Nguyễn Thuyên kiện TVTS – kỳ 18: Luật sư McHugh bàn luận về các lời chứng của các nhân chứng của nguyên đơn

11 Tháng Một, 2010 | Kiện tụng

 

 

Lại nói thêm: Bài diễn văn sau cùng của Luật sư McHugh dài gấp ba, gấp bốn lần bài diễn văn của Luật sư Evatt. Thật vậy, trong khi bài diễn văn của luật sư nguyên đơn chỉ mất khoảng một tiếng vào chiều Thứ Sáu, bài diễn văn của luật sư bị đơn chiếm gần trọn ngày Thứ Hai tuần sau. Chúng tôi đã tóm bài diễn văn của Luật sư Evatt trong 2 kỳ, và như vậy bài diễn văn của Luật sư McHugh sẽ kéo dài hơn.

 

Nguyễn Thuyên (thứ hai hình trái) trong buổi ra mắt sách “Việt Nam Điêu Tàn Bất Hạnh” và mừng 70 tuổi. Hình của báo TV Victoria.

 

Mục đích của lọat bài này nhằm tường thuật một cách trung thực những gì đã xảy ra qua một vụ kiện kéo dài nhiều năm trời, liên quan đến nhiều người, nhiều chuyện, với số ngày tòa ngồi lên tới 19 ngày.

 

Ngoài ra, như chúng tôi đã nói ngay từ đầu, đây cũng là một bài học cho chúng tôi và những ai khác sau này khi phải bước vào cái chuyện mà ông bà mình thường gọi “vô phúc đáo tụng đình”.

 

Những lời khai, các bằng chứng, sự chất vấn và đối chất  của các luật sư và các bài diễn văn kết thúc để thuyết phục bồi thẩm đoàn, thiết tưởng, cũng là một điều lý thú đối với những ai thích tìm hiểu luật lệ, xem hệ thống tư pháp ở đất nước này hoạt động ra sao.

 

Bài tường thuật dựa vào biên bản của tòa để bảo đảm sự trung thực. Hy vọng kinh nghiệm của chúng tôi sẽ là một đóng góp nho nhỏ.

 

* * *

Bồi thẩm đoàn trở lại. Luật sư McHugh của các bị đơn (tức TVTS) cho biết phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày mai (Thứ Ba, tức ngày thứ sáu của phiên tòa) và quan tòa cũng nói thêm là chẳng có gì bảo đảm sẽ chấm dứt vào ngày mai.

 

Luật sư McHugh nói ông vừa lướt qua vài điểm về sự tin tưởng (credit) của một vài nhân chứng.

 

Nhân chứng tiếp theo được gọi ra là ông Võ Long Ẩn.

 

Luật sư nhắc lại một số lời chứng của ông Ẩn và trích dẫn lời của ông ta.

 

Ông Võ Long Ẩn là người nói ông chỉ chịu trách nhiệm 1 phần trăm bản khai tập thể (joint statement), bản khai mà ông chỉ đọc lướt qua. Và có điều kỳ lạ có lúc ông ta nói ông ta vừa ký vào bản khai tập thể một ngày trước đó mặc dầu ông ta đồng ý ngày ghi trong bản khai là tháng 10 nhưng đấy là ghi sai, vì đáng lý phải ghi là ngày 30 tháng 11.

 

Rồi khi hỏi tại sao phải ký ngày hôm qua trong khi trước đó đã có ký một bản khai rồi, ông Võ Long Ẩn nói bởi “luật sư của tôi” yêu cầu ký. Sau đó khi được hỏi lại có phải là luật sư của ông không,  ông Ẩn mới nói luật sư của nguyên đơn.

 

Luật sư McHugh trình với bồi thẩm đoàn là hầu hết các nhân chứng khi được hỏi đều trả lời là luật sư của họ, về sau mới nói là luật sư của nguyên đơn. Các cách nói của các nguyên đơn cho thấy họ khá gần gũi với ông Lê Đình Hồ, người luật sư, là người chính trong việc soạn thảo các lời chứng.

 

Luật sư McHugh nói về trường hợp giữa chừng trong lúc làm chứng ông Võ Long Ẩn nói ông muốn có thông dịch viên, nhưng không phải vì ông gặp khó khăn với Anh ngữ mà vì khó khăn khi trả lời các câu hỏi như trường hợp về buổi hội thảo chính trị ở Melbourne mà lúc đầu ông nói chỉ có hai người thuyết trình nhưng sau đó đồng ý có 3 người.

 

Nhân chứng tiếp theo là bà Lương Minh Hương. 

 

Luật sư McHugh cho rằng bồi thẩm đoàn còn nhớ bà Hương là người buổi chiều khi làm chứng có trí nhớ rất tốt, nhưng qua sáng hôm sau có trí nhớ rất tồi. Bà không cả nhớ rằng ngày hôm trước bà đã nói bà có trí nhớ rất tốt.

 

Bà Hương rất miễn cưỡng khi đồng ý với luật sư McHugh rằng đã không có từ giáo sư nào nói về nguyên đơn (tức Nguyễn Thuyên) trong bài viết bà gởi đăng trên báo TiVi Victoria. Rồi bà ta đi vòng vòng, bắt đầu với việc nói bà ta không chịu trách nhiệm về tờ khai (statement) vì người đánh máy là con  gái bà.

 

Luật sư đề nghị với bồi thẩm đoàn trong trường hợp này họ không thể kết luận bằng chứng từ người con gái làm hại nguyên đơn, nhưng bồi thẩm có thể kết luận bằng chứng của đứa con gái không giúp ích gì cho nguyên đơn trong trường hợp này.

 

Rồi luật sư nhắc lại trường hợp bài viết (article) bà Hương gởi cho báo chí Việt ngữ mà hôm trước bà nói là tờ cung khai (witness statement) nhưng qua hôm sau khi bà mang tới thì bà nhìn nhận đó không phải là tờ cung khai. Ngày hôm trước, bà nói trong bản cung khai bằng tiếng Việt ghi buổi hội thảo chính trị diễn ra vào ngày 21 tháng 4, nhưng qua ngày sau cái bản tiếng Việt mà bà mang tới không có ngày 21 tháng 4.

 

Ngày hôm trước bà nói lá thư tiếng Việt được bà gởi cho báo chí vào năm 2004 nhưng qua ngày hôm sau khi nhìn vào, bà đồng ý ngày tháng ghi là năm 2002.

 

Luật sư McHugh trích dẫn đoạn đối chất về buổi gây quỹ tại Sydney trong đó bà Hương nói diễn ra vào mùa đông vì bà nhớ trời lạnh cóng. Luật sư hỏi có phải vào mùa hè không nhưng bà Hương nhất quyết là mùa đông vì bà nhớ cùng đi với người anh/em rể (brother-in-law).

 

Nhưng khi luật sư bảo bà hãy nhìn vào tờ cung khai của bà xem có phải buổi gây quỹ diễn ra vào tháng 2 không, bà Hương trả lời bà không còn nhớ mùa đông hay trời lạnh gì nữa, chỉ nhớ đi với “my brother-in-law”, đi tới đó với “ex-brother-in-law”.

 

Luật sư trình với bồi thẩm đoàn rằng bà Hương chỉ thay đổi thời gian mùa đông khi ông chỉ cho bà thấy nó không giống với tờ cung khai, và vì thế bồi thẩm đoàn có thể thấy rằng bằng chứng này hoàn toàn không thể chấp nhận về mặt ngày tháng.

 

Bà Hương cũng đã nói rằng liên quan đến nội dung bản cung khai của bà, bà có nhờ luật sư, và trong một vài lần xác nhận luật sư giúp bà soạn thảo tài liệu, và đó là ông Lê Đình Hồ.

 

Người ra làm chứng kế tiếp là ông Trần Hiền.

 

Luật sư McHugh cho rằng, phải công bằng mà nói ông Hiền là người nói thẳng nhất, là người đáng tin nhất trong số các nhân chứng về cái lối trả lời các câu hỏi, trả lời một cách trực tiếp. Chẳng hạn khi luật sư hỏi ông có phải là bạn của nguyên đơn không, ông Trần Hiền trả lời “dĩ nhiên”.

 

Trả lời như vậy hoàn toàn thích hợp, tuy nhiên Luật sư McHugh cho rằng ông  Hiền tỏ ra mơ hồ trong một số điểm khác liên quan đến chi tiết.

 

Khi được luật sư hỏi về ngày 21 tháng 4, ban đầu ông Hiền nói chính ông ta nhớ cái ngày đó, nhưng sau đó ông ta nói ông ta nhận được một bản thông cáo từ người bạn ở Melbourne, và cuối cùng ông nói đã không nhận tờ thông cáo mà được nghe nói  về chuyện này qua điện thoại, bởi vì ông Hiền cho rằng thế nào luật sư (các bị đơn) cũng sẽ hỏi ông, nên ông phải hỏi cho chắc ăn.

 

Ra vẻ ông Hiền đã ký bản cung khai trước khi đi kiểm tra lại các chuyện này. Hỏi để bảo đảm sự chính xác là điều tốt nhưng luật sư cho rằng bồi thẩm đoàn cũng có thể bi quan về sự kiện ông Hiền đã ký bản cung khai trước khi bất cứ chuyện gì xảy ra.

 

Luật sư nói có một điều quan trọng liên quan đến ngày tháng của buổi gây quỹ mà ông đề nghị với bồi thẩm đoàn là đáng tin, cũng như quan hệ với Lý Tống của ông Hiền.

 

Khi hỏi có ủng hộ Lý Tống không, ông Hiền trả lời “đương nhiên” vì ông cùng một chiến tuyến. Hỏi có nhớ buổi gây quỹ trong đó nguyên đơn bán sách diễn ra ngày nào không, ông Hiền nói đó là vào dịp Ngày Quân Lực 19 tháng 6, được tổ chức hàng năm hay gần ngày đó.

 

Luật sư nói đây là điều giúp ông và là lý do tại sao ông nắm lấy để nhấn mạnh với bồi thẩm đoàn. Nhưng bồi thẩm cũng có thể nghĩ rằng ông Hiền có khả năng nhớ hơn các nhân chứng khác bởi ông có lý do để nhớ như đó là  Ngày Quân Lực.

 

Và nhân chứng cuối cùng là Đào Dũng. 

 

Ông ta khi làm chứng nói ông biết rằng tờ cung khai tập thể phải có hiệu quả, phải chính xác nhưng ông ta nói luật sư (của nguyên đơn) đã soạn cho ông, ghi sẵn ngày tháng trước khi nói chuyện với ông chi tiết ngày tháng. Khi luật sư McHugh hỏi ngày tháng, ông Đào Dũng trả lời làm sao ông nhớ được.

 

Bồi thẩm đoàn có thể nghĩ nói vậy là thẳng thắn, hết sức thành thật nhưng cũng gợi ý cho bồi thẩm đoàn rằng ông Dũng có được ngày tháng là do ở đâu đó.

 

Ông Dũng nói trong bản cung khai thứ hai ông đã không biết có sự thay đổi từ năm 2004 thành năm 2001/2002. Luật sư nói thời gian rất quan trọng bởi vì các bài viết xảy ra năm 2002 trong đó mô tả nhân vật Cử Bịp bị gậy lên phía bắc, và nếu đã xảy ra như thế thì thời gian ông ta rời Victoria rất quan trọng. Mà bởi vì ông ta không đi lên đó cho đến năm 2004, có nghĩa sau các bài viết nên Luật sư McHugh đã đặt thành vấn đề rằng việc thay đổi ngày tháng là vấn đề lớn.

 

Luật sư McHugh nói Luật sư Evatt của nguyên đơn đã không lý luận bất cứ chuyện gì liên quan đến ngày tháng như  là căn bản nhận diện trong vụ này, nhưng ông McHugh thì căn cứ vào đấy như là một trong những lý do tại sao không thể hoàn toàn hợp lý để kết luận Cử Bịp là nguyên đơn.

 

Điểm chính mà Luật sư McHugh đưa ra là chính nguyên đơn nói ông ta chưa bao giờ rời bỏ Victoria, luôn luôn cư ngụ ở Victoria. Có một lúc ông ta nói ông ta có thêm một nơi cư ngụ khác ở Sydney nhưng ông ta nói chưa bao giờ rời hẳn Victoria cả.

 

Bây giờ luật sư trở lại với ông Đào Dũng và sự tin tưởng (credit) của ông ta để cho bồi thẩm đoàn thấy tại sao họ có thể có vài sự ngần ngại khi chấp nhận bằng chứng của ông Dũng.

 

Trong khi bị đối chất, ông Dũng nói ông biết chắc 100 phần trăm nguyên đơn là tác giả cuốn sách.  Luật sư nói ông không tranh cãi việc nguyên đơn có là tác giả cuốn sách không.  Vấn đề đặt ra là những nhân chứng này đã tin một cách chủ quan cái gì khi các bài báo được xuất bản.

 

Ông Đào Dũng đã ngần ngại để đồng ý rằng khi ông đọc bài báo thứ nhất ông ta đã chờ mong có cái gì đó về nguyên đơn, Bồi thẩm nhớ là ông Dũng nói những người khác điện thoại cho ông và nói “hãy trông chừng nguyên đơn, ông ta là đề tài của bài báo này”.

 

Luật sư nói đấy là chuyện tự nhiên nếu trong trường hợp này người ta cầm tờ báo lên và trông chờ những sự việc mà người ta sẽ nhận diện. Luật sư McHugh đề nghị sự nhận diện ít hợp lý để đổ trách nhiệm lên bị đơn, tức nhà xuất bản, khi nguồn của ý kiến, tức nguyên đơn, đến từ người khác.

 

Ông Dũng cũng rất ngần ngại trả lời câu hỏi đó. Khi luật sư nói ông có vẻ ngần ngại, ông Dũng trả lời: “Không, tôi đọc với tinh thần độc lập. Và khi tôi đọc một mình, tôi suy nghĩ và tôi nhận diện nguyên đơn”. Ông ta ngần ngại để nhìn nhận rằng ông ta đã định sẵn để đọc theo cái lối như vậy.

 

Khi được luật sư hỏi ông có ý kiến ai sẽ thắng trong vụ này, ông Dũng nói ông ta tin vào công lý mà không chịu đưa ra ý kiến và cuối cùng khi hỏi ông nghĩ sao nếu các bị đơn thắng, ông Dũng nói ông phải chấp nhận vậy. Luật sư hỏi ông có vui không, ông Dũng lại cũng nói ông phải chấp nhận. Điều đó có thể được xem là ông ta đã có một ý kiến là ông ta muốn nguyên đơn thắng.

 

Nhưng luật sư nói đấy là chuyện của bồi thẩm đoàn có nhớ bằng chứng của ông Dũng không và đánh giá bằng chứng của ông ta theo cách như thế.

 

Tiếp đến, Luật sư McHugh muốn trình bày với bồi thẩm đoàn về sự tin tưởng (credit) đối với tất cả các nhân chứng. Đây là vấn đề quan trọng liên quan đến câu hỏi thứ nhất dành cho bồi thẩm đoàn mà ông muốn nói tới. Ông muốn phân biệt giữa vấn đề chủ quankhách quan.

 

Chủ quan là các nhân chứng thực sự đã tin vào cái gì, họ nghĩ gì trong đầu họ. Khía cạnh khách quan của vấn đề không phải là họ tin cái gì mà là có hợp lý hay không hợp lý để tin điều đó theo các tiêu chuẩn của những con người có đầu óc phải chăng (reasonable people) trong cộng đồng, những người hiểu biết được cái thông tin cá biệt.

 

Luật sư lại giải thích rằng độc giả bình thường có đầu óc phải chăng (ordinary reasonable reader) là một người, theo lối nói xưa, là một người không sống trong cái tháp ngà và cũng thèm thuồng nghe xì căng đan, không thấy cái tốt nhất hay cái xấu nhất trong con người, họ không dại khờ, không gây ra chuyện om sòm hay làm đề tài cho người ta bàn tán, họ là người ở giữa, là cái ý niệm mà luật sư muốn đề cập đến  đối với yếu tố khách quan của câu hỏi 1.

 

Không có nghi ngờ gì là những nhân chứng đã nói họ nhận diện được nguyên đơn, nhưng Luật sư McHugh cho rằng sau khi nghe những điều mà ông đưa ra với  các nhân chứng, đặc biệt là sự tham gia của viên luật sư trong việc soạn thảo các tờ khai (statements) thì cánh cửa vẫn còn bỏ ngõ để bồi thẩm đoàn kết luận bằng chứng chưa được thỏa mãn ít nhất là xét về mặt bồi thẩm đoàn chưa được thuyết phục, xét về sự cân bằng giữa những điều có thể xảy ra (balance of probabities= cân bằng xác xuất). Tuy nhiên, đó là vấn đề của bồi thẩm đoàn.

 

Bây giờ luật sư muốn nói đến những sự kiện ngoại vi (extrinsic facts) mà nguyên đơn dựa vào. Câu hỏi đặt ra rằng đây có phải thật sự là những sự kiện đối chọi với những niềm tin (beliefs).

 

Thứ nhất: nguyên đơn tự xưng là professor và được gọi là professor trong cộng đồng Việt Nam.

 

Thứ hai: buổi hội thảo chính trị được tổ chức vào tháng 3 và diễn ra vào tháng 4 năm 2002 tại Melbourne. Sự kiện ngoại vi thứ ba: trong bài báo thứ nhất, người duy nhất được mời tới thuyết trình được gọi là giáo sư, là nguyên đơn.

 

Về điểm thứ nhất: hầu như rõ ràng đối với mọi người là nguyên đơn được gọi là giáo sư  thay vì professor trong tiếng Anh.  Luật sư nói nguyên đơn được gọi bằng tiếng Việt, là giáo sư, điều này không có nghĩa luật sư cho rằng sự kiện ngoại vi này sai.

 

Luật sư muốn nói rằng nguyên đơn phải được nhận diện đúng cách người ta gọi ông ta. Bởi vì như luật sư đã nói trước đây (giáo sư trong tiếng Việt) đó là một nhóm người rộng lớn hơn là các giáo sư đại học ở Úc.

 

Bồi thẩm đoàn sẽ nhớ rằng  chỉ cần là người đi dạy, có bằng đại học là đã được gọi “giáo sư”. Bà Lương Minh Hương khi làm chứng nói theo phong tục ở Việt Nam chỉ cần là giáo viên trung học thì được gọi là giáo sư. Ông Nguyễn Thế Phong khi được hỏi cũng ra vẻ cho rằng chỉ cần đi dạy cũng được gọi giáo sư.

 

Câu hỏi đặt ra có phải mọi người trong cộng đồng đều gọi nguyên đơn là giáo sư không. Luật sư McHugh nói ít ra cũng có một vài người gọi ông ta là giáo sư nhưng luật sư cho rằng người ta có thể nghi ngờ chuyện ông ta “luôn luôn được gọi là giáo sư”.

 

Và luật sư lấy trường hợp nhân chứng Lương Minh Hương nói bà luôn luôn gọi nguyên đơn là giáo sư, nhưng qua ngày thứ hai khi ra làm chứng và mang theo lá thư bà gởi cho báo chí, có hai người trong bài viết bà gọi là giáo sư gồm Giáo sư Vũ Ký và Giáo sư XKZ. Bà Hương đồng ý trong bài viết bà nhắc đến tên nguyên đơn rất nhiều lần và chỉ gọi nguyên đơn là ông Nguyễn Thuyên. Đó là chỉ mới nói tới bài viết đăng trên báo.

 

Vì thế luật sư nói bồi thẩm đoàn có thể kết luận căn cứ vào bằng chứng, ngay cả bà Hương cũng không hẳn luôn gọi nguyên đơn là giáo sư. Không phải không có ai gọi ông ta như thế, nhưng đấy không phải là thói quen phổ quát như bồi thẩm đoàn có thể có cảm tưởng qua một vài người làm chứng.

 

Về điểm thứ hai: buổi hội thảo chính trị. Bằng chứng H (tức Thông cáo đăng trên báo Nhân Quyền) và bản dịch sang tiếng Anh có chữ ký của ông Xuong Dich Au. 

 

Luật sư McHugh nói bằng chứng đó đang nằm trước mặt bồi thẩm đoàn với ngày tháng là 21.4.2002. Luật sư đề nghị rằng tùy bồi thẩm đoàn kết luận  ngày 21.4.2002, đặc biệt khi cân nhắc tài liệu này.

 

Luật sư McHugh nói có một điều mà ông muốn nói về tài liệu này, là nó chỉ được trình ra vào ngày thứ ba của phiên tòa. Bồi thẩm đoàn còn nhớ Luật sư Evatt khi đó có nói với Quan tòa rằng ông ta chỉ mới nhận được tài liệu ngay lúc này, là điều mà theo ông McHugh nghĩ là như thế. Và

Luật sư McHugh nói ông không muốn chỉ trích bất cứ ai cả.

 

Luật sư McHugh nói:  “Bồi thẩm đoàn có thể hiểu rằng, đối lại với bối cảnh của tài liệu chỉ được đem ra trình vào giờ chót trong phiên tòa (showing up late in the trial), thì đấy là một trong những lý do tại sao tôi đã đưa ra câu hỏi về ngày tháng và các bản cung khai với  tất cả các nhân chứng về sự tin tưởng (credit) đối với họ.  Đó là điểm thứ hai về buổi hội thảo được tổ chức trong tháng 3 và diễn ra vào tháng 4”.

 

Về điểm thứ ba: Người duy nhất được mời tới thuyết trình trong buổi hội thảo được gọi là giáo sư  là nguyên đơn (còn tiếp).