Gói cứu trợ 860 tỷ đánh dấu ‘bước chuyển lớn’ của châu Âu

31 Tháng Bảy, 2020 | Tin thế giới
Hình minh họa. Photo Courtesy: Europa.eu

Gói cứu trợ kinh tế sau đại dịch ‘có ý nghĩa lịch sử’ trong tiến trình phát triển của châu Âu: giúp chuyển đổi nền kinh tế của khối sang hướng tự cường, các định chế của khối tiến gần đến mô hình liên bang hơn và chứng tỏ sự gắn kết và hiệu quả của trục Pháp-Đức, một nhà quan sát nhận định.

Hôm 21/7, các lãnh đạo 27 nước thành viên liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói cứu trợ và kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 750 tỷ euro, tức tương đương 860 tỷ đô la Mỹ, dưới hình thức vừa cứu trợ vừa cho vay đối với các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 như Ý và Tây Ban Nha.

Thỏa thuận được thông qua ở Brussels sau gần 90 giờ đàm phán không ngừng nghỉ của các lãnh đạo châu Âu mà có lúc bên bờ vực đổ vỡ vì những bất đồng gay gắt giữa các nước. Cuộc đàm phán này được các nhà quan sát đánh giá là ‘cam go nhất’ của khối trong vòng 20 năm trở lại đây.

Nhóm chống đối, được gọi là ‘nhóm khắc khổ’ đứng đầu là Hà Lan cùng với Áo, Thụy Điển và Đan Mạch, muốn số tiền này được đưa ra dưới hình thức cho vay thay vì cho luôn và các nước thành viên có quyền giám sát chặt chẽ việc chi tiêu thay vì trao trách nhiệm cho Ủy ban châu Âu. Đề xuất này đã bị Ý và Tây Ban Nha phản đối quyết liệt trong khi Đức và Pháp gây sức ép phải đạt được một thỏa thuận.

‘Giấy khai sinh nhà nước liên bang’

Trao đổi với VOA từ thủ đô Paris của Pháp, ông Phạm Cao Phong, một nhà báo tự do, cho biết báo chí Pháp phản ứng ‘hồ hởi’ trước việc gói cứu trợ được thông qua.

Ông dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Bruno Le Maire, đánh giá rằng ‘đây là một trong những thỏa thuận lịch sử của châu Âu giống như tờ giấy khai sinh ra một nhà nước liên bang mới’, tức là các định chế của EU ngày càng có quyền lực tập trung mạnh mẽ để chi phối hành động của các nước thành viên.

Chi phí cho gói phục hồi kinh tế sau đại dịch này được 27 nước EU cùng gánh chịu dưới hình thức mượn nợ và được chi trả bằng ngân sách EU vào năm 2058, theo Bloomberg.

Ông Phong đưa ra dẫn chứng là khi một thành viên của khối là Hy Lạp bị đắm chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công cách nay gần 10 năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel không đồng ý cho Hy Lạp vay nếu không có những ràng buộc rất ngặt nghèo. Khi đó, Hy Lạp đã phải quay sang Nga và sau này là Pháp nhờ giúp đỡ. Việc này, theo ông Phong, đã ‘ảnh hưởng rất nhiều đối với tầm nhìn châu Âu’.

“Thỏa thuận này đánh dấu EU từ hình thức liên minh lỏng lẻo tiến gần đến hình thức liên bang,” ông nhận định. “27 nước thành viên như 27 tiểu bang còn Ủy ban châu Âu giống như chính phủ châu Âu.”

Theo lời giải thích của nhà báo này thì nếu trước đây các nước châu Âu ‘ai gặp nạn người nấy tự lo’ thì ‘bây giờ châu Âu nhảy vô giúp đỡ giống như mô hình liên bang’.

Ông cho biết từ trước đến nay chỉ có Đức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu châu Âu, là ‘hy sinh rất nhiều cho châu Âu’, nhưng qua đại dịch lần này ‘tất cả các nước thành viên đã cùng chung tay lại chứ không còn đấu đá nhau’.

‘Châu Âu cần độc lập’

Ông Phong cho biết dịch bệnh Covid-19 đã khiến châu Âu ‘nhận ra rằng Trung Quốc chơi với mình không tử tế’.

“Bài học Covid quá đắt giá. Chỉ 3 tháng phong tỏa mà gom góp hết tất cả những gì đã phát triển kinh tế trong 5 năm qua để dồn sức chống dịch. May là Pháp vẫn còn tiền của để dành,” ông nói.

Tổng thống Macron từng nói là ‘EU cần phải độc lập, tự chủ trong các ngành kinh tế để không bị lệ thuộc vào Trung Quốc, từ Huawei cho đến khẩu trang, thuốc men’ và chỉ ra việc Trung Quốc thâm nhập sâu vào các nền kinh tế châu Âu như Hy Lạp, Ý là một ‘thực tế đáng lo ngại’.

“Châu Âu bắt buộc phải nhìn nhận ra vấn đề là họ hãy tự mình xây dựng lấy cho mình một nền kinh tế mạnh mẽ để có thể đương cự với thế giới hoặc là có thể chống chọi lại những cái như dịch bệnh,” ông nói.

Do đó, gói kích thích lần này mang tính chất ‘xây dựng lại nền kinh tế châu Âu’ nhiều hơn là ‘cứu trợ dịch bệnh,’ với ba mục tiêu chính được chú ý là chuyển đổi nền kinh tế, đào tạo nhân lực, và đầu tư.

Theo quan sát của nhà báo kỳ cựu này, nước Ý được phân cho số tiền lớn nhất trong gói cứu trợ không chỉ vì bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch mà ‘vùng Lombardy của Ý toàn là công xưởng của Trung Quốc, thuê mướn nhân công Trung Quốc’ nên cần phải chuyển đổi để có thể ‘quay lại với châu Âu,’ không bị lệ thuộc vào Ý tưởng Vành đai-Con đường của Trung Quốc.

“Điều quan trọng của gói này là chuyển đổi kinh tế châu Âu sang mô hình thân thiện với môi trường, từ giao thông vận tải cho đến sử dụng năng lượng,” ông giải thích. “Họ có chương trình đào tạo và đầu tư vào những ngành nghề mới rất cụ thể trong đường hướng 7 năm tới.”

Trục Đức-Pháp

Một nguyên nhân quan trọng khiến các nước vượt qua bất đồng để đạt được thỏa thuận là ‘sự đồng thuận Pháp-Đức’ thành một trục thúc đẩy cả châu Âu, như lời Tổng thống Pháp tuyên bố trước các nước chống đối thỏa thuận rằng ‘một khi Pháp-Đức đã thống nhất với nhau thì không có chuyện gì không thể làm được’.

Theo quan sát của ông thì tại hội nghị Brussels, bà Merkel và ông Macron ‘đã vai kề vai’ trong hầu hết các vấn đề. “Ngay cả những việc nhỏ nhất, hai nước cũng phối hợp với nhau như là một,” ông nói.

“Chưa bao giờ có chuyện hai nước liên kết một cách chặt chẽ và thống nhất với nhau như vậy từ trước đến nay,” ông bình luận.

“Pháp dọa rời khỏi EU nếu không thông qua thỏa thuận. Nếu Pháp ra thì liên minh Pháp-Đức sụp, khi đó EU sẽ sụp đổ,” ông Phong bình luận và dẫn lại lời ông Macron nói rằng ‘nếu nước nào lo cho nước nấy thì không thể thành liên minh được’.

Một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đàm phán được các hãng thông tấn quốc tế ghi lại là có lúc Tổng thống Emmanuel Macron ‘đã đập bàn nói ông sẽ bỏ về, không đàm phán gì nữa’.

Đàm phán cam go

Ngoài khoảnh khắc đập bàn dọa bỏ về giữa chừng của Tổng thống Pháp Macron, theo tường thuật của Bloomberg, đã có lúc bầu không khí trở nên căng thẳng đến mức các nhà ngoại giao có mặt tại hội nghị đã cảnh báo rằng đàm phán có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Có lúc Thủ tướng Ý Giuseppe Conte lên án EU bị ‘tống tiền’ bởi các nước nhỏ thuộc nhóm ‘khắc khổ’ và chỉ trích người đồng nhiệm Hà Lan Mark Rutte là ‘tự huyễn hoặc’. Ông Conte đã phẫn nộ trước đòi hỏi quyền phủ quyết của ông Rutte về cách phân bổ số tiền cho từng nước, theo Bloomberg.

Cũng theo hãng tin này, bản thân ông Macron cũng cáo buộc các nước ‘khắc khổ’ là ‘bỏ qua thực tế tài chính của khối’ và có lúc còn mắng Thủ tướng Áo Sebstian Kurz là bỏ ra nghe điện thoại giữa chừng. Ông Kurz sau đó đã giải thích rằng ‘lúc đó ông đã đàm phán liên tục 20 tiếng và rằng ông thông cảm khi người ta mất ngủ họ dễ mất bình tĩnh’.

Ngoài bất đồng bắc-nam giữa các nước khắc khổ với các nước bị dịch nặng nhất về quy mô và cách giám sát gói cứu trợ, còn có tranh cãi đông-tây giữa Tây Âu với các nước như Ba Lan và Hungary vốn bị cáo buộc là ‘đang chà đạp các giá trị dân chủ tự do của khối’, New York Times cho biết.

Các nước Đông Âu này lo ngại số tiền được phân bổ cho họ sẽ bị ràng buộc với các điều kiện khôi phục nền pháp trị và tư pháp độc lập. Tuy nhiên, cuối cùng, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhượng bộ các nước này để đổi lấy sự ủng hộ của họ cho thỏa thuận.

Đề xuất ban đầu được Pháp và Đức đưa ra là 500 tỷ euro tiền cho luôn. Ủy ban châu Âu đề xuất thêm 250 tỷ cho vay. Con số được điều chỉnh lại sau khi đàm phán là 390 tỷ tiền cho và 360 tỷ tiền cho vay. Để đổi lại, các nước ‘khắc khổ’ được EU hoàn lại cho ngân sách của họ số tiền cao hơn.

Dù số tiền cho luôn bị giảm lại so với đề xuất ban đầu, New York Times nhận định đây là ‘thắng lợi ngoạn mục của ông Macron, người đã phá vỡ điều cấm kỵ về gây nợ tập thể và xây dựng nên cơ chế khả dĩ để đối phó với các cuộc khủng hoảng khác của khối trong tương lai’.

Theo tờ báo này thì EU đã thống nhất là Ý, nền kinh tế lớn thứ ba trong khối cũng là nền kinh tế ít cải cách nhất vốn đã ngập trong nợ nần nay lại bị dịch bệnh làm thiệt hại nặng nề, sẽ là nước được hưởng nhiều nhất trong gói cứu trợ này để vực dậy và cải cách nền kinh tế. Bloomberg ước tính Rome sẽ nhận được 82 tỷ euro tiền cho luôn và 127 tỷ tiền cho vay.

“Mặc dù có những tiến bộ, chúng ta không nên tự huyễn hoặc mình,” ông Friedrich Heinemann, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu, được New York Times dẫn lời. “Thiếu tính cạnh tranh và triển vọng tăng trưởng thấp ở những nước như Ý không thể nào chỉ được giải quyết bằng cách Brussels cho tiền và cho vay. Chỉ có thể bằng con đường cải cách toàn diện thị trường lao động, quản lý công, giáo dục và sáng tạo mới giải quyết được vấn đề.”