10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc. Bài 10: Từ cái duyên võ thuật đến ẩm thực, phong tục của người Nhật

28 Tháng Hai, 2008 | Nhật
Trong một tiệm nhật chính hiệu: đi chân không, ngồi phòng riêng

Du lịch một nơi mà bạn đã biết ít nhiều về nơi đó, chuyến đi sẽ thú vị hơn. Nhật Bản là đất nước không quá xa lạ với người Á Châu vì sự gần gũi về địa lý, văn hóa và nhất là cái mộng một Á Châu Đại Đồng của quân phiệt Nhật khiến nhiều quốc gia trong vùng Đông Á và Đông Nam Á Châu trở thành nạn nhân của họ trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Cái duyên của một thời mê võ thuật

Tôi tiếp cận với văn hóa và lịch sử nước Nhật qua sách vở, phim ảnh và nhất là qua những năm tháng theo học và tập luyện Không Thủ Đạo (Karatedo). Ở Huế thời đó có nhiều lò dạy võ, từ võ Bình Định, Thiếu Lâm, Việt Võ Đạo (Vovinam) cho đến võ Nhu Đạo (Judo), Thái Cực Đạo (Taekwondo). Thậm chí còn có võ Thần Quyền ở đảo Cồn Hến gần Vỹ Dạ, một thứ võ mà tôi nghe nói khi luyện tập võ sinh niệm chú uống bùa và đánh theo lối võ tự do. Tôi đã chứng kiến một trận đấu của một môn sinh Thần Quyền với các bạn đồng môn và kinh ngạc vì sự dũng mãnh và không biết sợ của họ, có lẽ nhờ uống bùa và tin tưởng vào thần linh.

Nhưng  môn võ mà tôi thích nhất vẫn là Không Thủ Đạo (Karatedo). Kara, có nghĩa là không; te là tay; do là đạo. Võ được người Nhật coi như một thứ đạo. Môn võ trên danh xưng dùng tay không nhưng thực chất vẫn dùng chân, kết hợp cả quyền lẫn cước.

Nước Nhật là cường quốc kinh tế,  thắng cảnh quá đẹp  lại là nơi sản xuất nhiều môn võ được thế giới biết đến, nhất là những chàng kiếm sĩ samurai. Các huyền thoại được thêu dệt quanh những vị chưởng môn của các môn phái Không Thủ Đạo, Nhu Đạo, Hiệp Khí Đạo (Aikido) là một trong những lý do khiến tôi tìm học võ Nhật.

Dưới chân cầu Đông Ba ở đường Võ Tánh có một ngôi nhà gác ba gian do ông bà Phan Văn Phúc làm chủ, dùng làm nơi dạy võ được dân học võ gọi ngắn gọn là “Lò Suzuki”. Tên chính thức của võ đường là Linh Trường Không Thủ Đạo (Suzucho Karatedo). Gian đầu tiên là nơi tiếp khách và làm việc (may võ phục), gian thứ hai là sàn thảm (tapis, đặc biệt dành tập Nhu Đạo) và gian sau là phòng tập nền xi măng, dành cho Không Thủ Đạo.

Phan Văn Phúc là tên Viêt Nam của ông Choji Suzuki, một sĩ quan của quân đội Thiên Hoàng. Nhật thất trận, chàng trai mới ngoài 20 tuổi không về nước mà ở lại Việt Nam, lấy vợ, sinh được ba người con. Cuộc tình của chàng võ sĩ xứ  Phù Tang với cô gái xứ Bình Định (Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định cầm roi đi quyền)  đã từng là một đề tài hấp dẫn trên báo chí Miền Nam khoảng đầu thập niên 1970.

Trước khi sang Việt Nam, Đại úy Choji Suzuki đã mang đệ nhị đẳng Nhu Đạo và đệ tứ đẳng Không Thủ Đạo. Ông đã bắt đầu dạy võ cho người Việt từ thập niên 1950, nhưng chỉ đến giữa thập niên 1960 mới hành nghề một cách chính thức, được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cấp giấy phép mở võ đường.  Không Thủ Đạo là môn võ có nhiều môn sinh theo học và chính “Lò Suzuki” ở chân cầu Đông Ba đã đào tạo nhiều cao đồ hiện nổi tiếng ở hải ngoại và quốc nội như  Hạ Quốc Huy, Nguyễn Xuân Dũng (tức Nguyễn Văn Quan),  Ngô Đồng, Khương Công Thêm, Lê Văn Thạnh…

Học võ ở Huế thời trung học và làm huấn luyện viên một thời gian ở Sài Gòn thời hậu đại học dẫu sao cũng đã giúp tôi biết thêm về con người và văn hóa Nhật, do đó khi đến Nhật tôi không quá bỡ ngỡ mà có cảm tưởng như là mình trở về một nơi quen thuộc. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng, khi muốn du lịch một nơi nào, cần tìm hiểu về đất nước và con người của nơi đó trước, trừ phi bạn tới đó chỉ để nghỉ mát, nghỉ xả hơi mà thôi.

Đệ nhất khoái: ăn uống ở Nhật ra sao?

Từ nhỏ đến khi khôn lớn, tôi không hảo xực cho lắm, có thể do tôi bị người lớn nhồi sọ bởi những câu như  “ăn đê mà sống chứ không phải sống để mà ăn” hoặc “miếng ăn là miếng nhục”.  Vì vậy, tôi chỉ hảo cái uống mà thôi. Uống cà phê, uống rượu, uống bia. Uống thấy có vẻ sang hơn mặc dù uống nhiều, quá độ cũng phàm tục như  ăn.

Nhưng khi sang Úc và đã bước qua ngưỡng cửa “tam thập nhi lập”, tôi lại bắt đầu có quan niệm khác về cái ăn, bởi đất nước này quá sung túc và thực phẩm quá tràn trề, ê hề. Hồi đó tôi thấy những người không xu dính túi như  những người tị nạn vừa đặt chân đến  Úc như chúng tôi vẫn thoải mái ăn nhậu nếu chịu khó đi làm. “Nước Úc May Mắn” quả là thiên đàng của dân thích ăn nhậu.

Tôi đổi lại cách ngôn mà ông bà thường dạy bằng lối nói mới “sống… để mà ăn”, “miếng ăn là miếng… vinh quang”, “có của cải mà không ăn cho sướng miệng và khoái bụng, chết nào có ích chi”!

Bởi vậy, trong những lúc đi du lịch, cái thú của tôi sau một ngày đi tham quan là ăn tối. Buổi cơm tối là “giờ thánh” của tôi.

Vào tiệm ăn này, phải cởi giày dép, cất trong các hộc

Vào nhà hàng phải cởi giày dép: Tối đầu tiên trên đất Nhật, chúng tôi phải tìm cho ra một tiệm ăn Nhật chính hiệu mới được, mặc dầu hơi “sợ” món Nhật bởi có một lần, đã lâu lắm rồi, ăn ở một tiệm Nhật ở vùng Richmond do người Hoa làm chủ, chúng tôi chọn một con tôm hùm thật lớn mà họ làm theo kiểu Nhật. Đây là lần đầu tiên ăn món ăn nấu kiểu Nhật, nhưng chúng tôi đã quen lối Tàu, nấu kiểu này không ai ăn được, nhất là đụng phải thứ mù tạt cay nồng là wasabi, chịu không nổi. Từ đấy, nghe nói đến món Nhật là chạy dài…

Cho đến khi nghe đồng nghiệp Trường Kỳ ca tụng quá xá món sushi (cơm nắm cá sống), chúng tôi mới tập ăn và dần dần làm quen với thứ mù tạt màu xanh xanh hấp dẫn kia.  Ăn sushi vào buổi trưa, uống với coca cola. Chúng tôi chưa thấy ngon khi mua về nhà ăn tối, uống với rượu vang hay bia. Nhưng vẫn còn dội với món sashimi (gỏi cá sống).

Lang thang ở một hồi ở vài con đường trong khu Ginza (nơi có khách sạn Mercure Hotel Ginza chúng tôi ở) để quan sát các nhà hàng, cuối cùng chúng tôi quyết định cứ vào đại một tiệm ăn.

Bước vào cửa tiệm là chúng tôi được mời bỏ giày dép ra, cất vào trong một cái cái hộp trên tường như các thùng thư ở bưu điện. Chúng tôi được mới lên lầu. Từ các bậc cầu thang cho đến sàn nhà, tường ngăn các phòng ăn, tất cả đều bằng gỗ, bóng loáng. Tôi chỉ thấy nhà kiểu Nhật trong phim ảnh, nay được ăn nhà hàng kiểu Nhật, nên rất thích.

Có điều là ngôn ngữ bất đồng, các nhân viên không nói một chữ tiếng Anh nào ngoài tiếng Nhật của họ. Chúng tôi được mời vào một cái phòng nhỏ, chỉ chứa tối đa 4 người ngồi. Gọi phòng là quá đáng, chỉ giống cái ô, được ngăn cách bởi 3 mặt tường gỗ. Nhìn sang hai phòng bên cạnh, chúng tôi thấy một phòng rộng và sáng hơn, có khoảng sáu bảy thực khách ngồi quanh chiếc bàn dài với những món ăn như lẫu, bởi có lò lửa đang cháy.

Ở phòng khác, thực khách ngồi dưới đất, xếp bàn hoặc co chân bên cạnh cái bàn thấp với thức ăn và rượu bia. Phòng nào cũng có nam và có nữ, ra vẻ là bạn bè, đồng nghiệp hơn là tình nhân. Và như các ông, các bà cũng uống bia, chuyện trò rất tự nhiên. Họ không nói lớn tiếng như  tôi thường thấy trong các bàn nhậu của Mít tộc, Hán tộc hay ồn ào như nhiều nhà hàng Úc trên phố, ngoài biển.

Trước tiên, tiếp viên đưa cho khách khăn lau mặt ướp lạnh. Họ đem ra hai đôi đũa đặt trong hai ống tre cắt một nửa phần trên. Đây là những đôi đũa tre dính vào nhau mà chung ta thường thấy ở một số nhà hàng, xài xong dục.

Tiếp viên đưa cho chúng tôi một cái thực đơn toàn chữ Nhật. Tôi xin họ cái khác có hình vẽ, nhưng cái thực đơn mới cũng chỉ có được 3 cái hình. Vậy cũng tạm được. Nhà tôi cho rằng  ăn bất cứ món gì của nước nào, nêu chưa quen, cứ gọi món nướng là dễ ăn. Đèn bóng màu vàng mờ mờ lý tưởng cho chỗ ăn uống, nhưng không giúp chúng tôi thấy rõ hình trong thực đơn là gì. Tôi chỉ vào một cái hình, làm dấu ngọn lửa bằng cách chỉ vào nồi lửa của phòng bên cạnh, hy vọng tiếp viên hiểu ý chúng tôi muốn ăn món nướng.

May thay, chúng tôi được cho ăn món thịt heo vằm cắt thành lát, đã làm chín và nay chỉ việc để trên phiến đá đã đốt cháy để giữ cho thức ăn nóng. Ăn món ăn đầu tiên của Nhật mà không “sợ” là thấy cũng mừng rồi!

Chúng tôi kêu món thứ hai, chỉ một vật hình màu đỏ trong thực đơn, hy vọng đó là thịt bò, nhưng khi dọn ra lại là món cá sống. Những thỏi cá sống cắt vuông được đặt trên miếng lá nhỏ như lá chuối xếp với củ cải trắng bào sợi. Dưới lớp lá xanh là đá bào để giữ lạnh. Có hai thứ nước tương nhưng tôi vẫn không rành là tương gì. Sau này mới biết mỗi khi dọn gỏi cá sống, người Nhật kèm củ cải trắng bào thành sợi, có mục đích giúp tiêu hóa dễ dàng sau khi ăn đồ sống, chứ không hẳn dùng để trang trí.

Món gỏi cá sống sashimi: từng miếng thật dày, quen rồi thì ngon

Nhà tôi chỉ cắn một miếng là dội ngay. Còn tôi, đã quen ăn oyster sống, nên cá sống không có mùi tanh như gỏi cá sống của Nhật không là vấn đề. Lại cũng tạm được, vì thực ra, có những món phải ăn nhiều lần, quen rồi mới thấy ngon, thèm.

Gọi món thứ ba, tôi chỉ qua bàn bên cạnh. Hơi ngại vì nhìn người khác đang ăn, nhưng tôi nghĩ họ sẽ thông cảm bởi chúng tôi là người ngoại quốc. Họ dọn ra cái bếp ga bằng gỗ cũ kỹ, chứng tỏ đã xài nhiều. Tiếp đến là cái chảo bằng đá cong kiểu cọ ở trên là những miếng mực được xắt lát nhỏ. Họ bật lửa và thế chúng tôi có món đồ biển xào. Món mực này của Nhật cũng chẳng khác Việt là bao, chỉ khác nhau ở mùi vị nêm nắm. Nhưng tôi thích khung cảnh ngồi ăn yên tĩnh như thê này, đôi chân lại được giải phóng, nên có ngồi kiểu nước lụt, vừa ăn vừa dùng bàn tọa mát xa bàn chân đi bộ cả ngày.

Người ta nói, đồ ăn ngon chưa đủ, phải có người cùng ngồi hợp gu và khung cảnh ăn ấm cúng  thì ăn mới ngon, mới tận hưởng cái đệ nhất khoái. 3 ly bia và 3 món ăn, tổng cộng 4,910 Yen, khoảng 58 Úc kim.

Quốc hồn quốc túy: Người Nhật nổi tiếng với các món cá sống. Cá sống mà không có mùi tanh. Hai món phổ thông của họ là sushi và sashimi. Hôm chúng tôi đi thăm cố đô Kyoto, có vào ăn ở một nhà hàng băng chuyền gọi là Kaiten sushi thỉnh thoảng thấy ở trên phố Melbourne.

Nhà hàng này khá lớn với đường băng chuyền chạy qua nhiều khu vực khác nhau, nên khi các món ăn đi qua mà không lấy ngay, thì phải đợi chạy vòng lại khá lâu. Các món sushi thì ít  nhưng sashimi thì nhiều, nhà tôi chỉ ăn được món tôm đã làm chín. Còn tôi, mọi thứ đều ăn được, chỉ hợp khẩu hay không mà thôi.

Nhưng đây là lần đầu tiên tôi ăn gỏi cá mà cảm nhận mùi thơm lừng của miếng cá sống màu cam tôi nghĩ là cá hồi. Ngửi thì không có mùi, nhưng khi vào miệng, thấm trong lưỡi, mùi thơm mới bốc ngược từ cuống họng ra mũi như  mùi vị cay của mù tạt wasabi. Lạ thật!

Chúng tôi uống hai ly bia, ăn mười đĩa giá từ 120 Yen đến 500 một đĩa. Tiếp viên đếm chồng dĩa rồi nhìn màu và hoa văn của đĩa để biết giá mà tính tiền. Tổng cộng 3,520

Yen, khoảng 41 đô. Cũng dễ chịu.

Các món “nhập cảng”: Ở khách sạn Mercure có nhà hàng riêng, hàng ngày có quảng cáo các món ăn của Pháp, trung bình một đĩa (main course) từ  $35 đến $40 Úc kim, giá cũng tương đương với một đĩa beefsteak  trong các nhà hàng ngoài đường phố.

Trong mười đêm ở Nhật, có 3 đêm chúng tôi ăn tối ở nhà hàng có tên Ramla, cái tên mà tôi ghi ra được nhờ anh tiếp viên vui tính đưa cho cái danh thiệp của nhà hàng. Số điện thoại là 03(3661)3937 và địa chỉ mạng www.ramla.net.  Cái biên nhận tính tiền (cũng như của mọi nhà hàng khác) hoàn toàn bằng tiếng Nhật ngoại trừ tiền bằng con số, chẳng giúp tôi ghi lại được gì để bạn đọc có thể đến ăn sau này.

Trước cửa và trong tiệm Ramba chuyên nấu các món Đại Hàn ở khu Ginza (mang tạp dề khi ăn món nướng)

Nhà hàng này nằm trên lầu,  bàn ghế trang trí và không khí giống các nhà hàng Tàu. Có rất nhiều bàn với trên một chục tiếp viên trẻ đồng phục chạy lăng xăng. Khách tới ăn rất đông, có lúc phải xếp hàng chờ khoảng 20 phút đợi khách cũ ra về. Có lần chúng tôi đến và họ nói rất tiếc đêm nay không còn chỗ.

Anh tiếp viên của chúng tôi là một người từ Hoa Lục sang du học được bảy năm và có dự tính cưới vợ Nhật để ở lại. Anh nói được ít tiếng Anh, cho biết tuy đây là tiệm Nhật, nhưng các món ăn phần lớn nấu theo kiểu Đại Hàn.  Trong ba lần ăn, chúng tôi chọn món thịt heo nướng chảo ăn với rau sống và nhiều loại sốt khác  nhau, đặc biệt là với món cải chili Đại Hàn mà đã lâu lắm rồi nay mới có dịp ăn lại. Ngon mà rẻ,  chưa tới 4000 Yen cho hai người bao gồm ba ly bia.

Du lịch Nhật, nếu bạn muốn  tiết kiệm, có thể ăn các tô/đĩa mì. Mì nóng kèm với thịt hay tôm, rau củ. Hoặc mì lạnh chấm với nước chấm cũng lạnh và kèm với hành lá, gừng, thích hợp với mùa hè. Các tô/đĩa mì và gia vị được dọn trên một cái khay gỗ, chứ không để trần trên mặt bàn như ở các tiệm Việt-Hoa. Chúng tôi có ăn mì Nhật cả nóng lẫn lạnh trong nhà hàng có máy lạnh, giá khoảng 1,600  đến 1,700 Yen (18-19 đô).

Nếu muốn tiết kiệm hơn nữa, có thể ăn ở các nhà hàng McDonald. Cách khách sạn Mercure chừng 20 mét, có McDonald mở cửa 24 giờ. Một cái BigMac 490 Yen (khoảng $5.70 đô); large chip 290 Yen và large coke 200 Yen. Đắt hơn ở Úc, nhưng là món ăn rẻ nhất, tiện nhất ở xứ hoa anh đào.

Bởi phần lớn người Nhật không nói được tiếng Anh, cũng là một điều rất bất tiện. Khu Ginza nổi tiếng là khu sang trọng, có nhiều du khách ngoại quốc, vậy mà nhiều nhà hàng, tiệm ăn ở trên đường phố (ngoại trừ trong khách sạn hay những nơi đại sang trọng khác mà chúng tôi chưa có dịp đi)  cả không có cái menu song ngữ để khách chọn, chứ nói gì tới việc các tiếp viên nói được tiếng Anh để khách đặt. Chỉ được cái là họ vui vẻ.

“Tai nạn” của bất đồng ngôn ngữ: Nhưng bù với sự vui vẻ đó, có hai  lần chúng tôi đặt một đường, nhận một nẻo.

Đó là bữa ăn trưa trên nhà hàng ở Landmark Tower Shoppping Centre ở thành phố Yokohama, nằm trong cái tháp 296 mét cao nhất nước Nhật. Nhà hàng có tên Chef’s nằm ở lầu 5, chúng tôi chọn cái bench đặt sát bức tường bằng kiếng  để ngắm biển. Bởi đây là buổi trưa, chúng tôi không có thói quen ăn nhiều nên dự tính kêu một đĩa ăn chung.  Còn tôi cứ uống bia là đủ no, nhất là với thời tiết trên dưới 35 độ.

Người chạy bàn chỉ nói được vài chữ tiếng Anh như  vâng, cám ơn. Bởi vậy, chúng tôi phải gọi anh ta ra ngoài cửa, chỉ vào các mẫu thức ăn bằng nhựa trình bày trên chén đĩa trông như thật. Tôi gọi một đĩa beefsteak và thay vì chọn khoai chiên hay khoai hầm, nhà tôi lại chọn cơm nấu theo kiểu Nhật, trông như cơm nếp trộn với đậu đỏ nằm trong cái đĩa cá hấp. Tôi hỏi chọn vậy có được không, anh ta gật đầu OK.

Tôi làm dấu 1 ngón tay, chỉ vào nhà tôi. Chỉ vào người tôi, tôi đưa tay làm dấu 1 bia và nói thứ tiếng Anh đơn giản nhất: vợ tôi ăn, tôi không ăn. Tôi hỏi anh ta hiểu không, anh ta nói OK, cộng thêm một tràng tiếng Nhật, nhưng cái cách anh làm dấu để xác nhận  lại làm cho tôi hơi nghi ngờ anh ta thật ra chưa hiểu ý tôi, có thể họ nghĩ chúng tôi muốn đổi khoai và cơm, chứ hai người thì phải ăn hai phần. Nhưng làm sao để giải thích khi bất đồng ngôn ngữ? Nếu tôi biết được tiếng Hán như cụ Phan Bội Châu ngày xưa nói chuyện với người Nhật bằng bút đàm thì đỡ biết mấy.

Anh tiếp viên dọn ra ly bia. Sau đó mang ra hai chén xúp kiểu Nhật như là món khai vị. Tôi chỉ vào nhà tôi, ra dấu hiệu số 1, anh ta cười, nói được cả tiếng Anh “free!”. Tôi tin anh nói thật vì có thể đây là cách khuyến mại. Sau đó anh mang ra một đĩa beefsteak với cơm, vài phút sau, mang ra thêm một đĩa beefsteak với khoai. Thấy tôi cầm máy ảnh, anh ta đề nghị giúp chúng tôi chụp chung. Chúng tôi chỉ biết cười và cám ơn, không thắc mắc tại sao dọn hai đĩa.

Cái bill tính tiền: Đĩa thịt 1,980 Yen, đĩa cá 1,680 Yen và ly bia 350 Yen. Tổng cộng 4,010 Yen (khoảng $47 đô) là rẻ so với các nhà hàng trên thành phố Tokyo. Thế là chúng tôi đặt 1 phần, được tặng 2 (hai chén xúp), dọn 2 phần và tính tiền hai phần. May thay, bữa ăn trưa đó khá ngon miệng.

Nhưng bữa ăn  tức cười nhất là buổi tối cuối cùng ở Tokyo. Chúng tôi lại muốn đến một nhà hàng thật là Nhật, nấu toàn món Nhật.  Đi một vòng , cuối cùng chọn một nhà hàng bên ngoài nhìn vào thấy mờ mờ, chúng tôi nghĩ có thể giống nhà hàng đầu tiên mà chúng tôi phải cởi giày dép. Chúng tôi được mời ngồi ở phòng đầu tiên, sát cửa ra vào. Các phòng ăn được ngăn bởi các bức tường gỗ cao quá đầu người nên kín đáo, khách không thấy nhau.

Trên mặt bàn chúng tôi ngồi là một lò barbecue. Bàn khoét lỗ hổng rộng đủ đề đặt cái bếp bằng gạch nung, đốt bằng than củi. Ở ngay trên lò có hệ thông hút khói và mùi. Trời bên ngoài nóng mà mình ngồi nhà hàng ăn barbecue, đốt lửa than mà chẳng thấy nóng thì quả là thú vị. Ăn kiểu Nhật? Chúng tôi chờ đợi những bất ngờ.

Anh  chạy bàn có nụ cười tươi (tôi thấy anh chạy bàn nào ở Nhật cũng tươi cười) đem một  phiến đá trông giống cái thớt, hình tròn và có bản lề để có thể giở lên và gập lại, kẹp đồ nướng ở giữa. Anh ta hoàn toàn không nói chữ tiếng Anh nào, và chỉ vào phiến đá nói có vẻ thích thú: “Fuji-san”. Tôi hiểu đấy là cái thớt  đẽo từ đá lấy ở núi Phú Sĩ, Phú Sĩ  Sơn. Tôi không nghĩ anh này xạo với khách để làm tăng cái nét độc đáo của nhà hàng. Người Nhật có vẻ thành thật, thẳng thắn, từ bác taxi cho đến tiếp viên nhà hàng. Chúng tôi không lo bị gạt như khi đi du lịch ở các nơi khác.

Anh ta đưa cho tôi thực đơn bằng tiếng Nhật, tôi đẩy qua một bên, bảo anh lấy hai ly bia và dọn bất cứ món gì, bởi chúng tôi tin hễ cứ ăn đồ nướng thì an toàn cho khẩu vị của chúng tôi.

Món đầu tiên là những miếng thịt màu trắng. Chúng tôi chẳng biết là thịt gì vì không thể nhận diện dưới ánh đèn vàng chỉ đủ sáng để thấy mặt nhau. Gắp bỏ lên thớt đá, lật úp lại một bên để thịt nóng đều hai mặt. Chúng tôi gắp miếng thịt đưa vào miệng. Thịt gì mà dai thế này? Ăn miếng thứ hai, nhà tôi quyết đoán là lòng heo.

Mặn quá, chúng tôi gọi rau. Vừa nói tiếng Anh vừa thè lưỡi, nhăn mặt làm dấu hiệu mặn. Anh ta cười, đem ra cái đĩa chỉ vỏn vẹn 4 lá cải, to gần bằng bằng tay. Vậy là anh ta hiểu chữ rau. Nhưng trời ơi! Đĩa rau gì mà kỳ cục vậy. Chúng tôi tiết kiệm cuốn mỗi miếng thịt một lá cải. Gọi thêm rau. Lại dọn ra một đĩa mới với 4 lá cải. Thế này làm sao cho đỡ mặn? Mà nói thêm thì họ chẳng hiểu gì.  Chăc chắn tiền  các đĩa rau sẽ đắt hơn cả các đĩa thịt.

Chúng tôi cố gượng cười nhưng rồi cũng thấy buồn cười thật. Gọi món thứ hai, anh ta cười duyên, thè cái lưỡi của anh ta ra. Chúng tôi nhìn nhau,  và cùng thốt lên là đã lạc vào quán nhậu rồi. Mà ngay tôi, bình thường cũng chẳng thích ăn bộ đồ lòng, đầu hay chân của con vật.

Sau món lưỡi heo, chúng tôi gọi tiếp, anh tiếp viên lại vỗ vào má anh ta, rồi cười. Chúng tôi cũng cười theo vì chưa bao giờ được ăn kiểu này. Lại gọi thêm các đĩa rau để cuốn, vì mặn chịu không thấu. Lại cái đĩa 4  lá rau. Nhà tôi thắc mắc chắc nước Nhật đất hẹp nên hiếm rau cỏ. Chúng tôi gọi món cuối cùng. Anh ta đập vào mông.

Lần này mới thật có chút thịt, chúng tôi ăn được nhưng cũng đã no mất rồi. 4 đĩa thịt mà chẳng nhiều thịt, 5 đĩa rau với 20 cái lá cải (mỗi lá khoảng trên một đô), 3 ly bia (một ly 500 Yen), tổng cộng 7,480 Yen (khoảng 88 đô) là bữa ăn tương đối đắt trong thời gian chúng tôi ở Nhật, không ngon và hơi cành bụng.

Nhưng được ngồi trong một phòng riêng của nhà hàng, nướng thịt bằng than củi (như than củi ở Việt Nam ngày xưa), nướng trên đá của núi Phú Sĩ trong bầu không khí yên tĩnh, cũng là một cái thú, chỉ tiếc là mình không được biết trước sẽ ăn thứ gì.

Đời sống và con người xứ Phù Tang

Nhật là cường quốc kinh tế thứ nhì của thế giới, chỉ sau Mỹ. Lợi tức trung bình đầu người thuộc nhóm TOP 20, căn cứ theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) phổ biến vào năm 2005.

Đứng đầu là Lục Xâm Bảo ($81,511 Mỹ kim).

Mỹ hàng thứ tư với $43,223.

Úc hàng thứ 18 với $33,037

Nhật hàng thứ 20 với $32,530, hơn cả Pháp, Đức và Ý.

Việt Nam đứng hàng thứ 122 với $3,393 hơn các nước Miến Điện, Lào và dĩ nhiên Việt Nam còn hơn các nước nghèo đói bên Phi Châu như Ethopia, Congo.

Nhưng theo người hướng dẫn viên du lịch trong chuyến đi tour Phú Sĩ, lợi tức trung bình của người Nhật là 4.5 triệu Yen một năm (khoảng 53,000 Úc kim), lợi tức phụ nữ chỉ bằng nửa đàn ông và lương tối thiểu của một nhân công là 790 Yen một giờ (khoảng $ Úc1 kim).

Người Nhật khi đi làm phải để dành tiền để khi về già sống với tiền hưu của mình, chứ không tự động được chính phủ cấp tiền người già (pension benefit) nếu không có tiền hưu trí, như ở Úc. Những người thất nghiệp cũng có được trợ cấp khi quá cần thiết hay khẩn cấp, nhưng thủ tục cũng khá khó khăn. Vì ở Nhật, muốn làm việc là có việc, chỉ sợ lười mà thôi, bởi tỉ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 4%.

Nói chung, lợi tức trung bình của người Nhật tương đương với người Úc.  Họ chỉ hơn Úc về mặt sử dụng kỹ thuật tân tiến sớm và phổ biến, chứ về mặt nhà cửa và ăn uống thì thua xa. Nhà cửa nhỏ bé, rất đắt; thức ăn cũng đắt như tôi vừa trình bày ở trên. Một đĩa beefsteak ở Tokyo trung bình tới $40 Úc kim trong khi ở Docklands (Melbourne) hay ở Darling Harbour (Sydney) chỉ từ $21 đến $30 đô.

Theo ông hướng dẫn viên du lịch, không phải người Nhật nào cũng giống những người ở khu Ginza mà chúng tôi thường gặp ở các cửa tiệm thời trang hay các tiệm ăn về đêm. Ông nói thành phần đó chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng số 127 triệu dân. Theo ông, đời sống ở Nhật tuy cao nhưng cũng chật vật. Thanh niên ít chịu lấy vợ sớm và thường sống với cha mẹ ở các chung cư, cho dù đã ra trường, đi làm, để khỏi trả tiền nhà. Lập gia đình rồi, họ có khuynh hướng chỉ một con thôi vì sợ tốm kém. Theo ông, tuổi trẻ bây giờ không còn sùng đạo như thế hệ của ông (đã 70 tuổi) nên khi phải chạy theo cuộc sống và bị áp lực, thì dễ tìm đến cái chết. Mỗi năm có khoảng 30,000 người tự tử.

Cái gì cũng nhỏ: căn nhà lầu với ruộng lúa của một nông gia Nhật

Tôi không đi về vùng quê nên không biết đời sống nông thôn như thế nào. Thỉnh thoảng trên đường đi xa, thấy có những cánh đồng lúa vừa phải, bên cạnh là những căn nhà 2 tầng nho nhỏ, trông không nghèo khó như ở đồng ruộng các nước Đông Nam Á khác, nhưng không thể bằng các nông gia Úc.

Người Việt có câu “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”, tôi không có dịp hỏi mấy người Việt lấy vợ Nhật bây giờ có được các bà chìu chuộng như  các cụ của mình ngày xưa ca tụng hay không. Ở phố Ginza, ban ngày tôi thấy các bà  mua sắm quá trời. Có lần tôi vào trong cửa tiệm thời trang tính mua cái dù để làm kỷ niệm, tưởng là dù chừng mươi đô là tối đa như  ở Melbourne, nhưng khi dòm, thấy đề giá mấy chục ngàn Yen (khoảng 27,000) là bằng một cái máy ảnh digital trung bình! Vậy mà các bà mua sắm như  ta đi mua hàng Trung Quốc ngoài phố Richmond. Đó chỉ là kể sơ qua một thứ mua sắm.

Còn về ăn nhậu, các bà các cô Nhật không thua gì nam giới. Thỉnh thoảng xem phim tập “Hàn quốc”, thấy các cô uống rượu liên miên chẳng khác nào giới chị em ta, ca ve, gái bán bar ở Việt Nam thời trước, tôi hơi ngạc nhiên. Qua Nhật, thấy gái Nhật uống rượu còn hơn gái Hàn trong phim. Tưởng là đàn bà Nhật uống rượu do trời lạnh, chúng tôi qua Nhật vào lúc nóng nhất, trong nhà hàng luôn thấy các bà không rượu thì bia, ít khi thấy họ uống nước ngọt.

Người ta nói ăn nhậu về đêm, sau giờ tan sở là thói quen của trai gái Nhật có đồng ra đồng vào. Nếu vậy thì câu “…lấy vợ Nhật” e không còn đúng trong thế kỷ 21 này.

Nhà cửa thì sao? Trong chuyến đi tour núi Phú Sĩ, khi xe chay ra khỏi thành phố (cứ tạm gọi là ra khỏi ga Tokyo) chừng 20 chục cây số, người hướng dẫn chỉ những dãy nhà cao tầng nằm san sát nhau và nói đó là những chung cư mà người Nhật sống. Ông nói một căn nhà nhỏ nhất cũng 17 triệu Yen (khoảng $200,000 ngàn Úc kim) và căn nhà trung bình 170 triệu Yen (khoảng 2 triệu đô). Tôi nghĩ ông ta muốn nói các apartment hay flat, chứ ở thành phố Tokyo, tôi chưa bao giờ thấy một căn nhà đúng nghĩa, ngoại trừ lâu đài của vua chúa hay dinh thự của các bộ sở.

Nhà cửa san sát nhau dọc xa lộ trên đường ra khỏi thành phố Tokyo

Chỉ khi đi thăm cố đô Kamakura ở tỉnh Kanawaga nơi có tượng Phật bằng đồng thật lớn, trên đường vào chùa, gặp những căn nhà hai tầng khá lớn, có sân, nằm rời hoặc một mặt tường dính nhà bên cạnh (semi-detached) giống các townhouse ở Melbourne.

Tôi nghe nói ở Nhật, khi đi thuê nhà người ta tính theo kiểu  phòng 1 chiếu, 2 chiếu hay phòng 4 chiếu, có nghĩa là đủ rộng để trải 1 hay bốn chiếc chiếu cho 4 người nằm.

Tôi chưa vào phòng ngủ  của một người nhật bình thường để xem nhà cửa ra sao, nhưng trên đường đi ra các tỉnh hay tới cố đô Kyoto, tôi nhìn hai bên đường, ngoài những cao ốc thì không kể, những căn nhà hai tầng (còn mới) cũng nhỏ như cái chuồng chim (bird cage) mà một người Úc ở Box Hill cùng đi núi Phú Sĩ với tôi đã nhận xét. Tôi đoán mỗi bề của những căn nhà hai tầng đó cao tay lắm rộng khoảng 5, 6 mét. Nhà ở Nhật  từ 2 tới 4 phòng ngủ và rộng khoảng từ 60 đến 90 mét vuông là lớn lắm và giá cũng phải từ  $450,000 đến $550,000 Úc kim, mà đó là giá nhà ở các nơi xa thành phố Tokyo trong khi  ở Úc loại nhà cũ xưa 3 phòng ngủ cũng rộng trên 100 mét vuông và những nhà mới xây sau này, ôi thôi rộng đến 300 hay 400 mét vuông là chuyện thường (McMansion ở các khu mới) với 3 hay 4 phòng ngủ và vô số các phòng khác mà ở Nhật người ta không bao giờ dám mơ.

Tôi có vào thăm nhà xứ của cha Nguyễn Xuân Tiến ở họ đạo  Fujiwasa thuộc tỉnh Kanawaga nơi người Việt định cư  đông nhất ở Nhật.  Nhà xứ cao 4 tầng và rộng, nhưng phòng ốc tương đối nhỏ. Phòng làm việc của các nhân viên và nữ tu trong giáo xứ cũng nhỏ, đủ kê cái bàn và tủ hồ sơ.

Cha Tiến mời chúng tôi lên lầu uống nước và giới thiệu phòng ăn và phòng khách của 4 linh mục của giáo xứ (1 chánh và 3 phó). Cha xin lỗi đề nghị chúng tôi để dày dép dưới lầu, vì phong tục của họ như  thế.

Gian phòng sinh hoạt của các cha gồm bàn ăn cho 4 người, cái tủ lạnh, tủ để ly chén và bồn rửa. Phần còn lại kê cái bàn xa lông (coffee table), 4 cái ghế đẩu để các cha coi tivi. Tôi nghĩ cái phòng ăn/phòng khách/sinh hoạt của bốn linh mục chỉ lớn khoảng 4m x 9m là tối đa. Còn phòng ngủ rộng như thế nào thì chúng tôi không biết nhưng bạn có thể đoán ra. Đến nước Nhật, thấy mình được ở đại lục có tiếng phúc địa này mới biết  rằng mình là người tị nạn may mắn.

Nhà cửa tuy nhỏ, nhưng trình bày đẹp, nhất là họ biết tận dụng cây cối hoặc cây cảnh. Vườn Nhật là loại vườn nổi tiếng thế giới, nhỏ nhắn, xinh đẹp, tinh tế như các món ăn của họ vậy.

Người ta nói người Nhật rất trọng kỷ luật và có đầu óc tập thể. Tôi chỉ nghe nói, nhưng qua Nhật mới chứng kiến.

Vệ sinh: Tôi từng đến Singapore hai lần, mỗi lần cách nhau hai mươi năm và phải công nhận đường sá đất nước này rất sạch nhờ họ đã áp dụng một thứ kỷ luật sắt bằng cách phạt tiền những người xả rác hay dục tàn thuốc ngoài đường. Ở Nhật, không có bảng cấm xả rác, nhưng tôi chưa thấy một người Nhật nào vất tàn thuốc lá xuống đất, chứ đừng nói chi vất giấy rác bừa bãi. Nơi nào không có để cái gạt tàn thuốc, nơi đó không thấy người (Nhật) hút thuốc vì hút rồi dục ở đâu?

Đi chơi, thăm thú nhiều nơi, chẳng thấy rác, chỉ một lần thấy vài miếng giấy vụn bằng vài ngón tay rơi trên đường đi trong khu Phố Tàu rộn rịp đông người ở thành phố Yokohama, mà tôi nghi do du khách vất xuống lề đường. Một số nơi không có thùng rác, du khách phải giữ lại trong người, đợi đến chỗ có thùng rác mà dục. Thế mà cũng không có nạn vất rác bậy bạ. Hay thật!  Phải chăng đó là nhờ sự giáo dục, là tinh thần tự trọng, là tinh thần quốc gia đạt đến mức cao độ?

Kính trên: Người ta nói rằng người Việt rất thông minh, rất nổi bật nếu đứng riêng một mình (học trong lớp đứng đầu, ra trường đỗ thủ khoa), nhưng nước Việt thì không (hay chưa) làm được công trình lớn (so với các nước khác), họ không làm việc chung được, bởi trong mỗi ông người Việt là một ông quan. Người Nhật  không quá thông minh như người ta tưởng, nhưng tụ họp, họ làm nên chuyện lớn, suýt làm bá chủ thiên hạ.

Tập đoàn là hằng tính của người Nhật. Giai cấp phong kiến không còn nữa nhưng người Nhật ngày nay vẫn duy trì tính làm việc tập đoàn, dù đó là trong một đảng phái, công ty hay cửa hàng. Họ coi trọng chủ nhân và dù chủ nhân có la mắng, thậm chí có lúc bạt tai, họ cũng không vì thế mà thù hận, một chuyện không thể chấp nhận ở xã hội Tây phương. Họ làm việc với chủ là làm việc cho đến suốt đời và dĩ nhiên chủ cũng đối đãi tử tế và có hậu cho sự trung thành này. Nếu không thích hay không chịu đựng nổi, người công nhân chỉ việc đi làm chỗ khác.

Đó là những chuyện nghe nói. Còn chính mắt tôi trông thấy tinh thần kỷ luật và kính trọng cấp trên của người Nhật khi hỏi đường. Đó là trường hợp các công nhân làm lục lộ, xây dựng đường sá. Không biết đường, thấy một anh công nhân đứng gần, tôi nhờ anh ta chỉ đường, nhưng thay vì trả lời ngay, anh ta chạy tới ông xếp cách đấy cả vài chục mét, cúi đầu nói gì đó, rồi lại cúi đầu chào ông xếp, xong mới trở lại chỗ chúng tôi để chỉ đường. Không phải chỉ một lần duy nhất, mọi lần hỏi đường xá đều thấy công nhân phải tới báo cáo và xin phép xếp rồi mới đi làm “việc riêng” như thế.

Cúi lạy: Nói về người Nhật và nước Nhật, dù là những người chưa bao giờ đặt chân đến Nhật, ai ai cũng biết tục lệ cúi đầu bái của người Nhật. Khi nhắc đến tục lệ này, người ngoại quốc có thể coi đấy là điều hay, dễ thương nhưng cũng có thể coi đấy là quá đáng.

Như tôi đã kể với bạn đọc trước đây, trên các tuyến xe lửa đường xa, người kiểm soát vé hay công nhân đẩy xe bán thức ăn, mỗi khi đi qua cửa toa, trước khi mở và sau khi đóng cửa, đêu cúi đầu chào. Họ đặt hai tay vào đùi, cúi thật sâu, có thể tới 90 độ. Họ làm như cái máy. Càng kính trọng hay thân tình thì cúi càng sâu, bái nhiều lần. Tôi chưa thấy họ bắt tay nhau.

Trong các department store (cửa hàng bách hóa) sang trọng ở khu Ginza, cứ bước vào cửa là thấy có những cô gái Nhật đứng sẵn cúi đầu chào. Có cửa có tới hai cô. Đi cầu thang cuốn lên tầng trên lại có cô khác đứng đợi, cúi lạy. Đi cầu thang máy cũng có nhân viên đứng sẵn trong thang máy vái, lúc vào lúc ra.  Ngày đầu, chúng tôi cảm thấy không thoải mái vì cứ bị người ta nhìn mình xong cúi đầu thật thấp khiến mình áy náy, bởi mình  ăn mặc lôi thôi kiểu du khách ba-lô, có gì mà họ phải kính cẩn đến thế.

Người ta nói rằng, để giải quyết nạn thất nghiệp, các công ty hay các cửa hàng bách hóa lớn tuyển dụng hàng ngàn cô gái làm việc tiếp tân, đón chào khách hàng hay chỉ làm cảnh hoặc làm những việc lặt vặt của cửa hàng. Các cô được huấn luyện, dạy thật kỹ càng về cách chào khách. Mỗi sáng có thể tới sớm một chút để tập bái, bái cho đúng kiểu, đúng độ cao thấp theo yêu cầu.

Bởi vậy, khi đi mua sắm, chúng tôi thấy có những gian hàng chỉ cần một người là đủ, vậy mà thấy có bốn năm đứng vậy, lượn lui lượn tới hoặc tới hỏi khách cần gì. Thật là phí công, phí của nhưng đó là cách giải quyết nạn nhân mãn của Nhật. Tuy nhiên, ở những cửa tiệm khác, những cửa hàng nhỏ, tôi thấy người Nhật làm việc rất đáng đồng tiền bát gạo, không tà tà như người Pháp.

Riêng tư: Nếu bạn quen xài đồ dùng trong nhà chung chạ, như muỗng nĩa, chén đũa, ly tách, qua Nhật bạn không nên tiếp tục thói quen này vì người Nhật không chấp nhận thói quen đó.

Nếu bạn ở chung nhà với người quen, se phòng hay dùng đồ ở công sở, xí nghiệp, bạn phải dùng đồ riêng của bạn, từ đũa cho đến ly tách. Hôm tiếp chúng tôi trong phòng ăn dành cho các cha xứ, cha Tiến phải đi tìm ly tách của cha để mời chúng tôi uống nước. Cha nói người Nhật có thói quen dùng đồ riêng của mình, chứ không xài chung hay dùng đồ của người khác. Ở các tiệm ăn, tôi thấy họ hay xài đũa loại đũa tre, ăn xong là dục đi.

Nói về sự riêng tư, tránh đụng chạm, tôi nhận thấy ở những nơi công cộng bên Nhật, ngay cả trên xe lửa, có hai loại cầu tiêu (dùng cho việc đại tiện) mà họ ghi là Western style và Japanese style. Cầu tiêu  kiểu  Tây phương là loại ngồi đặt mông lên trên. Cầu tiêu kiểu Nhật là loại ngồi chồm hổm, như cầu tiêu thời pháp thuộc, nhưng thời này làm bằng men, sạch sẽ trông mát mắt. Có điều, nhiều người không biết ngồi thế nào cho đúng, hướng mặt vào trong hay quay đầu ra ngoài. Cầu tiêu “kiểu Nhật” có ở mọi nơi, ở trên xe lửa. Không biết trên máy bay có loại này không, vì tôi chưa đi máy báy của Nhật.

Không cho tiền típ: Người Nhật có thói quen khi tính tiền cho bạn, họ sẽ bỏ cái bill nằm úp trên đĩa hay khay. Bạn phải lật lên mới biết số tiền. Bạn bỏ tiền lên đĩa, họ sẽ tính và trả tiền lẻ cho bạn. Bạn cũng có thể cầm tiền mang tận quày trả.

Khác với các nước như  Pháp và nhất là ở Mỹ có thông lệ “phải” cho tiền típ (vì không cho đôi khi bị mắng vốn hay nói khích), ở Nhật không có lệ cho tiền tip, ngay ở các nhà hàng. Và không vì thế mà các tiếp viên không làm việc vui vẻ, phục vụ khách hàng tận tình. Ở hầu hết mọi nhà hàng, tôi thấy các tiếp viên nào cũng dễ thương.

Không còn lùn: Người Việt thường gọi người Nhật là chú lùn, bởi binh sĩ Nhật qua chiếm đóng Việt Nam đều rất thấp. Như thầy Suzuki của chúng tôi có bề ngang chứ bề cao của thầy rất khiêm nhượng, tôi nghĩ khoảng hơn 1.50 một chút. Và nếu bạn xem tivi, sẽ thấy các quan chức Nhật, các vị thủ tướng của họ (thuộc thế hệ già) chẳng có người nào cao.

Người Trung Hoa cũng có cách nói mỉa mai đối với người Nhật. Sách vở ngày trước gọi người Nhật là Oa nhân, Nụy nhân, có nghĩa là người Lùn. Nhưng sau Đệ nhị Thế chiến, họ đã thay đổi cách ăn uống, nhất là ăn nhiều thịt hơn ngày xưa, nên thế hệ mới lớn sau này, người nào cũng cao ráo, chẳng thua dịch Mít tộc ở xứ Úc.

Tôi thấy rất nhiều thanh niên Nhật cao hơn tôi. Có những cậu cao như sếu vườn.  Các cô cũng thế, có chiều cao, dáng thon thon. Chúng tôi nhận xét  ít thấy người Nhật (nhất là con gái) mập. Con gái Nhật có nước da trắng, phải nói quá trắng, không biết là trắng tự nhiên nay do dưỡng da, dùng mỹ phẩm. Bạn cứ tưởng tượng mặt mày da thịt của mấy cô diễn viên “phim Hàn quốc” trắng ra sao thì gái Nhật cũng trắng như vậy.

Nhưng bù lại cho nước da, dáng người xinh đẹp, các hàm răng của người đẹp Nhật trông thật… đáng bất mãn.  Đa số các cô ngậm miệng thì chẳng sao, nếu cười một cái là tôi thấy cả bầu trời sụp đổ.  Răng các cô phần lớn bị hư, hình như một phần do nước uống ở Nhật thiếu chất vôi. Tiếc thật. Tại sao nước Nhật rất văn minh, người Nhật   có lợi tức đầu người cao hàng đầu thế giới chứ đâu nghèo như người Việt Nam mà không lo chăm sóc răng? Hay họ chỉ bỏ tiền lo cái mục làm đẹp da mặt và… uống rượu?

Không như ở Úc, ở Nhật các tiệm tạp hóa có bán bia và nhiều tiệm tạp hóa mở cửa 24 giờ.  Cạnh khách sạn  Mercure có tiệm tạp hóa bán đủ thứ cần dùng, từ báo chí đến bánh kẹo, đồ khô để nhậu và dĩ nhiên có cả bia; bia chỉ nửa hay chưa tới nửa giá so với các nhà hàng (khoảng 200 Yen một lon trong khi ở tiệm lên tới 650 Yen một ly).

Có lẽ bạn còn hỏi tôi mua đồ bên Nhật có rẻ không? Tôi nghĩ tùy loại. Có người cho rằng mua đồ Nhật ở nước ngoài còn rẻ hơn, bởi hàng xuất cảng họ bán rẻ để cạnh tranh. Tôi chẳng biết có đúng không, nhưng có cảm tưởng đồ điện tử ở Nhật cũng không rẻ lắm, được cái đồ gì mà có cái mác “Made in Japan” là thấy tốt, chắc ăn (khác vài chục năm trước, đồ của Nhật là đồ dổm, vì cần cạnh tranh nên họ làm chất lượng vừa phải để bán với giá rẻ).  

Akibahara, thành phố chuyên bán đồ điện

Muốn mua đồ điện, bạn nên tới  Akibahara, là thành phố mệnh danh là thành phố đồ điện —Electric Town–, nơi bày bán đồ điện và điện tử  đầy hai bên đường phố. Một cái máy ảnh digital trung bình khoảng từ  20,000 đến 30,000 Yen ($230- $350 Úc kim). Mua loại máy chỉ bảo đảm trong nước Nhật thì rẻ, chứ muốn loại máy được bảo đảm ở nước ngoài thì phải tới cả $400 hay  $500 Úc kim.

Cuối cùng, nếu bạn qua Tokyo mà muốn đi lang thang tới các thành phố (vùng) trong Tokyo, nên đi xe lửa tuyến đường JR Yamanote Line, tuyến đường màu lục. Đây là tuyến đường xe lửa chạy vòng tròn qua những khu phố nổi tiếng mà tôi đã kể cho bạn nghe.  Tôi chỉ biết sự tiện lợi của tuyến đường Yamanote Line này khi đã “tiêu” gần hết 10 Ngày Đêm  ở Xứ Mặt Trời Mọc.

Hy vọng bút ký Kể Chuyện Đường Xa mang lại cho bạn đọc một số thông tin, kinh nghiệm hữu ích cho chuyến đi sắp tới của bạn. Riêng tôi, vẫn còn ước mơ một chuyến đi Nhật khác vào mùa thu để xem các rừng phong đổi màu hay vào mùa xuân để xem hoa anh đào nở. Đó là hai mùa đẹp nhất mà người ta cho rằng những người đi Nhật lần đầu tiên nên tới.

Nguyễn Hồng-Anh

Melbourne 20.10.2007