Bà Aung San Suu Kyi bị tước danh hiệu “Đại sứ của Lương tri”

13 Tháng Mười Một, 2018 | Tin thế giới
Cố vấn Nhà nước Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi. Photo Courtesy: Reuters

Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại London ngày 12.11 tuyên bố tước bỏ danh hiệu “Đại sứ của Lương tri”, danh hiệu cao quý nhất mà tổ chức này đã trao tặng cho bà Aung San Suu Kyi, người được cho là nhà lãnh đạo trên thực tế tại Miến Điện, do bà đã “thờ ơ” với những tội trạng diệt chủng mà quân đội nước này đã gây ra với người Hồi giáo Rohingya.

AFP trích dẫn bức thư do giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế Kumi Naidoo hôm qua gửi tới bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Miến Điện, cho hay: “Hôm nay, chúng tôi vô cùng bàng hoàng rằng bà không còn là một biểu tượng đại diện cho hy vọng, lòng can đảm và sự bảo vệ bất diệt cho nhân quyền”.

Bức thư còn viết: “”Tổ chức Ân xá Quốc tế không thể biện minh cho việc bà tiếp tục giữ danh hiệu Đại sứ của Lương tri. Vì vậy, với nỗi buồn to lớn, chúng tôi sẽ tước danh hiệu đó của bà”, lá thư viết.

Đại sứ của Lương tri là danh hiệu cao quý nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ đấu tranh vì nhân quyền có trụ sở tại Anh. Bà Suu Kyi được nhận danh hiệu này vào năm 2009, khi vẫn bị chính quyền quân sự quản thúc tại nhà.

Đây là quyết định tước bỏ mới nhất trong số hàng loạt động thái tương tự trước đó từ các tổ chức quốc tế đối với các giải thưởng, danh hiệu quốc tế của bà Aung San Suu Kyi – người được nhận giải thưởng Nobel hòa bình năm 1991, kể từ khi quân đội Miến Điện xua đuổi 72.000 người Hồi giáo Rohingya ra khỏi đất nước mà đạo Phật chiếm đa số. Hành động này của quân đội Miến Điện đã bị Liên hợp quốc xếp vào tội diệt chủng.

Bà Suu Kyi là lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), từng được ca ngợi trên toàn cầu như biểu tượng đấu tranh vì tự do khi đứng lên chống lại chính quyền quân sự dù bị quản thúc suốt 15 năm. Việc đảng NLD thắng cử vào năm 2015 mang tới hy vọng thay đổi đất nước.

Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng chính phủ của bà Suu Kyi không trực tiếp kiểm soát các hoạt động về an ninh. Dù vậy, họ vẫn cáo buộc bà “cản trở các cuộc điều tra quốc tế” về tình trạng bạo lực tại Miến Điện.

Tổng hợp