Úc, Tân Tây Lan điều máy bay tới Nhật giám sát Triều Tiên

07 Tháng Chín, 2018 | Tin nước Úc
Một chiếc máy bay tuần tra AP-3C Orion của Úc. Photo Courtesy: Reuters

Chính phủ Úc và Tân Tây Lan cho biết đã triển khai ba máy bay tuần tra hàng hải tới Nhật Bản để hỗ trợ thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

Hai máy bay tuần tra AP-3C Orion của Úc và 1 máy bay P-3K2 của Tân Tây Lan dự kiến sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động trao đổi hàng hóa của các tàu biển Triều Tiên, hiện đang bị cấm trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne cho biết việc triển khai này hỗ trợ cho nỗ lực của Canbera trong việc gây áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Triều Tiên, cho thấy lập trường kiên định của nước này trong việc ngăn chặn vận chuyển hàng trái phép cũng như các hoạt động tránh các biện pháp trừng phạt của Triều Tiên và các mạng lưới có liên quan.

Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne nói: “Úc bổ sung hai máy bay tuần tra Orion AP-3C để tiến hành giám sát lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên”. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Tân Tây Lan Winston Peters cho biết nước này cũng đã triển khai một máy bay P-3K2 để thực hiện các cuộc tuần tra trên vùng biển quốc tế ở Đông Bắc Á.

Ông Peters nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh cuộc đối thoại gần đây giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, cho đến khi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vẫn sẽ phải được thực thi”, đồng thời cho biết chiếc máy bay này sẽ được đặt tại căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các máy bay này từ giữa tháng 9 sẽ bắt đầu hoạt động bên ngoài căn cứ không quân Kadena của Mỹ tại Okinawa, miền Tây Nam Nhật Bản. Những máy bay này sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát tại các vùng biển quanh Nhật Bản và Bán đảo Triều Tiên cũng như Biển Hoa Đông.

Trước đó, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hoá, trong bối cảnh quá trình đàm phán giữa hai nước đang đi vào bế tắc.

Nhiều người cho rằng việc Mỹ và Triều Tiên bế tắc trong quá trình đàm phán có thể do Bình Nhưỡng đã vội vã đưa ra các đòi hỏi, trong khi Washington nhấn mạnh “mọi yêu cầu sẽ chỉ được đáp ứng sau khi triệt tiêu hoàn toàn vũ khí hạt nhân”.

Tổng hợp