Gia Nã Đại, Trung Quốc đồng loạt cảnh báo công dân nguy cơ bị bắt ‘vô căn cứ’

16 Tháng Một, 2019 | Tin thế giới
Robert Lloyd Schellenberg tại tòa án thành phố Đại Liên, Trung Quốc. Photo Courtesy: Reuters

Chính quyền Trung Quốc cảnh báo công dân rủi ro bị bắt khi du lịch tại Gia Nã Đại vài giờ sau khi Gia Nã Đại ra thông báo tương tự. Căng thẳng ngoại giao hai nước tiếp tục tăng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15.1 cảnh báo công dân nước này trong thời gian ở Gia Nã Đại đề phòng nguy cơ bị “bắt giữ vô căn cứ theo yêu cầu của một nước thứ ba”. Cơ quan này kêu gọi người dân Trung Quốc cần thận trọng khi lên kế hoạch ra nước ngoài, theo South China Morning Post.

Lời cảnh báo được đưa ra không lâu sau khi chính quyền Gia Nã Đại cảnh báo công dân về nguy cơ bị giam giữ “tùy ý” sau khi Robert Schellenberg, một công dân nước này bị kết án tử hình tại Trung Quốc trong một vụ án liên quan đến ma túy.

Bản án dự kiến sẽ leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Gia Nã Đại. Thủ tướng Gia Nã Đại Justin Trudeau cho biết Ottawa sẽ tiếp tục can thiệp mạnh mẽ vào vấn đề với Bắc Kinh.

“Là một chính phủ, điều đó cực kỳ đáng quan tâm đối với chúng tôi, cũng như đối với tất cả bạn bè và đồng minh quốc tế, khi Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng hình phạt tử hình tùy tiện như trong trường hợp này”, ông Trudeau nói.

Cô của bị cáo Schellenberg, Lauri Nelson-Jones, cho biết nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của gia đình đã được xác nhận. “Lúc này, chúng tôi chỉ nghĩ đến Robert. Thật không thể tưởng tượng được những gì cậu ấy phải cảm nhận và suy nghĩ. Đây là một tình huống kinh khủng, đáng tiếc, đau lòng.”

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Gia Nã Đại kể từ khi chính quyền Gia Nã Đại bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính và  Phó chủ tịch của tập đoàn Huawei và là công dân Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ. Các nhà phê bình cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng trường hợp Schellenberg để gây áp lực lên Ottawa.

Trong một bài viết, tờ Global Times của Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ nào giữa bản án của Schellenberg và vụ giám đốc Huawei. “Một số phương tiện truyền thông Gia Nã Đại và phương Tây ngay lập tức liên kết vụ này với vụ bà Mạnh Vãn Chu và cho rằng Bắc Kinh đang gây áp lực lên Ottawa thông qua vụ án. Suy đoán vô lý này là một sự khinh miệt thô lỗ đối với luật pháp Trung Quốc”.

Theo Global Times, dư luận Gia Nã Đại tuyên bố Trung Quốc đang chính trị hóa trường hợp của Schellenberg, nhưng những gì Gia Nã Đại đang làm mới là chính trị hóa luật pháp.

Schellenberg, một cựu công nhân mỏ dầu, bị giam giữ từ năm 2014 trong một vụ án ban đầu thu hút ít sự chú ý của công chúng. Tuyên bố của tòa án cho biết Schellenberg liên quan tới vụ buôn lậu 225kg methamphetamine sang Australia thất bại, bằng cách giấu thuốc trong lốp xe.

Tháng 12.2018, các nhà chức trách Trung Quốc ra lệnh tái thẩm và mời các phương tiện truyền thông nước ngoài đến, một điều hiếm thấy đối với các tòa án Trung Quốc, theo Guardian.

Sophie Richardson, giám đốc về Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Bắc Kinh sẽ phải trả lời với thế giới tại sao một vụ kiện cụ thể chống lại một công dân của một quốc gia cụ thể lại phải được xét xử vào thời điểm đặc biệt này.”

Tổng hợp