Người Việt kiện Saigon Nhỏ, thắng với $4.5 triệu Mỹ kim bồi thường

26 Tháng Một, 2015 | Kiện tụng

 

Bà Hoàng Dược Thảo trong cuộc họp báo ngày 10.2.2014 nói về vụ bà bị Người Việt kiện. Hình: congdongviet.de

  

Lời tòa soạn TVTS: Vừa qua, tin báo Saigon  Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo bị phạt bồi thường thiệt hại cho báo Người Việt, ông Phan Huy Đạt và bà Vĩnh Hoàng đã được hầu hết báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ và đài phát thanh Việt ngữ quốc tế đưa tin. Bởi đây là vụ kiện của một tờ báo Việt ngữ lớn nhất ở hải ngoại đối với đối thủ cạnh tranh của họ.  Số tiền phạt $3 triệu rưỡi Mỹ kim được bồi thẩm đoàn cho bên nguyên đơn là số tiền quá lớn, chắc chắn nếu thành công thì bên bị đơn sẽ không đủ sức trả. Chưa hết, bồi thẩm đoàn còn phạt thêm $1.5 triệu làm gương, như là hình thức răn đe.

 

Nhật báo Viễn Đông, qua ghi nhận của trang báo điện tử Voice of Orange County, đã cho biết một phần nào về trị giá tài sản của báo Saigon Nhỏ, một yếu tố quan trọng trong việc bồi thường vì thua kiện. Viễn Đông viết: “Trong ngày xử hôm thứ Hai, luật sư Hoyt E. Hart đại diện báo Người Việt đã hỏi bà Hoàng Dược Thảo về những tài sản của Saigon Nhỏ. Những tài sản nào bao gồm cả một nhà kho được mua vào năm 2005 với giá $1.65 triệu và hai máy in trị giá $860,000. Trước tòa, bà Thảo nói rằng lần cuối cùng Saigon Nhỏ hoạt động có lời là vào năm 2006, và từ đó đến nay tờ báo luôn bị lỗ vốn. Bà đã tìm cách bán bớt tài sản để bù vào sự lỗ lã và chú trọng đến việc duy trì các nhân viên được ước lượng là khoảng 50 người”.

 

Người bàng quan nghĩ lý do mà phía Người Việt kiện Sàigon Nhỏ là vì Người Việt và chủ nhiệm Phan Huy Đạt bị chụp mũ Việt Cộng, một điều chẳng ai muốn, và bà Vĩnh Hoàng bị tố cáo lăng nhăng tình ái, là một điều chẳng phụ nữ nào muốn bị bêu rếu.

 

Thế nhưng, khi Người Việt cho Saigon Nhỏ cơ hội bằng cách yêu cầu  cải chính, bà chủ nhiệm Hoàng Dược Thảo đã không làm, lại còn viết thêm bài khác với lời lẽ thách thức. Trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, có một số vụ kiện bị chụp mũ cộng sản, các  nguyên đơn thắng và được tòa án cho bồi thường bạc triệu. Nhưng như người ta nói, người thua đã chuyển tài sản trước khi có án lệnh,  hoặc khai khánh tận hay đang lãnh trợ cấp an sinh xã hội thì… huề làng.  Bởi vậy, trên mạng có rất  nhiều người phát biểu hay viết bài bôi nhọ kẻ khác một cách thậm tệ mà chẳng sợ bị kiện, bởi họ có gì đâu để bồi thường?

 

Nhưng trường hợp Saigon Nhỏ thì khác. Vì Saigon Nhỏ là một đối thủ cạnh tranh và nhìn bên ngoài thì cơ ngơi Saigon Nhỏ không phải nhỏ, nên Người Việt kiện là chuyện không lạ.

 

Đài SBTN đưa tin, sau phiên tòa bà Hoàng Dược Thảo nói rằng “cuộc chiến vẫn chưa kết thúc”. Có nghĩa là bà sẽ kháng án lên tòa trên, như qua các bản thông cáo báo chí bằng tiếng Việt và tiếng Anh mà báo Cali Today ở bắc California đã đăng và nay TVTS cho đăng lại (chỉ tiếng Việt), kể cả bài viết của Hà Giang trên báo Người Việt, để rộng đường dư luận.

 

Bà Vĩnh Hoàng. Hình: TVTS

 

 

Công ty Người Việt thắng kiện bà Hoàng Dược Thảo và Saigon Nhỏ $4.5 triệu

 

WESTMINSTER, Calif (NV) – Ba nguyên đơn gồm công ty Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Đạt, và bà Vĩnh Hoàng, hôm Thứ Hai, 29 Tháng Mười Hai, thắng vụ kiện hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo, chủ nhân hệ thống này, các tội phỉ báng và vu khống.

 

Phán quyết của bồi thẩm đoàn được đưa ra trong vòng chưa đầy hai giờ nghị án, theo sau một phiên xử kéo dài gần bốn tuần lễ tại Tòa Thượng Thẩm tiểu bang California, Quận Cam, dưới sự chủ tọa của Thẩm Phán Frederick P. Horn.

 

Bồi thẩm đoàn 12 người cùng bỏ phiếu thuận, xác định mức bồi thường cho các nguyên đơn $3,000,000, để đền bù các tổn hại về danh dự, uy tín, và tinh thần. Thêm vào đó, 10 bồi thẩm viên cũng bỏ phiếu xác định mức phạt thêm bị cáo $1,500,000 để làm gương (punitive damage), vì hành xử bị cho là có ác ý. Tổng số tiền bồi thường và phạt là $4.5 triệu.

 

Ngoài bồi thường thiệt hại, bồi thẩm đoàn cũng yêu cầu Tuần Báo Saigon Nhỏ đính chính về những câu viết có tính phỉ báng và vu khống trong bài viết “Những Bí Ẩn Của Nhật Báo Người Việt,” đăng ngày 28 Tháng Bảy, 2012, đồng thời xin lỗi ba nguyên đơn là công ty Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Đạt (Chủ Nhiệm kiêm Tổng Giám Đốc), và bà Vĩnh Hoàng (Giám Đốc Thương Vụ kiêm Phụ Tá Tổng Giám Đốc). Lời đính chính và xin lỗi được bồi thẩm đoàn đề nghị đăng trên cả ấn bản nhật báo và tuần báo của công ty Saigon Nhỏ.

 

Trong bài báo nêu trên, bà Hoàng Dược Thảo, bút hiệu Đào Nương, viết rằng Cộng Sản Việt Nam đã mua nhật báo Người Việt và để cho ông Phan Huy Đạt đứng tên chủ nhân. Cũng trong bài viết ấy, bà loan tin đồn thất thiệt về đời tư của bà Hoàng Vĩnh.

 

Bên nguyên khởi kiện hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ và bà Hoàng Dược Thảo vào đầu Tháng Chín, 2012, sau khi thư yêu cầu đính chính những thông tin sai lạc đã không được đáp ứng.

 

Phát biểu sau khi có phán quyết của Bồi Thẩm Đoàn, ông Hoyt Hart, luật sư đại diện Người Việt, nói: “Trong lập luận kết thúc phiên xử, tôi hỏi bồi thẩm đoàn liệu họ có chấp nhận việc sử dụng tin bịa đặt và phao tin đồn thất thiệt làm phương pháp cạnh tranh không. Và trong phán quyết ngày hôm nay, bồi thẩm đoàn cho thấy họ không chấp nhận hành vi ấy.”

 

Về phán quyết, chủ tọa bồi thẩm đoàn, một luật sư không muốn nêu tên, cho biết ý kiến riêng của ông: Cách hành xử của bà Hoàng Dược Thảo đối với yêu cầu đính chính của nhật báo Người Việt khiến ông quyết định kết tội bên bị.

 

Ông Phan Huy Đạt. Hình: Người Việt

 

Ông nói: “Sau khi nhận thư yêu cầu đính chính, bị cáo không những đã không đính chính, không kiểm chứng kỹ hơn về những điều mình đã viết, mà còn đăng lại những câu phỉ báng ban đầu, rồi nêu đủ lập luận để biến những câu mà bà gọi là đặt câu hỏi trong bài viết nguyên thủy thành kết luận, đẩy sự phỉ báng đến mức độ trầm trọng hơn.”

 

Một bồi thẩm viên khác, bà Liz Diep nói về quyết định cá nhân của bà trong phán quyết đối với Saigon Nhỏ: “Tôi quyết định khá dễ dàng, vì các quyết định đã thành hình trong ý nghĩ tôi từ trước khi nghị án. Các video được sử dụng làm bằng chứng có tính thuyết phục đối với tôi. Về phía bị cáo, họ không có nhiều căn cứ để bào chữa. Họ không có bằng chứng để chứng minh luận cứ của mình.”

 

Cũng nói về các đoạn video được bên Người Việt đưa ra làm bằng chứng trước tòa, một bồi thẩm viên khác cho rằng đó là “chứng cớ then chốt.”

 

Các đoạn video được đề cập gồm một đoạn cho thấy bà Hoàng Dược Thảo la lối lớn tiếng trước sự có mặt của đại diện Người Việt tại buổi tiệc Kỷ Niệm 10 Năm Thành Lập Tập Thể Chiến Sĩ Quân Lực VNCH.  Đoạn thứ hai là phần phát biểu của bà Hoàng Dược Thảo tại buổi họp báo do Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa tổ chức.

 

Một bồi thẩm viên cho rằng lời phát biểu của bà Hoàng Dược Thảo tại buổi họp báo ấy cho thấy bà có “ác ý.”

 

Bồi thẩm viên Robert Wong, cư dân Westminster, một cựu kỹ sư đã nghỉ hưu của công ty Raytheon, nhận định: “Khi nghe các nhân chứng trình bày. Tôi đặc biệt để ý câu chuyện của ông  Đinh Quang Anh Thái. Qua đó, tôi biết được sự đáng tin cậy của những người làm việc cho tờ Người Việt.”

 

Rồi ông phân tích: “Sự kiện trong vụ kiện này vượt quá Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Phía nguyên đơn thực sự đã bị vu khống. Quan trọng ở đây là hai chữ Cộng Sản, và khi bạn sử dụng những từ này thì cần phải có bằng chứng. Nhưng ở đây, bị cáo hoàn toàn không có bằng chứng gì cả. Bị cáo đã có cơ hội để rút lại điều mình viết nhưng bà ta đã không làm điều đó. Trong suốt vụ xử, bị cáo cũng không đưa ra được nhân chứng nào đáng tin cậy.”

 

Hai nhân chứng phía bị cáo đưa ra là ông Ngô Kỷ và Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa.

 

Nữ thẩm viên Jennifer Mendoza cho biết “quyết định trong các phán quyết của cá nhân tôi chỉ mất 30 phút, khá dễ dàng. Các video cho thấy sự giận dữ và ác ý của bị cáo.”

 

Một bồi thẩm viên khác cho rằng, bà Hoàng Dược Thảo, “qua những lời khai của chính mình, trước tòa, là người nói nhiều điều khó tin.”

 

Bồi thẩm viên này đưa ra ví dụ: “Bà ta nói báo Người Việt luôn làm bậy, đã bị biểu tình cả 50 lần.  Đến khi đưa chứng cớ thì chỉ nêu ra được ba vụ, là vụ chậu rửa chân, vụ lá thư Sơn Hào, và vụ in một cuốn sách nào đó [cuốn Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy  Đức – NV]. Cách bà nói về những vụ biểu tình tại báo Người Việt cho tôi thấy bà đã nói quá. Thậm chí bà còn khai gian trước tòa.”

 

Vụ kiện kéo dài hơn hai năm giữa hai công ty Người Việt Daily News và hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ, là sự kiện được nhiều người trong cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại theo dõi. Hai phía chuẩn bị vụ kiện kéo dài hơn hai năm. Vụ xử kéo dài gần một tháng, chính thức kết thúc vào ngày 30 Tháng Mười Hai, 2014.  (Hà Giang/Người Việt)

 

 

Vẫn còn hai ba người biểu tình trước trụ sở Người Việt, kéo dài chừng một tiếng. Một người mang tấm bảng ghi “Đả đảo Công ty Người Việt” trưa Thứ Bảy 8.11.2014. Hình: TVTS

 

 

Quyền Tự do Ngôn Luận và Tự do Báo chí đã không được tôn trọng tại Tòa án Orange County

 

Lời tòa soạn Cali Today: Ngay sau khi phiên tòa xử hệ thống báo Sài Gòn Nhỏ và bà Hoàng Dược thảo thua kiện với tờ Người Việt và phải bồi thường 4.5 triệu Mỹ kim, dư luận muốn biết nhận định của bà Hoàng Dược Thảo cũng như những phản ứng của bà đối với bản án này. Ký giả của nhật báo Cali Today đã liên lạc bà Hoàng Dược Thảo và bà cho biết qua email vào tối 30 tháng 12 vừa qua như sau: “…, Đây là một phiên toà rất bất công và không công bình cho SGN, chánh án đã vi phạm luật tố tụng nhiều lần nên luật sư của Saigòn đang kháng án lên toà trên. Trong lúc chờ đợi phán quyết của toà Appeal, theo sự cố vấn của luật sư, tôi không thể trả lời phỏng vấn được  trong lúc này. Tôi sẽ liên lạc với anh ngay khi chúng tôi có phán quyết về Appeal…” Hôm nay, chúng tôi vừa nhận được “Thông cáo báo chí” dưới đây của bà, và Cali Today đăng tải để rộng đường dư luận. Vì để sự kiện được gửi đến độc giả một cách khách quan và đa chiều, nên nhật báo Cali Today sẵn lòng đăng tải các ý kiến và nhận định của tất cả các bên liên quan, nếu có yêu cầu.

Trân trọng,

Cali Today

 

 

 

Trụ sở Saigon Nhỏ nằm cùng đường Moran Street với Người Việt và một số nhật báo khác. Hình: TVTS

 

Vào ngày 28-7-2012, bà Hoàng Dược Thảo, viết dưới bút danh Đào Nương, đã đăng một bài trên báo Saigon Nhỏ phân tích, điều tra sự thực về chủ quyền sở hữu của một báo khác, tờ Người Việt. Đó là một bài quan điểm cá nhân có tính hài hước và châm biếm, liên hệ đến những môn phái võ thuật trong tiểu thuyết và chế diễu tờ Người Việt có một cánh cửa xoay vòng cho người chủ nhiệm, cứ thay người đứng tên cho tờ báo mỗi khi tờ báo này đăng một bài viết mà cộng đồng xem là thiên cộng.

 

Tờ Người Việt đã đăng một bức thư, được nói là của một độc giả có tên là Sơn Hào, hiển nhiên là người theo phe Cộng Sản. Trong một cuộc họp báo được tổ chức để xin lỗi về lá thư này, người chủ nhiệm mới đây nhất của tờ Người Việt, khi trả lời cho câu hỏi ai là chủ tờ báo, ông đã nói rằng tờ báo này là do nhân viên làm chủ theo một chương trình sở hữu cổ phần cho người làm.

 

Bài viết của bà Thảo tìm hiểu về lời xác định đó.  [vì đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của tự do báo chí]

 

Để trả lời bài báo của bà, tờ Người Việt, Tổng Giám Đốc của tờ báo cùng một phụ tá cho tổng giám đốc đưa đơn kiện về tội lăng mạ.  Một trong những lý do được nêu ra là bài báo có tính lăng mạ bởi vì bài báo nói không có bằng chứng chủ nhân tờ Người Việt là ông tổng giám đốc, và rằng người phụ tá cho tổng giám đốc không có năng lực điều hành tờ báo.

 

Vào ngày 30-12-20114, một bồi thẩm đoàn của Tòa án của Orange County đã thưởng cho nguyên đơn một khoản 3 triệu bồi thường thiệt hại, cùng 1.5 triệu để trừng trị và làm gương.  Saigon Nhỏ và người sở hữu và chủ nhiệm, bà Hoàng Dược Thảo, được đại diện bởi Văn phòng Luât sư của ông Charles H. Manh, P.C. và Morris & Stone, LLP.

 

Ông Aaron Morris có nhận định: “Phiên xử này chỉ có thể mô tả là một chuyện huyễn hoặc, xa vời thực tế.  Ngay khi bắt đầu phiên tòa, ông chánh án đã nói rằng ông không quen thuộc với luật về phỉ báng, và điều này trở nên rõ ràng trong những quyết định của ông trước và trong phiên xử”.

 

“Bởi vì những phán quyết sai lầm của chánh án, bồi thẩm mới có thể cho nguyên đơn được bồi thường thiệt hại, mặc dù không có chứng cớ gì về thiệt hại được trưng bày hay chứng minh.  Không thể tưởng tượng là bồi thẩm đã được chỉ đạo phải cho bồi thường, dù rằng bên nguyên đơn đã không cho thấy bất cứ một ai từng đọc bài báo đó, hay nếu có ai đã đọc, người này phải thật cố gắng, gượng ép để diễn dịch theo cách mà nguyên đơn cho rằng đó là sự phỉ báng.”

 

“Trong 25 năm hành nghề, tôi chỉ biết có một trường hợp tương tự trước đây, khi không ai có thể giải thích cho thẩm phán hiểu những vấn đề pháp lý áp dụng trong một vụ án về phỉ báng.  Điều có thể làm [trong trường hợp này] là tranh cãi cho đến cùng khi có một kết cuộc tệ hại và bản án bị hủy bỏ khi có kháng cáo.  Tuy thế, đây là điều đáng tiếc khi vấn đề không được giải quyết ổn thỏa ngay từ lúc đầu”.

 

Ông Morris tóm lược những sai lầm trong vụ án này như sau:

 

Vụ án này là về một bài báo duy nhất được đăng trên tờ Saigon Nhỏ vào ngày 28-7-2012.  Nguyên đơn đã muốn đưa ra những bài báo khác và ngay cả các băng video từ những nguồn không xác định, nhưng một quan tòa trước đó đã quyết định không cho phép vì không có liên quan gì đến vụ án.  Nhưng khi vụ án được chuyển cho một chánh án khác, mặc dù có sự phản đối quyết liệt của luật sư bị cáo, chánh án mới đã không tính đến quyết định của chánh án trước đó, và cho phép xét đến những bài báo khác và ngay cả những video như chứng cớ.

 

Bà Thảo thoát khỏi Miền Nam Việt Nam sau khi đất nước đó rơi vào tay Cộng Sản năm 1975.  Bà là người chống Cộng triệt để. Những video nói trên thu hình những sự kiện xảy ra một năm hay hơn sau khi có bài báo ngày 28-7-2012, và người ta đã diễn dịch ác ý về những gì xảy ra trong những video đó.  Khi nguyên đơn nói như thể thân chủ của tôi trong video đang kêu gọi tẩy chay tờ Người Việt vì những hành động được xem là thân Cộng, như đăng một lá cờ Miền Nam nằm trong chậu rửa chân, và phổ biến lá thư thân Cộng của Sơn Hào, thực sự thì thân chủ của tôi lúc đó đang đặt câu hỏi về sự có mặt của tờ Người Việt tại cuộc họp đó bởi vì người tổ chức cuộc hội cũng như nhiều khách tham dự là những người đã ký vào một kháng thư lên án tờ Người Việt mà [Cộng Đồng ty nạn Việt Nam Tại Mỹ] đã nhờ tờ Saigon Nhỏ – Little Saigon News đăng tải bức thơ đó. Ngay khi thân chủ của chúng tôi tự động đi khỏi phòng họp, Tờ Người Việt vẫn bị Cộng Đồng yêu cầu rời khỏi cuộc hội. 

 

Đáng ghi nhận rằng bên bị trong tranh cãi bào chữa đã không được cơ hội đưa ra nguyên bản video không bị cắt bỏ, không bị hiệu đính. Những lời lẽ và video được trưng dẫn ngoài bối cảnh của chúng không còn phản ảnh ý nghĩa thực sự.

 

Bà [Hoàng Dược Thảo] chẳng phải là người duy nhất có nhận định này, [về tương quan của Người Việt và Cộng Đồng ty nạn Việt Nam Tại Mỹ] . Ít nhất là kể từ năm 2008, Cộng Đồng ty nạn Việt Nam đã thường xuyên biểu tình chống tờ báo này, và nhiều tổ chức trong cộng đồng đã kêu gọi tẩy chay tờ báo. Nhưng nguyên đơn [Nguoi Viet News] sử dụng băng video để lý luận rằng bà Thảo tìm cách buộc tờ Người Việt hết làm ăn, và những video đó cho thấy điều mà bà thực sự có ý muốn nói trong bài của bà là tờ Người Việt “là do Cộng Sản làm chủ”.  Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi bồi thẩm không thể tách rời bài báo, là lý do chính của vụ kiện [Người Việt chống Sài Gòn Nhỏ], ra khỏi những chứng cớ được chấp nhận cho dù những chứng cớ này chẳng có dính dáng, liên quan gì tới vụ án.

 

Trong phiên xử, nguyên đơn đã nhìn nhận và phỏng định rằng họ đã không chịu “thiệt hại gì đặc biệt”, hay ít nhất họ cũng chẳng đòi bồi thường.  Thiệt hại đặc biệt bao gồm những thứ như thua lỗ; thiệt hại cho một công ty bình thường phát sinh từ những phát biểu có tính phỉ báng. Theo phỏng định này, nguyên đơn đã không đưa ra chứng cớ có thiệt hại gì đặc biệt, họ cũng chẳng chứng minh bất cứ điểm nào cho thấy có thiệt hại tiền bạc thực sự.

 

Tuy thế, trong phần tranh luận kết thúc của bên bị, luật sư cho bên nguyên lại nói đến thua lỗ và đòi bồi thường trên căn bản đó. Khi luật sư của bị can phản đối, tòa án lại không nghe và cho phép bên nguyên tiếp tục giải trình về thiệt hại đặc biệt. Ngược lại, trong lý giải kết luận của luật sư bên bị, khi ông cố gắng giải thích cho bồi thẩm hiểu họ không thể cho nguyên đơn được bồi thường vì thua lỗ, bởi vì nguyên đơn đã xác định họ không đòi bồi thường đặc biệt, tòa án lại cho phép bác bỏ luận điểm của bên bị. Bồi thẩm do đó chỉ có thể hiểu là họ có thể cho bên nguyên được bồi thường thiệt hại thua lỗ cho dù người ta không đưa ra bằng chứng thua lỗ và nguyên đơn đã đồng ý không đòi hỏi.

 

Làm cho vấn đề thêm rối ren phức tạp, chánh án đã viết lại những chỉ dẫn căn bản cho bồi thẩm về bồi thường. Có hai loại thiệt hại trong một hành động phỉ báng – thực sự và giả định. Thiệt hại thực sự, như mất lợi nhuận, phải được chứng minh. Nhưng nếu tất cả những yếu tố phỉ báng được chứng minh, bồi thẩm được phép cho “bồi thường giả định” vì thiệt hại uy tín cho dù không có chứng cớ có một khoản tiền mất mát nào. Nó giống như đau nhức và chịu đựng trong chấn thương cá nhân. Uy tín của một tổ chức hay cá nhân được xem là có một giá trị, nếu uy tín bị tổn thương, bồi thẩm có thể cho một cái giá cho sự tổn thương đó. Bồi thẩm được chỉ dẫn “phải cho một khoản bồi thường ít nhất có tính tượng trưng, một đồng đô-la chẳng hạn”.

 

Tuy nhiên, người ta chỉ xét thiệt hại giả định khi bên nguyên không có thể cho thấy có  thiệt hại thực sự. Chỉ dẫn cho bồi thẩm mà Hội đồng Pháp định California đưa ra đã nói rõ chỉ cho phép thiệt hại giả định trong trường hợp bồi thẩm không thấy có thiệt hại thực sự. Chúng ta chẳng thể hiểu được vì sao, theo yêu cầu của luật sư bên nguyên, chánh án lại viết lại lời chỉ dẫn cho bồi thẩm đã được chấp nhận và nội dung bản án, cho nên sau khi đã bàn đến thiệt hại thực sự, các bồi thẩm còn được chỉ đạo cũng phải cho khoản bồi thường giả định.

 

Cuối cùng, bồi thẩm được chỉ đạo họ có thể cho bên nguyên hưởng bồi thường thật sự cho thua lỗ dù người ta chưa hề cho thấy thua lỗ thế nào, và trên mức đó, bồi thẩm còn phải thưởng cho bên nguyên khoản thiệt hại giả định. Ông Morris nói thêm: “Bồi thường chỉ trở thành vấn đề sau khi tòa án tước bỏ của bị can một trong những luận điểm chính yếu được chấp nhận sơ khởi. Đó là bài học vỡ lòng về luật phỉ báng, không thể xét xử bị can về tội phỉ báng khi bị can nói lên ý kiến của mình.

 

Bà Thảo đã có ý kiến rằng người Phụ tá cho Tổng giám đốc không có khả năng “điều hành tờ báo” bởi vì bà ta không có kinh nghiệm trong nghề. Theo ý kiến của bà Thảo, người điều hành một tờ báo phải có kinh nghiệm và kỹ năng trong thông tin và biên tập. Tuy nhiên, ông chánh án đã không chịu chỉ đạo cho bồi thẩm phải phân biệt giữa ý kiến và sự kiện. Ông nói ông không thể hiểu được tại sao khả năng của một người làm một công việc nào đó lại là một vấn đề về ý kiến”.

 

“Điều này còn huyễn hoặc, hoang ảo gấp đôi, bởi vì phụ tá cho Tổng giám đốc (báo NV) đã khai rằng bà không điều hành tờ báo. Cho nên, toà cho rằng bà Thảo phải chịu trách nhiệm khi bà đưa ra ý kiến là bên nguyên không có năng lực làm một việc mà bà (nguyên cáo) không làm việc đó”.

 

“Theo tôi nghĩ, tờ Người Việt nhằm loại trừ một đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh,” ông Morris nhận định. “Họ đòi bồi thường 20 triệu, và trong phiên tòa yêu cầu bồi thẩm cho hưởng một khoản tổng cộng 13 triệu. Một số tiền bồi thường trong khoảng đó hẳn phải làm cho tờ báo tiếng Việt nhỏ bé này ngưng hoạt động. Nhưng tờ báo này [Saigon Nhỏ] sẽ vẫn hoạt động, kinh doanh bình thường, và bản án chắc chắn sẽ phải bị hủy bỏ khi kháng cáo”.