Macedonia quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia

13 Tháng Sáu, 2018 | Tin thế giới
Thủ tướng Macedonia, ông Alexis Tsipras (trái) cùng Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras tại hội nghị thượng đỉnh ở Sofia, Bulgaria hôm 17.5.2018. Photo Courtesy: Reuters

Nhằm chấm dứt tranh cãi kéo dài suốt 27 năm qua với Hy Lạp xung quanh vấn đề tên gọi, Macedonia đã quyết định đổi tên mới thành nước Cộng hòa Bắc Macedonia.

Theo hãng tin Reuters, Macedonia và Hi Lạp ngày 12.6 đã đạt được thỏa thuận lịch sử trong việc giải quyết mâu thuẫn liên quan tới việc trùng tên gọi từng là mâu thuẫn dai dẳng giữa hai nước trong nhiều thập kỷ.

Theo thỏa thuận này, Thủ tướng Macedonia, ông Zoran Zaev, cho biết nước ông sẽ chính thức có tên là Cộng hòa Bắc Macedonia (Republic of Northern Macedonia). Hiện tại ở LHQ, tên gọi chính thức tạm thời của Macedonia là “Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ”.

Tranh cãi về vấn đề này đã nóng lên khi Macedonia nộp đơn gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng bị Hy Lạp phủ quyết. Vì vậy, việc đổi tên nước nhằm chấm dứt mâu thuẫn với Hy Lạp có thể sẽ giúp Macedonia gia nhập EU và NATO dễ dàng hơn.

Ông Zaev cho rằng thỏa thuận mới vừa đạt được giữa Macedonia và Hi Lạp sẽ mở đường cho quốc gia bé nhỏ vùng Balkan này rốt cuộc sẽ có cơ hội trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và thành viên của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cho tới nay Macedonia vẫn chưa thể trở thành thành viên của hai tổ chức vừa nêu do vấp phải những phản đối từ Hi Lạp liên quan tới việc tên gọi Macedonia của họ.

Chính quyền tại Athens không chấp nhận tên gọi này vì nó trùng với tên gọi của một tỉnh phía bắc Hi Lạp, theo đó họ cho rằng nếu Macedonia cứ dùng tên gọi đó thì cũng hàm ý luôn tuyên bố chủ quyền lãnh thổ với tỉnh phía bắc của họ.

Ông Zaev công bố về kế hoạch đổi tên nước tại một cuộc họp báo sau khi điện đàm với người đồng cấp Hi Lạp, ông Alexis Tsipras. Theo Thủ tướng Macedonia, hai nhà lãnh đạo sẽ sớm hội đàm để có thể chốt xong thỏa thuận này.

Tuy nhiên một thỏa thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo vẫn cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội hai nước và cũng phải có một cuộc trưng cầu ý dân tại Macedonia. Đây được xem là thử thách lớn với cả Hi Lạp lẫn Macedonia.

Trong thông cáo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định: “Thỏa thuận lịch sử này là kết quả của nhiều năm kiên nhẫn trong chính sách ngoại giao và những nỗ lực của hai nhà lãnh đạo nhằm giải quyết các bất đồng đã kéo dài nhiều năm. Điều này sẽ giúp củng cố nền hòa bình và ổn định trong khu vực Tây Balkan”.

Tổng hợp