Tiểu bang Victoria của Úc và ‘Con đường Tơ lụa mới’

11 Tháng Sáu, 2020 | Tin nước Úc
Tư liệu: Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và phu nhân cùng các lãnh đạo khác chụp ảnh lưu niệm tại dạ tiệc chào mừng khách tại Diễn đàn Vành Đai Con Đường ở Đại Sảnh đường Nhân dân/Bắc Kinh, ngày 26/4/2019. Photo courtesy: REUTERS/Jason Lee/Pool

Victoria là tiểu bang duy nhất của Australia ký hợp đồng để tham gia dự án ‘Vành Đai-Con Đường’, sáng kiến nghìn tỉ để xây dựng cơ sở hạ tầng liên lục địa mà Bắc Kinh cổ vũ như ‘Con đường tơ lụa mới’, nêu bật vai trò trung tâm của Trung Quốc trong thương mại quốc tế.

Ký kết các hợp đồng đó, tiểu bang Victoria coi như đã đi ngược lại với chính sách đối với Trung Quốc của chính phủ liên bang ở Canberra, vốn đã trở nên dè dặt với các khoản đầu tư từ Trung Quốc vì những quan ngại về an ninh quốc gia.

Những người chỉ trích lưu ý về sự thiếu minh bạch của Thủ hiến Victoria, khi ông âm thầm ký kết một bản ghi nhớ với Trung Quốc vào năm 2018, và ký thêm bản bổ túc vào tháng 10 năm 2019, mà không công bố cho Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT). Mãi tới cuối tháng Năm 2020, Thủ hiến Daniel Andrews mới thừa nhận đã ký một số hợp đồng với Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một dự án bị nhiều nền dân chủ Tây phương, kể cả Hoa Kỳ và Úc, chỉ trích.

Bản ghi nhớ và bản bổ túc không có tính cách ràng buộc pháp lý, cho phép bang Victoria tiếp cận các dự án trị giá hàng trăm triệu đôla, và đấu thầu để giành các dự án về cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới.

Đổi lại, thỏa thuận này khuyến khích các công ty xây dựng cấu trúc hạ tầng Trung Quốc thiết lập sự hiện diện tại tiểu bang Victoria, và tham gia đấu thầu để giành các dự án xây dựng hạ tầng quy mô.

Cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ

Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News hồi cuối tháng 5, 2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo rằng Mỹ có thể loại Úc khỏi mạng lưới chia sẻ tình báo Five Eyes – liên minh chia sẻ tình báo giữa Úc, Anh, Canada, New Zealand và Hoa Kỳ, nếu thỏa thuận BRI với chính quyền tiểu bang Victoria đặt ra một mối đe dọa an ninh cho Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Pompeo nói:

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào liên quan đến cơ sở hạ tầng viễn thông, hoặc bất cứ yếu tố có thể gây hại cho an ninh quốc gia khi chia sẻ tình báo với các đối tác trong Five Eyes.”

Nhà ngoại giao Mỹ lưu ý rằng những nước đã tham gia sáng kiến Vành Đai-Con đường đều phải trả một cái giá nhất định.

“Mỗi quốc gia đều có toàn quyền làm quyết định cho chính mình, và tiểu bang Victoria cũng vậy, nhưng mỗi công dân Úc nên hiểu rằng mỗi dự án Vành Đai-Con đường cần phải được cân nhắc một cách hết sức kỹ lưỡng.”

Đại sứ Hoa Kỳ tại Australia, Arthur Culvahouse Jr, sau đó đã tìm cách giảm bớt tính gay gắt của lời cảnh báo của ông Pompeo, Đại sứ Culvahouse nói:

“Hoa Kỳ tuyệt đối tin tưởng vào khả năng của chính phủ Úc có thể bảo vệ an ninh cho các hệ thống viễn thông của mình và của các đối tác trong liên minh Five Eyes.”

Nhưng ông nói thêm: “Chúng tôi không hề giấu diếm các quan tâm của chúng tôi về hệ thống 5G, và chúng tôi ca ngợi nước Úc về sự lãnh đạo trong vấn đề này.”

Thủ Hiến Victoria mạnh mẽ bênh vực ‘Vành Đai Con Đường’

Thủ Hiến Victoria Daniel Andrews khẳng định “Thỏa thuận BRI là vì công ăn việc làm của cư dân Victoria, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để củng cố quan hệ đối tác vững mạnh với Trung Quốc”.

Ông nói: “Tôi nghĩ đối với bang Victoria và Trung Quốc, chắc chắn tất cả chúng ta phải công nhận rằng một quan hệ đối tác tốt đẹp, vững mạnh, sẽ phục vụ các lợi ích của tất cả.”

Một người phát ngôn của chính phủ tiểu bang nói BRI có mục đích “tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp ở Victoria, tạo việc làm cho cư dân vào lúc mà chúng ta cần những cơ hội này hơn bao giờ hết, trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng kinh tế lại sau cuộc khủng hoảng dịch corona chủng mới.”

Sự chống đối của phe đối lập

Thủ lãnh đối lập tại bang Victoria Michael O’Brien cam kết sẽ hủy bỏ quyết định tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nếu ông đắc cử vào kỳ bầu cử kế tiếp.

Ông O’Brien nói thỏa thuận này “không phục vụ các lợi ích của tiểu bang Victoria, không bảo đảm chủ quyền, an ninh hay việc làm của chúng ta.”

Thủ lãnh đối lập O’Brien lên tiếng sau khi Ngoại trưởng Mỹ dọa sẽ “cắt đứt” liên hệ tình báo với Úc nếu thỏa thuận thương mại của bang Victoria với Bắc Kinh đe dọa an ninh viễn thông của Mỹ.

Như vậy,Victoria trở thành tiểu bang duy nhất ở Úc ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc để tham gia Sáng kiến Vành đai-Con đường, trong khi Thủ hiến Daniel Andrews bị cáo buộc là “hy sinh các lợi ích quốc gia để theo đuổi các lợi ích kinh tế với Trung Quốc, không đồng hành với quyết định của chính phủ liên bang là không ủng hộ sáng kiến BRI vì những quan tâm về chiến lược.

 

Theo VOA