Khai trương vòng quay Southern Star Observation Wheel tại bến cảng Docklands ở Melbourne

27 Tháng Mười Một, 2008 | Úc châu

 

Southern Star Observation Wheel tại bến cảng Docklands. Hình TVTS

 

Việc khai trương hoạt động của vòng quay Southern Star Observation Wheel vào hôm Thứ Sáu 28.11.08 có thể được coi như là giai đoạn cuối của việc phát triển khu bến cảng Docklands của thành phố Melbourne, cạnh CBD và nay được gọi bằng cái tên waterfront city. Vé mỗi chuyến đi vòng quay là $29 Úc kim.

 

Công của Jeff Kennett

 

Người viết còn nhớ thời ông Jeff Kennett còn làm thủ hiến của tiểu bang Victoria, thành phố Melbourne đã được phát triển đến một cách chóng mặt với nhiều dự án xây cất trong đó có dự án xây trung tâm triển lãm Melbourne Exhibition Centre ở phía nam sông Yarra (Southbank) mà nay nhiều người gọi là cái chái của Jeff (Jeff Shed).

 

Gọi như vậy là có ý mỉa mai nhưng mười năm sau khi ông Kennett rời chính trường, người ta phải công nhận ông Kennett đã có công phát triển và mở rộng thành phố Melbourne, cụ thể là với kế hoạch biến khu bến cảng bỏ hoang rộng mênh mông ở phía tây trung tâm Melbourne thành một khu phố chị em của khu trung tâm Melbourne CBD nơi ngày nay đã có hàng chục ngàn người tới làm việc và cư ngụ.

 

Docklands hết còn là bến cảng hoang vắng

 

Tôi còn nhớ thuở đó, khoảng năm 1995 khi ông vua xây cất của thành phố Melbourne là Bruno Grollo muốn xây tòa nhà cao nhất thế giới (thời đó) tại Docklands, như là hình thức khai phá đầu tiên khu đất hoang này, báo chí đã làm một cuộc thăm dò và phỏng vấn dân chúng Melbourne.

 

Trong mục “The Jury Is Out” với những ý kiến khác nhau, báo The Age đã đăng ý kiến của người viết  với tư cách là chủ bút TiVi Tuần-san hỗ trợ dự án xây tòa nhà cao nhất thế giới bởi cho rằng tòa nhà sẽ thu hút nhiều du khách, như là một biểu tượng (icon) hay cái mốc (landmark) của Melbourne.

 

Người Melbourne được tiếng là trọng nghệ thuật và do đó không thích những kiến trúc chướng tai gai mắt, những tòa nhà cao và đồ sộ, chống việc xây tòa nhà sẽ được coi là cao nhất thế giới, nhưng cuối cùng Thủ hiến Kennett cũng bật đèn xanh và cho phép xây.

 

Tòa nhà có tên “Grollo Tower” được đem ra rao bán trước khi xây cất và ai thích thì đặt trước $5,000 để khi khởi sự xây thì sẽ được ưu tiên đặt tiền mua trước. Người viết nhớ thời đó có nhiều người bỏ ra số tiền đó để tỏ ra là mình thích thú trước khi tới giai đoạn đặt cọc 10% mua kiểu off the plan.

 

Tuy nhiên, khi chính phủ Kennett đưa yêu sách chủ nhân phải bỏ tiền túi ra để mở con đường Collins Street ra bến cảng như là điều kiện để xây cao ốc Grollo Tower, ông Bruno Grollo đã xù dự án đó.

 

Con của ông Bruno Grollo là Daniel sau này nối tiếp ước nguyện của người cha, đã xây một tòa nhà chọc trời khác ở khu Southbank với tên gọi Eureka, hiện vẫn được xem là tòa nhà cao nhất ở Úc và là tòa nhà cư dân (residential apartment) cao nhất thế giới.

 

Lối đi bộ dọc bờ sông ở khu cao ốc New Quay (trái) và những quán ăn trồi ra mặt sông

 

Tây tiến…

 

Khoảng giữa thập niên 1990, mỗi khi có bạn bè từ xa  -ở xuyên bang hay từ Việt Nam sang thăm Melbourne– người viết thường đưa họ tới Docklands nơi còn là bãi đất trống để chụp hình, bởi sẽ có một hậu cảnh và đường chân trời của thành phố Melbourne rất rõ.

 

Rồi khi vận động trường Tesltra Dome (khi đó có tên là Colonial Stadium) xây xong, và khi các cao ốc ở khu New Quay của công ty NAB được đen ra rao bán, người viết cũng đã có dịp ghé lên thăm cho biết sự tình, rồi đi tham quan các dự án ở khu Yarra Edge đối diện do công ty Mirvac thực hiện.

 

Khu vực New Quay hiện là nơi du khách thích tới nhất ở Docklands

 

Cao ốc thứ năm của công ty Mirvac dọc Yarra Edge với tên Golden Tower sau đó trở thành trung tâm điểm một vụ kiện của những người Hoa để đòi lại tiền cọc vì họ cho rằng công ty đã không thực hiện đúng chương trình bởi cái tháp lúc này trở thành một cái tháp màu đồng xám chứ không phải là màu vàng kim (golden) mà họ rất tin tưởng khi đặt mua. Người Hoa thường tin vào phong thủy mà cao ốc đó bây giờ có cái màu… khá hắc ám.

 

Trong khi Mirvac không xây thêm tòa nhà mới nào nữa, rẻo đất nằm ngay giữa cảng Docklands có tên là Victoria Harbour được phát triển với việc xây tòa nhà trụ sở trung ương cho Ngân hàng National Bank làm nơi làm việc cho mấy chục ngàn nhân viên của đại ngân hàng này. Rồi thêm một cao ốc dân cư được xây tại khu Victoria Harbour lấn dần rẻo đất nằm ở trung tâm của Docklands.

 

Ở phía New Quay, ngoài 5 cao ốc chừng 20 chục tầng đã được xây đầu tiên, những khu đất trống, những bãi đậu xe phía sau hay giữa Telstra Dome lại mọc lên những cao ốc khác. Cao ốc này nối tiếp cao ốc kia, Docklands quả đã trở thành một thành phố đúng như cái tên của nó –Waterfront City, thành phố sông nước.

 

Thành phố sông nước mới của Melbourne dự tính sẽ phát triển xa hơn nữa về hướng tây (cầu Bolte hay cầu Citylink) với một phim truờng, theme park với sở thú nhưng tiếc thay cả hai dự án đó đã bị xù vào phút chót, làm Thủ hiến Steve Bracks lúc đó cụt hứng.

 

Khu mua sắm và ăn uống cạnh vòng quay Southern Star Observation Wheel

 

Trong hai ba năm qua, người viết thường xuyên tới du ngoạn ở Docklands một phần để vui chơi, phần khác để nhìn sự phát triển của một nơi được xem sẽ trở thành một (Sydney) Darling Harbour của Melbourne.

 

Người viết thường đưa gia đình hay bạn bè lên ăn trưa hay ăn tối ở các nhà hàng dọc khu vực New Quay và có nhận xét đây là nơi lý tưởng dành cho du khách, cho những người tới vui chơi ăn uống, ngắm cảnh, đi du ngoạn bằng tàu.

 

Đã có những người bán căn nhà lớn ở ngoại ô của họ để mua một căn apartment từ bốn trăm ngàn đến một triệu đô la để hưởng cuộc sống của một thành phố trên sông nước, cạnh Melbourne CBD (Central Business Dicstrict). Lại có người dám bỏ tiền mua chiếc du thuyền nhỏ từ vài trăm ngàn đến chiếc kha khá trên một triệu đậu ngay bến cảng trước mặt, bước xuống là lái đi. Không cần phải đi đâu xa, có văn phòng bán du thuyền ngay trong khu New Quay.

 

Hy vọng vòng quay Southern Star Observation Wheel sẽ mang lại sự nhộn nhịp cho khu phố mới này

 

Trong những dịp đi ăn và đậu xe ở mé sau các cao ốc phía New Quay, người viết thấy công trình xây cất vòng quay Southern Star Observation Wheel đang tiến hành. Vì đã từng đi trên London Eye nên người viết không háo hức đi xem, nhất là khi thấy vị trí không phải là nơi lý tưởng như dự án xây trên cầu sắt đi bộ ở sông Yarra gần khu phức hợp Crown Entertainment.

 

Nhưng cuối tháng vừa qua, khi nghe tin có thể vòng quay sẽ khai trương vào ngày Melbourne Cup và dù dự đoán đó đã không xảy ra, người viết đã lên khu này ăn trưa để xem công trình này đã tới đâu.

 

Thật là một sự bất ngờ, bởi bên cạnh vòng quay là một trung tâm mua sắm đã xây bấy lâu mà người viết không biết, dù bãi đậu xe cách trung tâm này vài chục mét.

 

Đô thị kiểu mới: vừa là khu thương mại vừa là nơi cư dân ở các apartment phía trên 

 

Cứ tưởng rằng khu đó cũng lại là một khu cư dân với những căn apartment thấp, những unit nhưng không dè đấy là một trung tâm mua sắm với kiến trúc tân thời và độc đáo, chỉ cao hai tầng và trải rộng trong một khu vực trông gần gũi, ấm cúng dù gió mạnh. Một kiến trúc trung tâm thương mại chưa thấy có ở thành phố này.

 

Vì là ngày Melbourne Cup, thiên hạ tập trung ở sân đua ngựa Flemington nên trung tâm này vắng hoe, chỉ thấy chưa tới mươi người đi mua sắm dù đã có hàng chục tiệm quần áo thời trang, dày dép, và quán ăn nhà hàng mở cửa. Một tuần lễ sau, người viết đem cả gia đình lên ăn trưa để giới thiệu một trung tâm mua sắm mới cho con cái với khung cảnh mới.

 

Chúng tôi thấy dọc chân vòng quay Southern Star Observation Wheel có khách sạn, nhà hàng đủ loại kể cả Kentucky, thật là lý tưởng cho khách tới vui chơi và đi vòng quay, một danh thắng mới của thành phố Melbourne.

 

Cũng nên biết vẫn còn nhiều shop còn trống, chưa có người thuê.

 

Vài còn số về vòng quay

 

Đi đâu, bạn cũng thấy trò chơi vòng quay. Nhỏ hay lớn, cao hay thấp, vòng quay là một thú giải trí nhẹ nhàng và vui mắt khi du khách được từ từ đưa lên cao để ngắm cảnh chung quanh.

 

Trên đỉnh vòng quay có thể nhìn tới Port Phillip Bay, Geelong

 

Ban đầu người ta định làm một vòng quay với tên là Melbourne Eye, bắt chước London Eye và dự tính đặt gần cầu và ga xe lửa trung ương Flinders như vòng quay sát ga Waterloo ở Luân Đôn. Nhưng rồi cuối cùng bị đẩy ra phía Docklands về hướng tây bắc và xa những cao ốc và công trình lớn ở khu bến cảng này.

 

Người ta cũng dự trù làm vòng quay cao 150 mét, hơn vòng quay đàn chị London Eye chỉ cao 135 mét.

 

Nhưng như đã nói, người Melbourne không thích những thứ gì cao nên cuối cùng, để kế hoạch được chấp thuận, công ty chủ nhân phải chấp nhận cắt vòng quay xuống còn 120 mét. Có còn hơn không!

 

Vì vậy vòng quay Southern Star Observation Wheel chỉ được cái danh hiệu vòng quay cao nhất nước Úc mà thôi.

 

Công ty thực hiện vòng quay là ING Real Estate với chi phí dự trù tới $100 triệu đô la, khởi sự từ giữa năm 2007. Các trụ sắt chống đỡ chế từ Tasmamia nhưng các cabin được đặt làm từ Nhật.

 

Một trụ sắt đỡ vòng quay

 

Chiều cao 120 mét tương đương với tòa nhà 40 tầng. Đường kính vòng quay dài 100 mét. Vòng quay được gắn đèn điện dài 3.7 cây số. 

 

Khi vòng quay lên đỉnh cao nhất, du khách có thể thấy cảnh thành phố Melbourne, Vịnh Port Phillip và xa hơn nữa tới Geelong.

 

Có tất cả 21 cabin làm bằng kính có gắn máy lạnh, dài 5.7 mét và cao 3.7 mét có sức chứa 20 người.

 

Khác với những vòng quay thông thường là du khách phải đứng chờ vòng quay ngưng để lên cabin hay ghế ngồi, vòng quay Southern Star Observation Wheel do quá lớn và chạy chậm nên du khách cứ việc bước lên cabin trong khi vòng quay vẫn tà tà quay.

 

Một vòng quay như vậy kéo dài khoảng nửa tiếng do đó với giá $29, du khách phải trả $1 cho mỗi phút ngồi trên vòng quay. Công ty chủ nhân dự trù vòng quay sẽ thu hút khoảng 1.5 triệu du khách hàng năm.

 

Tác giả trong lần tham quan khu vực vòng quay vào ngày Melbourne Cup

 

Trước đây, Rialto Observation Deck  ở số 525 Collins Street là lầu vọng cảnh cao nhất ở Melbourne.

 

Công ty Grollo Australia cùng làm chủ Rialto Tower với St Martins Victoria Pty. Ltd. Tòa nhà 67 tầng này cao 253 mét, xây xong năm 1986 và Rialto Observation Deck mở cửa cho công chúng vào năm 1994. Ngày đầu tiên, chính phủ Kennett bao dàn nên lên dân chúng được đi xem miễn phí.

 

Vé vào cửa hiện nay là $14,50. Mất 40 giây đi thang máy đến lên tới lầu 58 là lầu vọng cảnh. Ở đây có quán ăn.

 

Rialto Tower nhìn từ khu Southbank

 

Cao ốc Eureka nằm ở số 7 Riversidde Quay, Southbank. Tòa nhà 92 tầng này cao 300 mét do kiến trúc sư Fender Katsalidis vẽ và xây xong năm 2006.

 

Tuy được coi là cao nhất Úc nhưng cao ốc Q1 ở Gold Coast được chính thức nhìn nhận là tòa nhà cư dân cao nhất thế giới “nhờ có” cột trụ ăng-ten. Chuyện này gây tranh cãi nên Eureka có lúc dự tính xây thêm cần ăng-ten cao 53.8 mét để lấy tiếng là cao nhất.

 

Một lối vào cao ốc Eureka Tower ở Southbank

 

Nhưng lầu vọng cảnh ở tầng 88 của Eureka được coi là Observation Deck cao nhất Úc và nam bán cầu.

 

Vé lên Eureka Deck là $16.50. Tuy đây là nơi xem cảnh cao nhất của Melbourne nhưng không có quán ăn và bán thức uống! Buồn 5 phút.

 

Bù lại, có trò chơi gọi là The Edge, với hộp kiếng trong suốt chạy dôi ra khỏi tháp 3 mét để người xem “ngộp thở” khi xem cảnh bên dưới.  Giá vé đi The Edge  khoảng mười mấy đô la, người viết không còn nhớ chính xác sau một chuyến đi với cả gia đình.

 

Tác giả trên lầu 88 của Eureka Tower. Từ tòa nhà (màu đen) Rialto Tower trở đi là Waterfront  City với Telstra Dome, các cao ốc của khu New Quay và vòng quay Southern Star Observation Wheel

 

Nếu bạn chỉ đi du ngoạn loanh quanh khu thương mại của trung tâm phố Melbourne, 3 danh thắng vừa kể là những nơi bạn có thể lên cao để ngắm thành phố có nhiều cây xanh của một tiểu bang một thời được gọi là Tiểu bang Công viên—Garden State.

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 28.11.2008

 

 

Bài có thể liên quan:

 

> Docklands cuối tuần này có gì lạ? Đi xem phong cầm lửa Pyrophone