Kiện TiVi Tuần-san về mạ lỵ – kỳ 12: Nguyễn Thuyên làm chứng về bằng Cử nhân của trường… “Đại học Sư phạm Khoa học”

14 Tháng Mười, 2009 | Kiện tụng

 

  

Nằm trước mặt hữu ngạn Sông Hương là Đại học Sư phạm Huế và Trường Trung Học Kiểu Mẫu Huế gồm hai tòa nhà hình chữ Y (giống nhau) do Kiến trúc sư Ngô Việt Thụ vẽ kiểu. Hình Phanxipang

 

Sau phần làm chứng của bà Lương Minh Hương, quan tòa hỏi Luật sư McHugh đã xong phần đối chất nguyên đơn Nguyễn Thuyên chưa, Luật sư McHugh cho biết trước đây ông chỉ mới hỏi ông Thuyên khoảng đâu 10 phút trong khi Luật sư Evatt hỏi cả 50 phút, nếu ông nhớ không lầm. Tuy nhiên, Luật sư  McHugh cho biết lần này sẽ hỏi ngắn thôi.

 

Luật sư  Evatt báo cho tòa biết phía ông có thay đổi thông dịch viên. Người thông dịch viên mới là ông Đoàn Bá Cang.

 

Quan tòa lưu ý ông Nguyễn Thuyên hãy nói hoàn toàn 100 phần trăm bằng tiếng Việt. Luật sư McHugh nhắc lại những câu hỏi mà ông đã hỏi ông Thuyên trước giờ ăn trưa ngày hôm qua, về sự khác biệt giữa hai bản cung khai (witness statement) mà ông ký vào ngày 30.10 và 16.11 và khi Luật sư McHugh hỏi có phải luật sư của ông Thuyên đã yêu cầu ông Thuyên thay đổi lời khai không, thì ông Thuyên lúc đó đã trả lời rằng ông không chắc lắm vì ông rất rối trí.

 

Luật sư McHugh hỏi ông Thuyên có nhớ đã làm chứng như vậy không, nhưng ông Thuyên trả lời ông không hiểu luật sư muốn nói gì.

 

Hỏi lại lần nữa, ông Thuyên trả lời ông đã nói rồi rằng ông trao phó mọi chuyện trong tay luật sư của ông ta.

 

Khi hỏi có phải ông đã trao luôn cả việc soạn thảo bản khai của nhân chứng (witness statement) cho luật sư luôn không, ông Thuyên trả lời: “Tôi không phải là một nhân chứng. Tôi là người đi kiện tờ báo!”.

 

Khi ông Thuyên đồng ý là ông đã ký vào hai bản cung khai, Luật sư  McHugh hỏi ông có biết rằng khi ông ký thì những bản cung khai đó sẽ dùng vào tiến trình xét xử này không, ông Thuyên trả lời ông biết nhưng ông không quen thuộc với tiếng Anh nên phải nhờ luật sư của ông ta.

 

Ông Thuyên nói ông nhờ luật sư của ông dịch tờ cung khai sang tiếng Anh. Hỏi ông có kiểm tra lại tiếng Anh trước khi ký không, ông Thuyên nói ông không rành tiếng Anh  nên hoàn toàn trao phó cho luật sư.

 

Luật sư McHugh lại hỏi ông Thuyên có tự mình kiểm tra trước khi ký không, ông Thuyên trả lời ông đã nói ông không thông thạo tiếng Anh nên tin tưởng vào luật sư của ông, đồng thời nói: “Nhưng tại sao ông cứ hỏi tôi hoài cũng một câu hỏi như thế”?

 

Luật sư  McHugh nói vì ông Thuyên đã chưa trả lời câu hỏi, nhưng ông Thuyên nói ông đã trả lời rồi. Lúc đó, quan tòa lưu ý ông Thuyên hãy nghe cho thật cẩn thận câu hỏi này và trả lời một cách trực tiếp như  ông ta có thể làm được.

 

Luật sư McHugh lại hỏi câu như vừa nói trên.  Ông Thuyên trả lời rằng luật sư của ông Thuyên đọc lớn cho ông nghe nhưng ông không đủ khả năng để kiểm tra. Tòa được nghe rằng luật sư của ông Thuyên đọc bản cung khai bằng tiếng Anh rồi dịch ra tiếng Việt cho ông ta.

 

Về câu hỏi của Luật sư  McHugh rằng bản thân ông Thuyên có lưu ý ai trong nhóm những người làm chứng về hai bài viết trên báo không, ông Thuyên nói họ đọc hai bài báo đó trước và sau đó họ gọi ông, cho ông biết có hai bài viết mạ lị ông.

 

Đến đây, Luật sư McHugh lưu ý tòa đã đến giờ nghỉ ăn trưa.

 

* * *

 

Khi phiên tòa tiếp tục,  Luật sư  McHugh hỏi về chuyện bằng cấp của ông Nguyễn Thuyên. 

 

Luật sư McHugh nhắc lại trước đây khi Luật sư  Evatt hỏi ông Thuyên, có phải ông Thuyên đã trả lời rằng ông có bằng cử nhân về toán học (degree in mathematics) không?  Ông Thuyên trả lời: đúng vậy.

 

Luật sư McHugh hỏi ông Thuyên có giấy tờ chính thức gì của đại học mà ông nói đã cấp văn bằng cử nhân cho ông không. Ông Thuyên nói ông đã giao cho luật sư của ông rồi.

 

Luật sư McHugh bèn cầm một tờ giấy đưa lên và hỏi ông Thuyên có biết tài liệu ông đang cầm nơi tay là gì không. Rồi luật sư nói nếu ông Thuyên muốn, luật sư sẽ đưa cho ông Thuyên xem. Ông Thuyên trả lời xin đưa cho ông.

 

Luật sư hỏi tên viện đại học mà ông Thuyên lấy bằng cử nhân, ông Thuyên trả lời “Viện Đại học Huế”.

 

Luật sư hỏi có phải nó còn được gọi là Đại học Khoa học không (University of Science), ông Thuyên nói “đúng vậy, nhưng trong trường hợp này, nó được gọi là  Đại học Sư phạm Khoa học”.

 

Luật sư  McHugh lặp lại bằng tiếng Anh cụm từ mà thông dịch viên vừa dịch sang tiếng Anh, rằng có phải là đó là Pedagogy University of  Science không, ông Thuyên (qua thông dịch viên) trả lời đúng vậy.

 

* * *

 

Lời người viết: tại thành phố Huế trước năm 1975, có một viện đại học gọi là Viện Đại Học Huế. Trong viện đại học này có 5 phân khoa: Khoa học, Sư Phạm, Văn khoa, Y khoa và Luật khoa.

 

Các phân khoa này được gọi bằng những danh xưng có hay không có chữ  trường ở trước như: (Trường) Đại học Khoa học, (Trường) Đại học Sư phạm, (Trường) Đại học Văn khoa, (Trường) Đại học Y khoa và (Trường) Đại học Luật khoa.

 

Tuyệt nhiên không có một trường đại học nào ở Huế có tên chính thức là Đại học Sư phạm Khoa học!

 

Vì Trường Đại học Sư phạm đào tạo các giáo viên dạy nhiều bộ môn khác nhau nên các giáo sinh khi theo học có thể ghi học các ban như ban Toán, ban Lý Hóa, ban Pháp văn, ban Anh văn, ban Sử địa v.v…

 

Nếu người nào muốn làm giáo viên toán sẽ chọn Ban Toán và như vậy khi ra trường, cái chứng chỉ (hay bằng) của họ được cấp sẽ ghi “Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế – Ban Toán”.

 

Người ta chỉ có thể theo học ngành toán của một trong hai  trường Đại học Khoa học hay  trường Đại học Sư phạm, chứ không thể theo học Đại học Sư Phạm Khoa học được, vì ở Huế lúc đó không có trường kỳ lạ nào có cái tên là  Đại học Sư Phạm Khoa học hay Đại học Khoa học Sư Phạm!

 

 

* * *

 

Có hai tài liệu được trình trước tòa, một cái là bằng tốt nghiệp (graduate diploma) bằng tiếng Việt và một cái bằng tiếng Anh.

 

Bản dịch ông Thuyên nhờ một cơ quan dịch khi ông tới Úc vì lúc đó ông có dự tính trở lại nghề dạy học của ông.

 

Luật sư McHugh bây giờ muốn hỏi ông Thuyên về bằng chứng J  tức là cái bằng của ông Thuyên trong đó ghi rằng đây chỉ là cái Chứng Chỉ Tạm.

 

Ông Thuyên nói ở Việt Nam, sau khi tốt nghiệp người ta chỉ cấp cho cái bằng tạm và có thể ba hay bốn năm sau họ sẽ gởi cho cái bằng chính thức.

 

Khi ông Thuyên đồng ý với luật sư rằng ở cuối tờ giấy có đề giòng chữ “Chờ đợi sự chấp thuận của Bộ trưởng Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên”, luật sư hỏi ông Thuyên có giấy tờ gì cho thấy ông đã được sự chấp thuận của Bộ trưởng không, ông Thuyên trả lời ông không có bản chính thức (văn bằng chính thức) mà luật sư nói tới, nhưng khi ông nộp đơn xin làm hiệu trưởng, ông đã được chấp thuận, thì điều đó có nghĩa tài liệu này (tức chứng chỉ tạm) được thừa nhận như là một bằng chứng (rằng ông có bằng cử nhân và tốt nghiệp đại học).

 

Luật sư  McHugh lại hỏi về buổi hội thảo chính trị và sau khi ông Thuyên nói nó được tổ chức vào ngày 21.4.2002 tại Kensington Hall, luật sư yêu cầu ông Thuyên hãy nhìn vào bản cung khai đề ngày 16.11.2004  nhưng ông Thuyên trả lời rằng cho đến nay ông đã nói ông tin tưởng giao cho luật sư của ông để viết các tài liệu đó.

 

Khi Luật sư McHugh hỏi ông có gặp khó khăn trong việc đọc tiếng Anh không, ông Thuyên trả lời có và đấy là lý do tại sao khi tới Úc ông không thể trở lại nghề dạy học, mà phải đi làm trong một nhà máy để giúp gia đình, con cái.

 

Luật sư  McHugh nói ông muốn ông Thuyên hiểu rằng ông không chỉ trích ông Thuyên, rằng ông hiểu đấy là hoàn cảnh khó khăn (của ông Thuyên).

 

Luật sư  nói ông biết ông Thuyên gặp khó khăn trong việc đọc Anh ngữ nhưng ông yêu cầu ông Thuyên xem tờ cung khai của ông ngày 16.11  ở đoạn 10 trong đó nói buổi hội thảo chính trị được tổ chức vào tháng 3 năm 2002, chứ không nói ngày 21.4.

 

Ông Thuyên nói cần gì phải quan tâm quá nhiều về điểm này bởi vì khi ông nói với luật sư của ông về sự (người ta) mạ lị (ông), ông đã nhắc tới hai bài viết trong báo nói về ông rồi.

 

Luật sư McHugh nói điều mà ông muốn hỏi ông Thuyên là khi ông Thuyên nói chuyện với luật sư về bản cung khai này mà ông đã nói là luật sư đã đọc to bằng tiếng Anh và tiếng Việt,  thì lúc đó ông Thuyên có nhớ cái ngày 21.4 không.

 

Ông Thuyên nói ông có đọc cái thông cáo (trên báo) vì thế ông biết ngày tháng. Ngoài ra, ông quá bận rộn với công việc của ông, với gia đình, bận  tranh đấu cho nhân quyền (fighting for human rights) nên ông Thuyên không thể nhớ nhiều thứ được.

 

 

Khi luật sư hỏi ông đọc cái thông cáo trước hay sau khi ký, ông Thuyên trả lời cái thông cáo này, cái ông vừa mới đọc ngay lúc này, nhưng trước đó ông được ban tổ chức mời tới để thuyết trình.

 

Bây giờ Luật sư McHugh hỏi ông Thuyên về những người  thuyết trình trong buổi hội thảo chính trị đó gồm, gồm Nguyễn Hiệp và Vương Thiên Vũ.

 

Về ông Nguyễn Hiệp, tòa được nghe đại khái rằng Nguyễn Hiệp là một cựu sinh viên chứ không phải là một giáo sư (professor). Ông Nguyễn Hiệp là cựu chủ tịch Hiệp hội Sinh viên. Ông Thuyên không biết ông Nguyễn Hiệp đã có bao giờ dạy ở một trường học không. Ông Thuyên không nghĩ rằng ông Nguyễn Hiệp có thể được (quyền) tự gọi là giáo sư, rằng ông  Nguyễn Hiệp trông không có vẻ là một giáo sư.

 

Về ông Vương Thiên Vũ, qua các câu hỏi của Luật sư McHugh, tòa được nghe rằng ông Vương Thiên vũ là một trong ba người thuyết trình trong buổi hội thảo chính trị. Ông Thuyên quen ông Vương Thiên Vũ qua Hội Sĩ quan Thủ Đức. Ông Thuyên đã không nghe người khác gọi ông Vương Thiên Vũ là giáo sư.  Ông Thuyên không nghe ông Vương Thiên Vũ tự xưng là giáo sư  và ông Thuyên cũng chẳng bao giờ gọi ông này là giáo sư.

 

Luật sư Mc Hugh hỏi có thể người khác gọi ông Vương Thiên Vũ là giáo sư  chăng, nhưng ông Thuyên nói ông không biết.

 

* * *

 

Luật sư lại tiếp tục hỏi nguyên đơn về ấn bản thứ hai cuốn “Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh” và nơi ở của ông ta và đã được Nguyễn Thuyên trả lời đại khái như sau:

 

Ấn bản thứ hai cuốn “Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh” được phát hành vào khoảng Giáng Sinh năm 2000, việc bán sách gây quỹ xảy ra vào tháng 6 năm 2002.

 

Ông Nguyễn Thuyên không những là một người ủng hộ Lý Tống mà là một người ủng hộ rất mạnh mẽ. Nhưng ông Thuyên  không rõ Lý Tống có ở tù trong thời gian từ năm 1998 đến tháng 11 năm 2000, chỉ biết rằng Lý Tống có ở tù đâu đó bên Thái Lan.

 

Hiện tại Nguyễn Thuyên đang ở Victoria, nhưng có những công việc làm ăn ở Sydney, kể từ năm 1986. Ông Thuyên ở Victoria nhưng văn phòng tờ báo Chuông Sài Gòn ở Sydney, thỉnh thoảng đi lên đó vì công việc nhưng từ năm 2002 ông lên Sydney thường xuyên hơn.

 

Luật sư McHugh cám ơn, chấm dứt cuộc đối chất ông Thuyên.

 

* * *

Luật sư Evatt của nguyên đơn tái chất vấn (re-examine) nguyên đơn.

 

Qua những câu hỏi của luật sư  Evatt, Nguyễn Thuyên trả lời đại khái như sau:

 

Nguyễn Thuyên có chỗ ở (residence) ở Sydney, địa chỉ là 29 Hamington, Cabramatta. Ông Thuyên lên Sydney để làm ăn và công việc làm ăn này là tờ báo Chuông Sài Gòn. Chỗ ở của ông khi lên làm ăn trên đó là địa chỉ vừa nói ở Cabramatta.

 

(Còn tiếp)