Kể chuyện đường xa: Chuẩn bị cho một chuyến “lưu diễn” (2)

17 Tháng Mười Một, 2014 | Mỹ châu

 

Nguyễn Hồng Anh

 

 

Cung Thiên Di có  các sao Đào Hồng Hỉ nên đã được 3  người đàn bà ở nơi xa xôi tận tình giúp đỡ: từ trái Trịnh Kim Dung (cầm micro), Bích Hà và Phiến Đan

 

 

(Kỳ 2)

 

Có người nói rằng du khách sẽ chẳng bao giờ có thể đi thăm cho hết nước Mỹ bởi nước Mỹ có đến 50 tiểu bang mỗi nơi một vẻ và mọi nơi đều đáng xem. Nhưng có những nơi như California, có lẽ tôi cũng sẽ chẳng bao giờ đi xem cho hết các di tích, thắng cảnh.

 

16 năm trước tôi đến California lần đầu tiên và ở đây được một tuần lễ với mục đích để đưa con cái đi Disneyland và những trò chơi khác ở miền nam California và một ngày đi tour bằng xe bus thăm một thành phố Mễ Tây Cơ sát biên giới tiểu bang và một ngày ở thành phố Los Angeles theo lối cỡi ngựa xem hoa.

 

Lần này dài đến 3 tuần lễ nhưng cũng chẳng phải tham quan như cách nói bây giờ mà để giới thiệu 3 cái CD nhạc phát hành hồi gần đây hay nói rõ hơn để giới thiệu “dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh” qua những buổi nói chuyện, trình diễn trên các hệ thống truyền hình và truyền thanh ở Quận Cam  mà cao điểm là chương trình nhạc vào cửa tự do có chủ đề “Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh – Tình ca hát cho Việt Nam” như đã tường thuật trong số báo tuần trước.

 

Vì thế bút ký “du lịch” lần này sẽ xoay quanh chuyến trình diễn văn nghệ của tôi và không tránh khỏi méo mó nghề nghiệp khi nói về sinh hoạt và đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở Quận Cam.

 

Phiến Đan và Du Tử Lê trên đài SBTN giới thiệu chiều nhạc Nguyễn Hồng Anh sắp tới trong chương trình Du Tử Lê và Bằng Hữu

 

 

Chuẩn bị

 

Trước khi qua Mỹ, tôi đã gởi tặng một vài cơ quan truyền thông ở Quận Cam các đĩa nhạc của tôi. Ca khúc đầu tiên của tôi được phát thanh ở Nam California là Thiền Sư Xuống Núi bởi chương trình của cô Ngọc Ân trên đài Little Saigon Radio lúc 8 giờ sáng và tôi đã theo dõi nghe tại Úc vào 2 giờ khuya của Úc. Chương trình của cô Ngọc Ân được xem là một trong những chương trình nhạc được yêu chuộng trên các làn sóng phát thanh ở nam California.

 

Sự lựa chọn bài hát Thiền Sư Xuống Núi của Ngọc Ân để giới thiệu với thính giả của đài cho thấy nhận xét của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam rất đúng, rằng những ai thích nhạc tình và có chút lãng mạn, nghe một hai lần sẽ thích ngay. Bởi vậy có vài người trong giới truyền thông và văn nghệ khi nghe tôi sắp qua Mỹ, đã gọi tôi là “nhạc sĩ thiền sư xuống núi”.

 

Trong một lần ghé thăm tôi tại tòa soạn TiVi Tuần-san vài tháng trước khi tôi qua Mỹ, nhạc sĩ Trần Quảng Nam đã được tôi cho biết ngày trước tôi cũng có sáng tác một số ca khúc về tình yêu, thân phận và quê hương. Và tôi liền mời ông nghe thử hai ca khúc tôi vừa viết xong và đã thu âm: Từ Bạch Đằng đến Biển Đông và Mùa Thu Cuộc Đời. Trần Quảng Nam có nhận xét rằng ca khúc đầu là một bài hát gây ấn tượng rất mạnh qua giai điệu tôi viết và ca khúc sau được viết với giai điệu của thời bây giờ.

 

Tôi hỏi ông, một người sáng tác nhạc, có ca khúc nổi tiếng như Mười Năm Tình Cũ và đã có nhiều lần đứng trên  những sân khấu lớn, đi đó đây trình diễn về  kinh nghiệm của ông. Trần Quảng Nam, hiện đang sống ở San Jose, cho biết để tổ chức một chương trình âm nhạc không phải dễ bởi hai vấn đề chính, tài chánh và khán giả.  Ngay cả ông đã có một số buổi trình diễn văn nghệ lớn và có lần được huề vốn là may mắn lắm. 

 

Vì thế nếu trong hội trường hay hí viện mà có ít người thì sẽ là cả một sự thất vọng cho người nghệ sĩ về mặt tinh thần. Ông cho biết ở San Jose, thành phố được xem có đông người Việt sinh sống nhất  ở bên ngoài Việt Nam   (bởi Quận Cam có đến mấy trăm ngàn người nhưng vì bao gồm nhiều thành phố như Westminster, Garden Grove, Fountain Valley v.v…) có nhiều sân khấu lớn nhỏ, từ vài trăm người đến cỡ trung 600 người và trên 1000 người.

 

Ông cũng kể cho tôi trường hợp nhạc sĩ Phan Văn Hưng (nổi tiếng với ca khúc Ai Trở Về Xứ Việt do ông phổ thơ của Minh Đức Hoài Trinh) là người nổi tiếng đã lâu, có lòng với cộng đồng, các hội đoàn thế mà trong một chương trình gần đây đã chẳng có mấy người đến xem làm ông rất buồn.

 

Tôi là người làm báo và cũng là một người làm business, nghe vậy là tôi đã “ngộ” được ngay về thị trường âm nhạc và showbiz.

 

Nguyễn Hồng Anh xuất hiện trong chương trình Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ của đài IBC với Cao Minh Hưng (trái) và Phiến Đan (giữa) vài giờ sau khi vừa tới Quận Cam

 

 

Cái duyên

 

Cuối năm vừa qua tôi đã gởi 2 CD đầu tay của tôi (Của Hồi Môn – Như Người Việt Nam) giới thiệu với các trung tâm sản xuất băng nhạc ở Quận Cam và các đài phát thanh Việt ngữ quốc tế ở Mỹ và Pháp nhưng đã không được hồi đáp.

 

Tôi cũng gởi CD, thư và sau đó nhờ thân nhân đến tận một phòng trà ca nhạc nổi tiếng ở thành phố Westminster để đề nghị thuê phòng trà hay hợp tác với chủ nhân tổ chức buổi giới thiệu các ca khúc của tôi, nhưng đã không được trả lời. 

 

Tôi nghĩ  sự im lặng đó là điều bình thường bởi tôi là người trong giới âm nhạc không ai biết tên trong khi người làm showbiz dĩ nhiên phải tính tới chuyện lợi nhuận. Tôi biết nhạc của tôi không đáp ứng thị hiếu của thời đại nhưng tôi muốn những ca khúc đánh dấu một giai đoạn lịch sử của dân tộc cần được phổ biến hơn là bị lãng quên trên trong tủ sách.

 

Đừng nói đâu xa, chính bản thân tôi trong khoảng 30 năm qua cũng không nhớ mình là người sáng tác nhạc, thậm chí cả không biết tên hay giai điệu của một số ca khúc sáng tác vào đầu thập niên 1980 vì chúng không nằm trong tập Thân Phận Ca phát hành tại trại tị nạn Galang, Nam Dương.

 

Tôi nghĩ mình cần phải tự giới thiệu các ca khúc của mình trước khi chờ người khác và nếu phút ban đầu được một số người nào đó đón nhận, thì trong tương lai sẽ có cơ hội phổ biến.

 

Nguyễn Hồng Anh tại một phòng thu âm của đài SBTN trong chương trình của  Bích Châu

 

 

Tôi nói với cô em gái út Bích Hà của tôi hiện đang định cư ở Quận Cam rằng tôi sắp qua California để du lịch San Jose và San Francisco viết bút ký, cho nên hãy tổ chức cho tôi vài buổi sinh hoạt trong các nhóm bạn bè tại Quận Cam vì tôi có thể ôm đàn một mình hát cho vài chục người nghe, không cần sân khấu lớn.

 

Cô em và người bạn Lan Phương đặt cọc thuê hội trường Viện Việt Học, một nơi tổ chức văn nghệ quen thuộc. Đồng thời tôi cũng liên lạc với chị Trịnh Kim Dung, vợ người bạn quá cố của tôi là nhạc sĩ Trịnh Đắc Phúc,  để nhờ sự quen biết của chị trong cộng đồng qua vai trò cố vấn giáo dục, giúp tôi trong việc tiếp xúc và giới thiệu với giới truyền thông.

 

Trịnh Kim Dung giới thiệu tôi với cô Phiến Đan, vợ của giáo sư kiêm nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh,  một đồng hương Úc tôi có nghe tên. Phiến Đan hiện sống ở Quận Cam, đặc trách chương trình Văn hóa và Con người trên đài Little Saigon TV và đã từng tổ chức nhiều buổi ra mắt sách ở Úc cũng như Mỹ. Tôi nghĩ cô sẽ là người thích hợp giúp tôi tổ chức buổi ra mắt các CD của tôi.

 

Phiến Đan nhận lời và thế là tôi nhờ Phiến Đan đứng vào ban tổ chức với vai trò trưởng ban kiêm luôn MC. Cả ba người phụ nữ này đã hết lòng giúp tôi trong suốt 3 tháng chuẩn bị cho chương trình có tên do Phiến Đan đặt: “Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh – Tình ca hát cho Việt Nam”. Tôi nói đùa với Phiến Đan trong lá số tử vi của tôi cung Thiên Di có các sao Đào Hồng Hỉ nên đi xa sẽ có các phụ nữ giúp tôi.  Mà quả đúng như vậy.

 

Phiến Đan đề nghị tôi nên chọn một hội trường lớn hơn, địa chỉ dễ tìm, ra vào thuận tiện cho những người lớn tuổi, nhất là phải có máy lạnh vì trời lúc này hãy còn nóng. Vì thế cô chọn hội trường Việt Báo.

 

 

Chuẩn bị ra về sau buổi tổng dợt ở nhà Phiến Đan: từ trái, Phiến Đan, Kim Thoa, Ngọc Diệp, Kim Yến, Vũ Thị Hà, Trịnh Kim Dung, Ngọc Hà và Mỹ Dung

 

Thời gian trình diễn   làm sao tránh những dịp lễ hội lớn của cộng đồng chính mạch (như Lễ Tạ Ơn) và của cộng đồng Việt Nam. Lại cũng nên tổ chức vào giờ giấc tránh đụng với những buổi văn nghệ khác hay đám cưới và để cho người ở xa có thể đến xem  trở về nhà v.v… Thế là chúng tôi chọn chiều Thứ Bảy 8.11.2014 từ 1 giờ trưa đến 4 giờ chiều.

 

Cả ba người trong ban tổ chức với sự quen biết với các cơ quan truyền thông ở Quận Cam đã liên lạc nhờ giới thiệu các ca khúc trong các CD của tôi để cho khán thính giả được biết sơ qua về dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh và sau đó sẽ chuẩn bị cho tôi một loạt những cuộc phỏng vấn trên các đài trước buổi trình diễn khi tôi đã tới Mỹ.

 

Tôi có nói với Phiến Đan rằng, tôi là người làm báo nên biết thông thường muốn quảng cáo và ngay cả phỏng vấn, phải trả tiền mua air time trừ phi họ được họ mời nhưng tôi nhờ ban tổ chức với sự quen biết, đề nghị các cơ quan truyền thông không tính tiền vì chuyến đi này tôi chỉ làm với tính cách văn nghệ mà thôi. Với các  ca sĩ cũng tương tự. Thế mà nhiều ca sĩ còn muốn hát hai hoặc ba ca khúc của tôi trong chương trình này.

 

Bạn đọc có thể tưởng tượng với 14 giọng ca, nếu một người hát chỉ hai bài thôi thì chương trình sẽ kéo dài như thế nào? Một người quen biết với cô Phiến Đan đã email  nói về kinh nghiệm làm MC và làm show của ông, khuyên Phiến Đan nên tổ chức chương trình kéo dài chừng một tiếng rưỡi mà thôi thay vì 3 tiếng như dự trù, hát chừng 15 hay 16 bài là tối đa để cho khán thính giả còn luyến tiếc hơn là họ bỏ ra về giữa lưng chừng.  Nghe vậy tôi cũng rất ngại cho chương trình của mình  dù góp ý đó cũng chẳng có gì lạ.

 

Nhưng Phiến Đan cương quyết giữ chương trình kéo dài 3 tiếng với trên 20 ca khúc vì thấy “bài nào cũng hay”. Cô còn thêm mục chào quốc kỳ và hát quốc ca Úc để cho khán thính giả thấy rằng, dù chỉ có hai công dân Úc trong buổi văn nghệ này, nước Úc vẫn được tôn vinh khi tưởng niệm những người đã hy sinh vì tự do để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa.

 

Muốn cho chương trình được thành công, Phiến Đan đề nghị tôi nên qua sớm tối thiểu hai tuần lễ trước ngày trình diễn để xuất hiện càng nhiều càng tốt trên các hệ thống truyền thông, nhưng tôi nói tôi chỉ có thể sắp xếp để cả hai vợ chồng nghỉ việc trong 3 tuần mà thôi, do đó tôi chỉ qua Mỹ trước 10 ngày. Vả lại, tôi muốn ở lại để nghe “dư âm” sau chuyến “lưu diễn” này.

 

 

Bìa báo in  TiVi Tuần-san số 1495 phát hành ngày 19.11.2014 tại Úc Châu: Ngọc Ân của đài Hồn Việt TV trong buổi phỏng vấn Nguyễn Hồng Anh trước Đài Tưởng Niệm Các Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster,  California một ngày trước buổi trình diễn Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh – Tình Ca Hát Cho Việt Nam

 

 

Phiến Đan là người giới thiệu cho tôi nhiều buổi phỏng vấn nhất. Chỉ nội ngày đầu tiên khi bước chân xuống phi trường, tôi đã được nhạc sĩ chương trình Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ phỏng vấn trên đài truyền hình IBC. Cùng trong ngày, Phiến Đan dàn xếp cho tôi nói chuyện với cô trên chương trình Văn hóa và Con người của cô trên đài Little Saigon TV, nhưng rồi phải dời lại qua sáng hôm sau cùng với chương trình của Bích Châu thu tại đài SBTN vì không có đủ thì giờ để di chuyển khi tôi vừa tới Quận Cam.

 

Trước đó, vì tôi không thể qua Mỹ sớm hơn nên Phiến Đan đã xuất hiện trong chương trình  Du Tử Lê và Bằng Hữu trên đài SBTN để giới thiệu trước.

 

Nhà thơ Du Tử Lê có vẻ rất ngạc nhiên hỏi Phiến Đan “gánh ngà voi” làm một việc “nhiêu khê phức tạp”  đối với một người chưa bao giờ gặp mặt thì liệu trong tương lai, có một ai nhờ Phiến Đan làm như thế này thì Phiến Đan có giúp không, cô trả lời vấn đề là người đó có tự tin, có tin vào mình không  “như ông Nguyễn Hồng Anh hay không, vì ông quá tự tin vào ông, dám đem chuông đi đánh xứ người, ở một nơi được gọi là thủ đô văn hóa của người Việt, nơi có quá nhiều ca sĩ nhạc sĩ nổi tiếng trong khi chưa ai ở Quận Cam biết tên ông, các ca khúc của ông, mà ông lại tự tin để mang các ca khúc của ông đi giới thiệu”.

 

Nhà thơ  Du Tử Lê đã tỏ ra ngạc nhiên khi Phiến Đan dùng nhóm chữ “đem chuông đi đánh xứ người” nhưng Phiến Đan nói tiếng chuông này sẽ là tiếng chuông lớn, tiếng chuông vang chứ không đục, tiếng chuông sẽ làm người Việt ở Úc hãnh diện và cô xin mời khán thính giả của đài SBTN hãy đến nghe tiếng chuông đó!

 

Hôm nay, chương trình đã qua, trong những ngày còn lại ở Quận Cam, tôi cảm nhận được những gì Phiến Đan nói– một người chưa nghe các ca khúc của tôi trước khi nhận lời như cô trình bày với Du Tử Lê nhưng sau khi nghe thì cô cũng đã “tự tin” để tổ chức một chương trình thành công, được rất nhiều người công nhận.

 

Phiến Đan nói với Du Tử Lê việc tổ chức chương trình văn nghệ này là “thiên ý” bởi vì tôi và cô chưa gặp mặt nhau, những người trong ban tổ chức và các ca sĩ cũng chẳng quen nhau, thế  mà họ hội tụ với nhau để làm một chương trình có ý nghĩa như thế–  tình ca hát cho nhau nghe trong tâm tình của người Việt Nam qua dòng nhạc của một người chưa ai ở Quận Cam biết tới.

 

 

“Chúc mừng thành công”: nhạc sĩ vĩ cầm Hoàng Thi Thao (trái) cụng ly với tác giả sau khi ông đã đến dự chương trình Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh. Ông cho rằng làng âm nhạc hải ngoại đang cần những ca khúc mới như của Nguyễn Hồng Anh

 

Hôm qua, tới thăm báo Người Việt lần cuối, tình cờ nhân viên tòa soạn đưa cho tôi trả lời điện thoại của một độc giả tên Tuyết đang hỏi tòa soạn làm thế nào để mua các CD của tôi vì mặc dầu cô không đến dự buổi văn nghệ nhưng rất thích nhạc của tôi qua các chương trình phỏng vấn trên đài.

 

Một số anh chị em của báo Người Việt có đi dự buổi văn nghệ nói  với tôi rằng có hàng trăm người đi xem và lắng nghe như vậy là một sự thành công.

 

Và cũng trong ngày hôm qua, khi gặp nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng Hoàng Thi Thao trong một buổi tiệc tại nhà của cô em gái khác là Hương Trinh ở Westminster, ông đã siết chặt tay tôi chúc mừng chương trình của tôi rất thành công vì ông cũng là một khán thính giả trong chiều nhạc đó. Ông hy vọng những ca khúc của tôi về quê hương và hiện tình đất nước sẽ được công chúng đón nhận trong thời gian tới.

 

Khán thính giả lắng nghe dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh

 

Tôi vẫn còn nhớ những ánh mắt của các khán thính giả khi nghe tôi và các ca sĩ hát trong chiều nhạc Tình Ca hát cho Việt Nam.  Xin được trân trọng mang về xứ Úc rất xa xôi làm kỷ niệm.

 

Nguyễn Hồng Anh

Little Saigon 14.11.2014

 

Bấm link:   video toàn bộ chương trình “Tình Ca Hát Cho Việt Nam” tại hội trường Việt Báo do freevn.net thực hiện