Nguyễn Thuyên kiện TVTS về mạ lỵ – kỳ 14: Diễn văn kết thúc của ông Evatt, luật sư bên nguyên

18 Tháng Mười Một, 2009 | Kiện tụng

 

Nhận diện: các nhân chứng nói Nguyễn Thuyên (hình đầu thập niên 90) là người tự xưng giáo sư, được gọi là giáo sư, là người viết cuốn Bộ Mặt Thật của HCM bán tặng cho chính nghĩa Lý Tống. TVTS cáo buộc (bằng ám chỉ)Nguyễn Thuyên là tay đạo văn và không có bằng cử nhân…   > Bấm để  xem kết quả phiên tòa

 

Sau phần chất vấn (examine) và đối chất (cross-examine) nhân chứng cuối cùng của nguyên đơn là Đào Dũng, luật sư Evatt của nguyên đơn, luật sư McHugh của các bị đơn và quan tòa bàn thảo một số vấn đề liên quan đến các bằng chứng, một vài danh từ của thông dịch viên Xuong Dich Au bị bên các bị đơn tranh luận và một số vấn đề chuyên môn trong thủ tục tố tụng mà không có sự hiện diện của bồi thẩm đoàn.

 

Rồi bồi thẩm đoàn được mời trở lại phòng xử. Quan tòa hỏi luật sư  McHugh xem ông có muốn nói gì không, nhưng ông McHugh nói rằng qua tiến trình đưa ra các bằng chứng như thế (của bên nguyên đơn), ông không gọi bất cứ nhân chứng nào của các bên bị ra và cũng không trình với tòa bất cứ tài liệu nào.

 

Và theo thủ tục tố tụng ở đây, nếu bên bị không đưa ra nhân chứng, luật sư bên bị sẽ là người được đọc diễn văn sau cùng. Diễn văn kết thúc của các luật sư rất quan trọng, vì họ sẽ trình các dữ kiện đã diễn ra trước tòa trong mấy ngày qua với mục đích thuyết phục bồi thẩm đoàn phán quyết có lợi cho thân chủ của mình.

 

Bài tường thuật sau đây có tham khảo biên bản của tòa(court transcript)  để bảo đảm sự trung thực.

 

Diễn văn kết thúc của Luật sư Evatt

 

Luật sư Evatt thưa với bồi thẩm đoàn gồm bốn người rằng nhiệm vụ của họ sẽ là trả lời Yes hay No những câu hỏi trình cho bồi thẩm đoàn (Questions For The Jury). Tòa được nghe Luật sư Evatt giải thích cho bồi thẩm đoàn một số thủ tục tố tụng cũng như trình bày một số sự kiện như sau:

 

Bồi thẩm đoàn có thể lấy làm ngạc nhiên vì phía bị đơn đã không đưa ra nhân chứng, vì tên của nguyên đơn  tức “Giáo sư Thuyên” đã không được viết ra trong hai bài viết. Những vụ kiện như vậy không phải là chuyện bất thường ở các tòa án này.

 

Bởi vì nguyên đơn không bị nêu đích danh, nên theo thủ tụng tố tụng phải gọi ít nhất là một nhân chứng ra, đọc bài báo và nhận diện họ với những lý do có lý (reasonable grounds).

 

Một buổi hội thảo cho một nhóm khoảng 200 người với một thuyết trình viên bị chê chê bai này nọ, nhưng không nói rõ ông ta, chỉ khi ông ta làm đơn kiện, rồi kêu đến nửa tá nhân chứng ra, nói họ có đọc bài báo và nhận diện ông ta.

 

Bài báo này tấn công ông giáo sư được mời đến diễn thuyết và trong trường hợp này, nguyên đơn là vị giáo sư duy nhất được mời đến diễn thuyết.

 

Theo Luật sư Evatt,  luật sư bên bị đã đặt rất nhiều câu hỏi về ngày tháng –tức ngày 21 tháng 4— hỏi có thể đến cả 50 lần, làm như đấy không phải là cái ngày diễn ra cuộc hội thảo, rằng nguyên đơn đã không được mời thuyết trình, rằng các thuyết trình viên khác được gọi là những giáo sư  v.v…

 

Luật sư Evatt nói với bồi thẩm đoàn nếu thời gian buổi hội thảo không phải là ngày 21.4  hay nguyên đơn không phải là giáo sư,  tại sao họ không kêu các nhân chứng của bên bị lên bục chứng để bác bỏ, đưa ra các bằng chứng, bởi trong suốt cả phiên xử họ (Nguyễn Hồng Anh và Lão Ngoan Đồng) ngồi ở dưới kia.

 

Về bài báo thứ hai, theo Luật sư Evatt, đơn giản hơn. Chỉ có một người viết một cuốn sách và tặng cho chính nghĩa Lý Tống, đó là nguyên đơn.

 

Thế mà bạn của ông (my friend: trước tòa các luật sư hai bên khi gọi luật sư phía kia thường gọi là my friend) lại bỏ rất nhiều thời gian để chất vấn từng nhân chứng (của nguyên đơn), mà chẳng cần đưa ra nhân chứng nào của họ nói nguyên đơn đã không tặng sách, không bán sách với giá $40  hay có nhiều người viết sách và người nào cũng tặng sách cho Lý Tống.

 

Về vấn đề Lý Tống, Luật sư  Evatt nói Luật sư McHugh đã hỏi ba bốn nhân chứng của nguyên đơn thời gian Lý Tống ở tù và ra tù nhưng nếu muốn tranh cãi thì tại sao không kêu nhân chứng của họ ra, và còn ra vẻ muốn tranh luận Lý Tống có phải là người yêu nước hay không nữa chứ.

 

Để bồi thẩm đoàn hiểu được sự việc, những gì được viết trong hai bài báo, Luật sư Evatt đã nhờ ông (Xuong Dich) Âu dịch ra tiếng Anh.

 

Ông Âu là một người có bằng cấp về dịch thuật, khi được Luật sư Evatt hỏi trước tòa, đã xác nhận các bản dịch đúng và chính xác, thế nhưng Luật sư McHugh đã bỏ ra nhiều giờ để chất vấn ông Âu, làm như muốn đề nghị rằng từ “fraudster” cũng có nghĩa là “cheater”, rồi đề nghị nghĩa này nghĩa nọ.

 

Luật sư Evatt thưa với bồi thẩm đoàn rằng có bằng chứng cho thấy phía bị đơn có thông dịch viên của họ, rằng ông Âu đã có sự thảo luận về bản dịch với thông dịch viên bên bị. Nếu không đồng ý, tại sao bên bị không gọi chuyên viên thông dịch của họ ra làm chứng để tạo sự dễ dàng cho bồi thẩm đoàn chấp nhận khi được trình trước tòa.

 

Đến đây, Luật sư Evatt trình cho bồi thẩm đoàn các câu hỏi dành cho họ và yêu cầu họ khi vào phòng nghị luận, hãy khoanh tròn các chữ  Yes và tin rằng, sau này luật sư bên bị cũng sẽ đề nghị bồi thẩm đoàn khoanh tròn các chữ No.

 

Rồi Luật sư Evatt đọc câu hỏi thứ nhất:

 

Nguyên đơn đã có xác định được rằng bài báo trong TiVi Tuần-san ngày 17.4.2002 đã được xuất bản ít nhất cho một người xem và người đó nhận diện (identified) ông ta với lý do hợp lý không (on reasonable grounds)? 

 

Luật sư Evatt cho rằng đây là một câu hỏi đơn giản mà bồi thẩm đoàn phải trả lời Yes hay No  nhưng ông hy vọng là Yes!

 

Rồi ông giải thích cho bồi thẩm đoàn sự khác biệt giữa luật hình sự và dân sự. Theo ông Evatt, trong phiên tòa hình sự, vụ án có thể chống lại bị cáo nếu vụ án phải được xác định không còn chút nghi ngờ gì nữa (beyond reasonable doubt). Nếu còn sự nghi ngờ hợp lý nào nữa thì bị cáo được hưởng sự nghi ngờ đó và được quyền hưởng phán quyết có lợi cho mình (tức vô tội).

Ở đây là trường hợp tòa án dân sự và vì thế trách nhiệm là sự cân bằng giữa những sự có thể (probabilities). Nếu các vấn đề được xác định, nghiêng về cán cân bên nào, bên đó được hưởng lợi (tức thắng kiện).

 

Về câu hỏi ít nhất là một người đã nhận diện ra, theo nguyên tắc, nguyên đơn không thể tự nhận diện mình nên phải mời nhân chứng tới để nhận diện ông ta. Nguyên đơn không được phép nói ông ta bị tổn thương, tức giận hay đau đớn bởi bài báo, vì chuyện này sẽ được dành cho một ngày khác (tức một phiên xử trước một quan tòa).

 

Luật sư Evatt nói ông đã gọi  ông Nguyễn Thế Phong, ông Võ Long Ẩn, bà Lương Minh Hương, ông Trần Hiền và ông Đào Dũng;  tất cả đã nói họ đã đọc các bài báo và đã nhận diện nguyên đơn. Nhưng cần phải có lý do xem ra hợp lý.

 

Luật sư Evatt nói thông lệ không cho bồi thẩm đoàn có tập biên bản của tòa (court transcript), ông không hiểu tại sao như vậy, nhưng ông sẽ đọc hết đoạn văn này đến đoạn văn khác cho bồi thẩm đoàn nghe.

 

Rồi luật sư dùng biên bản của tòa dẫn chứng  việc nhân chứng thứ nhất là Nguyễn Thế Phong đã nói trong cộng đồng Việt Nam nguyên đơn được gọi là giáo sư, Giáo sư Thuyên mà trong tiếng Anh có nghĩa là Professor Thuyên, nhưng ông bạn của ông (tức Luật sư McHugh) tìm mọi cách để nói không phải vậy.

 

Rồi ông Evatt mời bồi thẩm đoàn hãy nhìn vào các tờ giấy hôn thú, các giấy khai sinh của con cái, sẽ thấy nghề nghiệp hay chức tước của nguyên đơn là “giáo sư”, tức professor. Trong hai cuốn sách màu trắng và màu đỏ (Bộ Mặt Thật của HCM) có hình của nguyên đơn cũng ghi “giáo sư”.

 

Luật sư Evatt nói ông Phong đã đọc cả hai bài báo. Khi ông Phong đọc bài báo thứ nhất, ông nhận ra ngay Cử Bịp là “Giáo sư  Thuyên” bởi lý do Giáo sư Thuyên là người duy nhất được mời thuyết trình trong buổi hội thảo.

 

Rồi khi đọc bài báo thứ hai, cũng nhận diện được vì bài báo nói về Lý Tống và nguyên đơn là người duy nhất tặng sách và tiền bán được dành cho chính nghĩa Lý Tống.

 

Lúc này, Luật sư Evatt mời bồi thẩm đoàn nhìn vào bản dịch sang tiếng Anh (bằng chứng B) mà ông nghĩ họ sẽ chấp thuận dễ dàng bởi phía các bị đơn đã không cho gọi chuyên viên thông dịch của họ ra làm chứng. Đây là bài báo ra ngày 17.4.2002.

 

Luật sư Evatt dẫn chứng đoạn 4 bài báo (trích dẫn biên bản của tòa):

 

“Trong một buổi hội luận chính chị chính em gì đó (a so-called political forum) sắp tổ chức tại Melbourne, người ta sẽ mời một vị ‘giáo sư xuất chúng lỗi lạc’ thuyết trình về một đề tài ‘tố cộng’

 

Luật sư  Evatt lưu ý bồi thẩm đoàn điều này không có nghĩa là xuất chúng lỗi lạc gì cả, mà đấy là cách nói chua cay, mỉa mai (sarcastic).

 

Rồi tới đoạn 5:

 

“Vị độc giả nói trên cho biết ông sẽ… một tay đại bịp (worst kind of fraudster)”.

 

Đoạn 6:

 

“Theo ông… ‘Cử Bịp’ (Cheating Bachelor)”.

 

Đoạn 7:

 

“Khi có người tố giác.. còn những việc làm của ông ấy ngoài đời”.

 

Rồi luật sư Evatt cho rằng nếu nói đây không phải là một sự tấn công độc ác vào Cử Bịp –thật ra là nguyên đơn–  thì không còn gì để nói nữa.

 

Để xác định sự nhận diện, Luật sư mời bồi thẩm đoàn trở lại đoạn 4 vừa nói trên, thời gian của buổi hội thảo mà hầu hết mọi nhân chứng đều cho rằng là ngày 21 tháng 4  nhưng bạn của ông (Luật sư McHugh) nói với các nhân chứng là họ đã quên, làm sao mà nhớ được, rằng họ nói ông (Lê Đình) Hồ  làm dùm các bản khai (statement) nhưng ông ấy (McHugh) đã không đưa ra bất cứ bản khai nào (của các bị đơn), và bồi thẩm đoàn đã không bao giờ thấy.

 

Rồi Luật sư  Evatt nói Luật sư McHugh sẽ đối phó ra sao với chuyện này, tức là cái thông cáo cộng đồng trên tờ báo phát hành từ ngày 2.4 đến 8.4.2002 trong đó có đoạn “… xin vui lòng bỏ chút thì giờ đến dự buổi hội thảo đặc biệt… sẽ được tổ chức vào ngày 21.4.2002” tại Kensington Community Hall, một địa điểm mà vài nhân chứng nói đã được tổ chức.

 

Rồi sau đó có đoạn: “Sẽ có ba thuyết trình viên trình bày… Giáo sư Nguyễn Thuyên”.

 

Luật sư  Evatt hỏi có phải nguyên đơn đã được gọi là giáo sư trong cộng đồng Việt Nam không, và những thuyết trình viên kế tiếp theo thứ tự  gồm 2: Anh Nguyễn Hiệp; 3: Ông Vương

Thiên Vũ.

 

Và Luật sư Evatt nói đã có bao nhiêu lần bạn của ông đã hỏi “Quý vị có chắc rằng những diễn giả kia không được gọi là “giáo sư” không?”

 

Luật sư nói bồi thẩm đoàn có thể không ngạc nhiên khi nghĩ rằng nhiều người trong cộng đồng Việt Nam sẽ nhận diện được nguyên đơn và chắc chắn 5 nhân chứng mà ông gọi ra đã không gặp khó khăn khi nói  rằng không còn nghi ngờ gì nữa ông giáo sư đó là Giáo sư Thuyên, bởi vì ông là giáo sư duy nhất được mời tới thuyết trình trong buổi hội thảo.

 

Luật sư Evatt nói về bài báo thứ hai ngày 5.6.2002 với đoạn 3:

 

Để nói về những mưu toan lợi dụng tên tuổi Lý Tống để kiếm bạc –không phải ‘bạc cắc’ mà là ‘bạc giấy’”.

 

Và đoạn 21:

 

“Thua keo này bày keo khác, nhận thấy mình không còn có thể bịp (cheat) được ai ở tiểu bang nhà, Cử Bịp bị gậy đi lên phương bắc”.  Luật sư  nói cheat ở đây có nghĩa là deceive (lừa gạt), rằng không thể bịp hay lừa gạt ai ở tiểu bang nhà, ông ta lên phía bắc.

 

Đoạn 22 giòng 4:

 

“Cử Bịp bèn tìm cách thủ lợi… kính phục Cử Bịp hết mình”.

 

Đoạn 23:

 

“Thời may, có một người đã nhận ra mưu toan ‘mượn đầu heo nấu cháo’ của Cử Bịp, và vạch trần cho mọi người cùng thấy:  cuốn sách bình thường bán 5, 10 Úc kim không ai thèm mua, nay bán với giá 40 Úc kim và hứa cho Lý Tống một nửa, chắc chắn sẽ có không ít đồng hương nhẹ dạ bỏ tiền ra mua, không ngoài mục đích yểm trợ Lý Tống. Để rồi cứ mỗi cuốn sách bán ra, Cử Bịp sẽ ung dung bỏ túi 20 Úc kim mà lại còn được tiếng thơm, được Lý Tống nhớ ơn suốt đời”.

 

(còn tiếp)