Tân Đảo có gì lạ? Nouvelle Calédonie: Parlez vous Vietnamien? (kỳ 5)

02 Tháng Năm, 2007 | Tân Đảo - New Caledonia
Một lớp tiếng Việt trong xứ đạo Việt Nam ở Nouméa. Hình: TVTS

Tại Nouméa cũng như Paris, sinh hoạt của người dân không xô bồ và vội vã như ở Úc và Mỹ. Người ta đi đứng từ từ, làm việc tà tà. Người bán hàng ở các cửa tiệm, dù là người Pháp da trắng, bản xứ da đen, di dân da vàng trong đó có người Việt (1)  cứ ngồi mà bán, dù là ngồi quầy tính tiền (bởi khách phải tự bỏ hàng vào bao ni-lông). Trưa đến, phần lớn cả công sở đều đóng cửa, ít lắm là một tiếng đồng hồ, kể cả ngân hàng, bảo tàng viện. Tiệm nhỏ có tính cách gia đình như  tiệm tạp hóa Chez Vincent ở khu “Bãi Bắn” tuy không đóng cửa, nhưng đến trưa, ông chủ gia đình cũng đi ngủ trưa. Tà tà như dân Sàigòn (2) ngày xưa.

 

Giữ gìn tiếng Việt

Chiều Thứ Bảy, thấy phố xá Nouméa vắng vẻ, tôi ghé qua nhà nhà thờ chính tòa tham quan, để xem một kiến trúc  đã hình thành cách đây khoảng một trăm năm có khác gì nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn không. Nhà thờ chánh tòa có tên là Cathédrale Saint Joseph de Nouméa nằm  trên đồi, đối diện với văn phòng hãng máy bay Qantas Úc, mặt tiền nhìn ngang qua thành phố  ở dưới và phía bên kia khu phố xá là biển. Có thể nhìn thấy tàu đậu với mắt thường.

Như ở các nước thuộc địa cũ của Pháp, người dân Nouméa khá sùng đạo. Lúc này khoảng hai hơn 2 giờ chiều, chưa đến giờ lễ (3 giờ) mà đã có những tín hữu đến viếng nhà thờ. Tôi thấy một một phụ nữ trung niên vừa bước ra khỏi chiếc xe Mercedes đậu trong sân nhà thờ trông có vẻ người Việt Nam bèn đến hỏi: “Parlez-vous Vietnamien” và khi bà trả lời “Oui”, thì tôi liền hỏi bà bằng tiếng Việt có phải bà ở gần đây không. Bà trả lời bà ở ngoài tỉnh  làm tôi tưởng bà phải ở đâu xa lắm, nên đã không hỏi  về cuộc sống của người Việt ngay ở phố (sau này tôi mới biết danh tư  tỉnh dùng để chỉ trung tâm thành phố).  Cũng như những người Việt khác mà tôi gặp ở Nouméa, bà này nói giọng Bắc nhẹ như giọng nói của những người Bắc di cư  vào Nam năm 1954.

Tôi khen bà quá sùng đạo bởi “ở xa” (ngoài tỉnh)  mà chịu khó đi lễ, bà chỉ mĩm cười không nói gì thêm, cũng chẳng buồn hỏi tôi người từ phương nào tới. Thấy bà cứ  trực chỉ bước vào cửa nhà thờ, tôi hỏi bà câu chót là bà có biết nhà thờ của người Việt Nam ở đâu không, bởi tôi là du khách  muốn đến dự thánh lễ của người Việt. Bà nói nằm ở Vallée du Tir, và hôm nay Thứ Bảy, có thánh lễ lúc 6 giờ do linh mục Việt Nam làm.

Tôi và nhà tôi tới trạm xe ở trung tâm phố, cách nhà thờ chừng nửa cây số đón xe Số  8 đường màu tím (No 8 – Ligne Violette) đi Vallée du Tir. Nhà thờ nằm cách trung tâm phố chừng 2.5 cây số, hướng lưng đồi, nhưng khu vực quanh nhà thờ trông có vẻ là khu của người lao động.  Kiến trúc nhà thờ của người Việt không có gì đặc biệt và cũng khó nhận ra nếu không có cây thánh giá trên nóc mái lầu và những lá cờ Tòa thánh Vatican bay phất phới trước cổng chào. Tôi nghĩ  nhà thờ chỉ đủ sức chứa khoảng 300 người dự lễ là tối đa, bên cạnh có cái sân khá rộng để xe đậu và một phòng hội có thể chứa khoảng 100 người.

Thấy một phụ nữ  ngoài 20 tuổi dáng dấp cao ráo, mạnh khỏe với nước da sạm nắng, đang đùa với một đứa bé giữa sân, tôi hỏi chị ta bằng tiếng Việt rằng hôm nay có lễ không, nhưng chị ta cứ tỉnh bơ đùa với đứa bé mà không trả lời khiến tôi nghi chị này bị khuyết tật không nghe được hay là người ngoại quốc. Thấy bên hội trường có tiếng người nói,  chúng tôi bước tới và thấy đang có một lớp học được giảng bằng tiếng Pháp.  Một phụ nữ thấy có người lạ cứ đứng thập thò ở cửa bèn bước ra. Tôi liền tự giới thiệu là du khách từ Úc sang, muốn đến đây dự thánh lễ buổi chiều, luôn tiện xem sinh hoạt của bà con người Việt ở Nouméa ra sao.

Trung tâm Công Giáo Việt Nam Nouvelle Caledonie. Hình: NHA

Chị Tuyết, một phụ nữ khoảng trên dưới 50 tuổi hỏi tôi qua đây có bà con gì không, trọ ở đâu, tôi nói chẳng quen biết ai bên này, nhưng từ mấy chục năm nay đã nghe nói về Nouméa nên muốn nhân dịp đi nghỉ mát, ghé tới những khu vực có người Việt để xem sinh hoạt có khác gì bên Úc không, luôn tiện dự lễ. Chị Tuyết cho biết chiều Thứ Bảy không có thánh lễ, chỉ có một lễ duy nhất  lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật, do linh mục quản nhiệm Ngô Quang Quý  từ một giáo xứ khác đến làm.

Chị Tuyết  nói chị cùng xứ bên Việt Nam với cha Nguyễn Hữu Quảng hiện ở Melbourne. Chị qua Nouméa trên mười mấy năm. Chị Tuyết giới thiệu chị Tâm, một phụ nữ trên 50 tuổi sinh đẻ ở Nouméa và những người khác là những người cuối tuần đến Trung tâm Công giáo Việt Nam Nouvelle Calédonie để phụ trách sinh hoạt của trung tâm, như  dạy giáo lý và tiếng Việt.  Các chị đều là người Bắc hoặc là con cháu của những “chân đăng” ngày xưa đi qua Tân Đảo làm phu cho Pháp.

Các chị mời chúng tôi vào hội trường uống nước và để chúng tôi ngồi xem các em học tập. Phần đầu, các em học giáo lý. Chị Tuyết cho biết khi dạy giáo lý (Công giáo), phải nói tiếng Pháp bởi các em không thể hiểu tiếng Việt. Nhưng qua phần dạy tiếng Việt, các chị nói hoàn toàn bằng tiếng Việt (có lẽ giống trường hợp các trung tâm dạy giáo lý và Việt ngữ của các xứ đạo Việt Nam ở Úc). Nhưng hình như lối dạy tiếng Việt ở Nouméa vẫn còn theo sách vở ngày xưa. Các em tập đánh vần như sau: U, cái lu;  I  cái li v.v… Phần lớn các em trong lớp Việt ngữ hôm đó tuổi từ  6,7  đến 10,11. Nhưng có một học sinh cao lớn cũng ngồi đánh vần “U, cái lu”. Và bây giờ tôi mới nhận ra đó là người phụ nữ tôi gặp trong sân nhà thờ đã không trả lời khi tôi hỏi bằng tiếng Việt.

Tôi khen chị Tâm tại sao sinh đẻ ở Nouméa mà nói tiếng Việt giỏi như thế thì được chị nói cha mẹ, ông bà qua các đời luôn luôn dạy cho con cái tiếng Việt để bảo tồn văn hóa của mình ở xứ người. Giọng Bắc của chị Tâm cũng như của chị Dung quán Bambino không khác gì của một người sinh đẻ và sống ở Việt Nam, không có một âm nào ngọng nghịu, đớt.  Gặp những người như  chị Tâm, chị Dung tôi có cảm tình và phục họ ngay, không cần biết trình độ học vấn, bằng cấp của họ như  thế nào.

Các chị cho biết, ngoài trung tâm  dạy tiếng Việt ở xứ đạo Việt Nam, ở “ngoài tỉnh” còn có trung tâm khác nữa. Tinh thần bảo tồn văn hóa, tiếng mẹ đẻ không những chỉ được phát huy ở những đất nước  người Việt  ồ ạt  đến định cư sau này, mà ngay cả ở lãnh thổ thuộc địa của thực dân Pháp, nhờ những người như chị Tuyết, chị Tâm và các anh chị khác trong xứ đạo.

Nhìn trên tường hội trường, tôi thấy treo ảnh của nhiều linh mục Việt Nam trong đó có hai linh mục người Pháp. Họ là những cha xứ hay tuyên úy của họ đạo Christ Roi (Kitô Vua) trong khoảng ba phần tư  thế kỷ qua. Cha xứ hiện tại là linh mục Ngô Quang Quý. Cha xứ Việt Nam đầu tiên là linh mục Nguyễn Duy Tôn (1954-65), người đã khuyên các tín hữu đừng nghe lời ông Hồ Chí Minh dụ dỗ mà trở về nước. Một linh mục nổi tiếng khác ở Việt Nam từng qua Nouméa làm cha xứ ở nhà thờ Kitô Vua là cha Ngô Duy Linh (1990-91).

Chị Tâm tỏ ra là người quá ngoan đạo khi cho rằng “chúng tôi rất khao khát linh mục” vì ở Nouméa thiếu linh mục. Bởi vậy có một số linh mục Việt Nam ở Úc thỉnh thoảng qua giúp xứ ngắn hạn ở Nouméa. Các chị mời chúng tôi ngày mai đến dự lễ để gặp cha xứ Việt Nam, nhưng chúng tôi đã không trở lại vì thánh lễ 6 giờ chiều là lúc trời đã bắt đầu tối.

Chúng tôi dự thánh lễ Chủ Nhật lúc 9 giờ sáng  ở Nhà thờ Chính tòa Saint Joseph,  để dành thì giờ đi chơi trong ngày.  Tôi nghĩ  nhà thờ này lớn bằng nhà thờ chính tòa Đức bà ở Sàigòn. Ở các xứ thuộc địa, tín hữu rất sùng đạo. Nhà thờ đầy kín người trong đó hai khoảng ba phần tư là người bản xứ da đen.  Tôi không có dịp đi tham quan chùa ở Nouméa, nhưng chị Dung quán Bambino là một phật tử kể rằng thầy Thích Phước Huệ có sang Nouméa và khi qua Sydney, chị cũng có đến chùa của thầy.  Việt kiều Úc có thể ít qua Nouméa, nhưng phần lớn Việt kiều Nouméa đều từng đi du lịch Úc vì dùng đồng Franc kiếm được ở Tân Đảo sang du lịch Úc sẽ rất thoải mái.  Những người Việt tôi gặp ở Nouméa thường chỉ biết Sydney hay Brisbane (cũng dễ hiểu, bởi chỉ mất 2 hoặc gần ba giờ bay mà thôi).

Cha Ngô Quang Quý, hiện làm tuyên úy ở xứ đạo Christ Roi

Nouméa có gì lạ?

Ở thành phố thì chẳng có gì gọi là lạ! Trong hai Viện bảo tàng nằm giữa phố, tôi đã có dịp đi xem một cái. Vé vào cửa 200F (khoảng 3 Úc kim). Tôi hy vọng sẽ tìm được một chút di tích gì của người Việt “chân đăng” ngày xưa ở đây, nhưng chỉ thấy  toàn đồ tạo tác của người cổ đại ở khu vực Thái bình dương và ở đại lục Úc. Nếu bạn muốn tìm hiểu và thưởng thức văn hóa bản xứ, của giống người Kanak thuộc họ Mélanesian, bạn có thể tham quan trung tâm văn hóa Tjibaou (Le centre culturel Tjibaou, vé vào cửa 2,500F khoảng 38 đô) cách trung tâm phố khoảng  10 phút lái xe. Theo quảng cáo, ngoài những kiến trúc cổ truyền của người bản xứ, du khách còn được xem tranh, điêu khắc và thưởng lãm âm nhạc và các vũ điệu của người bản xứ  chánh hiệu  của Tân Đảo. Nhưng tôi không có dịp đi xem nên không biết.

Thành phố Nouméa vốn đã ít người, lại trông càng vắng vẻ vào những ngày cuối tuần. Các tiệm buôn mở cửa nửa ngày Thứ Bảy nên vẫn còn một số sinh hoạt, nhưng qua ngày Chủ Nhật thì hoàn toàn đóng cửa. Người ta chỉ thấy lác đác khách bộ hành ở các trạm xe bus. Nơi còn nghe tiếng người nói là công trường cây dừa –Place des Cocotiers–  nằm giữa trung tâm thành phố, chỗ đám thanh người da đen bản xứ (Melanesian) tụ họp nô đùa, tán gẫu hay đợi xe.

Cả các quán ăn cũng đóng cửa luôn. Vì thế, muốn ăn, bạn chỉ có thể về nhà của bà con bạn bè hay vào các khách sạn. Hoặc ra các bãi biển như Baie des Citrons hay Anse Vata. Mọi sinh hoạt của thành phố Nouméa đều dồn ra biển, người địa phương cũng như du khách.

Tân Đảo (Nouvelle Calédonie/ New Caledonia)  là một lãnh thổ được xem có nhiều bờ biển san hô nhất thế giới (barrier  reef – lagoon) và tất cả đều được bảo vệ kỹ càng như  bờ biển san hô Barrier Reef ở Queensland.

Nếu bạn không thích cưỡi ngựa ở đồi núi, ngoạn cảnh bằng trực thăng, bạn có thể ra bờ biển thuê ca-nô, thuê thuyền buồm, xuồng kayak, ván buồm (windsurf, surf  à voile) v.v… hoặc đi tàu qua các hòn đảo khác, bởi thông thường bờ biển các hòn đảo nhỏ đẹp, thơ mộng và sạch hơn những bãi biển lớn  của các thành phố.

Và nếu bạn muốn ghi lại một ngày đi chơi vui, không phải mất quá nhiều thì giờ du hành, tôi đề nghị bạn nên đi thăm ngọn hải đăng Le Phare d’Amédée, ở một cù lao nhỏ cách trung tâm thành phố Nouméa khoảng 20 cây số, theo lối đi tour.

Hầu như du khách nào tới Nouméa nếu muốn đi một chuyến tour trong một ngày, đều đi xem ngọn hải đăng lịch sử này, ngọn hải đăng đầu tiên làm bằng thép cao nhất thế giới, xây cách đây gần 150 năm. (còn một kỳ nữa)

———————————–

(1) Trong thơ, nhạc hay qua các bài viết (cả khi nói) có những tác giả thường hay dùng cụm từ “máu đỏ da vàng”  hay “người Việt Nam máu đỏ da vàng” hình như để  diễn tả lòng yêu nước, thân phận, khẳng định giòng giống hay bản sắc của người Việt Nam.  Lối dùng chữ  theo khuôn sáo đó có lẽ phát xuất từ thời Trịnh Công Sơn làm nhạc phản chiến, nói lên thân phận của người Việt Nam trong cuộc chiến Nam-Bắc/ Quốc-Cộng (Người con gái Việt Nam da vàng – Ca khúc da vàng). Nhưng sau năm 1975, có một số người dùng cụm từ đó một cách bừa bãi, không thích hợp hoặc chẳng hiểu họ muốn nói gì. Thí dụ khi nói: “Chúng ta, những người Việt Nam máu đỏ da vàng”, thì nghĩa là thế nào? Bộ người Tàu, người Nhật, người Đại Hàn không phải là người da vàng? Và chẳng lẽ họ (cả người da trắng, da đen…)  có máu xanh, máu trắng hay sao?

(2) Trước năm 1975, do ảnh hưởng của Pháp, học sinh và công chức tư chức đều nghỉ trưa khoảng hai tiếng. Nghỉ để ngủ trưa (sieste). Nhưng như  cộng tác viên Trường Kỳ có viết trong mục Sàigòn du ký hồi gần đây, có người ngoại quốc đã tỏ ra ngạc nhiên khi thấy người Sàigòn lúc nào cũng tà tà, hưởng thụ: sáng ra đường uống cà phê, trưa về nhà ngủ, tối đi nhậu. Còn thì giờ đâu để làm việc?

Nguyễn Hồng Anh – TVTS 2.5.2007