Võ Long Ẩn kiện Nguyễn Thế Phong: Tòa đã được nghe những gì trên bục chứng? (1)

07 Tháng Năm, 2010 | Kiện tụng

 

Nguyễn Thế Phong (thứ ba từ trái, đang nghe điện thoại) và những người hỗ trợ ông ta bên ngoài tòa sau khi bồi thẩm đoàn đã đưa ra kết luận. Hình Văn Nguyễn 

 

LTS: Phiên tòa xử vụ Võ Long Ẩn kiện Nguyễn Thế Phong kéo dài 10 ngày. Vụ kiện lại có nhiều tình tiết vì thế tường thuật cho đầy đủ quả là một sự khó khăn, đôi khi sẽ nhàm chán vì đã có kết quả.

 

Tuy nhiên, TVTS cũng hy vọng sẽ mang lại những thông tin cần thiết cho những người nào đã không biết diễn tiến câu chuyện “vì đâu ra nông nỗi này”– cả vài năm trước và những gì đã được nói trên bục chứng.

 

Tường thuật vụ kiện Võ vs Nguyễn, ngoài thông tin, còn có thể là bài học cho những ai đang và sẽ dính líu tới những vụ kiện (mạ lỵ) như thế này. Qua những cuộc chất vấn (vặn hỏi) của trạng sư, có những chuyện thiên hạ trước đây chưa biết chưa nghe, nay có thể sẽ được trình bày trước tòa, tức trước công luận.

 

Trong các vụ kiện tụng, chưa hẳn người thắng sẽ được những gì mình muốn. Thông thường cả hai bên đều bị thiệt hại cả tinh thần lẫn vật chất.  Số tiền được thưởng để bù đắp thiệt hại chưa chắc đáng (giá) để trải qua những năm tháng và những ngày trên bục chứng, đó là chưa kể có khi người “thua” không đủ khả năng tài chánh để trả tiền bồi thường cho người “thắng”.

 

Nói theo kiểu bình dân, phải đưa nhau ra tòa thì  cuối cùng cả hai bên sẽ “từ bị thương đến chết”.  Một số vụ kiện cáo về mạ lỵ trong cộng đồng Việt Nam đã cho thấy như vậy.

 

Bài tường thuật sau đây của TVTS có tham khảo biên bản của tòa.

 

* * *

 

Phiên tòa ngày thứ hai với phần làm chứng tiếp theo của nguyên đơn—Võ Ngọc Anh, được biết qua cái tên quen thuộc trong cộng đồng là Võ Long Ẩn.

 

Luật sư Catlin trong phần chất vấn đã hỏi ông Ẩn ngoài những cảm xúc và kinh nghiệm ngay sau phiên họp ngày 15.3.09 của Hội Cộng Đồng NVTD (Vietnamese Community Association), cuộc sống của ông (1) về mặt xã hội có gì thay đổi không, tòa được nghe như sau:

 

Một số bạn thân trước đây,vì những phát biểu trong phiên họp và vì sợ ông Chủ tịch Nguyễn Thế Phong, đã xa lánh ông. Những người bạn thân đó cụ thể là các ông: Lý Ngọc Cương, quen năm 1998; Châu Xuân Hùng năm 1999 và Nguyễn Thế Thái năm 2000.

 

Về công ăn việc làm, khách hàng của ông Ẩn có khoảng 30% là người Việt thì chẳng còn ai gọi ông nữa.  Ông không còn tham gia các sinh hoạt với các hội thiện nguyện như Lions Club, Quyên tiền cho Bệnh viện Nhi đồng v.v…

 

Sau phiên họp ngày 15.3 với 61 người đại diện cho 28 hội đoàn, một thông cáo của Hội Cộng Đồng được đăng trên báo TiVi Tuần-san và Saigon Times. Sau khi đọc thông cáo này ông Ẩn có cảm tưởng như quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima, cả ông và gia đình ông.

 

Ông có được Hội Cộng Đồng mời tham dự phiên họp để trực tiếp giải thích về việc ông điện thoại cho Crown Casino. Ngày 10.5.09 ông có nhận một lá thư mời đề ngày 6.5.09 nhưng ông không đi vì đã quá trễ, vì sự việc đã được đưa lên báo rồi, vả lại ông Ẩn đang tiến hành thủ tục kiện.

 

Ông Ẩn nói theo nội quy của Hội Cộng Đồng, nếu một hội viên có vấn đề gì, họ phải được mời tới để trình bày trước ban chấp chấp hành. Nếu lá thư đề rõ mục đích của phiên họp, nêu rõ tên ông thì ông sẽ tới, đàng này lá thư mời chỉ nói một cách tổng quát như lá thư cho toàn thể cộng đồng.

 

Tòa được nghe trước phiên họp 15.3 Hội Cộng Đồng đã không tiếp xúc với ông để mời ông đến họp và trình bày về câu chuyện Crown Casino và ông Ẩn cũng đã đòi ông Phong xin lỗi qua lá thư ngày 16.4.09.

 

Tòa được nghe Hội Thiện Chí Tị Nạn Việt Nam của ông Ẩn là một hội nằm trong Hội Cộng Đồng; ông Ẩn là một thành viên của Hội Cộng Đồng từ năm 1997 và bị trục xuất khỏi Hội Cộng Đồng vào ngày 15.3.09. Ông Ẩn tham dự hầu hết các buổi họp của hội này biết rằng Hội Cộng Đồng là một hội chống cộng.

 

Khi trạng sư Catlin hỏi ông Ẩn ông có tin rằng có những người ở Úc được trả tiền  bởi chính phủ Việt Nam không, trạng sư Collins của ông Phong phản đối với bà quan tòa, cho rằng chuyện này chẳng liên hệ gì với vụ kiện mạ lỵ này. Nhưng luật sư Catlin nói có liên hệ bởi phía bên bị đơn với quyền biện minh chính đáng (qualified privilege) cho thấy bị đơn có nhiệm vụ thông báo về những hoạt động của cộng sản.

 

Trong khi hai trạng sư tranh cãi về việc ông Catlin có được hỏi câu ông Ẩn có tin rằng có những người được chính phủ Việt Nam trả tiền sống ở Úc không vì nó có liên quan đến sự tố cáo những tay sai của cộng sản (henchman), bà quan tòa đã mời bồi thẩm đoàn rút lui vì bà nghĩ không nên để cho bồi thẩm đoàn nghe sự tranh luận này (2).

 

* * *

 

Tòa đình phiên xử một lúc và sau đó trở lại.

 

Ông Võ Long Ẩn tiếp tục lên bục chứng để trạng sư của ông Phong, ông Collins đối chất (3).

 

Trạng sư  Collins nói căn cứ vào câu trả lời cuối cùng của ông Ẩn khi được trạng sư Catlin hỏi, ông Ẩn đã có làm chứng rằng một trong các mục tiêu của Hội Cộng Đồng là chống chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam và ở Úc không, và có đồng ý với mục tiêu đó không, ông Ẩn trả lời ở Việt Nam thì ông hoàn toàn đồng ý, nhưng ở Úc thì ông chưa có quyết định.

 

Và qua những câu hỏi sau đó của trạng sư Collins, tòa được nghe ông Ẩn là một người hoàn toàn tin tưởng phải có tự do dân chủ ở Việt Nam; ông Ẩn đồng ý rằng nhiệm vụ của các thành viên trong Hội Cộng Đồng là chống chế độ cộng sản ở Việt Nam bằng mọi cách mà họ có thể làm được; đó là lý do mà ông Ẩn gia nhập Hội Cộng Đồng; rằng nếu các thành viên của hội không chống lại chế độ cộng sản, hội có quyền kỷ luật họ (nhưng phải với bằng chứng có sức thuyết phục); rằng một cá nhân nào đó bị phát hiện có hành động đi ngược lại các mục tiêu của Hội Cộng Đồng, hội có quyền kỷ luật.

 

Sau những câu hỏi và trả lời ở trên, trạng sư tiếp tục hỏi về những chuyện liên quan đến phiên họp ngày 15.3.09.

 

Tòa được nghe rằng ông Ẩn đã không có mặt trong phiên họp đó, không trực tiếp tai nghe những gì đã xảy ra tại buổi họp, chỉ nghe qua những người khác, đọc trên (đài) và trên báo chí qua thông cáo có chữ ký của ông Phong.

 

Và điều làm ông Ẩn rất tức giận là ông tin rằng ông bị tố cáo là một tên cộng sản, một tay sai của cộng sản trong buổi họp đó.

 

Tòa được nghe biên bản phiên họp được (Hội Cộng Đồng) gởi đến cho ông Ẩn khoảng ngày 19.3.09 nhưng ông Ẩn chỉ đọc biên bản này sau khi luật sư (Nguyễn Bá Đại) của ông đưa cho ông xem.

 

Tòa được nghe trong phần đối chất  ông Ẩn đã không thấy trong biên bản đó có câu “ông Ẩn là một tên cộng sản” và “ông Ẩn là tay sai cộng sản” nhưng ông Ẩn cho rằng dù không có viết ra như vậy nhưng tố cáo ông là phá hoại cộng đồng, phá hoại chính nghĩa quốc gia tức là –đối với người Việt Nam—coi như cộng sản.

 

Cuộc chất vấn cứ quanh quẩn câu hỏi này và có lúc trạng sư Collins cho rằng ông Ẩn có vẻ như muốn tránh trả lời.

 

Trạng sư  Collins hỏi ông Ẩn hãy nhìn vào đơn kiện (statement of claims) của mình có ghi những câu trong ngoặc tố cáo ông Phong nói ông Ẩn là một tên cộng sản, là một tay sai cộng sản, vậy ông Ẩn hãy nói cho bồi thẩm đoàn nghe ở trong biên bản có chỗ nào ghi “ông  Ẩn là một tên cộng sản”, “ông Ẩn là tay sai cộng sản không”, ông Ẩn nói không thấy nhưng cho rằng những lời viết và lời nói của ông Phong ám chỉ ông là cộng sản, là tay sai cộng sản.

 

Trạng sư Collins lại nói về đơn kiện đề ngày 20.3.09 (chỉ 5 ngày sau phiên họp) gởi cho ông Phong trong đó ông Ẩn ghi những lời ông Phong nói trong cuộc họp ngày 15.3, và hỏi có phải ông Ẩn tố cáo ông Phong đã nói những câu được ghi trong ngoặc kép (quotation marks) thì ông Ẩn trả lời có, nhưng khi được trạng sư hỏi có phải điều đó có nghĩa ông Phong đã nói ông Ẩn là cộng sản, tay sai cộng sản thì ông Ẩn lại nói trong cộng đồng ai mà chống chính nghĩa quốc gia đều bị coi là cộng sản, tay sai cộng sản. Họ không cần phải nói đích danh tên ông Ẩn bởi việc ông bị trục xuất ra khỏi Hội Cộng Đồng đã có ý nghĩa như vậy.

 

Trạng sư Collins nói đó là sự diễn giải của ông Ẩn về những gì nói về ông, nhưng trạng sư muốn biết rõ ràng có ai vào lúc nào đó dùng những lời “ông Ẩn là cộng sản”, “ông Ẩn là tay sai cộng sản” không, cũng như trong đơn kiện tố cáo rằng ông Phong đã nói (oral publication) những lời như vậy giống như trong bài viết (written publication), vậy thì hãy chỉ chỗ nào có những chữ ông Phong tố cáo “ông Ẩn là cộng sản”, “ông Ẩn là tay say cộng sản”. Ông Ẩn đã không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà cho rằng mọi việc đã xong, ông bị coi là chống chính nghĩa quốc gia, vì thế ông là một tên cộng sản.

 

Trạng sư  Collins hỏi ông Ẩn có phải trước ngày 15.3.09 ông Ẩn đã có  ý nghĩ rất đối nghịch (adverse view) với ông Phong không, ông Ẩn nói đúng vậy.

 

Nhưng khi trạng sư Collins hỏi có phải ông Ẩn đã từng nói hay không nói rằng ông Phong đáng bị phỉ nhổ thì trạng sư Catlin phản đối câu hỏi này, cho rằng ông đã được nói không đem chuyện quan hệ (giữa hai người) ra mà nói, nhưng ra vẻ bây giờ chuyện này đang xảy ra.

 

Bà quan tòa nói rất tiếc lại một lần nữa bồi thẩm đoàn phải rút lui. Sau một hồi bàn luận với hai trạng sư, bà chánh án yêu cầu mọi người hãy rời khỏi phòng xử, trừ nguyên đơn và bị đơn.

 

Sự thảo luận hay tranh cãi giữa hai trạng sư và bà quan tòa (về kỹ thuật hay gì khác) công chúng đã không được nghe. Và sau đó là phần nghỉ ăn trưa. (còn tiếp).

 

Nguyễn Hồng-Anh  Văn Nguyễn

 

———-

Giải thích của TVTS

 

(1) Mục đích của luật sư nguyên đơn khi hỏi như vậy, theo TVTS nghĩ, là để đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất nếu thắng kiện.

 

(2) Tại những phiên tòa như thế này, bồi thẩm đoàn là những quan tòa xét về sự kiện (judges of fact) trong khi đó vị chánh án là quan tòa về mặt luật pháp (judge of law), do đó bà chánh án đóng vai trọng tài và hướng dẫn hai trạng sư tranh cãi chiếu theo quy định của luật pháp. Bà chánh án có quyền cho phép một trạng sư được hỏi tiếp hay yêu cầu ngưng khi hỏi một nhân chứng về vấn gì đó mà trạng sư bên kia phản đối.

 

(3) Tại các tòa án ở Úc, trong một phiên xử mỗi một nhân chứng lên bục chứng sẽ có thể tiến hành qua 3 giai đoạn. Trước hết là phần chất vấn (examine). Chúng tôi gọi là chất vấn, nhưng có lẽ nên dịch là xét hỏi. Bởi trạng sư trình bày sự kiện cho bồi thẩm đoàn qua việc đặt các câu hỏi. Nhiều lúc những câu hỏi có tính cách mớm, dẫn đường (leading) với mục đích mang lại lợi thế cho phía mình nên sẽ bị trạng sư đối phương phản đối (object) với quan tòa.

 

Phần sau đó là đối chất (cross-examine), nên được gọi là vặn hỏi mới đúng, bởi chính phần này trạng sư sẽ đặt những câu hỏi để bắt bẻ nhân chứng, không ngoài mục đích trình bày cho bồi thẩm đoàn thấy những chứng cớ của nhân chứng là không đáng tin. Đó là phần hấp dẫn nhất trong phiên tòa, dù nhân chứng là nguyên đơn hay bị đơn.

 

Có thể gọi nôm na phần cross-examination là phần “quay” của các trạng sư. Gặp khi nhân chứng tìm cách tránh né, trạng sư sẽ tìm các hỏi đi hỏi lại khiến nhân chứng nói đại khái “tôi đã trả lời rồi” hay “tại sao ông/bà cứ hỏi mãi câu này” thì sẽ được trạng sư đáp “nhưng ông/bà chưa trả lời câu hỏi của tôi”. Và cũng có khi trạng sư sẽ nói với một nhân chứng “ông/bà lên đây để tôi hỏi, chứ không phải để ông/bà hỏi tôi”.

 

Cuối cùng là phần tái chất vấn (re-examination), nếu trạng sư của nhân chứng cảm thấy cần hỏi lại một số câu để làm sáng tỏ vấn đề do sự vặn hỏi của trạng sư phía bên kia.

 

(TVTS – 1254)