Người Việt và du học sinh Việt ở Úc ‘rất ổn giữa đại dịch’

05 Tháng Sáu, 2020 | Tin nước Úc
Hình chỉ mang tính chất minh họa. Photo Courtesy: Reuters

Chính phủ Úc chống dịch quyết liệt chứ không chủ quan nên tình hình dịch Covid-19 ở đây đã ổn trong khi cộng đồng ở đây có nhiều hình thức giúp đỡ những người cơ nhỡ nên ‘hầu như không có ai bị bỏ rơi’ giữa đại dịch, một Việt kiều Úc cho VOA biết.

So với nhiều nước ở châu Âu và Mỹ thì tình hình dịch virus corona ở Úc tương đối nhẹ với trên 7.000 ca nhiễm, hơn 100 ca tử vong và hiện xếp thứ 65 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ bị dịch, tính đến ngày 5/6.

Kể từ khi dịch bùng phát, nước Úc đã gần như đóng cửa với thế giới bên ngoài với việc cấm cả các chuyến bay chở khách đến Úc.

Hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố những ai không là công dân Úc, trong đó có du học sinh, nếu không có khả năng tự xoay sở trong thời điểm dịch bệnh thì ‘hãy về nước’ vì Úc chỉ có thể lo cho người dân của họ mà thôi. Phát ngôn này của ông Morrison đã gây hoang mang cho nhiều sinh viên Việt Nam đang du học ở quốc gia này.

‘Du học sinh có điều kiện’

Từ Melbourne, thủ phủ tiểu bang Victoria, ông Hoài Thanh, vốn là nghệ sỹ cải lương đã sang Úc định cư cùng gia đình từ năm 2008, thừa nhận rằng ‘chính phủ Úc cần coi lại chính sách này’.

“Các em du học sinh này hàng năm đem lại những lợi ích cho nước Úc rất nhiều, nguồn thu nhập của nước Úc từ các du học sinh là rất lớn,” ông giải thích.

Úc là một trong những nước tiếp nhận du học sinh đông nhất thế giới. Theo Cục Thống kê Úc, du học sinh đóng góp đến 37,6 tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế nước này và tạo công ăn việc làm cho 240.000 người trong năm tài chính 2018-2019.

Chính phủ Úc cho phép du học sinh được làm thêm một số giờ nhất định trong tuần và có đóng thuế cho nhà nước. Tuy nhiên, chính sách an sinh xã hội của Úc trong đại dịch không tính đến đối tượng này.

Mặc dù vậy, ông Hoài Thanh cho biết du học sinh có đóng thuế ‘được lấy lại tiền thuế để tiêu xài nếu gặp khó khăn vào lúc này’.

Theo tìm hiểu của VOA thì chính quyền bang Victoria nơi ông Hoài Thanh đang ở có chính sách hỗ trợ 1.100 đô la Úc từ tiền thuế cho các sinh viên quốc tế có đi làm, có đóng thuế và đã bị mất việc vì dịch virus corona. Số tiền này được chi trả một lần duy nhất.

Ngoài ra, ông Hoài Thanh cho rằng ‘du học sinh qua đây đều có kinh tế khá giả’ nên ‘không có ai gặp khó khăn cả’.

“Mỗi du học sinh khi qua Úc du học đều có chứng minh với nước Úc là có đủ điều kiện tài chính để phòng ngừa những trường hợp khó khăn có thể tự xoay sở được trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm,” ông giải thích.

“Có những cơ quan thiện nguyện sẵn sàng giúp đỡ. Chính phủ Úc cũng không để ai phải bơ vơ vì dịch bệnh,” ông Thanh cho biết thêm.

Khi được hỏi có du học sinh Việt nào muốn về nước tránh dịch hay không, ông nói: “Một số người muốn về nước vì họ có chuyện gia đình cần kíp thì mới về.” Ông cho rằng tình hình dịch bệnh ở Úc ‘cũng an tâm, không đến nỗi nào mà phải tìm cách về’.

Cách nay vài ngày, Vietnam Airlines đã tổ chức chuyến bay đưa 344 công dân Việt Nam đang bị kẹt ở Úc và New Zealand về nước, trong đó có nhiều du học sinh.

“Ở bên Úc này chùa chiền cũng nhiều, cơ quan thiện nguyện cũng nhiều. Chắc chắn cộng đồng người Việt không bỏ qua người nào để người ta gặp khó khăn,” ông nói.

‘Người Việt không lo lắng’

Nghệ sỹ Hoài Thanh nói rằng ‘có những người Việt bận bịu nhiều con nhỏ không đi lãnh đồ cứu trợ được thì cũng có người đem thức ăn đến tận nhà cho họ’.

Về hình thức hỗ trợ công dân Úc trong mùa dịch, ông cho biết ông thuộc nhóm đối tượng được lãnh một lần số tiền 750 đô la Úc hồi tháng 3. Theo tìm hiểu của VOA thì chính phủ của ông Scott Morrison đã dành ra 17,6 tỷ đô la Úc cho chương trình trợ giúp tài chính này dành cho 6 triệu người dân có thu nhập thấp, trong đó có người về hưu như nghệ sỹ Hoài Thanh.

Còn những người đi làm bị ảnh hưởng trong giai đoạn giãn cách xã hội, ông cho biết họ vẫn được lãnh lương đầy đủ từ số tiền của nhà nước trợ giúp cho các hãng xưởng trả lương để không phải sa thải công nhân trong mùa dịch.

Ông đưa ra dẫn chứng là con trai ông mỗi tháng được lãnh 3.000 đô la nhưng tùy khi nào chủ kêu thì mới đến sở, còn không thì ở nhà. Trong khi đó, con rể của ông cũng được nhận đủ lương nhưng mỗi tuần làm việc chỉ có 3 ngày.

“Trong thời gian giãn cách xã hội hãng xưởng không có đóng mà họ chia giờ ra, chia nhỏ nhân viên và công nhân ra làm việc,” ông giải thích và cho biết chương trình hỗ trợ trả lương này kéo dài cho đến tháng 9.

“Sự hỗ trợ đó theo tôi là quá đủ. Trong hoàn cảnh cả thế giới bị dịch bệnh, mình được như vậy là quá tốt rồi,” ông nói thêm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nếu chứng minh được mình bị mất thu nhập do dịch bệnh thì sẽ được chính phủ hỗ trợ từ 20-200 ngàn đô la Úc, ông cho biết.

‘Nước Úc chống dịch tốt’

Theo lời người nghệ sỹ này ‘nước Úc chống dịch tốt hơn Mỹ nhiều’ do đã thấy tấm gương từ các nước khác nên đã không chủ quan và đóng cửa đất nước và đóng cửa các tiểu bang với nhau ngay từ đầu.

“Các tiểu bang của Úc hiện tại vẫn đang đóng cửa, chưa được thông thương,” ông cho biết. “Ví dụ tôi ở bang Victoria đi trong tiểu bang thì được chứ không được đi qua tiểu bang khác.”

Một lý do khác giúp Úc ít lây nhiễm, theo nhận định của ông Hoài Thanh, là ‘lãnh thổ rộng lớn mà dân thưa thớt’ nên ít có điều kiện tiếp xúc gần.

Ông cho biết lúc đầu cũng có những người dân không tuân thủ lệnh giãn cách xã hội khiến chính phủ Úc phải ra lệnh phạt, chẳng hạn những người khạc nhổ nơi công cộng ‘bị phạt đến 1.600 đô la’.

Về việc đeo khẩu trang, ông nhìn nhận rằng ‘người Úc không chịu đeo vì họ đeo họ chịu không nổi’.

“Ra đường đa số là người châu Á đeo khẩu trang,” ông cho biết và nói thêm chính phủ không phạt những ai không đeo khẩu trang mà chỉ khuyến khích là nên đeo.

Theo lời ông thì khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Úc đã có những sự kỳ thị nhắm vào người gốc Á, trong đó có người Việt. “Người ta thấy mình ho tưởng là người Tàu họ kêu cút khỏi đất nước tao này kia vì tại chúng mày mà đất nước tao bị dịch bệnh,” ông nói.

Kể từ ngày 1/6, chính phủ Úc đã bắt đầu mở cửa giai đoạn 1 với các hàng quán và thậm chí tiệm làm móng cũng đã được mở cửa, nhưng không được phục vụ quá 20 người trong tiệm một lúc, theo lời ông.

Ông mô tả cuộc sống ở Melbourne giờ ‘đã bình thường trở lại’ và ‘bây giờ tìm chỗ đậu xe hơi bị khó’.

“Lúc đầu mới dỡ bỏ giãn cách đi vô shop đông quá thì họ còn chặn lại và chỉ cho vô từ từ, nhưng bây giờ họ chỉ làm lấy lệ thôi như không có chuyện gì xảy ra,” ông nói thêm và cho biết đến cuối tháng 6 nước Úc sẽ mở cửa giai đoạn 2.

“Đối với một đất nước tự do như Úc thì chính phủ đã làm rất tốt việc chống dịch. Việt Nam làm theo kiểu là nhà nước nói gì dân phải nghe, dân không có quyền chống đối. Còn Úc thì phải làm sao để thuyết phục người dân làm theo,” ông Hoài Thanh nhận định.

 

Theo VOA