Đức Giáo hoàng viếng Thánh Địa, cởi giày khi vào Nguyện đường Hồi giáo, cầu nguyện trước Bức Tường Than Khóc của Do Thái giáo

12 Tháng Năm, 2009 | Tin thế giới

 

Giáo hoàng Benedict 16 cầu nguyện trước Bức Tường Than Khóc ở Jerusalem. Photo courtesy BBC

 

Trong chuyến công du lần đầu tiên tới Thánh Địa Jerusalem, Đức Giáo hoàng Benedict 16 đã kêu gọi mọi người nam nữ thành tâm thiện chí  hãy cùng nhau vượt qua những hiểu lầm và xung đột trong quá khứ để mở đường cho một cuộc đối thoại chân thành.

 

Trong chặn đường đầu tiên của chuyến thánh du 8 ngày ở Trung Đông, Giáo hoàng Benedict 16 đã tới nước Jordan và đã được quốc vương và hoàng hậu nước này ra đón tận phi trường, một việc bất thường đối với nghi lễ ngoại giáo của nước này.

 

Tại đây, giáo hoàng đã công khai lên án chủ nghĩa chống Do Thái, một chủ nghĩa không thể chấp nhận được nhưng vẫn còn hiện hữu trên những phần đất của thế giới. Giáo hoàng kêu gọi người Do Thái và Palestine hãy ngồi lại với nhau để giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài nhiêu thập kỷ.

 

Tuy nhiên giáo hoàng Benedict vẫn phải đối phó với sự chống đối từ người Do Thái lẫn Palestine.

 

Người Do Thái chống đối việc Vatican phong thánh cho cố Giáo hoàng Pi-ô 12, vị giáo hoàng bị họ coi là đã im lặng khi người Do Thái bị bách hại trong Thế chiến Thứ hai.  Cá nhân Giáo hoàng Benedict 16 cũng bị nghi ngờ và phê bình vì khi còn nhỏ đã gia nhập đội ngũ thanh thiếu niên của Đức Quốc Xã, dù rằng đó là việc bị cưỡng bách.

 

Đối với người Hồi giáo, việc mấy năm trước giáo hoàng trong một bài thuyết trình tại một đại học đã phê bình Hồi giáo dùng bạo lực đề truyền đạo, đã gây làn sóng chống đối dữ dội, và dù giáo hoàng có giải thích, xin lỗi nhưng nay vẫn còn nhiều người còn nghi ngờ hay chỉ trích ngài.

 

Đến Jerusalem, giáo hoàng đã được cả Tổng thống lẫn Thủ tướng Do Thái tiếp đón. Hôm nay, thành phố cổ Jerusalem trông như bãi tha ma, không một bóng người vì an ninh quá chặt chẽ để bảo vệ vị giáo hoàng tới thăm thánh địa.

 

Jerusalem là đất thánh của 3 tôn giáo độc thần: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

 

Giáo hoàng Benedict đã tới cầu nguyện trước Bức Tường Phía Tây của Cổ Thành Jerusalen, còn được gọi là Bức Tường Than Khóc, nơi linh thiêng nhất của người Do Thái. Sau đó ngài đã nhét trong vách tường một mảnh giấy ghi lời cầu nguyện theo phong tục của người Do Thái.

 

Lời nguyện ghi: “Chúa của Abraham, Issac và Jacob… xin ngài hãy đem hòa bình đến trên Đất Thánh này, trên Trung Đông và trên toàn thể nhân loại”.

 

Giáo hoàng cũng đã tới viếng Nguyện Đường Mái Vòm Trên Núi Đá (Dome of the Rock), một nguyện đường có mái tròn màu vàng nổi bật trên đường chân trời Jerusalem, một nơi mà người Hồi giáo lẫn Do Thái coi là linh thiêng và cũng là nơi phát sinh ra một cuộc nổi dậy của người Palestine.

 

Giáo hoàng Benedict đã cởi đôi giày màu đỏ của ngài khi bước vào đền thờ Hồi giáo này. Đây là lần đầu tiên một vị giáo hoàng La Mã vào Đền Thờ Dome of the Rock ở Jerusalem.

 

Tại đây, giáo hoàng nói: “Đền Mái Vòm Trên Đỉnh Đá làm cho lòng và tâm trí chúng ta suy nghĩ về sự huyền diệu của tạo hóa và lòng tin của Abraham. Tại nơi đây, những con đường của 3 tôn giáo độc thần vĩ đại của thế giới gặp nhau, nhắc nhở chúng ta những gì mà các tôn giáo này cùng chia sẻ. Mỗi một tôn giáo tin vào một Thượng Đế, đấng tạo dựng và cai trị tất cả. Mỗi tôn giáo đều coi Abraham là tổ phụ, một người có lòng tin và được Thượng Đế chúc phúc”.

 

Trong cuộc tiếp xúc với Đại Giáo sĩ (Grand Muffi) của Jerusalem, giáo sĩ Mohammed Hussein hối thúc Giáo hoàng Benedict làm sao để chấm dứt “sự đàn áp của người Do Thái đối với người Palestine”.

 

Người Palestine hy vọng sẽ dùng chuyến viếng thăm của Giáo hoàng La Mã để gây sự chú ý của thế giới đối với thân phận của họ.