Thăm 5 địa điểm Larnaca trong nửa ngày bằng taxi, 150 Euro

11 Tháng Một, 2020 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Một đoạn cống dẫn nước Kamares (ngày xưa dài mười mấy cây số) nhìn từ ngoài đường cái, nơi xe du khách đậu. Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Kỳ 12 (hết)

Ngày cuối cùng ở thành phố biển Larnaca, tôi chưa biết sẽ làm gì. Đi du lịch mà có những ngày không biết sẽ đi đâu, là cái lối vừa du lịch vừa nghỉ mát của vợ chồng chúng tôi.

Vì chúng tôi không chọn đi tour trong ngày, nên sau khi ăn sáng, chúng tôi ra đường đi một vòng để ngắm con đường đi bộ có hàng dừa (Palm Promenade) nằm song song với đường Athens Avenue cạnh bãi biển được cho là đẹp nhất nước Cyprus. Rồi chúng tôi đến trạm xe  chở du khách đi ngắm cảnh đang đậu trước Town Hall (và nhà hàng KFC) cách khách sạn chúng tôi không bao xa.

Loves Bus Sightseeing chạy mỗi ngày 2 chuyến, giờ giấc tùy theo mùa. Trong các tháng 10, 11 và 12 xe khởi hành lúc 11.15am và chuyến thứ hai lúc 3.15pm. Chuyến đi kéo dài 2 tiếng rưỡi, hướng dẫn bằng nhiều ngôn ngữ. Giá 15 Euro cho người lớn và 10 Euro cho trẻ em.

Những địa điểm sẽ chạy qua hay dừng lại xem theo thứ tự gồm 9 nơi: Palm Promenade, Larnaca Castle, St Lazarus Church, Angeloktisti (dừng 20 phút), Hala Sultan Mosque (dừng 20 phút), Larnaca Salt Lake (dừng 10 phút), Panagia Phaneromeni, Agios Georgios và Kamares (dừng 10 phút). 3 địa điểm đầu cách khách sạn chưa tới 1 cây số. Nơi xa nhất là nhà thờ của thiên thần Angeloktisti cách 11 cây số.

Chuyến đi tương đối rẻ vì chỉ khoảng 49 Úc kim cho hai người, nhưng có vài chỗ tôi đã xem ngày đầu. Vả lại phải đợi vài tiếng nữa mới có chuyến đi đầu tiên mà trời thì  nắng, ngồi trong xe không thấy rõ, lên tầng trên thì nóng vì không có trần hay mui che nên chúng tôi quyết định  sẽ tìm taxi thuê đi vài nơi như hồ muối Salt Lake cách khách sạn chừng 7 cây số.

Nhưng khi tới một bến xe bus gần Town Hall, chúng tôi thấy một trạm taxi (có tên Kolonaki  Taxi Office) chuyên chở du khách đi tới một địa điểm nào đó, như  tới các phi trường, thủ đô Nicosia (45 Euro), thành phố lớn thứ hai Limassol (55 Euro) hoặc đi thăm nhiều nơi với giá cả khác nhau. Thế là đúng với ý định của chúng tôi. Nay chỉ việc xem nơi nào cần đi và giá cả bao nhiêu.

Những vòng cung nhìn từ bên trong cánh đồng ra hướng đường cái, xây vào khoảng thế kỷ 18 nhưng có nhà khảo cổ cho rằng đã có từ thời La Mã. Hình: TVTS

Bao một ngày, giá 250 Euro (khoảng 408 Úc kim). Bao nửa ngày 150 Euro (khoảng 245 Úc kim). Chúng tôi chọn đi nửa ngày với thời gian khoảng 4 tiếng đến các địa điểm sau (họ ấn định hay mình có thể thay đổi miễn sao họ chỉ đưa khách đi trong vòng 4 tiếng kể cả dừng lại để xem bao lâu tùy ý mình).

Và ho chọn cho chúng tôi các địa điể sau:

  1. Kamares Aqueduct.
  2. Hala Sultan Mosque.
  3. Salt Lake.
  4. Angeloktisti Church.
  5. Lefkara (lái xe khoảng 35 phút) là nơi xa nhất.

Văn phòng taxi này chỉ nhận tiền mặt. Anh tài xế trung niên nói tiếng Anh sơ sơ, và cũng ít nói trừ khi yêu cầu lên đường đi tiếp. Trạm taxi nay không phải là nơi đi tour, chỉ chở khách như cái tên taxi của nó.

Một điểm rất đặc biệt, theo tôi thấy, là taxi ở  thành phố Larnaca từ taxi xếp hàng ở phi trường cho đến taxi chạy trong thành, tất cả đều là xe hiệu Mercedes.

Cống dẫn nước Kamares

Người ta nói đi xem cống dẫn nước Kamares Aqueduct vào buổi chiều khi nắng chiếu vào các vòm vòng cung của bức tường thành dẫn ống (cống) nước hoặc khi đêm xuống để thấy sư lộng lẫy của bức tường có các vòm vòng cung do ánh điện chiếu vào. Đây là một trong những địa điểm hấp dẫn du khách vì nó gần trung tâm thành phố và cạnh phi trường.

Ống cống dẫn nước này còn có tên Bekir Pasha Aqueduct vì ông Bekir Pasha là thống đốc Ottoman của Cyprus lúc đó. Ông tự xoay xở tiền để xây 75 vòm vòng cung này vào năm 1747 cho ống cống dẫn nước nước từ các nơi xa mười mấy cây số về Larnaca, và Kamares Aqueduct sử dụng cho đến năm 1939.

Đền Hala Sultan Mosque nơi có ngôi mộ của bà Haram ở Larnaca, được xem là một trong ba hay bốn nơi linh thiêng nhất của người Hồi giáo trên thế giới sau Mecca, Medina và Jerusalem. Hình: TVTS

Kamares Aqueduct được xem là kỳ công lớn của đế chế Ottoman tại đảo Cyprus, nhưng cũng có những nhà khảo cổ cho rằng nó đã có từ thời đế quốc La Mã, nhưng bị tàn phá. Một số di tích để lại như những vòng cung (Kamares có nghĩa là arches) chính là kiến trúc Roman, người Ottoman chỉ bắt chước để làm lại.

Nghe nói đường ống cống dẫn nước dài cả chục cây số  này còn lại một số đoạn với những vòm vòng cung, nhưng chúng tôi chỉ được chở đi xem một đoạn như bạn đọc có thể thấy trong hình kèm bài viết.

Hala Sultan Mosque

Hala Sultan là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của Umm Haram, vợ của Ubada bin al-Samit, một người bạn đồng hành với Tiên tri Muhammed. Đền Hồi giáo Hala Sultan nằm cạnh hồ muối Salt Lake.

Sau khi quân  đội Ả Rập đổ bộ lên Larnaca vào năm 648 sau Công Nguyên, bà Haram lúc đó tuổi đã lớn, ngồi trên lưng lừa vô ý bị té và chết. Bà được chôn tại chỗ trong ngôi mộ nằm trong khuôn viên của đền Hala Sultan ngày nay. Tuy nhiên, toàn bộ phức hợp của ngôi đền được xây từ thời đế quốc Ottoman. Người Hồi giáo phái Shia tin mộ của bà Haram được đặt nằm hướng về nghĩa địa Jannatul Baqi ở Madinah, Ả Rập Saudi nên ngôi đền này được coi rất là linh thiêng đối với người Cyprus gốc Thổ.

Một học giả Fulbright tại Đại  học Tennessee nói đền Hala Sultan là một thánh địa quan trọng hàng thứ ba trong thế giới Hồi giáo.  Những người khác hay các công ty  du lịch cho rằng đấy là thánh địa đứng hàng thứ tư  của đạo  Hồi trên thế giới chỉ sau Mecca, Medina và Jerusalem vì đấy là nơi chôn bà Haram, người cô (aunt) được Tiên tri Muhammed thương yêu nhất.

Bà Haram, người cô (aunt) mà Tiên tri Muhammed thương yêu nhất bị té lừa chết tại nơi đây vào năm 648 sau Công Nguyên khi quân đội Ả Rập đặt chân lên Larnaca. Hình: TVTS

Thời đế quốc Ottoman, tàu của người Ottoman sẽ cho hạ cờ xuống nửa cột buồm khi ở ngoài khơi Larnaca và bắn đại bác để chào Hala Sultan.

Tuy vậy, do đền Hala Sultan hiện nằm trong vùng lãnh thổ của người Cyprus gốc Hy Lạp và lãnh thổ đang bị qua phân nên khách hành hương không đến thánh địa này thường xuyên.

Lại gần như chuyến đi thăm thủ đô Nicosia nơi chia đôi đất nước Cyprus, tôi chỉ biết ngôi đền nằm cạnh hồ nước muối là nơi linh thiêng hàng đầu (thứ ba hay thứ tư) của trên 1 tỉ rưỡi người theo Hồi giáo sau khi đã đặt chân đến nơi đó.

Hồ Salt Lake

Đứng từ đền Hala Sultan nhìn ra, cái hồ muối rộng mênh mông màu trắng trông rất lạ lùng giữa trời nắng. Nhưng đứng ngoài hồ từ xa trông về hướng phi trường và quét tầm nhìn về phía đền Hala Sultan, sẽ thấy vẻ đẹp đầy thơ mộng của một ngôi đền có vài mái vòm và một cái tháp duy nhất.

Chúng tôi đi xem hồ muối rộng chừng 5 cây số vuông này vào mùa thu, giữa trưa nắng và hồ cạn, chỉ có một ít nước  giữa hồ. Quanh hồ là đất vàng và muối trắng làm cho du khách có cảm tưởng như bùn khô màu trắng ngà. Cảnh vật không giống như bạn có thể thấy trên các hình ảnh quảng cáo về hồ này.

Bên trong đền Hala Sultan Mosque. Hình: TVTS

Hồ không có nước, không có từng đàn chim hồng hạc và dĩ nhiên, nếu bạn đến đây ngắm cảnh mặt trời lặn thì thà ra biển ngắm sẽ thấy đẹp hơn bởi không có bóng hình mặt trời màu vàng chiếu rọi trên nước. Có lẽ ban phải đến xem vào mùa đông?

Anh tài xế muốn đậu xe gần đền Hala Sultan để chúng tôi đứng trên bờ xem nhưng tôi yêu cầu lái đến chỗ nào đất xuôi là là để chúng tôi có thể đi bộ hoặc lội xuống. Thế là anh chạy vòng vòng quanh hồ tìm chỗ thích hợp cho chúng tôi. Anh bảo mặc dầu nước cạn, nhưng không thể đi ra xa bởi có thể bị lún.  Chúng tôi không sợ bị lún bởi sẽ không đi ra xa, nhưng ngại sẽ mang cát muối trắng lên chiếc xe Mercedes mới và quá sạch sẽ của anh.

Tôi thấy vài du khách người Âu Châu đạp xe đạp quanh hồ và nhớ đâu đó người ta khuyên khi đi ngắm hồ nên đi bằng xe đạp thì sẽ  thấy tiện lợi và thú vị hơn. Chúng tôi bước chừng mười mét trên bãi muối đã khô để cảm nghiệm một thắng cảnh được xem là đẹp của thành phố Larnaca mà tôi đã tìm hiểu trước khi đặt chân đến đây.

Hồ này thời tiền sử là một cái vịnh. Nơi hiện là đền Hala Sultan nguyên là một hai cảng vào khoảng năm 1700 trước Công Nguyên, là nơi mà cư dân sinh sống ở đây làm ăn buôn bán bằng đường biển với những thương nhân ở trong trong đất liền kế  cận. Vào khoảng năm 1050 trước Công Nguyên khi cái vịnh bị đóng lại, hải cảng này bị tàn phá và khu vực trước là cái vịnh nay trở thành cái hồ. Một trong những sản phẩm quý báu của hồ này thời đó là muối, được khai thác triệt để qua bao nhiêu thế kỷ cho đến thời gian gần đây.

Khi chúng tôi đến thăm hồ Salt Lake vào tháng 10 năm 2019, chẳng có một dấu tích gì của việc khai thác muối như muối trắng ở các ruộng muối thông thường.

Vũ Hà đi dạo trên bờ hồ muối Salt Lake đã cạn, xa xa là Đền Hala Sultan. Hình: TVTS

Ngồi nghỉ trên ghế băng ở bờ hồ chừng dăm phút để ngắm đền Hala Sultan, chúng tôi nói anh tài xế tiếp tục lên đường.

Anh tài xế cho biết, còn hai địa điểm sẽ đi, nhưng trước hết nên đi Lefkara Village vì nó xa. Anh cho biết phải mất khoảng 35 phút lái xe mới tới nơi và sau đó trở về, nếu còn thì giờ sẽ đi thăm ngôi thánh đường Angeloktisti cách khách sạn chúng tôi chừng hơn 10 cây số.

Lefkara Village

Lefkara là tên làng làm đồ tiểu công nghệ nổi tiếng về đồ thêu, đan ren với cái tên lefkaritika và đồ trang sức bằng bạc. Lefka tiếng Hy Lạp có nghĩa là trắng và ori có nghĩa đồi núi.  Làng này còn có tên Pano Lefkara mà pano có nghĩa là upper (cao).

Ngôi làng nằm trên đồi cao khoảng 500 mét so với biển, nơi có nhiều đá vôi vì thế mới có từ lefka (màu trắng).

Tôi không thích thú đi xem làng tiểu công nghệ có vài trăm năm chuyên về làm đồ trang sức và đan ren vì tôi cũng không chuộng món hàng này, chưa kể tới nơi dù muốn dù không cũng “bị ép” mua như chúng tôi đã từng có kinh nghiệm ơ nhiều nơi. Nhưng tôi rất thích đi thăm thắng cảnh đồi núi do đó khi anh tài xế nói phải mất hơn nửa giờ lái xe và trở về có thể không còn giờ để đi nơi khác, chúng tôi cũng đồng ý.

Nghề làm thủ công ở Lefkara phồn thịnh từ khi Anh Quốc quản trị hòn đảo này vào gần cuối thế kỷ 19 và sang thế kỷ 20 hàng thêu và đan ren được xuất khẩu sang Âu Châu mang lại đời sống cao cho người dân mien đồi núi này với những căn nhà hai tầng mà du khách có thể trông thấy khi đi dạo trên những con đường nhỏ hẹp bày nhiều mặt hàng.

Những căn nhà hai tầng khang trang trên con đường nhỏ hẹp của làng tiểu công nghệ Lefkara. Hình: TVTS

Dân số ở đây gồm người gốc Hy Lạp (85%), phần còn lại là người gốc Thổ. Sau đệ nhị thế chiến, nhiều nhiều đi cư đến các nước khác. Đến năm 1974 khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm đảo Cyprus, nhiều người gốc Thổ ở Lefkara phải đi cư qua miền bắc. Có một thời đời sống kinh tế ở đây xuống dốc thê thảm và chỉ mới hoi sinh từ cuối thập niên 1970.

Anh tài xế nói có thể xem đồ thủ công ở ngoài phố, nhưng anh đề nghị dừng ở một cửa tiệm mà tôi đoán chắc là chỗ anh quen biết (dịch vụ du lịch  mà). Tôi bảo nhà tôi rất có thể mình sẽ mua một món đồ làm kỷ niệm, nên cứ vào nơi anh tài xế đề nghị.

Xe dừng là có một phụ nữ bước đến mời vào tiệm ngay. Bà ân cần mời chúng tôi uống nước dù chúng tôi từ chối. Rồi mời chúng tôi xem phòng đan ren và mang ra những sản phẩm mà bà nói ở Cyprus chỉ nơi này có. Bà đòi biểu diễn cho chúng tôi xem cách làm nhưng tôi từ chối.

Bà hỏi chúng tôi từ đâu đến, tôi nói chúng tôi sống ở Úc lâu năm nhưng gốc Việt Nam. Bà không biết Việt Nam ở đâu, nhưng biết Úc là nơi rất xa xôi và hỏi tôi tại sao chọn hòn đảo Cyprus nhỏ bé và quá xa để du lịch. Tôi trả lời tôi biết đôi chút về lịch sử Cyprus và biết khá nhiều về Hy Lạp nên đi thăm cho biết.

Ba nói nếu chúng tôi không không thích đan ren thì bà giới thiệu các đồ nữ trang mạ bạc làm bằng tay rất đặc biệt của làng này. Ba giới thiệu một phụ nữ lớn tuổi là mẹ của bà và bà mẹ bắt đầu mang ra đủ loại trang sức để giới thiệu. Toi bảo nhà tôi cứ xem, thử, bởi vì cũng nên mua món hàng  để vừa vui vì được sắm đồ, lại còn là một vật kỷ niệm du lịch.

Nhà thờ Angeloktisti “do thiên thần xây” ở Larnaca. Hình: TVTS

Khó mà từ chối với lối bán hàng vừa quảng cáo, vừa thuyết phục và vừa áp đảo của người đàn bà gia trưởng dày dạn trong nghề buôn bán để sống còn ở một ngọn đồi và hẻo lánh này, dù phong cảnh rất đẹp. Nhà tôi mua một bộ đeo tai và một dây chuyền mạ bạc được “bớt” còn 180 Euro tức khoảng gan 300 Úc kim. Biết là không có giá trị về tiền bạc nhưng quả thật nghệ thuật làm nữ trang của họ rất tinh xảo.

Chúng tôi đi bộ một vòng ngắm các cửa hàng áo quần đồ đan ren, thêu, đồ nữ trang mạ bạc. Ở đồi cao vào mua thu, không có lá vàng mà toàn là một màu xanh pha trộn với màu trắng của đồi núi đá vôi giữa bầu trời xanh và mây trắng.  Chúng tôi kiếm một quán nước kê bàn giữa đường nhìn du khách qua lại, nghỉ ngơi trước khi tiếp tục đi xem thắng cảnh cuối cùng, bởi anh tài xế nói hy vọng còn đủ giờ (chúng tôi thuê xe nửa ngày, khoảng 4 tiếng đồng hồ).

Angeloktisti  Church

Nếu bạn biết tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng La Tinh, bạn sẽ biết Angeloktisti Church là Nhà thờ Thiên thần.  Angeloktisti trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là được xây bởi các Thiên thần bởi theo huyền thoại con người không xây thánh đường mà chính Thượng đế sai khiến các Thiên thần làm, thiên thần xây, qua đêm là có.

Văn minh Hy Lạp đầy huyền  thoại nhưng thật ra sự hình thành của thánh đường Angeloktisti đã trải qua nhiều giai đoạn.

Ngôi thánh đường đầu tiên trên địa điểm hiện nay có mái bằng gỗ được xây vào khoảng thế kỷ thứ 5. Cung thánh và bức tranh khảm nổi tiếng có từ thế kỷ thứ 6. Đó là thời gian đảo Cyprus còn nằm dưới sự cai trị của đế quốc Byzantine.

Bên trong nhà thờ Angeloktisti của Chính Thống giáo khác với Công giáo ở cách trình bày cung thánh và đặc biệt ghế ngồi không có chỗ quỳ. Hình: TVTS

Các sử gia cho rằng hầu hết các thánh đường của Cyprus bị phá huy vào khoảng  thế kỷ thứ 7 hay 8 khi người Ả Rập xâm chiếm và phá hủy. May mắn cung thánh và bức khảm Đức Mẹ bồng Chúa hai bên có thiên thần hầu còn lại. Ngôi thánh đường hiện tại được xây vào khoảng thế kỷ thứ 11 khi đế quốc Byzantine thiết lập lại sự cai trị của họ trên hòn đảo này. Và phần cung thánh cuối gian nhà thờ và bức khảm Mẹ bồng Chúa là di vật nổi tiếng còn lại của ngôi thánh đường đầu tiên.

Đây là di tích tôn giáo cuối cùng chúng tôi đến xem trong chuyến du lịch Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus nơi có hai tôn giáo lớn nhất và nhiều tín đồ Hồi giáo và Chính Thống giáo nhất.

Trở về chúng tôi dùng nguyên buổi chiều để tắm biển ở ngay trước khach sạn. Nước ấm và sạch. Đi Cyprus mà không tắm biển (Địa Trung Hải) thì đã mất đi nửa cái thú của du lịch và nghỉ ngơi.

Cho đến khi không còn ánh nắng ở cuối chân trời biển, chúng tôi mới trở về khách sạn, tắm rửa và thưởng thức một buổi ăn tối với đồ biển nổi tiếng của tiệm Ocean Basket Larnaca, ăn lần thứ hai, là thói quen của chúng tôi khi gặp một tiệm ngon miệng.

Thế là sắp chấm dứt một chuyến du lịch, một chuyến đi xa tới hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus có nền văn hóa khác mà giống nhau,  của hai tôn giáo có một số điểm giống nhau, có những xung đột chính trị chưa giải quyết được, đã mang lại cho chúng tôi nhiều hiểu biết thích thú.

Mời bạn đọc theo dõi mục “kể chuyện đường xa” của chúng tôi trong chuyến du lịch tới.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 5.1.2020

 

(Trích từ báo giấy TVTS số 1763 phát hành ngày 8.1.2020)