Hai miền Triều Tiên đánh dấu 70 năm khởi chiến giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng

25 Tháng Sáu, 2020 | Tin thế giới

Bảy mươi năm sau khi Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu, triển vọng về một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức chấm dứt xung đột lúc này dường như xa vời hơn bao giờ hết, khi hai miền Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm âm thầm vào ngày 25/6 trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo, theo Reuters.

Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc với hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình, nên các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên.

Hồi năm 1953, các lãnh đạo Hàn Quốc đã phản đối ý tưởng thỏa thuận ngừng bắn, vốn làm cho bán đảo bị chia cắt, và không đứng tên ký hiệp định đình chiến.

Với tình trạng căng thẳng đang gia tăng trở lại, các cựu chiến binh Hàn Quốc đã tập hợp lại để đánh dấu ngày kỷ niệm, trong đó có một sự kiện được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các lãnh đạo quốc tế khác dự kiến sẽ gửi tin nhắn video đến.

Nhiều cựu chiến binh tập trung tại thị trấn biên giới Cheorwon của Hàn Quốc nói với Reuters rằng họ hy vọng có mối quan hệ hòa bình hơn với Triều Tiên, nhưng tỏ ra không mấy lạc quan khi cho rằng chính sách của Bình Nhưỡng không hề thay đổi.

“Chiến tranh không thực sự kết thúc, và tôi không nghĩ rằng hòa bình sẽ đến khi tôi còn sống”, ông Kim Yeong-ho, 89 tuổi, nói với Reuters. “Ác mộng vẫn cứ trở về với tôi mỗi ngày. (Triều Tiên) không hề thay đổi chút nào”.

Tờ báo của đảng cầm quyền Triều Tiên đăng một bài bình luận trên trang nhất, kêu gọi người dân theo bước chân của những người đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

“Nhiều thập niên đã trôi qua, nhưng nguy cơ chiến tranh chưa bao giờ rời khỏi vùng đất này”, tờ báo nói, đổ lỗi cho “lực lượng thù địch” đang tìm cách nghiền nát Triều Tiên.

Hai năm trước, một loạt các hoạt động ngoại giao và hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Trung Quốc đã nuôi hy vọng rằng ngay cả khi kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không bị hủy bỏ đi nữa, thì các bên có thể sẽ đồng ý chính thức chấm dứt chiến tranh.

Tuy nhiên, hy vọng này đã tan vỡ khi việc Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc bám vào các chính sách thù địch, còn Washington ép Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa đang phát triển.

Một loạt các cuộc họp và đàm phán tiếp theo đã không thu hẹp được khoảng cách giữa hai cựu thù. Triều Tiên ngày càng tỏ rõ giọng điệu đối đầu, tái tục các vụ phóng tên lửa tầm ngắn, cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều và cắt đứt đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc.

Hôm 24/6, Triều Tiên cho biết quyết định đình chỉ các kế hoạch hành động quân sự đối với Hàn Quốc, nhưng cảnh báo đối thủ phải “suy nghĩ và hành xử khôn ngoan”.

Các nhà sử học ước tính cuộc chiến có thể đã làm thiệt mạng tới một triệu binh lính và giết chết hàng triệu thường dân. Hàng ngàn gia đình bị chia rẽ với rất ít liên lạc khi Khu phi quân sự được canh giữ nghiêm ngặt chia đôi bán đảo.

Theo Reuters, các quan chức Hàn Quốc hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ việc chấm dứt thỏa thuận đình chiến và nói rằng họ đánh giá cao vai trò của Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc, nhưng liên minh Hàn Quốc với Hoa Kỳ nên tiến triển theo thời đại.

“Đã đến lúc Hàn Quốc phải giữ vị trí trung tâm trong việc duy trì hòa bình và an ninh của riêng mình, bằng cách chấm dứt tình trạng đình chiến hiện tại và thiết lập một chế độ hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei-young cho biết hôm 24/6.