10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc. Bài 7: Thăm núi Phú Sĩ, hồ Ashi ở công viên quốc gia Hakone

27 Tháng Một, 2008 | Nhật
Tác giả tại khu vực trạm thứ 5 giữa lưng núi Phú Sĩ

Trèo núi Phú Sĩ là lý do chính khiến cho chúng tôi chọn Nhật Bản trong chuyến du lịch tháng vừa qua. Tháng 8  là tháng lý tưởng để trèo núi Phú Sĩ vì không có tuyết và trời tạnh. Nhưng  đây là thời gian có đông người leo núi nhất vì đúng vào dịp trường học và hãng xưởng nghỉ lễ Vu Lan nên việc trèo núi cũng có thể gặp trở ngại vì người leo núi đông, đi muốn đụng nhau, xe cộ chạy  nhiều đến kẹt đường.

Bao nhiêu háo hức cho một chuyến trèo núi để đời đã chạm phải cái thực tế trái ngược với trí tưởng tượng khi vừa đặt chân đến Nhật. Không thấy cảnh thơ mộng của ngọn núi phủ đầy tuyết trắng xóa như trong tranh ảnh, trái lại với khí hậu nóng nực lại mở internet xem những người trèo lên đỉnh núi, thấy họ áo quần thốc thếch đứng bên miệng núi đá lởm chởm, hố đất đỏ pha lẫn đất đen, trong khi gió thổi vù vù khiến họ trông càng tơi tả hơn, chẳng có vẻ là những kẻ chiến thắng chinh phục đỉnh núi sau khoảng nửa ngày dài với bảy giờ lội bộ. Trước mắt họ còn phải mất 5 tiếng đi bộ xuống núi, chờ đón xe về nhà,  tất cả là một bầu trời ảm đạm sau khi đã tới được đích.

Trên đoạn đường “trèo núi”: những người mang ba lô quay lưng với chúng tôi đang đi lên đỉnh núi trong khi kẻ khác đã trở về

Đó là những thông trên mạng khiến chúng tôi ngập ngừng. Không biết có nên trèo núi Phú Sĩ như đã dự tính trước đây không vì từ  Melbourne chúng tôi đã mang theo đầy đủ đồ cần thiết cho một chuyến trèo núi? Nhưng đến ngày thứ năm của chuyến du lịch 10 ngày, chúng tôi vẫn còn giữ ý định dành lịch trình hai ngày và một đêm cho chuyến trèo núi trong những ngày còn lại, bất cứ khi nào thấy tiện.

Trong chuyến đi tham quan biển Enoshima hôm Chủ Nhật, tôi hỏi anh sinh viên Việt Nam du học và có vợ Nhật trèo núi Phú Sĩ có dễ không thì anh ấy nói “dễ thì dễ nhưng mệt lắm, cô chú không nên đi vì chúng cháu đi mà còn bỏ cuộc, giữa đường phải quay về vì chịu không nổi”. Đó là thời gian của mấy năm trước, khi anh ta chưa có vợ con.

Sau đó, gặp cha Nguyễn Xuân Tiến hiện giúp xứ đạo Fujiwasa, một nơi cũng khá gần núi Phú Sĩ, chúng tôi lại được cha khuyên không nên đi, vì sẽ mệt và cũng hơi nguy hiểm. Cha nói trước đây khá lâu, cha đã cùng bạn bè trèo núi một lần, nhưng chỉ đi một lần mà thôi. Thời đó, cha cùng các bạn trẻ đi theo nhóm, cắm lều ngủ giữa lưng núi, gặp gió lớn thổi lều muốn bay luôn.

Theo cha, nên đi từng đoàn để có thể giúp nhau và cần có thời gian dài thoải mái để chuẩn bị chứ chỉ qua Nhật vài ngày, đi đây đó nhiều lại phải trèo núi gấp rút là điều không nên; vả lại lên trên đó chẳng có gì cả ngoài nhìn cái hố núi lửa lớn đường kín dài vài trăm mét, xem cái cổng của Thần Đạo, xin đóng con dấu, được nhìn thành phố và cảnh vật từ trên cao.

Cha là người quen thân nên chúng tôi cân nhắc lời khuyên của cha. Tôi nói với nhà tôi rằng, người Nhật có câu “Ai trèo núi Phú Sĩ một lần là người khôn, ai trèo hai lần là người dại”, nhưng có lẽ chúng tôi chỉ cần làm người bình thường mà thôi, như đi tour cho tiện.  Lên đến lưng núi, ngắm cảnh, đi bộ vài trăm thước, chụp vài bức hình thì cũng coi là đã “trèo núi” Phú Sĩ!

Đoàn người “dưỡng sức” ở trạm thứ 5 trước khi lên đường

Fuji-san

Với người Nhật, núi Phú Sĩ (người Nhật gọi một cách âu yếm là Fuji-san) là ngọn núi gắn liền với đời sống, nghệ thuật và lịch sử của họ. Ngọn núi hùng vĩ, cao ngất, hiên ngang là niềm tự hào của của con cháu Thái Dương Thần Nữ, của những kiếm sĩ samurai và trong suốt quá trình lịch sử, đã được được tôn vinh như là vị thần, bởi trong Thần Đạo họ tin mỗi sự vật đều có một vị thần đứng đầu. Cho đến thời Minh Trị Thiên Hoàng, vì Phú Sĩ được xem là ngọn núi thiêng nên phụ nữ bị cấm không được lên.

Núi Phú Sĩ hình dáng gần như cái nón hay cái quạt, với chóp nón cao 3,776 mét so với mặt biển.  Đường kính dưới chân núi rộng khoảng 39 cây số, nên đây là một ngọn núi lớn, tuy nằm gần các ngọn núi khác mà trông như  đứng một mình một cõi.

Một năm có khoảng 100 ngày hình cái nón vĩ đại này có thể thấy từ xa hàng trăm cây số trong những ngày trời đẹp. Dường như  Nhật là nước duy nhất trên thế giới mà người ta có thể thấy ngọn núi cao nhất của họ từ thủ đô.

Nhiều người cho rằng ngắm núi Phú Sĩ đẹp hơn leo núi này. Tôi thấy nhận xét đó cũng đúng bởi khi được thấy núi này lần đầu tiên ở  bãi biển Enoshima, trên đường xe lửa cao tốc Shinkansen trở về thủ đô hay khi còn đứng trên hồ miệng núi lửa Hakone, tôi thấy rung động một cách thích thú.

Núi Phú Sĩ nằm giữa hai tỉnh Yamanashi ở phía bắc và Shizuoka ở phía nam, gần biển; phía đông là tỉnh Kanawaga, cách Tokyo hơn một trăm cây số. Trong quá khứ, Phú Sĩ đã phun lửa nhiều lần và lần chót cách đây đúng 300 năm, vào năm 1707, tro bụi bay tới tận Edo (thời này Tokyo còn mang tên là Edo, kinh đô của giòng họ tướng quân Tokugawa), phủ đường xá với lớp bụi tro dày mấy gang tay.

Người ta nói rằng núi lửa Phú Sĩ vẫn còn hoạt động ngầm và một ngày đó sẽ lại phun lửa và với thác dung nham chảy từ trên cao độ mấy ngàn mét sẽ cuốn và đẩy cả thủ đô với mười mấy triệu người ra ngoài Vịnh Tokyo. Bao giờ xảy ra thì không biết.  Có thể vài chục năm, vài trăm năm hay cả ngàn năm nửa thì “ngày tận thế” đó mới đến với con cháu Thái Dương Thần Nữ.

Sau ngày Chủ Nhật thăm đền chùa và đi nhà thờ, chúng tôi dùng ngày Thứ Hai để nghỉ ngơi, liên lạc với với tòa soạn xem công việc như thế nào. Đây là lần đầu tiên đi du lịch mà tôi mang theo máy computer xách tay. Tôi dùng thì giờ nghỉ ngơi để viết bài mở đầu cho mục Kể Chuyện Đường Xa  lần này với tựa “10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc”.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi gởi bài và hình ảnh từ xa về tòa soạn để báo lên khuôn trong ngày với giòng cuối ghi: Nguyễn Hồng Anh, Tokyo 13.8.07. Với thời đại kỹ nghệ tin học, quả là có sự khác biệt một trời một vực so với thời gian cách đây khoảng 20 năm, khi chúng tôi còn làm báo bằng cách đánh máy chữ, bỏ dấu chữ bằng bút mực, cắt dán, phô tô, chạy tít bằng cách cà từng chữ cái thật vất vả, tốn thì giờ.

Chúng tôi dùng ngày nghỉ xả hơi này đặt chỗ đi tour 1 ngày núi Phú Sĩ và lâm viên Hakone, giá vé 15,000 Yen mỗi người bao gồm đi bằng xe bus, ăn trưa (không ăn trưa bớt 2,000 Yen) và về bằng xe lửa cao tốc Shinkansen. Ai muốn về bằng xe bus thì chỉ trả 12,000 Yen.  Khởi hành từ  7 giờ sáng và về dự trù khoảng 6, 7 giờ tối.

Chúng tôi chọn trở về bằng xe lửa cao tốc để có nhiều thời gian đi ăn tối, là cái thú thích nhất của chúng tôi trong các chuyến đi du lịch.

Làm thế nào để trèo núi?

Người ta nói rằng, muốn đi Phú Sĩ  từ Tokyo, cách dễ nhất và phổ thông nhất là đi từ ga Shinjuku Station –ga xe lửa đông người nhất ở Nhật nằm trong khu có nhiều công sở và nhà cao tầng– tới ga xe lửa Kawaguchiko Station.

Mỏm Phú Sĩ nhô ra khỏi mây, bên dưới là thành phố

Vào mùa hè là mùa trèo núi, có khoảng 13 chuyến xe bus chạy qua lại giữa Shinjuku Station và Kawaguchiko Station, vé một chiều khoảng 1,700 Yen và mất khoảng 1 tiếng rưỡi để tới nơi. Từ ga Kawaguchiko Station (dưới chân núi) có xe bus chở người lên trạm thứ năm  ở lưng núi có tên là Kawaguchiko Trail 5th Stage, vé 1,700 Yen và chạy mất khoảng 45 phút. Trong mùa cao điểm, có những chuyến xe bus chạy thẳng từ ga Shinjuku ở thủ đô lên tận trạm thứ 5 với giá vé 2,600 Yen và chạy mất 2 tiếng rưỡi.

Trạm Kawaguchiko Trail là một trong 4 trạm khởi hành leo núi có tên gọi là 5th Stage nằm giữa lưng chừng núi, có độ cao là 2,475 mét. Đây là một trong những trạm khởi hành leo núi nằm ở độ cao nhất nên người ta nói rằng một người bình thường đi bộ lên đỉnh núi mất khoảng 6 tiếng và đi xuống mất khoảng 4 tiếng.

Cổng ở trạm thứ 5: điểm khởi hành đi lên núi

Từ  Tokyo bạn cũng có thể đi xe lửa JR ở ga Shinkuju Station bằng tuyến đường Chuo Line, nhưng đến ga Otsuki Station phải đổi xe,  đi tuyến xe lửa Fuji Kyuko Line để tới ga Kawaguchiko Station. Vé xe lửa 1,100 Yen và đi tổng cộng mất hơn hai tiếng. Nhưng từ ga Kawaguchiko Station, bạn phải mua vé xe bus lên trạm Kawaguchiko Trail 5th Stage. Đổi xe lửa, vừa lâu vừa khó khăn cho một du khách xa lạ với địa phương, nhưng nếu không có xe bus thì đành phải đi xe lửa vậy.

Như đã nói ở trên, đường kính chân núi Phú Sĩ khoảng 39 cây số nên chu vi của chân núi rất rộng.  Có tất cả 4 con đường (trail) dẫn lên đỉnh núi, từ phía bắc hay phía nam của chân núi. Mỗi con đường có đến 10 chặng hay trạm (gọi là stage hay station). Từ chặn 1 đến chặn thứ 5, người ta thường đi bằng xe bus. Người có xe nhà cũng có thể tự lái xe lên, vì đường đèo được trải nhựa.

Chặng thứ  5 của mỗi con đường mòn (trail) nằm ở vị trí và độ cao thấp khác nhau, cách biệt khoảng vài trăm mét và cũng vì vậy, đường lên đỉnh núi xa gần khác nhau.  Đi ở trạm thứ  5 mang tên Kawaguchiko Trail, bạn còn phải vượt độ cao khoảng 1,300 mét nữa  mới lên tới đỉnh núi.

Nói trèo nhưng quả thực chẳng phải trèo, chỉ đi trên những con đường mòn bằng đất. Càng đi xa và càng cao lên thì đường dốc hơn, cây cối ít hơn. Lên cao nữa là núi trọc. Những đoạn hiểm trở với đá sỏi đất vụn khô cằn có thể làm du khách dễ bị tuột chân, té,  nhất là khi đi bộ xuống núi. Có thể bị tai nạn nếu bị người đi trên cao đạp đá rớt xuống haybị  tuột chân, hoặc đi nhanh quá đà chạy thắng không kịp. Bởi vậy khi đi núi cần trang bị các dụng cụ cần thiết.

Cần bận áo lạnh đủ ấm dù nhiệt độ dưới phố gần 40 độ C, bởi trên đỉnh có thể lạnh tới gần không độ. Đồ tracksuit bằng ni-lông (hoặc áo chắn gió) hay áo quần vải kaki như  lính hành quân. Nên đem theo áo mưa phòng mưa bất ngờ vì sẽ khổ lắm. Có găng tay để chống lạnh.  Mang đủ nước uống và thức ăn vì ở trạm thứ 5 giá cả đã đắt, lên các trạm càng cao, vật giá càng cao hơn.

Những người phổi yếu, có thể phải cần bình dưỡng khí (hình như có bán ở các tiệm tại trạm thứ 5) vì lên càng lên cao không khí càng loãng, thấp khoảng 20% so với dưới chân núi. Một số người sẽ bị chóng mặt, ói khi ở độ cao, nhất là cao hàng ngàn cây số.

Bạn cũng cần mang đèn pin để dùng vào ban tối. Mang theo cây gậy chống để được an toàn hơn khi đi. Ở trạm thứ 5, người ta có bán gậy nếu bạn quên không mang theo.

Thông thường, người trèo núi Phú Sĩ lên trạm thứ  5 vào buổi chiều. Tại đây họ nghỉ ngơi, chuẩn bị trước khi lên đường vào buổi tối. Tại sao vậy? Để được thấy ánh mặt trời đầu tiên vào lúc 4 giờ rưỡi sáng, là phần thưởng tuyệt vời cho một người trèo núi. Tuy đi bộ mất khoảng 7 tiếng, nhưng bạn sẽ phải nghỉ ngơi ở nhiều trạm hay bất cứ ở đoạn nào bên lề đường mòn. Phải qua 5 trạm bạn mới lên tạm thứ 10, là đỉnh.

Có những người đi bộ đến khoảng 12 giờ đêm thì mới ngủ. Ngủ ngoài lề đường, trong lều mang theo hay ngủ ở các quán trọ bình dân. Trong các trạm thứ 7 và thứ 8 có trên một tá nhà trọ với chi phí ngủ qua đêm khoảng 5,000 Yen.  Sau vài tiếng nghỉ ngơi, lại tiếp tục lên đường để làm sao tới đỉnh khoảng 4 giờ rưỡi hay 5 giờ, khi ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện.  Đa số phải nghỉ nhiều lần, chứ không thể đi bộ một mạch trong 7 tiếng đồng hồ liên tiếp được. Cũng có người đi núi từ sáng sớm để khi lên đỉnh đúng vào lúc mặt trời lặn, ngắm buổi hoàng hôn.

Tuy lội rừng trèo núi, nhưng bạn sẽ không đi đơn độc vì trên con đường dài thăm thẳm đó luôn luôn có người đi lại, xuôi ngược. Người ta nói vào mùa trèo núi như tháng 7 và 8, mỗi ngày có khoảng 7, 8 ngàn người leo núi;  họ đi ban đêm, đi ban ngày nên như cảnh người ta trẩy hội chùa Hương.

Đến tối, bạn sẽ thấy ánh đèn pin tạo thành một vệt sáng dài uốn lượn như con rắn. Bạn không cần biết đường cũng đi lên tới đỉnh và xuống núi được. Vấn đề là bạn có đủ sức chịu đựng và có hứng thú để lên tận đỉnh núi để được người ta đóng con dấu vào cây gậy gỗ của bạn, chứng minh bạn đã đạt thành tích trèo núi Phú Sĩ. Mỗi năm có khoảng 300,000 người trèo núi Phú Sĩ trong đó gần một phần ba là người ngoại quốc.

Đi núi Phú Sĩ

Chúng tôi thức dậy sớm để đón xe đi tour lúc 7 giờ sáng. Xe rước người ở các khách sạn chở tới trung tâm du lịch, từ đây mới lên một xe bus riêng dành cho du khách đi một loại tour nào đó trong ngày với hướng dẫn viên kiêm thuyết trình. Chúng tôi khởi hành lúc 8 giờ.

Người hướng dẫn tự giới thiệu ông đã 70 tuổi nhưng trông còn khỏe mạnh, nói tiếng Anh khá trôi chảy dù hơi khó nghe. Ông có cái thói vừa nói vừa cười, có lẽ mong làm cho du khách vui, dù đôi lúc chẳng có gì đáng cười cả. Nhưng do đã thuộc bài nên có lúc trong câu chuyện về lịch sử văn hóa Nhật, ông cũng làm cho du khách cười bằng những câu chuyện cũng đáng tức cười.

Chẳng hạn, ông học tiếng Anh từ hồi trung học nên với một người Nhật thời đó cũng là thành tích đáng khoe. Bởi vậy khi gặp một người Mỹ, ông muốn chứng tỏ tài nói tiếng Anh  bằng cách giải thích việc người Nhật chỉ biết ăn lúa gạo mà thôi (hồi đó chưa biết ăn lúa mì) nên ông nói: “In Japan, we eat lice”.  Du khách cười, bởi ông giải thích người Nhật không có mẫu tự R như  đa số các ngôn ngữ khác nên khi đọc mẫu tự R họ đọc thành L, khiến câu nói trở thành “Ở Nhật, chúng tôi ăn chấy rận” thay vì ăn gạo.

Cũng như việc nhiều người Hoa đọc âm Đ thành L, với câu chuyện ông người Hoa Chợ Lớn vượt biên bị công an bắt giam, nhốt chung trong đồn đầy nghẹt người có nam lẫn nữ,  khi được thả ra kể rằng ‘…úi dà  ngộ bị nhốt trong đồn  đàn bà con gái đông ơi là đông…’.

Ngoài việc ông hướng dẫn viên nói suốt cả ngày để không khí đỡ buồn tẻ vì đường dài, những điều ông nói cũng mang lại kiến thức cho người nghe về đất nước Nhật. Hồi trẻ, cũng có lúc tôi muốn được làm hướng dẫn viên du lịch để được đi nhiều nơi, gặp nhiều người,  nhưng qua những lần đi tour, mới thấy cái nghề này cũng không hấp dẫn lắm, nhất là ngày nào cũng nói chừng đó chuyện. Ông hướng dẫn viên nói ông làm bán thời gian và nghề của ông lương lậu không cao lắm.

Xe chạy ra khỏi thành phố là bị kẹt ngay, có những đoạn trên xa lộ mà chạy như đi nước kiệu. Ông hướng dẫn viên nói rằng mùa này là mùa holiday, dịp Vu Lan, lễ Obon, thiên hạ về quê thăm gia đình hay đi nghỉ mát nên thời gian đi lên núi có thể phải kéo dài gấp đôi. Ông kể cho du khách nghe về đời sống của người Nhật như  nhà cửa, lương lậu, tiêu pha ăn uống… cho đến sinh hoạt chính trị.

Gần trưa mới đến chân núi, nên ông đề nghị ăn trưa trước khi lên núi. Chúng tôi được dịp ngồi ăn cùng bàn với một cặp vợ chồng Úc mà tôi đoán hình như đã về hưu, đang đi du lịch một vòng dài cả tháng và Tokyo là trạm chót của họ trong chuyến du lịch ba ngày sắp tới. Họ sống ở Box Hill và cũng đã từng bảo lãnh cho một gia đình Việt Nam mà ngày nay đứa con nào của gia đình này cũng là bác sĩ, y sĩ  và họ khen con cái của người Việt rất giỏi trong việc học hành.

Nói chuyện về nước Nhật, ấn tượng đầu tiên của ông người Úc là nhà ở Nhật sao nhỏ vậy, trông giống như cái chuồng chim.

Chúng tôi lên trạm thứ 5 lúc đã hơn 1 giờ trưa sau một hồi xe bus chạy vòng quanh lưng núi. Đây là trạm chót mà xe cộ được phép lên. Mùa đông và những lúc có nhiều tuyết, xe cộ chỉ được phép lên các trạm ở dưới thấp.

Bởi xe lên núi trễ nên chúng tôi chỉ được phép đi xem cảnh vật và các nhà hàng, quán xá bán đồ lưu niệm trong vòng 45 phút. Bước xuống bến xe, thấy cả rừng người đi qua lại tấp nập, đứng ngồi ngổn ngang chờ đợi lên đường “trèo núi”. Chúng tôi bỗng hối tiếc là đã không quyết định dành một hai ngày trèo núi, nhất là khi thấy có các ông bà người Nhật trông đã lớn tuổi tay cầm gậy, ngồi đợi như có vẻ chuẩn bị lên đường.

Không kể phần lớn người leo núi là những tốp thanh niên, có những gia đình mang theo con cái còn nhỏ đi bộ tới cổng có những giòng chữ Nhật ngữ là nơi bắt đầu hành trình. Lúc này tôi nói với nhà tôi “hay là mình nói với người hướng dẫn du lịch là mình không đi tiếp với họ mà ở lại trạm số 5 để trèo núi?” Nhưng tôi sực nhớ đã không mang theo đồ trang bị cho chuyến đi.

Chúng tôi đi vào con đường mòn với giòng người ngược xuôi, một bên vách núi bên kia dốc đồi, cây cối xum xuê một màu xanh, trời mát mẻ, không khí thật dễ chịu. Đường có nhiều cây nên không bị mây che như ở bến xe. Đi cùng hướng với chúng tôi rõ ràng là những người bắt đầu trèo núi. Đi ngược chắc là những người trở về; không biết trong đám đó có ai là những người đi một lúc rồi bỏ cuộc?

Tôi chận một người đi ngược nhờ họ chụp cho chúng tôi bức hình trên con đường mòn lên núi và hỏi có phải anh đang xuống núi không. Anh thanh niên người Nhật nói anh ta vừa ở lại qua đêm trên núi và bây giờ mới trở lại trạm thứ  5. Anh nói tiếng Anh khá thông thạo, cho biết anh đi một mình và sáng nay đã được chiêm ngưỡng mặt trời lên và thấy được thành phố Yokohama từ xa nhờ trời tốt.

Tôi nói với nhà tôi nếu chúng tôi đi lên đỉnh núi lúc này thì cũng phải qua chiều mai mới trở lại để sắp hàng đón xe xuống núi và về thành phố như đám đông đang đứng chờ phía sân đậu xe. Mệt thì không ngại, nhưng chuyện vệ sinh là vấn đề, liệu có đáng để liều ở lại mà bỏ chuyến đi tour không? Chỉ sau khi vào nhà vệ sinh để làm công việc tiểu tiện, tôi mới hoàn toàn không còn tiếc mất cơ hội trèo núi Phú Sĩ!

Qua gần một tuần lễ ở Nhật, tôi thấy Nhật là nước sạch sẽ hàng đầu thế giới, nhưng các nhà vệ sinh ở trạm thứ  5 đã không chịu được mức sử dụng quá tải. Không có cảnh tiểu tiện bậy bạ hay giấy vệ sinh vất lung tung, nhưng mùi khai chịu không nổi, muốn xỉu.  Đây là trạm thứ  5 nơi xe cộ còn chạy tới mà đã như thế, không biết các trạm thứ  6, 7, 8, 9 và 10 thì sao? Rồi giữa đêm trên đường đi đau bụng thình lình thì sao? Trong hàng ngàn người leo núi, liệu có ai đủ sức tự chế không phóng uế bừa bãi không? Tôi nghe nói dọc đường và ở các trạm không có thùng rác, du khách phải tự giác mang về nhà.

Trời dày dặc mây nên tầm nhìn bị giới hạn, không thể thấy ngọn Phú Sĩ dù chúng tôi đang đứng ở một trạm có cao độ trên hai ngàn mét. Chúng tôi đi một vòng ở các cửa tiệm và trở lại xe bus để tiếp tục chuyến đi tour, mà đích sẽ là công viên quốc gia Hakone nơi có hồ Ashi và núi Komagatake.

Fiji và Hakone nằm trong công viên quốc gia có tên gọi là Fiji-Hakone-Izu. Đây là một dãy những ngọn núi mà Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất. Phần lớn núi là những ngọn núi lửa không còn hoạt động và hồ nước chung quanh là kết quả của những miệng núi lửa sau khi phun. Dưới chân núi Phí Sĩ về phía bắc có 5 cái hồ đẹp và nổi tiếng gọi là Ngũ Hồ (Fujigoko) gồm Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motusu và Shoji trong đó hồ Motosu có độ sâu nhất trong 5 hồ, 140 mét. Hồ Motusu rộng gần 5 cây số vuông là hồ mà bóng núi Phú Sĩ  in trên mặt hồ đẹp nhất và được làm nền cho đồng Yen mệnh giá 5,000 phát hành năm 1984.

Nhưng trong công viên Hakone cũng có những hồ khác mà hồ Ashi là một hồ nổi tiếng với những nhà nghỉ mát rất đẹp nằm quanh hồ và trên triền núi. Nói đến Hakone là nói đến những suối nước nóng, là địa danh tắm nước nóng nổi tiếng ở Nhật, nhưng tiếc là chúng tôi đã không có dịp tắm bất cứ một suối nước nóng nào ở Nhật (gọi là onsen), một phong tục phổ biến của người Nhật. Nghe nói đi Nhật mà không tắm suối nước nóng là một thiếu sót lớn.

Đi tàu ngắm cảnh trên hồ Ashi ở Hakone

Chúng tôi được đưa đi ngắm cảnh hồ Ashi, kết quả của miệng một ngọn núi lửa đã tắt cách đây vài ngàn năm. Tại đây dù có những ngọn núi gần che khuất tầm nhìn, thỉnh thoảng cũng thấy được đỉnh núi Phú Sĩ từ xa trong chốc lát khi mây tan. Hồ khá rộng và rất dài, du khách được cho đi tàu ngoạn cảnh hồ chừng nửa tiếng sau đó lên bờ để tới trạm xe dây cáp sky gondola kéo lên núi Komagatake cao 1327 mét so với mặt biển. Chiếc xe bọc kính trong suốt chạy bằng dây cáp có sức chứa vài chục người chạy lên cái dốc núi cao khoảng 700 mét và từ đây có thể nhìn được một phần ba mỏm núi Phú Sĩ khi mây tan.

Lên đỉnh núi Komagatake, du khách được cho đi xem cảnh vật trong hai mươi phút. Thật là một cảnh nên thơ và lộng lẫy với ngọn núi hùng vĩ trước mặt bên dưới là thung lũng sâu thăm thẳm và ở một góc xa là một phần của hồ Ashi bị che bởi những ngọn núi kế cận.

Khi xe mới lên núi, người hướng dẫn viên đi tour nói rất tiếc vì hôm nay trời có nhiều mây nên không thấy được đỉnh núi Phú Sĩ, nhưng sau đó ông lại nói chúng tôi còn được may mắn vì có những ngày ông hướng dẫn nhưng du khách chẳng thấy được gì. Trong ngày hôm ấy, chúng tôi thấy núi Phú Sĩ được vài chục lần, mỗi lần chỉ được vài chục giây và đôi khi chỉ thoáng vài giây. Nhìn trong tranh ảnh, tôi thấy núi Phú Sĩ có chóp màu trắng bởi tuyết phủ một nửa hay hai phần ba thân núi. Nhưng trong mùa này, ngược lại, cả thân núi toàn là màu trắng do mây luôn bao phủ và đỉnh núi là màu xanh dương khi mây trôi đi.

Vì đi tour, chúng tôi phải mau chóng tập trung ở trạm xe dây cáp để xuống núi chuẩn bị trở về. Xe bus đưa chúng tôi đến ga Odawara để đón xe lửa cao tốc Shinkansen về Tokyo. Xe lửa cao tốc còn gọi là đầu đạn (bullet train) dừng ở  2 ga Yokohama và ga Shinagawa trước khi ngừng hẳn ở ga Tokyo.

Một lần nữa, chúng tôi lại được thấy ngọn núi Phú Sĩ nhấp nhô từ xa trên đường về Tokyo, thấy được từ đáy đến đỉnh, dù hơi nhỏ do khoảng cách lúc này đã có thể tới sáu bảy chục cây số, nhưng rõ ràng và lâu. Chung quanh ngọn núi rực lên màu đỏ như cảnh một trận cháy rừng do mặt trời chiếu sau lưng núi. Cảnh tượng lúc này là một cái nón màu đen in lên lên nền trời sáng rực bởi ánh hoàng hôn bị mây che phủ. Phú Sĩ nhìn từ góc cạnh nào và ở đâu cũng đẹp, nên chẳng lạ nó đã xuất hiện đầy dẫy trong hội họa, thi ca và văn chương của người Nhật.

Đỉnh núi phú Sĩ mờ mờ phía xa ngay chỗ trũng của rạng núi sát hồ Ashi

 

Thế là trong một ngày chúng tôi đã thấy được núi Phú Sĩ ở nhiều vị trí khác nhau, chỉ tiếc là không thấy một màu trắng phủ lên ngọn núi như  vào mùa đông. Chúng tôi đã lên quá nửa trái núi, chúng tôi đã đi một đoạn đường mòn và như nhiều người khác, chỉ đến ngang đó là dừng, và trở về.

Chúng tôi không muốn làm người khôn để lên tận đỉnh núi, cũng không làm người ngu để đi hai lần, chỉ làm một du khách bình thường, vì như một số người Nhật đã nhận xét, núi Phú Sĩ đứng xa ngắm đẹp hơn là trèo lên hay tới gần.

Có lẽ đa số khách du lịch Nhật Bản cũng sẽ đồng ý với tôi.

(Còn tiếp).