Hong Kong hoãn thảo luận dự luật dẫn độ vì sức ép biểu tình

13 Tháng Sáu, 2019 | Tin thế giới
Đám đông tham gia biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sáng 12/6 trên đường phố Hong Kong. Photo Courtesy: Reuters

Đối mặt với sức ép lớn từ hàng chục nghìn người biểu tình gây tê liệt khu vực trung tâm Hồng Kông ngày 12.6, nghị viện của vùng lãnh thổ này đã hoãn thảo luận dự luật gây tranh cãi cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục xét xử.

“Lãnh đạo Hội đồng Lập pháp đã chỉ đạo rằng cuộc họp của hội đồng vào ngày 12.6.2019, dự kiến diễn ra vào 11h sáng nay, sẽ được dời sang một ngày khác do Lãnh đạo Hội đồng Lập pháp quyết định. Các thành viên (của Hội đồng Lập pháp) sẽ được thông báo về thời gian diễn ra cuộc họp sắp tới”, hãng tin Guardian (Anh) dẫn thông cáo báo chí của Hội đồng Lập pháp Hong Kong hôm nay 12.6 cho biết.

Thông báo được đưa ra sau khi hàng nghìn người biểu tình sáng nay tập trung xung quanh đường Lung Wo, một khu vực gần các văn phòng của Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Hàng trăm cảnh sát đã được huy động để kiểm soát đám đông và cảnh báo người biểu tình không được tiến vào các tòa nhà chính quyền.

Một số người biểu tình đã phá các rào chắn, thậm chí chống đối cảnh sát khi được yêu cầu rút lui. Nhiều người dỡ gạch trên vỉa hè, kêu gọi cùng nhau xông vào trụ sở Hội đồng Lập pháp, trong khi một số khác lập trạm tiếp tế đối diện trụ sở Hội đồng Lập pháp để chuẩn bị cho cuộc biểu tình kéo dài.

Chính quyền Hong Kong đã khuyên các nhân viên làm việc cho các cơ quan chính quyền tránh lái xe tới chỗ làm. Hình ảnh do phóng viên chụp lại từ bên trong phòng họp của Hội đồng Lập pháp sáng nay cho thấy cảnh tượng vắng vẻ, khi rất ít nghị sĩ tới được trụ sở của hội đồng do người biểu tình bao vây các tuyến đường quan trọng tại trung tâm Hong Kong từ đêm qua.

Chính quyền Hong Kong đang xúc tiến thông qua dự luật nhằm đơn giản hóa thủ tục dẫn độ các nghi phạm tới các khu vực nằm ngoài 20 nơi mà Hong Kong đã ký hiệp ước dẫn độ trước đó, chẳng hạn Trung Quốc đại lục, đảo Đài Loan và Macau.

Nhiều người cho rằng nếu dự luật này được thông qua, người Hong Kong, người Trung Quốc và những người nước ngoài sống tại Hong Kong đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu họ là các đối tượng đang bị truy nã tại Trung Quốc đại lục. Họ nghi ngờ sự minh bạch và công bằng của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục.

Phong trào biểu tình đang diễn ra đẩy Hồng Kông vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới, tương tự như phong trào hồi năm 2014, đặt ra thách thức lớn đối với bà Lam và các chính trị gia Hồng Kông thân Trung Quốc khác.

Phong trào hồi năm 2014 đã không đạt được sự nhượng bộ dân chủ nào từ Bắc Kinh, mà còn khiến ít nhất 100 người biểu tình trẻ bị đưa ra truy tố trước pháp luật. Điều này khiến hoạt động biểu tình ở Hồng Kông bị lắng xuống mấy năm qua. Nhưng điều này đã thay đổi vào ngày Chủ nhật vừa rồi.

Tổng hợp