Gia Nã Đại xác nhận đã nghe đoạn ghi âm về vụ sát hại nhà báo Ả rập

13 Tháng Mười Một, 2018 | Tin thế giới
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại Paris, Pháp hôm 11.11.2018. Photo Courtesy: Reuters

Thủ tướng Gia Nã Đại Justin Trudeau là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên xác nhận sự tồn tại của đoạn băng ghi âm liên quan tới vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi được Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ.

Vào hôm 12.11, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết giới tình báo nước này đã nghe đoạn ghi âm có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Ông Justin Trudeau nói: “Cơ quan tình báo của Gia Nã Đại đã làm việc chặt chẽ về vấn đề này với tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và Gia Nã Đại đã được tóm tắt đầy đủ về những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ cần chia sẻ”, ông Trudeau phát biểu tại một cuộc họp báo ở Paris hôm 12.11.

“Tôi đã trò chuyện với Tổng thống Erdogan vài tuần trước. Khi tới Paris, chúng tôi cũng có những trao đổi ngắn và tôi đã cảm ơn ông ấy vì sự cứng rắn trong vụ Khashoggi”, Trudeau nói thêm. Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau cho biết, bản thân ông chưa trực tiếp nghe đoạn ghi âm. Ông cho biết thêm, ông đã trao đổi về vấn đề này với Tổng thống Erdogan tại Paris cuối tuần qua.

Khi được hỏi về sự tồn tại của đoạn ghi âm, Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho biết “đã có sự trao đổi thông tin tình báo về vấn đề này” và từ chối cung cấp thêm chi tiết. Các nguồn tin của Anh trước đó tiết lộ họ đã nhận được nội dung đoạn ghi âm, nhưng cũng không nêu chi tiết do tính chất nhạy cảm của sự việc.

Trước đó vào hôm 10.11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 10.11 tuyên bố nước này “đã đưa đoạn ghi âm cho Arab Saudi, Mỹ, Đức, Pháp và Anh”. Gia Nã Đại là nước đầu tiên xác nhận về bằng chứng này.

Ngược lại, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng theo như ông biết, Pháp chưa nắm trong tay đoạn băng liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi.

Chia sẻ trên đài truyền hình France 2, ông Le Drian nói: “Ông ấy (Erdogan) đang chơi trò chính trị trong vụ này. Nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thông tin cần cung cấp cho chúng tôi, ông ấy phải đưa cho chúng tôi”.

Ankara lập tức chỉ trích ngoại trưởng Pháp, cho rằng những lời nhận xét như trên là không thể chấp nhận được và hoàn toàn bẻ cong sự thật, theo ông Fahrettin Altun, giám đốc thông tin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà báo Jamal Khashoggi, khoảng 60 tuổi, là một nhân vật bất đồng chính kiến với chính phủ Ả rập Xê út. Ông sống lưu vong ở Mỹ từ năm 2017 và là cây viết bình luận của Washington Post.

Ông mất tích hôm 2.10 sau khi vào lãnh sự quán Ả rập Xê út ở Istanbul. Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, nhà báo này đã bị sát hại bên trong lãnh sự quán Ả rập Xê út và thi thể được bí mật chuyển ra ngoài.

Hai tuần sau khi ông Khashoggi mất tích, giới chức Ả rập Xê út xác nhận, nhà báo này đã tử vong trong một cuộc xô xát bên trong lãnh sự quán. Tuy nhiên, công tố viên Ả rạp Xê út sau đó nói rằng, nhà báo Khashoggi bị sát hại trong một âm mưu được lên kế hoạch từ trước.

Tổng hợp