Kể chuyện đường xa: những người Cali (7)

26 Tháng Một, 2015 | Mỹ châu

 

Nguyễn Hồng Anh

 

 

 

Hiếu khách: Ký giả Kiều Mỹ Duyên (phải) tiếp Nguyễn Hồng Anh tại văn phòng của bà ở Garden Grove, Quận Cam. Hình: TVTS

 

 

Tôi đi du lịch nhiều nước không theo kiểu đi tour có người hướng dẫn mà tìm hiểu trên mạng lưới trước, sau đó đến tận nơi hỏi han để xem chỗ nào hay ho hấp dẫn thì lần mò đi tiếp.  Đi kiểu này mất thì giờ nghiên cứu, có lúc gặp nguy hiểm như đã từng xảy ra cho những du khách ba-lô, vì không phải mọi người địa phương đều tốt, hiếu khách.

 

Có hai nước tôi đã đi, đã được cảnh giác phải đề phòng trước khi đi, và khi đã trải qua kinh nghiệm đi một mình ra khỏi thành phố vào ban đêm vắng vẻ (tại Ai Cập) hay tới những vùng quê xa xôi (Ấn Độ), nghĩ lại thấy cũng hơi ớn, dù đó là hai cái nôi văn hóa của nhân loại.

 

Tôi có quen một thanh niên Nam Hàn tuổi ngoài hai mươi, du lịch Úc kiểu ba-lô, không những đã đến những nước khu vực Á Châu như Trung Hoa, Việt Nam (đã tập nói được vài câu tiếng Việt), Cam Bốt v.v… mà còn đi những nước ở Phi Châu, từ nam đến bắc, có khi đi bằng đường bộ qua những nước Trung Phi hiện đang có chiến tranh (một số nước anh đi không có visa, tức nhập cảnh lậu!) và anh khoe với tôi dân chúng ở những làng quê xa xôi rất dễ thương, rằng những người theo đạo Hồi ở đó rất tử tế, thân thiện, biết san sẻ cho khách lạ chứ không  như người ta mô tả trên truyền thông đại chúng. 

 

Nghe anh khen ngợi người địa phương một cách thành thật như thế, tôi nói với anh ta rằng  anh rất may mắn khi du lịch kiểu này mà còn sống,  và nếu họ nghi ngờ anh là gián điệp thì là chuyện khác! Đi du lịch kiểu anh người Nam Hàn này không tốn nhiều tiền mà biết được nhiều thứ, nhưng tính mạng có thể rất nguy hiểm. Chắc bạn đã từng nghe có những du khách bị giết vì cướp bóc hay bị bắt làm con tin?

 

Nhưng du lịch tự túc, nếu đừng quá mạo hiểm,  được cái lợi là muốn đi đâu tùy ý và muốn ở lại nơi nào tùy thích, hoặc là nằm dài ở khách sạn cho khỏe, kiểu nghỉ mát.

 

Tôi đã nghe một số người hàng năm đều có đi du lịch theo đoàn, nhưng sau nhiều chuyến đi, họ nói có lẽ sau này sẽ đi theo lối tự túc, chứ đi theo đoàn mệt quá: sáng sớm phải thức dậy đi, tối mới về khách sạn, rồi sáng hôm sau phải thức dậy sớm để đi tiếp, mà càng ngày tuổi càng cao, đi nhiều như thế không đủ sức đi kịp với người trong đoàn.

 

Tôi đã từng kể về kinh nghiệm đi du lịch trong hơn 20 năm qua của tôi. Bạn mua vé máy bay đến địa điểm chính, của một nước hay vài  nước, sau đó ngay tại khách sạn, bạn có thể tùy nhu cầu mua một hay vài chuyến đi tour trong ngày hay vài ngày. Du lịch kiểu này có tốn kém hơn lối đi du lịch theo đoàn, nhưng cho bạn nhiều thoải mái, nhiều sự lựa chọn.

 

Chuyến đi Mỹ lần này là một trong 3 chuyến đi  xa dài ngày nhất của vợ chồng chúng tôi: 20 ngày trở lên. Trước đó là chuyến đi Pháp và Bắc Mỹ (Đông Bắc Mỹ và Canada). Nhưng lần này không phải là du lịch mà để tổ chức ra mắt CD và trình diễn các ca khúc tôi viết hơn 30 năm về trước.

Nhưng dù là đi đàn hát, liên tục tham dự các buổi phỏng vấn, tôi vẫn ghi nhận hình ảnh và lời nói chung quanh để mang lại cho bạn đọc những gì mắt thấy tai nghe qua bút ký đường xa này.

 

* * *

 

Tôi đã gặp một số nhân vật truyền thông Quận Cam –là chủ nhân công ty hay nhân viên—và đã nói về họ qua những tiếp xúc thân mật hay xã giao.

 

Nhân vật làm truyền thông lâu đời ở Việt Nam và ở Mỹ mà tôi muốn kể với bạn đọc trong kỳ này là ký giả có bút hiệu Kiều Mỹ Duyên, tên thật  là An Nguyễn, một chuyên gia địa ốc hiện vẫn mở văn phòng trên đường Westminster  Ave, thành phố Garden Grove.

 

Ở Quận Cam hầu như ai cũng biết An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên. Tôi biết (chứ không quen) chị từ khi còn ở Việt Nam. Đó là vào đầu thập niên 1970 khi chị viết một bài về võ sư Choji Suzuki, người đầu tiên đem võ Karate của Nhật vào dạy ở Việt Nam. Tôi tìm đọc bài viết này trên tạp chí Ngày Nay sau khi một người bạn biết tôi là môn đồ của võ sư Suzuki,  nói ký giả Kiều Mỹ Duyên viết cuộc đời của võ sư người Nhật hấp dẫn như truyện kiếm  hiệp.

 

Sau đó tôi biết tại sao Kiều Mỹ Duyên viết hay như thế, bởi vì chị là vợ của anh Vĩnh Tung, lúc đó là sĩ quan Quân Cảnh, nguyên là một môn sinh huyền đai của Linh Trường Không Thủ Đạo (Suzucho Karatedo) mà võ sư Suzuki là chưởng môn.  Và khi qua Mỹ được dịp nói chuyện với chị, tôi được chị cho biết thêm chị từng du học một thời gian ở Úc (Canberra)  và quen biết với những người bạn của tôi như anh chị Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng (Tiến sĩ Hưng đã qua đời).

 

Nhưng với nhiều người ở lớp tuổi lớn hơn tôi, đặc biệt các quân nhân, Kiều Mỹ Duyên có thể không là cái tên xa lạ. Chị là ký giả của vài nhật báo của Sài Gòn từ giữa thập niên 1960 và là một phóng viên chiến trường, từng đi làm tin ở những nơi dầu sôi lửa bỏng, đặc biệt là vùng hỏa tuyến Trị Thiên.  Chị có tình yêu đặc biệt dành cho người lính Việt Nam Cộng Hòa, như tôi thấy trong cuốn bút ký “Chinh chiến điêu linh” chị tặng cho tôi khi đến thăm chị. Cuốn sách này xuất bản năm 1994 và tái bản năm 2008.

 

Tôi biết nhiều về Kiều Mỹ Duyên bởi đã nghe những hoạt động nghề nghiệp, xã hội, văn hóa và tôn giáo của chị mấy chục năm qua ở Quận Cam. Chị làm việc không ngừng, mở cửa văn phòng 7 ngày dù bây giờ có lẽ chị đã trên dưới 70 tuổi (tôi đoán thế). Và khi em gái tôi đến nhờ chị giới thiệu  các ca khúc của tôi trên đài, chị đã nhanh chóng giúp. Chị nói chị thích bài “Đêm đại dương” với giọng ca của Diệu Hiền.

 

Tôi ghé thăm chị để cám ơn mà không hẹn trước, nhưng chị tiếp tôi thân mật dù bận rộn với những cú điện thoại từ khách hàng địa ốc, chùa chiền… Chị ghi cho tôi những địa điểm nên đi xem và đề nghị phải đi chơi bằng một chuyến tàu cruise dọc bờ biển Nam California.

 

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái (phải) và tác giả tại Gypsy Cafe & Restaurant ở Westminster nơi lui tới quen thuộc của giới nghệ sĩ Quận Cam

 

Một nhân vật thứ hai mà tôi muốn kể với bạn là Đinh Quang Anh Thái, hiện là phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt. 

 

Tôi có những kỷ niệm ở Việt Nam với  Thái qua những lần bàn về tình hình chính trị của Việt Nam sau năm 1975  (Thái có nhắc đến tôi trong bút ký kể chuyện bị tù chung với nhà văn và nhà hoạt động chính trị Hồ Hữu Tường ở trại giam Phan Đăng Lưu), những buổi ca hát bỏ túi bên những ly rượu (thời đó tôi dạy thể dục thể thao còn Thái bán chợ trời). Nhờ chạy hàng ở chợ trời mà Thái biết nhiều chuyện và cùng với tài nói chuyện tiếu lâm về cộng sản nên có Thái thì không khí thêm vui. Cho nên tôi không lấy làm lạ khi qua Mỹ, nghề truyền thông đầu tiên mà Thái làm là ký giả của các đài phát thanh. Rồi sau này trở thành một MC nổi tiếng, dù đó là những buổi hội họp, ra mắt sách hay ca nhạc.

 

Từng tham gia nhóm Nguồn Sống thời sinh viên, Thái thật là một lãng tử chính hiệu.  Lại là một người hoạt động chính trị nên đã phải đi tù cộng sản vài năm, trước khi vượt biên định cư ở Mỹ. Vì vậy, Thái có lối sống xem ra bất cần đời.

 

Bạn có biết Đinh Quang Anh Thái có cái địa chỉ email như thế nào không?

[email protected].

 

Tôi hỏi đọc rõ ràng là gì, Thái nói: “cực kỳ cà chớn”, có như vậy mới sống nổi ở cái xứ mà Thái gọi là “Đất Thần Kinh”.

 

Tôi hỏi đấy không phải là mỹ danh nổi tiếng dành cho xứ Huế của tôi chứ? Thái nói “thần kinh” ở đây theo tiếng Anh là về lãnh vực “mental health, bởi ở nơi này có nhiều người bị… bệnh tâm thần”.   Đó là nhận xét của Thái về nơi anh đang sống trong một bữa ăn trưa anh mời vợ chồng và em gái tôi cùng đi. Anh bảo tôi cứ viết ra trên báo anh nói như vậy đó, không có gì phải ngại.

 

 

Bữa cơm gia đình với hai cô em gái: Nhạc sĩ Hoàng Thi Thao (thứ hai từ trái) bên cạnh cậu em rể (góc trái) có tài nấu ăn ngon và hát hay  

 

Tôi đã kể cho các bạn nghe hai nhân vật về truyền thông. Một nhân vật khác cũng nổi tiếng ở Quận Cam không kém, nhưng về lãnh vực âm nhạc: nhạc sĩ  Hoàng Thi Thao, cháu và là nghĩa tử của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

 

Anh là  một tay chơi vĩ cầm nổi tiếng ở Việt Nam mà hình như tôi nhớ không lầm, đã được báo chí thời đó gọi là thần đồng bởi Hoàng Thi Thao chơi đàn hay khi còn nhỏ tuổi.

 

Tôi chỉ  bắt đầu quen Hoàng Thi Thao khi gặp anh ở nhà vợ chồng một cô em gái khác của tôi ở Westminster vì anh là bạn vong niên rất thân với em rể tôi, một người có giọng hát rất hay mà vợ tôi nói lấy làm tiếc khi cậu em không có dịp hát nhạc của ông anh vợ.

 

Trước khi  gặp Hoàng Thi Thao, tôi đã được một người bạn ở cùng đảo cho biết người vợ của Hoàng Thi Thao chính là người vượt biên cùng ghe với tôi, một phụ nữ xinh đẹp giỏi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, làm thông dịch viên cho phái đoàn Mỹ. Chị là người thường hay đi nghe những buổi văn nghệ do tôi trình diễn hay tổ chức khi còn ở trại tị nạn Galang năm 1980.

 

Anh Thao lúc này không còn hoạt động âm nhạc nhưng khi nghe tôi có buổi trình diễn ở hội trường Việt Báo, anh đã tới dự. Anh khen nhạc của tôi hay, hợp với tâm tình của người tị nạn, tha hương,  của thời đại vì đất nước hiện bị nguy cơ ngoại xâm.

 

Khi cậu em tôi hát thử bài “Xuân Ly” tôi viết lời theo vần điệu thơ lục bát, vợ tôi cho rằng giọng cậu em rất hợp với ca khúc này vì thế,  nếu sau này có dịp trình diễn, sẽ mời hát. Nghe bài này, Hoàng Thi Thao khen hay và nói với vợ tôi phổ nhạc một bài thơ lục bát cho hay rất khó, bởi vì trong thơ lục bát đã có nhạc rồi. Ca khúc “Xuân Ly” đã được đôi uyên ương Mạnh Hùng – Ngọc Diệp song ca trong buổi trình diễn của tôi ở Quận Cam và được rất nhiều ca sĩ thân hữu khen hát rất đạt.

 

Tôi gặp Hoàng Thi Thao trong hai bữa cơm tối tại nhà vợ chồng em gái tôi. Hình như  thời gian đó tối nào anh Hoàng Thi Thao và bạn bè cũng đến nhà cậu em ăn uống bởi cả hai vợ chồng em gái tôi đều nấu ăn ngon. Cậu em làm  các món nhậu tuyệt vời trong khi cô em nấu món bún bò Huế và cá nục kho vợ tôi khen hết mình.

 

Hoàng Thi Thao dù đã tới tuổi 70, nhưng uống rượu rất khỏe. Anh thích uống cognac nhưng khi nghe tôi là người thích rượu vang, anh cũng tỏ ra rất sành về rượu vang. Có lẽ không lạ, bởi người anh (họ) của anh là tài phiệt Hoàng Kiều vừa mới đầu tư vài trăm triệu  làm  công ty rượu vang và đã mời tài tử Lý Băng Băng làm đại diện chính thức cho nhãn rượu  Kieu Hoang Winery.

 

Uống rượu nhiều, chén anh chén tôi nhưng Hoàng Thi Thao vẫn nhẹ nhàng trong câu chuyện như một gentleman. Anh biết rất nhiều và nhớ rất nhiều chuyện. Và cứ đúng giờ là anh đứng dậy ra về, chứ không ngồi lâu hơn, như đám chúng tôi. Lạ thật!

 

 

Tiệc tùng liên miên: Vợ chồng tác giả và vợ chồng Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (góc phải) và vợ chồng Nhạc trưởng Lê Văn Khoa (thứ hai góc phải) tại nhà trưởng ban tổ chức

 

Ngoài làm quen với giới nhà báo và nghệ sĩ, tôi còn được dịp quen biết với hai nhà khoa bảng nữa, đó là Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và Nhạc trưởng Lê Văn Khoa.

 

Giáo sư  Nguyễn Xuân Vinh  là người tôi ngưỡng mộ khi còn học trung học vì nghe danh ông là một người Việt Nam rất giỏi toán đang làm việc cho cơ quan NASA và sau đó tôi nghe ông có đóng góp vào việc vẽ quỹ đạo gì đó cho phi thuyền Mỹ lên không gian hay mặt trăng. Những người giỏi cỡ Nguyễn Xuân Vinh thường có nhiều huyền thoại quanh ông. Nhưng lạ nhất là nhà toán học còn viết văn với bút hiệu Toàn Phong và là vị đại tá tư lệnh đầu tiên của Không quân Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một người đạt đỉnh cao trong nhiều lãnh vực, thường được vinh danh là “niềm hãnh diện của người Việt Nam”.

 

Sau mấy chục năm dạy học ở Mỹ, Giáo sư  Vinh hiện nay đã về hưu và sống ở Quận Cam. Tôi quen biết ông qua cô Phiến Đan, vợ của ông. Phiến Đan là trưởng ban tổ chức chương trình “Tình ca hát cho Việt Nam” nên nhà vợ chồng cô trở thành nơi tụ họp, tập dợt. Không biết có phải vì vợ của ông là người tổ chức giới thiệu dòng nhạc của tôi cho cộng đồng Việt Nam ở Nam Cali hay không mà ông thích nhạc tôi và tạo điều kiện để anh chị em nghệ sĩ lui tới nhà ông ăn uống vui chơi. Tôi thấy ông có vẻ hài lòng với công việc “vác ngà voi” của Phiến Đan. Trước khi tôi qua Mỹ, Phiến Đan cho biết chồng cô thích nghe nhạc của tôi và không ngờ người làm business mà viết được những loại nhạc như thế.

 

Giáo sư Vinh là bạn của Giáo sư  Lê Văn Khoa, một nhạc trưởng và nhiếp ảnh gia nổi tiếng trước năm 1975.  Nhờ mối quan hệ này,  Phiến Đan đã mời được ca sĩ Ngọc Hà, vợ của Giáo sư Khoa tham gia chương trình văn nghệ của chúng tôi. Chị Ngọc Hà là ca sĩ hát cho các dàn giao hưởng quốc tế mà chịu hát cho chương trình của tôi là điều vinh hạnh cho tôi. Chúng tôi mới quen nhau nhưng đã có đôi chút  tình thân nhờ những buổi ăn tối ở nhà Giáo sư Vinh, những buổi tập hát hay hát cho nhau nghe trước khi chia tay.

 

Ca sĩ Ngọc Hà đang trình bày một ca khúc bằng tiếng Trung Hoa với phần đệm piano của Minh Ngọc, guitar của Cao Quang Vinh và Đinh Trung Chính (góc phải)

 

Cũng nhờ nhạc trưởng Lê Văn Khoa mà tôi biết được rằng bài quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa mở đầu bằng câu “Này công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng…” đã được Quốc hội VNCH  thông qua, nhưng sau này không biết vì lý do gì mà người ta sửa  thành “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi”.

 

Vị nhạc trưởng rất bình dị,  có vẻ nghệ sĩ hơn là một nhà mô phạm. Ông bảo tôi đừng gọi ông bằng giáo sư nên sau đó tôi gọi ông bằng anh dù năm nay ông đã 81 tuổi và tôi cũng chỉ mới quen biết ông.

 

Nhạc trưởng Lê Văn Khoa thường được người Việt ở hải ngoại gọi là cây đại thụ nhạc giao hưởng Việt Nam, có công đưa dân nhạc Việt Nam vào nhạc giao hưởng tây phương. Năm 2005 tại thành phố Melbourne, kỷ niệm 30 năm ngày mất Miền Nam, dàn giao hưởng Royal Melbourne Philharmonic Orchestra do nhạc trưởng Andrew Wailes điều khiển đã trình bày đại tấu khúc “Symphony Vietnam 1975” do nhạc sĩ Lê Văn Khoa viết, nói về lịch sử Việt Nam đặc biệt là sự đổi đời sau năm 1975. Nhạc trưởng Wailes đã hết lời khen ngợi tác phẩm để đời này của nhạc sĩ Lê Văn Khoa “…là một tác phẩm lớn về một thời điểm có thật, một quốc gia và con người thật… Nhạc rất hay, rất sắc sảo… là một tác phẩm rất hùng tráng…”.

 

Vợ chồng Giáo sư Trần Năng Phụng & Minh Ngọc (cặp thứ hai hàng sau từ trái) và nhạc sĩ tây ban cầm Cao Quang Vinh (hàng sau, thứ hai từ phải) trong bữa tiệc thân hữu chia tay Nguyễn Hồng Anh

 

Duyên văn nghệ của tôi với Quận Cam đã tạm kết thúc bằng buổi tiệc chia tay, lại cũng do trưởng ban tổ chức thết đãi tại nhà vợ chồng cô.  Ngoài các nhạc sĩ và ca sĩ trong  nhóm, Phiến Đan mời thêm vài người khách văn nghệ như  vợ chồng Giáo sư Trần Năng Phụng, ca sĩ Mộng Thủy  nhạc sĩ  Đinh Trung  Chính.

 

Cặp vợ chồng Ngọc Diệp – Mạnh Hùng trình bày ca khúc “Xuân Ly” được cho là rất đạt với tiếng đàn guitar của nhạc sĩ Đinh Trung Chính

 

Giáo sư Trần  Năng Phụng được gọi là “ông vua”  video nhạc  trên YouTube. Vợ ông là chị Minh Ngọc, dạy đàn piano. Nhạc sĩ Đinh Trung Chính là người có một số sáng tác được thính giả ở Quận Cam biết đến và ông chơi guitar rất xuất sắc.

 

Ca sĩ Mộng Thủy được Minh Ngọc đệm dương cầm với tiếng đàn của hai nhạc sĩ guitar

 

Cùng với nhạc sĩ tây ban cầm Cao Quang Vinh trong nhóm chúng tôi, tiếng đàn của Đinh Trung Chính quyện với tiếng dương cầm điêu luyện của chị Minh Ngọc, chúng tôi đã có một đêm ca hát cho nhau nghe thật vui, ấm cúng, dễ thương, là một kỷ niệm đáng nhớ cho chuyến “mang chuông đi đánh xứ người” của tôi.

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 20.12.2014

 

(TVTS số 1500  ngày  24.12.2014)