Liên minh châu Âu đàm phán tận khuya, cho Anh thêm 6 tháng để ‘ly dị’

12 Tháng Tư, 2019 | Tin thế giới
Liên minh châu Âu đàm phán tận khuya, cho Anh thêm 6 tháng để ‘ly dị’. Photo Courtesy: Reuters

Các cuộc đàm phán đã diễn ra căng thẳng đến tận khuya 10-4 (giờ địa phương) khi Pháp và một số nước châu Âu nhỏ hơn phản đối việc gia hạn tiến trình Brexit đến 1 năm và chỉ đạt thỏa hiệp khi thời gian rút xuống còn 6 tháng.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đồng ý lùi thời hạn nước Anh rời khỏi khối này đến cuối tháng 10-2019. Đây là một nỗ lực nhằm tránh một cuộc khủng hoảng giữa hai bờ eo biển Manche song vẫn còn phải chờ London đồng ý.

Đây là lần thứ hai EU đồng ý gia hạn ngày Anh rời khỏi liên minh hay còn gọi là tiến trình Brexit. Nếu nước Anh vẫn ở lại EU sau ngày 22-5, xứ sở sương mù sẽ phải tổ chức các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu.

Theo thông tin mới nhất từ Hãng thông tấn AFP, Thủ tướng Anh Theresa May đã chấp nhận mốc thời gian mới, tránh việc nước này chấm dứt 46 năm tư cách thành viên của EU vào nửa đêm 12.4 trong lúc chưa có bất kỳ thỏa thuận Brexit nào được thông qua.

Phát biểu khi trở lại trụ sở EU ở Bỉ ngày 10-4, Thủ tướng May nói bà muốn nước Anh rời khỏi EU “càng sớm càng tốt”.

“Tôi chỉ đề nghị được gia hạn đến ngày 30-6 nhưng bất kỳ sự gia hạn thêm nào sẽ cho chúng tôi thêm thời gian để thông qua thỏa thuận rời khỏi EU”, nhà lãnh đạo Anh tuyên bố, đồng thời kỳ vọng London sẽ rời EU trước ngày 22-5 để tránh việc cử tri Anh phải đi bỏ phiếu bầu nghị viện châu Âu.

Hầu hết trong số 27 nhà lãnh đạo EU, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã ủng hộ việc gia hạn Brexit với thời gian lên tới 1 năm. Mặc dù vậy, trong số các ý kiến phản đối, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người lên tiếng mạnh mẽ nhất.

Nhiều nhà lãnh đạo đã muốn gia hạn thời gian lâu hơn nhiều, đến cuối năm hoặc thậm chí tháng 3 năm sau. Tổng thống Pháp Macron đã đặt câu hỏi về khả năng của Thủ tướng Anh, trong việc thuyết phục quốc hội theo thỏa thuận của mình, các quan chức EU khác cho rằng thời hạn chặt chẽ hơn sẽ tập trung sự chú ý của người Anh về Brexit. Những người khác lập luận rằng một sự gia hạn kéo dài hơn có thể khiến các nhà phê bình ủng hộ Brexit phải ủng hộ thỏa thuận của Thủ tướng Anh vì lo sợ Brexit có thể bị đình trệ.

Nước Anh bắt buộc phải tổ chức bầu cử nghị viện châu Âu để bảo đảm tính chính danh và hợp pháp của cơ quan lập pháp EU chừng nào London chưa rời khỏi EU. Trong khi chính quyền bà May tỏ ra không mấy mặn mà, các lãnh đạo EU khác lo ngại việc một nước Anh sắp rời đi lại có người trong các Ủy ban châu Âu là điều không hề dễ chịu.

Tổng hợp