu có nhiều cây cối hoặc nằm trên vùng đồi hơi cao như vùng Fullerton tôi có dịp đi ngang và quan sát một số nhà, thì giá nhà đắt hơn.

 

Mà ở Úc cũng vậy, nhà có “viêu” đẹp (dĩ nhiên phải nằm trên đất cao mới có “viêu”) có nhiều cây cối vẫn đắt hơn. Nhà ở vùng Fullerton (nhà cũ, ba phòng ngủ + phòng gia đình và bếp) trung bình từ $200,000 Mỹ kim trở lên. Nhà ở Garden Grove (vùng nằm giữa Anaheim và Westminster) cũng trên $170,000.

 

Coi một vài căn nhà của những người quen chưa đủ, tôi còn tìm quảng cáo nhà trên báo, như vẫn thường xem báo nhà Tivi Tuần San, để xem nhà cửa ở Mỹ đắt đỏ ra sao.

 

Như ở vùng Westminster trung tâm buôn bán của người Việt, căn nhà 4 phòng ngủ, 3 phòng tắm, hai tầng giá $269,000 Mỹ kim. Căn nhà khác 4 phòng ngủ, 21 tuổi, có thêm family room giá $289,000. Trong những căn nhà loại trung bình này, tôi ít thấy họ quảng cáo các loại phòng như lounge room, rumpus, study room, formal dining room v.v…

 

Một nhận xét là nhà ở nam Cali có tường xây thấp và màu hơi tối, không “vui mắt” như nhà ở Melbourne. Dĩ nhiên, thấy một hai căn nhà chưa phải là tiêu biểu cho mọi căn nhà, nhưng với những gì tôi đã thấy được, tôi nghĩ rằng nhà ở Mỹ có vẻ hơi đắt so với Úc.

 

Nhưng không sao, một người công nhân bình thường đi làm có lương chừng $350 mỹ kim một tuần mà một căn flat 2 phòng ngủ giá $120,000 thì sẽ không ngoài tầm tay.

 

Người ta nói với tôi rằng từ ngày có người Việt tới sinh sống, đất nhà Quận Cam trở nên đắt đỏ. Càng gần khu người Việt, nhà càng đắt. Cho nên, có một người nói với tôi, cùng một số tiền như thế, nếu họ chịu ở xa người Việt, mua nhà ở khu “Mỹ trắng” thì cũng có thể được coi như là sống ở khu trung lưu của Mỹ vậy.

 

Nhưng không lẽ nhà ở Mỹ chỉ vài trăm ngàn thôi sao? Rất nhiều lần tôi đem gia đình đi chơi theo lối đi tour, tài xế xe bus chở qua vùng phía bắc đầy cây cối và nhà nằm trên lưng đồi thuộc những khu như  Beverly Hills, Hollywood là những nơi mà các tài tử minh tinh và giới giàu có sống, thì các bác tài nói nhà ở các nơi đó bạc triệu trở lên.

 

Lại cũng mỗi lần qua vùng này, các bác tài đều thuộc lòng bài và kể cho du khách nghe cùng một chuyện là nhà của ca sĩ Michael Jackson ở trên đồi kia, chỉ việc bảo trì, thuê người dọn dẹp nhà thôi mà mỗi năm đã tốn đến $70,000.

 

Tôi hỏi một vài người quen tình trạnh giá nhà đất lúc này ra sao thì họ cho biết lúc này giá nhà tại vùng Quận Cam (Orange Country bao gồm nhiều thành phố có người Việt sinh sống) khựng lại, hoặc xuống chút đỉnh, cho nên nếu mua nhà trong hai, ba năm qua mà phải bán ra thì coi như bị lỗ.

 

Tôi qua Mỹ đúng vào đầu mùa thu, nên khí hậu cũng dễ chịu, thường là khoảng 27 độ C, nên không cần phải mang áo lạnh như ở Melbourne này. Tuy nhiên, cũng có những lúc trở trời, có gió thì hơi lạnh, nên mỗi lần đi đều thủ thêm cái áo lạnh trong xách cho chắc ăn.

 

Khí hậu ở Nam Cali như vậy là rất hợp với người Việt, cho nên không lạ gì khi hơn phân nửa dân số Việt tập trung ở tiểu bang California. Trong mấy ngày ở Quận Cam, tôi thấy bầu trời lúc nào cũng u ám với những tầng lớp mây mù, mà tôi nghĩ cũng có thể do ảnh hưởng của các nhà máy làm ô nhiễm không khí.

 

Nhưng đi về vùng cực nam của Cali như thành phố biển San Diego, khí hậu càng mát mẻ hơn nữa. Nơi đây có khoảng 50,000 người Việt sinh sống, nhưng tôi rất tiếc đã không có dịp ghé quá.

 

Làm báo: nghiện, cái nghiệp hay thiên chức?

 

Một người bạn thường đùa với tôi, có ba nghề mà người Việt hải ngoại thích làm và đua nhay nhảy vào làm nhất là: Nhà hàng, hãng may và làm… báo. Tôi nghĩ câu nói bông đùa đó cũng có thể đúng phần nào. Cứ coi số lượng người bước chân vô, bước chân ra, rồi lại bước vô các nghề đó thì rõ.

 

Ở đây, tôi phải nói nghề làm báo để phân biệt với hai nghề khác trong ngành truyền thông là phát thanh và truyền hình. Hai nghề sau này coi bộ khó làm và cả khó ăn hơn nghề báo nhiều, rất nhiều.

 

Làm báo? Ai cũng thích cả. Có nhà báo Việt ở Mỹ đã cho rằng chỉ cần biết đọc, biết viết và cầm cái kéo lọ hồ cắt dán là có thể làm báo được. Còn chuyện làm có hay, có nuôi sống được mình, được người không, lại là chuyện khác!

 

Vì đôi khi làm báo lại còn mang họa, gánh nặng cho kẻ khác, cho những người hùn hạp, những kẻ cộng tác bài vở.

 

Tờ báo được in ra, cái ớn nhất vẫn là tiền in. Liệu tiền quảng cáo hay tiền bán báo có trang trải được mọi chi phí không, hay chỉ nuôi nhà in? Chuyện này ai cũng biết. Nhiều người đã có kinh nghiệm, đã từng bị thua lỗ nhiều trận, nhưng vẫn cứ thích làm báo.

 

Hai chữ “LÀM BÁO” nó quyến rũ người ta như thuốc phiện. Chưa thử thì thôi, nếu thử rồi thì không bỏ được. Tôi nghĩ rằng tôi đã không nói quá.

 

Các thùng bán báo Việt ngữ  lộ thiên ở Little Saigon

 

Ở các nước Tây phương, những người giàu có nhất (và giàu thường đi đôi với có quyền lực) là những người nắm các cơ quan truyền thông; hoặc là nắm truyền hình như tỉ phú Kerry Packer hay nắm báo chí như tỉ phú Rupert Murdoch.

 

Ở hải ngoại không thiếu người Việt triệu phú nhưng tôi chưa được nghe hoặc thấy chủ báo Việt ngữ nào trở thành triệu phú cả. Ngày tôi mới vào ngành làm báo, một chủ tiệm thân chủ quảng cáo đã nói một câu: “Mai mốt anh chớ nên cho con làm báo!”.

 

Câu nói này làm tôi nhớ hình như có một nhà báo Việt Nam cách đây mấy chục năm đã cho rằng “làm báo cực như… con chó”.

 

Thế nhưng tại sao người mình vẫn thích làm báo, viết báo, dù đôi khi viết chùa, hay không được trả một tí nhuận bút nào hết? Tôi nghĩ làm báo, viết bài cho báo là một thứ đam mê, như mê thuốc phiện. Có người lại cho rằng đó là cái nghiệp, hay cao xa hơn là một thiên chức. Mặc ai hiểu sao cũng được, giải thích lý do nào cũng thế, chỉ biết rằng có nhiều người thích viết báo và thích làm chủ báo.

 

Tại Mỹ, nghe nói có mấy trăm tờ báo, kể cả những báo của các hội đoàn, báo của những địa phương, loại định kỳ, bất định kỳ. Như tại Quân Cam, tôi đã thấy có vài chục tờ báo bày “bán” hay cho.

 

Vì thời giờ ở Mỹ quá ngắn ngủi nên tôi đã không có dịp ghé thăm một và tòa soạn, một vài người làm báo để nói chuyện cho vui, hoặc có thể học hỏi những điều hay ở người cùng nghề. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó đi Mỹ lại, tôi sẽ xin đến thăm một vài tờ báo, đài phát thanh.

 

Nhưng trước mắt, đã qua Mỹ thì phải chính tay mình cầm vài tờ báo Việt ngữ mà lật từng trang, mà đọc. Tôi hỏi vài tiệm bán băng nhạc, tạp hóa xem có bán báo không. Họ nói báo chỉ phát “phi” ở một số tiệm có đăng quảng cáo, còn muốn mua thì ra đầu chợ mà mua.

 

Tôi bước ra bãi đậu xe trước cửa Siêu thị 99 ở khu Bolsa, thấy một dãy thùng bán báo tự động, nằm giữa trời. Mỗi thùng có vài chục tờ báo. Có tờ đề giá 25 xu, tờ đắt nhất giá 50 xu.

 

Nhưng thay vì bỏ tiền thì tờ báo rớt xuống hay bung ra chỉ một tờ, nhưng đằng này, một khi đã bỏ tiền vào, nắp thùng mở ra, thì… tôi nghĩ, ai muốn lấy bao nhiêu số báo cũng được.

 

Vì không thể mang nhiều, nên tôi chỉ lấy một vài tên báo tiêu biểu để làm tư liệu như nhật báo Người Việt,  tuần báo Saigon Times, tuần báo Sức Sống, tuần báo Mới và tuần báo Thời Báo. Chỉ cầm có 5 tờ thôi mà thấy đã nặng lăm lắm rồi.

 

(TVTS 658 – 4.11.1998)