Kể chuyện đường xa: “Mang chuông đánh xứ người: đoản khúc cuối” (8)

23 Tháng Ba, 2015 | Mỹ châu

 

Thế giới cờ bạc Las Vegas:  Bên trong  Khách sạn Wynn: ngày đêm như nhau,  ngắm vườn và cảnh vật trang trí bằng hoa tươi hay ngồi bàn sát phạt, kéo máy…

 

Ký giả Kiều Mỹ Duyên ghi ra trên giấy vài địa điểm du lịch ở Nam California. Một người bạn học cùng lớp Trường Chính Trị Kinh Doanh nói tôi hãy dành một ngày trọn để anh lái xe đưa hai vợ chồng tôi đi xem bờ biển và những thắng cảnh đẹp mà anh từng dẫn người quen từ xa tới Mỹ.

 

Chồng của em gái út tôi thấy tôi muốn đi San Francisco hay San Jose, nói tôi chỉ việc sáng ra ngoài chợ Westminster đón Xe Đò Hoàng, vừa tiện vừa rẻ (tôi đã từng đọc báo nghe nói mất chỉ khoảng $80 đô la mà còn được phát ổ mì và chai nước khi ngồi trên xe). 

 

Một người bạn nghệ sĩ mới quen nói đi đâu cho xa như San Francisco mất cả bảy tiếng, hãy đi San Diego thành phố ở phía nam, rất đẹp mà chỉ mất hơn một tiếng ngồi xe hơi.

 

 

Thủ đô giải trí của thế giới

 

 

Nhưng tôi đã chẳng đi đâu cả, vì sau buổi trình diễn, có nhiều tiệc tùng quá với bạn cũ, bạn mới và thăm bà con. Một hôm tôi muốn đi thăm gia đình anh chị kết nghĩa hiện đang sống ở San Bernardino cách Garden Grove chừng 100 cây số, tôi nhờ cô em gọi người chuyên chở khách du lịch, một dịch vụ có nhiều người Việt làm. Giá $150 Mỹ kim, đi bằng xe van, chạy mất tiếng rưỡi, tới nơi tài xế đợi khách khoảng 3, 4 tiếng rồi chở về, bởi tôi chỉ muốn đến thăm và ăn cơm trưa với anh chị sau lần chia tay ở trại tị nạn Galang năm 1981. Trí (điện thoại: 714 683 3000 cư ngụ ở Garden Grove) là một trong nhiều người làm nghề lái xe đưa đón du khách ở Quận Cam. Trí có mẹ vợ là ca sĩ Lan Ngọc, vừa mới từ Việt Nam qua định cư ở Quận Cam được vài tháng theo diện đoàn tụ.

 

Từ phải: Khách sạn sòng bài New York – New York với tượng Nữ thần Tự do, ở giữa từ xa là Khách sạn Paris với tháp Eiffel và bên góc phải là tháp Khách sạn MGM.  Las Vegas nguyên là một sa mạc được bao bọc bởi những ngọn núi trọc

 

Nhờ chuyến đi này với Trí,  tôi hỏi giá cả đi Las Vegas nơi hầu như người Việt nào đến Cali thì cũng đi một lần cho biết hay để thử thời vận.

 

Trí bảo muốn tiết kiệm thì nên đi xe đò, vì chỉ tốn $80 trong khi nếu đi xe anh lái, tốn $400 cho đi về trong ngày,  hoặc ngủ qua đêm phải trả tiền công cho anh $700 đó là chưa kể chỗ trọ cho anh. Qua chuyến đi San Bernadino, thấy anh tài xế này dễ mến, tôi nhờ anh chở đi trong ngày, vì ngày hôm sau, tôi còn cái hẹn bữa cơm tối họp mặt các bạn học cùng lớp khóa 6 Chính Trị Chính Doanh.

 

Nhưng khi đem chuyện này nói với chồng cô em Hương Trinh, cậu em rể nói đi Las Vegas ban ngày thì chỉ thấy một thành phố chết, những tòa nhà bê tông không có sinh khí, phải đi ban đêm mới thấy được cái đẹp của một thành phố sinh động không thua gì New York.  Cậu em gọi điện thoại đặt 4 phòng ngủ cho con cái và ba cặp vợ chồng anh em chúng tôi với khách sạn  Tropicana Las Vegas và hôm sau chúng tôi lên đường với xe của hai cậu em rể. Vì cậu em là một thương gia hội viên VIP có show triển lãm ở khách sạn này nên tất cả chúng tôi không trả tiền phòng, ăn uống vì thế tôi không biết giá tiền khách sạn nơi đây.

 

Tài xế Trí Taxi sau khi đưa tôi chúng tôi đến nơi, về đến chốn

 

Thành phố Las Vegas nằm ở hướng đông bắc Quận Cam. Khoảng cách giữa Westminster và Las Vegas dài  450 cây số và mất 4 tiếng rưỡi lái xe nếu nghỉ giữa đường làm vệ sinh, mua cà phê. Ra khỏi các thành phố  Nam California như San Bernardino, chỉ thấy toàn đồi núi, xe chạy qua ba ngọn núi, cái cao nhất khoảng 1,500 mét nhưng không có cảm giác đang ở độ  cao nếu không đọc bảng chỉ dẫn  vì đường đèo thẳng tắp và xe chạy với tốc lực 100 cây số giờ.

 

Trên con đường xuyên bang xe chạy quá tốc lực vài chục cây số là chuyện thường nhưng nghe nói người ta không đặt máy chụp tốc độ bởi kỹ nghệ đánh bạc có tiếng nói rất mạnh, không muốn mất khách ở xa tới thử vận đen đỏ.

Đến biên giới của tiểu bang Nevada, chỉ còn thấy những đồi trọc hoặc bãi cát dọc hai bên đường. Nevada là tiểu bang của sa mạc. Nền kinh tế chính của tiểu bang là kỹ nghệ sòng bài và hầm mỏ (sản xuất vàng hàng thứ 4 thế giới).

 

Nevada là tiểu bang duy nhất ở Hoa Kỳ mà nghề làm điếm được xem là hợp pháp, tuy nhiên không hợp pháp ở một số quận và thành phố như Las Vegas và thủ phủ Carson. Chính thức, có 19 nhà thổ có đăng bạ nhưng dịch vụ làm điếm bất hợp pháp ở Las Vegas rất thịnh hành với số khách làng chơi cao gấp 66 lần so với các nhà chứa có giấy phép. Đánh bạc và điếm như chị em hay đồng tiền hai mặt. Nhà cầm quyền chẳng làm gì được. Mà biết thì cũng làm lơ.

 

Chúng tôi đến Las Vegas vào lúc thành phố vừa lên đèn nên đã thấy ngay sự rực rỡ ánh sáng của thế giới cờ bạc.

 

Vào thành phố, khách sạn Tropicana nằm ở đầu đại lộ Las Vegas Avenue còn có tên gọi khác là All American Road vì những quang cảnh cá biệt của những thành phố Mỹ và của một số nước được minh  họa trên con đường dài khoảng 6 cây số này.

 

Cạnh khách sạn Tropicana là khách sạn New York – New York Hotel & Casino với tượng  Nữ thần Tự do thật lớn và bên trong là hình ảnh của một Nữu Ước thu nhỏ lại. Bên kia đường và đối diện  New York – New York là MGM Grand, một khách sạn lớn nhất khi mới xây vào năm 1973 với trên 2000 phòng.

 

Hay khách sạn ló lên từ xa với tháp Eiffel có tên Paris Las Vegas Hotel & Casino (nơi Trung tâm Thúy  Nga thường tổ chức đại nhạc hội) và những nghệ sĩ hát rong.  Cũng trên đường này và ngược chiều với Paris Las Vegas là Luxor Hotel & Casino (với hình kim tự tháp). Đó là vài khách sạn gần nơi chúng tôi trú ngụ.

 

Sau cơm tối, chúng tôi đi vòng vòng xem một vài khách sạn tiêu biểu như Wynn nơi có cảnh thác nước trên sa mạc và vườn nhiệt đới với muôn hoa tươi khoe sắc rực rỡ, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy có nhiều hoa như thế mà không phải là những vườn hoa ở ngoài trời.

 

Las Vegas quả rất đẹp về đêm, không thua gì New York, ngoài khác biệt là đi đâu cũng thấy sòng bài. Trong số 25 khách sạn lớn nhất thế giới, một mình Las Vegas chiếm hết 15 khách sạn. Và trong số trên 100 khách sạn lớn nhỏ, khách sạn nào cũng có sòng bài và sân khấu trình diễn các show giống như broadway ở New York, vì thế  khách sạn còn gắn vào thương hiệu chữ casino cạnh chữ hotel bởi sòng bài là món ăn chơi chính của thành phố cờ bạc này, mở cửa 24 giờ. Như ở khách sạn chúng tôi trú ngụ, buổi tối thấy những khuôn mặt vui tươi hớn hở nhưng sáng hôm sau nhìn những người ngồi trước bàn đánh bạc mặt mày ủ rủ do mất ngủ hay thua bạc. Vì thế, trên đường đi từ Cali đến Las Vegas, thấy có nhiều nấm mồ hay cây thánh giá  dọc đường mà người ta nói do những người đánh bạc thua khủng hoảng nên lái xe bị tai nạn hay tự tử.

 

Buổi tối, chúng tôi dự trù đến ăn nhà hàng Thái  Lotus of Siam nổi tiếng, nhưng vì không đặt trước nên không thể sắp hàng đợi đến hai tiếng để thưởng thức một quán ăn mà cậu em rể sành ăn nói rất ngon.  Trưa hôm sau, chúng tôi đến ăn quán Phở Saigon 8 trước khi trở về Cali.

 

Có hai nơi nổi tiếng đáng xem khi đi Las Vegas mà tôi không thực hiện được. Grand Canyon đòi hỏi nhiều thời gian nhưng Hoover Dam thì cũng không đến xem được, vì ngược đường khi trở về vì đã có hẹn vớ nhóm bạn học cũ vào buổi tối.

 

Với tôi, Las Vegas chẳng có gì hấp dẫn, nhưng với nhiều người Việt thì đây là nơi mà họ thích lui tới. Nơi đây có những thú để thỏa mãn người có tiền.  Với những khách sạn sang trọng, những cửa hàng thời trang hàng đầu thế giới, những tiệm nữ trang đắt tiền, những show nhạc kịch tráng lệ. Nếu quá giàu để hưởng thụ hay muốn thử vận, tại sao không?

 

Nghe nói Trung tâm Thúy Nga và các nghệ sĩ ăn nên làm ra cũng  nhờ Las Vegas vì khán thính giả đã đi casino ở đấy thì không tiếc tiền khi mua vé. Các ca sĩ được trả cát sê hậu hĩnh. Theo những người rành chuyện cho tôi hay thì các ca sĩ hát cuối tuần ở Las Vegas trong 3 ngày và  2 đêm, tùy xếp hạng mà được trả từ  $1000, $1500, $2000  đến $3000 đô la. Thí dụ những ca sĩ chưa nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi thì sẽ được trả $1000 một đêm, nổi tiếng cỡ Tuấn Ngọc $2000. Còn Khánh Ly thì sao, nổi danh nhưng đã quá lớn tuổi? Người thành thạo hậu trường văn nghệ Quận Cam cho hay Khánh Ly đòi giá $3000, vì vẫn muốn giữ tên tuổi!

 

 

Vài ghi nhận trong 3 tuần ở Quận Cam

 

 

Nhà thờ của thế kỷ: Trong vài năm qua, tôi nghe câu chuyện  nhà thờ kiếng (được làm bởi 10,000 tấm kính phản quang) của giáo hội Tin Lành tọa lạc trong khuôn viên rộng  34 mẫu ở thành phố Garden Grove được rao bán do bị phá sản. Một trường đại học muốn mua để làm học xá nhưng cuối cùng Giáo hội Công giáo địa phương đã mua lại nghe nói với giá $58 triệu đô và đang chỉnh trang để làm nhà thờ chính tòa cho Giáo phận Orange County.

 

Nhà thờ kiếng đang được chỉnh trang, thánh lễ trong nguyện đường bên cạnh của người Việt có cả ngàn người dự, ngồi kín ghế, và toilet được mô tả sang hơn của khách sạn 5 sao

 

Người Việt Nam với số giáo dân rất đông, hiện là cộng đồng sử dụng những cơ sở của nhà thờ kiếng nhiều nhất, sau đó là cộng đồng người Mễ Tây Cơ và cộng đồng chính mạch. Linh mục chánh xứ nhà thờ chính tòa là người Mỹ, phó xứ là một linh mục việt Nam. Nhà thờ Tin Lành trước có tên Crystal Cathedral nay được đổi tên  Christ Cathedral (Nhà thờ Chính tòa Chúa Ki-tô).  Nghe nói một mạnh thường quân đã tặng $20 triệu đô, giáo dân quyên góp được $85 triệu và kinh phí chỉnh trang dự trù $113 triệu.

 

Tôi đến thăm ngôi nhà thờ này trong lúc đang đóng cửa để chỉnh trang, không vào được bên trong xem. Và có dự lễ chiều Chủ Nhật của người Việt ở nguyện đường nhỏ bên cạnh, nhỏ nhưng cũng chứa cả ngàn người.  Toilet dành cho phụ nữ được nhà tôi mô tả còn tráng lệ hơn cả khách sạn 5 sao. May mắn cho giáo dân!  Nghe nói đây cũng là nơi cử hành đám tang nhạc sĩ Việt Dzũng hồi cuối tháng 12 năm ngoái.

 

 

 

Tô phở gà tuyệt vời của Quán Hàng Me

 

Ăn uống: Những người tôi quen, dù là ở Việt Nam hay ở Mỹ, một khi đến Úc vẫn cho rằng ăn uống ở Úc quá mắc, đắt đỏ hơn Mỹ nhiều. Tôi không tin như vậy. Trừ một số thức ăn đồ biển (tôm hùm, cua), chứ những món ăn như phở, bún v.v… nếu cộng thêm thuế của chính phủ và tiền típ cho quán ăn e cũng giống nhau (theo kinh nghiệm 3 lần đi Mỹ của tôi).

 

Nhưng phải công nhận đồ ăn ở Mỹ có nhiều món hơn, có thể ngon hơn, và không khí Việt Nam ở Quận Cam thì ở Úc không sánh được, dù đó là Cabramatta. Những bữa ăn trưa tại thành phố lớn của Quận Cam như  Westminster, khó thấy  người da trắng hay tóc vàng. Như  trong bài bút ký năm 1998, tôi nói nếu ở Phúc Lộc Thọ có thấy tóc vàng thì do nhuộm. Quán xá quá nhiều và lúc nào cũng đầy người ăn uống khiến nhà tôi hỏi tôi bộ ở đây người ta không đi làm việc hay sao. Nhưng ở Mỹ đâu dễ dàng ăn thất nghiệp như Úc!

 

Trước đây, vì không đi ăn nhiều ở các quán Việt Nam ở Mỹ, nên tôi cứ cho rằng phở Melbourne không thua gì Quận Cam, nhưng nay tôi có ý nghĩ khác. Trừ lần ăn phở đầu tiên ở một quán ăn tại Garden Grove mà tôi nói thua xa phở gà của nhà bếp đài Little Saigon TV của ông Đinh Xuân Thái, các tiệm phở khác đều đạt tiêu chuẩn. 

 

 

Quán phở Hoa Xoan Bên Thềm Cũ của nhạc sĩ Tuấn Khanh với những bản nhạc nổi tiếng của ông được in trên tường

 

Phở Saigon 8 ở Las Vegas khá, phở Hoa Xoan Bên Thềm Cũ ở Garden Grove của nhạc sĩ Tuấn Khanh ngon, phở Cây Me ở Westminster thì đã đạt đỉnh cao của phở gà với tô phở riêng và những miếng gà thả vườn thơm ngậy trên đĩa. Tôi chưa bao giờ thấy ăn phở gà ngon như vậy mà hình như chủ quán là một cô ca sĩ nghiệp dư. Có phải vì người làm nghệ thuật thì làm phở ngon hơn chăng? Chẳng hạn như phở của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Tôi muốn được nói chuyện với ông nhưng hôm tôi đi ăn hai vợ chồng ông không ra quán. Đặc biệt ăn giá ở Mỹ rất thích, bởi rễ giá đã được cắt bỏ, nên trông đẹp mắt và ngon.

 

Nếu bạn muốn gặp mặt hay chiêm ngưỡng giới nghệ sĩ Việt Nam ở Quận Cam, bạn nên tới hai quán nổi tiếng là Gypsy và Factory Café, là nơi lui tới thường xuyên của họ.

 

Factory Café là một nơi giới nghệ  sĩ Quận Cam thường lui tới ăn uống. Tác giả đang đọc báo Người Việt (giá 25 xu) của quán và nghe nói có thể mang về nhà được!

 

Nhà cửa: Giá nhà ở Quận Cam cũng giống Melbourne, thay đổi tùy vùng. Chẳng hạn ở Westminster là thủ phủ của người tị nạn, giá nhà trung bình hiện nay giao động từ $700,000 đến $800,000.  Vùng Garden Grove sát nách trước kia rất rẻ, nhưng nay người Việt dời về đây sống và dân số cao hơn Westminster nên  giá nhà cũng lên, chỉ thấp hơn Westminster chừng $100,000.

 

Người Việt có nghề nghiệp chuyên môn hay khá giả sẽ sống xa thủ phủ người Việt một chút như ở Anaheim Hill. Nghe đồi là thấy sang rồi!  Hoặc như ông bạn cùng lớp với tôi có nghề chuyên môn, làm manager về IT cho một siêu thị lớn ở Garden Grove, tậu một căn nhà lầu khá sang trọng trên đồi cao ở Orange dù phải lái xe đi làm mất khoảng 40 phút. Và nếu có tiền muốn ở khu sang khác gần biển thì có thể mua nhà ở Huntington Beach, đắt hơn thủ phủ Westminster chừng $100,000. Chứ không có sự sai biệt quá lớn như Richmond với Kew, Toorak hay Brighton.

 

Tôi nhớ thời khủng khoảng kinh tế thế giới là lúc chúng tôi du lịch vùng đông bắc Mỹ, có người quen hỏi tôi sao không đầu tư ở Mỹ vì giá nhà rẻ như bèo. Tôi nghe nói giá  rất thấp so với Úc nhưng chẳng biết là bao nhiêu. Vừa qua, nhân thuê xe người tài xế vừa định cư ở Mỹ khoảng chục năm. Anh tài xế nói năm 2008 giá một căn nhà ở Westminter đang khoảng $700,000 xuống còn khoảng $250,000 nhưng nay đã lên nên căn nhà anh mới mua cách đây chừng 5 năm đã lên tới $500,000 nghĩa là vẫn còn rẻ hơn giá hiện nay vài trăm ngàn.

 

Nghe vậy, bạn có thể nghĩ rằng nhà cửa ở Mỹ rẻ hơn Úc? Có thể, nhưng Westminster không phải là Richmond  hay Footscray vì Richmond chỉ cách Melbourne CBD chừng 2 cây số, Footscray chừng 5 cây số trong khi Wetsminster và Garden Grove cách Los Angeles cả trăm cây số. Càng xa  trung tâm thành phố lớn nhà càng rẻ.

 

Nghề nghiệp: Khác với phần đông người Việt ở San Jose có nghề chuyên môn  hay làm cho các công ty điện tử của Silicon Valley, người Việt ở Quận Cam phần lớn làm nghề tiểu thương, tiệm buôn nhà hàng, công nhân các hãng xưởng y phục, nghề tự do và văn nghệ. Little Saigon là thủ đô của giới nghệ sĩ, bầu sô, các trung tâm băng nhạc, báo chí và truyền thanh truyền hình. 

 

Một trong những nghề thịnh hành nhất còn tồn tại hiện nay là nghề nail. Có những người phất cả chục năm trước nhờ đi tiên phong. Có những tiệm ngày nay cũng còn rất phát đạt, nhưng đa số cầm hơi. 

 

Người ta nói ở Mỹ nếu có nghề chuyên môn thì lương rất cao, cao hơn Úc rất nhiều, nhưng nếu làm nghề không chuyên môn hay lao động thì rất thấp so với Úc, chẳng hạn như lương của các người hầu bàn.  Công nhân các nhà hàng sống nhờ vào tiền típ, nên đi ăn ở Mỹ phải cho tiền “boa” là vậy. Trung bình là 10% trên hóa đơn và có những tiệm Mỹ tính tiền típ lên tới 20% hay thậm chí 25% (đó là chưa kể thuế chính phủ).

 

PRO Nails & Spa: một tiệm ăn nên làm ra ở Westminster, đến 2 giờ trưa không còn nhận khách hàng book chỗ nữa

 

Những nghề nặng nhọc ngày nay người cựu tị nạn Việt Nam chê và người Mễ Tây Cơ ôm  hết. Đinh Quang Anh Thái nói với tôi hãy thử tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra, nước Mỹ sẽ như thế nào nếu một sáng thức dậy thấy không còn người Mễ! Ai sẽ thay thế những công việc nặng nhọc của mười mấy triệu người Mễ di dân bất hợp pháp?

 

Món quà từ Úc: Ở Mỹ cái gì cũng có, nhưng có thứ không có, không tìm ra được, ít ra là đối với người Việt Nam!

 

Ngày tôi qua Mỹ, chị Trịnh Kinh Dung trong ban tổ chức chương trình Tình Ca Hát Cho Việt Nam của tôi nói tôi không cần mang gì qua, chỉ cần kẹo nougat, và  nếu vali còn chỗ thì cứ nhét cho đầy vì chị vẫn còn thích mùi vị của thuở học trò.

 

Tôi còn nhớ giữa thập niên 1960 tôi thích nhai kẹo nougat mùi vị của Pháp hơn là tập phì phèo những điếu thuốc Ruby hay Capstan.  Vừa qua, tôi mất gần cả tháng đi tìm hay  hỏi các tiệm buôn người Việt nhưng chẳng ai biết. Có lẽ nougat là thứ kẹo dành cho học sinh thành phố nên ít người biết?  Rồi tôi mua những thỏi kẹo nougat nhập cảng từ Pháp ở các tiệm Tàu to bằng gần nửa cục xà phòng, nhai muốn gãy răng.  Dù mùi vị này làm tôi nhớ lại cái tuổi mười mí nhưng kẹo nougat thời tôi không thể cứng như vậy.

 

Tôi đi một số siêu thị như Woolworths, Target nhưng tìm chẳng thấy, cuối cùng tìm ra nougat ở tiệm Coles, Richmond. Trên giá chỉ treo tối đa 20 bịch. Tôi ra siêu thị vài lần, hốt hết mang qua Mỹ làm quà tặng bạn bè, nhất là các ca sĩ. Họ mê tơi. Về Úc, dịp lễ cuối năm, tôi lại gởi biếu, họ rất quý.

 

Khi anh bạn hội phó ban văn nghệ của Viện Viện Học ở Mỹ du lịch Úc, tôi tặng anh ít kẹo nougat, cả hai vợ chồng  quá thích nên đã nhờ tôi chỉ nơi để mua, bởi không phải ở nơi đâu cũng bán kẹo nougat này. Đây là những chiếc kẹo gói giấy bạc màu xanh biển, nằm trong bao giấy xanh cùng màu do hãng Gold Boronia ở Tây Úc làm, quảng cáo nougat chính hiệu nai vàng của Úc. Một bao có 13 cái kẹo nặng khoảng 110 gram, giá khoảng $4 đô la một bịch. Bảo đảm mang qua Mỹ làm quà, bà con bạn bè sẽ hài lòng.

 

Hơn 50 năm trước, tôi chọn kẹo nougat thay vì điếu thuốc Ruby,  Capstan. Ngày nay sau khi đã rất khó khăn giã từ khói thuốc đê mê Pall Mall, Camel được gần hai thập niên, tôi lại chọn nougat dịu ngọt.  Dư hương của ngày xưa vẫn còn đọng lại trong tôi, và có lẽ với những bạn đọc lứa tuổi trên 60.

 

Hẹn bạn đọc trong một chuyến du lịch khác.

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 27.12.2014