Vanuatu: 7 ngày ở xứ đảo thần tiên – chọn nơi nghỉ mát (kỳ 2)

08 Tháng Ba, 2008 | Vanuatu

Nguyễn Hồng-Anh

Từ khi vượt qua ngưỡng cửa cái tuổi “tri thiên mệnh”, tôi có thêm châm ngôn: “Hãy đi du lịch thật nhiều trước khi không còn thể đi được nữa”. Danh mục giấc mơ du lịch của tôi còn rất dài, gồm các nước ở Á Châu như Ấn Độ, Trung Quốc (mơ thêm lần thứ hai đi các tỉnh miền nam), Đại Hàn, Đài Loan; các nước ở Trung Đông như Ai Cập, Do Thái; các nước ở Nam Mỹ như Á Căn Đình, Ba Tây; ở Bắc Mỹ như Gia Nã Đại, Hoa Kỳ (mơ lần thứ hai đi ở các thành phố miền đông); các nước Âu Châu như  Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo, Đức, Hòa Lan… và một số quốc gia hải đảo ở Trung Mỹ, Nam Thái Bình Dương.

Không biết đến khi nào tôi sẽ thực được các giấc mơ đó, nhưng tôi quan niệm hễ khi nào có dịp là đi,  không cần phải chuẩn bị, sắp đặt gì cả.

 

Chọn nơi nghỉ mát

Giáng Sinh năm nay, vợ chồng chúng tôi bỗng nghĩ đến việc cả gia đình cùng đi du lịch chừng một tuần lễ ở đâu đó, trong nước hay ở ngoại quốc bởi con cái đang nghỉ hè và nhất là cùng đi chơi với nhau trước khi con cái ra ở riêng hoặc không còn muốn đi chơi chung với cha mẹ nữa.

Vấn đề đi nghỉ mát ở đâu còn tùy thuộc ngân sách, chi phí và vật giá. Chúng tôi  đã đi nghỉ mát nhiều lần xuyên bang như ở Gold Coast- Brisbane, ở Sydney, Devonport (Tasmania). Lần này chúng tôi có ý định đi Cairns (ở bắc Queensland), nhưng sau khi lượn vòng vòng trên mạng internet, thấy vé máy bay khoảng $800 Úc kim một người, chúng tôi lại nghĩ tại sao không thêm vài trăm  nữa để có thể nghỉ mát ở hải ngoại, vui lạ hơn với con người và cảnh vật khác xứ  Úc.

Thiên đường hạ giới Hạ Uy Di là nơi chúng tôi dự tính đến đầu tiên, nhưng vé máy bay gần $2,000 một người và ngày giờ đi bị giới hạn vì vé đã được mua hết khá nhiều.  Thái Lan? Con cái chúng tôi cũng thích, nhưng chúng tôi đã từng đi vào năm 1990 và trong mùa cao điểm này cũng đắt và khó chọn ngày mình thích.  Đại Hàn, Đài Loan?  Đường bay hơi dài, đang là mùa đông và vé cũng xấp xỉ  $2,000.

Chúng tôi nhìn xuống hướng nam thấy vé đi Tân Tây Lan khoảng $1,000 mà “được tiếng” là đi du lịch nước ngoài. Tôi gọi điện thoại cho anh bạn Lý Hồng Giang là ông thổ địa, người cương quyết bám trụ ở xứ  Kiwi trên ba thập niên dù Mít tộc du học trước 1975 và tị nạn phần lớn đã qua lập nghiệp ở Úc hay thiên di tới các nơi khác. Lý Hồng Giang nói chỗ nào ở Tân Tây Lan cũng đẹp và thơ mộng nhất là Chirst Church, Queenstown là hai thành phố ở Đảo Nam của Tân Tây Lan, nơi còn nhiều di tích cổ kính và có nhiều du khách đến.

Nhưng Tân Tây Lan dầu sao cũng có nét văn hóa chính mạch giống Úc (gốc Anh). Vả lại các thành phố ở đấy còn gần nam cực hơn Melbourne nên khó được hưởng cái thú tắm biển ấm. Mà cả gia đình chúng tôi ai cũng thích tắm biển  trong mùa hè này (ở Úc) nên lại phải tìm một nơi khác.

Chúng tôi nhắm tầm ngắn, ở vùng nam Thái Bình Dương. Thiên đàng hạ giới Tahiti? Xa quá vì cách Sydney đến 6,127 cây số.

Fiji?  Gần hơn nhưng cũng tới 3,242 cây số. Fiji nổi tiếng là nơi các tài tử và giới giàu có thường đến nghỉ mát. Hai khu nghỉ mát Turtle và Vatulele được liệt kê vào danh sách 10 nơi nghỉ mát đắt đỏ nhất thế giới với giá tiền phòng từ $1,500 đến gần $3,000 Úc kim một đêm. Nhưng những vụ nổi loạn, đảo chính và bất ổn chính trị ở xứ này trong những năm gần đây đã không làm cho tôi  chọn ưu tiên trong những nơi muốn đi du lịch nhất.

Êm đền và thơ mộng: chèo thuyền trong Vịnh Fatumaru trước nhà trọ

New Caledonia thì đã đi cách đây khoảng 9 tháng. Vậy chỉ còn nước Vanuatu, cách Sydney 2,481 cây số và chỉ mất khoảng 2 giờ rưỡi bay từ Brisbane đến thủ đô Port Vila. Tôi lại lên xem trang mạng của hãng Qantas và thấy giá vé chỉ từ  $1,000 đến $1,100  và mỗi ngày có mấy chuyến bay; trong vòng nửa tháng tới hầu như ngày nào cũng còn chuyến trống chỗ (xin lưu ý: giá cả thay đổi tùy mùa và ngay trong một ngày, cũng có giá cả khác nhau). Gặp vé  $1,005 Úc kim gồm thuế má chi phí,  tôi mua ngay.

Sau đó tôi lên mạng tìm hiểu về khí hậu, thời tiết và được biết đây là mùa mưa ở các đảo quốc trong vùng Nam Thái Bình Dương, như  kinh nghiệm du lịch vào cuối tháng 3 năm 2007 ở  Tân Đảo.  Từ tháng 11  đến tháng 4 là mùa mưa và bão, đặc biệt  Vanuatu là nơi nổi tiếng bị nhiều bão tố và gió lốc (hurricane, cyclone) nhất trong vùng. Mùa này hầu như ngày nào cũng có thể bị mưa,  hoặc cả ngày hoặc vài tiếng đồng hồ. Nhiệt độ trung bình khoảng 30 độ C. Người ta nói thời gian lý tưởng để nghỉ mát ở Vanuatu là khoảng tháng 6,7 và 8 là lúc trời khô ráo, mát mẻ với nhiệt độ từ 20 đến 25 độ C.

Nhưng gia đình chúng tôi chỉ có thể đi chung với nhau trong khi con cái đang nghỉ học. Bởi vậy “…dù cho mưa… dù cho bão tố có kéo qua đây… chúng tôi cũng vẫn” đi Vanuatu. Nếu bạn không quen hay ngại sử dụng mua vé on-line, các văn phòng du lịch có thể giúp bạn từ A đến Z.

Mua vé xong, chúng tôi mới bắt đầu tìm book khách sạn.  Lên mạng bấm vào (thành phố) Port Vila hay Vanuatu, sẽ thấy khối chỗ trọ, từ loại bình dân cho du khách ba-lô giá mươi đô Úc một đêm đến loại khách sạn 4, 5 sao trên 300 đô. Chúng tôi quan niệm du lịch (hay cả đi nghỉ mát) thì cũng chỉ nên thuê khách sạn khoảng 3 sao là tối đa, vì mình đâu có ở suốt ngày trong phòng mà cần chỗ sang trọng.

Lướt một vòng từ loại khá sang như  Irriki Island Resort  ở đảo Irriki, Le Lagon Resort  hay Le Meridien ở vịnh Erakor Lagoon  đến loại trung bình như Melanesian Hotel, chúng tôi chọn Fatumaru Lodge, một loại nhà trọ được quảng cáo 3 sao ở vùng vịnh Fatumaru Bay, trên đường đi tới phi trường, cách trung tâm phố Port Vila khoảng 15 phút đi bộ (khoảng 1 cây số rưỡi).

Đây là một nhà nghỉ mát do hai vợ chồng người Pháp du lịch ở Vanuatu vào năm 2001 và do “fell in love with Vanuatu” (sic)  nên đã trở lại mua miếng đất chuồi sát vịnh và xây tòa nhà nghỉ mát 10 phòng, gồm 8 phòng nằm sát mặt t nước biển (seafront apartment), 2 phòng  bungalow (seaview apartment) ở trên sườn đồi sát nhà ở của hai ông bà chủ.

Phòng trọ là một loại  apartment khá rộng, diện tích 16 mét vuông có đủ đồ dùng để nấu ăn, rất tiên lợi cho lối sống của một gia đình. Có loại phòng có cửa thông để tiện cho cha mẹ và con cái qua lại trong phòng của nhau.

Giá một đêm $210 Úc kim, và quảng cáo khuyến mại trên mạng từ tháng 4/07 đến tháng 3/08 nhà trọ chỉ tính tiền 6 đêm nếu ở lại 7 đêm. Phòng trọ bungalow trên đồi giá rẻ hơn  $35 mỗi phòng. Trẻ con dưới  12 tuổi miễn phí.

Trường hợp chúng tôi có ba đứa con lớn, trọ chung một phòng phải thêm một giường đơn, thêm khăn tắm và dọn giường hàng ngày  nhưng Fatumaru Lodge vẫn tính tiền như một giường đôi hay hai giường đơn. Chúng tôi thấy ít chủ nhà trọ tính toán dễ chịu như vậy, vì nếu trong phòng thêm 1 người,  thường phải trả thêm vài chục đô la một ngày. Chúng tôi chọn phòng tầng trệt, cách mặt nước chừng một mét rưỡi bởi cái bao lơn bằng gỗ.

Khi chúng tôi book chỗ và qua ngụ ở Fatumaru, hai ông bà chủ (Patricia và Pascal) vẫn còn nghỉ hè ở Pháp, công việc quản lý do Pam (bà người Úc) và Emily (bà người Vanuatu) quản lý. Mọi người đều vui vẻ, tiếp đón ân cần như  lời giới thiệu của hai ông bà chủ nhân người Pháp trên internet.

 

Passport: một kinh nghiệm ú tim

Mua vé online ngày nay quá tiện. Chỉ in ra cái e-ticket  và cầm tới phi trường để check-in.  Cũng như đi New Caledonia, mua vé của Qantas nhưng chỉ đi máy bay Qantas trong  nội địa, còn  tới Vanuatu thì phải đi máy bay của nước bản xứ là Air Vanuatu.

Chúng tôi chọn chuyến bay đi ít tốn thời gian nhất  bằng cách mua vé đi thật sớm (bay 7 giờ sáng) nên chuyến bay chỉ kéo dài  7 tiếng rưỡi (cũng đường đi như thế nhưng có những chuyến kéo dài trên 10 tiếng).

Từ phi trường Tullamarine lên phi trường Brisbane mất 2 tiếng. Đợi  2 tiếng chuyển sang phi trường quốc tế, làm thủ tục xuất cảnh. Bay từ Brisbane sang đảo Santo của nước Vanuatu 2 tiếng rưỡi (mở ngoặc: Santo là hòn đảo mà ông Nguyễn Hữu Chánh nói ông đã thương lượng thuê để đưa người tị nạn sang định cư hồi cuối thập niên 1980 nhưng do Thủ tướng Walter Lini của nước Vanuatu bị lật đổ nên dự tính của ông Chánh bất thành, theo Việt Weekly 12.6.07.  Người viết sẽ bàn luận về chuyện này sau khi đã qua Vanuatu và nói chuyện với ông Đinh Văn Thân, người Việt giàu có và quyền uy bậc nhất ở Vanuatu).

Santo là hòn đảo lớn nhất của nước Vanuatu. Thủ phủ là Lugaville, thành phố lớn thứ hai và nơi có đông dân hàng thứ hai của nước Vanuatu. Ngồi trên máy bay đợi thêm nửa tiếng để khách từ  Brisbane xuống Santo và đợi khách mới lên,  phi cơ bay thêm nửa tiếng đến thủ đô Port Vila,  trạm cuối cùng và chỗ chúng tôi dừng chân.

Đi nội địa, Qantas sử dụng máy bay Boeing 737-800 là loại đời mới. Đi ngoại quốc bằng Air Vanuatu thì đi máy bay Boeing 737-300 là đời khá cũ. Máy bay cũ nhưng phi công là người da trắng nên chúng tôi cũng yên tâm. Vả lại chưa (hay không) nghe tai tiếng của hãng  Air Vanuatu  từ ngày được thành lập cách đây 20 năm khi họ thuê những chiếc máy bay cũ của Úc. Máy bay cũ nhưng sự tiếp đãi của nhân viên người Vanuatu khá tốt, nếu không muốn nói rất chu đáo, tận tình dù đường bay chỉ kéo dài từ hai tiếng rưỡi đến ba tiếng.

Trên đường từ Fatumaru Lodge tới trung tâm Port Vila: lúc nào cũng mang dù phòng mưa bất ngờ

Tôi còn nhớ vào năm 2000 trong chuyến du lịch Singapore, chúng tôi đã không book được chuyến đi tour một ngày từ  Singapore sang biên giới Mã Lai bằng xe đò vì  đại lý đi tour ở đấy nói thông hành của vợ chồng chúng tôi chỉ còn hạn vài tháng trong khi Mã Lai  buộc du khách ngoại quốc vào nước họ phải có passport  còn hiệu lực trên 6 tháng. Tôi nghĩ nước Mã Lai ưa làm khó nên đòi hỏi như vậy thôi bởi tôi đi qua Singapore với thông hành như vậy có sao đâu.

Tôi cũng biết với thẻ thông hành Úc, đi các nước trong vùng (trừ Trung Cộng, Việt Nam…)  không cần xin visa, như đi như Thái Lan, Nam Dương, Singapore. Nhưng tôi cũng lên mạng để xem trước khi đi. Muốn chắc ăn hơn, tôi còn gọi cho tòa lãnh sự  Vanuatu ở Sydney để hỏi du khách với thông hành Úc có cần xin visa không thì ông nhân viên ở lãnh sự quán  bảo không, rồi nói qua chuyện thời tiết, mùa bão tố ở nước này.

Nhưng khi đến phi trường  Tullamarine để check-in,  ông nhân viên hãng Qantas sau một hồi ghi ghi, gõ gõ vào máy, bỗng nói với chúng tôi là chúng tôi gặp vấn đề và báo cho biết  “rất tiếc là có hai thành viên trong gia đình sẽ không được đi sang Vanuatu trong chuyến này vì passport gần hết hạn trong khi Vanuatu đòi hỏi passport  phải còn hiệu lực tối thiểu  6 tháng”.  Passport  của hai cô con gái của chúng tôi chỉ còn hạn khoảng 4 tháng. Chúng tôi buồn rầu nhìn nhau,  hỏi làm sao bây giờ, nhưng hai cô con gái an ủi nói ba mẹ cứ  đi chơi với người anh.

Ông kiểm soát vé sau đó giải thích rằng với Việt Nam hay Nam Dương, nhất định phải có thông hành hiệu lực trên 6 tháng, là điều chắc chắn. Tôi nói tôi từng đi Singapore với thông hành còn hiệu lực dưới 6 tháng mà có sao đâu, vả lại khi nói chuyện với lãnh sự quán  Vanuatu ở Sydney họ cũng đâu lưu ý tôi về điều khá quan trọng này.

Ông nhân viên kiểm soát vé nói để ông vào bên trong hỏi những người khác cho chăc ăn hơn bởi ông thấy trên màn ảnh có ghi là “is advived” và “should” có nghĩa là khuyến cáo,  là nên  trong khi ở Việt Nam thì họ dùng chữ  “must”. Ông nói hai từ này có nghĩa khác nhau nhưng ông vẫn thận trọng, bởi nếu ông để cho chúng tôi tới Vanuatu rồi họ không cho vào, phải kiếm máy bay trở về tốn hàng chục ngàn đô la thì ông sẽ chịu trách nhiệm.

Mất khoảng nửa giờ sau, ông mới trở lại.  Tôi hỏi có tin vui không, ông gật  đầu nhưng nói thêm đây là kinh nghiệm để lần sau chúng tôi phải hỏi thật kỹ trước khi mua vé và tốt nhất là nên có thông hành còn hiệu lực trên 6 tháng cho chắc ăn bởi đã từng có những gia đình tới phi trường mà có những người không được cho lên máy bay, trở về với nước mắt ràn rụa.

Chúng tôi nói với nhau đây là một kinh nghiệm. Nhưng vẫn còn lo  không biết ông nhân viên kiểm soát vé quá cẩn thận này (đã làm chúng tôi cụt hứng cả hơn nửa tiếng)  có hỏi lại cho kỹ không bởi giờ đó sứ quán Vanuatu chưa mở cửa làm viêc.  Tôi cũng  biết có sự khác biệt giữa hai từ Advise và Must, nhưng nói riêng với nhà tôi  rằng có lẽ chỉ chắc ăn khi đã qua khỏi cổng hải quan của nước Vanuatu bởi một khi người ta muốn làm khó dễ, họ có thể giải thích lung tung.

Đến phi trường, nhân viên di trú đóng dấu vào các thông hành của các con tôi. Tôi yên trí lớn. Nhưng đến chỗ hải quan, một ông nhân viên nhìn vào tờ khai  rồi  nhìn 3 cái vali của chúng tôi, xong bảo chúng tôi đứng qua một bên đợi khám hành lý mặc dù chúng tôi ghi trên giấy không có gì để khai cả.

Đứng lớ xớ một lúc, một anh nhân viên khác đến bảo chúng tôi đưa hành lý lên bàn để khám. Tôi loay hoay tìm chìa khóa mở vali trong khi anh nhân viên hỏi con gái của tôi trong vali có gì, có mang theo rượu mua miễn thuế không. Tôi hơi ngạc nhiên không biết  mấy anh nhân viên đang dở trò gì đây vì Vanuatu nổi tiếng là “tax haven”, chẳng có thuế má gì ráo trọi thì sá gì vài ba chai rượu lẻ tẻ. Chúng tôi không mang theo rượu, cũng chẳng mua rượu duty free ở các phi trường.

No duty free! Nghe vậy, ông hải quan xua tay, biểu chúng tôi đi.

Ở hai phi trường, gặp hai chuyện hơi bực mình chút đỉnh, nhưng chúng tôi vẫn vui bởi đã tới Vanuatu bình yên và đang chuẩn bị một tuần lễ nghỉ mát đúng nghĩa, bởi chúng tôi tin rằng  nước Vanuatu là nơi người và đất hiền hòa, lý tưởng để du lịch, nghỉ mát. Vanuatu có chỉ số hạnh phúc hàng đầu (số 1) trên thế giới mà!

Mời bạn đọc đón xem tiếp kỳ tới.