10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc. Bài 8: Kiyomizu, ngôi chùa vào chung kết bình chọn 7 Kỳ Quan Mới của Thế Giới.

05 Tháng Hai, 2008 | Nhật

Thăm viếng Chùa Kiyomizu là lý do thứ hai để chúng tôi nhanh chóng quyết định du lịch Nhật Bản bởi hơn một tháng trước ngôi chùa này nằm trong danh sách 21 di tích lọt vào chung kết cuộc bình chọn 7 Kỳ Quan Mới của Thế Giới.

Trước đó, Chùa Kiyomizu cũng là nơi người ta chọn để quay một số cảnh cho cuốn phim nổi tiếng Memoirs of a Geisha (hồi ức của một ả đào) do Củng Lợi, Chương Tử Di, Dương Tử Quỳnh đóng năm 2005.

Trong danh sách chung kết bình bầu 7 Kỳ Quan Mới của Thế Giới, chúng tôi đã đi thăm Vạn Lý Trường Thành, đấu trường La Mã Colosseum, Tháp Eiffel và nhà hát con sò Sydney Opera House. Nay, đi viếng Chùa Kiyomizu ở xứ Mặt Trời Mọc để đưa vào “bộ sưu tập những kỷ niệm du lịch” của chúng tôi thì còn gì thú vị bằng? Và còn có đề tài để hầu bạn đọc trong mục Kể Chuyện Đường Xa nữa.

Chùa và đền ở Nhật 

Trước khi đến Nhật tôi chỉ biết tôn giáo chính của người Nhật là Thần Đạo. Và cũng nghe nói Phật Giáo là tôn giáo lớn ở xứ Phù Tang, bởi trước năm 1975 có nhiều tu sĩ Phật Giáo sang Nhật tu học như  Thích Tâm Giác (tốt nghiệp cử nhân Phật học, tiến sĩ xã hội học, tiến sĩ triết học đông phương và mang huyền đai đệ tam đẳng nhu đạo). Hoặc, Nhật là nơi mà Thích Nhất Hạnh thấy người ta gắng bông màu đỏ nhân ngày Mother’s Day đã khiến nhà sư có cảm hứng viết nên đoản khúc “Bông Hồng Cài Áo” để rồi từ đó tạo nên tục lệ đáng yêu trong ngày Lễ Vu Lan là  gắng bông hồng lên áo cho những người nào mẹ còn sống.

3 giòng nước chảy ra dưới đồi Thanh Thủy Tự Kiyomizu-ji

Trong ngày đi tour núi Phú Sĩ và công viên Hakone, chúng tôi được nghe ông hướng dẫn viên du lịch người Nhật kể rằng, có 95% người Nhật nói họ theo Thần Đạo và 85% nói họ theo Phật Giáo, có nghĩa chỉ với hai tôn giáo này thôi, đã có tới 228 triệu tín đồ trong khi dân số Nhật tổng cộng chỉ có 127 triệu người. Nghe nói thế, mọi người trên xe bus đều cười, nhưng đó là sự thật vì có nhiều người Nhật một lúc theo hai ba đạo. Thật vậy, vào năm 1995  theo một thống kê của Ủy Ban Văn Hóa thì tổng cộng tất cả các tín đồ của mọi giáo phái là 219 triệu người trong khi dân số lúc đó là 120 triệu.

Trong 10 ngày đêm ở Nhật, bởi phải đi nhanh, nhìn lẹ, thấy kiến trúc đền đài phần lớn giống nhau, tiếng Anh ghi là Temple, nên tôi chẳng biết đâu là chùa đâu là đền, bởi trong khuôn viên của một Temple, có nơi chỉ thờ những vật tượng trưng cho Thần, có nơi lại thờ tượng Phật, Bồ Tát. Và ngay trong khuôn viên một cái Temple, lại vừa thờ Thần vừa thờ Phật.  Tôn giáo đề huề này có vẻ là hằng tính Nhật.

Thần Đạo (Shinto) là tín ngưỡng của người Nhật, phát sinh trên đất Nhật. Theo Nihonshoki (Nhật Bản Thư Kỷ) có từ thế kỷ thứ 8 nói về sự hình thành của các vị thần, ban đầu có ba vị thần vô hình là Amenominakasubi, Takamimusubi và Kamimusubi. Rồi có hai vị thần Izanaginomikoto và Izanaminomikoto là những thần sinh ra các hòn đảo của Nhật, là tổ tiên của người Nhật. Nhưng do người Nhật quan niệm mỗi sự việc đều có một vị thần chủ trì (vật linh) nên trong Thần Đạo có hàng ngàn, hàng vạn vị thần khác nhau.

Các mái Chùa Kiyomizu nhô lên dưới chân núi, chụp từ Tokyo Tower

Người Nhật tin vào các vị thần được ghi trong Nhật Bản Thư Kỷ (hay còn gọi là Cổ Sự Ký – Kojiki) nên dẫn đến việc họ coi vua Nhật là hậu duệ của thần linh,  tôn trọng Thiên Hoàng. Các Tướng Quân (Shogun) dù có lấn quyền của vua đấy, nhưng không bao giờ lật đổ Thiên Hoàng (Tenno) để lên làm vua.

Đến thời Minh Trị Thiên Hoàng, Thần Đạo được sự ủng hộ của triều đình nên Thiên Hoàng càng được thần thánh hóa hơn và Thần Đạo trở thành quốc giáo. Sau cuộc thất trận Đệ II Thế Chiến, vai trò của Nhật Hoàng không còn như xưa, nhiều tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo và Hồi giáo được công nhận, Thần Đạo chỉ là một trong các tôn giáo của Nhật Bản.

Người hướng dẫn du lịch nói rằng dù ngày nay đa số thanh niên không còn sùng đạo như ông bà của họ hoặc không tự nhận mình thuộc tôn giáo nào cả, nhưng phong tục và sinh hoạt tín ngưỡng vẫn còn tồn tại đậm nét trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật.

Con đường nhỏ dẫn lên chùa với quán xá hai bên

Khi sinh con được khoảng một tháng, người ta đem con cái tới Jinja (đền Thần Đạo) để làm lễ, gọi là Miyamairi. Sau 11 tháng lại làm lễ Shichi-go-san để chúc cho con mạnh khỏe. Các bé khi lên 3 đến 7 tuổi, được cho mặc áo quần đẹp để đến đền thần. Ngày đầu năm họ thường đến các đền Thần Đạo để cầu cho trong năm được mạnh khỏe, may mắn, làm ăn phát tài. Làm đám cưới họ cũng chuộng làm lễ trước mặt các vị thần. Nhưng khi chết, tuyệt nhiên họ không làm lễ trong Đền Thần, dù theo Thần Đạo, mà lại làm đám tang ở  Chùa. Đó là nét độc đáo về tôn giáo của người Nhật.

Du khách rửa tay trước khi vào chùa và các cửa tiệm trước sân dẫn lên khuôn viên chùa

Thần Đạo chỉ thờ thần (kami) chứ không có giáo lý hay hệ thống tăng lữ như các tôn giáo khác. Mỗi địa phương có đền và ban tế lễ riêng. Các nhân vật có công trạng lớn thì có đền thờ riêng như Minh Trị Thiên Hoàng có đền Meiji Jingu ở thủ đô Đông Kinh, có nhiều  người đến viếng vào dịp đầu xuân.

Người ta nói rằng ở Nhật, Thần Đạo pha trộn với Phật Giáo  cũng hơi giống Đạo Ông Bà ở Việt Nam pha trộn với Đạo Phật, bởi có nhiều người theo cả hai, vừa thờ Tổ Tiên vừa thờ Phật.

Đạo Phật được truyền sang Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ 6 qua ngã Trung Hoa và Triều Tiên.  Shotoku Taishi (Thánh Đức Thái Tử, 574-622) được xem là người đầu tiên du nhập đạo Phật vào Nhật Bản.  Ngôi chùa Horyu-ji (Pháp Long Tự) do ông vua xây vào năm 607 được xem là ngôi chùa gỗ có tuổi thọ nhất thế giới.

Nhưng Phật Giáo bắt đầu thịnh hành ở Nhật trong thời Nara (Nại Lương) với sự hỗ trợ của Shomu Tenno (Thánh Võ Thiên Hoàng 701-756). Phật giáo được coi như quốc giáo khi Shomu yêu cầu mỗi làng, mỗi tỉnh phải xây cho được một ngôi chùa. Chính vua Shomu đã tự xây cho mình ngôi chùa Todai-ji (Đông Đại Tự) với tượng Phật Thái Dương (Dainichi) cũng là lý do khiến Phật giáo ở Nhật khác với các nước ở Đông Nam Á vì có sự hỗn hợp (hay hòa hợp) giữa hai tôn giáo.

Phật Giáo ở Nhật là Phật Giáo Đại Thừa giống Trung Hoa và Việt Nam, nhưng khác ở điểm là các tu sĩ được phép lập gia đình, cha truyền con nối giữ chùa. Tuy nhiên, các tu sĩ không có vợ thường được tín đồ kính trọng hơn và dễ giữ những chức vụ quan trọng như trưởng môn.

Để tránh ảnh hưởng và sự can thiệp của giới tăng lữ Phật giáo vào việc triều chính, các nhà vua sau này đã dời kinh đô về Heiankyo (Bình An Kinh) vào năm 794. Sau đó Heiankyo được đổi tên thành Kyoto (Kinh Đô) là kinh đô của Nhật kéo dài cho đến năm 1868 thời Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tenno) lên cai trị. Cũng nên biết thêm, trong một thời gian ngắn khi Edo (Giang Hộ) được đổi tên thành Tokyo (Đông Kinh), Kyoto còn được gọi là Saikyo (Tây Kinh) vì nằm về phía tây.

Để bạn đọc có một khái niệm về việc thờ cúng của Thần Đạo, chúng tôi xin tóm lược vài điểm như sau:

Cổng thần (Torii): Làm bằng gỗ sơn màu cam và màu đen, là nơi phân cách giữa khoảng không gian trần tục bên ngoài và linh thiêng bên trong ngôi đền. Trên cổng thần có treo sợi dây thừng tượng trưng cho sự linh thiêng của kami (thần).

Cột trụ cổng chùa bằng gỗ: tồn tại cả ngàn nămThần điện: bao gồm hai phần. Haiden (bái điện) là phần trước của ngôi đền nơi người ta đến để khấn xin với các vị thần. Người ta xếp hàng nối đuôi để làm lễ, theo 4 giai đoạn. Đặt tiền vào hộp lễ vật; lạy 2 lạy trước điện; vỗ tay hai cái (để thần lắng nghe) và sau đó lạy thêm một lạy nữa. Trong một số trường hợp đặc biệt, người khấn có thể được một tu sĩ đưa vào bên trong bái điện để làm lễ thanh tẩy.

Honden (bản điện hay chính điện) nằm phía sau bái điện, là nơi tế các vị thần. Đây được xem là nơi linh thiêng nên chỉ có các đạo sĩ mới được vào.

Trong chính điện là nơi đặt các vật thờ như Sanbo, là một vật hình hộp đứng làm bằng gỗ; Heitaku là gậy thánh; Saisenbako là thùng lễ vật của người hành lễ; dây thừng Shimenawa…

Ở một vài đền Thần Đạo, tôi có chụp vài bức hình đứng từ bái điện. Nhưng gặp những đền lớn, từ ngoài nhìn vào chẳng thấy rõ bên trong, như đền liệt sĩ Yasukuni Shrine ở Tokyo. Tôi thấy những người Nhật sắp hàng trước bái điện của đền liệt sĩ Yasukuni, nhưng khi lạy xong, họ đưa máy ảnh lên tính chụp bên trong chính điện liền bị các nhân viên an ninh quát tháo ngay. Mà tiếng Nhật khi la mắng còn nghe tợn hơn. Nhập gia tùy tục, tôi cứ chắc ăn bằng cách quan sát người ta làm rồi mình mới làm theo.

Đi bộ lên Chùa Kiyomizu: mệt phờ vì tính sai

Kiyomizu-ji hay Kiyomizu-dera gọi bằng tiếng Anh là Kiyomizu Temple. Ji hay dera trong tiếng Nhật có nghĩa là Tự, Chùa. Tiếng Việt gọi là Chùa Kiyomizu (hay Thanh Thủy Tự) và cũng có người gọi là Đền Kiyomizu. Gọi cách nào cũng có cái lý của nó vì trong Kiyomizu Temple người ta thờ cả Phật lẫn Thần.

Mặt tiền của đền Thần Đạo và đạo sĩ áo trắng trong khuôn viên Chùa Kiyomizu

Kiyomizu là ngôi chùa thờ Phật Quan Âm có nghìn cánh tay, nhưng lại nổi tiếng với với ba giòng nước chảy từ trên đồi xuống và vì thế được biết đến với cái tên Kiyomizu,  có nghĩa là giòng nước thanh khiết, nước thiêng. Đề án xây chùa được đưa ra vào năm 778 khi triều đình Nhật còn đóng đô ở Nara (Nại Lương), phía nam Kyoto. Nhưng phải đợi đến năm 798 mới xây, nghĩa là 4 năm sau khi triều đình Nhật đã dời đô về Kyoto.

Từ Tokyo, chúng tôi mua vé xe lửa khứ hồi Shinkansen đi Kyoto với giá 27,400 Yen một người (với hối xuất chúng tôi đổi lúc đó tương đương khoảng 330 Úc kim). Xe lửa cao tốc ngừng ở hai ba trạm như Yokohama, Nagoya nhưng đủ chỉ cho hành khách lên và xuống rồi đi ngay, vì thế xe chạy chỉ mất khoảng 2 giờ 20 phút là đến Kyoto, dù đường xa khoảng năm sáu trăm cây số.

Chúng tôi đã xem sơ qua bản đồ Kyoto, nhưng khi đến nơi, việc trước tiên là lên tháp Kyoto Tower để quan sát thành phố. Tuy lầu vọng cảnh chỉ ở cao độ 100 mét nhưng do thành phố không có nhiều cao ốc, đứng ở Kyoto Tower có thể nhìn xuyên suốt cảnh vật đến tận chân núi.

Người ta nói Kyoto có địa hình núi bao bọc nên hợp với phong thủy bởi thế các triều đại của Thiên Hoàng Nhật đã tồn tại gần 11 thế kỷ tại vùng đất này, ngai vàng không mất mặc dầu gặp các nạn sứ quân, mạc phủ và tướng quân. Thành phố cổ này trải qua bao biến động trong lịch sử, kể cả hỏa hoạn, động đất và chiến tranh nhưng Kyoto vẫn duy trì được những di tích lịch sử, nét cổ kính chứ không bị hiện đại hóa như các thành phố khác dù dân số ở đây đã lên tới 1.5 triệu người.

Với trên 2,000 ngôi đền và chùa, các cung điện và vườn ngự uyển được bảo vệ, nhiều di tích đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản của thế giới, người ta nói cố đô Kyoto được coi như một viện bảo tàng của nước Nhật. Kyoto cũng là nơi tổ chức các hội nghị quốc tế mà nổi tiếng nhất là hội nghị vào năm 1997 với Nghị Định Thư Kyoto trong đó một số nước cam kết giảm khí thải nhưng các nước Tây phương như Mỹ và Úc đã không chịu ký.

Đi Nhật, muốn tìm hiểu văn hóa và nếu chỉ có thể chọn một nơi để đi mà thôi, du khách nên đi Kyoto. Có thể ví von Kyoto là đất ngàn năm văn vật như ta ví Thăng Long (Hà Nội). Và đa số du khách chọn mùa thu để thăm cố đô vì mùa này cả thành phố rực đỏ do cây phong (maple) chuyển từ màu xanh sang màu đỏ và màu vàng. Nhìn những bức hình chụp những mái chùa Kiyomizu chìm ngập trong rừng phong màu đỏ trùng trùng điệp điệp, tôi lại tiếc là đã không đi du lịch Nhật vào mùa thu, hay ít ra cũng đi vào mùa xuân để ngắm hoa anh đào.

Kiệt tác của Chùa Kiyomizu: Hành lang “treo” trước chính điện Hondo

Từ Kyoto Tower dùng ống dòm miễn phí của tháp hay ống zoom của máy ảnh, tôi có thể nhận diện ra quần thể của Chùa Kiyomizu, trải dài trên sườn đồi phía đông thành phố với nhiều mái chùa nhô ra khỏi các tàng cây. Người ta ghi trên mặt kính của lầu vọng cảnh khoảng cách của Chùa Kiyomizu là 2.4 km. Tôi cho đó là đường chim bay và đoán đi bộ khoảng 4 cây số, một đoạn đường không quá dài đối với thói quen đi dạo của chúng tôi.

Lại nữa, đi bộ sẽ có dịp xem cảnh vật, đừng lại lúc nào mình thích hơn là đi taxi. Tôi thấy trên đường đi có ngôi chùa Nishi Hongan của phái Tịnh Độ Tông, một trong những phái lớn nhất của Phật Giáo Nhật Bản nên quyết định đi bộ, đi cho đến khi nào không đi được nữa thì hãy gọi taxi sau, mất chừng 10 đến 15 đô la là tối đa. Cũng luôn tiện dòm hai bên đường có McDonald hay quán take-away nào để vừa ăn, vừa đi bởi chúng tôi chỉ được ở Kyoto tối đa là 10 tiếng mà lại muốn đi xem nhiều thắng cảnh cho khỏi bỏ công.

Nhưng đi chừng vài trăm mét mà chẳng thấy quán bán đồ ăn thích hợp. Trời nắng và quá nóng khiến chúng tôi chỉ đi nép một bên đường chứ không dám băng qua bên kia đường. Đi ngang cổng chùa Nishi Hongan, chúng tôi dừng lại chụp vài tấm hình, rồi đi thêm vài chục mét để chụp một bức hình trước gian chùa lớn mà tôi nghĩ là chính điện. Chúng tôi không dám đi sâu vào vì sợ tốn thì giờ và tốn sức.

Và cứ thế chúng tôi lần theo đường trên bản đồ đi về hướng đông bắc. Để tránh ánh nắng gay gắt, chúng tôi đi vào các con đường nhỏ, nhưng đường lúc này sao vắng người, chỉ thấy những dãy nhà cổ nho nhỏ nằm sát nhau. Chúng tôi nghĩ có thể đã đi sai hướng. Lạc đường giữa trời nắng chang chang trên 35 độ C quả là khủng khiếp. May gặp một người đàn bà Nhật đi ngang, tôi hỏi Chùa Kiyomizu bằng cách đọc tên chùa và chấp tay lạy như lạy Phật thì cuối cùng bà mới hiểu và chỉ hướng đi. Bà cũng chấp tay vái nhiều lần, nhưng tôi không hiểu đó là lối chào thông thường của người Nhật hay bà muốn ám chỉ hướng đó có chùa.

Khu vực này không thấy xe chạy và dĩ nhiên chẳng có taxi. Thỉnh thoảng gặp vài thanh niên Nhật, lại hỏi và làm dấu, mỗi người nói một ngôn ngữ làm cho tôi đang mệt mà không kềm phì cười được, khiến sợ làm phật lòng người mình đang nhờ.

Nhưng rồi chúng tôi cũng trở ra được đường cái và thấy chân đồi núi đàng xa, chừng 1 cây số nữa. Nếu có xe taxi ngay bên cạnh, chúng tôi sẽ gọi dù chỉ đi vài trăm mét, bởi nhà tôi gần như muốn kiệt sức, cứ đi một đoạn phải ngừng để lấy sức, một điều tôi chưa bao giờ thấy trong những chuyến đi du lịch hay đi bách bộ ở Melbourne. Có lẽ do trời quá nóng, cơ thể bị mất nước mà uống nước vào cũng chẳng giúp ích gì, chỉ thêm mệt.

Đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng đi giữa phố Kyoto vào mùa hè  không giống đi bộ ở Melbourne vào mùa đông. Đoạn đường này rộng như đường St Kilda Road ở South Melbourne nhưng lại không có bóng cây. Băng qua đường để mong đón được taxi trống cũng là vấn đề. Kinh nghiệm đi bộ giữa Kyoto trời mùa hè khiến những ngày sau chúng tôi luôn gọi taxi ngay từ đầu cho chắc ăn.

Vì đi nép trong lề đường nên thỉnh thoảng thấy những chiếc xe taxi chạy ngang qua cũng đành chịu. Nhưng  xe taxi đến đoạn này đã có người bên trong, có lẽ là khách đi  chùa. Chúng tôi phải ngừng nhiều lần cho nhà tôi nghỉ mệt trước khi tới ngã tư dưới chân đồi với rừng người chen chúc băng qua đường, có nhân viên mặc sắc phục chỉ đường. 

Những cột cây đỡ ban-công từ vách đá dài trên 10m: đã có những người nhảy từ hành lang chính điện xuống đường để cầu may

Chúng tôi đã mất khoảng 1 tiếng để đi từ Tháp Tokyo tới đây. Nhưng từ đây lên đến chùa, theo bảng hướng dẫn trên đường, còn một cây số nữa. Xe taxi chở khách hòa lẫn với người đi bộ trên con đường dốc nhỏ một chiều.  Hai bên đường bán đồ lưu niệm, đồ dùng trong nhà và nước giải khát. Tôi sợ rằng vào trong chùa sẽ không có nhà hàng ăn mặn và bia nên hỏi một thanh niên bằng cách làm dấu hiệu đưa đồ ăn vào miệng. Anh người Nhật vui tính nói bằng tiếng Nhật và ra dấu có đồ ăn ngon lắm, nhưng tôi không hiểu đấy là nhà hàng nằm trên đường đi hay bên trong chùa.

Bởi trời nắng, khát nước và đói vì đã quá 12 giờ trưa, tôi chỉ mong vào ngay một cái nhà hàng dù đã thấy một hai mái chùa từ xa, độ khoảng hai trăm mét. Một người Nhật chỉ cho tôi một nhà hàng trước mặt mà do nắng làm hoa mắt và bảng hiệu bằng tiếng Nhật nên tôi không hiểu đấy là gì. Khách được đưa ngay cho một cái khăn ướp lạnh để lau mặt và một ly trà lạnh miễn phí. Chẳng mấy khi tôi được uống một ly nước giải khát ngon như vậy. Sau đó họ mới hỏi mình kêu gì.  Một đĩa mì thịt và một phần cơm thịt kiểu Nhật và hai ly bia: 3,950 Yen (khoảng 48 đô) cũng là giá “dễ chịu” cho khu du lịch.

Nhà hàng trình bày theo kiểu Nhật, cửa gỗ như thường thấy trong xi-nê. Phòng vệ sinh nhỏ, sàn và kệ rửa tay đều bằng gỗ trông rất cổ xưa nhưng vòi nước hiện đại, tự động. Và thích nhất là sạch, rất sạch.

Ăn no, uống đủ, lại được ngồi trong phòng có máy lạnh chừng nửa tiếng, chúng tôi đã tươi tỉnh trở lại. Đường lên chùa lúc này có vẻ ngắn bớt, cảnh đẹp hơn, vừa đi vừa ngắm quán xá hai bên đường.

Khuôn viên của Chùa Kiyomizu được cách biệt với bên ngoài bằng những bậc cấp bằng xi măng và thành chắn đồi bằng những viên đá cắt từ sa thạch (bluestone). Chúng tôi được biết Chùa Kiyomizu là một quần thể bao gồm mấy chục ngôi kiến trúc nằm rải rác và chồng chất lên nhau trên sườn đồi. Gọi là chùa cũng đúng, bởi cái cổng đầu tiên của Kiyomizu là kiến trúc cổng chùa (cổng tam quan), khác với kiến trúc cổng Thần Đạo (giản dị chỉ có hai cột chống và hai cây xà đặt ở trên đầu hai cột).

Thành khẩn vái và giựt dây vải (trái), ông nhìn bà sờ tượng đồng “thần thích vỗ” Daikoku (giữa) và một thiếu nữ suy nghĩ sẽ xin gì đây (phải).

Dù, kimono, xách tay: cô gái Nhật tiến lên khu vực đền của Thần Đạo

Cột trụ cổng Chùa Kiyomizu to bằng thân một người trung bình. Ông hướng dẫn viên đi tour núi Phú Sĩ có nói rằng đền chùa ở Nhật làm bằng gỗ cây cedar (tuyết tùng/ bách hương/ bá hương) nên có thể tồn tại trên một ngàn năm. Chùa Kiyomizu được xây vào năm 798 nhưng bị hư hại vì hỏa hoạn nhiều lần và được trùng tu lần chót vào năm 1629  trong đó có chính điện Hondo (main hall) dưới thời Tướng Quân Đức Xuyên đời thứ 3 là Tokugawa Iemitsu.

Vui như ngày hội

Trong thời gian ở Nhật, vào bất cứ đền Thần Đạo hay chùa Phật Giáo nào, chúng tôi đều thấy cảnh người ta múc nước rửa tay hoặc uống ở các chậu lớn, bể nước đặt trước đền hay chùa. Biết đó là một tập tục hay một nghi thức mang tính cách tôn giáo, chúng tôi cũng bắt chước, không vì  lòng tin nhưng làm giống người địa phương thì cũng cảm thấy hay hay. Sau này, chúng tôi mới biết đấy là Te mizuya (giếng thanh tẩy) là một loại nước thánh mà những người khi hành lễ phải rửa tay hay súc miệng trước khi vào điện bái thần linh.

Băng qua vài căn chùa/đền chúng tôi đến trước chính điện Hondo. Đi vào khuôn viên chùa miễn phí, nhưng muốn vào trong điện phải mua vé 300 Yen/ người. Phải bỏ giày dép trong bao ni-lông người ta phát trước của điện, mang theo và sau khi trở ra trả bao ni-lông lại. Không được chụp ảnh.

Đi vòng từ trái qua phải trong một gian phòng tối chỉ thắp đèn cầy, đầy người, vừa nóng vừa khó thở. Chúng tôi thấy thiên hạ bỏ tiền mua đèn, mua bùa. Có những tờ giấy viết chữ Nhật đề giá 3,000 Yen mà tôi không hiểu đấy là xăm hay phiếu ủng hộ. Khách hành hương tỏ ra thành tâm. Một số ít vì hiếu kỳ. Chúng tôi tò mò xem trong chùa người ta thờ gì, nhưng thấy phần lớn những tượng thờ không phải là Phật mà hình như là thần với các khuôn mặt hầu hết dữ dằn, tay cầm gươm giáo đầy hung khí.

Rồi thấy một bức tượng lớn có nhiều cánh tay, chúng tôi chẳng biết đó là tượng gì, Phật hay Thần. Sau này tôi mới biết đấy là tượng  Quan Âm 1000 cánh tay mà người Nhật gọi là Juichimen Kannon (Goddess of Mercy). Nói 1000 chứ thật ra chỉ có 40 cánh tay nhưng trong cách nói của Phật Giáo, mỗi cánh tay cứu 25 thế giới nên tương đương với con số 1000. Có một số nơi ở Nhật người ta thờ Quan Âm Bồ Tát thiên nhãn thiên thủ (ngàn mắt ngàn tay) hay Quan Âm thập nhất diện (11 khuôn mặt, một mặt Phật và 10 mặt Bồ Tát).

Sau đó chúng tôi bước ra hành lang của chính điện, là một cái ban-công với một khoảng không gian thật rộng, từ đây có thể nhìn lên rừng cây xây xanh quanh năm nơi quần thể chùa tựa lưng vào, rừng phong (maple) xanh ngát trải dài qua sườn đồi xuống tận chân đồi, và xa xa là thành phố Kyoto nhà cửa phố xá thấp nổi bật cái tháp cao 131 mét mà chúng tôi có dịp lên ngắm trước khi tới chùa.

Hành lang của ngôi chùa là một kiệt tác của quần thể chùa bởi tuy được xây dựng lại trong 4 thế kỷ gần đây, nhưng kiến trúc vẫn giữ nguyên bản gốc. Hàng trăm cột gỗ cây trong đó có những cột dài trên 10 mét chống đỡ ngôi đền và hành lang ở sườn đồi cho người ta cái cảm giác ngôi chùa nằm lơ lững trên không.

Có những người tin rằng nếu họ đứng từ hành lang này nhảy xuống chân đồi mà không chết thì sẽ gặp may. Theo thống kê, từ khi xây lại hành lang này thời Edo đến khi có lệnh cấm đã có 234 lượt người nhảy và trong đó có 199 lượt sống sót. Vì việc nhảy qua vách đá xuống chân đồi nổi tiếng như vậy nên người Nhật có câu nói “Kiyomizu no butai kara tobi-oriru” nghĩa đen là nhảy qua hành lang từ chùa Kitomizu, nhưng nghĩa bóng là làm một quyết định quan trọng có tính cách đổi đời.

Đứng trên hành lang ngắm cảnh một hồi, thấy các cô gái Nhật viếng chùa trưng diện kimono, tôi và nhà tôi thay nhau xin chụp chung với họ vài tấm làm kỷ niệm. Các cô gái Nhật vui vẻ nhận lời.

Sau đó, chúng tôi đi vòng về phía sau và thấy có một con đường nhỏ dẫn tới các bậc cấp. Thấy có giòng người lên xuống, chúng tôi đi thử lên để xem ở trên kia có gì lạ nữa không. Và đây là một thế giới khác, không mang tính cách tôn giáo mà có vẻ dân gian hơn. Trên đây có  nhiều đền thờ (jinja) của Thần Đạo nơi người ta xin xăm, cầu hên may còn vui hơn cảnh ngày Tết tại Lăng Ông ở Gia Định thời Việt Nam Cộng Hòa.

Người ta –trẻ có và xồn xồn có—đến đây để cầu xin chuyện tình duyên, sự may mắn.

Ở đây có thần Okuninushi no Mikoto,  thần tình yêu và se duyên. Cạnh ông, có con thỏ là sứ giả của ông thần. Bạn chưa có người yêu mà không muốn tốn tiền mua những cái xăm (omamuri)giá khoảng 200 Yen, hãy tới sờ vào hai cục Đá Tình Yêu (koiuranai no ishi) để giữa sân đền, cách xa nhau 6 mét. Người ta nói rằng nếu bạn nhắm mắt thầm đọc tên người mình yêu và đi từ cục đá này qua đụng cục đá kia thì lời cầu xin của bạn sẽ có kết quả. Đó là lý do khiến khu vực này đông người đi lại, nhất là các thanh niên nam nữ.

Nếu bạn có quá nhiều ước muốn khác nhau bạn có thể tới sờ  tượng đồng  Daikoku, ông thần tài. Bên cạnh tượng ông thần có bảng ghi: “Nếu bạn vỗ tượng đồng Nade-Daikoku-san (Daikoku để vỗ) này, lời cầu xin của bạn sẽ được toại nguyện.”  Tôi thấy nhiều người Nhật xồn xồn  sờ và vỗ vào ông thần này như lời chỉ dẫn bằng song ngữ Anh-Nhật, mặt mày người nào cũng thành khẩn.

Có nhiều thần khác và nhiều cách để cầu xin bằng cách mua xăm, bùa thả vào trong thùng gỗ hay gấp  nhỏ treo ở các dàn dây. Bởi vào cửa miễn phí nên tôi nghĩ lối xin xăm trả tiền cũng là cách giúp điều hành sinh hoạt chùa, phục vụ khách thập phương.

Chúng tôi lần theo con đường phía sau chính điện để tiếp tục thăm những thắng cảnh khác của chùa, gặp một giếng nước có một tượng thần đặt ở giữa, thấy khách thập phương xếp hàng dùng gáo có tay cầm múc nước uống rồi dội lên đầu tượng thần hay làm ngược lại, chúng tôi cũng bắt chước, vui với không khí của những khách hành hương.

Sau đó đi bọc hậu xuống đồi trên con đường hai bên toàn cây phong lá xanh, thật mát mẻ, khác với không khí nóng bức ở dưới phố.

Thân thiện: Tác giả và hai cô giá Nhật đi chùa trong y phục cổ truyền tại khu vực chính điện Hondo

Thấy một nơi trông có vẻ giống cái nghĩa địa nho nhỏ, chúng tôi đến xem và nhận ra những bức tượng con con có treo miếng vải đỏ như cái váy mà một số du khách Tây phương đi tour núi Phú Sĩ thắc mắc và đã được người hướng dẫn du lịch giải thích, rằng đấy là những vị thần bảo vệ trẻ em bởi ở Nhật mỗi năm có khoảng 300,000 vụ phá thai.

Bây giờ tôi lại trở thành người giải thích cho mấy du khách Ý đứng bên cạnh muốn biết đấy là những tượng gì. Đó là chính là Bồ Tát Địa Tạng (Ksitigarbha Bodhisattva), một vị Phật được người Nhật sùng bái rộng rãi như  Bồ Tát Quán Thế Âm ở Việt Nam vậy. Vì sự phổ biến đó mà ở Nhật, đi bất kỳ ở ngõ hẻm nào bạn cũng bắt gặp những bức tượng Địa Tạng Bồ Tát, nơi thì chỉ là những bức tượng hình thù đơn giản, nơi thì là những bức tượng hình thù rõ rệt và có nơi là những bức tượng nhỏ tuyệt đẹp với những nét khắc tinh xảo. Có những chùa người ta dựng hàng trăm bức tượng Địa Tạng Bồ Tát sát nhau, trông rất đẹp như chùa Zojoji sát bên tháp Tokyo Tower ở thủ đô.

Trên con đường thơ mộng với cây cối như con đường nhỏ ở làng quê, chúng tôi gặp những quán nước kiểu Nhật hai bên lề với những ngọn đèn lồng hình tròn. Khách ngồi trên sàn gỗ, giày dép bỏ lại ở mé đường, ngồi xếp chân quanh cái bàn thấp. Mái nhà chỉ lợp ngói liệt đơn sơ, không có vách do đó không gian trải rộng ra rừng phong bên cạnh, trông hữu tình.

Một trong những cái nổi tiếng của Chùa Kiyomizu mà tôi được nghe trước khi đến Nhật là thác nước ba dòng dưới chân của hành lang chính điện Hondo. Khi còn đứng ở trên hành lang dòm xuống, chúng tôi thấy người li ti sắp hàng cạnh một mái nhà và chỉ đoán đấy là thác nước. Nay khi xuống đồi, chúng tôi không có thì giờ xếp hàng mua vé để bước lên trên bục hứng nước uống hay đổ vào bình mang về nhà như một số du khách Nhật. Chỉ chụp một số hình làm kỷ niệm.

Ba giòng nước này chảy từ suối ngầm trên đồi, qua chính điện và tuôn ra ở vách núi nơi người ta xây một tòa kiến trúc để cho suối nước chảy thành ba giòng có tên là Ottowa no taki, tượng trưng cho ba ước muốn của con người: tình yêu, sức khỏe và tiền bạc.

Nhưng cũng có người địa phương tin rằng uống nước ở ba giòng này sẽ mang lại sự tốt lành khác:  Uống giòng suối bên tay mặt sẽ làm cho người ta thông minh, nước giòng giữa làm cho người ta trẻ đẹp và nước giòng phía trái làm cho người ta sống lâu.

Người ta nói người Nhật ngày nay phần lớn không sùng đạo nhưng chùa chiền và đền đài ở Kyoto lúc nào cũng tấp nập khách thập phương và đó là cái nét đặc biệt và quyến rũ của cố đô ngàn năm văn vật.

Quán nước bên lề đuờng trong khuôn viên chuà: Một hình ảnh mộc mạc nhưng khá lãng mạng đối với thiện nam tín nữ

Ra khỏi khuôn viên Kiyomizu, chúng tôi trở lại con đường hẹp dẫn vào chùa với quán xá hai bên đường, ghé vào một quán bán trà bởi được những mại viên mời uống trà miễn phí. Đang khát nước mà được mời uống những ly trà chùa lạnh, thật đã. Chúng tôi không hiểu các mại viên  nói gì nhưng sau khi thấy những người được mời uống đi tìm các gói trà để mua thì hiểu rằng đây là cách giới thiệu hàng.

Chúng tôi đã uống trà xanh xay bột ở khách sạn nên bắt đầu quen mùi vị trà của Nhật. Uống các ly trà xanh này chúng tôi lại nhớ đến Trà Đạo, một nét văn hóa rất Nhật của con cháu Thái Dương Thần Nữ.

Đi Nhật mà không tới Kyoto là một sự thiếu sót. Chúng tôi đã tới nhưng chỉ ở đấy trong gần 10 tiếng đồng hồ nên cũng chưa tham quan được nhiều, biết được những cái hay cái đẹp khác của một thành phố được bình bầu hạng thứ tư trong 10 thành phố đáng đi du lịch nhất ở Châu Á. (Còn nữa)