Một đại diện di trú ở Cabramatta bị tước giấy phép hành nghề 5 năm

06 Tháng Mười Hai, 2018 | Tin nước Úc
Một nhân viên đang làm việc phụ trong bếp dưới dạng visa 457 cho mọt quán cà phê ở Sydney hôm 19.4.2017. Photo Courtesy: REUTERS/David Gray

Một đại diện di trú ở Cabramatta đã bị Cơ quan Đăng ký Đại diện Di trú (MARA) cấm hành nghề di trú trong 5 năm hôm 28.11.2018 vì những cáo buộc liên quan đến visa 457.

Cơ quan Đăng ký Đại diện Di trú (MARA)đã điều tra và có quyết định tước giấy hành nghề di trú trong 5 năm đối với đại diện di trú Tammy Nguyen Paddock, giấy phép đăng ký thuộc Australian Professional Training & Consulting, ABN 52 167 470 377.

Tất cả những cáo giác liên quan đến việc bà Tammy Nguyen đã tự ý nộp hồ sơ đề cử doanh nghiệp mà không có sự đồng ý của thân chủ, và tính phí bất hợp lý đối với dịch vụ mà bà cung cấp.

Theo một đơn khiếu nại, cố vấn di trú Tammy Nguyen Paddock đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ giúp một chủ doanh nghiệp bảo lãnh người lao động với mức phí dịch vụ là $120,000 – là chi phí để nộp Bảo lãnh Doanh nghiệp (SBS), nộp 3 hồ sơ đề cử lao động và nộp 3 hồ sơ bảo lãnh visa 457.

Nhưng sau đó vị thân chủ này cáo buộc không thể liên lạc được với bà Tammy Nguyen, bà đã đổi số điện thoại vài lần và không liên lạc với thân chủ cũng như không trả lời email đúng hẹn, và cũng không thông báo khi đổi địa chỉ văn phòng.

Người này còn cáo buộc rằng trong số những lao động được đề cử bảo lãnh, có một người ông không hề biết là ai và cũng không ủy quyền để bà Tammy Nguyen nộp hồ sơ cho người này. Và ông cũng không ký những giấy tờ trong hồ sơ trước khi nộp.

Cơ quan MARA đã yêu cầu bà Tammy Nguyen giải trình những cáo giác trên. Bà giải thích người thân chủ đã đe dọa bà khiến bà không thể tiếp tục làm việc cho người này, nhưng đã hoàn lại một phần tiền.

Tuy nhiên sau đó bà lại gửi một thông báo khác cho MARA giải thích rằng email của bà bị virus nên không thể trả lời đúng hẹn, và bà đã nói chuyện với vị thân chủ trên rằng sẽ hoàn lại $45,000 để người này không tiếp tục thưa kiện.

Về việc giải trình những cáo buộc rằng nộp hồ sơ mà không có sự đồng ý của thân chủ, bà Tammy Nguyen đã xin gia hạn thời gian trả lời vì bà đang có vấn đề về sức khỏe và đang trong giai đoạn chuẩn bị phẫu thuật, tuy nhiên lại không cung cấp được bằng chứng về tình trạng sức khỏe của mình.

Tất cả các hồ sơ đề cử người lao động mà đại diện di trú Tammy Nguyen nộp đều đã bị Bộ Nội vụ từ chối.

Mức phí mà các đại diện di trú thu cho mỗi hồ sơ visa 457 trong khoảng thời gian 1.7.2016 đến 30.6.2017 trung bình từ $2000 – $5000. Và do đó theo MARA, mức phí $120,000 mà bà Tammy Nguyen đưa ra là bất hợp lý.

MARA đã phát hiện ra bà Tammy Nguyễn đã nộp đơn đề cử kinh doanh mà không có sự đồng ý củ#a khách hàng, nộp hồ sơ bảo lãnh người lao động mà chủ nhân không biết, và hành vi của bà đã dẫn đến tổn thất tài chính cho khách hàng. Hơn nữa, đại diện di trú này đã nhiều lần không phản hồi MARA mặc dù đã được yêu cầu và cho cơ hội.

Con đường visa 457 đầy cạm bẫy

Visa 457 trước đây là một con đường bắc cầu đến PR cho nhiều du học sinh tại Úc, vì không cần biết ngành học là gì, miễn họ tìm được một công ty chịu đứng ra bảo lãnh 4 năm thì sẽ có khả năng xin làm thường trú nhân tại Úc.

Visa 457 cũng phổ biến ở những ngành lao động tay chân như nhà hàng-khách sạn, làm nông hay làm nail, do đặc tính của người lao động ngoại quốc (chủ yếu là Hoa, Ấn, Việt, Thái…) vốn chăm chỉ, chịu thương chịu khó hơn người Úc.

Tuy nhiên, visa 457 từ lâu đã bị cho là một kẽ hở để cả chuyên viên di trú lẫn người lao động lợi dụng để tìm đường định cư tại Úc. Đã có nhiều vụ bê bối, lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống di trú Úc, đơn cử như vụchuỗi nhà hàng pizza Domino’s “rao bán” visa 457cho sinh viên – tức là các sinh viên này phải trả một số tiền vô cùng lớn để nhà hàng đứng ra nhận bảo lãnh để xin PR. Hay việc các chủ nông trại đứng ra bảo lãnh nhân công ngoại quốc, sau đó bóc lột với đồng lương rẻ mạt.

Và vào cuối nằm 2017,một luật sư gốc Việt ở Canley Heights cũng bị tước bằng hành nghề di trú vì những cáo giác liên quan đến visa 457.

Do đó, visa 457 đã được thay thế bằng visa TSS (Temporary Skill Shortage), có thời hạn 2 hoặc 4 năm, và áp dụng chính thức từ tháng 3.2018. Theo đó, chỉ một số ngành nghề được phép xin PR sau khi làm việc vài năm, còn lại thì hết thời hạn visa là phải về nước.

Theo SBS Tiếng Việt