Kể chuyện đường xa: Người “vác ngà voi” dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh (3)

08 Tháng Mười Hai, 2014 | Mỹ châu

 

MC Phiến Đan mở đầu chương trình giới thiệu người viết ca khúc Nguyễn Hồng Anh

 

Tôi đến Nam California vào ngày Thứ Tư 29.10.2014 vì thế một  chương trình có tên Du Tử Lê và Bằng Hữu trên đài SBTN đã không có sự hiện diện của tôi như cô Phiến Đan đã sắp xếp trước đây. Thay vào đó là buổi nói chuyện giữa chủ xướng Du Tử Lê và khách mời Phiến Đan chung quanh chương trình ca nhạc sắp tới của tôi. Đây là một trong những talk show mà ban tổ chức trong đó Phiến Đan là trưởng ban đã vận động để quảng bá cho chiều nhạc Tình Ca Hát Cho Việt Nam, đó là chưa kể nhiều quảng cáo khác trên tivi và radio để cho cộng đồng ở Việt Nam ở Quận Cam biết các CD và dòng nhạc của một người sẽ đến từ nam bán cầu vạn dặm, xa từ 14 đến 15 giờ bay thẳng.

 

Tôi và Phiến Đan chỉ nghe tên nhau qua người khác hoặc trên báo chí, internet nhưng Phiến Đan đã tìm hiểu khá kỹ về tôi và giới thiệu trước với khán thính giả đài SBTN những điều về tôi làm tôi khá ngạc nhiên khi được nghe cuốn video này. Bạn đọc có thể vào mạng của TVTS hay lên YouTube của Nguyễn Hồng Anh để xem.

 

Qua những talk show trên truyền thanh truyền hình do Phiến Đan, Kim Dung và Bích Hà  dàn xếp cho tôi, tôi nghĩ số người trong cộng đồng Việt Nam đã nghe tôi nói chuyện và cầm đàn hát trên đài nhiều hơn số người sẽ tới dự buổi văn nghệ ở một hội trường chỉ có 200 ghế ngồi. Đó là sự may mắn và ưu ái dành cho chuyến “lưu diễn” của tôi ở Quận Cam.

 

Nhưng các ca khúc của một người viết nhạc cần phải được các ca sĩ thể hiện càng nhiều càng tốt và nhất là phải diễn ra trong khung cảnh của một thính phòng hay hội trường. Đó là cao điểm của sự ra mắt  các CD  hay dòng nhạc của một nghệ sĩ.  Cô Phiến Đan đã xin nhiếp ảnh gia lão thành Dương Xuân Phương cho sử dụng tác phẩm Quê Hương Đinh Bộ Lĩnh để làm nền cho sân khấu Tình Ca Hát Cho Việt Nam thêm đầy đủ ý nghĩa. Chương trình ca nhạc của tôi mở đầu với ca khúc Như Người Việt Nam và chấm dứt với Dòng Máu Việt Nam  nên sự lựa chọn phông của Phiến Đan quả rất có ý nghĩa.

 

Bất ngờ (cho khán thính giả) và đáng nhớ (cho tác giả): Phiến Đan và Nguyễn Hồng Anh song ca bài Il est temps de partir (Giờ đã tới để ra đi)

 

Khán thính giả được nhìn một tác phẩm nhiếp ảnh  rất Việt Nam và được người dẫn chương trình  Phiến Đan mở đầu chiều nhạc như sau:

 

Thưa Quý Vị,

 

Hôm nay tất cả chúng ta đến đây để chào mừng những dòng nhạc mới của cộng đồng hải ngoại và dòng nhạc đó đi từ rất xa nhưng đến từ tấm lòng của một người Việt Nam.

 

Thưa Quý Vị,

 

Chắc là tất cả chúng ta đều đã được nghe “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Cái thanh âm đó quen thuộc, tôi muốn mượn  thanh âm đó để nói rằng cây đại thụ làng âm nhạc Việt Nam hay là tiếng mẹ của chúng ta ngày nào còn được nhắc đến, người Việt Nam còn được nói tiếng Việt thì thanh âm và âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục và trôi chảy như những dợt sóng lớp sau dồn lớp trước.

 

Thưa Quý Vị,

 

Vì thế cộng đồng Việt Nam của chúng ta sẽ nhìn thấy những thiên tài âm nhạc hay chúng ta sẽ nhìn thấy những dòng nhạc đi sâu vào tâm tình của chúng ta, không dừng lại cho dù những tài danh âm nhạc Việt Nam trong lớp đó đã có một số người đã ra đi. 

 

Và hình ảnh ngày hôm nay Quý Vị đến đây, chúng tôi muốn nói trong âm nhạc Việt Nam, cho dù ở nơi nào thì tâm hồn Việt am vẫn rung động, rung động từ trái tim, rung động từ tình yêu quê hương đất nước.

 

Vì vậy Phiến Đan xin nhắc đến một người. Một người mà ngày hôm nay tất cả mọi người chúng ta đến đây để chào mừng ông, chào mừng dòng nhạc của ông, người đã bắt đầu viết nhạc từ năm 1976 trong giai đoạn mà đất nước trăn trở đau thương sau năm 1975.  Nhưng ông vẫn rung động, cái rung động riêng tư của một người trẻ bế tắc trong cuộc sống nhưng ông vẫn viết.  Và viết ra sao?

 

Năm 1980 ông rời Việt Nam theo đoàn người tị nạn và khi đến trại tị nạn ông lại tiếp tục viết. Sau đó năm 1985 ông lại không đi vào nghề âm nhạc của mình mà ông lại là một người đi theo nghề báo như là một cái nghiệp dĩ đã được chọn lựa  trong dịnh mệnh của ông.

 

Tác giả và túi quà kỷ niệm của vợ chồng Nhạc trưởng Lê Văn Khoa (bìa trái và phải)  tặng khi chia tay, bên cạnh là Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

 

 

Thưa Quý Vị,

 

Ông làm báo trong suốt 30 năm, là một người thành công trong cộng đồng người Việt tại Úc Châu, nhưng cái dòng máu, cái nợ của nghệ thuật vẫn luôn mang đến cho ông, vì vậy ông lại vẫn tiếp tục viết  năm 2012 và ngày hôm nay, thưa Quý Vị, tuổi đã cao nhưng ông vẫn không mòn mỏi và thôi thúc cái tình quê hương đã đến trong lòng ông sau biến loạn của quê hương.  Ngày hôm nay, ông tiếp tục cho ra đời những hợp ca Từ Bạch Đằng Đến Biển Đông, ông  đã tiếp tục viết Dòng Máu Việt Nam và Đứng Dậy Dân Ta Ơi.

 

Thưa Quý Vị,

 

Một người mà chúng tôi muốn giới thiệu ở đây, mang đến cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ chúng ta, những dòng nhạc mới, thanh âm của ông ra sao, xin Quý Vị cùng chúng tôi theo dõi chương trình Tình ca Hát Cho Việt Nam.

 

Thưa Quý Vị,

 

Phiến Đan xin cùng Quý Vị chào  đón nhạc sĩ Nguyễn Hồng Anh đến từ Úc Châu.

 

* * *

 

Quả là những lời giới thiệu đầy yêu mến những ca khúc của tôi dù Phiến Đan chỉ được nghe trong vài tháng gần đây thôi. Tôi cảm thấy cô phải yêu nhạc của tôi như thế nào mới có thể làm được một công việc mà nhà thơ Du Tử Lê gọi là “nhiêu khê phức tạp” để tổ chức, giới thiệu dòng nhạc của một người viết ca khúc mới toanh như tôi.

 

Chúng tôi không biết nhau – ban tổ chức, ca sĩ, nhạc sĩ nhưng sau một thời gian chuẩn bị, với hai buổi tập dợt, bỗng thấy rất gần gũi. Rồi sau buổi trình diễn, có một tối họp mặt chia tay ở nhà Phiến Đan và phu quân của cô là Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, chúng tôi hát cho nhau nghe. Tôi lại được dịp quen biết với vợ chồng nhạc trưởng Lê Văn Khoa và ca sĩ Ngọc Hà qua những bữa cơm thân mật Phiến Đan thết đãi.

 

Tiệc chia tay tại nhà Phiến Đan:  đang xem video quay buổi trình diễn Tình Ca Hát Cho Việt Nam

 

Những email trao đổi cho nhau giữa ban tổ chức và nghệ sĩ kéo dài cho cho đến ngày vợ chồng chúng tôi rời Orange County và nhận được lá thư của trưởng ban tổ chức, viết cho tôi, nhưng tôi lại muốn chia sẻ với bạn đọc TiVi Tuần-san vì có lẽ với tư cách của một người tổ chức, cô Phiến Đan có cái nhìn tổng quát và khách quan về buổi văn nghệ, các giọng ca và nhất là dòng nhạc của tôi hơn là chính tác giả. Lá thư từ vạn dặm:

 

Kính anh,

 

Cám ơn anh về những ký ức đã ghi lại trong chuyến đi mang nhiều kỷ niệm, vui có lo âu có và hạnh phúc đong đầy.

 

Các bạn hữu của show diễn thiện nguyện cho công chúng trong chương trình Tình Ca Hát Cho Việt Nam cũng đều đón nhận niềm vui đó vì sự thành công đã cho thấy mọi người đã chọn lựa một cách đúng đắn  những ca khúc mà họ đã hát. Họ có thể chọn sàn diễn, ca khúc nhưng họ không thể chọn được những khán giả thật tâm với quê hương và tình người.

 

Nhưng ở sàn diễn của Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh  đã cho thấy sự chọn lọc của người đến xem đã đồng hành ý niệm của ca khúc, tâm tình của tác giả và sự chuyên nghiệp của các giọng hát  Quận Cam.

 

Thật không thể tan biến được cảm giác tự hào của một người Việt Nam qua tiếng hát Trần Ngọc đầy mạnh mẽ.

 

Ngọc Hà là giọng ca của những chương trình mang tính cổ điển, chị từng hát trên sân khấu quốc tế của Ukraine và trong những buổi diễn của những dàn giao hưởng. Đây là lần đầu tiên chị hát nhạc của Nguyễn Hồng Anh, một nhạc sĩ mới toanh nhưng chị cho biết chị có nhiều cảm xúc khi hát  Everybody Wanna Go Away. Và quả thật giọng chị thật mượt mà dù là lời tiếng Anh hay tiếng Việt, chị cũng đều tạo sự thành công cho tiếng hát của mình và dòng nhạc mới Nguyễn Hồng Anh.

 

Không thể không nhớ giọng trữ tình của đôi uyên ương Mạnh Hùng – Ngọc Diệp rất đạt trong ca khúc Xuân Ly ngọt ngào và đầy thương cảm. Và chắc chắn người ta cũng không thể quên thân phận cô đơn và ray rức qua giọng hát cao vút và nức nở của Kim Yến trong Đêm Đại Dương, giai điệu đó cứ quay quắt mãi cho đến bây giờ.

 

Kim Thoa hát lại ca khúc Thiền Sư Xuống Núi cho tác giả nghe trong buổi tiệc chia tay

 

Cũng không thể quên giọng Kim Thoa dí dỏm và đầy kịch tính khi hát ca khúc đắc ý nhất của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Anh. Sự dí dỏm đưa đẩy cho khán giả bất ngờ và ngẩn ngơ. Thì ra đó chỉ là một câu chuyện thiền từ  Câu Chuyện Dòng Sông của nhà văn Hermann Hesse.

 

Nếu nói đến hồi ức thì có lúc chúng ta cũng phải nhớ mình đã từng bị thu hút bởi cách diễn rất sexy và rất hot của ca sĩ Hương Thơ qua Điệu Vũ Thuyền Nhân hòa trong tiếng keyboard rất chuyên nghiệp của Huy Cường, tiếng guitar rất phong cách của Cao Vinh Quang.

 

Và cùng như thế giai điệu của Nguyễn Hồng Anh đã tiếp tục chinh phục thính phòng khi Hoan Nguyễn hát rất tha thiết ca khúc Dư Hương với giọng ngọt và lưu luyến quá, dù là ca sĩ trẻ nhưng Hoan Nguyễn đã thể hiện đúng mức sự rung động của tình yêu, một mối tình sâu kín có lẽ tác giả muốn dành cho ai đó?

 

Suốt nhiều tiếng đồng hồ, hội trường Việt Báo hoàn toàn chỉ có sự im lặng trân trọng và kết thúc là tiếng vỗ tay, thỉnh thoảng là tiếng huýt gió ở đâu đó dành cho ca khúc và ca sĩ. Nhưng đến khi Bùi Khanh hát Của Hồi Môn với điệu twist thì khán phòng bỗng nhộn nhịp bởi sự đối nghịch của phong cách biểu diễn, những tiếng cổ vũ nhiều hơn, ồn ào hơn vì giọng anh hay và ấm, cho thấy ca khúc đã được chọn lựa thích hợp cho giọng hát  nhưng giá anh chịu khó di chuyển năng động  theo giai điệu thì có lẽ đây sẽ là bài hát vui nhộn và đáng yêu nhất chương trình.

 

Nhiều giọng ca không bao giờ xuất hiện trên sân khấu trong vai trò ca sĩ như anh em nhạc sĩ Nguyễn Hồng Anh nhưng cũng tạo bất ngờ lý thú với ca khúc Tình Mê, nếu không yêu sao lại mê thế mà giọng cô em gái Bích Hà cao vút, ngọt ngào và cũng ngây thơ lắm đã làm sống lại một thời sinh viên của bao người.

 

 

Chưa nghe vì có nhiều ca khúc?! Các ca sĩ thân hữu ngạc nhiên khi tác giả hát “bi ca” Nghe Về Nỗi Nhớ trong CD-2 với sự đệm đàn của nhạc sĩ tây ban cầm  Cao Vinh Quang (trái) và nhạc sĩ Đinh Trung Chính

 

Điều đáng lưu ý là chưa bao giờ nhạc sĩ Nguyễn Hồng Anh hát hay hơn hôm công diễn  ở Việt Báo. Anh ôm đàn rất nghệ sĩ, hát ấm và rất tha thiết, nghe qua Chiều Viễn Xứ Chiều Nhớ Quê Hương với giọng anh lúc này mới thấy thấm  thía nỗi lòng của anh ở trại tị nạn Galang 1980, buồn và rất cô đơn!

 

Nhưng có lẽ chương trình mang sự sôi động và đầy sức thuyết phục nhất là khi các ca sĩ lên sân khấu để hát hợp ca hai ca khúc Từ Bạch Đằng Đến Biển Đông và Dòng Máu Việt Nam.

 

Hai ca khúc này đã mang đến cho buổi diễn sự ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ từ giai điệu đến ca từ, rất hùng khí, rất dũng cảm  và đầy tự hào của một dân tộc với cả một lịch sử chống giặc Tàu phương bắc.

 

Cám ơn nhạc sĩ Nguyễn Hồng Anh đã viết những ca khúc hay và ý nghĩa để tất cả chúng ta có cơ hội đóng góp vào làn gió âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại với những ca khúc rất giá trị. Phải nói là tất cả chúng ta đều muốn nói với anh lời cám ơn, cám ơn anh đã thay chúng ta viết lên những tình khúc rất Việt Nam.

 

Nhân mùa lễ Tạ Ơn, nhóm Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh – Tình Ca Hát Cho Việt Nam xin chúc anh luôn khỏe và thành công với những ca khúc rất thời đại.

 

Thân quý,

Phiến Đan

 

* * *

 

Trong lời mở đầu chương trình, tôi đã có những lời cám ơn như “sâu xa nhất” để nói với Phiến Đan. Bởi nếu không có Phiến Đan thì người Việt ở Quận Cam, cái nôi văn hóa và âm nhạc của người Việt tị nạn ở hải ngoại đã chưa biết dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh là cái chi chi.

 

Thế là bạn đọc TVTS đã biết được tại sao lại có chuyện “mang chuông đi đánh xứ người” và tiếng chuông đó đã “vang” như thế nào. Phiến Đan coi đây là một niềm hãnh diện cho người Việt ở Úc, như cô.

 

Nguyễn Hồng Anh

 

Melbourne 22.11.2014

 

Bấm link:  nhận xét của Võ Thị Minh Phượng, một khán thính giả đã dự chiều nhạc “Tình Ca Hát Cho Việt Namtại hội trường Việt Báo

 

Link:   video  Phiến Đan phỏng vấn Nguyễn Hồng Anh trên chương trình Văn hóa và  Con người của Little Saigon TV tại Quận Cam