Kể chuyện đường xa: Cali có gì lạ? (8)

04 Tháng Mười Một, 2008 | Mỹ châu

 

Trò biểu diễn của Batman, rất hấp dẫn với trẻ con

 

Sau nhiều tiếng đồng hồ bác tài “đưa” du khách đi mua sắm ở các tiệm, là đến màn đưa du khách đi thăm thắng cảnh của thành phố Tijuana. Nhà cửa và phố xa ở đây cho thấy ảnh hưởng của Tây Ban Nha còn để lại nhiều dấu vết ở xứ sở này, vốn là thuộc địa của đế quốc Tây Ban Nha từ thế kỷ thứ 16.

 

Tiếng Tây Ban Nhà nghe tuy hơi mệt tai (âm vang như tiếng Ý) nhưng hát lên thì hay vô cùng. Nhà kiểu Tây Ban Nha cũng đẹp, đài các như nhà kiểu Pháp. Bác tài sẽ đưa du khách đi ra bờ biển để ngắm những căn nhà ngói đỏ, tường thấp màu trắng nằm san sát bờ biển và nói rằng những căn nhà này chỉ giá khoảng sáu, bảy chục ngàn Mỹ kim.

 

Theo bác tài, dân Mỹ cũng như một số dân Tây phương khi về hưu ưa chọn sống ở thành phố biển này, hay tại những thành phố khác trên nước Mễ. Lý do, đời sống ở đây dễ chịu, vật giá tương đối thấp nên với đồng tiền hưu trí có thể sống thoải mái hơn là ở quê nhà của họ.

 

Và cái sướng nhất là chỉ tốn chừng 30 Mỹ kim mỗi tuần là có thể thuê một người giúp việc làm việc 7 ngày, phục dịch mọi chuyện trong nhà. Vì theo bác tài, một công nhân bình thường ở Mễ mà mỗi ngày kiếm được 7 đô là Mỹ là được lắm rồi.

 

Bác tài sẽ lái bạn đi một vòng trên con đường dài chừng 20 cây số dọc bờ biển, đến một chỗ nào đó mà tôi quên mất cái tên, nơi bác tài nói nhiều phim như phim Titanic cũng được đem tới chỗ đó để đóng một phần cho đỡ tốn tiền.

 

Cũng trên đường đi đó, nhiều đoạn là ranh giới Mỹ và Mễ. Bác tài sẽ chỉ cho bạn thấy cảnh những người đàn ông ngồi trên bờ cao của thành đá làm ranh giới của hai nước. Bác tài nói những người đàn ông kia ngồi đó và khi tối đến, thế nào cũng sẽ vượt biên.

 

Theo bác tài, thì 30% dân vượt biên sẽ thành công. Tôi thấy phía bên kia bức thành đá của Mễ – một bức tường xem ra dễ nhảy xuống – hiện có công trình xây thêm một bức tường cao bằng thép song song và hơi xa bức thành phía Mễ. Vì xa và nằm lộ giữa quãng đất trống nên nếu dân vượt biên nhảy qua thì dễ phát hiện hơn.

 

Bức tường thép cao chưa hoàn tất, chạy dài ra tận biện. Cảnh sát Mỹ dùng cả trực thăng và tàu để chận bắt những người Mễ vượt biên ở đoạn này. Trong thời gian tôi ở Mỹ cũng là lúc nghe hai nước đang hợp tác để ngăn chận nạn vượt biên của người Mễ đi tìm cuộc sống khá hơn ở nước láng giềng của họ. Cho nên bạn sẽ không lạ gì khi thấy người Việt ở Mỹ mướn nhiều công nhân người Mễ làm những công việc mà người Việt hiện nay đã chê.

 

Đi trên những chiếc xe tour như thế này, nhất là ở đoạn đường ngắm cảnh dọc bờ biển, bác tài thế nào cũng cho mấy anh hát dạo lên xe hát những bài ca quen thuộc, nổi tiếng bằng tiếng Tây Ban Nha như  Guantanamera, Pepito, Besame v.v… Giúp vui xong thì chắc chắn mấy anh hát dạo sẽ cầm cái hộp giấy đi xin tiền thưởng của du khách.

 

Trên đường về Mỹ, tới gần biên giới, bác tài sẽ đậu xe lần chót ở một bãi trống bên đường cho du khách xuống mua đồ Mễ lần chót. Lại xách tay, balô bằng da, tất cả đều giá $20 Mỹ kim. Tôi thấy chẳng ai trả giá, và hầu như du khách trên chuyến xe tôi đi hôm đó đều có mua đồ kỷ niệm trong chuyến chót này.

 

Đến trạm kiểm soát biên giới, lần này tất cả du khách phải xuống xe. Cứ để đồ đạc trên xe, nhưng nhớ mang theo sổ thông hành và thẻ màu xanh có đóng dấu của quan thuế Mỹ khi bạn đặt chân vào Mỹ. Thiếu cái giấy màu xanh đó thì cũng phiền hà đấy. Bác tài sẽ bảo bạn mỗi người cầm sẵn trên tay cả hai loại giấy tờ đó, mở sẵn ra trình cho quan thuế Mỹ, vì như vậy giảm được thì giờ kiểm soát của quan thuế.

 

Trên đường về, sau khi đã qua cửa ải biên giới Mễ-Mỹ, nếu bạn không mệt để đến độ phải ngủ gục thì nhớ nhìn về phía tay trái để ngắm thành phố San Diego về đêm, và nhất là cây cầu dài mấy cây số lung linh ánh đèn chạy từ đất liền sang hòn đảo Coronado, nơi bộ tư lệnh hải quân Mỹ lập bản doanh.

 

Trong những chuyến đi chơi tour như thế này, các bác tài xế, qua máy phóng thanh trên xe, thường hỏi quốc tịch của một số hành khách như là một cách để bắt chuyện, nói chơi cho vui. Trong những dịp như vậy, tôi thấy đa số du khách trong xe chúng tôi đi là người quốc tịch Úc. Có lần cả chiếc chỉ có một hai người là người quốc tịch khác, kể cả du khách người Mỹ từ các tiểu bang khác.

 

Nói như vậy để bạn đọc thấy rằng người Úc ưa đi du lịch. Có bao nhiêu tiền là đi du lịch bấy nhiêu. Tôi có quen biết vài người Úc độc thân và lớn tuổi, mặc dù ở nhà thuê, nhưng đã đi du lịch ở nhiều nước. Cộng đồng Việt Nam mình sau khoảng 20 năm định cư tại Úc, cũng đã bắt đầu biết hưởng thụ cái thú đi du lịch.

 

Vợ chồng chúng tôi đến thăm ông bà Nguyễn Thắng Tiết (phải) chủ nhân nhà xuất bản Văn Nghệ tại California

 

Qua vài bài trong mục “Kể chuyện đường xa – Cali có gì lạ”, một số bạn đọc đã gọi điện thoại về tòa soạn hỏi rằng muốn mua vé du lịch đi Disneyland thì mua ở đâu, hoặc tại các khách sạn ở khu Disneyland có máy giặt áo quần không, và có người còn nói đã mua vé cho con đi Disneyland trong mùa holiday tới rồi, nhưng không biết cái khách sạn gì đó có gần Disneyland không v.v… Tôi xin mượn phần chót của bài viết tuần này để giải thích và hướng dẫn cho những bạn đọc sắp đi Disneyland.

 

Khách sạn:

 

Những khách sạn như Fairfield Inn by Marriott, Tropicana Inn, Ramada Maingate Saga Inn, Howard Johnson Plaza nằm trên đường Harbor Boulevard, đối diện với cửa chính của Disneyland, đi vài chục bước hoặc chừng vài trăm mét là tới cổng Disneyland.

 

Các khách sạn khác như Penny Sleeper Inn, Park Inn International, Westcoast Anaheim, Radison Hotel Maingate, cũng nằm sát với mặt tiền của Disneyland, đi bộ dăm mười phút là tới thôi.

 

Và vì Disneyland chiếm một lô đất vuông vắn, nên chung quanh cũng có một số khách sạn khác bao bọc ở trên ba mặt đường còn lại, gồm những khách sạn có tên như Quality Hotel Maingate, Anahiem Marriott, Sheraton Anaheim.

 

Còn khách sạn Disneyland Pacific HotelDisneyland Hotel thì nằm trên đường West Street, ở phía sau lưng của Disneyland, nên bạn có thể đi vào cổng sau của Disneyland nếu bạn trọ trong hai khách sạn này.

 

Ăn uống:

 

Nếu bạn ở một trong các khách sạn nói trên, nhất là những khách sạn nằm trên đường Harbor Boulevard như khách sạn Fairfield Inn mà gia đình chúng tôi đã trọ thì tiện lắm. Trong khuôn viên của khách sạn đã có nhà hàng riêng của khách sạn. Và bên cạnh khách sạn này, đối diện với Disneyland còn nhiều nhà hàng bình dân, McDonald’s, Pizza Hut, quán takeaway với các món ăn Tàu v.v… Muốn ăn kiểu gì cũng được, giá nào cũng có.

 

Nếu bạn thèm đồ ăn Việt Nam thì có thể đi xuống phía nam (từ Disneyland đi lên Los Angeles là đi hướng bắc) để tới thành phố Garden Grove hay Westminster, nơi có Little Saigon.

 

Tác giả và ông Nguyễn Đình Nho (trái)), chủ nhân cơ sở xuất bản Đại Nam tại California

 

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đi taxi từ Disneyland đến Little Saigon (hay gọi chợ Bolsa) mất khoảng 20 phút và trả một cuốc đi chừng 18 Mỹ kim, cho típ $2 Mỹ kim là vừa phải. Nếu máy tính tiền ghi trên $20 đô là do kẹt đường hay chạy kiểu… kéo giờ.

 

Qua Cali, tôi không ở lâu và cũng đã chẳng hỏi thăm người ở bên nớ, nhưng nghĩ rằng, ăn uống ở các quán phở, bún, các tiệm bình dân, chắc không có cái lệ cho tip (Việt Nam mà), nhưng nếu ăn ở nhà hàng (có máy lạnh, có khăn trải bàn, người đứng phục dịch) thì nếu cho tiền tip cũng là chuyện tốt thôi, nếu mình muốn. Nhưng nếu ăn ở nhà hàng Mỹ thì lại khác đấy.

 

Tại Úc, dân Miệt dưới không có thói quen cho tiền tip. Dân Úc nói rằng sở dĩ ở Mỹ hay các nước khác phải cho người phục dịch ở nhà hàng tiền tip vì nhân công bị trả lương rẻ mạt, cần sống vào sự hào phóng của khách.

 

Còn ở Úc công nhân đã được bảo vệ bằng mức lương tối thiểu nên khỏi cần. Tại một vài tiệm ăn sang trọng ở phố, cũng có lệ cho tiền tip, nhưng dân Úc không coi chuyện cho tiền tip là một tục lệ như ở Mỹ.

 

Bạn ở Úc lâu năm, chắc đã quá rõ rồi. Tôi có hỏi một người Việt lái taxi ở Melbourne rằng du khách Mỹ qua Úc, khi đi xe taxi có tho tiền tip không, thì ông này nói thông thường là có. Thế mới biết đó là tập tục. Chứ tôi thấy, trong một số dịp đi xe, cái thùng (hay cái giỏ) để bỏ tiền tip đã không được một số khách tây phương và du khách úc bỏ vào vài đồng.

 

Thì cũng là tập tục thôi. Bạn không cho tiền tip, không ai bỏ tù hay mời bạn xuống xe, nhưng nên nhập gia tùy tục như tục ngữ tây phương có câu when in Rome, do as the Romans do.

 

Như tôi đã có lần viết, nếu bạn lên Gold Coast và thuê apartment thì sẽ có bếp, chén đũa, nồi niêu song chảo, bàn ăn, máy giặt áo quần, máy sấy quần áo, máy hút bụi v.v… cho khách sử dụng như ở nhà bạn.

 

Nhưng vì các nhà trọ ở Disneyland là khách sạn, nên phương tiện để ngồi ăn trong phòng chỉ là cái bàn coffee table của bộ xa lông mà thôi. Họ chỉ đặt cái tủ lạnh nhỏ để bạn xài, cho bạn mỗi ngày một ít cà phê để đủ uống.

 

Bạn có xuống mấy tiệm tạp hóa Mỹ, tiệm người Hoa mua ít gói mì ăn liền về nấu thì sẽ không có chén, nồi mà nấu đâu. Khách sạn mà. Nhưng nếu bạn mua đồ takeaway đem về khách sạn ăn thì cũng không ai than phiền gì.

 

Còn nếu bạn đi chơi ở Disneyland, thì ở trong khu vực giải trí này đã có chỗ ăn uống rồi, không có gì mà phải lo lắng cả. Thế thì có bạn đọc hỏi tôi mua thức ăn ở các quầy hàng đứng sắp hàng có phải cho tiền tip không, câu trả lời sẽ là không.

 

Tục lệ cho tiền tip chỉ đối với những người lái xe, những người khuân vác đồ giúp mình, và với những nhân viên phục vụ ở nhà hàng mà thôi. Nhưng bạn phải đóng thuế Sales Tax 7% hoặc 8% cho mọi thứ mua sắm, ăn uống.

 

Còn về giặt giũ thì như khách sạn Fairfield Inn tôi ở, trên dãy lầu của chúng tôi có hai cái máy giặt và hai cái máy sấy, bỏ 50 xu là xài đườc. Chúng tôi chỉ giặt áo quần có một lần và không thấy bị kẹt, phải chờ đợi, mặc dù khách sạn này có gần 500 phòng.

 

Mua sắm:

 

Ở Cali, ngoài mua những đồ lưu niệm ở Universal Studios, Hollywood v.v… một thứ hàng mà bạn nên mua là đi mua giày ba-ta. Ở các khách sạn thường có những chiếc xe đưa đón (van shuttle), cứ mỗi giờ đến rước khách tới mua sắm giày và áo quần thể thao, đồ jean tại những kho bán hàng lớn, với giá rất rẻ.

 

Các kho bán giày và đồ thể thao này các Disneyland chừng 5 phút lái xe. Họ chở khách đi và về miễn phí. Trên xe có cái giỏ viết mấy chữ “cám ơn quý vị đã cho tiền tip”. Tôi thấy tài xế chẳng quan tâm đến việc bạn có bỏ tiền vào cái giỏ đó hay không, mà thường là giỏ đựng những đồng tiền $1. Tôi cũng thấy những người tóc vàng đi lên xuống mà chẳng bỏ tiền tip, dù đi xe chùa.

 

Tại những kho bán hàng lớn như thế này, có các hiệu giày danh tiếng như Nike, Reebok v.v… với giá từ $30 Mỹ kim trở lên. Mua giày giá chừng $60 hoặc $70 là thứ xịn. Tôi thấy du khách mua rất nhiều giày, mỗi người mấy đôi. Nếu bạn nói bạn là người từ Hotel ra mua sắm, chỉ cần nói miệng thôi, thì họ sẽ tự động bớt $2 cho mỗi đôi giày giá trên $30.

 

Không nói, có lẽ họ không bớt, vì trong khách sạn có những quảng cáo ghi rằng du khách ngụ tại khách sạn sẽ được bớt. Tôi không biết chính sách bớt $2 đó còn hiệu lực đến bao lâu, nhưng nghĩ rằng, mua giày ở các warehouse lớn như thế này không bị hớ, không bị gạt.

 

Rồi có bạn có thể hỏi tôi, đi du lịch như vậy nếu mua duty free thì nên mua thứ gì. Tôi không có ý kiến, nhưng thấy rượu là thích nhất. Mỗi người vào Úc được mua hơn 1 lít rượu mà không trả thuế. Tôi nghe người ta đồn rằng mua rượu duty free ở Tân Tây Lan là rẻ nhất.

 

Thật vậy, một chai rượu Cognac hiệu Cordon Bleu ở phi trường Auckland Tây Tân Lan 700ml chỉ bán với giá $124 đô Tân Tây Lan (chuyển qua Úc vào thời điểm đó là $108 Úc kim) trong khi mua tại phi trường Los Angeles ở Mỹ giá khoảng $140 Úc kim và tại Melbourne, giá ở các tiệm Úc là $157 Úc kim.

 

Kể chuyện đường xa vẫn sẽ không bao giờ xong nếu nhà báo muốn kéo dài. Nhưng, như vậy cũng tạm mua vui cùng bạn đọc và giúp những bạn đọc nào chưa bao giờ đi Cali biết một vài chuyện cần biết.

 

Hẹn bạn đọc trong một ký sự khác, từ một nơi khác.

 

(TVTS – 661   25.11.1998)