Sydney mùa hè 2006

30 Tháng Một, 2008 | Úc châu

Kể từ ngày 15.3.06, Melbourne sẽ trở thành trái tim của nước Úc mê thể thao, sự chú mục của hàng trăm triệu khán giả trên khắp thế giới. Sẽ có nhiều người từ các tiểu bang khác về đây dự  Vận Hội Commonwealth, dự trù khoảng 50,000 người. Thụy Văn tôi là thổ công ở đây, biết khá nhiều về thành phố mình sống được một phần tư thế kỷ, nhưng muốn giới thiệu Melbourne qua lăng kính của những cây viết Úc khác để hầu độc giả phương xa.

 

Melbourne 2006

 

Trước khi ông Jeff Kennett làm thủ hiến, tiểu bang Victoria có logo là Tiểu bang Công viên (Garden State). Nếu bạn là người thích ngoạn cảnh, thì theo ông Alex Holt, giám đốc thông tin Victoria Parks,  sau đây là 10 công viên  nên đến cho biết:

 

– Hedgeley Dene, East Malvern.

– Royal Botanic Gardens.

– Albert  Park.

– Shepherds Bush, Wantirna.

– Brimbank Park, Keilor.

– Jells Park, Wheelers Hill.

– Dandenong Ranges NP.

– Plenty George.

– Maroondah.

– Birrarung Marr.

 

Nếu bạn không thích công viên cho lắm, hãy thử  thưởng thức 10 kinh nghiệm gây thú  vị sau, theo Lois Appleby, giám đốc Tourism Victoria:

 

– Queen Victoria Market.

– Melbourne Museum.

– Đi dạo dọc sông Yarra.

– Đến thưởng thức một trong 3500 tiệm ăn.

– Đi tàu trên sông Yarra.

– Federation Square.

– City Circle Tram (miễn phí).

– St Kilda.

– Viện mỹ thuật NGV International

– Mua sắm trong khu trung tâm thương mại.

 

Mua sắm trong khu trung tâm CBD mà vẫn cảm thấy chưa thú vị, theo ký giả mua sắm Nene King, bạn có thể tới 10 địa điểm mua sắm sau đây:

 

– Hawksburn Village, nằm giữa Toorak và Prahran.

– Maling Rd, Canterbury.

– Church St, Brighton.

– Glenferrie Rd, ở Hawthorn và Malvern.

– Chapel St, South Yarra và Prahran.

– Albert Park, ở đoạn Victoria Ave và Dundas Place.

– Bridge Rd,  Richmond.

– Acland St, St Kilda.

– Puckle St, Moonee Ponds.

– Direct Factory Outlets, Cheltenham và Essendon.

 

Dĩ nhiên còn những chỗ để uống càphê, các tiệm ăn và những hộp đêm để cho du khách thưởng thức nhưng Thụy văn tôi không thể ghi ra hết và xin trở lại chuyến hè du thành phố cảng Sydney vào trung tuần tháng Giêng vừa qua.

 

Darling Harbour

 

Darling Harbour là cái tên Thụy Văn tôi đã được nghe khá nhiều. Âm thanh nghe sao dễ thương quá. Tôi nhại tên Trân Châu Cảng  (Pearl Harbour) để gọi cảng này là Trân Quí Cảng. Một hải cảng dễ thương, đáng yêu  dường bao.  Tôi xin ví von rằng, tới sống ở Darling Harbour mà du khách không thích cảng này và “còm-lem” thì có thể hội đồng thành phố Sydney sẽ đổi tên.

 

 Cây cầu Pyrmont bắc ngang Darling Harbour nhìn từ  Sydney Tower

 

Lần này, chúng tôi chọn thuê apartment ở khu Darling Harbour, một nơi còn nhộn nhịp về đêm hơn là khu Circular Quay gần cầu Sydney Harbour Bridge và nhà hát  Con Sò.

 

Dùng thẻ hội viên Accor Advantages Plus, tôi được một số ưu đãi trong việc giảm giá.  Đi cả gia đình, tôi muốn sống trong  apartment  vì rộng rãi hơn và nhất là có bếp núc để tự nấu ăn nếu mình thích.  Tôi chọn Mercure Grand Apartments, một loại apartment 4 sao rưỡi nằm sát bờ cảng  Darling Harbour. Chuyến này, loại apartment này không chấp nhận cho hưởng 1 đêm miễn phí  mà chỉ chấp nhận bớt 10% so với giá quảng cáo khuyến mại.

 

Xin ghi ra giá cả như là một kinh nghiệm và thông tin cho bạn đọc: Một phòng cho 4 người ngủ giá $250 một đêm.  Nếu bạn chỉ đi nghỉ mát trong thời gian ngắn, tưởng cũng nên ở qua cho biết. Mercure Grand Apartments  nằm ở số 50 Murrray St, cạnh Hotel Ibis, Novotel Darling Habour.

 

Từ đây, đi bộ dọc theo bến cảng đến khu Chinatown  nằm về hướng nam trên con đường dài khoảng 1 cây số, bạn sẽ gặp những trung tâm như  Sydney Convention Centre, Sydney Exhibition Centre, Chinese Garden, Sydney Entertainment Centre.

 

Cũng từ  Mercure Grand Apartments qua hướng đông để đến khu trung tâm thành phố (Sydney Tower hay Town Hall) trên con đường dài khoảng 1 cây số, bạn có thể dùng đường Market St.  Bạn sẽ đi qua cái cầu đi bộ rất lớn và đẹp có tên Pyrmont Bridge để vượt qua eo biển Darling Houbour rộng chừng 250 mét. Trên cây cầu này, bạn có thể ngắm một phần thành phố cảng với nhiều cao ốc chi chít mà nổi bật nhất vẫn là tháp Sydney Tower. Dưới chân bạn bên này cầu về phía trái là viện bảo tàng  hàng hải National Maritime Museum nơi đỗ bến của chiếc thuyền buồm Endeavour, chiến hạm Vampire và chiếc tàu ngầm Onslow.  Phiá bên kia cầu là hồ cá Sydney Aquarium và dọc theo bờ biển là bến cảng cho chiếc  Spirit of Tasmania III  đậu và các tàu hành khách ngoại quốc cập bến.

 

Cả một vòng biển hình chữ  U bên tay phải là nơi các tàu nhỏ, tàu taxi đậu và là khu đi dạo mát công cộng chi chít nhà hàng sát cánh nhau.  Về đêm, khu vực  Darling Harbour, theo sự quan sát của Thụy Văn tôi, có lẽ là nơi vui nhộn nhất ở thành phố Sydney, kéo dài đến giữa khuya. Thụy Văn tôi có cảm tưởng đây là một thành phố cảng ở vùng nhiệt đới như  Singapore. Khu vui chơi về đêm ở Southbank hay Federation  Square dọc sông Yarra ở Melbourne sẽ trở thành một thứ  tỉnh lẻ nếu so với khu Darling Harbour.

 

 

Bữa cơm tối trên tàu

 

Lần đầu tiên đem cả gia đình cùng lên Sydney, tôi lại đi ra nhà hát Con Sò. Làm sao để từ  Darling Harbour qua Circular Quay và đến Opera House?  Muốn đi xe lửa, phải lội bộ qua trạm Town Hall ở phía bên kia bến cảng nằm ở phía nam hay trạm Wynyard nằm ở phía bắc, gần Circular  Quay, đoạn đường này dài khoảng 1 cây số. Từ trạm Wynyard ra trạm xe lửa Circular Quay gần 1 cây số.  Có nên mua vé để chỉ dùng một đoạn đường ngắn đó thôi không? 

 

Ngoại trừ bạn mua vé cả ngày để có thể sử dụng xe lửa đoạn nào hay đoạn đó, chúng tôi thường đi bộ từ khách sạn Mercure Grand Apartments  ra Circular Quay và tới Opera House, đường dài tổng cộng khoảng 3 cây số, nhưng đi trên những con đường nhiều người đi bộ, xe cộ tấp nập, có nhiều cảnh vật để ngắm, sẽ có nhiều thú vị hơn (Tôi chưa lần nào sử dụng xe bus nên không biết  các tuyến đường. Với du khách còn xa lạ, dùng xe lửa là dễ nhất, và nên cuốc bộ trên những đoạn đường ngắn).

 

Ngắm Opera House và dạo chung quanh công trình này đã nhiều lần mà tôi vẫn cứ có cảm tưởng như mới lần đầu. Mỗi lần ngồi chơi, ngắm Opera House hàng tiếng đồng hồ mà không thấy chán.  Bởi vậy Opera House mới được thế giới bình bầu trong danh sách 21 công trình dự thi vào cuộc tuyển chọn 7 Kỳ Quan Thế Giới  hiện đại  sẽ được công bố vào năm tới.

 

Ngồi ở Opera House ngắm cầu Sydney Harbour Bridge là cái thú. Cứ thế mà ngắm, chẳng phải nói năng bàn tán gì bởi một phần cảnh đẹp này tuy được con người tạo ra nhưng lại may mắn nằm trên một khung cảnh thiên nhiên mà tạo hóa ưu đãi thành phố cảng này.

 

Nhìn về hướng nam, bạn sẽ thấy một trái đồi cỏ xanh, đó là Royal Botanic Garden, một khu đất rất rộng nằm giữa Circular Quay và Woolloomooloo Bay, trải dài xuống phía nam tận Nhà thờ Chính tòa St Mary. Ở đầu đỉnh đồi cách nhà hát Con Sò khoảng 500 mét là Dinh Toàn quyền, nơi Tướng Michael Jeffery đang sống.

Bây giờ, bạn hãy cùng Thụy Văn tôi đi tới chân cầu nằm phía bên  kia eo biển của cảng Circular Quay xem sao. Đoạn đường này dài khoảng 2 cây số, nhưng đã đi dạo thì đoạn đường này chẳng là gì cả, lại còn giúp cho bạn mau đói bụng để có một bữa ăn tối thật ngon.

 

Bến tàu ở Circular Quay ở đoạn dành cho thuyền buồm và tàu khách quốc tế đậu

 

Lần theo bờ cảng, bạn sẽ gặp không biết bao nhiêu là nhà hàng, từ bình dân đến cỡ trung, có nhiều tiệm hay sạp bán đồ lưu niệm. Biển và bến cảng là khung cảnh đẹp nhất, chớ quên bấm máy ảnh. Bạn sẽ qua khu Circular Quay nhộn nhịp các chuyến  tàu đi các nơi. Đến bến tàu số 6 nơi dành cho các chuyến du ngoạn của Captain Crook Cruises,  bạn quẹo phải. Tại đây bạn sẽ thấy có nhiều chiếc thuyền buồm chạy bằng máy loại trung bình tuyệt đẹp và cũng là nơi các tàu khách ngoại quốc đậu cho du khách quốc tế xuống ngắm cảnh.  Khu vực này có tên là  The Rocks, có lẽ do nó nằm trên mỏm đá cao và cũng là nơi dùng làm chân cầu cho Sydney Harbour Bridge. Trong khu The Rocks này có khách sạn Park Hyatt, nghe nói là loại khách sạn đắt tiền nhất ở thành phố cảng.

 

Cứ đi dọc bờ hải cảng, bạn sẽ thấy chân trụ cây cầu này to lớn như  thế nào. Nhiều xe bus chở du khách ngoại quốc đậu dưới  khu vực chân cầu cho du khách ngắm cảnh và chụp hình.  Ngồi ở bãi biển St Kilda hay Port Melbourne, bạn không thấy rõ bờ biển thành phố Williamstown đối diện. Ở  dưới cầu Sydney, bạn thấy được Luna Park (trông giống như  Luna Park ở St Kilda)  phía bên kia cầu. Mờ mờ phía bên tay phải bên kia biển là khu sở thú Taronga Zoo.

 

Ngồi đây chừng một tiếng, bạn nên trở lại bến cảng Circular Quay để chuẩn bị bữa cơm tối. Thụy Văn tôi đề nghị nên ăn một bữa cơm tối trên hệ thống tàu Captain Cook Cruises. Nếu bạn ăn  tối, bạn sẽ đi chiếc Sydney 2000,  một chiếc tàu nhà hàng  có 3 tầng để chiêu đãi nhiều  loại khách hàng khác nhau với tổng số chỗ ngồi gần 700 ghế.

 

Từ 7 giờ tối, có những thực đơn và tên bữa ăn cho mình chọn, tùy theo sở thích, cái bụng và nhất là túi tiền.

Starlight Dinner:  $79 với ba món (khai vị, món chính và tráng miệng), ăn xong ra bong tàu ngắm trời trăng sao.

Sydney 2000 Dinner: $109 cũng chỉ ba món ăn, nhưng có thêm món nhảy đầm.

Opera Dinner: $109 với ba món ăn, nhưng được nghe ngắm các ca sĩ  hát.

Sky Deck Gold Dinner:  $199 với 7 món ăn, được tiếp đãi chu đáo như thượng khách 5 sao ngay từ khi bước lên tàu, được mời uống cocktail trong phòng đợi, chỗ ngồi sang trọng, có quầy rượu để chọn…

 

Theo Thụy Văn tôi, chọn bữa ăn tối  Starlight Dinner giá $79  là được rồi, đủ no.  Hôm đó họ cho uống một ly sâm banh khai vị miễn phí.  Thực đơn 3 courses của Starlight Dinner có ba món và trong mỗi món, thực khách được quyền chọn  các món khác nhau, như  với main course bạn có thể chọn cá hồi, gà, vịt hay thịt bò. Trong thực đơn không thấy có bia mà chỉ có rượu trắng và đỏ với vài nhãn hiệu giới hạn, giá một ly từ  $7.50 đến $9.50 và dĩ nhiên thực khách phải trả riêng.

Chẳng mấy ai trong gia đình tôi khen là rất ngon. Ăn được, nhưng khung cảnh mới đáng nói.  7 giờ tối bắt đầu lên  tàu. Trời mùa hè vẫn còn ánh sáng mặt trời.

 

Khoảng nửa giờ sau thì tàu bắt đầu rời bến. Bữa ăn và chuyến du ngoạn trên tàu sẽ kéo dài trong khoảng 2 tiếng rưỡi.  Lộ trình sẽ từ  Circular Quay chạy qua khu vực bờ biển Elizabeth Bay, Double Bay, Rose Bay, vòng qua đảo Shark  để trở về dọc theo vùng Taronga Zoo ở vùng Mosman, Kiribilli Pt. và McMahons Pt ở North Sydney, tới đảo Goat thì vòng trở lại qua khu Balmain,  Darling Harbour và lòn dưới cầu Sydney Harbour Bridge để về lại bến Circular Quay.

 

Trong khoảng thời gian mấy tiếng đồng hồ vừa ăn vừa ngắm những cảnh đẹp nhất ở các bến tàu, những khu bờ biển nổi tiếng sát trung tâm thành phố Sydney, bạn mới thấy thành phố cảng đẹp như thế nào.  Bạn hãy thử đặt hai bàn tay sát nhau, rồi xòe rộng 10 ngón  ra. Hãy tưởng tượng  lòng bàn tay là Sydney CBD,  trước các đầu ngón tay là biển  và phía bên kia biển là North Sydney, được nối bằng cây cầu sắt  tuyệt đẹp. Kẽ hở giữa các ngón tay chính là các bến cảng (harbour, quay) hay vịnh (bay, cove).

 

Chỉ trong tuyến đường tàu nhà hàng Sydney 2000 chạy trong bữa ăn  có khoảng trên 20 bến cảng và vịnh lớn nhỏ như  thế trong vùng biển này.  Bảo sao không đẹp, nên thơ cho được?  Vì thế Sydney ăn đứt Melbourne về thắng cảnh trên bờ biển sát thành phố. 

 

Nếu bạn dùng tàu đò (ferry) để qua khu Sydney Olympic Park hay vào tận Parramatta (sẽ kể kinh nghiệm trong một dịp khác)  ở phía tây hoặc tới Manly (bắc Sydney) theo hướng ra biển cả thì phải ghép nhiều bàn tay lại với nhau để có thể tưởng tượng được các thành phố, thị trấn nằm dọc bờ biển phía đông của Sydney.

 

Nhìn bản đồ Thụy văn tôi thấy có tuyến tàu đò đi thành phố ở phía bắc mà tôi có nghe tên là Manly, là khu có bờ biển đẹp và là nơi giới giàu có sinh sống. Ở  mạn nam có thành phố nổi tiếng qua vụ bạo động bị coi có tính cách chủng tộc là Cronulla, nơi tôi nhìn thấy từ trên máy bay khi từ dưới Melbourne lên Sydney. Đi máy bay ban ngày, bạn sẽ được dịp thấy một loạt các thành phố nằm ở bờ biển phía nam Sydney cho đến khi phi cơ đáp xuống phi trường nằm trong vịnh Botany Bay.  Độc giả chưa đi  Sydney, nghe một loạt địa danh như thế sẽ chẳng biết đâu mà mò.

 

Bản đồ Sydney từ  Darling Harbour đến Circular Quay

 

Thụy Văn tôi bước lên cầu tàu số 6    Circular Quay lúc 9 giờ 30 tối. Theo các tờ quảng cáo, nếu bạn đi trong các ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy, giờ tàu trở về bến là 10g30  bởi chuyến đi dài tới 3 tiếng rưỡi. Đây là một bữa ăn tối đáng nhớ. Nếu bạn có người yêu hay đang tính hấp hôn qua một dịp kỷ niệm gì đó như  kỷ niệm ngày cưới, tại sao không thử một bữa ăn tối trên tàu Sydney 2000,  hoặc chi thêm  $30 để nâng cấp lên loại ăn tối The Sydney 2000 Dinner với mục nhảy đầm?

 

Nếu tối hôm nay bạn hụt một đêm thơ mộng trên tàu,  tại sao sáng hôm sau không trở lại cũng tại cầu tàu số 6 này để chọn những  buổi du ngoạn  ban ngày có ăn trưa như  Seafood Buffet Lunch với giá $59 cho người lớn (người già $49 và trẻ con dưới 14 tuổi $30).   Hoặc ngồi ăn trưa có người bưng thức ăn tới bàn gọi là Top Deck Lunch với giá $62 cho 2 món ăn hoặc $72 với 3 món ăn.  

 

Không biết bạn thì sao chứ  Thụy văn tôi không tài nào ăn trưa với 2 món ăn.  Ăn trưa như thế thì tối sẽ chỉ ăn thêm tô phở hay một cái bánh pizza nhỏ hoặc một cái Big McMeal trung bình là đủ cành bụng.

 

Sau bữa cơm trên tàu, chúng tôi đi bộ về khách sạn. Những con đường như  Phillip, Pitt,  St George đã trở thành quen thuộc. Đến đụng đường Market Street thì quẹo phải để qua Darling Harbour.  Giờ này đã gần 11 giờ mà cả khu vực bến cảng vẫn còn đông người. Đèn sáng có, đèn mờ có với âm thanh của những loại nhạc mạnh phát ra từ các quán ăn, quán nước bọc quanh bến cảng. Chúng tôi chỉ đứng trên cầu Pyrmont Bridge nhìn xuống sinh hoạt về khuya của khu bến cảng nổi tiếng này, hẹn sẽ hưởng một đêm du ngoạn khác tại khu vực này.

 

Mercury Grand Apartments (còn được gọi bằng các tên khác như  One Darling Harbour hay Grand Mercure) nằm ở cuối chân cầu Pyrmont Bridge. Đứng từ ban-công lầu 12 của khách sạn nhìn xuống,  tôi thấy đèn đóm ở cái hotel 24 giờ nằm bên cạnh, tại ngã ba  đường Pyrmont Bridge Rd và Union St  còn sáng trưng.

 

Không biết  có khách suốt đêm không mà người ta lại mở đến 24 tiếng đồng hồ ở cái khách sạn bình dân kiêm quán bia rượu này?  Tôi chưa bao giờ sống về đêm, nghĩa là sau 12 giờ khuya  tại xứ  Úc này như  ngày còn ở Sài Gòn trước năm 1975. 

 

Sau 12 giờ khuya có lẽ là thời gian của nhảy đầm và của bia rượu. Và có lẽ ở cái tuổi này Thụy Văn tôi sẽ không còn hứng thú với việc đi chơi khuya, nhất là ở một nơi mà đa số khách đi chơi khuya có lối sống phần nào khác với mình.

Thế là xong ngày  thứ nhất.  Đi chơi, thì giờ qua rất nhanh!

Thụy Văn-   Melbourne tháng 1/2006